SUY NIỆM THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 27/05/2024 08:02
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN
Mc 10,28-31

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
28 Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: 29 “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, 30 mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.
31 Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

SUY NIỆM 1: PHẤN ĐẤU VÌ NIỀM HY VỌNG.
Chúa Ki-tô là niềm hy vọng. Đó là điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa: ngày Chúa Ki-tô sẽ tỏ hiện. Bằng chịu đau khổ và đạt tới vinh quang. Nhưng thánh Phê-rô cho biết, để niềm hi vọng trở thành hiện thực, cần phải có thái độ tích cực chuẩn bị. Muốn mục đích phải muốn phương tiện. Muốn được thấy Chúa Ki-tô tỏ hiện, phải từ bỏ lối sống xưa cũ theo xác thịt để sống một đời sống mới theo thần khí, tiết độ, từ bỏ bản thân.”Đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, đên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (năm chẵn).
Sách Huấn ca hướng dẫn cách bày tỏ niềm hy vọng bằng việc từ bỏ. Trước hết là từ bỏ tội lỗi. “Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa. Chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội”. Kế đến là từ bỏ đường tà. Đi theo đường ngay chính. Đó là tuân giữ Lề Luật của Chúa. “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an”. Và sau cùng từ bỏ của cải. Dâng của lễ trọng hậu lên Chúa. Nhưng cũng phải dâng với tấm lòng quảng đại. Và nhất là với nét mặt vui tươi. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng. Và sẽ ban lại cho gấp bội. Đó chính là niềm hy vọng. “Hãy tôn vinh Đức Chúa với tấm lòng quảng đại…Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười; dâng hiến của thập phân, hãy hân hoan vui vẻ. với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối cao, tuỳ theo nhưng gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có. Vì Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gp bảy lần” (năm lẻ).
Thánh Phê-rô cũng chính là người hỏi Chúa Giê-su về niềm hi vọng: Chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì bù lại? Chúa Giê-su không ngần ngại loan báo trước niềm hi vọng: Các con sẽ được lại gấp trăm.
Niềm hi vọng là được thấy Chúa tỏ hiện, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa. Nhưng cần phải trải qua giai đoạn thanh luyện bằng từ bỏ. Địa vị trong Nước Chúa không được sắp xếp, đo lường bằng chức vị trong Giáo hội hay bằng thời gian theo Chúa, nhưng bằng mức độ từ bỏ. Càng từ bỏ nhiều thì càng gần Chúa. Càng gần Chúa thì càng hạnh phúc. Có những người theo Chúa đã lâu, nắm giữ những địa vị cao trọng trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ chưa cao. Trong khi có những người mới theo Chúa, giữ địa vị thấp kém trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ lại cao hơn. Vì thế Chúa Giê-su cảnh báo: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: TÌNH CHÚA RỘNG BAN
Sau một thời gian dài theo Chúa Giêsu với những tháng ngày rong ruổi đó đây, cuối cùng tông đồ Phêrô cũng đã lên tiếng. Nhưng lời nói của Phêrô lại hàm chứa trong đó sự tính toán và kể l: “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy”(Mc 10, 28) .
Thật sai lầm khi Phêrô nghĩ rằng Chúa Giêsu không hề biết điều ấy để rồi ông phải nhắc nhở. Dường như lời nhắc nhở của Phêrô còn muốn Chúa Giêsu phải hứa hẹn với ông một điều gì đó rõ ràng và chắc chắn hơn.
Hiểu được ẩn ý của môn đệ mình, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy bảo thật anh em, chẳng ai bỏ tất cả vì Thầy mà lại không được gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-31).
Chúa chúng ta không hứa lèo thưa anh chị em. Hạnh phúc gấp trăm ở đời này mà Phêrô nhận được, đó là ông được Chúa Giêsu tha cho cái tội chối thầy bỏ bạn, rồi từ một ngư phủ bình dân lại được trở thành một “thần y” có thể chữa lành bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn: “Nhân danh Thầy, anh em sẽ trừ được quỷ và chữa lành mọi thứ bệnh tật” (x.Mc 16, 17-18), “anh em tha tội cho ai thì người ấy sẽ được tha, anh em cầm giữ ai thì tội người ấy bị cầm lại”. Chưa hết, thánh Phêrô còn được đặt làm tông đồ trưởng và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội; Và đặc biệt, Ngài đã được Chúa Giêsu đội cho triều thiên tử đạo để bước vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Nhiều người thường nghĩ rằng, làm người công giáo sao phải hy sinh quá nhiều: Ngày Chúa nhật người ta ngh ngơi vui chơi thoải mái, còn mình phải lễ với lạc; ngoài xã hội người ta ly dị tái hôn ầm ầm, còn Giáo Hội lại bảo là cấm tiệt điều đó, phải cắn răng mà chịu; nói tóm lại là đụng đâu cũng thấy tội. Rồi còn phải yêu thương, tha thứ, bác ái, nhịn nhục, tuân giữ lề luật… không biết làm vậy rồi sẽ được cái gì?
Đừng bao giờ tính toán và trả giá với Chúa như thế thưa anh chị em. Chúa mà tính lại là chúng ta chết chắc. Nội ơn tha thứ tội lỗi không thôi cũng đủ cho thấy chúng ta nhận được nhiều lắm rồi, bởi nếu Chúa chấp tội thì nào ai mà rỗi được. Hãy xác tín điều này, chỉ có Chúa bị thiệt vì chúng ta, chứ Ngài chẳng để ta phải thiệt bao giờ.
Nhỡ may một lúc nào anh chị em bị cám dỗ tính toán được mất hơn thua với Chúa, thì hãy nhớ lại những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy bảo thật anh em, chẳng ai bỏ tất cả vì Thầy mà lại không được gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-31). Hãy tin như thế thưa anh chị em. Amen.
Linh mục Antôn

SUY NIỆM 3: NHẬN ĐƯỢC GẤP TRĂM
Thánh Phêrô đã đặt một vấn đề rất thực tế, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì họ sẽ được gì. Chúa Giêsu trả lời ngay, tất cả những gì các ông từ bỏ để theo Chúa sẽ lãnh nhận gấp trăm. Tuy nhiên, Ngài còn thêm hai điều, đó là sự bách hại và sự sống đời đời. Theo con người tự nhiên, giá mà Chúa đừng thêm sự bách hại thì vui quá,  nhưng không có thập giá thì sẽ không có vinh quang phục sinh. Người môn đệ của Chúa Giêsu không chỉ từ bỏ mọi sự mà còn phải hiến dâng mạng sống mình như Ngài. Niềm vui của người môn đệ là sau khi hoàn tất hành trình theo Chúa là được hưởng sự sống đời đời với Ngài.
Chúng ta là những người đang trên hành trình theo Chúa để về quê trời. Hành trình này đòi hỏi từng người một sự từ bỏ và chọn lựa. Từ bỏ những gì cản trở chúng ta trên hành trình nên thánh như những thói hư tật xấu và đam mê tội lỗi. Hành trang mỗi người mang theo là những chọn lựa từ những việc tốt lành mình làm. Trước mắt người đời, việc từ bỏ mọi sự mà sống theo điều Chúa dạy có thể là một sự thiệt thòi, nhưng phần thưởng của chúng ta không phải là những gì thế gian ban tặng mà đến từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất bảo đảm sự sống đời đời.
Lạy Chúa, chúng con sống giữa thế gian với nhiều cám dỗ vây quanh, nhiều khi cũng làm chúng con ngại dấn thân và hy sinh tất cả để theo Chúa. Xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự để luôn sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 3:
Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”
• Đoạn tin mừng tiếp theo trình thuật người thanh niên giàu có muốn đi theo Đức Giêsu. Phêrô sau khi thấy anh ta bỏ đi thì liền hỏi Chúa về việc các ông đã bỏ hết mọi sự để theo Ngài thì sao? Sự đơn sơ của Phêrô là thế đó. Rất người nhưng lại chân thật dễ gần.
• Ngay khi Phêrô đặt câu hỏi cho Chúa thì chính ông cũng vẫn còn những tính toán của con người. Ông nhìn thấy anh chàng thanh niên không được gì mà còn buồn nên có lẽ ông sợ cuộc đời của mình cũng như vậy nên ông hỏi. Đó là tự do của mỗi người mà.
• Đức Giêsu luôn biết tâm tư của từng người môn đệ. Bài học phó thác vẫn cần thời gian để ngấm dần. Con người ngày hôm nay vẫn muốn dành riêng cho mình phần gì đó. Có mấy ai đủ sức để buông bỏ hết. Nhất là việc phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Tôi được mời gọi buông bỏ những gì? Tôi sẽ dấn thân cho con người hôm nay ra sao?
Lạy Chúa, xin cho con luôn tín thác vào con đường Chúa mời gọi con bước đi.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4: PHẦN THƯỞNG GẤP TRĂM:
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5: THEO CHÚA TA ĐƯỢC GÌ?
Sự nguy hiểm của tiền bạc đã làm cho người thanh niên có tiếng là đạo đức lầm lũi ra đi, vì tiền của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!
Thật là một sự xót xa cho số phận chàng thanh niên giàu có này! Thấy được sự nguy hiểm như vậy, nên tiếp theo đó, Đức Giêsu đã thốt lên với các môn đệ: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.
Nghe đến đây, các môn đệ hiểu được sự nguy hiểm của tiền của, tuy nhiên, nó đã làm cho các ông hoang mang, bởi vì khó như thế thì có lẽ không ai vào được! Vì vậy, Phêrô đã đứng lên thay lời anh em và thưa với Đức Giêsu rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?”; “Và chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy thì được gì?”. Để giải thoát cho các ông về sự lo lắng này, Đức Giêsu đã mặc khải cho các ông biết: đối với loài người thì không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ cố gắng hay phấn đấu thuần túy của con người. Nhân đây, Đức Giêsu cũng nói rõ để các môn đệ nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho những ai trung thành với Ngài, đó là sự sống đời sau.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.
Giu-se Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6:
Các vị sư phụ khi nhận đệ tử, các công ty tuyển dụng nhân viên, hay các trung tâm tuyển sinh… đều luôn đưa ra một kết quả tươi sáng để hấp dẫn ứng viên. Đàng này, Chúa Giêsu khi mời gọi và tuyển chọn lại bằng một lời hứa có thể nói là sốc: “mất mạng…”.
Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34).
Có lẽ vì vậy mà Phêrô và các môn đệ hoảng hồn, để rồi hôm nay Phêrô đại diện cho cả nhóm đặt thẳng vấn đề với Thầy: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!", nói toạc ra là: “Chẳng lẽ bỏ hết cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp… để theo Thầy rốt cục mất cả chì lẫn chài sao? Chứ sao nữa, Phêrô bỏ vợ, Gioan bỏ bố, Mátthêu bỏ nghề… để rồi ‘bỏ mạng” ư?
Câu trả lời của Chúa Giêsu lại là: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
So với thực tế, thì câu trả lời này thật khó hiểu. Vì vậy, trước hết cần đặt vào bối cảnh ra đời của các sách Tin Mừng: Tin Mừng được viết sớm nhất cũng vào khoảng sau năm 60, thời gian này có các cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, nơi đây mọi người thành một gia đình lớn Kitô giáo, cùng có chung một cha trên trời, cùng là anh em với nhau, cùng một thầy là Đức kitô… và mọi tín hữu bán ruộng đất để làm của chung. Tuy nhiên, mọi tín hữu đều bị ngược đãi từ phía nhà cầm quyền và dân Dothái thời đó.
Nói đến đây, người viết nhớ tới câu chuyện của một vị linh mục kể lại thời Cách Mạng khi ngài còn là chủng sinh mà chủng viện bị đóng cửa, nhiều chủng sinh bị bắt và truy tìm. Khi đó, lúc bơ vơ trốn chui trốn lủi, ngài được một người phụ nữ giàu có tài sản hơn 200 cây vàng cùng với việc bảo đảm an thân khỏi phải trốn nã, nếu ngài chịu bỏ ơn gọi để lập gia đình với cô ta. Thế nhưng lựa chọn của ngài là không trở lại với những gì mà ngài đã quyết từ bỏ trước đó.
Vậy thì, chúng ta phải hiểu thế nào đây với câu trả lời trên của Chúa Giêsu?
Thứ nhất: Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, từ bỏ ở đây không phải là “loại trừ”, nhưng là cần đến một sự ưu tiên hơn trong lựa chọn. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, còn những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa. Nói tóm, là đặt lên bàn cân giữa Chúa và những liên hệ khác thì cần chọn bên nào trọng hơn, chọn vĩnh hằng hay chóng qua.
Thứ hai: Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau. Cũng như, một vận động viên vất vả bỏ công sức tập luyện cùng mọi thứ dụng cụ đắt tiền chỉ để đạt được “huy chương”, mà giá trị vật chất của chiếc huy chương chỉ đáng giá mấy trăm đôla so với hàng ngàn phí tốn mà vận động viên đã bỏ ra, tuy nhiên, điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần của chiếc huy chương là vô giá. 
Tóm lại:
Là một Kitô hữu, khi chọn vào trong một gia đình Giáo hội, chúng ta tin nhận con cùng một Cha trên trời và là mọi người là anh em với nhau trong một niềm tin, một phép rửa và một cùng đích là Nước Trời. Vì thế, chúng ta được Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi phải chọn ưu tiên cho việc sống đạo vượt trên những thứ hạ đẳng mà mọi người khác tìm kiếm. Nghĩa là trong khi xây dựng cuộc sống nơi trền thế với công việc sinh nhai, thì cũng luôn biết ưu tiên cho những thực tại trên trời, là sống chu toàn những gì luật Chúa và Hội thánh dạy.
Cách riêng với những người sống đời thánh hiến, như lời thánh Biển Đức dạy: “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”, một khi đã chọn bước vào tu viện hay qua từng bước khấn dòng, chúng ta xác tín chọn Chúa là tất cả, là ưu tiên số một và đừng dần dần lại tìm bù trừ thu góp lại những gì mà chúng ta đã quyết từ bỏ từ đầu.
 
Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM 7: ĐƯỢC GẤP TRĂM
Các tông đồ là những người đã nghe theo tiếng gọi của Chúa, sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo và làm môn đệ cho Người.
Với những người này, Chúa bảo đảm rằng họ đã bỏ những gì thì họ sẽ nhận lại gấp trăm ngay ở đời này, cộng thêm sự bắt bớ ngược đãi và được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Có lẽ khi thánh sử Maccô viết những dòng này thì các môn đệ của Chúa đang bị bách hại, nhưng không vì thế mà họ nản lòng thoái lui, vì biết rằng mình sẽ được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Chẳng ai đi theo Chúa mà lại đưa ra điều kiện để mặc cả với Người, vì thật ra tất cả những gì là của tôi, thuộc về tôi, ngay cả sự sống, sự hiện hữu của tôi đều là quà tặng Chúa ban cho tôi theo sự rộng rãi và lòng thương xót của Người. Vì thế, nếu có dâng cho Chúa tất cả thì cũng đâu có gì là to tát mà phải ồn ào. Lòng thương xót của Chúa thì bao la gấp bội so với lòng chân thành và quảng đại của chúng ta.
Hãy cứ dâng cho Chúa. Hãy cứ từ bỏ vì Chúa. Hãy cứ tín nhiệm vào tình thương của Chúa. Thế là đủ cho chúng ta.
Lm.Giuse Nguyễn Văn Thông
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây