SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XII THƯỜNG NIÊN SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Chủ nhật - 23/06/2024 07:05
SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Lc 1, 57-66.80

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.
60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”
62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.
64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.
66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? “ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

SUY NIỆM 1: LỄ VỌNG SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
(Giới trẻ và thiếu nhi)
Các bạn trẻ và thiếu nhi chúng con thân mến, có lẽ khung cảnh của một bữa tiệc sinh nhật đã trở nên quá quen thuộc với tất cả chúng con. Nhưng ngày sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay thì hoàn toàn khác. Tuy cũng có tiệc, nhưng không phải tiệc với sơn hào hải vị mà là Tiệc Thánh. Tuy cũng có bánh, nhưng không phải bánh kem mà là Bánh Thánh. Tuy cũng có rượu, nhưng không phải rượu bia thông thường mà là Rượu Thánh. Và tuy cũng có hoa có nến, nhưng không phải tặng cho Thánh Gioan Tẩy Giả mà là đặt trước bàn thờ để dâng kính Chúa. Tại sao lại như vậy?
Trong bài Tin mừng chúng con vừa nghe, Thánh Luca đã cho biết lý do. Bởi vì sự sống và việc chào đời của Thánh Gioan Tẩy Giả chính là một món quà Chúa thương ban. Chính ông Dacaria và bà Êlisabet là người đã cảm nhận rất rõ điều này. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông Dacaria, và cho vợ ông mang thai khi họ đã ở độ tuổi qua thất thập, cái tuổi mà chính hai ông bà cũng như hàng xóm láng giềng cứ tưởng chừng như không thể! Còn đối với nhân vật chính của ngày lễ hôm nay, Thánh nhân đã hiểu rõ mình được Thiên Chúa tác sinh nên như thế nào, vào lúc nào và để làm gì. Chính vì thế, ngài đã hiến trọn cả cuộc đời của mình thành lời tạ ơn Thiên Chúa, qua việc trở nên ngôn sứ của Đấng Tối Cao để đi trước Chúa và mở lối cho Người.
Giáo Hội muốn tổ chức sinh nhật cho Thánh Gioan Tẩy Giả trong khung cảnh của một bữa Tiệc Thánh, trong khung cảnh của một Thánh lễ, để nhắc chúng ta nhớ điều này: không riêng gì Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa tác sinh vào thế gian này. Chính Ngài đã ban cho chúng ta sự sống, cho chúng ta được làm người và được chào đời. Chân lý này đã được chính miệng Thiên Chúa khẳng định với Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất, khi Ngài nói: “Trước khi cho người hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi”.
Chắc chắn ai trong chúng con cũng có và nhớ rất rõ ngày sinh nhật của mình. Hằng năm khi đến ngày này, nhiều bạn đã háo hức chuẩn bị cho ngày “happy birthday to me” thật hoành tráng. Vậy thử hỏi có ai trong chúng con khi tới ngày sinh nhật của mình, mà nghĩ đến việc hôm nay tôi sẽ đi lễ để cám ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi được sinh ra và được làm người hay không? Là 1 giới trẻ Công giáo, là 1 thiếu nhi Thánh Thể mà chúng con không nhận ra được điều này thì chỉ là một người kitô hữu dởm mà thôi.
Chưa hết, đôi lúc chúng con quan trọng hóa ngày sinh nhật nhưng lại chẳng hiểu ngày sinh nhật mang ý nghĩa gì. Ngày sinh nhật được gọi là ngày “mẫu nan tử”, nghĩa là ngày nhắc chúng ta nhớ lại sự gian nan vất vả của người mẹ khi cưu mang và sinh ta ra đời. Hay nói cách khác, sinh nhật là ngày để chúng ta báo hiếu ơn sinh thành của mẹ cha. Vậy có bạn nào khi tới ngày sinh nhật của mình mà biết cám ơn ba mẹ đã cưu mang và sinh thành ra mình hay không? Có bạn nào khi tới ngày sinh nhật của mình mà mời ba mẹ một bữa cho ra trò chưa, hay dù chỉ là 1 ly nước lã? Chúng con hãy suy nghĩ và gẫm lại điều ấy!
Tóm lại, mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, chúng ta được nhắc nhở và phải nhớ 2 điều này. Thứ nhất, chính Chúa là người đã ban cho mỗi người sự sống, và chính Ngài đã tác sinh chúng ta vào đời. Thứ hai, cha mẹ chính là người đã thay mặt Chúa để cưu mang, sinh thành và cho chúng ta được sinh ra. Do đó, khi nhớ đến ngày sinh nhật của mình, mỗi người đừng quên dâng lời tạ ơn Chúa và nói lời cám ơn đến các bậc sinh thành. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cả 3 bài đọc lời Chúa hôm nay có một sự liên kết hết sức chặt chẽ, nhằm mô tả cho ta biết về cuộc đời, sứ mạng và con người của Thánh Gioan Tiền Hô. Để từ đó, chúng ta nhìn lại cuộc đời, con người và sứ mạng của chính mình
Bài Tin mừng cho biết con người và cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả có nhiều điểm đặc biệt: Ngài được tượng thai khi cha mẹ đã già nua tuổi tác, tên gọi được đặt cho khiến nhiều người phải bỡ ngỡ, cuộc sống thì gắn liền với hoang địa và sa mạc khắc nghiệt… Tất cả những điều xem ra khác thường ấy đều phát xuất từ ý định của Thiên Chúa. Ngài muốn Gioan Tẩy Giả được sinh ra. Ngài muốn chính mình đặt tên cho người mình tuyển chọn. Và Ngài muốn Thánh Gioan có một cuộc thanh luyện trong sa mạc trước khi trở thành vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế.
Cuộc đời của chúng ta có gì đặc biệt không thưa cộng đoàn? Có, thưa anh chị em! Thứ nhất, trong khi hằng ngày có biết bao nhiêu bào thai không được nhìn thấy mặt trời, bị phá bỏ; còn chúng ta lại được sinh ra và hiện diện trong cuộc sống này. Thứ hai, trong khi cả ¾ dân số chưa nhận biết Chúa, còn quá xa vời ơn cứu độ, thì chúng ta lại diễm phúc trở thành Kitô hữu, thành con Thiên Chúa. Và thứ ba, hãy nhớ rằng, chính Chúa đã an bài chuỗi ngày đời của mỗi chúng ta.
Còn về sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả thì bài đọc 2 cho biết, Thánh nhân là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, bằng cách kêu gọi người ta sám hối để mở rộng tâm hồn hầu đón nhận ơn cứu độ. Đó cũng chính là sứ mạng của người kitô hữu chúng ta, là giúp cho người khác nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất. Là người ki-tô hữu, chúng ta đừng bao giờ quên sứ mạng cao cả này.
Thánh Gioan Tẩy Giả còn có một nhân đức hết sức đặc biệt đáng để cho chúng ta noi theo. Những tháng năm dọn đường cho Chúa Giêsu, Thánh nhân có đủ lý do để tự hào về chính mình, ngài có đủ tư cách để được người khác tung hô chúc tụng, và có đủ bản lĩnh để dành cho mình một vị trí hàng đầu trong lòng dân chúng đương thời. Nhưng không, Thánh nhân đã gạt bỏ tất cả danh vọng địa vị mà người ta muốn gán cho ngài, và chọn con đường khiêm hạ: “Có một Đấng đến sau tôi, và tôi không đáng ci quai dép cho người” (Cv 13,25).
Chúng ta có thể tóm tắt cuộc đời, sứ mạng và con người của Thánh Gioan Tẩy giả như sau: Thánh nhân là người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng cho Chúa với một tấm lòng khiêm tốn.
Mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lại cuộc đời của mình để dâng lời tạ ơn Chúa, hãy nhìn lại sứ mạng của mình để sống sao cho xứng danh là người Kitô hữu, và hãy nhìn lại con người của mình để việc phục vụ của mỗi người được đơm hoa nhân đức. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3:
Trong Giáo hội, ngày lễ kính một vị thánh là ngày ttrần của vị ấy, quen gọi là “ngày sinh nhật trên trời” của người, ngày người sinh ra trên trời. Duy chỉ có thánh Gioan Tẩy Giả là được kính mừng cả trong ngày Người sinh ra lẫn trong ngày Người tạ thế. Tưởng không có gì lạ. Tất cả cuộc đời của thánh nhân từ lúc sinh ra, và ngay cả trước lúc sinh ra, chỉ là một lời chứng duy nhất cho Chúa Giêsu.
Con người của một sứ mạng
Có những người cho rằng người ta sinh ra ở đời là “bị vất vào đó”, một cách tình cờ, vu vơ, vô nghĩa. Thông thường hơn, người ta nói mỗi người có một định mệnh. Trước định mệnh ấy con người đành bó tay chịu đựng, không cách nào thoát ra được. Người Công giáo thì tin rằng mỗi người sinh ra là do ý muốn đầy yêu thương của Thiên Chúa, rằng không phải một sức mạnh mù quáng hay khắc nghiệt nào đó đã ném họ vào đời, nhưng chính tình Yêu của Chúa “gọi” họ vào cuộc sống và khi cho một con người sinh ra, Thiên Chúa có một ý định, một dự tính về người ấy, không phải như một kế hoạch áp đặt nhưng như một sứ mạng để hoàn thành trong tự do và trách nhiệm hầu cho con người được hạnh phúc và cuộc đời họ được thành tựu đích thực. Ta gọi sứ mạng đớ là một “ơn gọi”. Về mặt này, trường hợp của ông Gioan Tấy Giả là tiêu biểu vả rõ ràng.
Qua tưởng thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau vv..Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạlùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó. Điều đáng nới hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng. Ông rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ “dọn đường”. Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới. Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”, ông tuyên bố như thế (Ga 3,30). Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa của sứ mạng của một kẻ “dọn đường” và “làm chứng cho ánh sáng và sự thật”.
Gioan và Hêrôdê
Tôi thấy thánh Gioan Tẩy Giả Và Vua Hêrôđê, kẻ đã ra lệnh chém đầu Người, là hai khuôn mặt hoàn toàn tương phản. Gioan là người mạnh mẽ, chí khí, còn Hêrôđê là người yếu đuối, do dự. Một đàng thì sống khắc khổ, giản án dị, còn đàng kia lại thích xa hoa, hưởng thụ. Hêrôđê đã bắt giam ông Gioan vì ông mạnh mẽ tố cáo nhà vua đã lấy vợ của anh mình. Thật ra vua cũng tỏ ra kính phục nhà tiên tri, biết ông là người công chính và thánh thiện, nhiều khi ông đã bênh vực Gioan. Nhưng ông là người thiếu ý chí, bị bao vây bởi đam mê, dục vọng. Và tuy là người cai trị khôn khéo nhưng ông lại bị các khuynh hướng xấu xa làm chủ mình. Thế nên ông đã bắt Gioan tống ngục, chắc hẳn là dưới sức ép của bà Hêrôđiađê, người chị dâu mà ông ta đoạt làm vợ. Rồi trong một bữa tiệc, ông đã hài lòng về điệu múa của cô con gái của bà đến độ đã hứa ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin.
Một lời hứa bốc đồng. Đó không phải là tiếng nói của lý trí, của lương tâm mà là của cảm tính, của bản năng. Và thế là ông đã mắc mưu bà Hêrôđiađê rồi. Bà bảo con gái hãy xin cái đầu của Gioan. Đã lỡ hứa trước mặt các thực khách, nhà vua đành phải giữ lời, mặc dù trong thâm tâm không muốn giết con người công chính này.
Vua Hêrôđê tiêu biểu cho những con người để cho phần thú tính nơi mình lấn lướt; mặc dù đôi khi lý trí và lương tâm vẫn còn lóe lên nơi họ, kêu gọi họ hãy vươn cao lên, nhưng không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn lầy bởi họ đã quen sống trong những sự thấp hèn.
Đối diện với Hêrôđê, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một con người có lý tưởng, sống nhất quán vì lý tưởng đời mình; một con người của bổn phận; con người biết chiến đấu cương quyết chống lại những lôi cuốn của bản năng thấp hèn; con người của những đỉnh cao.
Thánh Gioan Tẩy Giả và chúng ta.
Như Gioan, mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng, một ý định của Thiên Chúa về chúng ta. Nhưng làm sao biết được? Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho ta biết rằng con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, “có khả năng hiểu biết là yêu mến Tạo Hóa” và “chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”. Đó chính là mục đích của việc tạo dựng con người. Con người phát xuất từ Thiên Chúa, sẽ được trở về với Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (năm 1992) trích dẫn lời thánh nữ Catarina thành Sienna như sau: “Vì sao Ngài đã dựng nên con người với phẩm giá cao trọng như vậy? Với tình thương vô biên, Ngài đã nhìn ngắm thụ tạo nơi chính mình và say mê nó. Vì thương yêu, Ngài đã tạo ra nó; vì yêu thương, Ngài cho nó khả năng hưởng phúc vĩnh cữu, (sđd, số 6).
Đó là ý định chung của Thiên Chúa là ơn gọi chung của chúng ta. Mỗi người sẽ phải thế hiện ơn gọi đó cho nên mình tùy theo diễn tiến cụ thể đời mình, theo những điều kiện và hoàn cảnh sống thực tế, khi ra sức tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong lề luật của Người và lời dạy của Giáo hội, trong việc bổn phận của bậc sống mình, trong lương tâm ngay thăng, trong luật lệ chính đáng của xã hội, trong các biến cố…
Không phải tự nhiên và dễ dàng mà chúng ta có thể thực hiện ý định của Chúa đối với chúng ta. Trong mỗi người đều có hai khuynh hướng: một nâng ta lên cao, một kéo ta đi xuống. Chúng ta thường xuyên kinh nghiệm rằng hai khuynh hướng thiện ác đó đấu tranh kịch liệt với nhau ngay trong ta. Muốn chiến thắng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, phải tập nghe theo tiếng nói của lý trí, của lẽ phải và lương tâm, trong việc lớn cũng như việc nhỏ; đồng thời cũng phải tập sống khổ chế, nghĩa là sông có kỷ luật, biết hy sinh và từ bỏ. Làm sao có thể có một đời sống tinh thần phong phú nếu lúc nào cũng tìm kiếm và chiều theo những sự dễ dãi, thoái mái, nêu lúc nào cũng chạy theo vui thú vật chất và xác thịt?
Ít năm sau chiến tranh, tôi có dịp đi thăm một anh em tu sĩ chúng tôi ở Xuyên Mộc. Ngài phụ trách một giáo xứ khoảng 4.000 giáo dân và ba địa điểm cách giáo xứ từ 7 đến 20 cây số với số giáo dân khoảng 6.000 người nữa. Tôi đã đi thăm hai địa điểm lớn ở xa. Đó. là hai làng kinh tế mới. Tôi thấy giáo dân thật sốt sắng, đầy can đảm trong công việc làm ăn cũng như trong việc đạo. Đặc biệt tôi gặp một gia đình Dòng Ba Phanxicô gốc ở Phú Nhuận. Khi tôi đến, ông đang dạy giáo lý hôn nhân cho một chị độ 25 tuổi. Ông bà cho biết: họ có mấy người con trai, trong đó có đứa nghiện xì ke đã làm cho họ rất khổ tâm. Để tránh cho mấy đứa khác khỏi bị lôi kéo vào con đường hư hỏng đó, hai ông bà đã quyết định đưa cả gia đình tới đây sinh sống từ 1980. Bây giờ họ sống nghèo nhưng vui và bình an. Tinh thần đơn sơ, nghèo khó, vui tươi và phó thác của Dòng Ba đã giúp họ can đảm sống cuộc đời thiếu thốn vì lợi ích của con cái. Họ nói tuy họ không giàu có nhưng con cái họ không hư hỏng.
Theo “ơn gọi” và hoàn cảnh riêng của mình, hai người công giáo này đáng cho ta khâm phục không kém Gioan Tẩy Giả, và chắc chắn là gần gũi và dễ noi gương hơn noi gương vị Tiền Hô.
Lm Nguyễn Hồng Giáo

SUY NIỆM 4: MỘT CON TRẺ LẠ LÙNG
 
Việc lạ lùng của Gioan Tẩy Giả đã được đánh dấu ngay từ lúc cha mẹ của Gioan đặt tên cho ông. Thường dân Do Thái tên của người cha, tên của họ hàng nội phải được đặt tên cho đứa bé mới sinh ra. Ở đây, cái huyền diệu, linh thánh đã xẩy ra ngay lúc cắt bì cho con trẻ. Lúc cắt bì cũng là lúc đặt tên cho đứa bé. Mọi người cứ tưởng lấy tên cha Giacaria đặt tên cho bé, nhưng bà Êlisabét lên tiếng:” Không, phải đặt tên cháu là Gioan ” (Lc 1, 60). Đây là cái tên do chính Thiên thần đã báo trước cho Giacaria biết ông và vợ ông sẽ sinh được một cháu trai dù hai ông bà đã luống tuổi, cao niên không thể nào sinh con nếu không có bàn tay Thiên Chúa can thiệp…
Mở đầu Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan viết: “Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng cho ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa”(Ga 1, 6-7). Địa vị và vai trò của Gioan Tẩy Giả rất quan trọng và lớn lao trong hàng ngũ các ngôn sứ của lịch sử dân Chúa. Bởi vì việc mang thai con trong lúc tuổi già củavợ chồng ông Giacaria và Elisabét đã nói lên việc kỳ diệu của Thiên Chúa nơi con trẻ Gioan. Tên con trẻ trong ngôn ngữ Do Thái là “Jehohanan”. Chữ này có nghĩa ” Thiên Chúa là ân sủng “. Vì con trẻ là hồng ân nhưng không,cao vời Thiên Chúa dành cho Gioan Tẩy Giả, cho toàn dân và cho ông bà Giacaria, nên ai nấy đều bỡ ngỡ (Lc 1, 63). Sau khi đứa trẻ được đặt tên, Giacaria dâng lên Thiên Chúa một lời ngợi khen tuyệt vời, Ông đã dâng con ông cho Thiên Chúa và nói: ” Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên”(Lc 1, 76-77). Tới tuổi trưởng thành, khôn lớn Gioan Tẩy Giả từ giã gia đình đi vào hoang địa, đi vào rừng vắng để ăn chay cầu nguyện, chuẩn bị sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tin Mừng thuật lại, đời sống của Gioan Tẩy Giả rất khổ hạnh: ” Thức ăn của Người là châu chấu và mật ong rừng”. Tuy thân xác khổ hạnh, nhưng tinh thần của Người tràn đầy niềm vui. Do đó, Gioan Tẩy Giả quả thực nắm một vai trò rất quan trọng trong lịch sử dân Chúa.
Mình Gioan được đặc ân dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả đã trình bầy và giới thiệu Chúa Cứu Thế như là hồng ân cao quí tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho nhân lọai, cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa là chiên Thiên Chúa và là Đấng xóa tội gian trần. Tin Mừng viết:” Năm thứ mười lăm dưới triều Hòang Đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít…có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Giacaria là ông Gioan trong hoang địa…rao giảng,kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội và sửa sọan cho ngày Đấng Cứu Thế tới “(Lc 3, 1-6). Mọi người dân Do Thái tuôn đến để nghe Gioan rao giảng và tin vào Người nhưng Gioan đã vội minh xác:” Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, sẽ có một người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giầy Người “(Lc 3, 16). Chính Chúa Giêsu cũng tới xin Gioan làm phép rửa cho mình. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Chúa Giêsu và chỉ cho các môn đệ của mình biết Đấng Cứu Thế. Thánh nhân đã đề cao vai trò cứu thế của Chúa:” Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”(Ga 3, 30). Thánh Gioan Tẩy Giả đã thi hành sứ mạng dọn đường rất nghiêm ngặt và công minh. Ngài không sợ thế gian, nên Ngài đã quở trách nặng lời Hêrôđê vì vua đã lấy vợ em mình. Ngài đã bị tống giam vào ngục và bị chém đầu vì một lời hứa khờ dại của vua Hêrôđê.
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời (Lời nguyện nhập lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả).
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

SUY NIỆM 5: “... ĐƯỢC TẠO THÀNH CÁCH LẠ LÙNG  (Tv 138,14a).
Theo lời Chúa Giêsu, ông Gioan là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Ê-li-a đã trở lại (Mt 11,8.11.14).
LỊCH SỬ
Lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả có từ thế kỷ thứ V, và được đặt vào ngày 24/6, 6 tháng trước lễ Giáng Sinh. Thánh Gioan là vị Thánh được đạc biệt mừng kính vào ngày sinh nhựt thực sự của mình. Toàn thể các Thánh khác đều được mừng vào ngày tứ trần, tức là ngày sinh nhựt trên nước trời.
Gioan Tẩy Giả đã được thánh hiến từ trong dạ mẹ, khi Trinh Nữ Mẹ Chúa Cứu Thế chào bà Ê-li-sa-bét, mẹ của Gioan. Sự kiện đặc biệt ở ngày sinh ra hướng ý cho chúng ta thấy ý nghĩa của Gioan trong lịch sử cứu độ.
So với Tân Ước, Gioan vẫn còn thuộc về Cựu Ước; ngài được Thiên chúa gọi để chuẩn bị dân chúng đón Đức Giêsu đến bằng các bài giảng nói về nước Thiên Chúa và lời kêu gọi sám hối.
Chính Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa thống hối từ tay ông ta và những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu cũng xuất thân từ đám môn đệ của Gioan.
Chính Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, người Tiền Hô cho Đấng vĩ đại đang đến.
Còn Đức Giêsu gọi ông là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Ê-li-a đã trở lại (Mt 11,8.11.14).
(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
CHIA SẺ VÀ SUY NIỆM
Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Khi cậu bé Gioan Tẩy Giả chào đời, người ta cũng đã hỏi tương tự: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?” ( Lc 1, 66 ). Với câu hỏi ấy chúng ta đã có câu trả lời. Cậu bé Gioan càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-el. Gioan đã đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái khi nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
Thánh Gioan Tông Đồ đã tóm tắt cuộc sống của Thánh Gioan Tẩy Giả trong câu nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Dưới cái nhìn của con người, như có lần Chúa Giêsu đã khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị Ngôn Sứ được xem là cao cả nhất trong lịch sử Ít-ra-el ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị nào trước ngài đã quy tụ được… Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và chấp nhận bị chém đầu.
Gioan nhỏ lại trong cái chết, nhưng Chúa Giêsu lớn lên trong mầu nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về cái chết của Chúa Giêsu… Nhưng cũng trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Gioan mới có ý nghĩa… Trong bóng thập giá của Chúa Giêsu, Gioan đã tìm lại được chính mình.
Bài Tin Mừng hôm nay tập trung vào việc mạc khải diệu kỳ của tên Gioan và biến cố cắt bì đặt tên, hơn là biến cố chào đời của ông Gioan Tẩy Giả. “Yôhannan” ( Gioan ) có nghĩa là: “Đức Chúa tỏ lòng nhân hậu”; “Đức Chúa tỏ lòng xót thương”; “Đức Chúa ban ơn”. Ngang qua cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Ngài là Đấng từ bi nhân hậu và giàu lòng xót thương. Thiên Chúa đã, đang và sẽ thi thố quyền năng của Ngài cho mọi người chúng ta.
Mỗi người chúng ta đều được cha mẹ đặt tên, khi đặt tên cho con cái cha mẹ nào cũng muốn qua cái tên ấy con cái mình được dễ nuôi, khi lớn lên có cuộc sống thành đạt. Ngày chúng ta chịu phép Rửa Tội, chúng ta lại có một tên mới, gọi là tên Thánh. Khi chọn một vị Thánh làm bổn mạng là ta muốn vị Thánh ấy cầu bầu và che chở chúng ta và chúng ta noi gương bắt chước vị Thánh ấy trên đường nhân đức để nên Thánh.
– Vậy sự hiện diện của chúng ta đã thực sự là “niềm vui và hy vọng” cho chính mình và cho người khác hay chưa?
– Con cái có là niềm vui và hy vọng cho bố mẹ hay không?
– Bố mẹ có là niềm vui và hy vọng cho con cái hay không? Hay là bố mẹ vẫn còn ích kỷ chỉ biết lo cho chính mình, vẫn biện minh cho những hành động sai trái và tội lỗi của mình, sống buông thả theo rượu chè, cờ bạc, ngoại tình và hưởng thủ và nhất là nạo phá thai, tức là nhẫn tâm giết con của mình khi chúng mới được hình thành trong dạ mẹ. Vợ chồng ly dị để con cái bơ vơ. Ai là vợ là chồng đã biết mang lại niềm vui và hy vọng cho người bạn đời của mình chưa? Hay là vợ chồng trở thành gánh nặng cho nhau, bạo hành trong gia đình, lừa dối và phản bội nhau, không còn thuỷ chung.
Chúng ta là con cái Chúa, chúng ta có tên Thánh, nhưng thực sự cuộc sống của chúng ta đã soi lấy tấm gương vị Thánh bổn mạng của mình hay chưa. Hay nói cách khác cuộc sống của chúng ta đã nói lên được rằng: Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, Thiên Chúa tỏ lòng xót thương và Thiên Chúa ban ơn hay chưa? Để rồi mỗi người chúng ta cũng là món quà để trao ban cho người khác và nhất là chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, ngõ hầu chúng ta là hiện thân của lòng nhân hậu, lòng xót thương của Thiên Chúa.
Chúng ta cầu xin điều gì trong ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy Giả nếu không phải là “tôi phải nhỏ lại để Ngài được lớn lên”. Chúng ta có nhỏ đi trong khiêm tốn để tránh được cái nhìn hẹp hòi ích kỷ của chính mình, chúng ta có chấp nhận teo tóp lại tất cả những ham muốn ganh tỵ bất chính của chính mình, chúng ta có mong muốn vỡ vụn tan biến tất cả những hận thù nhỏ nhen của chính mình, thì lúc đó Đức Kitô mới thực sự lớn lên trong chúng ta.
Chúng ta cầu nguyện sao cho bản thân và cho mọi người được luôn là cầu nối giữa Thiên Chúa với con người, là cầu nối giữa con người với nhau, như một bài hát đã diễn tả: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh, gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Kitô nẩy sinh tình đệ huynh”.
Lm. Hoàng Xô Băng

SUY NIỆM 6: ĐỨA TRẺ NÀY RỒI SẼ THẾ NÀO ĐÂY
Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng…
Một người láng giềng của tôi thuật lại: Trong thời gian người vợ mang thai, anh cầu ngày cầu đêm cho được con trai. Tối 28 tết, anh chồng thấp thỏm chờ đợi thời khắc đứa con chào đời. Hy vọng sẽ là đứa con trai như lòng anh mong ước.
Thế rồi vào khoảng 10 giờ tối, khi nghe cô đỡ báo tin người vợ sinh con trai, anh quá đỗi vui mừng, vội chạy vào nhà lấy hai dây pháo thật dài, treo ngay dưới hai chuồng bồ câu giữa sân, bật quẹt châm ngòi. Hai tràng pháo nổ giòn vang dội cả xóm. Tất cả bồ câu đông đảo trong hai chuồng hoảng hốt vỗ cánh bay tán loạn không sót một con!
Niềm vui có đứa con chào đời quá lớn khiến người cha trót dại treo hai dây pháo ngay dưới chuồng bồ câu khiến chúng bay sạch, gây tổn thất không nhỏ cho kinh tế gia đình.
Một niềm vui còn lớn hơn nhiều đã đến với hai ông bà Da-ca-ri-a khi bé Gioan chào đời. Mọi người lân cận đến chúc mừng hai ông bà được Chúa thương cho sinh con trong tuổi già. Ai cũng chúc mừng mẹ tròn con vuông. Ai cũng trầm trồ khen đứa bé thật dễ thương đang nằm trong lòng mẹ. Ai cũng mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66).
Thế rồi cậu bé Gioan lớn dần lên theo năm tháng mà không để cho bất kỳ ai thất vọng. Người đã sống đẹp và đã chết hào hùng.
Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi nơi gia đình lối xóm, rút vào trong hoang địa khô cằn để sống gắn bó với Thiên Chúa, chú tâm lắng nghe và thực hiện ý Người.
Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, thì người cũng không ngần ngại giới thiệu họ đến với Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.
Gioan sống đẹp khi được dân chúng ngưỡng mộ, xem mình như một ngôn sứ cao cả, thì Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cởi quai dép cho (Ga 1, 27), để cho đám đông thôi ngưỡng mộ Gioan mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.
Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Đời sống cao đẹp của thánh Gioan đã được Chúa Giêsu nhìn nhận: “Trong các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan” (Mt 11, 11).
Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng. Thời bấy giờ không ai dám đả động đến hành vi loạn luân của vua Hê-rô-đê với người chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê. Chỉ mình Gioan dám đứng lên tố cáo tội lỗi nhà vua cho dù phải lãnh lấy án chết. Gioan anh dũng chấp nhận chết để bảo vệ giềng mối đạo đức cho tôn giáo và xã hội. Đó là cái chết đẹp vô cùng.
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng mỉm cười với ta, ai cũng muốn bồng ẵm ta… và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: “Trẻ nầy rồi sẽ nên như thế nào?” Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng. Nhưng mãi cho đến hôm nay, chúng ta đã đáp ứng được niềm hy vọng đó chưa?
Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống sao cho đẹp như Gioan để không làm cho gia đình họ hàng thất vọng đồng thời để dọn đường cho Chúa đến với mọi người.
Nguyện xin Thiên Chúa giúp ta chết sao cho đẹp, để lại tiếng thơm cho đời như thánh Gioan.
Lm. Ignatiô Trần Ngà

SUY NIỆM 7:  
Trong niên lịch Phụng vụ, nếu không nói đến ngày lễ Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, thì chỉ có hai đấng được nhắc đến ngày sinh của mình: một là Mẹ Maria, được mừng sinh nhật vào ngày 8/9, và người thứ hai là thánh Gioan Tiền Hô được toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể ngày sinh nhật của ngài vào ngày hôm nay.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Mẹ Maria và thánh Gioan mới có ngày sinh nhật, nhưng tất cả mỗi người trong chúng ta đây, ai cũng có một ngày sinh. Chúng ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Việc chúng ta xuất hiện trên cõi đời này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng giống như thánh Gioan Tiền Hô, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa gọi vào đời và giao cho một nhiệm vụ phải chu toàn.
Do đó, nhân ngày lễ Sinh nhật của thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta cùng suy nghĩ về hai điểm: bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, và ơn gọi của mỗi người kitô hữu.
  1. Bổn phận giáo dục con cái của cha mẹ:
Điều đầu tiên mà các bậc làm cha mẹ là giúp cho con cái mình can đảm sống theo hướng dẫn của Lời Chúa, cho dù điều đó có đi ngược lại với thói quen của mình, đòi hỏi chúng ta một sự cố gắng hy sinh. Chúng ta phải can đảm sống đúng với giáo huấn của Chúa trong mọi việc lớn nhỏ.
Các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con cái một lương tâm ngay thẳng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, gặp bất cứ điều gì, cho dù là một việc nhỏ và có được sự ủng hộ của nhiều người, nhưng nếu không đúng với Lời Chúa thì chúng ta vẫn không làm.
Tất cả những điều trên, các bậc phụ huynh chỉ có thể làm được không phải bằng lời nói mà bằng chính đời sống gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta có thể học được bài học này từ cha mẹ của thánh Gioan Tiền Hô. Tin mừng thuật lại, khi con trẻ đã được tám ngày, bà con đến để chúc mừng và “cắt bì cho con trẻ, và họ đã lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được tên nó là Gioan”. Cả ông Giacaria, dù không nói được, nhưng cũng đã ra hiệu đồng ý như vậy. Cả hai ông bà đã đặt tên con trẻ theo như ý của Thiên Chúa, chứ không phải theo phong tục tập quán hay ý riêng mình.
Sống đúng theo ý Chúa, chu toàn mọi bổn phận của mình, đó chính là lúc chúng ta đang sống trọn vẹn ơn gọi của người kitô hữu.
  1. Ơn gọi của người kitô hữu
Trong nghi thức diễn giải sau khi đã được rửa tội, người đỡ đầu thay mặt cho em nhỏ đã nhận cây nến sáng được thắp lên từ cây nến Phục Sinh của Chúa Kitô, để rồi từ đây, theo dòng thời gian, em nhỏ này phải dùng chính cuộc sống của mình để chiếu toả ánh sáng Tin mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Trong bài đọc một, trích từ sách ngôn sứ Isaia nhắc lại lời của Giavê Thiên Chúa nói về người tôi tớ của Người rằng: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; nầy đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.
Như thế, nhiệm vụ của mỗi người kitô hữu là phải trở nên ánh sáng để dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải chiếu giãi ánh sáng của yêu thương và tha thứ vào trong thế giới đang đầy dẫy những hận thù, ganh tỵ. Thông thường, chúng ta vẫn thường thích để người khác đến với mình, khen ngợi mình, nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng của người kitô hữu. Một người kitô hữu chân chính phải luôn ý thức mình chỉ là người dọn đường để dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa. Chúng ta phải hãm dẹp cái tôi ích kỷ, phải dùng chính cuộc sống tự hạ, khiêm tốn của mình để dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là dẫn đưa con người đến gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa, chứ không phải dừng lại ở nơi chúng ta.
Về điều này, thánh Gioan Tiền Hô mà chúng ta mừng kính hôm nay là một mẫu guơng hết sức sống động cho chúng ta. Lúc ấy, sau khi bắt đầu cuộc rao giảng của mình, toàn dân đã kéo nhau đến với thánh nhân rất đông. Nhiều người trong số họ, kể cả Chúa Giêsu cũng đã bước vào dòng sông Giođan để được ngài thanh tẩy. Danh tiếng của ngài đã vang dội khắp nơi. Mọi người đều coi ngài là một vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Thậm chí, họ còn lầm tưởng thánh nhân chính là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã báo trước. Lúc đó, thánh nhân chỉ cần im lặng thôi là có thể tận hưởng bao vinh dự dân chúng dành cho ngài. Thế nhưng, thánh nhân đã không làm như vậy. Ngài ý thức rõ vai trò của mình. Mình chỉ là người dọn đường, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Thánh nhân đã can đảm nói lên sự thật: “Tôi không phải là người anh chị em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi, mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
Đây quả là bài học hữu ích cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi chỉ vì để chứng tỏ mình, để biện hộ cho mình, chúng ta thường ngụy biện để che đậy lỗi lầm, lôi kéo mọi người về phe mình để chống đối người khác. Và chính những điều đó đã gây ra biết bao hiềm khích, chia rẽ trong cộng đoàn.
Bài học thánh Gioan để lại là mỗi người phải tự xoá mình, để cho Chúa lớn lên. Nhờ đó cộng đoàn được hiệp nhất. Thiên Chúa được tôn vinh. Hay nói theo cách nói của ngôn sứ Isaia trong bài đọc một, nhiệm vụ của người kitô hữu, đó là “đem Giacob về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người” chứ không phải quy tụ mọi người chung quanh chúng ta. Chính vì sống như vậy, thánh Gioan đã được “vinh hiển trước mặt Chúa” và đã nhận được phần thưởng muôn đời “ở nơi Thiên Chúa”.
Thánh Gioan đã sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người, thánh nhân đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình, để rồi lúc ra đi, thánh nhân đã để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Phần mình, mỗi người chúng ta đã có một ngày được sinh ra. Trong ngày đó, chúng ta khóc, còn mọi người cười vui. Vậy thì giờ đây, chúng ta hãy sống thế nào để khi Chúa gọi chúng ta về, chúng ta có thể hân hoan mỉm cười, còn mọi người phải khóc vì thương, vì nhớ chúng ta. Amen.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

SUY NIỆM 8:  BÀN TAY CHÚA PHÙ HỘ
Thánh Kinh trình bày rất rõ ràng về cuộc đời thánh Gioan, từ khi sinh ra cho đến lúc hy sinh mạng sống để hoàn thành xuất sắc sứ mạng ngôn sứ của mình. Cuộc đời thánh Gioan là cho Thiên Chúa và phục vụ Thiên Chúa mà thôi. Cụm từ “bàn tay Chúa phù hộ” xác nhận thánh nhân là con người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt để phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Quả thật, cuộc đời của thánh nhân đã nằm trong bàn tay Thiên Chúa quan phòng và thánh nhân cũng đã hoàn toàn phó thác cuộc đời mình cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Thánh Gioan đã nêu gương cho chúng ta về việc cộng tác với ơn Chúa. Thánh nhân đã không đánh mất ơn Chúa mà còn làm cho ơn đó triển nở trong suốt cuộc đời của mình. Chúng ta cũng được “bàn tay Chúa phù hộ,” nhưng tại sao không làm cho ơn đó triển nở trong cuộc đời mình mà còn làm cho nó chết ngạt. Tất cả là do chúng ta đã không trân quý những gì Chúa ban, không cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong mình, nên dễ dàng quên Chúa hay gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời mình để chạy theo tham vọng. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn dùng bàn tay nhân hậu và thương xót mà cứu vớt cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn rộng mở đôi tay nhân từ mà thương xót chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ trao tay mình cho sự dữ và tội lỗi, nhưng luôn đặt trọn đôi tay nhỏ bé của chúng con trong đôi tay của Chúa. Xin bàn tay của Chúa luôn che chở, giải thoát và chữa lành cuộc đời tội lỗi của chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây