SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 29/07/2024 10:52
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 13,36-43
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
36 Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.
37 Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác.
39 Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.
40 Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy:
41 Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, 42 rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
43 Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.  

SUY NIỆM 1: LÚA VÀ CỎ LÙNG
Ở phần đầu của dụ ngôn “Người gieo giống”, Chúa Giêsu cho biết hạt giống là lời Thiên Chúa, còn người gieo giống chính là Ngài. Chúa Giêsu đã gieo vào trần gian những “hạt giống” tốt. Ngài dạy người ta những điều thiện hảo, những bài học nhân văn để đối nhân xử thế hầu mọi người đạt đến nguồn chân thiện mỹ.
Thế nhưng phần cuối của dụ ngôn được thuật lại trong bài Tii mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta một điều hết sức bất ngờ, đó là ngoài Ngài ra, còn có một kẻ khác cũng gieo vào trần gian những “hạt giống”, nhưng đó lại là những hạt giống xấu. Kẻ ấy chính là Xa-tan, là quỉ dữ.
Chúa Giêsu thừa biết điều đó, nhưng Ngài muốn cho cả 2 cùng tồn tại, để chính chúng ta là người phải biết phân biệt và chọn lựa sống theo những gì phù hợp với danh nghĩa là một người con cái Chúa. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người trong chúng ta lại chuộng điều xấu hơn điều tốt, chọn điều dữ hơn điều lành, thích phạm tội hơn là làm điều thiện.
Thực tế là, ngày nay có nhiều anh chị em tín hữu thích ở nhà đánh bài hơn là thích đến nhà thờ đi lễ, có người thích vợ thích chồng người khác hơn là người bạn trăm năm của mình, có người không lo làm ăn mà chỉ ngồi nghĩ cách để lừa gạt mọi người… Chúa biết hết nhưng Chúa đang kiên nhẫn với chúng ta. Ngài muốn chính chúng ta phải là người nhổ đi “cỏ lùng”, tức là những thói hư tật xấu nơi chính bản thân mình.
Tuy nhiên, ở cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn cho biết rằng, sẽ có một ngày Ngài sai các Thiên thần đến để tách biệt cỏ lùng và lúa, để phân biệt người lành kẻ dữ. Ngày ấy “Người sẽ gom những kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác rồi quăng vào lửa, ở đó, họ sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Còn những người ăn ngay ở lành thì sẽ được chói lọi như mặt trời trong Thiêng đàng.
Tóm lại, khi kể về dụ ngôn “Người gieo giống”, Chúa Giêsu không giấu giếm chúng ta điều gì. Ngài cho biết trong thế gian có những gì. Ngài cũng cho biết Ngài đang kiên nhẫn với chúng ta biết chừng nào. Ngài cũng nói rõ ngày tận thế điều gì sẽ diễn ra. Còn ngày đó ngày nào thì không ai biết được.
Chính vì thế, mỗi người hãy tĩnh thức và sẵn sàng, hãy sám hối và biến đổi cuộc đời; vì lúc chúng ta không ngờ, Con Người sẽ đến. Amen.

SUY NIỆM 2: LÚA VÀ CỎ LÙNG
1.Ai trong chúng ta cũng đều đọc báo trên trang web điện tử hằng ngày, và chúng ta chứng kiến nhiều câu chuyện xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội…khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, bồi hồi và sợ hãi!
Gần đây nhất là câu chuyện về cô gái người dân tộc, tên là Y Nhiêu, 22 tuổi, quê ở thôn Pêng Siêl, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum, xuống Tp. Pleiku, Gia Lai phụ giúp việc nhà, dọn dẹp, nấu cơm ... cho một gia đình giàu có; cô gái này đã bị nữ gia chủ tra tấn rất dã man: cắt tai, bẻ răng, rạch mặt, lấy bàn là nóng dí vào người cô gái trẻ.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao là con người với nhau, người ta lại đối xử một cách tàn ác như thế?
Dựa trên Lời Chúa hôm nay của thánh Matthêu tường thuật về dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, chúng ta mới hiểu bên cạnh điều thiện vẫn còn sự dữ, bên cạnh điều tốt vẫn còn cả những điều xấu. Cỏ lùng trà trộn, xen vào ruộng lúa, và làm ảnh hưởng ít nhiều đến sản phẩm trong ngày thu hoạch. Cũng vậy, trong mỗi người chúng ta cũng có lúc chúng ta theo sự thiện, lại có lúc chiều theo quyền lực của sự dữ.
Cho dù sự dữ có quyền thế và mạnh mẽ đến đâu, thì cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Sự thiện sẽ thắng thế, sự dữ sẽ bị đây lui, vì tối và sáng không thể cùng hiện diện; thiện và ác không thể cùng tồn tại.
2.Chúng ta là con cái Chúa, con cái của Nước Trời, là hạt giống tốt, chứ chúng ta không phải là con cái ma quỷ, là cỏ lùng.
Chúa mời gọi chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ đang lôi cuốn, đang điều khiển chính chúng ta. Cần có thái độ dứt khoát với sự dữ, và làm điều thiện, điều tốt.
ĐTC Phanxicô khuyên: “Chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức trong việc đề phòng để khỏi bị lừa dối, khỏi bị ma quỷ quyến rũ…Hãy tỉnh thức! Và luôn luôn ở với Chúa Giêsu!”. (13-10-2013).
ĐTC Phanxicô cũng dạy chúng ta: “Nhờ cái chết và sự sống lại, Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực của thế gian, khỏi quyền lực của ma quỷ, khỏi quyền lực của thủ lãnh của trần gian. Nguồn gốc của sự thù ghét là ở đây: chúng ta được cứu rỗi và thủ lãnh của trần gian, kẻ không muốn chúng ta được cứu rỗi, thù ghét chúng ta và gây nên sự bách hại từ những lúc đầu tiên của Chúa Giêsu tiếp tục đến hôm nay.” (02-08-2014)
3.Chúng ta chỉ còn một cách để sống và tồn tại, đó là hãy đi theo và sống trong ánh sáng của Chúa, của Tin Mừng, của Luật Chúa; điều đó sẽ giúp chúng ta tiêu diệt tội lỗi và ma quỷ.
Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài cầu nguyện để xin Thiên Chúa Cha cứu chúng ta khỏi kẻ ác (Mt 6,13).
Và chúng ta đừng quên rằng: Chúa Thánh Thần sẽ đến trợ giúp sự yếu hèn của chúng ta (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta, Ngài đang dạy chúng ta cầu xin Thiên Chúa những gì chúng ta cần và Ngài đang đổ đầy ân sủng trên chúng ta, Ngài ban sức mạnh và thúc đẩy chúng ta sống yêu thương và làm những điều tốt đẹp cho bản thân và cho tha nhân. Đó là chính là Chúa Thánh Thần đang đến trợ giúp chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống của chúng con, sự dữ, ma quỷ và sự xấu luôn rình rập và muốn tiêu diệt chúng con. Xin Chúa thương giải thoát và cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin Chúa giúp chúng con chiến đấu để dành phần thắng. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM 3:
Nhà văn Oscar Wilde đã viết trong một tác phẩm của mình rằng: “Điều khác biệt duy nhất giữa một thánh nhân và một tội nhân là thánh nhân nào cũng có quá khứ, và tội nhân nào cũng có tương lai.” Điều này có nghĩa không ai là hoàn hảo, và không người nào lại không có cơ hội để trở nên tốt hơn. Vì thế, mọi xét đoán của chúng ta về bản thân hoặc về người khác luôn có thể là quá vội vàng và thiếu chính xác. Đồng thời, khi hiểu được điều ấy, chúng ta cũng không để cho bản thân rơi vào sự thất vọng, chán chường, hoặc nổi loạn, khi phải đối diện với diện mạo đầy sự dữ của thế giới chúng ta đang sống. Trái lại, chúng ta được mời gọi để khiêm tốn và kiên nhẫn chấp nhận sự không hoàn hảo của con người cũng như của thế giới này.
Triết lý nhân văn mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên cũng phản ánh cách chính xác tinh thần của trích đoạn Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa Giêsu có ý khuyên nhủ các môn đệ không nên nóng vội trước sự tồn tại và hoành hành của sự dữ. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không làm ngơ trước sự tồn tại của sự dữ và không dạy chúng ta phải bắt tay hoặc đồng loã với sự dữ. Trái lại, Người cho thấy quan điểm rất rõ ràng của mình về vấn đề sự dữ. Người xác định rõ sự dữ là việc làm của ma quỷ, và bất cứ kẻ nào làm gương xấu và điều gian ác sẽ bị loại ra khỏi Nước Chúa và bị ném vào lửa. Tuy nhiên, sự trừng phạt dứt khoát ấy chỉ diễn ra vào ngày thế tận. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa thánh thiện và xót thương không muốn trừng phạt kẻ xấu trước khi cho họ cơ hội và thời gian để đạt đến ơn hoán cải và thay đổi đời sống, như Kinh Thánh đã từng chép lại: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11). Thiên Chúa thánh thiện và xót thương là Thiên Chúa nhẫn nại trước tội lỗi của con người.
Tuy nhiên, sứ điệp đầy an ủi ấy cũng gióng lên lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta: không được phép ỷ lại vào sự kiên nhẫn của Thiên Chúa để trì hoãn sự hoán cải và canh tân đời sống. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là vô hạn nhưng thời gian của chúng ta lại hữu hạn và không ai biết sẽ kết thúc lúc nào. Đồng thời, sự kiên nhẫn ấy có thể là cơ hội nhưng cũng có thể là thử thách cho bất cứ ai, bởi lẽ nếu người xấu có thể trở nên tốt hơn thì người tốt cũng có thể ra xấu đi. Vì thế, không ai lại không cần liên lỉ hoán cải và canh tân đời sống để trở nên thánh thiện hơn mãi.
Lạy Chúa, xin ban cho con lòng cậy tin vững vàng vào lượng thương xót hải hà của Chúa, để con có thể an bình và thanh thản đón nhận cuộc sống vốn không hoàn hảo này và không ngừng hoán cải canh tân đời sống. Amen.
 Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ

SUY NIỆM 4: BÀI HỌC KIÊN NHẪN
Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5: CÓ NÊN CHĂNG KHI NHỔ CỎ LÙNG SỚM?
Ở đời, người ta thường nguyền rủa những người ác độc, bất nhân. Họ cũng không ngừng đặt ra với Chúa những vấn nạn như: “Tại sao ông này bà nọ tội lỗi như vậy mà vẫn được Chúa thương, sao Chúa không phạt quách đi cho rồi?”; Hay “tại sao buôn gian bán lận, ăn trên ngồi trước, tham nhũng, bóc lột mà không gặp phải tai ương, ngược lại, họ vẫn suôn sẻ, chót lọt và thành công? Trong khi mình đạo đức, liêm chính, tốt lành thì lại không được may mắn như thế?”.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc các môn đệ xin Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các ông hiểu thêm.
Trước khi đi vào nội dung của phần giải thích, chúng ta lược qua bản chất của cỏ lùng để thấy được tại sao Đức Giêsu lại kể dụ ngôn trên.
Cỏ lùng là một loại cỏ dại thường mọc chung với lúa. Lúc còn nhỏ, chúng giống và rất khó phát hiện. Đến ngày đơm bông thì chúng mới lộ rõ ra, bởi vì thân chúng thường cao và nhỏ hơn lúa, hạt chúng cũng nhỏ và râu dài hơn. Tuy nhiên, đã nhận ra, nhưng để nhổ cũng khó, vì rễ nó và lúa đã ăn quyện lại với nhau, khi nhổ cỏ lùng, không chừng lúa cũng lên theo. Người ta chỉ có thể tách biệt giữa cỏ lùng và lúa khi thu hoạch. Nhưng lý do tại sao lại phải tách biệt như vậy? Thưa vì hạt cỏ lùng là một loại rất độc, ăn nhiều sẽ gây chóng mặt, đau ốm, nếu nặng sẽ hôn mê.
Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy khởi đầu là thuần chủng, tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp. Lý do là vì kẻ thù phá hoại nên đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch, thế lực tội lỗi luôn tìm cách để làm hại linh hồn ta.
Mặt khác, dạy cho ta bài học về sự kiên trì, đừng nóng vội. Nếu nóng vội, nhiều khi chúng ta nông nổi và vô tình làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời ta và tha nhân.
Sự thật đã nhiều lần chứng minh cho chúng ta thấy: có nhiều người tội lỗi tầy trời, nhưng vào một thời điểm nhất định, họ nhận ta tình thương của Thiên Chúa và tội lỗi của họ quá nhiều. Vì thế, họ đã sẵn sàng thay đổi cuộc đời, nên lối sống của họ đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại. cũng không thiếu gì nhiều người một thời được mệnh danh là “thánh sống”, nhưng kết cục lại chìm đắm trong tội do bị sa đà và nằm lỳ trong kiêu ngạo.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quay trở về với Thiên Chúa vì Ngài rất nhân từ và khoan dung, trừ khi chúng ta không đón nhận sự tha thứ của Ngài mà thôi. Mặt khác, Lời Chúa khuyên răn chúng ta hãy bình tĩnh trong việc xét đoán anh chị em mình. Hãy để cho anh chị em ta có cơ hội hoán cải, hầu trở nên con người tốt lành. Cần nhớ rằng: sự phán quyết cuối cùng thuộc về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối với chính mình và sự khoan nhân, kiên nhẫn đối với anh chị em chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 6: SỰ NHẪN NẠI CỦA THIÊN CHÚA
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng mà Ngài đã kể trước đó (Mt 13, 24-30).
Chúa Giêsu cho biết rằng chính Ngài là người “gieo hạt giống tốt là con cái Nước trời” vào“ruộng là thế gian”. “Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ”. Thật vậy, ma quỷ là kẻ thù truyền kiếp của Thiên Chúa, cũng như của nhân loại từ trong vườn địa đàng cho đến hôm nay và mãi đến ngày tận thế. Chúng luôn gieo rắc sự gian ác vào trong thế gian và trong lòng mỗi người. Vì thế, cũng như ông chủ không cho phép nhổ cỏ lùng khỏi ruộng lúa trước mùa gặt, Thiên Chúa dù biết tác hại của sự dữ trong thế giới này, vẫn chấp nhận cho nó cùng tồn tại với sự lành cho đến ngày tận thế. Lý do của sự kiên nhẫn này là vì Ngài không muốn làm tổn hại đến sự lành khi tìm cách loại bỏ sự dữ. Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm bảo vệ những người lành.
Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy rằng người lành người dữ, người công chính và người tội lỗi vẫn sống chung với nhau. Con người chúng ta cũng thường hay thay đổi, lúc thì là lúa tốt, lúc lại là cỏ lùng… Tình trạng bấp bênh, không rõ ràng ấy chúng ta thường thấy có trong Hội Thánh, trong xã hội, và trong mỗi cá nhân: hai yếu tố tốt và xấu, lành và dữ, lúa tốt và cỏ lùng luôn tranh chấp, giành giật ảnh hưởng lẫn nhau… bao lâu còn sống ở trần gian, không ai có thể phân định rõ ràng dứt khoát: chẳng có ai tốt đến nỗi không có gì xấu; và ngược lại, chẳng có ai xấu đến nỗi không có gì tốt. Vì thế, quyết định của ông chủ là một quyết định rất hợp lý theo sự khôn ngoan thông thường. Chúa dạy chúng ta phải nhẫn nại chờ đợi. Vì chúng ta có thể lầm lẫn.
Nếu như trong tự nhiên, cỏ lùng và lúa là hai loại khác nhau, không thể thay đổi, thì đối với con người lại có khả năng biến đổi từ tốt thành xấu và từ xấu thành tốt. Nếu như theo sự khôn ngoan thông thường là không nên nhổ cỏ lùng trước mùa gặt, thì việc phân biệt người xấu với người tốt cũng phải chờ cho tới “mùa gặt là ngày tận thế” mới thi hành được. Khi đó, “thợ gặt là các thiên thần” sẽ dễ dàng phân biệt người nào xứng đáng hay không xứng đáng vào Nước trời. Chính vì sự phân định dứt khoát, bất di bất dịch vào lúc cuối đời và ngày tận thế, cho nên chúng ta có thể rút ra kết luận:
Chúng ta cố gắng làm thế nào để cho đời sống giảm bớt đến mức thấp nhất, ít nhất những yếu tố xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức cao nhất, nhiều nhất những yếu tố tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt; Đồng thời hãy có thái độ kiên nhẫn và khiêm tốn chấp nhận sự “chung sống” lẫn lộn trong một đoàn thể, một tổ chức, một xã hội gồm những phần tử tốt và xấu, lành và dữ, lúa tốt và cỏ lùng… Chấp nhận tình trạng chung sống, không có nghĩa là công nhận, nhân nhượng hay thỏa hiệp với sự dữ, sự ác… theo kiểu “người ta sao mình vậy” hoặc là “có thế nào cứ để thế ấy”, nhưng bằng cách “lúa thì phải giữ sao cho vẫn là lúa” và “làm sao cho cỏ ngày càng bớt đi”.

Riêng với từng cá nhân, ngoài việc cố gắng trong đời sống hàng ngày bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng việc lành phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để khi“nhắm mắt xuôi tay” kết thúc cuộc đời trong tình trạng được kể là lúa tốt, và đến ngày tận thế không đến nỗi bị thợ gặt của Chúa là các thiên thần quăng vào lửa thiêu rụi như mớ cỏ khô vô ích, nhưng được thu lượm vào kho lẫm Nười trời. Amen.

Lm. GaB. Vũ Quốc Đạt
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây