SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 10/07/2024 05:17
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Mt 10, 7-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.
Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.
10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. 11 Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
12 Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.
13 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 14 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.
15 Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

SUY NIỆM 1: TINH THẦN NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
Với những gì mà Thánh Matthêu thuật lại trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, có ít là 3 điều đáng để cho chúng ta suy gẫm.
Điều thứ nhất: Tấm lòng của Chúa luôn hướng về chúng ta. Trước khi sai các tông đồ lên đường loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ rất kĩ từng chi tiết một. Ngài dặn dò các ông như người cha người mẹ lo cho con cái. Điều này cho thấy Chúa không để chúng ta mồ côi một mình, nhưng luôn dõi mắt nhìn, và muốn nói với chúng ta rằng: Trong mọi sự, “hãy yên cứ tâm, có Thầy đây, đừng sợ!”
Điều thứ hai: Đã là người dấn thân phục vụ nhà Chúa thì phải có lòng cậy trong phó thác. Chúa Giêsu muốn các môn đệ khi ra đi đừng mang theo túi tiền, bao bị hay giày dép; nhưng chỉ cần mang theo một thứ, đó là lòng phó thác. Làm việc cho Chúa thì hãy cậy trông vào Chúa, chứ đừng cậy dựa vào bất cứ điều gì. Có như thế thì dù thành công hay thất bại, dù gặp chuyện vui hay chuyện buồn thì chúng ta vẫn cứ an lòng để tiếp tục dấn thân phục vụ, “vì phần thưởng Chúa dành cho chúng ta ở trên Trời thật lớn lao”.
Điều thứ ba: Đã sẵn sàng phục vụ thì cũng hãy sẵn sàng đón nhận những phủ phàng. Chúa Giêsu cho biết sẽ có người đón tiếp thiện chí của chúng ta, nhưng cũng sẽ có người công kích. Chính Chúa Giêsu cũng từng bị như thế. Các tông đồ cũng vậy. Và chúng ta cũng thế thôi. Rồi sẽ có lúc chúng ta bị hiểu lầm, bị từ chối, bị trách móc, bị chửi bới, bị kiện tụng… Sẽ có lúc “vì chú tâm lo việc nhà Chúa mà chúng ta sẽ phải thiệt thân”.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng, Chúa luôn hướng lòng về chúng ta. Mỗi người hãy phó thác cho Chúa tất cả những nỗi niềm của riêng mình, để “Chúa biến nỗi buồn của chúng ta thành hoan lạc”, và hãy khắc ghi thật sau lời này của Chúa Giêsu: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét. Nhưng ai bền đỗ đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản lòng nhiệt thành của chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau và tiếp tục dấn thân phục vụ thưa anh chị em. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được đi loan truyền Phúc Âm:
Công việc sẽ làm: chữa bệnh và trừ quỷ.
Tinh thần phục vụ quảng đại: Hãy cho cách nhưng không vì trước đó ta đã được nhận một cách nhưng không.
Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.
Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.
Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Các con hãy đi rao giảng rằng ‘Nước Trời đã gần đến’”: Nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Phúc Âm phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
2. “Chữa lành các bệnh nhân… làm cho kẻ chết sống lại… làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ”: Tông đồ là một con người chuyên làm sạch: xoa dịu nỗi đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ bị tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…
3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”: Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo hội, cho nên tôi cũng phải biết cho đi.
4. Nhận và cho: Một hôm, có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền là 25 đồng vàng để Ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy ông ta giả trang đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương liền lấy 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng Ngài. Khi giã từ, ông ta tặng thêm 150 đồng nữa ngoài số 25 đồng ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của Thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo. (Góp nhặt)
5. “Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: 'Bình an cho nhà này'“: Lời nói, việc làm, cách đối xử của người tông đồ phải luôn luôn tạo được bầu khí bình an.
6. “Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc”. (Mt 10,9-10)
Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Phúc Âm khắp cách đồng Galilê.
Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xây dựng một thế giới hoà bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì nước Chúa.
Còn con, con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giầy tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng, rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 3:
8. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
• Trình thuật tin mừng tiếp theo ngày hôm qua về sứ mạng chữa lành cho con người. Đó là nhu cầu cấp thiết và thiết thực của mọi thời đại. Sự giới hạn của con người chính là bệnh tật. Phải trở nên những thầy thuốc giỏi thì mới có thể chuẩn đoán và chữa lành cho con người.
• Mệnh lệnh anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không. Điều này nhắc nhở các môn đệ ý thức những năng quyền mình nhận đến từ Chúa thì phải biết qui hướng về Chúa. Làm việc không tính toán, không tìm tư lợi cho riêng mình.
• Nếu xã hội hôm nay ai cũng ý thức được điều mình nhận nhưng không và cho nhưng không thì sẽ không còn những bất công và nghèo đói. Con người chỉ thích thu vén về cho mình. Có mấy ai dám hy sinh cho người khác. Có lẽ nói vẫn hay hơn là làm.
Lời Chúa tiếp tục mời gọi mỗi người ý thức lại việc mình nhận và biết cách để cho lại. Tôi được mời gọi để thay đổi điều gì trong cách sống của tôi?
Lạy Chúa, tất cả đều là của Chúa. Xin cho con biết sử dụng theo ý Ngài.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4:  CHO KHÔNG

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu nhắc các môn đệ: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ vài điểm sau: Trước hết, người môn đệ có làm được bất cứ điều gì đều bởi ơn Chúa ban. Như thế, người môn đệ chỉ là dụng cụ, là máng chuyển ơn Chúa cho người khác chứ bản chất người môn đệ không có gì ngoài Chúa. Kế đến, chính Chúa là Đấng đã tuyển chọn và sai người môn đệ đi loan báo Nước Trời nên người môn đệ luôn làm vinh danh Thiên Chúa chứ không dùng Chúa để làm vinh danh mình. Cuối cùng, người môn đệ đã được Chúa ban mọi khả năng một cách nhưng không, thì người môn đệ cũng trao ban mọi ơn Chúa ban cho mình để phục vụ mọi người một cách quảng đại mà không tính toán hơn thiệt khi phục vụ.
Chúng ta cũng là những môn đệ của Chúa. Chúa ban cho mỗi người những ơn khác nhau theo những bậc sống khác nhau để sai chúng ta đi loan báo Nước Trời. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta chẳng biết quý trọng những ơn Chúa ban và không cộng tác với ơn Chúa để làm vinh danh Chúa. Thậm chí, chúng ta đã không biết dùng ơn Chúa ban cho mình mà còn ganh tỵ, cản trở ơn Chúa ban cho người khác. Rất nhiều lần chúng ta đã có những suy nghĩ, lời nói và hành động xiên xẹo trước những việc làm tốt lành của người khác. Khi chúng ta càng ganh tỵ với người khác, hay thiếu lòng quảng đại để phục vụ người khác bằng ơn Chúa ban, thì chúng ta đang tự đánh mất hết ơn Chúa ban cho mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm và ghi nhớ mọi ơn lành Chúa ban đều nhằm mục đích làm vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi đời đời cho bản thân và các linh hồn. Xin ban cho chúng con trái tim quảng đại để không giữ ơn Chúa cho riêng mình, nhưng dùng ơn Chúa ban để phục vụ Chúa và tha nhân mà không tính toán. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 5: CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Đức Giêsu đã trao truyền cho các môn đệ sứ mạng và sự nghiệp của chính Ngài.
Thật vậy, hôm nay, như một người thầy nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc lên đường, Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông chữa lành, và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.
Sau đó, Đức Giêsu đã căn dặn các ông về căn tính của người môn đệ:
Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương.
Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, trao phó mọi sự nơi Chúa. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy".
Thứ ba là thái độ của người ra đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh. Luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình.
Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội chủ chương vô thần, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Lập trường của họ là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin... Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy... nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người môn đệ. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.
Tuy nhiên, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không có cách nào được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo cái gọi là bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.
Cuối cùng, lời chào của người ra đi là lời chúc bình an của Chúa chứ không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác mang tính phàm tục.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên môn đệ đích thực của Chúa như lòng Chúa mong ước. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 6:
1. Lời và Luật
Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết, chi tiết đến độ không thể thực hiện được: Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. (c. 9-10)
Và Đức Giê-su còn có nhiều lời mời gọi tương tự (x. Mt 5, 19-48). Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).
Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bởi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Không như một bản luật, những lời của Đức Giê-su không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện một cách chính xác, nhưng mời gọi chúng ta tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Người gợi ra.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.
 2. Nước Trời và dấu chỉ “nhưng không”
Lời rao giảng « Nước Trời đã đến gần » đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ « nhưng không » :
Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. (c. 8)
Có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời sẽ không hiện diện ở giữa chúng ta. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, dù người con sẽ như thế nào đi chăng nữa.
Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể sống đến cùng ơn gọi của mình; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.
Vì thế, khi đọc lại đời mình, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong Cộng Đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở Cộng Đoàn này, chúng ta được qui tụ từ rất xa trong niềm vui sống ơn gọi như thế này.
Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống : sự sống thể lí (quan tâm đến những người nghèo hèn, bệnh tật) và sự sống nhân linh (con người sống không nguyên bởi không khí, nghĩa là nhu cầu, nhưng còn bầu khí ; ma quỉ thường làm ô nhiễm và tấn công vào bầu khi Cộng Đoàn và gia đình, tương quan giữa chúng ta : mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau). Những dị tật, vết thương, hiểu lầm, hiểu sai về mình, về Chúa, về nhau… là bệnh thật sự, thật khó chữa và cần phải chữa.
3. « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả »
Lời dặn của Đức Giê-su thật là nhiệm nhặt: « Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy ». Nếu làm theo, nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí không đi xa được, vì không « đi giày dép hay cầm gậy », vốn là những phương tiện đi lại !
Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban để chia sẻ và phục vụ. Và sẽ có lúc, chúng ta được mời gọi thực hiện kinh nghiệm nghèo khó và bất lực của các môn đệ trong phép lạ « Bánh Hóa Nhiều » (x. Mt 14, 13-21), hay như kinh nghiệm này của thánh Phao-lô : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” » (2Cr 12, 8-9). Chính khi đó, chúng ta được mời gọi thân thưa với Chúa : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả ».
*  *  *
Đó chính là hành trình của « hạt lúa mì » mà Đức Ki-tô sẽ hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt Qua, và mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi với Người hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 7:

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi ra giảng Nước Trời và chữa lành các loại bệnh tật, xua trừ ma quỷ. Ngày nay, chúng ta cũng được Ngài gọi mời và sai đi công bố Nước Trời và vương quyền của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và cuộc sống của chúng ta. Giáo Hội vẫn được thúc bách để mang đến ơn chữa lành cho con người hôm nay. Họ là những con người tuy thể xác vẫn đang sống, nhưng tâm hồn đã rệu rã và đang chết dần chết mòn. Và chúng ta, những đứa con được Chúa mời gọi có trách nhiệm đến và đưa họ đến gần hơn với Thiên Chúa, để họ có một cuộc sống viên mãn tròn đầy. Dĩ nhiên chúng ta không thể vực họ khỏi cái chết thực sự như Chúa Giê-su đã làm với anh La-da-rô, nhưng chúng ta có thể kéo họ quay về cuộc sống đúng nghĩa của một con người. Vậy, những người đang cần chúng ta đến với họ, cụ thể là những ai?
Với chất lượng cuộc sống hiện đại và y tế ngày một cải thiện, chúng ta hầu như ít gặp những bệnh nhân bệnh phong hủi hơn. Thế nhưng vẫn còn nhiều người ngoài kia bị xa lánh dù họ không bị cùi. Họ bị xã hội kỳ thị, cách ly và bị đẩy ra rìa xã hội. Những con người đáng thương ấy luôn khát khao được sống hòa nhập với mọi người và cần được san sẻ yêu thương.
Bên cạnh những người khốn khổ ở trên, trong xã hội cũng tồn tại những người bị cầm giữ trong cám dỗ ma quỷ. Họ quay cuồng trong mọi thú vui trần tục như rượu bia, bài bạc, thuốc phiện,… Họ theo đuổi và tôn sùng chủ nghĩa vật chất, những khoái lạc và dục tình. Họ chọn cho mình một cuộc sống phóng đãng và tự hào gọi đó là tự do.
Và chính vì như thế chúng ta được kêu gọi đi truyền giáo. Tùy vào hoàn cảnh và khả năng, mỗi người chúng ta có mỗi cách làm khác nhau cho phù hợp để kết nối họ với Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải "ra đi" với tâm thế ra sao?
Chúa Giêsu đã dặn các môn đệ ra đi với hành trang nhẹ nhàng nhất: “Đi đường, đừng mang bao bì, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy.” (Mt 10,10) Đôi khi chính những vật sở hữu và các mối bận tâm bên ngoài sẽ trở nên rào cản ngăn trở người môn đệ. Chính Chúa Giê-su cũng thế, trong công cuộc rao giảng, Ngài đi đến rất nhiều nơi. Và mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, Ngài sẽ dừng chân nghỉ ngơi ở đó mà không tìm kiếm nơi lý tưởng thoải mái. Tuy nhiên, không bận tâm cũng không có nghĩa là thờ ơ.  “Vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. Ở đây có hai điều đáng lưu ý: Thứ nhất, thợ của Thiên Chúa không cần quá bận lòng vì vật ngoài thân. Thứ hai, sẽ luôn có con dân của Thiên Chúa trao cho người thợ những gì họ cần để họ có thể tiếp tục công việc phục vụ Thiên Chúa. Vì thế nếu là thợ, xin đừng lo âu phiền muộn vì vật chất; nếu là con dân Thiên Chúa, xin hãy cầu nguyện và hỗ trợ những người thợ hết lòng bằng nguồn tài chính hoặc vật chất mình đang có. Ước gì hôm nay chúng ta biết lưu tâm và mạnh dạn đáp lại lời "hiệu triệu" của Chúa Giêsu mà đóng góp sức mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin lấy đi mọi gánh nặng trong con, để lòng con tràn đầy thanh thản tự do đi rao giảng lời Ngài. Xin ban cho con sự cảm thông, lòng yêu thương quảng đại để con có thể hàn gắn, xoa dịu mọi vết thương lòng nơi người khác, hòng đưa họ đến gần Chúa hơn. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

SUY NIỆM 8: RAO GIẢNG NƯỚC TÌNH YÊU, CÔNG CHÍNH VÀ BÌNH AN
Câu chuyện
Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa...
Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh: Thưa cha, giảng ở đâu ạ? Cha thánh trả lời: Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.
Suy niệm
Lời Thầy không luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Các con hãy ra đi…”.
“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, ra đi thoát khỏi cái tôi ích kỷ, chỉ quanh quẩn cho chính mình, nhưng cất bước lo cho sứ mạng gieo giống Tin Mừng, làm việc trên cánh đồng truyền giáo.
Ra đi và nói lớn cho thế giới: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”, đó là nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an. Cho nên phải chuẩn bị, bằng tâm tình sám hối, như Gioan Tẩy giả loan báo (x. Mt 3,3), như chính Thầy cũng loan báo (x. Mt 4,12 -17; Mc 1,14-15; Lc 4,14 -15). Lo việc nước Trời và công chính trước tiên (x. Mt 6,33).
Ra đi và “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”, môn đệ như thầy chí thánh quan tâm chia sẻ đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15). Và tại Cửa Đẹp đền thờ, thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “ “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi! “… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).
Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người... và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.
Ra đi và khi “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”. Những người mang sứ mạng Tin Mừng luôn mang và quan tâm tới sự an bình và chuyển giao bình an Tin Mừng mà mình sở hữu trong tư cách sứ giả Tin Mừng cho gia đình, cộng đồng và những con người mà mình gặp. Sự bình an sẽ chiến thắng lo âu, sợ sệt… sinh niềm vui tâm hồn… Sự bình an như ngôn sứ Isaia loan báo bằng hình ảnh: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12).
Lời mời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa xa xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.
Ý lực sống:
Ra đi cứu độ - gieo bác ái,
Sứ mạng tông đồ tỏa thơm hương.
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây