Hiệp hành: Khởi đi từ Ba Ngôi Thiên Chúa
HIỆP HÀNH: KHỞI ĐI TỪ BA NGÔI THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Kiều Văn Tụ
WHĐ (06.4.2022) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI vào ngày 09/10/2021. Với chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”,[1] Thượng Hội đồng chính thức bắt đầu giai đoạn chuẩn bị tại các Giáo hội địa phương. Để định hướng quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, một tài liệu chính thức đã được ban hành.[2] Qua việc phác hoạ một vài vấn đề mà Giáo hội nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, tài liệu đã nêu ra một số phương cách để Giáo hội và từng thành viên của Giáo hội có thể “hiệp hành” với nhau và với con người của thời đại ngày nay. Cụ thể, tài liệu chỉ ra rằng nếu đại dịch Covid đã và đang gây ra rất nhiều tổn thương về tinh thần và vật chất cho đại gia đình nhân loại, thì dịch bệnh của lạm quyền nơi hàng giáo sỹ và bệnh lạm dụng tình dục cũng gây nên những vết thương khó có thể chữa lành ngay trong lòng Giáo hội. Đứng trước các vấn nạn này, tài liệu mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mặc dù có các vết thương khắc sâu do những điều vừa kể trên gây ra, Giáo hội vẫn nhìn thấy ánh sáng của niềm hy vọng qua các cách diễn đạt Đức tin đầy mới mẻ và sống động của người tín hữu. Tại nhiều Giáo hội địa phương, việc tham gia của các thành phần dân Chúa, đặc biệt là sự tham gia của những người nữ, cả trong cơ cấu tổ chức cũng như trong cử hành phụng vụ đã tạo nên một sự mới mẻ linh hoạt trong Giáo hội. Có thể nói, cách nào đó, sự “hiệp hành” trong Giáo hội đã có những bước tiến triển nơi mọi thành phần Dân Chúa. Tuy nhiên, sự “hiệp hành” này không chỉ ở trong lòng Giáo hội mà Giáo hội còn được mời gọi “hiệp hành” với hết mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh nghèo khổ, những người bị bỏ rơi và những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Vì muốn nhấn mạnh đến việc “hiệp hành” trong việc phục vụ tha nhân mà trong bài diễn văn khai mạc Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha đã cảnh báo ba yếu tố có thể biến Thượng Hội đồng thành một sự kiện mang tính hình thức. Các yếu tố đó là: câu nệ hình thức, đề cao lý trí và thái độ bất động.[3] Khi cảnh báo việc quá đề cao lý trí như một điều cần tránh, Đức Thánh Cha không có ý coi thường việc suy tư lý trí. Đúng hơn, Đức Thánh Cha như muốn nhắn nhủ rằng ngoài lý trí chúng ta cần phải có con tim để “hiệp hành” với nhau và với thế giới. Đề cao lý trí mà không lưu ý đến mục vụ và các vấn nạn của thời đại là đang phớt lờ tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Vậy nhưng, làm thế nào để cân bằng giữa suy tư lý trí và việc mục vụ luôn là một điều không hề đơn giản. Để việc “hiệp hành” không phải là một vấn đề cảm tính thì suy tư lý trí đóng một vai trò quan trọng. Nhờ các suy tư lý trí trong đức Tin mà chúng ta hiểu sâu hơn về chân lý của đức Tin. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là nền tảng cho các suy tư này. Bởi mầu nhiệm này là khuôn mẫu cho mọi suy tư thần học. Vì vậy, mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là khuôn mẫu cho việc “hiệp hành” mà Thượng Hội đồng đang hướng tới. Có thể nói, sự “hiệp hành” mà Giáo hội đang hướng tới không phải một sáng kiến mới mẻ của Đức Giáo hoàng hay của bất cứ ai, mà nó được bắt nguồn từ trong chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy, để tìm hiểu và phác hoạ một định hướng nhằm giúp Giáo hội có thể “hiệp hành” với Thiên Chúa và với thế giới, chúng ta nên quay về tìm hiểu nguồn gốc của sự “hiệp hành” trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài viết này sẽ trình bày:
1. “Hiệp Hành” trong Ba Ngôi Thiên Chúa - “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17)
2. “Hiệp hành” của Ba Ngôi trong công trình tạo dựng - “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta.” (St 1,26)
3. “Hiệp hành”, sứ vụ của Đức Giêsu Kitô: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi.” (Ga 12,49)
4. Giáo hội tiếp tục sứ mạng hiệp hành của Đức Giêsu Kitô: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,22)
5. Lời kết |
Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Giáo hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần'”[4] Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Nói cách khác, vì Giáo hội có nguồn gốc từ Ba Ngôi Thiên Chúa, nên mầu nhiệm hiệp nhất của Ba Ngôi được phản chiếu nơi Giáo hội. Sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn là căn nguyên của mọi loài hiện hữu. Khi nói như vậy, chúng ta không có ý khẳng định cách chủ quan rằng, tại vì có sự hiệp nhất trong Ba Ngôi nên phải có thụ tạo. Việc tạo dựng và cứu chuộc luôn là một hành động tình yêu tự do của Thiên Chúa. Vì yêu và muốn thông ban tình yêu nên Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật. Cũng vì yêu và muốn thông ban tình yêu nên Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hiệp nhất với Ngài.
Tuy nhiên, trước hết để có thể tránh được những sai lầm về những gì liên quan đến Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cần phải phân biệt Thiên Chúa Ba Ngôi nơi nội tại và Thiên Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu chuộc (hay nhiệm cục cứu chuộc). Thực chất, Thiên Chúa Ba Ngôi trong nội tại và Thiên Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu chuộc là một Thiên Chúa.[5] Việc phân biệt này chỉ có mục đích giúp chúng ta ý thức rằng; những gì chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa đều qua mạc khải siêu nhiên từ Đức Giêsu Kitô. Nghĩa là chúng ta chỉ biết Thiên Chúa Ba Ngôi qua những hoạt động của Ngài trong chương trình cứu chuộc. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể biết được “Ngài là” nơi nội tại của Ngài. Thêm vào đó, chúng ta cũng phải phân biệt hai khái niệm trong triết học; đó là tiềm thể (potentiality) và hiện thể (act)[6]. Vì Thiên Chúa là nguyên nhân hiện hữu của chính mình Ngài nên nơi Thiên Chúa không có tiềm thể mà chỉ có hiện thể. Việc phân biệt này giúp chúng ta xác tín Thiên Chúa luôn hiện thể chứ Ngài không phải chỉ là hiện thế trong lịch sử cứu độ. Nói cách khác, Thiên Chúa không cần đến việc tạo dựng và chương trình cứu độ để thể hiện quyền năng của Ngài. Mà Ngài tự bản chất là quyền năng, một quyền năng tròn đầy luôn luôn hiện thể (in act) mà không bao giờ có tiềm thể (in potentiality). Và vì có sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi, đồng thời Thiên Chúa lại luôn hiện thể, nên có sự “hiệp hành” trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Để hiểu một cách rõ hơn về sự hiệp hành nơi Thiên Chúa, chúng ta quay lại với Thiên Chúa trong nội tại. Theo Thánh Tôma Aquinô, có hai phát xuất (procession) nơi nội tại của Thiên Chúa; phát xuất của Trí năng và phát xuất của Ý chí.[7] Phát xuất của Lý trí được nhìn nhận như là phát xuất của Ngôi Lời. Có sự khác biệt rất lớn giữa Lý trí của Thiên Chúa và lý trí của con người. Vì Thiên Chúa là Đấng giản đơn (simple), toàn năng (omnipotence) và luôn hiện thể (in act), Lý trí của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Trong khi đó, con người chúng ta vì được dựng nên có hồn và xác, lý trí của chúng ta phụ thuộc vào các tri giác (senses) để khám phá thực tại. Ở trong con người, khi chúng ta nhận biết một vật nào đó, thì vật đó hiện hữu trong tri thức của chúng ta (thing known is in the knower). Vì Thiên Chúa luôn nhận thức hay biết được cái mà ‘Ngài là' nên sự phát xuất của Lý trí nơi Thiên Chúa không mang đến một thứ gì khác Thiên Chúa, nhưng chính là Thiên Chúa.[8] Vì vậy, sự phát xuất của Ngôi Lời từ Chúa Cha được gọi là sự phát xuất của việc “sinh ra” (generation).[9] Và cũng vì vậy mà Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Nếu sự phát xuất của Ngôi Lời là sự phát xuất của Lý trí thì sự phát xuất của Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con là sự phát xuất của Ý chí. Sự phát xuất này không phải là sự “sinh ra” nhưng được gọi là phát xuất của Tình yêu.[10] Giống như người được yêu hiện diện trong người yêu, Chúa Thánh Thần đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con.
Khi đề cập đến các phát xuất của Lý trí và Tình Yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta làm nổi bật lên sự hiện thể (in act) trong nội tại của Ba Ngôi, đồng thời cũng cho thấy sự hiệp nhất cùng một bản thể nơi Thiên Chúa. Hơn thế nữa, qua việc tìm hiểu sự phát xuất của Trí năng và Tình Yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, con người cũng hiểu được chính bản thân mình. Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa với lý trí và ý chí, con người được mời gọi dùng sự tự do của mình để hiệp nhất với Thiên Chúa. Cách nào đó, quá trình đưa tới sự hiệp nhất nơi mỗi người cũng phỏng lại quy trình trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong những phần tiếp theo. Để cho việc tìm hiểu được logic và liền mạch, chúng ta hãy quay lại với các phát xuất trong nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi phân biệt Ba Ngôi Thiên Chúa nội tại và Ba Ngôi Thiên Chúa trong nhiệm cục hay trong chương trình cứu độ, cần lưu ý rằng: việc phát xuất của Ngôi Lời và Thánh Thần trong nội tại Thiên Chúa không tạo nên một hệ quả cho các sứ vụ của Ngôi Hai và Ngôi Ba trong chương trình cứu chuộc. Như đã nói ở trên, Thiên Chúa không bị buộc phải tạo dựng và cứu chuộc. Công trình tạo dựng và cứu chuộc được thực hiện từ chính tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc Thiên Chúa luôn “hiệp hành” nơi nội tại của Ngài được nhận biết cách rõ ràng hơn trong nhiệm cục cứu độ. Có thể nói, vì Thiên Chúa thực sự “hiệp hành” trong chính nội tại của Ngài, nên Ngài cũng luôn hiệp hành trong nhiệm cục, và chính từ sự hiệp hành đó mà có muôn loài hữu hình và vô hình.
Sự phát xuất của Ngôi Hai và Ngôi Ba trong nội tại Thiên Chúa tạo nên sứ vụ của các Ngôi Vị này ở nhiệm cục cứu độ. Vì vậy, sứ vụ của các Ngôi Vị trong nhiệm cục có tương quan (relation) tới phát xuất của các Ngôi Vị này nơi nội tại Thiên Chúa. Sự tương quan này được miêu tả như sự liên hệ của nguồn gốc. Bởi nói đến sứ vụ là nói đến việc người sai và người được sai.[11] Trong sứ vụ của Ngôi Hai và Ngôi Ba, Ngôi Cha đóng vai trò là người sai. Vì Ngôi Hai và Ngôi Ba đều bắt nguồn từ Ngôi Cha, nên Ngôi Cha không đóng vai trò là người được sai. Tuy nhiên, việc sai đi này không hiểu theo nghĩa thuần tuý của con người. Nơi nội tại Thiên Chúa, Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể, vì vậy Ngôi Vị này hiện diện nơi Ngôi Vị khác cách hoàn bị nhưng không lẫn lộn. Chính vì vậy trong sứ vụ của Chúa Con có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tương tự như vậy, trong sứ vụ của Chúa Thánh Thần có Chúa Cha và Chúa con.[12]
Một tương quan nữa được nhắc tới trong sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần là tương quan của hai Ngôi Vị này với tạo vật. Hai Ngôi Vị được sai đi có tương quan một cách cụ thể với tạo vật. Sự tương quan này cũng không phải là một tương quan bắt buộc hay phụ thuộc. Có chăng tương quan này chỉ mang tính phụ thuộc và bắt buộc về phía thụ tạo, còn về phía Thiên Chúa tương quan này không mang lại điều gì mới mẻ trong nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa.[13] Về phía thụ tạo, vì tương quan với các Ngôi Vị nên thụ tạo được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Nói cách khác, sứ vụ của các Ngôi Vị được hiểu như là những món quà mà Thiên Chúa trao tặng cho thụ tạo của Ngài. Nhờ tiếp nhận những món quà này mà thụ tạo được hiệp thông với Thiên Chúa. Những món quà mà sứ vụ của các Ngôi Vị ban tặng được hiểu như là các xuất phát tạm của các Ngôi Vị nơi thụ tạo. Các phát xuất này làm cho các Ngôi Vị hiện diện cách mới mẻ nơi thụ tạo. Tóm lại, việc phát xuất nơi nội tại của Thiên Chúa tạo nên sự phát xuất tạm thời của hai Ngôi Vị này trong nhiệm cục. Sự phát xuất tạm thời này cũng có thể được hiểu như là sứ vụ của Ngôi Hai và Ngôi Ba. Nơi sứ vụ này, bằng việc trao ban chính bản thân mình khi sai Ngôi Hai và Ngôi Ba, cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp hành để hiện diện cách sống động trong thế giới thụ tạo. Sự hiệp hành này được rõ ràng hơn trong các thụ tạo có lý trí, đặc biệt là nơi con người.
Như đã đề cập đến ở trên, phát xuất nơi nội tại Thiên Chúa tạo nên thế giới hữu hình và vô hình. Phát xuất của Trí năng và Ý chí nơi nội tại Thiên Chúa hàm chứa sứ vụ hữu hình và vô hình (visible and invisible) của Ngôi Hai và Ngôi Ba. Sứ vụ hữu hình của Ngôi Hai trong việc Nhập Thể luôn có sự đồng hành của sứ vụ Ngôi Ba. Thực ra, sự phát xuất nơi nội tại Thiên Chúa của Ngôi Hai và Ngôi Ba là nguồn gốc, nguyên nhân và là khuôn mẫu cho việc trở về với Thiên Chúa của con người qua việc trao ban ân sủng, nơi đó cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng hoạt động.[14] Nói cách khác, sự phát xuất của các Ngôi Vị tạo nên một hiệu quả tạm thời nơi thụ tạo. Theo thánh Tôma Aquinô, có hai loại hiệu năng được tạo dựng, đó là thường sủng (habitual grace) và ơn hiện sủng (actual grace). Ơn thường sủng và hiện sủng giúp con người tham dự vào đời sống siêu nhiên của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các ơn huệ này tạo nên mối tương quan mới mẻ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Cụ thể, Ngôi Ba Thiên Chúa hiện diện trong con người cách tạm thời qua ân sủng. Như một kết quả tất yếu, các ơn ban của Chúa Thánh Thần từ ơn thường sủng tạo nên những phát xuất trong con người giúp con người quay trở về với Thiên Chúa. Những phát xuất này bắt nguồn từ Thiên Chúa và mô phỏng lại những phát xuất nơi nội tại Thiên Chúa. Nếu đức ái làm cho linh hồn nên hoàn thiện và giống Chúa Thánh Linh, Đấng là Tình Yêu đích thực thì đức khôn ngoan, cái làm cho lý trí của chúng ta nên hoàn bị tạo nên trong chúng ta một phát xuất mô phỏng lại phát xuất của Ngôi Lời trong nội tại Thiên Chúa. Sự phát xuất của lý trí và ý chí trong con người, nhờ ân sủng đến từ Thiên Chúa đưa chúng ta trở về sống hiệp thông với Ngài.[15].
Đức Giêsu có đầy tràn ân sủng nơi Nhân tính của Ngài. Và vì Chúa Thánh Thần là tác giả của mọi ân sủng nên Chúa Thánh Thần luôn luôn đồng hành cùng Đức Giêsu trong mọi hoạt động nơi sứ vụ công khai. Do đó, mọi hành động của Đức Giêsu đều liên hệ tới Chúa Thánh Thần. Khi Đức Giêsu giảng dạy và hoạt động, đặc biệt là trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, tất cả đều có sự đồng hành của Chúa Thánh Thần.[16] Theo thánh Tôma Aquinô, mầu nhiệm Nhập Thể luôn luôn là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiệp hành để đưa thụ tạo trở về với Ngài. Bằng việc khẳng định có ân huệ thường sủng (habital grace) trong Nhân tính của Đức Giêsu, thánh Tôma muốn nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần ở trong Đức Giêsu một cách trọn đầy. Chính vì vậy mà qua thân xác của mình, Đức Giêsu trao ban Thánh Thần xuống trên Giáo hội và các thành viên của Giáo hội.
Tóm lại, luôn có sự “hiệp hành” nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đặc biệt trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Chúa Thánh Thần được gửi đến trong nhân tính của Đức Giêsu qua ơn thường sủng để đồng hành với Đức Giêsu trong các hành động và lời giảng dạy của Ngài nơi sứ vụ cứu chuộc. Từ các phát xuất nội tại của Thiên Chúa mà sứ vụ hữu hình và vô hình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần nơi thụ tạo phát xuất ra. Vì thế, không thể nói tới sứ vụ hữu hình của Đức Giêsu mà không nhắc tới sứ vụ vô hình của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ. Giống như các hành động của Đức Giêsu đều bắt nguồn và hướng về Chúa Cha, sứ vụ của Chúa Thánh Thần cũng có nguồn gốc từ Chúa Cha và Chúa Con để quy tụ thụ tạo về vương quyền của Thiên Chúa thông qua Nhân tính của Đức Giêsu. Sứ vụ này vẫn được tiếp tục nơi Giáo hội mà Đức Giêsu thành lập. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động nơi Giáo hội được Chúa Giêsu xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ, như một Israel mới nhằm đưa mọi thụ tạo quy về vinh quang Thiên Chúa.
Khác với các loài thụ tạo khác, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa với lý trí, ý chí và tự do. Sự hiện hữu của con người không phải là kết quả của một sự tình cờ, nhưng trong suy tư và yêu thương của Thiên Chúa. Và vì vậy, Thiên Chúa trân trọng và nâng niu thụ tạo mà Ngài dựng nên. Ngài đặt họ vào một nơi xứng với nhân phẩm của họ và Ngài hiện diện với họ trong từng giây phút. Với lý trí, ý chí và tự do, con người được mời gọi hiệp hành với Thiên Chúa. Tuy nhiên, thay vì quy thuận về Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài, con người đã đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa dành cho họ. Cụ thể, thay vì nhận biết nhân phẩm cao quý của mình, con người lại muốn khước từ nó để trở nên cái mà họ muốn. Thay vì quy hướng về tình yêu, về điều thiện, con người lại muốn tự định đoạt điều tốt, điều xấu riêng cho mình. Một cách nào đó, con người cho rằng mình không phải là món quà của tình yêu, mình không phải là kỳ công của Thiên Chúa. Hoặc nói khác đi, khi làm trái ý định của Thiên Chúa, con người như muốn phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, bởi nếu Ngài yêu thương họ thì chắc hẳn Ngài phải dựng nên họ tốt đẹp hơn những gì họ đang có. Tội lỗi đã phá vỡ mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Khi con người không sống hiệp hành theo những gì mà Thiên Chúa mời gọi, họ bị mất đi sự hiệp thông với Ngài. Và vì mất đi sự hiệp thông với Thiên Chúa, nên họ cũng mất đi sự hòa hợp nơi bản thân, với đồng loại và với nhiên nhiên. Tội lỗi và cái chết là hậu quả của việc khước từ lời mời gọi “hiệp hành” với Thiên Chúa.
Tuy nhiên cho dù con người có kiêu ngạo và bất tuân, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Ngài vẫn luôn luôn hiệp hành với chúng ta. Có đánh phạt, cũng chỉ là cách để giúp con người quay trở lại với tình yêu của Ngài. Vì vậy, con người chúng ta dù ở trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là kết quả của tình yêu Thiên Chúa. Và có lẽ để minh chứng cho chúng ta biết rằng chúng ta có một phẩm giá cao quý nên Thiên Chúa đã từng bước can thiệp vào lịch sử hữu hạn của chúng ta. Trong đường lối sư phạm khôn ngoan và tiệm tiến của mình, Thiên Chúa luôn hiệp hành với con người. Ngay sau khi con người phạm tội, một lời hứa đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Và để thực hiện lời hứa rằng “dòng dõi người đàn bà sẽ đạp nát đầu mi” (St 3,15), Thiên Chúa từng bước can dự vào lịch sử con người. Thoạt tiên, Ngài chọn gọi Abraham và ban hành lời hứa thứ hai cho loài người qua ông. Với lời hứa rằng nhờ ông mà muôn dân nước trên trần gian sẽ được chúc phúc, Thiên Chúa đã dần dần hé mở kế hoạch cụ thể của Ngài cho toàn bộ nhân loại. Từ một con người dù đã cao niên, Thiên Chúa hứa ban cho một dòng dõi, một đất nước làm cơ nghiệp, rồi từ dòng dõi đó muôn dân muôn nước sẽ được chúc lành.
Lời hứa này giúp chúng ta nhận thấy cách thức mà Thiên Chúa đã và đang “hiệp hành” với chúng ta. Thiên Chúa toàn năng thích những gì là hèn mọn. Cụ thể, để giải cứu nhân loại lầm lỗi, Thiên Chúa đã chọn gọi cho mình một dân tộc bé nhỏ giữa muôn ngàn dân tộc khác. Từ một dân tộc nhỏ bé và rất hay bị bắt nạt này, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ. Lời hứa thứ ba mà Thiên Chúa thực hiện với vua Đavid đã hé mở rõ ràng hơn cách thức mà Thiên Chúa sẽ “hiệp hành” với con người. Với lời hứa rằng dòng dõi của Đavid sẽ trường tồn vạn kỷ qua Người Con xuất phát từ dòng dõi ông, Thiên Chúa đã chính thức hé lộ cách cụ thể kế hoạch của Ngài. Từ một người con trong dòng tộc vua Đavid, Thiên Chúa sẽ giải thoát nhân loại khỏi kiếp sống nô lệ của tội lỗi.
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta nhắc tới kế hoạch cứu độ khôn ngoan của Thiên Chúa mà không đề cập đến các tiên tri và ngôn sứ. Đây là những người trực tiếp truyền đạt lại các sứ điệp của Thiên Chúa cho dân Ngài. Các ngôn sứ và tiên tri như những khí cụ mà Thiên Chúa sử dụng nhằm hướng dẫn, dạy bảo và thanh luyện Dân Ngài để chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ. Có thể nói, sự hiệp hành của Thiên Chúa trong Cựu Ước nơi dân tộc được tuyển chọn là một sự hiệp hành gián tiếp qua các trung gian của Ngài. Sự hiệp hành này chỉ trở nên trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không còn hiệp hành với chúng ta qua trung gian nào nữa mà chính Ngài đến và hiệp hành với chúng ta.
Thánh Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng dạy rằng chỉ trong mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm về con người mới được soi tỏ.[17] Nói cách khác, bằng việc “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Ga 1,14), nhân phẩm của con người được nâng lên. Nơi Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta không những biết về Thiên Chúa, mà chúng ta còn biết về chính bản thân chúng ta. Sự nhận biết này mô phỏng lại phát xuất của Lý trí trong nội tại Thiên Chúa. Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có ý chí để chọn lựa những gì là phù hợp với nhân phẩm của mình. Ý chí ấy lại được quy chuẩn bởi lý trí. Nếu như tội lỗi làm lu mờ lý trí và ý chí khiến chúng ta không thể đi tới sự nhận biết Thiên Chúa trọn vẹn, thì nhờ việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã đến với chúng ta qua Ngôi Lời để nói cho chúng ta trọn vẹn những gì về Thiên Chúa. Sự hiệp hành của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ cụ thể là nơi Đức Giêsu Kitô luôn có mục đích đưa chúng ta quay trở lại mối dây hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng những gì mà Ngài đã phú bẩm nơi bản thân con người. Cụ thể, Ngài tôn trọng cách mà con người chúng ta nhận biết thế giới xung quanh cũng như nhận biết Ngài. Chính vì vậy, Ngài tiệm tiến, khôn ngoan và sư phạm để mạc khải mình ra cho chúng ta. “Và khi thời gian tới hồi viên mãn,” “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1,14)
Theo cách hiểu bình dân, lời là phương tiện để làm nên một cuộc hội thoại. Sẽ rất khó để có thể giao tiếp và hiểu người khác nếu chúng ta không dùng lời. Một cách nào đó, lời là kết quả của lý trí và suy tư trước khi là phương tiện để sử dụng trong đối thoại. Tuy nhiên, trong Tin Mừng Thánh Gioan “Lời” vượt lên trên nghĩa thông thường đó. Trong suy tư của người Hy Lạp, Logos “Lời” không chỉ đơn giản là lời nói nhưng là Lời thần linh để tạo nên trật tự của vũ trụ và liên kết con người với Thiên Chúa.[18] Chính vì vậy, Lời là một Ngôi Vị. Ngôi Lời đã có từ đời đời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến trong thế gian để chiếu soi cho mọi người” (Ga 1, 9). Chính trong ánh sáng thật này chúng ta mới nhận ra dung mạo của Thiên Chúa. Chính trong ánh sáng này chúng có thể “xem” và “thấy” Thiên Chúa.
Từ nay Thiên Chúa không chỉ tồn tại trong các suy tư triết lý nữa, mà chúng ta có thể xem và động chạm được Ngài. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử hữu hạn của con người qua việc Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Thiên Chúa đã đến để mặc lấy thân xác hữu hạn như chúng ta. Nếu trước đây, dục vọng và xác thịt ngăn cản ta đến với Thiên Chúa thì giờ đây trong thân xác của Đấng Cứu Thế chúng ta có thể đến và tiếp cận được Ngài. Nếu trong Cựu ước con người không thể tiếp cận được với vinh quang Thiên Chúa thì nơi Ngôi Lời Nhập Thể chúng ta được thấy vinh quang Ngài. Nếu Luật được ban cho Dân Chúa qua Môsê thì giờ đây ân sủng và sự thật được ban nhờ Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu, những người tin vào Người sẽ được trở nên con Thiên Chúa.
Nguyên nhân của sự hoán chuyển lạ lùng, Đấng vô hạn trở nên hữu hạn và thụ tạo được trở nên con Thiên Chúa, được chính Chúa Giêsu trả lời cho ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16) Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong sứ vụ của Đức Giêsu Kitô. Bằng việc đồng hành và liên đới với chúng ta, đặc biệt là những người đau khổ, thấp hèn và bị loại ra bên ngoài xã hội, Đức Giêsu đã đến như là vị cứu tinh không những chỉ bằng lời nói mà còn cả bằng hành động. Ngài động chạm đến những nỗi thống khổ của con người để xoa dịu và phục hồi nhân phẩm cho chúng ta. Sự đồng hành và liên đới của Ngài trở nên trọn vẹn nơi Thập Giá.
Thập Giá không những chỉ là dấu chỉ của ơn cứu độ mà Thập Giá còn phát sinh và là đường dẫn chúng ta tới ơn cứu độ. Trên Thập giá, Đức Giêsu đã thể hiện cách rõ ràng nhất như thế nào là hiệp hành. Một sự hiệp hành đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Nếu Ađam và Eva cho rằng mình phải trổi vượt hơn những gì mà Thiên Chúa ban tặng thì trong mầu nhiệm của Thập Giá, Thiên Chúa lại trở nên thấp hèn hơn cả chúng ta. Đối với Thiên Chúa, để hạ mình xuống như một thụ tạo vẫn chưa đủ, Ngài còn muốn được trở nên như một kẻ bị sỉ nhục và chết tức tưởi trên Thập Giá. Đó không phải là cách mà Thiên Chúa dùng để lên án chúng ta nhưng đó là cách mà Thiên Chúa phục hồi phẩm giá nguyên tuyền cho chúng ta. Đó là cách mà Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài cho loài thụ tạo. Một tình yêu trao ban chính thân mình cho người mình yêu. Nơi Thập Giá Chúa Kitô trời và đất được giao hòa. Thập Giá giờ đây không còn có được quyền lực tuyệt đối nơi con người chúng ta. Nơi Thập Giá Chúa Kitô chúng ta kín múc được nguồn sức mạnh để sống đúng với phẩm giá cao quý của mình. Từ nay tội lỗi, đau khổ và sự chết không còn có thể thống trị được con người chúng ta nữa. Chúng ta được mời gọi để sống như những người con của Thiên Chúa, biết tin tưởng và phó thác vào Cha nhân lành.
Như vậy, nơi Thập Giá của mình, Đức Giêsu đã hoạ lại cho chúng ta con đường để dẫn chúng ta trở về hiệp thông với Thiên Chúa. Nơi Thập Giá, Đức Giêsu vừa giao hòa chúng ta với Thiên Chúa vừa chỉ cho chúng ta đường để về với Chúa Cha. Thập Giá Chúa Kitô phải luôn luôn là đích điểm cho sự hiệp hành của chúng ta, là những người theo Chúa, với anh chị em đồng loại. Chính nơi Thập Giá Chúa Kitô sự “hiệp hành” mới mang ý nghĩa hoàn bị. Một Thiên Chúa toàn năng và thánh thiện, giờ đây lại thu mình trong thân phận của một tội nhân và chết một cách tủi nhục trên Thập Giá để “hiệp hành” nhằm cứu độ chúng ta. Và vì vậy, chính ở khía cạnh này mà từ “hiệp hành” được sử dụng nhằm diễn tả phương cách con người cần có để hiệp thông với Thiên Chúa. Hiệp thông với Thiên Chúa luôn là một ơn ban, nhưng con người phải dùng tự do của mình để cộng tác với ơn ban đó. Vì có sự cộng tác này, nên hiệp thông giờ đây trở thành “hiệp hành”. Con đường hiệp hành tạo nên trong chúng ta hai mối liên hệ ràng buộc. Một đàng chúng ta phải hiệp hành với Thiên Chúa, đàng khác chúng ta phải hiệp hành với anh chị em chúng ta. Nói cách khác, hiệp hành là sống điều răn mến Chúa yêu người cách trọn vẹn như Đức Giêsu đã dạy chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta phải trở nên nhỏ bé khiêm hạ như Đức Giêsu, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa được bắt đầu từ khi Đức Giêsu chính thức thi hành sứ vụ công khai của Ngài. Ngài không những chỉ loan báo về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, mà bằng việc chọn gọi các Tông đồ, Ngài còn thiếp lập Nước đó ở giữa các ông. Giáo hội được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ có sứ mệnh quy tụ muôn dân nước về vương quyền của Thiên Chúa. Truyền thống Tông truyền được thiết lập từ các Tông đồ trở nên như khí cụ cho việc “hiệp hành” trong Giáo hội và trên toàn thế giới. Sự “hiệp hành” qua Truyền thống Tông truyền không những được thể hiện qua cơ cấu phẩm trật hữu hình mà còn cả trong cơ cấu vô hình của Giáo hội. Vì được Thánh truyền hướng dẫn, các thành phần trong Giáo hội luôn quy hướng về một đức tin chân thật. Nhờ cảm thức đức tin của mọi thành viên mà Giáo hội thi hành sứ vụ giảng dạy của mình một cách không sai lầm.[19] Chúng ta có thể thấy rằng, vì nhận ra tầm quan trọng của cảm thức đức tin nơi mọi thành viên của Giáo hội nên Thượng Hội đồng lần này đã đề xướng việc cần thiết phải dành thời gian để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các thành viên Giáo hội. Khi lắng nghe và phân định các ý kiến trong lòng Dân Thánh, Thượng Hội đồng đã làm một việc rất khác so với các Thượng Hội đồng lần trước. Bởi Giáo hội mà cụ thể là các Thượng Hội đồng thường bắt đầu bằng việc soạn thảo văn bản rồi chuyển xuống cho mọi thành phần dân Chúa học hỏi và thực hành, nhưng Thượng Hội đồng lần này lại làm theo cách ngược lại. Nghĩa là, từ việc lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua mọi thành viên của Giáo hội, Thượng Hội đồng sẽ đúc kết nên những văn bản có giá trị để Giáo hội dựa vào đó mà “hiệp hành” với mọi người.
Khi nói về cảm thức đức tin trong lòng Dân Thánh, chúng ta phải nói tới các hình thức đạo đức bình dân và đặc biệt là việc Giáo hội sống và cử hành các mầu nhiệm của Đức Kitô. Nhờ việc sống và tham dự vào việc cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, mà cảm thức đức Tin nơi các thành viên trong Giáo hội được thanh lọc và mang tính vô ngộ.[20] Tuy nhiên, ngoài việc củng cố cảm thức đức Tin trong lòng Dân Thánh, các bí tích mà cụ thể là bí tích Thánh Thể còn thúc đẩy sự hiệp hành của Giáo hội với thế giới. Bởi bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu. Nơi bí tích này, Đức Giêsu tiếp tục hiệp hành để đụng chạm tới những vết thương của con người chúng ta. Theo nghĩa đó, bí tích Thánh Thể là bí tích của hiệp hành. Bí tích này giúp chúng ta cảm nghiệm một cách trọn vẹn tình yêu hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Và vì vậy, bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng, củng cố và khơi gợi lên trong chúng ta việc thực hành đức bác ái với tha nhân.
Trong trình thuật của thánh Gioan về bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã rửa chân cho các tông đồ. Thông qua việc này, Đức Giêsu để lại cho các ông một mẫu gương về sự phục vụ trong khiêm hạ. Theo thánh Gioan, việc rửa chân diễn tả cách cụ thể về một tình yêu tự hiến. Khi làm như vậy, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy làm “như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Việc làm “như Thầy làm cho anh em” không chỉ đơn thuần là một ví dụ hay mẫu gương sống động nhưng còn là một nguyên nhân, một nền tảng và một động lực cho mọi hành vi bác ái khác. Chính vì vậy, với việc “nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15), Đức Giêsu ngụ ý rằng Ngài yêu thích việc phục vụ và vì vậy Ngài mời gọi những người đi theo Ngài cũng hãy làm điều tương tự cho anh chị em đồng loại.
Nhờ việc tham dự vào hiến tế trên thập giá của Đức Kitô, người tín hữu được mời gọi trao ban tình yêu cho anh chị em mình. Thực tế, chính trong bí tích Thánh Thể, người tín hữu nhận ra mình được yêu và vì vậy họ được mời gọi hãy trao ban tình yêu đó cho mọi người. Theo Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, việc cử hành Thánh Thể hiện tại hóa món quà cứu độ của Đức Giêsu trên thập giá cho mỗi chúng ta và cho toàn thế giới. Bí tích Thánh Thể vì thế biến đổi chúng ta thành những chứng nhân của tình yêu và lòng trắc ẩn cho anh chị em mình. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta thực hiện đức bác ái với hết mọi người kể cả những người mà chúng ta không biết hoặc không thiện cảm. Điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta có sự gắn kết thân mật một cách trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ mối dây gắn kết này, chúng ta sẽ trở thành những tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em mình.[21]
Vì vậy, việc cử hành và sống bí tích Thánh Thể là đi vào cuộc vượt qua, nơi đó chúng ta tham dự vào tình yêu tự hiến của Đức Giêsu. Nói cách khác, đây là một cuộc vượt qua đi ra khỏi con người chúng ta. Có Đức Giêsu đồng hành, cuộc vượt qua thiêng liêng này giúp chúng ta đi tới mọi ngõ ngách để trao tặng tình yêu tự hiến. Như hạt giống, “trừ khi nó thối đi, nó mới sinh bông hạt,” (Ga 12,24) người tín hữu cũng phải tự hủy mình để đến với những người đau khổ, bất hạnh và bị loại bỏ. Bí tích Thánh Thể tự bản chất có thể biến đổi cuộc sống chúng ta. Giống như, “Đức Giêsu đã hiến thân vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải hiến thân cho nhau.” (1Ga 3,16)
Thánh Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ.”[22] Nơi hoạt động tông đồ bác ái của mình, người tín hữu làm cho hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa hiện hữu trong môi trường họ đang sống. Thực tế, “bí tích Thánh Thể nói lên ý nghĩa của đức ái, nhắc nhở và cụ thể hóa, đồng thời thực hiện đức ái. Mỗi lần chúng ta tham dự bí tích đó cách ý thức, một chiều kích vương giả của tình yêu khôn thấu mở ra trong tâm hồn chúng ta, tình yêu bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người, và vẫn tiếp tục thực hiện, đúng như lời của Chúa Kitô: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc””[23]
Tóm lại, nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục hiệp hành với nhân loại. Sự hiệp hành này được cụ thể hóa nơi người tín hữu. Mỗi khi chúng ta thi hành các việc bác ái, đặc biệt cho những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ, và bị bỏ rơi là chúng ta đang phỏng lại các phát xuất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi trong con người chúng ta. Sự “hiệp hành” nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi được nối dài ra trong sứ vụ của các Ngôi Vị trong nhiệm cục cứu độ và được tiếp tục nơi mỗi người. Chính vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, “hiệp hành” là cách thức mà Thiên Chúa sử dụng để đưa chúng ta trở về với Ngài. Từ sự “hiệp hành” nơi nội tại Thiên Chúa, Ngài “hiệp hành” với chúng ta trong nhiệm cục. Và vì được tham dự vào sự “hiệp hành” đó, chúng ta qua Giáo hội được mời gọi “hiệp hành” với nhau để có thể tiến về “hiệp hành” với Thiên Chúa cách trọn hảo trong tình yêu và vinh quang của Ngài.
Vì được mặc lấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình nên mỗi người chúng ta, dù sống trong môi trường hoặc điều kiện thế nào, chúng ta cũng có nhân phẩm như nhau. Cụ thể, ngay trong lòng Giáo hội, dù khác biệt trong chức vụ và phẩm trật, mỗi thành viên Giáo hội đều cần phải được tôn trọng và lắng nghe. Đó chính là định hướng mà Thượng Hội đồng lần này nhắm tới. Khi nhắm tới từng thành viên của Giáo hội như là những thành viên chính thức của Thượng Hội đồng - những người trực tiếp tham dự và đưa ra ý kiến của mình nhằm xây dựng Giáo hội - Thượng Hội đồng như khẳng định rằng Giáo hội chỉ có thể hiệp hành với từng con người và toàn thế giới nếu các thành viên Giáo hội biết nhận ra nơi người khác nhân phẩm cao quý mà họ được dựng nên.
Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta đau lòng chứng kiến những vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những sự việc tồi tệ như thế có thể xảy ra ngay chính trong Thân Mình của Đức Kitô? Đã từ rất lâu, trong suy nghĩ của người Công giáo, việc phân biệt phẩm trật trong Giáo không nhằm vào phận vụ của từng cấp bậc mà nhắm tới sự tôn trọng nơi các cấp bậc đó. Một cách vô hình, sự tôn trọng này tạo nên chủ nghĩa giáo sĩ trị trong lòng Giáo hội. Thay vì nhắm tới chức vụ như là để phục vụ, việc phân biệt phẩm trật lại nhắm tới tôn ti trật tự theo nghĩa tiêu cực trong lòng Giáo hội. Khi những người có quyền mà không có đời sống thiêng liêng, họ sẽ lạm dụng quyền lực của họ để làm những điều bất chính. Một cách cụ thể hơn, khi sử dụng quyền lực để thống trị, những người này không nhìn thấy được phẩm giá cao trọng của những người mà họ được sai đến để phục vụ. Quyền lực đã làm cho cặp mắt tâm hồn của họ bị mờ đi, và do đó việc lạm quyền có cơ hội gia tăng.
Trong sứ vụ mục tử của mình, Đức giáo hoàng Phanxicô luôn luôn nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là những người mục tử phải “có mùi của chiên.” Chính khi nhìn nhận người khác là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể hòa mình vào với họ để phục vụ và mang lấy “mùi” của họ. Và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể “hiệp hành” và cùng nhau tiến về nhà Cha. Như vậy, để có thể “hiệp hành” theo như những gì mà Thượng Hội đồng lần này mong muốn, cụ thể là gặp gỡ, lắng nghe và phân định ý muốn của Chúa Thánh Thần khi lắng nghe nhau, chúng ta phải quay trở lại với phẩm giá của con người. Chỉ khi nào chúng ta thấy rằng mỗi người, dù bất cứ là ai, đều là hình ảnh của Thiên Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể “hiệp hành” với nhau giống như Ba Ngôi Thiên Chúa đã và đang hiệp hành với chúng ta.
Tài liệu tham khảo
• Aquinas, De Unione Verbi Incarnati, Trans. by Roger W. Nutt Peerers. Leuven - Paris- Bistol, CT, 2015.
• Aquinas, Commentary on the Gospel of John, Trans by Fabian Larcher, O.P., and James A. Weisheipl, O.P, with introduction and notes by Daniel Keating and Matthew Levering. Washington, D.C: The Catholic University of America Press, 2010.
• Aquinas, Tổng Luận Thần học, dịch: Lm Giuse Trần Ngọc Châu. Nhà xuất bản Phương Đông, 2017.
• Aquinas, Treatise on Man, Trans. by James F. Anderson. New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1962.
• Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính hiệp hành. (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941)
• Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum [Mạc khải của Thiên Chúa] (18.11.1965)
• Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes [Vui mừng và hy vọng] (07.12.1965)
• Công đồng Vaticanô II. Hiến chế tín lý Lumen Gentium [Ánh sáng muôn dân] (07.12.1965)
• ĐTC Phanxicô, Tông hiến Episcopalis Communio [Tình hiệp thông giám mục] (14.09.2018)
• ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti [Hỡi tất cả anh em] (03.10.2020)
• Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, (22.03.2007).
• Đức Bênêđictô XVI, Tông Huấn Lời Chúa, (11.11.2008).
• Đức Bênêđictô XVI, Giáo hội của các Tông đồ, dịch: Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB. (http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/08GiaoHoiCuaCacTongDo.htm)
• Emery, Gilles O.P., The Trinitarian Theology of Saint Thomas Aquinas, trans. Francesca Aran Murphy. Oxford: Oxford University Press, 20017.
• Legge, Dominic, O.P., The Trinitarian Christology of St Thomas Aquinas. Oxford: Oxford University Press, 2017.
• Karl, Rahner, Trinity, Trans. by Joseph Donceel, Burns and Oates a Continuum imprint, New York and London, 2001.
• Ủy ban thần học quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh (02.03.2018).
• Ủy ban thần học quốc tế, Tài liệu cảm thức đức tin (05.05.2014).
• Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio [Sứ vụ Đấng Cứu Thế] (07.12.1990).
• Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae (24.03.1980)
• Tài liệu chuẩn bị: Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-42903)
Lm. Giuse Kiều Văn Tụ - Tổng Giáo phận Hà Nội
Nghiên cứu sinh STD về Kitô học
tại Giáo hoàng Học viện Angelicum, Rôma
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)
Vaticanô II, Lumen Gentium, số 4.
Xem Karl Rahner: “The “economic Trinity is the “immanent” Trinity and the “immanent” Trinity is the “economic” Trinity.” (Rahner, Karl, Trinity, trans. by Joseph Donceel, Burns and Oates a Continuum imprint, New York and London, 2001, trang 21.)
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 3, tiết 1 và tiết 2, trang 39 - 42.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 27, tiết 5, trang 360-361.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 14, tiết 3, trang 183-184.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 27, tiết 2, trang 354 - 356.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 27, tiết 3, trang 356 - 358.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 43, tiết 1, trang 525 -526.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 43, tiết 1, giải đáp 2, trang 526.
Xem Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 43, tiết 2, giải đáp 2, trang 527.
Xem Dominic Legge O.P, The Trinitarian Christology of St Thomas Aquinas (Oxford: Oxford University Press, 2017), 17. Cùng xem: Tổng luận Thần học phần I, câu hỏi 43, tiết 3, trang 527 - 530.
Legge, The Trinitarian Christology of St Thomas Aquinas, 34.
Legge, The Trinitarian Christology of St Thomas Aquinas, 17.
Xem Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Lời Chúa, số 8.
Xem Tài liệu Cảm thức đức tin, Ủy ban Thần học quốc tế (05.05.2014).
Xem Tài liệu Cảm thức đức tin, Ủy ban Thần học quốc tế (05.05.2014) số 89.
Xem Sacramentum Caritatis, số 88.
John Paul II, Dominicae Cenae, số 5.