27.02.2024 – Thứ Ba Tuần II Mùa Chay

Thứ hai - 26/02/2024 21:42

27.02.2024 – Thứ Ba Tuần II Mùa Chay

Lời Chúa: Mt 23, 1-12  

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Suy nim:
 Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu, nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình. Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm. Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người. Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng. Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành. Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li, nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó. Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác. Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài: các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa, thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình, nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen. Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa. Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời. Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống: ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…  

Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ. Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy. Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi. Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha. Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô, vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời. Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em, và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy. “Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…”  

Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời. Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức, bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền. Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu? Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất? Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
 Cầu nguyn:  

Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.   Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình.   Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH

GP. PHÚ CƯỜNG

HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

“Hữu danh vô thực” hay “thùng rỗng kêu to” là câu nói mà cha ông ta vẫn thường dùng để phê phán những người có tên, có tiếng mà không có thực lực, tồn tại trên danh nghĩa nhưng thật ra lại không có khả năng gì; luôn tự hào về bản thân nhưng lại chẳng có gì là tài đức hơn người.

 Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng phê phán các kinh sư và người Pharisêu về một thái độ như thế, họ là những con người “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm hay nói một đàng làm một nẻo. Là những kinh sư, họ có nghĩa vụ và thẩm quyền chính đáng để giải thích và hướng dẫn dân chúng thực thi những lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng tôn trọng điều đó và truyền cho dân chúng làm như thế: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ”. Tuy nhiên, không vì thế họ có quyền miễn trừ cho mình khỏi giữ các luật ấy và thêm vào “những gánh nặng” cho người ta vì lợi ích của riêng mình. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã gắt gao lên án họ cùng với lối sống giả hình “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”.

Chúng ta đặt ra những câu hỏi: Có phải sứ điệp Tin mừng hôm nay chỉ lên án các kinh sư và những người Pharisêu? Còn phần chúng ta thì sao? Có phải chúng ta cũng đang tự hào mình là Kitô hữu, là dân của Giao ước mới, là con chiên ngoan đạo của Chúa Giêsu để rồi cho mình thẩm quyền phê phán họ khi nhìn về quá khứ? Nhìn vào cuộc sống hôm nay, rất nhiều khi chúng ta cũng sống giả hình, thậm chí là gây vấp phạm cho những người khác. Chúng ta luôn tự hào mình là người có đạo, là Kitô hữu nhưng chúng ta vẫn buôn gian bán lận, gian dối lọc lừa. Chúng ta tự hào mình học giáo lý đầy đủ nhưng vẫn ly dị, phá thai, bài bạc… Chúng ta tự hào hiếu kính cha mẹ tổ tiên trong từng lời kinh, thánh lễ nhưng kinh thì không đọc lễ cũng chẳng đi… Cho nên, đôi khi người ta vẫn nói: “Tin đạo chứ không tin kẻ có đạo”.

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 43, đã viết: “Sự phân cách giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta… Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế, tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa”. Đôi khi chúng ta giữ đạo chỉ vì lề luật, truyền thống gia đình, vì thói quen sinh hoạt hay để xin vài ơn cụ thể nào đó. Cho nên, dù phong phú trong các sinh hoạt đạo nhưng đức tin của chúng ta lại rất ít trổ sinh hoa trái trong đời sống xã hội và bác ái thường ngày, những hoa trái của một đời sống để cho Lời Chúa tác động. Đặc biệt trong Mùa Chay thánh này, ngôn sứ Isaia cũng nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất: “Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ”.

Vì thế, “Kitô hữu” hay “đạo Công giáo” không phải là một danh xưng “hữu danh vô thực” nhưng là một ơn gọi, một lối sống, một sự dấn thân cụ thể mà Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay  #muachay

Nguồn tin: www.giaophanbaria.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây