Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXVI Mùa Thường Niên - THÁNH PHANXICÔ ASSISI - Lễ nhớ

Thứ năm - 03/10/2024 03:56

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXVI Mùa Thường Niên - THÁNH PHANXICÔ ASSISI - Lễ nhớ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

 

13 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa!

Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các nguơi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.

14 Vì thì, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.

15 Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

16 “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy.”

 

SUY NIỆM 1: 

Sứ điệp: Ai đón nhận Tin Mừng là đón nhận chính Thiên Chúa. Ai không tin, không đón nhận sẽ bị kết án và mất phần thưởng đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay làm con phải sững sờ. Các thành phố Kho-ra-dim, Bet-sai-đa, Ca-phac-na-um đã được nghe Chúa giảng dạy và thấy các việc Chúa làm. Nhưng họ đã không nhận ra và thực thi điều Chúa truyền dạy. Họ không hối cải, và đã làm ngơ trước các đòi hỏi của Tin Mừng. Lòng họ đã nên chai cứng. Họ đánh mất ân huệ lớn lao mà bao nhiêu thế hệ trông chờ. Cuối cùng, thay vì ân phúc và trọng thưởng, họ đã bị kết án nặng nề và bị loại trừ khỏi hạnh phúc trường sinh.

Hình ảnh các thành phố ngoại giáo Ty-rô và Sy-đon sẽ được đối xử khoan dung hơn trong ngày phán xét làm con xác tín: Ai không tin, không đón nhận Tin Mừng là chối bỏ Chúa, và hơn thế nữa là chối bỏ chính Cha trên trời. Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhận ra điều Chúa truyền dạy và quyết tâm thi hành. Việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa là lối mở dẫn đưa con về nhà Cha trên trời, là bảo đảm cuộc sống thật hạnh phúc đời sau.

Lạy Chúa, Giáo Hội đại diện Chúa tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu độ. Ai tin, ai gắn bó, ai đón nhận giáo huấn của Giáo Hội là đi vào con đường cứu rỗi. Xin giúp con cởi mở nội tâm để sống tâm tình hiếu thảo trong lòng Giáo Hội. Xin thêm lòng yêu mến cho con, để Lời Chúa truyền và các điều Giáo Hội dạy, con thực hiện thật tốt đẹp. Xin đừng bao giờ để lòng con nên chai cứng trước những lời mời gọi sống cho Chúa, sống yêu thương phục vụ anh em hằng ngày. Amen.

Ghi nhớ: “Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM 2: CUỘC ĐỜI: “CUỐN SÁCH” VỀ PHÉP LẠ CHÚA THỰC HIỆN

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đặt nó vào trong bối cảnh những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Chúng ta thấy cung điệu giống với bốn lời “khốn” trong bài giảng trên núi (x. Lc 6:24-26). Trong bối cảnh của cộng đoàn Thánh Luca, những lời trong bài Tin Mừng có mục đích cảnh báo cho cộng đoàn này về việc đáp lại cách chân thành với lời Chúa và không bắt chước sự đáp trả cách chống đối trước việc giảng dạy của Chúa Giêsu của một số thành thuộc Galilê. Trong lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết lý do những thành thuộc Galilê bị khiển trách. Lý do thứ nhất liên quan đến việc “chứng kiến” những kỳ công Chúa Giêsu thực hiện nhưng không “sám hối” và “tin” vào Tin Mừng. Lý do thứ hai liên quan đến thái độ “kiêu ngạo,” đặt mình vào chỗ của Chúa.

Chúng ta cũng từng chứng kiến những “phép lạ” Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta như ngày xưa Ngài thực hiện cho Khoradin và Bếtxaiđa, nhưng chúng ta không chịu thay đổi và tin vào Chúa để sống một cuộc sống thánh thiện hơn. Nhìn lại cuộc sống của mình, nhiều khi chúng ta cứ biện minh rằng: “Tôi cũng là con người, nên tôi không thể giống Chúa được” – tôi không thể tha thứ và yêu thương như Chúa. Đúng là chúng ta không thể “như Chúa,” nhưng chúng ta có thể “giống Chúa” vì đó là điều chúng ta được tạo dựng để trở thành (x. St. 1:26-27). Khi không sám hối và trở nên hoàn thiện như Cha ở trên trời, chúng ta cũng sẽ bị “khiển trách” như thành Khoradin và Bếtxaiđa: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Lc 10:13-14).

Bên cạnh khuyến cáo về việc “không sám hối” khi thấy những phép lạ xảy ra, Chúa Giêsu còn khuyến cáo những người tự nâng mình lên, hay đúng hơn những người tự cho mình là đủ, không cần đến ơn Chúa. Họ là những người đặt mình vào vị trí của Chúa qua việc làm chúa của đời mình. Nhưng khi họ tự nâng mình lên, thì họ cũng sẽ bị hạ xuống giống như Caphácnaum: “Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Lc 10:15). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng rơi vào tình trạng tự nâng mình lên này, nhất là những khi thành công. Chúng ta thường quy cho mình những thành công đạt được. Ngược lại, chúng ta lại đổ lỗi cho Chúa và người khác về những thất bại trong cuộc sống của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống một đời sống khiêm nhường. Dù chúng ta có tự mình hay được người đời nâng lên tận trời cao, cuối cùng chúng ta cũng chỉ trở về với ba tấc đất. Nhưng khi để cho Chúa là Đấng nâng chúng ta lên tận trời cao, thì chúng ta mới biết được “trời cao đất rộng” sẽ như thế nào!

Chúa Giêsu kết lời khiển trách của mình với lời khẳng định về tương quan của những lời dạy của các môn đệ với Ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16). Những lời này ám chỉ rằng ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu tìm thấy sự diễn tả mang tính văn phong sau: nghe lời của người môn đệ là nghe lời Chúa Giêsu; nghe lời Chúa Giêsu là nghe lời Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng sâu xa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về lối ăn nói của mình: Lời ăn tiếng nói của chúng ta có chứa đựng sự ngọt ngào của lời Chúa hay chỉ chứa đựng sự cay đắng và chua chát?

Lm. Ngọc Dũng, SDB

 

SUY NIỆM 3:

Câu chuyện

Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:

“Các bạn hãy can đảm lên! Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu”.

Suy niệm

Tyrô và Siđôn, những thành phố phồn thịnh, nổi tiếng thời Cựu ước, cũng là cửa ngõ bị ảnh hưởng của đời sống ngoại giáo xâm nhập vào Israel, nên các ngôn sứ hay phê phán nặng lời các thành phố này (x. Is 23; Ed 26-28; Ge 4,4-8; Am 1,9-10; Dcr 9,2-4). Riêng Sôđôma là thành phố tội lỗi đã bị Chúa hủy diệt bằng lửa… Các ngôn sứ lên án vì nếp sống thực dụng vật chất hưởng thụ dẫn tới những sa đọa luân lý, tôn thờ ngẫu tượng của ngoại bang tại các thành phố này.

Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là những thành phố nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các nơi này. Cuộc sống vật chất sung túc, làm cho con người không chỉ sa đọa, mà còn chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa qua việc họ không tin vào lời giảng dạy của Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không lãnh nhận giáo huấn Chúa. Chính sự chối bỏ, cứng tin của họ, làm cho họ bị phán xét nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không theo Chúa. Hình phạt cho các thị trấn sẽ nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa.

Khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, đời người sẽ trở nên trống rỗng vắng bóng Ngài, dễ dàng rơi vào sa đọa… Chỉ tin vào Thiên Chúa, khi đó con người mới biết đặt Ngài vào trọng tâm cuộc đời, sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau.

Ý lực sống

“Con hy vọng rất nhiều vào Chúa,

linh hồn con trông cậy ở Lời Chúa” (Tv 130,5).

Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

SUY NIỆM 4:

1/ Công Tâm đón nhận Tin mừng Chúa

 Thành phố Cho-ra-din, và thành phố Bết-xai-đa, là hai thành phố nhỏ của người Do Thái, vào thời Chúa Giêsu hai nơi này rất phồn thịnh, vì là nơi buôn bán và trao đổi, nên họ đón nhận rất nhiều những thông tin về các phép lạ Chúa Giêsu đã làm tại Ca-pha-na-um. Cách này hay cách khác họ cũng đón nhận được sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu. Thế nhưng họ vẫn làm ngơ trước những đòi hỏi của Tin mừng, không quan tâm đến phần rỗi của linh hồn, vẫn gác lại những việc phải sám hối. Họ tiếp tục sống trụy lạc, sống hưởng thụ, sống vô niềm tin. Tội của họ là tội người phú hộ giầu có (Lc 16, 19-31). Tội của họ là tội vô cảm như (Mt 25, 31-46) có bao giờ con thấy Chúa . . .

Còn thành phố Ca-pha-an-um là thành được Chúa Giêsu chọn làm trung tâm cho công cuộc rao giảng của Người. Đó là thành mà Tin Mừng nói tới nhiều nhất (16 lần). Người đã làm nhiều phép lạ tại đây (Lc 4,32). Chắc chắn, Người muốn cho dân thành này được vào “Nước Thiên Chúa”. Nhưng thật là phũ phàng, họ lại quay lưng với ân huệ của Người.

 Tyre và Si-đôn là hai thành phố của dân ngoại, Chúa Giêsu không rao giảng ở đây, theo Matthêu và Marcô duy nhất có một lần Chúa đi ngang qua. Thế nhưng họ lại tin vào Chúa. Một lần Chúa chữa con gái người đàn bà Dân Ngọai Cana, sau khi đã khen ngợi đức tin của bà (Mt 15:28, Mc 7:30).

 Qua đây chúng ta hiểu vì sao Chúa Giêsu thốt lên lời: “Khốn cho ngươi, hỡi Cho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Si-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi”.

Công tâm mà nói, người kitô hữu được hưởng nhiều những đặc ân của Thiên Chúa, nhưng lại là người dễ vi phạm lề luật Chúa.   

2/ Công Tâm nhận ra hồng ân của Chúa.

Khi nhìn lại quá khứ, Baruch nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel quá cao vời, thế nhưng dân Israen không biết sử dụng. Thiên Chúa tiếp tục thương yêu, dạy bảo, và tìm mọi cách để làm cho con cái Israel ăn năn trở về, nhưng họ vẫn cứng lòng và ngoan cố trong tội. Họ đã giết hại các tiên tri được Chúa gởi đến, thờ các thần ngoại. Giờ đây sống trong cảnh lưu đày, tiên tri Baruc nhắc nhở họ, chớ oán trách Thiên Chúa, nhưng hãy nhìn lại cách sống của mình. Việt nam chúng ta có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”: Có nghĩa là khi phán xét việc gì đó, thì trước hết phải nhìn nhận lại bản thân mình trước, xem mình thế nào, rồi sau đó hãy nói đến người khác.

   Công tâm nhận ra những gì mình chưa đúng, chưa tốt trước những ân huệ của Chúa, là bước đầu tiên của hành trình quay trở về giao hòa với Thiên Chúa, và cũng là cửa ngõ để bước vào hồng ân của Người.

 Lm. JB

 

SUY NIỆM 5: NGUY CƠ VẬT CHẤT

 

Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi vật chất, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân quê đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Trở lại với trang Tin Mừng hôm nay, sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến những thành phố đã không đón nhận Tin Mừng. Đó là Khô-ra-đin, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um. Những thành này đều ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác. Nhưng sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiêu lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó đều hầu như hoàn toàn vô ích. Bởi thế, lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “Khốn cho họ”.

Hôm nay, khi nghe đoạn Tin Mừng, hẳn là chúng ta cũng cảm thấy bực bội thay cho Thầy chí Thánh. Nếu chúng ta là họ, thì chắc là chúng ta đã hoán cải từ lâu rồi. Tuy nhiên Khô-ra-đin, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um cũng chỉ là đại diện cho sự lãnh đạm, chai lỳ của dân Chúa.

Như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, càng chạy theo vật chất, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự hiệp thông đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, họ cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa, mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một tương quan chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là thánh lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi của công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hàng ngày.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con làm nô lệ cho của cải vật chất. Xin cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt hàng ngày, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng con luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.

 Lm. J.P

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây