Lời Chúa : Mc 12, 28b-34
“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”
Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật, các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema, kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày: “Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29). Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa. “Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31). Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh. Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến.
Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân: đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm. Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay. Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30). yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác, vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước. Ăn ngay ở lành không đủ. Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành. Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân. Thương người như thể thương thân. Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống? Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ… Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.
Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu. Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí. Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ, dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu. Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó. Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn, nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Một ngày kia, ngay sau thánh lễ buổi sáng, một người phụ nữ đến gặp linh mục để xin cho lời khuyên. Cô nói rằng: “Thưa cha, con đã phạm một tội trọng vì đã vi phạm điều răn thứ ba của Thiên Chúa, đó là ‘không giữ ngày Chúa nhật’. Con đã bỏ lỡ thánh lễ Chúa nhật trước đó vì con không thể rời xa đứa con gái đang ốm nặng vào ngày hôm đó. Vị linh mục ấy nói với cô: “Thưa cô, cô sẽ phạm tội trọng nếu như cô bỏ mặc đứa con gái đang ốm nặng và đi dự thánh lễ mà không có ai chăm sóc nó”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, một người trong nhóm Luật sĩ đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Người rằng “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất”. Câu hỏi này không dễ tìm ra lời giải đáp vì trong 613 điều khoản chi tiết Luật Môsê, không đề cập đến điều răn nào đứng đầu. Có lẽ, họ đặt câu hỏi này để thử xem Chúa Giêsu có hiểu đúng luật như họ không. Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời bằng cách nối kết hai điều khoản căn bản xem ra tách rời trong sách Đệ nhị luật và sách Lêvi lại với nhau: “phải yêu mến Thiên Chúa với cả con người mình” (x. Đnl 6,4-6) và “phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Lv 19,18), qua đó khẳng định “chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12,31).
Chúa Giêsu làm cho họ ngạc nhiên vì sự đơn giản, sâu sắc và sự thông thạo Luật Thiên Chúa cũng như mục đích của Luật. Ở đây, Chúa Giêsu trình bày rõ ràng và đơn giản về cách chúng ta phải sống cuộc sống của mình: yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả những gì chúng ta có và yêu thương người lân cận như chính mình. Tình yêu Thiên Chúa là trên hết và tình yêu tha nhân được đặt nền tảng vững chắc trên tình yêu Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ban cho chúng ta hai điều răn lớn về tình yêu thương là mến Chúa và yêu người. Như vậy, Chúa muốn mời gọi chúng ta sống tình yêu thương như thế nào?
Trước nhất, tình yêu thương được thể hiện qua sự vâng phục. Chúa muốn chúng ta vâng lời Ngài. Việc vâng lời Chúa cần được biểu lộ qua việc biết chu toàn bổn phận của người Công giáo như tham dự thánh lễ Chúa nhật, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và bí tích Thánh thể… cho dẫu cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn và những thăng trầm của cuộc đời. Chắc chắn, Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7). Sự vâng lời không chỉ xét theo những hành động hay việc làm bên ngoài nhưng cần thể hiện với một tấm lòng ngay lành theo như ý Chúa muốn.
Kế đến, yêu thương còn được biểu lộ qua việc bác ái. Người Công giáo chúng ta được kêu gọi yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; do đó, yêu thương tha nhân hơn chính mình và không thiên vị. Chúng ta không thể nói rằng, một đằng chúng ta yêu Chúa nếu chúng ta không sống bác ái với anh chị em của mình trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. Thánh Gioan tông đồ nói: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó thì tất không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng nó không thấy”. (1Ga 4,20). Hơn nữa Chúa Giêsu dạy rằng: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,39). Tình yêu đích thực được thể hiện qua lòng bác ái của chúng ta.
Cuối cùng, tình yêu phải được thể hiện qua việc cầu nguyện. Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu là nguồn mạch duy nhất của cầu nguyện… Tình yêu này giúp chúng ta đáp lại Ngài bằng cách yêu thương như chính Ngài đã yêu thương chúng ta” (x. GLHTCG, số 2658). Để yêu Chúa, chúng ta cần phải vâng lời Chúa dạy và yêu người khác hơn chính mình. Tuy nhiên, điều này là không dễ thực hành nếu không biết cầu nguyện. Nếu việc cầu nguyện có thể giúp chúng ta đáp lại tình yêu thương thì đó là nhờ cầu nguyện; cầu nguyện giúp chúng ta lắng nghe được ý Chúa muốn thể hiện trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa Giêsu là trở nên giống Chúa Giêsu. Như thế, để có được sự biến đổi trong tình yêu cần lắm việc cầu nguyện mỗi ngày. Cầu nguyện làm cho người ta có được tình yêu thực sự và chân thành hơn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, luôn biết yêu thương qua sự vâng lời Chúa bằng việc sống lời Chúa dạy trong đời sống, biết quan tâm và giúp đỡ anh chị em xung quanh đang gặp đau khổ khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Amen.
Nguồn tin: www.giaophanbaria.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn