SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 15/09/2024 07:09
SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum.
Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”
6 Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.
7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! là nó đi; bảo người kia: “Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! là nó làm.”
9 Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítsraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”
10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

SUY NIỆM 1: KHIÊM NHƯỜNG, KÍNH SỢ VÀ TIN TƯỞNG
Viên sĩ quan dù có địa vị trong xã hội nhưng lại không dám trực tiếp xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ mình. Ông nhờ một số kỳ lão xin Chúa Giêsu giúp. Hành động này của ông diễn tả sự khiêm nhường. Ngoài ra, khi nghe biết Chúa Giêsu đến nhà mình, ông cũng vội vàng nhờ mấy người bạn xin Chúa đừng đến vì ông tự nhận mình không xứng đáng. Hành động này cho thấy lòng tôn kính Chúa của ông. Cuối cùng, ông chỉ xin Chúa phán một lời thôi thì đầy tớ của ông sẽ được chữa lành. Hành động này của ông đã diễn tả niềm tin mãnh liệt của ông đặt nơi Chúa. Tất cả hành động trên của viên sĩ quan đã chạm vào trái tim của Chúa Giêsu nhờ đó mà người đầy tớ của ông được chữa lành.
Khiêm nhường, kính sợ Chúa và tin tưởng vào Chúa là những hành động mà mỗi người cần sống mỗi ngày. Lòng khiêm nhường giúp chúng ta biết những gì mình có đều đến từ Chúa. Lòng kính sợ Chúa giúp chúng ta luôn biết tuân giữ mọi điều Chúa dạy. Còn niềm tin vào Chúa thúc đẩy chúng ta dám đặt cả cuộc đời của mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Mọi phép lạ cũng như mọi điều chúng ta ước muốn sẽ thành hiện thực khi sống được những điều trên.
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con để chúng con luôn biết biểu lộ đức tin của mình như viên sĩ quan xưa bằng lòng khiêm nhường, luôn kính sợ Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 2:
1. Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. 2. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.
• Tin mừng kể viên đại đội trưởng có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Người nô lệ thường bị gạt ra bên lề xã hội, thế nhưng ở đây, viên đại đội trưởng lại nhắc đến anh. Điều quan trọng chính là phẩm giá là người chứ không phải địa vị. Người nô lệ này cũng là một con người và được tôn trọng.
• Ông ta yêu quí người ấy lắm. Chắc một điều là người nô lệ này sống rất tình người nên đã để lại trong tâm trí chủ của anh một sự yêu quí anh ta. Ông đã chạnh lòng trước căn bệnh của người nô lệ và khao khát xin Đức Giêsu đến cứu. Tôi thấy mình sống tình người với nhau như thế nào?
• Ngày nay không dễ để thấy một người chủ đối xử tốt với gia nhân của mình và cũng phải nói ngược lại là gia nhân đối xử tốt với chủ. Người ta không đặt tình người, sự trung tín cho nhau nên không có khả năng để yêu quí nhau.
Hình ảnh cứu trợ mấy ngày nay dành cho bà con vùng bị bão lụt đang muốn nói gì với mỗi người chúng ta. Lời Chúa giúp tôi thay đổi cách hành xử như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con sống tình Chúa tình người.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 3:
Phân tích
Chúa Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ của một sĩ quan ngoại đạo:
Ông này  lòng thương người: Đầy tớ của ông bệnh mà ông lo lắng như là con ruột của mình; ông là người Rôma nhưng xây cất hội đường cho người Do Thái.
Ông cũng khiêm tốn: Dù là giới cai trị, ông không ngại hạ mình đến xin Chúa Giêsu là người dân bị trị giúp đỡ mình; ông lại còn nói ông không xứng đáng cho Chúa Giêsu vào nhà ông.
Đức tin của ông rất mạnh vì ông tin Chúa Giêsu chẳng cần đến nhà ông, chỉ ở xa phán một lời thì đầy tớ ông sẽ khỏi.
Suy niệm
1. Chúa Giêsu sẵn sàng ban ơn cho mọi người dù đạo hay ngoại đạo, miễn là người đó có lòng tin. Thực tế ngày nay có nhiều người lương tin Chúa và Đức Mẹ, đã xin ơn và được ban cho những ơn lạ lùng.
Phần tôi, lắm khi tôi vừa xin vừa hồ nghi không biết có được Chúa ban ơn hay không. Từ nay khi xin ơn Chúa, tôi phải xin với hết lòng tin tưởng.
2. Người sĩ quan này cũng làm gương cho chúng ta về lòng nhân ái: yêu thương đầy tớ, yêu thương người bị trị. Xin cho con biết yêu thương những kẻ dưới quyền, những người kém thế hơn con.
3. Lời ông nói với Chúa Giêsu là một tấm gương khác về cách cầu nguyện khiêm tốn. Khi tôi cầu nguyện cùng Chúa, tôi phải bắt chước ông nói rằng “Con chẳng đáng”.
4. Chuyện này cũng khiến ta phải ý thức về sức mạnh của Lời Chúa. Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền có những gì Ngài muốn. Chúa Giêsu chỉ ở xa phán một lời thì người đầy tớ kia hết bệnh.
5. “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7,6). “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Lời này khơi lên trong lòng tôi niềm mơ ước được rước Chúa. Dù biết mình không trong sạch, nhưng khi Ngài ngự vào linh hồn, tôi lại cảm thấy vững vàng trong đời sống. Sự hiện diện thực sự của Ngài trong Thánh Thể khiến tôi vững tin hơn để chống lại những cám dỗ thường ngày.
Không như người sĩ quan xưa, tôi biết mình có tội nhưng vẫn cầu xin Chúa ngự đến cùng tôi. vì chỉ có Ngài mới là nguồn động viên an ủi nâng đỡ tôi trong từng giây phút.
6. Sau khi việc mặc cả với Thiên Chúa để cứu thành Sôđôma bị thất bại, tổ phụ Abraham thẫn thờ lui về, ông tìm đến bóng mát một cây sồi. Lúc ấy đã có một vị ẩn sĩ đang ngồi đó.
Vị ẩn sĩ tên là Ahaven. Ông nhích sang một bên và mời Abraham cùng ngồi. Abraham kể lại câu chuyện ông vừa mặc cả với Thiên Chúa. Nghe xong, vị ẩn sĩ đứng lên. Abraham nghĩ chắc ông ta sẽ đến nơi vừa xảy ra câu chuyện để tiếp tục mặc cả.
Abraham để cho nhà ẩn sĩ đi, còn ông thì chìm sâu vào giấc ngủ ba ngày ba đêm. Lúc tỉnh dậy, ông thấy thành Sôđôma chỉ còn là một đống tro tàn. Quay sang bên cạnh, ông thấy Ahaven bơ phờ ngồi đó.
Abraham hỏi về câu chuyên đi mặc cả. Vị ẩn sĩ trả lời:
- Lúc tôi đến nơi thì đã thấy Sôđôma chìm trong biển lửa. Muộn quá rồi!
Abraham nói:
- Nếu ông có đến sớm đi nữa cũng không thể làm gì được. Vì nhóm 10 người là nhóm nhỏ nhất. Con số 10 là con số căn bản. Mọi con số đều ghép từ 1 đến 10. Và Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta 2 bàn tay có tất cả 10 ngón.
Xem ra vị ẩn sĩ chưa hài lòng với lối giải thích của Abraham. Mắt ông vẫn theo dõi đám khói còn đang bốc lên từ Sôđôma. Ông thì thầm như nói với chính mình:
- Quả là đúng vậy. Nhưng Thiên Chúa không có 10 ngón tay để đếm. Lòng nhân từ của Ngài vô lượng vô biên.
Thực thế, nếu Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả thì lòng nhân từ của Ngài cũng bao la. Tình thương xót của Ngài khác nào như muôn ngàn đại dương bát ngát không bến bờ. Tội lỗi con người có nhiều tới đâu, có nặng nề tới mức nào thì cũng như cát, như đá chìm sâu dưới đáy đại dương của lòng nhân hậu, thương xót ấy mà thôi.
Không tội lỗi nào mà Thiên Chúa không tha thứ được. Không có con người khốn khổ nào mà Thiên Chúa không yêu thương được, Không có kẻ phản bội nào mà Thiên Chúa không đưa trở về với Ngài được.
Tuy nhiên, tội chỉ được tha thứ, con người chỉ nhận được tình yêu khi trong lòng người có được một con số 10 căn bản của thiện chí, của lòng khiêm tốn muốn được tha thứ, muốn được yêu thương.
Thiếu con số căn bản ấy, cánh tay phải của tình yêu Thiên Chúa sẽ chẳng làm gì được, và khi đó cánh tay trái của uy quyền sẽ giơ lên.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
 
SUY NIỆM 4:
Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giê-su khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giê-su khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rô-ma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.
Điều lạ ở đây là người được Chúa Giê-su ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do-thái, cũng không phải là một đạo hữu Do-thái, mà là một kẻ ngoại đạo đang cầm quyền đô hộ dân Người.
Với những gì thánh sử Luca tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng, Chúa Giê-su không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy nơi tâm hồn của mỗi người. Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay chính là sự khiêm tốn và niềm tin của con người.
1. Khiêm tốn
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rô-ma để cai trị một vùng của người Do-thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giê-su truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giê-su không đơn thuần là một thầy dạy như các Kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Người. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”. Lời xét mình này của ông đã được Giáo hội dùng để cho chúng ta thân thưa với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ trước khi đến rước Mình Thánh Chúa.
Ước gì mỗi lần chúng ta đọc lời này, chúng ta cũng có được sự ý thức về mình như viên sĩ quan trên đây, không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ và khiêm tốn.
2. Niềm tin
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do-thái tin bệnh tật là do tà thần và sự dữ).
Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giê-su mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp.
Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Người trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Người soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta. 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nên Chúa cũng sẵn lòng cứu giúp những ai khiêm tốn, suy phục và đặt niềm tin nơi Chúa. Xin cho chúng con cũng biết khiêm tốn đến với Chúa, để được Chúa chữa lành những bệnh tật tâm hồn. Amen
Hiền Lâm

SUY NIỆM 5: ĐƯỢC THƯƠNG MẾN VÀ MỞ RA
 
Câu chuyện Chúa Giêsu đến chữa bệnh cho người nô lệ của viên quan Roma khiến chúng ta cảm thấy Ngài thật nhẹ nhàng, dễ dàng khi đến với những người ngoài Do Thái. Người Do Thái kiêng kị không đến nhà dân ngoại, cho rằng làm thế là bị nhơ uế; và chính viên sĩ quan Roma cũng biết thế, nên không dám trực tiếp đến gặp Đức Giêsu và không dám để Ngài vào nhà mình. Nhưng khi Đức Giêsu được mời đến nhà ấy để chữa bệnh, thì Ngài đi ngay. 
Niềm tự hào là dân được Chúa chọn khiến cho họ nhiều khi kiêu hãnh và xem thường các dân khác, trong khi thực sự họ là dân nhỏ bé và liên tục ở dưới ách đô hộ của các nước khác. Nhưng họ đã hiểu không đúng về ý định của Thiên Chúa. Dân Do Thái được chọn theo nghĩa là dân trung gian, để từ đó, Thiên Chúa mở rộng ơn cứu độ ra cho mọi dân tộc. 
“Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tm 2,4-6)

Đức Giêsu Kitô thực hiện vai trò trung gian của Ngài bằng cách, từ là Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngài đã làm người để có thể tự hiến thân cho con người. Trung gian theo cách của Thiên Chúa không phải là được tôn lên, không phải là tách biệt và loại trừ người khác.
Ơn gọi kitô hữu, ơn gọi cho đời sống thánh hiến cũng thế, không phải là thành phần ưu tú, tách biệt và đóng lại trước tha nhân. Được gọi là để hạ mình xuống phục vụ và luôn mở ra cho mọi người.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Sơn


SUY NIỆM 6: LÒNG TIN MẠNH MẼ
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện viên sĩ quan là người ngoại giáo đến xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ, với lòng tin mạnh mẽ. Người ngoại nhưng có đức tin, một đức tin vững mạnh, vì hiếm có ai là người ngoại giáo nào mà biết chạy đến với Chúa để van xin Ngài cứu giúp bao giờ! Người ngoại này vững tin vào quyền năng của Chúa, chỉ cần Chúa phán một lời thôi đủ để chữa bệnh cho người đầy tớ được lành mạnh.
Người ngoại còn tỏ ra là người khiêm nhường thật sự, chân thành thật sự. Ông nhận mình bất xứng trước mặt Chúa. Ông là người tốt, góp công sức cho đền thờ Do Thái tại Capharnaum, nhưng không dám tự khoe mình là người có công. Ông khiêm nhường thẳm sâu, không dám rước Chúa vào nhà của mình, dù là ông đang cần Chúa đến chữa cho người đầy tớ ông.
Lòng tin mạnh mẽ, khiêm nhường và lời thỉnh cầu của ông được Chúa thấu suốt, lắng nghe. Chúa chữa cho người đầy tớ ông được khỏi bệnh. Chúa khen ngợi ông trước đám đông: Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Đức tin của viên sĩ quan ngoại giáo là câu trả lời cho những người luật sĩ, biệt phái và thượng tế thời đó vốn cứng lòng. Đức tin vào Đức Giêsu rất cần thiết để được cứu độ. Có đức tin mới nhận ra được Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ, đầy quyền năng và tình thương đối với loài người.
Đức tin của viên sĩ quan hôm nay là mẫu gương cho người tín hữu chúng ta. Cuộc sống của từng người chúng ta luôn có những thử thách, những khó khăn. Cứ nhìn vào thời điểm dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm vừa qua, nhiều gia đình có người chết, thậm chí không chỉ là 1, có khi 2 hoặc 3 người chết trong một gia đình; nhiều Giáo xứ, nhiều dòng tu, số người chết lên đến của 10, 20 hoặc 60, 70 người…Quả là đau thương, sợ hãi, thất vọng, buồn chán! Đó là chưa kể đến cảnh thiếu thốn, tiền bạc không đủ để tiêu pha cho những ngày giãn cách nghiêm ngặt. Nhiều gia đình hiện đang đói ăn thực sự, thiếu thốn thực sự. Phải chăng thử thách quá lớn ấy đang làm con người chúng ta chao đảo. Nếu không có lòng tin vững mạnh, không nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, không nhìn thấy bàn tay của Lòng Chúa thương xót chìa ra đón-đỡ, chắc chúng ta sẽ khó vượt qua được.
Trong mọi hoàn cảnh, đức tin mạnh mẽ, mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Cuộc sống luôn có những thử thách, nhưng cuộc sống còn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng. Những người bị nhiễm Covid-19, sau thời gian chữa trị được khỏe mạnh lại, mừng rỡ lắm, vì như chết được sống lại. Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn lý do để sống, đó là niềm hy vọng. Nghĩa là, Chúa giàu lòng thương xót, luôn ra tay nâng đỡ chúng ta, để chúng ta không bị ngã quỵ.
Ơn Chúa vẫn hằng nâng đỡ mỗi người tín hữu Kitô, qua Thánh lễ Misa và Bí tích Thánh Thể, Chúa nuôi dưỡng đức tin, lòng yêu mến Chúa và niềm cậy trông của chúng ta. Vì như Chúa đã nói: “Thầy đây, đừng sơ!” Chúa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để hướng dẫn soi sáng cuộc sống, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành, ban ơn, phù hộ chở che cuộc sống chúng ta.
ĐTC Phanxicô khẳng định: “Khí giới chiến thắng của chúng ta là cầu nguyện và âm thầm phục vụ.”
Cầu nguyện không ngừng để van xin, kêu la với Chúa như viên sĩ quan đến kêu cầu cùng Chúa. Hãy không ngừng cầu nguyện, đừng bỏ quên cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, lòng tin của chúng ta thêm mạnh mẽ hơn, tin tưởng và hy vọng nhiều hơn.
Người đầy tớ được viên sĩ quan lo lắng tìm thầy Giêsu để chữa bệnh cho khỏi. Tinh thần phục vụ cũng nổi lên giữa cơn đại dịch, ngoài các y bác sĩ, y tá giúp các bệnh nhân Covid-19, con rất nhiều người làm từ thiện. Họ đều là những người có lòng bác ái, phục vụ anh em chị em trong hoàn cảnh khó khăn. Covid-19 không có biên giới và không có phân biệt, chúng ta noi gương Chúa biết lắng nghe tiếng kêu la van nài của anh chị em xung quanh.
Hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống đức tin để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chữa cho người đầy tớ viên sĩ quan được khỏi bệnh, nhờ lòng tin mạnh mẽ của ông van xin Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng tin mạnh mẽ, luôn tín thác vào lòng thương xót của Chúa những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Xin Chúa luôn hiện diện, đồng hành với con để  nâng đỡ con, gia đình con và toàn thể nhân loại. Xin thúc đẩy con biết siêng năng cầu nguyện với lòng tin tưởng, lòng khiêm nhường, và phó thác cậy trông vào Chúa. Xin Chúa dạy con sống tinh thần phục vụ yêu thương với mọi người xung quanh, đang bệnh tật, đang thiếu thốn, đang đau khổ và làm cho dịch bệnh sớm chấm dứt.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse, xin Chúa luôn gìn giữ chúng con, nhất là trong thời dịch bệnh này. Amen.
 Lm. Duy Khang

SUY NIỆM 7: SỐNG ĐỨC TIN 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khen ngợi viên sĩ quan là một người có lòng tin mạnh mẽ. Thử hỏi ông ta là ai, làm nghề gì và sống như thế nào mà có đức tin mạnh như thế?
Trước hết, ông là một người có quyền uy. Tin Mừng không nhắc đến tên tuổi của ông, nhưng cho biết ông là một viên sĩ quan. Ông có lính tráng và các người đầy tớ. Ông có thể sai khiến họ làm những việc mà ông muốn. Hơn nữa, ông là người có lòng nhân hậu và có mối tương quan tốt với mọi người. Điều này được thể hiện qua những hành động và công việc của ông. Ông yêu mến người Do Thái và xây cất hội đường cho họ. Thứ đến, ông là một người khiêm nhường. Dù có quyền uy và làm nhiều việc tốt, nhưng ông nhận mình không xứng đáng để tiếp đón Chúa. Vì thế, ông đã nhờ người khác đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa lành cho người đầy tớ. Cuối cùng, ông là người được Chúa Giêsu khen ngợi là có lòng tin mạnh mẽ. Thông thường, để được chữa lành, Chúa Giêsu chạm vào bệnh nhân hoặc sai khiến họ làm một điều gì đó, hoặc chính họ đụng chạm tới Chúa một cách trực tiếp. Viên sĩ quan là người hoàn toàn khác. Ông tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Người. Ông tin rằng, dù không trực tiếp gặp hay đụng chạm tới Chúa, nhưng chỉ cần Người nói một lời thì người đầy tớ của ông được chữa lành. Lòng tin mạnh mẽ của ông được đền đáp.
Thánh Giacôbê Tông Đồ nói rằng: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Viên sĩ quan đã sống tốt tương quan ba chiều. Với mọi người, ông sống hài hoà và có tình thương. Với chính mình, ông là người “biết mình.”.Với Thiên Chúa, ông khiêm nhường và tin tưởng vào Người.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con ý thức và sống tốt điều chúng con tuyên xưng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh.”
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD



 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây