SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 03/07/2024 00:07
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 9,1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. 2 Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường.
3 Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”. 4 Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: “Ông này nói phạm thượng”.
5 Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: “Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng ‘Tội con được tha rồi’, hay nói ‘Hãy chỗi dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội”.
6 Bấy giờ Người nói với người bất toại: “Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con”. 7 Người ấy chỗi dậy và đi về nhà.
8 Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.

SUY NIỆM 1: GIÚP ĐỠ NHAU TRONG ĐỨC TIN
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mát-thêu kể lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su chữa người bại liệt. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng người bại liệt không tự mình có thể đến được với Chúa mà anh được mang đến với Ngài nhờ những người bạn của anh. Chúa Giê-su nhìn đến sự đoàn kết của những con người này và cách đặc biệt Ngài thấy được lòng tin của họ.
Với tất cả niềm tin, những người bạn của người bại liệt đã mong muốn anh được gặp Chúa Giê-su để được chữa lành. Chúa Giê-su, Đấng giàu lòng thương xót, đã chữa anh khỏi tội lỗi trước rồi sau đó mới giúp anh có thể đi lại như người bình thường. Chúa biết nỗi thống khổ của anh và đã giúp anh được khỏi, nhưng chính Chúa cũng cần những người cộng tác để đưa anh đến với Ngài.
Đức tin không chỉ mang tính cá nhân, nhưng mang tính cộng đoàn. Đức tin không chỉ cho riêng mình, nhưng đức tin còn giúp chúng ta đến với anh chị em đang gặp đau khổ, bệnh tật và quan trọng hơn, đức tin thúc đẩy chúng ta mang họ đến với Chúa Giê-su để người chữa lành. Chúng ta tin vào Chúa Giê-su và chúng ta mong muốn những người khác cũng được đến gần với Ngài để họ bớt đau khổ và tìm thấy được niềm vui, bình an nội tâm. Có nhiều những câu chuyện cảm động về những nỗ lực, cố gắng của anh chị em giáo dân, điển hình như các thành viên của hội Legio Mariae, trong việc dấn thân tìm kiếm và đưa những anh chị em khô khan đến với các linh mục để lãnh nhận bí tích Hòa Giải và tham dự Thánh Lễ. Hay nhiều anh chị em cũng đã đến thăm hỏi những người đang gặp đau đớn do bệnh tật để an ủi, động viên họ tin tưởng vào Chúa hơn… Thật là tuyệt vời khi trong một Hội thánh, với những thành phần khác nhau cùng với hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người có niềm tin mạnh hơn luôn biết nâng đỡ và trợ giúp những anh chị em yếu kém hơn. Cùng đi với nhau và cùng đến với Đức Giê-su trong một đức tin là hình ảnh đẹp của Giáo hội hiệp hành.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn nâng đỡ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin và từ đây, chúng ta luôn biết yêu thương và trợ giúp lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện
SUY NIỆM 2:  MỌI TỘI LỖI ĐỀU ĐƯỢC THA THỨ
Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm cho người bại liệt không phải là chữa lành bệnh thân xác mà là chữa lành bệnh tâm hồn. Ngài muốn giúp cho mọi người và kể cả người bệnh hiểu được rằng căn bệnh bại liệt làm cho người ta không thể hoạt động, nhưng nó vẫn ở bên ngoài, còn tội lỗi thì làm cho người ta bị tê liệt bên trong tâm hồn và nguy hiểm hơn, vì nó sẽ hủy diệt sự sống đời đời nơi người bệnh.
Khi chúng ta đau bệnh thì chắn chắn chỉ ước muốn một điều duy nhất là được lành bệnh. Đây là điều ước muốn hoàn toàn chính đáng. Do đó, chúng ta cứ chạy đến với Chúa, Đức Mẹ và các thánh xin các Ngài ban ơn cho gặp thầy gặp thuốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến những căn bệnh âm thầm bên trong do tội lỗi gây ra. Những căn bệnh này tuy không bộc lộ ra ngoài qua những cơn đau thể xác, nhưng ngày đêm âm thầm phá nát sự sống đời đời của chúng ta. Sức khỏe thể lý thì cần nhưng sự sống đời đời thì cần hơn.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người tội lỗi nhưng nhiều khi không dám đối diện với con người thật của mình. Xin Chúa hãy đến chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con, ngõ hầu khi tâm hồn chúng con bình an vì được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi thì thân xác cũng khỏe mạnh. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 3:  
Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. 2. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!”
•      Trong tất cả cuộc hành trình sứ vụ của mình, Đức Giêsu vẫn có nơi để trở về. Trở về để lấy lại sức, để có thời gian tĩnh lặng với Cha. Thế nhưng, những người theo Ngài vẫn cần đến lòng thương xót của Ngài, họ vẫn muốn phiền đến Ngài. Sự dễ thương của Chúa làm cho người khác dễ gần.
•      Ngắm nhìn sức mạnh của một tập thể khi họ cùng nhau khiêng đến với Ngài một kẻ bị bại liệt nằm trên giường. Họ không sợ bệnh tật, mùi hôi của người bệnh và thậm chí là những đàm tiếu của người khác. Đâu là động lực làm họ đủ can đảm để vượt khó?
•      Hãy nhìn ngắm Ánh Mắt của Đức Giêsu. Ngài không chỉ nhìn thấy họ nhưng còn thấy lòng tin của họ. Sự nhạy bén trước nhu cầu của người khác là bước đi đầu tiên để đưa đến hành động chữa lành qua lời nói “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!”
Tôi được mời gọi sống sự thân tình với mọi người như thế nào? Nơi Giêsu, tôi học được gì từ Ngài?
Lạy Chúa, xin cho con trở về và học nơi Ngài lòng thương xót.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4:
Nội dung Tin mừng hôm nay diễn tả rằng, có một nhóm người khiêng một kẻ bại liệt đến trước mặt Đức Giêsu. Đức Giêsu thấy lòng tin của họ nên đã chữa lành cho người bại liệt. Tuy nhiên trước biến cố lạ thường ấy, những kinh sư và biệt phái lại nghĩ bụng “Đức Giêsu ăn nói phạm thượng”. Vì lẽ theo lề luật Cựu ước, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, và có một Đấng mà sách Đa-ni-en (7, 13-14) nói tới là CON NGƯỜI, tức là Đấng Ki-Tô được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán muôn dân mới có quyền tha tội. Thế mà, Đức Giêsu lại nói “Con đã được tha tội rồi”, lời nói đó chẳng phải là phạm thượng sao, vì dám đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Lợi dụng cơ hội ấy, Đức Giêsu đã minh chứng cho mọi người biết, chính Ngài là CON NGƯƠI mà sách Đa-ni-en đã nói tới, Đấng có quyền tha tội khi chữa lành cho anh bại liệt. Điều đó cho thấy quyền năng của Thiên Chúa luôn ở với con người, điều quan trọng là ta có tin hay không tin vào Đấng Ki-tô, Ngôi Hai nhập thể.
Tuy vậy, khi suy niệm về đoạn tin mừng này, người viết lại được đánh động bởi một ý nhỏ trong nội dung đoạn Tin mừng: “Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!””
Quả vậy, “người ta” – “khiêng” người bại liệt đến với Đức Giêsu. Trong Tin mừng Mc 2, 3-4 và Lc 5, 18-19 còn nói rõ hơn nữa, Đức Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, Ngài ngồi trong nhà mà dân chúng rất đông, nên những người khiêng người bại liệt phải lên mái nhà, dỡ ngói ra để thòng người bại liệt xuống trước mặt Đức Giêsu. Thế thì, “người ta” không phải là một người nhưng là nhiều người, trong Tin mừng Mác-cô còn nói rõ là bốn người. Nhưng những người này là ai? Có phải là thân thích họ hàng với người bại liệt, điều đó Tin mừng không ghi rõ, nhưng chắc chắn một điều rằng những người này có mối tương giao quen biết và gần gủi với người bại liệt. Chính họ đã “khiêng” người bại liệt đến cho Đức Giêsu, chứ không phải là chính người bại liệt cố gắng hết sức mình để “lết” tới. Họ tin rằng, khi đưa anh bại liệt này đến trước mặt Đức Giêsu thì chắc chắn anh ấy sẽ được chữa lành, vì thế dù dân chúng rất đông, tự mình đi lại đã khó khăn, huống hồ là khiêng thêm một bệnh nhân. Nhưng vì lòng tin, dù khó nhọc họ vẫn tìm đủ mọi cách để đặt anh bại liệt trước mặt Đức Giêsu. Chính hành động của lòng tin nới họ, Đức Giêsu đã chữa lành cho người bại liệt. Rõ ràng, phép lạ này Đức Giêsu thực hiện không phải bởi lòng tin của chính bệnh nhân, nhưng bởi lòng tin của những người khiêng anh ta đến.
“Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi’”. Đức Giêsu thấy họ có lòng tin, tức là thấy những người khiêng anh bại liệt có lòng tin mạnh mẽ, chứ không phải Ngài thấy lòng tin mạnh mẽ nơi anh bại liệt. Điều này cho thấy, anh bại liệt được chữa lành là nhờ lòng tin của kẻ khác. Vậy mới thấm thía lời của thánh Gia-cô-bê tông đồ: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5, 15-16).
Trở lại cuộc sống đời thường, tôi nhận ra căn bệnh “thờ ơ” của thời đại chúng ta đang sống cũng đang xâm nhiễm vào tư tưởng, lời nói và hành động của tôi cũng như những ki-tô hữu khác. Chúng ta sẽ rất dễ dàng “mặc kệ - không liên quan” khi gặp những anh chị em đồng loại đang rơi vào tình cảnh đau khổ hay tội lỗi. Chúng ta cũng rất khó lòng khi đem người khác đến với Chúa, vì nghĩ rằng thân tôi đầy lầm lỗi đầy đau khổ tội lỗi thì tôi còn lo cho ai được. Đó là chưa kể đến hoàn cảnh sống của xã hội, hoàn cảnh sống của thời đại mà sự dữ dường như thắng thế, làm ta càng nản lòng hơn khi giúp nhau cùng tín thác vào Chúa.
Hình ảnh của những người khiêng anh bại liệt đến với Chúa Giêsu làm tôi nghẹn ngào rơi lệ, rơi lệ vì cảm phục lòng tin của họ, rơi lệ bởi sự nhiệt thành vì đồng loại của họ, rơi lệ vì sự ích kỷ của bản thân chưa dám chung tay với mọi người để mang hạnh phúc cho người khác, đem họ đến với Đức Giêsu. Người ki-tô hữu chúng ta chẳng bao giờ một mình cả, chúng ta có giáo xứ, giáo họ, có hội đoàn, có gia đình và đồng đạo… hằng ngày chúng ta vẫn gặp nhau. Đó là một lợi khí như thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nói: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực”. Hãy biết luôn cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau trong từng ngày sống, bởi khi ta đau yếu tội lỗi, thì trong cộng đoàn đang có nhiều người mạnh khỏe lành thánh; hoặc khi ta mạnh khỏe lành thánh thì cũng có đó người đau khổ tội lỗi cần ta mang họ đến với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết luôn gắn bó với nhau bằng lòng yêu thương và niềm tín thác nơi Chúa, nhất là những lúc trong chúng con có người cần được nâng đỡ, cần được chữa lành.
Xuân Hạ, OMI
SUY NIỆM 5:
Cuộc đời của người bất toại được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Chúa Giêsu. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu của anh ta lại gặp rất nhiều cản trở:
– Cản trở do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt khiến anh không thể tự thân đến gặp gỡ Chúa Giêsu được, cho dẫu anh ta rất muốn.
– Cản trở vì khoảng cách địa lý: chắc chắn khoảng đường từ nhà người bất toại đến với Chúa Giêsu sẽ không ngắn nên đòi hỏi anh và những người khiên anh phải hy sinh vất vả để vượt qua.
– Cản trở do đám đông: cuối đoạn tin mừng có nói đến dân chúng bao quanh Chúa Giêsu. Để đưa được người bất toại đến được trước mặt Chúa Giêsu, đòi hỏi những người khiên anh ta phải vất vả lắm mới chen lấn qua khỏi đám đông được. 
Nhưng mọi cản trở ấy được dẹp bỏ nhờ và tình thương lớn lao và sự hy sinh cao cả của những người thân anh. Họ đã đưa anh lên chõng và cùng nhau khiêng anh đến với Chúa. Chính vì tin tưởng vào uy quyền của Chúa Giêsu, nhất là tình thương mà họ dành cho người bại liệt, đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi rào cản. Nhờ đó mới có thể đưa được người bất toại đến được với Chúa Giêsu và được Người thương cứu chữa.
Tuy nhiên để cứu chữa cho người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, chính Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Mặc họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu biết rõ trong thâm tâm họ đã có sẵn một bản án tử dành cho Chúa khi Người nói lên lời tha tội cho người bị bại liệt “ Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.
Tha tội là đặt quyền của TC, nên khi Đức Giêsu nói lời tha tội là Người đã đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Điều này đã vi phạm vào khung luật tử hình. Tuy nhiên với sức mạnh của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ, và luật lệ vô hồn để thực hiện giới luật tình yêu bằng cách thể hiện quyền năng TC mà cứu chữa tâm hồn và thể xác cho người bất toại.
Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà đến với Chúa với lòng tin tưởng để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây nên. Nhất là xin cho chúng ta cũng biết yêu thương giúp đỡ những ai đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn có cơ hội vượt qua mọi rào cản mà đến gặp gỡ Chúa với hy vọng được Chúa chữa lành, nhờ đó cũng họ cảm nhận được Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của Chúa.
Lm Seoka
SUY NIỆM 6:
Đọc Tin Mừng Matthêu, chúng ta thấy: sau bài giảng trên núi từ chương 5 đến chương 7, thì chương 8 và chương 9, ghi lại hàng loạt phép lạ Chúa Giêsu thực hiện khi Ngài “từ trên núi xuống”. Đoạn Tin mừng hôm nay là phần đầu của chương 9, thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bại liệt.

Thánh sử Matthêu và thánh sử Marcô nữa, không cho biết người bị bại liệt là nam hay nữ, già hay trẻ; nhưng Luca cho biết, đó là một chàng thanh niên, khi trích lời Chúa Giêsu nói với người bại liệt: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5, 20). 

Tại sao người bệnh xin Đức Giêsu chữa lành mà Ngài lại tha tội? Bệnh và tội có liên hệ gì với nhau chăng?
Người Do thái quan niệm: bệnh là do tội. Đức Giêsu tha tội để người bại liệt được chữa lành nhằm mạc khải chân lý về mầu nhiệm Con Người Ngài: Ngài chính là Thiên Chúa; vì “Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội”. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu nên đã gán cho Ngài tội phạm thượng! 
Qua diễn tiến câu chuyện, chúng ta nhận thấy: Tha tội để người thanh niên bại liệt được chữa lành hay chữa lành người thanh niên bại liệt để thấy “Con Người có quyền tha tội”, đối với Chúa Giêsu, điều đó như nhau; vì Ngài là Chúa. Chỉ những ai không tin Ngài là Chúa, phủ nhận quyền năng Ngài thực hiện mới đích thực là người phạm thượng! 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mang thân phận con người, mỗi chúng con đều cảm nhận được sự yếu hèn của thân xác trước biết bao tấn công của mọi thứ bệnh tật; nhưng trên hết, chúng con ý thức căn bệnh “trầm kha là tội lỗi trong tâm hồn. cho chúng con biết thành tâm sám hối và đến với Chúa qua bí tích giải tội. chúng con tin rằng, nơi bí tích giải tội, qua linh mục là thừa tác viên, Chúa vẫn luôn hiện diện, chờ đợi và chữa lành chúng con như Chúa đã chữa lành cho người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Amen.

Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến

SUY NIỆM 7:
Ta thấy không như trong tin mừng theo thánh Marcô và Luca, câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh bại liệt do thánh Matthêu kể lại khá đơn giản, chỉ tập trung vào hai vấn đề chính của cuộc gặp gỡ: niềm tin và quyền tha tội. Hành vi tin phát xuất từ con người, còn lời tha thứ đến từ Thiên Chúa.
Tin là điều kiện cần để con người đón nhận phúc lành của Thiên Chúa. Niềm tin giúp ta khao khát tìm gặp Người. Niềm tin cho ta hy vọng đủ lớn để vượt qua những cản trở bởi thế lực xấu xa, bởi mưu mô của Tên Dối Trá và bởi yếu đuối phận người. Niềm tin còn cho ta cơ hội hàn gắn những gì đã gãy đứt do tội lụy, như thể Adam tìm lại được thiên đàng, như thể đôi phu phụ nối lại mối tình xưa, như thể đứa con đi hoang tìm lại được mái ấm, …
Thật vậy, ta thấy khi bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa, là ta sẵn sàng để cho Người hợp lòng hai mối cầu yêu thương đang xa cách, cho Người nối hai đầu dây tình nghĩa đang đứt lìa. Khi đó, tâm linh chết dở của ta được cứu sống, xác thân tật bệnh của ta được chữa lành.
Và ta thấy anh chàng bại liệt hôm nay được đón nhận cả hai: phúc lành và ơn tha thứ. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Gân cốt anh hết bị trói buộc bởi bệnh tật, tâm hồn anh thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi. Anh nối lại tương quan nghĩa tình với cộng đồng và tái hiệp thông với sự sống của Thiên Chúa. Anh được hưởng trọn vẹn hoa trái của niềm tin và ơn tha thứ.
Đời nào cũng thế, rất cần những tâm hồn nhân loại biết đặt trọn niềm tin vào Tạo Hóa như trẻ thơ tin tưởng cha mẹ mình. Biết bao cuộc hành hương thành kính, biết bao phép lạ được thực hiện mà chẳng kể đến sự chữa lành thể xác, nhưng là sự hồi sinh tâm linh cách diệu kỳ. Hóa ra, lời tha thứ – cái lành lặn bên trong lại cần thiết hơn cả. Tiếc là không phải ai cũng nhận ra sự cần thiết này. Đám đông dân chúng bên anh bại liệt hôm nay được một phen kinh hãi vì nhận ra điều xưa nay chưa từng thấy: Thiên Chúa đã trao quyền tha tội cho loài người ngang qua Đức Giêsu. Còn những luật sĩ học rộng biết nhiều lại không thể biết cái biết của thường dân, họ không thể chấp nhận phép lạ trong phép lạ họ vừa chứng kiến: Quyền tha tội đã làm một hành trình dài từ thiên giới đến trần gian.
Đức tin của chúng ta có được không phải nhờ vào chính bản thân của mình, nhưng trước hết là nhờ vào ông bà, cha mẹ và gia đình. Khi chúng ta lớn lên, đức tin đó được nuôi dưỡng trong cộng đoàn, bởi đời sống tốt lành của nhiều người. Từ đó nhắc nhở chúng ta sống không phải chỉ cho riêng mình, mà còn để hiệp thông với những người chung quanh nữa. Vì vậy lối sống tưởng như của riêng mỗi người lại liên đới với mọi người. Nếu sống đức tin một cách nhu nhược thì hậu quả không chỉ có mình gánh chịu, mà cả cộng đoàn và cả Giáo Hội cũng phải bị ảnh hưởng. Ngược lại, khi sống đức tin một cách manh mẽ thì những người sống chung quanh cũng sẽ được hưởng nhờ..
Một mình người bất toại không thể đi gặp Chúa Giêsu, vì anh chẳng có sức cất bước. Anh phải để kẻ khác đỡ nâng, khiêng vác mình. Nhìn nhận các giới hạn, khiếm khuyết của chúng ta, khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ cộng tác của anh em là phương thế chắc chắn nhất giúp chúng ta đến gặp Chúa. Và một khi được kẻ khác giúp đỡ, đến lượt chúng ta cũng hãy mau mắn giúp kẻ khác như vậy.
Chúa Giêsu gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài chứng minh điều Cựu ước đã nói nay đã ứng nghiệm: thời sau hết là đây, và chính Ngài là Con Người nắm quyền xét xử trong thời gian sau hết, và ở dười đất Ngài dùng quyền đó để tha tội cho con người. Bằng chứng là Chúa Giêsu đến đưa con người ra khỏi bệnh tật và tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh và Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt nặng hơn những người khác. Chính Ngài chữa và tha tội cho người bất toại, là cách Ngài công khai tỏ mình là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Chúa đã ra lệnh cho anh bất toại trỗi dậy, anh được sống lại bằng đời sống mới và không còn trong kiếp tội nhân. Hôm nay, Chúa cũng truyền lệnh cho mỗi chúng ta cũng hãy trỗi dậy từ sự bất toại của mình. Đó là bất toại do tội lỗi và hệ lụy của nó. Việc Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của thân hữu bệnh nhân và tha tội cho bệnh nhân là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu cũng phải biết cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại, để được ơn tha thứ. Đồng thời, những việc làm, lời nói biểu lộ lòng tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta cũng có ảnh hưởng đến anh chị em mình.
Lãnh nhận quyền xá giải từ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn thi hành cách trung thành và quảng đại nơi con cái mình. Nhưng ở đâu và đời nào cũng vậy, năng quyền này ít nhiều bị chất vấn, bị nghi ngờ cách này cách nọ với muôn vàn lý lẽ lớn nhỏ khác nhau. Có thể nói những vấn nạn về năng quyền xá giải của Giáo hội đều phát xuất từ cái thiếu căn bản này: thiếu lòng tin. Chính vì thiếu lòng tin, nên ta để vuột mất những hoa trái đẹp đẽ do lòng tin mang lại như đã kể trên đây. Chính vì thiếu lòng tin, nên ta cứ trật trầy trong cõi u mê đời người với đủ thứ tật bệnh xác hồn. Chính vì thiếu lòng tin mà con đường gặp gỡ Giêsu của ta cứ mãi mịt mờ và tiếng gọi về đây bên Cha, ta nối lại tình xưa Chúa vẫn cứ nghìn trùng xa cách.
Thành tâm và khiêm hạ, mỗi người chúng ta hãy để Lời Chúa hôm nay cật vấn và gọi mời ta rà soát lại xem ta tin Chúa thế nào và ở mức độ nào? Ta tin vào quyền tha tội của Giáo hội ra sao?  Hãy để trái tim yêu khoan hậu và toàn năng của Chúa chạm vào đáy lòng ta, sáng soi mọi ngõ ngách của hồn ta, cho ta gặp được Người, để Người ban lời tha thứ và chữa lành xác hồn ta. 
 “Tin là chấp nhận những điều mình không thấy, và hoa trái của lòng tin là chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta tin”, ước gì kinh nghiệm này của thánh Augustinô thêm vào với tiếng gọi của sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc bách ta tìm đến tòa giải tội, phơi bày trước Chúa tâm linh khuyết tật của ta, để Người chữa lành và ban ơn tha thứ kịp thời, cho ta được hồi sinh trong sự sống mới, được nối lại mối tình xưa nồng nàn thương mến giữa Chúa và ta.
Qua phép lạ chữa cho người bất toại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại : ”Tội lỗi của con đã được tha”.
Lm. Huệ Minh

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây