THỨ BA TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lc 11,37-41
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.
38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.
39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?
41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.
SUY NIỆM
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Hoàn cảnh: Một người pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn”: nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14.29). Dĩ nhiên người pha-risêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.
2. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức ; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
3. Tiếp theo Chúa Giêsu nói về “sự bố thí”. Ngài khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật: đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Cái nhìn toàn diện: Khi chỉ trích những người biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói: “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý: “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)
3. Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm: “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không ?” Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn: “Ông vua ở truồng! Ông vua ở truồng!”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.
4. “Đồ ngốc! Đấng làm tra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ?” (Lc 11,40)
Cứ hè đến là nó đi tĩnh tâm hay đi linh thao. Như mọi người, nó cũng thinh lặng, nhận điểm, dự cầu nguyện, dự lễ, xưng tội, và còn nức nở sám hối nữa!!! Ai cũng nghĩ nó là người đạo đức. Nhưng lần này nó lộ nguyên hình là đứa đạo đức giả, đúng hơn, một “diễn viên kịch” đại tài trong đời sống đức tin. Điều lạ lùng là nó cũng thừa nhận như vậy. Khi bị chất vấn, nó cười chua chát: “Phải, tôi chưa tin Chúa, tôi đi tìm Ngài và ước ao được thấy Ngài và ước ao được thấy Ngài qua đời sống của các bạn. Để được đón nhận nhanh nhất, bằng mọi giá, tôi phải có hình thức giống mọi người. Tôi phải trở thành Pharisêu...”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những pharisêu chính hiệu. Chúa ơi, xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM: TỐT HƠN, HÃY BỐ THÍ NHỮNG GÌ Ở BÊN TRONG
1. Rửa tay trước bữa ăn
Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chẳng hạn Đức Giê-su được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).
Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.
* * *
Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.
Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tẩy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.
2. Cái bên trong và cái bên ngoài
Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà » (c. 39).
Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.
Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm », nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ».
Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời, Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi con người trọn vẹn của chúng ta.
Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người » (c. 41). Đây chính là quan niệm hoàn toàn mới, « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch. « Thanh sạch » là cả một con đường, « Con Đường của Tấm Bánh », tấm bánh hằng ngày, Tấm Bánh mà Đức Giê-su trở nên, để nuôi sống chúng ta và dẫn chúng ta đến và thưởng thức TẤM BÁNH HẰNG SỐNG.
3. « Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh » (Tv 136, 25)
Theo kinh nghiệm sống của chúng ta, kinh nghiệm và Tv 135 diễn tả, “Ơn huệ bánh hằng ngày” đến từ:
Ø Sáng Tạo (vì là hoa mầu của ruộng đất), diễn tả chiều kích vĩnh cửu (Tv 136, 4-10).
Ø Và đến từ Lịch Sử (vì là kết quả do lao công của con người), diễn tả chiều kích mới mẻ (Tv 136, 11-24).
Như thế, “Ơn huệ bánh hàng ngày” tự nó đã diễn tả chính Thiên Chúa rồi. Vì “bánh hằng ngày” mang trong mình đồng thời hai chiều kích vĩnh cửu và mới mẻ, vốn diễn tả hành động của Thiên Chúa. Thế mà, hành động của Thiên Chúa diễn tả chính Thiên Chúa.
Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.
Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.
Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su cầm lấy BÁNH HẰNG NGÀY, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Như thế, nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa ban cho chúng ta BÁNH HẰNG SỐNG, là chính Chúa.
Tin Mừng cho chúng ta biết tấm TẤM BÁNH này được nhào nắn và đi qua con đường nào: BÁNH đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của BÁNH, đồng thời cho thấy BÁNH HẰNG SỐNG mạnh hơn sự chết.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!
Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, xầm xì.
Điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh; hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: TRÓI BUỘC
“Thật là ngốc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là “ngốc”, nhưng thực sự là Ngài đã nói với người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay như thế! Tại sao? Vì với người này, lề luật thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’ và trở nên một chiếc bẫy!
Một biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa; và người này trách Ngài không rửa tay. Nhân cơ hội, Ngài cho biết, ông ấy đã hiểu sai lề luật. Lề luật giải thoát để con người thờ phượng đúng đắn; nhưng khi nó tự trở thành mục đích, tách rời khỏi Đấng mà lẽ ra nó phải hướng về, thì lề luật là chiếc bẫy. Giáo Hội có đủ lề luật khiến những Pharisêu khắt khe nhất cũng phải tự hào; nhưng nguy hiểm ở chỗ, bạn có thể rơi vào cạm bẫy.
Trước tiên, luật được giữ cách cứng nhắc đến nỗi con người không để trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi nó: thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân! Vì thế, thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Thứ hai, một thái cực khác. Đó là dễ dãi với bản thân khi cho rằng, “Nếu trái tim đặt đúng chỗ, tôi không cần phải lo lắng về quy tắc này, quy tắc nọ!”. Với một thái độ lỏng lẻo, bạn và tôi cho phép mình coi nhẹ những lề luật mà thực sự, nó giúp giải thoát. “Tôi phải đi lễ Chúa Nhật; nhưng hôm nay là kỳ nghỉ! Chúa biết tôi là người tốt!”. Vậy mà, chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật, bạn nhận được ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt” đó!
Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô mạnh mẽ tố cáo thái độ biệt phái này. Họ là “Những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý”. Và xem ra, Phaolô còn quyết liệt hơn cả Chúa Giêsu, “Đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ!”.
Thế kỷ 18, nước Pháp nổi tiếng với triết gia Jean-Jacques Rousseau. Ông hợm hĩnh tuyên bố, “Trước nhan Chúa, ai dám nói, ‘Tôi tốt hơn Rousseau!’”. Trước khi chết, ông tự hào, “Ôi hạnh phúc! Một người không có lý do gì để hối hận hay tự trách mình!”; “Tôi trả lại linh hồn trong sáng cho Chúa như khi nó xuất phát từ Ngài; hãy để nó hạnh phúc với Ngài!”. Trong các tác phẩm, ông chủ trương ngoại tình, tự tử. Hơn 20 năm sống phô trương, hầu hết những đứa con của ông sinh ra ngoài giá thú và lớn lên từ viện mồ côi. Ông được biết như một người đểnh đoảng, bội bạc, giả hình và báng bổ!
Kính thưa Anh Chị em,
“Thật là ngốc!”. Hẳn Chúa Giêsu sẽ nói với Jean-Jacques Rousseau và cũng có thể với bạn và tôi như thế. Hãy thử lắng nghe, đừng cảm thấy bị xúc phạm! Đó là những lời yêu thương nhất. Hãy cho phép mình hưởng lợi từ những lời quở trách này! Ngài muốn bạn và tôi làm sạch chiếc cốc tâm hồn. Hãy để những lời này tiết lộ những gì cần đổi thay. Có thể đó là lòng kiêu hãnh vốn đã làm chệch hướng các thực hành nội tâm và cách giữ luật Chúa; nên thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Nó có thể đã khiến chúng ta mù quáng hoặc quá dễ dãi trước những tội lỗi cần thú nhận. Đừng làm ngơ; hãy cởi mở, khiêm tốn đón nhận! Nhờ đó, bạn và tôi trở nên công chính và có thể cùng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để con bớt hợm hĩnh và không bị ‘trói buộc’ bởi một điều gì, xin đừng để con ngốc!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM: TRÁNH NHỮNG HÌNH THỨC BÊN NGOÀI
“Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?” Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chính cõi lòng người mới là cội rễ của việc lành hay sự dữ. Thật thế, ai cũng thấy rằng, người ta luôn luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh ngoại tại, của không gian và thời gian, nhưng cái đến từ thâm sâu lòng mình mới là cái quyết định hình mẫu và hoạt động của một con người.
Lời Đức Giêsu nói với những người Pharisêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Giữa đời thường, bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, với chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam, độc ác và “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Không ít người trong xã hội thích vận dụng mọi cơ hội để đánh bóng cho tên tuổi của mình ngay cả trong những việc làm đầy tốt đẹp như việc cứu trợ, bố thí hay cứu giúp người khác. Và rồi họ lấy đó làm đủ, làm hài lòng, để rồi quên đi mất việc làm sao để tô diểm tâm hồn mình cho nên cao đẹp.
Khi đang sống trong một thế giới tự cho mình là văn minh tiến bộ, liệu người tín hữu có can đảm sống tình yêu vị tha, không tính toán mà Tin mừng đòi hỏi? Có dám dấn thân cách thầm lặng vì lợi ích người khác? Có dám chống lại những gì vốn dĩ dễ chịu, thoải mái nhưng có nguy cơ đưa tâm hồn đến vực thẳm của sự tha hóa và sa đọa? Rốt cuộc thì hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết, nhưng điều quan trọng là, hãy làm điều cần thiết bên ngoài với con tim ngay chính bên trong.
Lạy Chúa là Đấng dựng nên cả xác hồn con, xin dạy con biết không ngừng chú trọng đến con người bên trong và đẩy lui những hình thức giả trá bên ngoài.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn