Hồng Thủy - Vatican
Trong buổi trình bày chứng từ mà Tim Guénard, nhà văn và giảng viên người Pháp tổ chức tại giáo xứ hai thánh Fabiano và Venanzio ở Roma, động từ “trộm cắp” là một trong những thành ngữ được lập lại nhiều nhất. Tim Guénard được so sánh với người trộm lành, người đã cướp thiên đàng từ Chúa Kitô chịu đóng đinh chỉ bằng lời cầu xin Chúa nhớ đến ông.
Ông Guénard kể: “Tôi luôn là một tên trộm, nhưng không còn trộm các đồ đạc vật chất. Tôi đã trộm những lời nói như “tôi yêu thương bạn, tôi thích bạn, tôi tự hào về bạn. Gia đình tôi vô thần và cả tôi cũng từng như thế. Và tôi đã “ăn trộm tôn giáo của những người có Chúa trong lòng họ”.
Tim Guénard là người cao to lực lưỡng, gương mặt vui tươi, một loại người tốt bụng cổ điển, thích sử dụng cách nói nghịch lý. Nhìn dáng vẻ của ông, người ta không thể tưởng tưởng rằng ông đã trải qua thời trẻ với những dấu vết của sự thù hận; không phải là một thứ thù hận chung chung nhưng là sự hận thù dữ dội đã khiến ông nghĩ đến việc giết cha của mình. Có thể khác được không đối với một cậu bé bị mẹ bỏ rơi khi mới lên hai, bị buộc vào một cây cột điện như một con chó nhỏ, rồi sau đó được người cha rượu chè đưa về nhà và một ngày kia bị đánh đập cho đến hôn mê? Ông chia sẻ: “Tôi là con, là cháu, là chắt của những người nghiện rượu, nhưng tôi sẽ không như vậy, để cho các con và cháu của tôi cũng không như thế. Họ đã đánh đập tôi nhưng tôi sẽ không đánh đập các con của tôi”.
Khi cậu bé Tim hồi tỉnh sau khi bị hôn mê, với đôi chân tê liệt, động lực duy nhất để chữa lành và sống vẫn là sự giận dữ vô cùng. Ông Guénard kể tiếp: “Tôi tự nhủ: tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cha tôi, tôi sẽ lại bước đi, đến gặp và giết ông ta. Những người khác tiến bước với nhiên liệu của tình yêu, còn tôi thì với nhiên liệu của lòng hận thù”. Thực tế là cho đến tuổi trưởng thành, Tim chưa bao giờ cảm thấy được yêu thương. Tuy nhiên, xung quanh anh, trong các nhà tù và trại trẻ mồ côi nơi anh sống từng khoảng thời gian, anh nhận thấy rằng, đôi khi, mọi thứ lại xảy ra khác với những người khác. Ông kể: “Tôi phát hiện ra rằng người ta yêu thương nhau, giao tiếp bằng những lời tốt đẹp, nhìn nhau cách ngọt ngào, họ trao đổi quà tặng”. Và Tim đã bị mê hoặc bởi những hình ảnh bình dị thoáng qua đó, rồi một ngày nọ, anh đã tìm được một tấm hình trong số những món quà đó: trên đó có in hình ảnh dành cho trẻ em. Ông kể: “Một con gấu bông dường như chào tôi. Mỗi ngày tôi thường nhìn vào mảnh giấy gói này. Vào buổi tối, tôi có ấn tượng rằng con gấu nói với tôi: chúc ngủ ngon”.
Trong trại trẻ mồ côi, theo chu kỳ, nhiều đứa trẻ “trúng xổ số tình yêu” và cuối cùng được nhận nuôi trong một số gia đình. Đây không phải là trường hợp của Tim, và cuộc sống của anh tiếp diễn qua các nhà tù, nơi anh “ngày càng trở nên bạo lực để làm cho mình được tôn trọng”, và trên các đường phố.
Chạy trốn đến Paris, trong một năm rưỡi, Tim ngủ trên đoạn đường dốc bên phải của tháp Eiffel. Trên băng ghế, anh kết bạn với ông Leon, người dạy cho anh đọc. Bị thúc đẩy bởi sự tò mò, Tim cũng tìm các tờ báo trong thùng rác. Một ngày nọ, anh tìm thấy trên thùng rác cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo, và đó là một cú sốc đầu tiên đối với anh. Ông Guénard nói: “Jean Valjean là một người có cuộc sống tồi tệ, sau đó anh ta đã trở nên vững chãi. Cảm ơn Big Boss vì đã phát minh ra rác: ở đó tôi đã tìm thấy anh chị em của mình”.
Những năm sau đó, Tim tiếp tục “ăn trộm” những mảnh tình người rải rác giữa tất cả những người mà anh gặp gỡ. Một ngày kia, trên đường đi kèm Tim ra tòa, một viên cảnh sát đã cho anh một nửa khúc bánh mì và nhìn anh “cách dịu dàng”. Tim chia sẻ: “Nếu ngày nay tôi còn sống là nhờ cái nhìn tốt đẹp đó”. Anh đã học nhìn thấy người mẹ mà anh chưa bao giờ có nơi một nữ thẩm phán và anh đã hứa với bà sẽ tặng bà tấm bằng tốt nghiệp mà anh rất vất vả mới đạt được. Sau đó, vì cần phải làm việc, anh đã xin bà cho anh lại tấm bằng đó.
Tim đã gặp Big Boss “Ông Chủ Lớn” như thế nào? Một ngày nọ, một người bạn “rất Kitô giáo”, nói với Tim về Thiên Chúa; anh ta nói với Tim rằng “Chúa đến vì người nghèo”; người bạn này cầu nguyện cho Tim và sau đó, giới thiệu anh với một tình nguyện viên làm việc với người khuyết tật trong một cộng đồng của phong trào “Con Tàu”. “Tại sao bạn làm việc miễn phí?” Tim hỏi. Và anh ta trả lời: “Tôi làm điều này vì Chúa”. Và Tim, thoạt nhìn, đã nghĩ: “Tên này đã hút thứ gì đó khá nặng ...” Sau đó, một cậu bé tật nguyền nói với anh ta: “Chúng ta hãy đi gặp Giêsu”. Tim nghĩ rằng đó là tên Giêsu của một người Bồ Đào Nha mà anh biết trước đó không lâu. Sau đó Tim phát hiện ra rằng ngôi nhà của Giêsu đó là một nhà thờ, thực ra, chính xác là một nhà tạm đóng kín với khóa đôi; trước nơi đó, hàng trăm người đang trò chuyện với Người ... trong thinh lặng, khiến anh cũng nhanh chóng thinh lặng.
Đó là câu chuyện về Tim Guénard, một người đàn ông được cứu chuộc, một “kẻ trộm” các ánh nhìn và tình yêu, mà đỉnh cao là sự tha thứ. Ông Guénard kết luận: “Nhờ có Big Boss, tôi đã có thể tha thứ cho cha mình, nhưng người đầu tiên tôi tha thứ là chính tôi. Ký ức của tôi ngăn cản tôi hiện hữu. Tha thứ không phải là quên mà là biết cách sống với quá khứ của mình”.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn