Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên - THÁNH GIOAN KIM KHẨU, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH - Lễ nhớ

Thứ năm - 12/09/2024 05:25
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6, 39-42

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
39 Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.
41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra,” trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?
Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!


SUY NIỆM 1: SỐNG ĐẠO TRONG NHÀ
Trong bài Tin mừng hôm nay, có 2 câu nói của Chúa Giêsu mà thiết nghĩ mỗi người cần ghi khắc và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Câu nói thứ nhất: “Mù mà lại dắt mù được sao”? Chúa Giêsu cho biết đây là một việc làm bất khả thi, vì cả 2 sẽ lao đầu xuống hố.
Mà đúng là như thế, chúng ta la rầy con cái khô khan nguội lạnh, la rầy chúng không chịu đi xưng tội xưng lỗi. Chúng ta bắt con cái đi chầu Mình Thánh Chúa mỗi tuần; mà chúng chưa bao giờ thấy chúng ta thực hiện điều đó, thì thử hỏi ai đủ tư cách trách ai bây giờ.
Giáo Hội nhiều lần khẳng định với chúng ta rằng, cha mẹ chính là những “giáo lý viên” đầu tiên dạy đức tin cho con cái. Chính những lần cúi đầu trước Thánh giá và tượng ảnh các thánh, chính những lần làm dấu trước các bữa ăn, chính các giờ kinh sáng tối trong gia đình, chính việc tham dự Thánh lễ mỗi ngày… là những bài giáo lý sống động và sẽ in sâu trong tâm trí của con em chúng ta.
Ý thức điều đó, mỗi người cần phải thay đổi để có một đời sống và nếp sống đạo phù hợp và gương mẫu hơn. Nếu chúng ta không nghĩ cho đời sống đức tin của chính mình thì cũng phải nghĩ cho đời sống đức tin của con cái. Đó mới thật sự là một người cha người mẹ đúng nghĩa. Mỗi người hãy là những ngọn hải đăng cho con cái giữa dòng đời hôm nay, chứ đừng cầm tay dắt chúng lao vào vực thẳm.
Chính vì thế, chúng ta cũng cần phải ghi khắc câu nói thứ 2 của Chúa Giêsu: “Hãy lấy cài xà ở trong mắt mình ra trước đã”, nghĩa là mỗi người hãy tự kiểm điểm bản thân mình trước, xem rằng trong vai trò của một người cha-người mẹ, tôi có thật sự gương mẫu trong đời sống đức tin để cho con cái của tôi noi theo hay không? Chúng ta phải lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt của con cái mình.
Ngay trong chính gia đình của mình mà chúng ta còn không thể làm gương sáng cho con cái, thì làm sao chúng ta có thể làm chứng về Chúa cho những người xung quanh được.
Tóm lại, những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay là những bài học nhân văn sâu sắc mà mỗi người cần khắc cốt ghi tâm và sống cho thật tốt. Sống tốt không chỉ vì mình, mà còn vì những người xung quanh; đặc biệt là vì những người thân yêu trong gia đình, mà trên hết vẫn là vì con cái của chúng ta.
Sau cùng và cũng là để kết thúc, mỗi hãy khắc cốt ghi tâm câu nói thứ 3 này của Chúa Giêsu: “Ai làm cho người khác phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ và quăng nó xuống biển còn hơn”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: MÙ KHÔNG THỂ DẮT MÙ 
Trong cuộc sống, vẫn còn đó rất nhiều người dốt, nhưng lại được mua chuộc bằng tiền, bằng quyền để lãnh đạo và dạy dỗ người khác. Tệ hơn nữa là những kẻ đạo đức giả tạo lại oang oang nói về lòng nhân từ hay tha thứ một cách “ngọt như đường mía lau”!
Không những thế, những kẻ trá hình này lại còn lôi kéo nhiều người khác đi vào con đường mù quáng, sai trái của mình…
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ và những ai bước theo Ngài trong vai trò chứng nhân, phải khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu về Giáo Lý và có đời sống gương mẫu, có đủ tư cách phù hợp với vai trò của mình và nhất là phải giữ vững bản chất của một người thuộc về Chúa để nên giống Chúa.
Nếu người môn đệ mà mù mờ về Giáo Lý, hiểu sai ý Thiên Chúa và sống một cuộc đời phản chứng, gương mù và biến chất, thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Bóng tối thêm vào bóng tối vẫn là bóng tối chứ không tạo ra được tia sáng nào. Mù mà dắt mù ắt sẽ rơi xuống hố.
Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác… để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn, nhất hành”.
Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu giãi Ánh Sáng là Chân Lý của Chúa vào trong tâm hồn chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn thuộc về Ánh Sáng và phải có trách nhiệm chiếu giãi Ánh Sáng đó cho mọi người. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
 
SUY NIỆM 3: MÙ CHƯA ĐÁNG SỢ
Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39) (Tin Mừng Thứ Sáu sau CN XXIII TN). Khi nghe câu chuyện dụ ngôn vắn vỏi này chúng ta thường chú ý đến chiều kích luân lý cá nhân đó là chớ vội xét đoán mà tiên vàn hãy tự sửa mình trước khi sửa lỗi tha nhân. Tuy nhiên nếu để ý đến động từ dắt (dẫn) thì chúng ta không thể nghĩ đến những người trong vai vế lãnh đạo, ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Và đây là chiều kích luân lý xã hội. Xin được mạn bàn đôi điều về tình trạng mù theo chiều kích này.
Một người hay một số người trong vai vị lãnh đạo mà mù thực sự thì dường như tác hại và di hại không quá lớn và lâu dài. Một lẽ thường tình vì những người dưới quyền lãnh đạo của họ ắt hẳn dễ nhận ra. Khi đã mù thực sự thì dù người lãnh đạo có độc ác đến đâu cũng còn thiếu cái tài nên khó có thể trở thành nhà độc tài. Lịch sử cho thấy những người lãnh đạo gây tại họa cho xã hội nhiều điều đáng ghê sợ và khó khắc phục đều là những người không thực sự mù mà chỉ là “quáng” một cách nào đó mà theo lối nói dân gian là “quáng gà”. Thấy không rõ, không đúng mà luôn cho mình là không sai lầm, là đỉnh cao trí tuệ thì đúng là mù quáng.

“Quáng gà” hay mù quáng mà có trong tay đủ đầy chức quyền thì sự tai hại là khó lường và dĩ nhiên hậu quả gây ra cho xã hội thật không xiết. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này đó là sự độc quyền. Dẫu biết rằng nhân vô thập toàn nhưng chính sự độc quyền đã biến sự “vô thập toàn” của người lãnh đạo, của tập thể lãnh đạo trở thành nguyên cớ phát sinh nhiều điều tai hại đáng trách cho xã hội, cho những người thuộc quyền.

Chúng ta mong muốn có những vị lãnh đạo biết lắng nghe. Tuy nhiên sự thật cho thấy sự khiêm nhu biết lắng nghe các góp ý chân thành dường như dần biến mất khi chức quyền trở thành độc nhất, bất khả thay thế. Lịch sử các triều đại phong kiến cho thấy hiện thực này. Quả là ít có vị vua nào khi đã ở bậc chí tôn lại biết lắng nghe lời của các trung thần. Và như thế để tránh tình trạng “mù dẫn mù” thì không gì hơn cần phải có những thể chế, luật lệ hạn chế bớt sự độc tôn trong quyền lực lãnh đạo, không chỉ ở lãnh vực xã hội mà cả trong các tập thể tôn giáo. Nỗ lực cải tổ thể chế hiện nay trong việc tản quyền, phân quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một đan cử. Từ chỗ độc tôn, độc quyền rồi ắt sẽ dẫn đến chỗ độc tài. Đã là độc tài thì cách này thể khác dù vô tình hay hữu ý cũng nảy sinh các hành vi độc ác thật đáng sợ thay.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

SUY NIỆM 4: CÁI RÁC VÀ CÁI XÀ

Trong cuộc sống ai cũng vấp phải những sai lỗi từ nhỏ đến to, ai cũng có nhiều khuyết điểm...Thế nhưng, nếu chúng ta biết thông cảm cho nhau, san sẻ những kinh nghiệm và yêu thương bỏ qua những lỗi phạm thì cuộc sống thật không quá khắt khe. Chính Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta hãy sống quảng đại và tha thứ cho nhau như vậy.
Và  thánh sử Luca ghi lại những lời dạy bảo chân thành của Đức Giêsu đã đề cập đến vấn đề đó. Xem ra những lời dạy ấy rất thiết thực và có thể nói là rất đụng chạm đến từng người chúng ta. Bởi lẽ những điều mà Đức Giêsu nói đến đều tiềm ẩn trong mỗi con người. Như chúng ta đã biết, sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội do không nghe lời Thiên Chúa, thì tội ác đã le lói trong suy nghĩ của con người. Từ đó phát xuất những tính ghen tương, phát sinh những sự đố kỵ, tranh giành và nhiều thứ tội khác nữa. Mà hôm nay Tin mừng đề cập đến phải chăng là sự ghen tỵ trong lòng, sự hơn thua thiệt trong cuộc sống. Vâng!Đó là những giới hạn, đó là cái tôi, là những yếu đuối mà con người chúng ta thường hay vấp phải. Mặc dù chúng ta biết rất rõ đó là những điều sai trái, đó là những cơn cám dỗ  nhưng chúng ta cảm thấy rất khó khăn trong việc sửa đổi. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn kêu gọi chúng ta không mệt mỏi là mỗi ngày hãy xem xét lại bản thân để tu chỉnh lại lối sống của mình.
Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu dùng đến hình ảnh là “cái xà và cái rác”. Hai hình ảnh này đối lập nhau: Cái xà thì to lớn vì nó để chống đỡ khung nhà nên rất dễ nhìn thấy và ngược lại cộng rác thì bé nhỏ. Thế nhưng chính cái xà trong con người của bản thân mình thì mình lại làm ngơ không thấy. Mà trái lại cộng rác bé tẹo kia lại làm cho chúng ta dễ để ý đến. Cái cộng rác ấy là những lỗi nho nhỏ của người khác. Quả thật, những khuyết điểm, những sai trái của bản thân đôi lúc chúng ta thấy đó, nhưng chúng ta dễ dãi với bản thân để rồi chúng ta dễ bỏ qua, dễ phớt lờ và coi như những điều ấy là không đáng kể, là nhỏ tí. Ngược lại nơi giới hạn nhỏ bé của người khác thì chúng ta cố soi mói và xem ra lại thích thú trong việc “bới lông tìm vết” những sai lỗi của họ.
Thiết nghĩ mỗi người chúng ta đều bất toàn, đều có giới hạn. Nhưng với ơn Chúa ban chúng ta hãy dùng những khả năng của mình để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ anh em mình. Để cho Lời Thiên Chúa thấm nhập vào cuộc sống của chúng ta. Để Lời Thiên Chúa sinh hoa tốt đẹp. Bởi Thiên Chúa muốn chúng ta hãy:“Lấy điều tốt từ kho tàng tốt” của lòng mình để đem ra phục vụ. Để ước mong trong lòng mỗi người chúng ta tiêu tan đi những điều xấu.
Lạy Chúa Giêsu tốt lành, thánh thiện và hoàn mỹ. Chỉ nơi Chúa chúng con mới trở nên những con người tốt lành. Dẫu biết rằng chúng con là những kẻ bất toàn nhưng noi gương Người và với ơn Chúa trợ lực chúng con sẽ cố gắng sống tha thứ quảng đại với nhau. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết bỏ qua những giới hạn, những lỗi phạm của nhau mà yêu thương nhau, nâng đỡ nhau trong cuộc sống và trong lời cầu nguyện. Amen.
 Tân Quang

SUY NIỆM 5:
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán và lên án người khác. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều yếu đuối, thiếu sót và lầm lỗi để biết lo sửa đổi mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.
Khuynh hướng tự nhiên của mỗi người chúng ta là thích xét đoán người khác. Bởi vì:
– Ta luôn nghĩ mình hay hơn, tốt hơn, giỏi hơn người khác.
– Do tính ác nằm sẵn trong người ta. Tuân tử nói: Nhân tri sơ tính bản ác.
– Ta thích chà đạp và hạ bệ người khác nhằm để tự nâng bốc mình lên.
Thật vậy khi xét đoán ai, tức là chúng ta đặt mình lên trên người ấy, và muốn mọi người tôn vinh ca ngợi ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ nên xét đoán người khác là bởi vì:
– Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 5, 12).
– Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những thiếu sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn người khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái “xà” trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
–  “Cầm đuốc mà rê chân người”; “Bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”…Đó là căn bệnh nguy hại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Nhưng hãy nhớ lời Chúa dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” để đừng bao giờ tìm cách bươi móc lầm lỗi người khác, rồi kết án buộc tội, làm như vậy chắc chắn sẽ bị Thiên Chúa kết án chúng ta.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ tước quyền của Thiên Chúa để xét đoán và lên án anh em mình, cũng đừng bao giờ đồng lõa hùa theo người khác để rồi nói xấu và dạy đời người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng mặt.  Làm thế, ta sẽ được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy”.
Lm. Seoka

SUY NIỆM 6: ĐI TRONG ÁNH SÁNG 
“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? (Lc 6,39)
Suy niệm: Ngày nay trong hầu hết các lĩnh vực người ta đều nhờ đến các chuyên viên tư vấn. Nếu không được những người này cập nhật thông tin, đề nghị giải  pháp, người ta rất dễ đưa ra quyết định sai lầm hay các phương án lỗi thời, kém hiệu quả. Ai muốn đến với Thiên Chúa, muốn được sống trong chân lý và ơn cứu rỗi rất cần được Giáo Hội dẫn dắt dưới ánh sáng Lời Chúa. Nếu họ tự mình mò mẫm hay nhờ cậy những người dẫn đường sai lạc, thì như Chúa nói, mù dẫn mù, cả hai sẽ sa xuống hố mà thôi.
Mời Bạn: Thế giới ngày nay tiến bộ nhiều về khoa học, kỹ thuật và tràn ngập thông tin. Nhưng con người quá đề cao cái tôi chủ quan, chạy theo những hệ tư tưởng sai lầm và quan niệm sống lệch lạc về luân lý đạo đức. Từ đó biết bao nhiêu tệ nạn, hỗn loạn xảy ra trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Bạn Giáo hoàngi nhớ lời Chúa nói: “Học trò không hơn Thầy”; chỉ có Đức Ki-tô, Đấng có Lời ban sự sống mới là người dẫn đường đích thực.
Sống Lời Chúa: Siêng năng suy gẫm Lời Chúa, học hỏi giáo lý, và đào sâu đức tin nơi giáo huấn của Hội Thánh, đó là con đường chắc chắn để khỏi rơi vào hố sâu lầm lạc  như Chúa cảnh báo.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Cuối cùng xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do.
(Thắp Sáng Niềm Tin, 170)




 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây