SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 12/06/2024 09:34
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5,20-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.
22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.
26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

SUY NIỆM 1: CÔNG CHÍNH HƠN BIỆT PHÁI
Chúa kiện toàn Lề Luật để phù hợp với Nước Trời. Và môn đệ phải sống theo luật mới để công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu.
Luật cũ đòi buộc bên ngoài. Luật mới đòi buộc trong tâm hồn. Luật cũ cấm ghen ghét. Luật mới đòi yêu thương. Không chỉ cấm giết người. Mà còn cấm cả ghen ghét. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người…Còn Thầy, Thầy báo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Không những không được giận anh em. Mà còn không được để cho anh em bất bình với mình. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. Luật mới là luật yêu thương. Yêu thương không phải ở bề mặt. Mà phải từ đáy sâu tâm hồn. Như thế mới đẹp lòng Chúa. Là của lễ xứng đáng dâng Chúa. Mới công chính hơn kinh sư.
Đó là không còn sống theo xác thịt. Nhưng theo Thần Khí. Ê-li-a là người sống theo Thần Khí. Ông không để lòng giận ghét ai. Dù ông bị vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven làm hại. Ông chỉ làm theo lệnh Chúa. Xong việc rồi ông lại đối xử tốt với vua A-kháp. Khi Chúa tha tội, ban mưa xuống đất Do thái, Ê-li-a đã chăm sóc cho vua. Lo cho vua ăn uống cho kịp chạy mưa. Và khi mưa xuống ông chạy trước xe để tháp tùng vua theo đúng nghi lễ quân thần. “Vua A-kháp cỡi xe đi Gít-rơ-en. Tay Đức Chúa đặt trên ông Ê-li-a; ông thắt lưng và chạy trước vua A-kháp cho tới lúc vào Gít-rơ-en”. Đó quả là con người sống theo Thần Khí (năm chẵn).
Phao-lô cho biết lý do luật mới công chính hơn. Đạo cũ đọc Kinh Thánh qua một tấm màn. Còn đạo mới gặp trực tiếp với Chúa. Chúa là Thần Khí. Thần Khí là tự do. Nên tâm hồn không bị ràng buộc trong sự chết. Nhưng phản chiếu vinh quang Chúa Ki-tô. Tự do yêu thương. Vì thế Tin Mừng Chúa Giê-su bừng sáng lên. Tuy nhiên những ai sống theo xác thịt vẫn không nhìn thấy ánh sáng đó. Chỉ những ai sống theo Thần Khí mới bừng sáng lên. Sống theo Thần Khí. Con người tràn đầy tự do. Và tràn đầy yêu thương. Đó là công chính hơn biệt phái (năm lẻ).
Lạy Chúa xin “làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng con, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa, rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô”.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: TUÂN GIỮ LỀ LUẬT VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG
Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, xuống trần gian không phải để phá hủy Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en xưa kia, nhưng để kiện toàn và thổi vào trong nó một tinh thần mới: tinh thần của tình yêu.
Nhiều lần Chúa Giê-su đã trách mắng những người Pha-ri-sêu, các vị Kinh sư, Thượng tế… vì đã tuân giữ quá tỉ mỉ Lề Luật mà không có tình yêu trong đó. Qua lời thánh Mát-thêu của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi những người môn đệ của Ngài và chính chúng ta cần phải thực thi Lề Luật với tất cả tình yêu thương.
Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa”. Còn Chúa Giê-su không muốn người môn đệ mắng anh em mình là đồ ngốc hay chửi những người anh em là quân phản đạo vì khi đó họ cũng sẽ lãnh nhận một hình phạt tương tự như giết người, thậm chí còn hơn. Có thể khi nghe điều này, nhiều người sẽ giật mình, bởi vì như thế thì thật là quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su muốn đi vào sâu thẳm trong tâm hồn con người, để nhắc nhớ những người môn đệ về tình yêu. Giết người, thì đương nhiên là không phải tình yêu, nhưng ngay cả giận giữ, mắng hay chửi cũng không phải là tình yêu. Liệu có ai yêu mà tức giận, oán thù với người khác? Thánh Gio-an còn đi sâu hơn và khẳng định rằng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Không có tình yêu chính là sự chết. Nhiều người cảm thấy rằng sống mà như đã chết đi một phần vì chẳng con ai yêu thương và quan tâm đến họ, huống chi là khi họ bị mắng chửi, thù ghét.
Tất cả điều răn đều quy về lòng mến Chúa và yêu người. Chỉ duy nhất giới luật yêu thương mà Chúa Giê-su muốn con người chúng ta thực hiện: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).  Ước gì, với sự trợ giúp từ ơn Chúa và sự cố gắng cá nhân, chúng ta có thể chu toàn Lề Luật theo ý muốn của Người.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện
SUY NIỆM 3: HÃY TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH HƠN
Cuốn sách: “Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công Giáo tại Việt Nam”, ở phần dẫn nhập, tác giả kể một câu chuyện đại khái thế này: có một người giàu có, cuộc sống sung túc, và ông ta có rất nhiều vợ. Mỗi người đều có cơ ngơi riêng. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được Rửa tội…
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: “Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!”
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một sự may rủi, đôi khi trở thành gánh nặng!
Hôm nay, Đức Giêsu muốn giúp cho các môn đệ đi một bước xa hơn trong việc giữ Luật. Ngài nói: “Nếu các con không công chính hơn các Luật Sĩ và Kinh Sư, các con sẽ chẳng thể vào được Nước Trời” (Mt 5,20).
Nước Trời không thể có cho những người “bắc nước trực gạo người” hay “há miệng chờ sung rụng”. Nước Trời cũng không dành cho những người vụ Luật và chỉ biết sống cho chính mình mà không cần quan tâm đến anh chị em đồng loại.
Vậy, để như điều kiện cần cho được vào Nước Trời, đó chính là phải sống thật tâm, sống hết mình với Chúa và với nhau. Tức là tất cả phải được xây dựng trên tình yêu. Nếu có tình yêu, thì đâu còn chuyện giết hại lẫn nhau; đâu còn mắng chửi nhau là ngu là ngốc; và làm sao đến dâng lễ vật mà trong lòng còn căm ghét anh chị em mình… Hãy sống với giây phút hiện tại và thánh hóa chúng, vì đối với Thiên Chúa, Người không tính thời gian hay công việc, mà Người nhìn tận sâu thẳm của tâm hồn con người nơi công việc hay suy nghĩ của họ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã chỉ ra cho chúng con con đường để được cứu độ, đó là con đường yêu thương. Xin cho chúng con biết đi trên con đường đó cho đến hết đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM 4: TA MUỐN LÒNG NHÂN TỪ
Câu chuyện
Lần đầu tiên một buổi lễ được trực tiếp truyền thanh cho cả thế giới theo dõi là lễ đăng quang của vua George VI của Vương quốc Anh.
Trong lễ đó, có nghi thức Đức Tổng giám mục Canterbury trao cho nhà vua cuốn Kinh Thánh và nói: “Thưa Hoàng đế cao cả, chúng thần xin trình Ngài cuốn sách này. Đây là báu vật cao quý nhất trên thế giới. Sự khôn ngoan ở đây, quy luật của hoàng gia cũng ở đây. Đây là những lời hằng sống của Thiên Chúa”.
Suy niệm
Luật lệ tự nó tốt nhưng không hoàn hảo. Lề Luật luôn là phương tiện chứ không là cứu cánh, như Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát” (Mc 2,27). Chúa Giêsu đến để kiện toàn thái độ và áp dụng tinh thần của luật là dẫn đến tình thương, cho nên, luật của Đức Kitô hoàn thiện và “trội hơn” Luật cũ, khi Đức Giêsu đề nghị không chỉ sống theo luật nhưng sống theo luật với ân sủng và tình yêu, cho nên, luật vì con người. Chúa Giêsu mời gọi không dừng lại ở những việc làm hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Trong tinh thần luật vì con người như Chúa Giêsu nói: “Con người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,9), Chúa Giêsu tiến xa và hoàn thiện luật, sự hoàn thiện đó đã thiết lập Luật Mới, khi Ngài dạy hãy biến “ách nặng nề, nô lệ” của Luật Cũ thành “sự tự do vui thỏa” trong Chúa Thánh Thần. Đừng câu nệ chỉ ở nơi chữ viết ràng buộc nhưng cảm nghiệm sâu xa từ trái tim mình là chủ đích của luật Chúa. Chúng ta thấy rõ minh họa đầu tiên qua “mối tương giao huynh đệ”: Thập giới truyền bảo “ngươi không được giết người’  ?. Còn Chúa Giêsu, đi đến cùng đích đòi hỏi của Lề Luật, khi tuyên bố rằng, việc không phạm tội sát nhân: Chưa đủ, mà còn phải loại bỏ nỗi oán hận và giận hờn khỏi lòng mình nữa: “Các con đã nghe người xưa dạy rằng ‘Không được giết người, … còn Ta, Ta bảo thật bất cứ ai phẫn nộ với anh chị em mình, thì sẽ bị phạt nơi tòa án…” (Mt 5,21-22).
Thật thế, trong sự hoàn thiện của luật, không chỉ giết người mới được coi là phạm luật, phải ra toà mà ngay cả thái độ giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em thì đã được coi là vi phạm luật. Và có ý muốn ngoại tình là đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi (x. Mt 5,27). Thậm chí chưa tích cực giải hòa với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng coi như là phạm Luật, không còn quyền dâng của lễ cho Thiên Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để lễ vật lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Chúa Giêsu đến để làm trọn Lề Luật trong tinh thần của luật yêu thương, có chiều kích nội tâm, để xoá bỏ những lối giải thích Lề Luật rắc rối bên ngoài làm cho con người trở nên vụ lợi và hình thức mà Chúa Giêsu đã kết án: “Khốn cho các ngươi giả hình, như má tô vôi, bên ngoài trắng trẻo mà bên trong thối tha” (Mt 23,13-36).
Đức Giêsu kiện toàn Lề Luật bằng cách thổi tình yêu của Ngài vào luật pháp khi nhấn mạnh đến điều cốt lõi: “Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải hi tế”. Ngài khẳng định giới răn trọng nhất mà toàn bộ Lề Luật và tiên tri đều quy về yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương anh em như chính mình (x. Mt 22,34-40). Chính Ngài đã kiện toàn giới răn cao cả ấy bằng cách tự hiến đời mình. Phần các môn đệ là chúng ta, kiện toàn Lề Luật khác hẳn việc tuân thủ các giới luật và mệnh lệnh của Chúa Kitô.
Ý lực sống:
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người pharisiêu,
thì sẽ chẳng được vào nước Trời”. (Mt 5,20)
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 5: SỰ CÔNG CHÍNH MỚI
Công chính là đức tính cần thiết và quan trọng với hết mọi người. Đối với người Kitô hữu thì sự công chính này còn cần hơn gấp bội vì nó xuất phát từ chính tình yêu và được xây trên nền tảng tình yêu. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống công chính hơn những người biệt phái: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Vậy công chính hơn các Kinh sư và người Pharisêu là công chính như thế nào? Tại sao Đức Giêsu lại kêu mời các môn đệ sống theo lối công chính mới?
Như chúng ta biết, các Kinh sư và người Pharisêu là mẫu gương giữ luật của người Do Thái. Họ được coi như là khuôn mẫu cho luật cũ, là người đạo đức thánh thiện. Họ cũng biểu trưng cho việc tuân giữ tỉ mỉ các lề luật của Thiên Chúa. Do đó, họ luôn được coi là người công chính. Tuy nhiên Đức Giêsu lại mời các môn đệ mình sống theo một lối sống công chính khác.
Nếu luật dạy, hay nói cách khác, nếu các kinh sư và người Pharisêu dạy không được giết người để khỏi bị kết án, thì Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải sống công chính một cách đặc biệt hơn, đó là: không được giận anh em mình, không được mắng anh em mình, không được chửi anh em mình (5,22). Những điều này xem ra là bình thường, không mấy quan trọng nhưng Đức Giêsu lại mời gọi các môn đệ phải tuân giữ nếu không muốn bị kết án. Quả thật, sự công chính mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ sống là sự công chính phát xuất từ chính tình yêu chân thật và không chút vụ lợi.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết ý thức lời nói, hành động của mình để qua mỗi việc chúng con làm chúng con có thể phản ánh hình ảnh của Chúa nơi mỗi anh em chúng con.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây