SUY NIỆM THỨ BẢY-TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Ga 3, 13-17
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan
13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Thập giá là biểu tượng của thất bại và sự chết. Nhưng khi được giương cao trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: Thập giá trở thành vinh quang của Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho loài người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhìn lên thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá: Thập giá đồng nghĩa với tình yêu, đường tình yêu cũng là đường thánh giá.
Lạy Chúa, thập giá đời con có thể là những giờ phút tâm hồn khô khan chán chường. Thập giá đời con có thể là bổn phận nặng nề vất vả. Thập giá đời con có thể là sức khỏe suy nhược, công việc thất bại. Thập giá đời con có thể là những người trong cùng một mái gia đình: vợ, chồng, cha mẹ, con cái trở thành gánh nặng cho nhau. Thập giá là đau khổ muôn hình vạn trạng.
Lạy Chúa, con không chối từ những thập giá ấy, nhưng vui lòng chấp nhận, vì con tin rằng: con đường thập giá không phải là đường cùng, nhưng hướng mở tới một chân trời mới. Thập giá nặng nề và vướng mắc chông gai, nhưng thập giá luôn loan báo một cuộc đổi mới. Chúa đã dẫn con đến sự sống, nhưng bắt đầu khởi hành từ thập giá. Xin Chúa gắn chặt thập giá đời con vào thánh giá Chúa, để con biết yêu mến thánh giá Chúa trong đời thường. Xin Chúa giúp con luôn tin tưởng nơi thánh giá Chúa, và xin giúp con can đảm nhận lấy những thánh giá trong cuộc đời. Xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu nhiều hơn nữa để con đủ sức vác thánh giá đến cuối đường con đã chọn, vì thánh giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống. Amen.
Ghi nhớ: “Con Người phải bị treo lên”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: SAY TÌNH THẬP GIÁ
Trong ngày lễ suy tôn Thánh giá hôm nay, chúng ta cùng nhau suy gẫm 3 điều này:
Điều thứ nhất: Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá là vì ai?
Thưa là vì loài người chúng ta. Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng Ngài đã chấp nhận trở nên như một tội nhân. Ngài chọn con đường thập giá để có thể “đồng cam cộng khổ” với chúng ta. Ngài đã chấp nhận mang thương tích để chúng ta được chữa lành. Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi chúng ta mà đưa lên cây Thập tự, để chúng ta được giao hòa với Chúa Cha. Tất cả những điều ấy hoàn toàn là vì loài người chúng ta!
Điều thứ hai: Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá để làm gì?
Thưa là để cứu độ chúng ta. Nhân loại đã lún quá sâu trong vũng lầy của tội lỗi, và đứng trước nguy cơ đánh mất ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã dùng chính máu của Ngài để thanh tẩy nhân loại chúng ta, hầu chúng ta được trở về tình trạng công chính thánh thiện như ban đầu để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
Và điều thứ ba: Làm thế nào để chúng ta có thể hưởng trọng vẹn ơn cứu độ từ Thập giá của Đức Kitô?
Về điều này, thì trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời rất rõ: “Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Ngài cũng phải được giương cao lên như vậy. Và những ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống muôn đời”.
Khi chiêm ngắm thập giá Đức Ki-tô và suy gẫm về 3 điều ấy, chúng ta được mời gọi mang lấy 3 tâm tình sau đây:
Tâm tình thứ nhất đó là tâm tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì chúa đã chấp nhận làm mọi sự vì loài người chúng ta. Ngài đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống để chúng ta được sống và được cứu độ.
Tâm tình thứ hai đó là mỗi người hãy xa lánh các dịp tội và hãy sống công chính thánh thiện, mà phụng thờ Chúa suốt cả đời ta. Đừng để Chúa chúng ta phải chịu đóng đinh và chịu chết vì ta thêm một lần nữa.
Và tâm tình thứ ba đó là mỗi người hãy đặt trọng niềm tin tưởng vào Thập giá Đức Ki-tô, và tự hào mang lấy Thập giá Đức Ki-tô trong cuộc đời mình. Bởi Thập giá là con đường dẫn đến vinh quang, là chìa khóa để mở cánh cửa thiên đàng. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3:
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ thứ 17 đó là bức tranh “Ba thập giá.” Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một:
Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ. Biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá. Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 4: PHẢI ĐƯỢC GIƯƠNG CAO
Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ khi vào nhà thờ nhìn lên thánh giá thấy một người bị đóng đinh máu chảy đầm đìa. Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?
Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ không có Thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh. Khi Suy Tôn Thánh Giá chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập chúng ta suy tôn chính Đấng đi đóng đinh vào thánh giá. Ngài là đấng vô tội là con Thiên chúa làm người là đứng đó yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi.
Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết, nhưng chúng ta suy tôn tình yêu: tình yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một tình yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em. Đau khổ và cái chết là cái giá phải trả cho một tình yêu tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.
Thập giá là một thất bại của tình yêu. Quà Tặng của Cha bị loài người khước từ : Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh. Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.
Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn. Ngài để cho con người tự do chối từ. Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối… Nhưng thập giá lại là một thành công của tình yêu nơi thập giá tội ác con người lên đến cao điểm.
Thật giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời. Thánh giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo. Thánh giá có mặt cả trên nến phục sinh. Thánh giá ở trên thân thân xác ta mỗi lần ta làm dấu, nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời ai muốn theo tôi hãy vác thánh giá mình mà theo tôi.
Đừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa. Đừng kéo lê bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và xinh cháy hãy suy tôn hãy hôn kính thánh giá của mình của quê hương của Giáo hội, dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được màu nhiệm. Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau giờ tin tưởng nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu.
Lời nguyện
Lạy cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra thánh giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và bước theo Con Cha trên đường thánh giá bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau. Ngày đó cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến của con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha chứ không mong phần thưởng. Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen.
Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ
SUY NIỆM 5:
Thập giá minh chứng tình yêu, ôi thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng, là người bạn tín trung, là lương tâm nhân loại, là niềm tình đưa mến, là đỉnh cao dâng hiến vinh quang. Xin mỗi ngày, đón nhận thập giá Giê-su, để làm bằng chứng tình yêu, tình yêu bất diệt, tình yêu, tình yêu duy nhất... Nhạc sĩ Ngọc Linh đã gửi gắm, minh chứng tình yêu, niềm tin của mình vào công trạng và sức sống của cây thập giá. Quả thật, với những ca từ gần gũi, thân thương, thế nhưng người nhạc sĩ đã diễn tả được hai chiều kích của một thực tại: ý nghĩa của cây thập giá. Thứ nhất đó là tình yêu hy hiến, vô bờ bến của Đức Giê-su dành cho nhân loại, thứ hai đó là lời gọi mọi mỗi người Ki-tô hữu hãy biết đón nhận, biểu lộ và sống tình yêu này mỗi ngày nơi cuộc sống nhân gian của mình.
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng lễ suy tôn thánh giá, Hội thánh không có ý ca tụng, biểu dương biểu tượng của sự chết nhưng suy tôn và thờ lạy Đấng ngự trên cây thập giá đó. Đức Giê-su vì yêu thương nhân loại, sẵn sàng từ bỏ trời cao, hạ mình xuống, đón nhận cái chết, giúp con người thoát ra khỏi tử thần và được phục sinh vinh quang của Ngài. Quả thật, chỉ có tình yêu hy hiến, chỉ có tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dám trao gửi, ban tặng nhưng không con Một cho nhân loại như vậy. Tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta được coi là mẫu mực, chuẩn mực của sự hy sinh, trao ban. Hay nói cách khác, tình yêu của một người cha hết lòng tận tụy vì con vì cái. Thiên Chúa Cha vì quá yêu thương nhân loại phàm nhân này, chúng ta không đáng được Chúa xót thương, nhưng vì quý trọng thân phận con người tội lỗi, nhưng vì muốn kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của sự nhơ nhớp, yếu hèn mà Ngài sẵn sàng từ bỏ, rứt ruột rứt gan ra để trao tặng con Một của Ngài cho nhân loại này.
Ngược chiều dòng chảy của lịch sử cứu độ, trong Cựu ước, tác giả sách Xuất hành kể cho chúng ta thấy tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa đã tặng ban cách riêng cho chúng ta. Vì vâng lệnh Thiên Chúa, tổ phụ Abraham không giữ gì cho riêng mình, ngay cả đứa con một của ngài là Isaac, ngài cũng dám sát tế để dâng cho Chúa. Phải có tình yêu mãnh liệt, phải có niềm tin sâu sắc lắm thì Abraham mới can đảm, mạnh mẽ hiến tế đứa con độc tôn của mình như vậy. Hay trong Tân ước, thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy tấm lòng bao dung, độ lượng vô ngần của người cha dành cho đứa con hoang đàng của mình. Xét về nhân bản, người con như thế là táng tận lương tâm, vô luân và đáng bị nguyền rủa, lên án. Thay vì từ khước, thay vì đoạn tuyệt đứa con bất tín, bất trung như vậy, người cha đã vứt bỏ tất cả, gạt mọi khoảng cách, mở rộng con tim, đón nhận đứa con trở về một cách nhưng không. Người cha ấy còn làm một bữa tiệc linh đình như một lời minh chứng rằng, tình yêu của cha đã mất, nay cha đã tìm được, tình yêu ấy là vĩnh cửu và bất tận.
Mang thiên chức của bậc làm cha, hẳn tổ phụ Abraham đã phải xé lòng, xé dạ ra sao khi dám lìa bỏ khúc ruột của mình như vậy; hay người cha nhân hậu đã phải lặn xuống tận cùng của sự tha thứ, quên mình đến mang tiếng để được lại đứa con ngỗ ngược như vậy. Hai con người ấy đã và đang phảng phất hình ảnh và hành động mà Thiên Chúa đang dành cho nhân loại tội lỗi chúng ta. Nếu như Abraham và người cha nhân hậu đã trải qua kinh nghiệm đau xót nhưng chưa kinh qua “cái chết” là mất con, xa con thì Thiên Chúa của chúng ta đã phải “máu chảy ruột mềm”, đã phải “xé lòng xé áo” khi chứng kiến người con duy nhất của mình chết tức tưởi trên cây thập tự. Vâng, chỉ có tình yêu nhưng không, chỉ có sự hy hiến tận cùng mà Thiên Chúa đã quảng đại, trao ban và làm cho nhân loại chúng ta được sống và sống dồi dào như thế.
Như thế, hôm nay chúng ta suy tôn Thánh giá, là chúng ta làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ rạng, làm cho tình yêu của Ngài được thực tại hóa nơi mỗi người chúng ta. Sở dĩ con người chúng ta được “đồng hình đồng dạng”, được mang hình ảnh của Ngài nơi con người mình là vì ân sủng và tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu ấy không đòi hỏi gì khác hơn là chúng ta có nhiệm vụ “tín trung cùng đáp trả” một cách mau mắn. Thế nhưng, vốn mang trong mình bản tính mỏng giòn, mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta đã không trung thành với tình yêu mà chúng ta đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Vốn mang thân phận tham sân si, nhiều lúc chúng ta đã để cho sự xấu, cái ác nấn ná và vượt lên trên sự thiện, cái tốt. Thiên Chúa biết những giới hạn đó, Ngài thấu hiểu và ban cho con người các ân sủng, các Bí tích để chúng ta có cơ hội lập công, chuộc tội và đáp trả tình yêu hy hiến ấy. Chúa Giê-su ban Bí tích giao hòa để con người chúng ta làm hòa với Chúa. Chúa ban trí thông minh là để chúng ta biết trình bày Lời Chúa cho anh chị em của mình. Chúa ban sự can đảm để chúng ta biết vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Chúa ban sức khỏe để chúng ta biết lãnh nhận những trách vụ của gia đình và xã hội. Chúa ban sự thiện chí để chúng ta nhiệt thành đến với tha nhân.
Tất cả những ân ban ấy mà Chúa ban cho chúng ta cũng là mục đích để chúng ta ca tụng và tôn vinh tình yêu Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày. Hơn thế nữa, tất cả những ân ban ấy mà Chúa ban cho chúng ta còn để giúp chúng ta vượt thắng những nghịch cảnh, yếu hèn, cái ác, sự tội nơi thân phận con người. Nói cách khác, tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa, cho anh em đồng loại cũng phảng phất, họa lại hành động mà Thiên Chúa dành cho nhân loại này: hy sinh, tự hiến, sẻ chia và dám chết cho người mình yêu, để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ khắp nhân gian. Amen.
Lm Micae Vũ An Lộc.
SUY NIỆM 6:
Bài Tin Mừng hôm nay đã gợi lại hình ảnh ông Môsê tay giương cao con rắn đồng trong sa mạc nhằm cứu thoát dân chúng khỏi sự chết, nhằm báo trước cái chết sắp xảy đến với chính Người, lúc đó, Người sẽ bị treo trên cây gỗ thập tự ở đồi Canvê. Nhưng không giống như biểu tượng con rắn đồng giương cao nơi hoang địa, cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập tự biểu dương sức mạnh, mang lại chiến thắng huy hoàng, là dứt khoát với tội lỗi, với satan và sự chết. Vinh quang nơi thập tự này giúp ta xóa bỏ món nợ tội lỗi và giải thoát ta khỏi án phạt đời đời.
Chúa Giêsu đã gánh lấy mọi tội lỗi trần gian mang lên thập giá, để sự Phục Sinh của Người mang lại cho chúng ta một đời sống mới dồi dào ân sủng trong Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy, ta được tái sinh và được đón nhận làm con Thiên Chúa, cùng chung hưởng niềm vui với Người.
Sự hy sinh của Đức Giê-su là hành động của tình yêu cho đi không mong được đáp trả, Người hoàn toàn hiến mạng sống mình vì lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha và để cứu lấy phần rỗi linh hồn của chúng ta. Sự hy sinh của Người trên thập giá vừa là lễ toàn hiến cho Thiên Chúa, vừa là lễ đền tội cho tội lỗi của thế gian.
Tuy thế, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do để chọn lựa. Chúng ta có quyền yêu bóng tối của tội lỗi và hoài nghi, hoặc chúng ta có thể yêu thích ánh sáng của sự thật và lòng thương xót Chúa. Nếu tình yêu của chúng ta được soi sáng bởi sự thật và lòng thương xót, chắc hẳn sẽ dẫn ta đến lựa chọn là Thiên Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự. Những gì chúng ta thể hiện qua niềm yêu thích sẽ cho thấy những gì ta thực sự mong muốn.
Phản tỉnh: Bạn có tìm kiếm Thiên Chúa để đặt Người trên hết tất cả: tư tưởng, bận tâm, chọn lựa và hành động của bạn không? Bạn có thể để cho tình yêu của Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn bạn và cách bạn đối xử với người khác không? Bạn có để cho tình yêu ấy biến đổi biến đổi tâm trí và lối suy nghĩ áp đặt lên người khác của bạn hay không? Bạn có khao khát sự sống mới trong Thần Khí không?
Lạy Cha rất thương yêu, nhờ cái chết đau thương của Chúa Giêsu Kitô đã mang lại sự sống đời đời cho chúng con. Xin lấp đầy chúng con bằng Thần Khí Chúa, để chúng con có thể bước đi trong tự do và hân hoan như một người thừa kế gia nghiệp đời đời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2018/sep14.htm