SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 01/08/2024 07:09
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 13,54-58

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ?
55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ?
56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?”
57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”.
58Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

SUY NIỆM 1: ĐỪNG THIẾU ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

Thiếu ánh sáng đèn, chúng ta chẳng thấy đường đi. Thiếu ánh sáng đức tin, chúng ta không thể khám phá tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, để nhận ra rằng : con người hôm nay cần đến ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng đức tin. Đừng bao giờ để thiếu thứ ánh sáng này.
Chúa Giêsu bị người đồng hương từ chối tại quê hương Nagiarét :
Chúa Giêsu đã sống tại quê hương Nagiarét 30 năm, và 3 năm còn lại, Ngài đi khắp nơi để Loan báo Tin Mừng cứu độ. Hôm nay, Chúa trở về quê hương, giảng dạy cho mọi người trong hội đường.
Mặc dầu những người đồng hương rất thán phục những lời Chúa giảng dạy, song họ vẫn từ chối Ngài, vì mọi người đều biết rõ nguồn gốc của Ngài. "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?...”
“Bụt nhà không thiêng”; “Quen quá hóa nhàm”…là những thành ngữ, để ám chỉ những gì quá quen thuộc, thì luôn bị coi thường, hoặc bị coi là nhàm chán.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Chúa đến trần gian để mang ơn phúc từ trời xuống cho nhân loại. Chúa giảng dạy Tin Mừng để con người nhờ đón nghe Lời của Ngài, mà biết nhận ra Chúa, tin vào Chúa, nhờ đó được Chúa dẫn dắt đi vào Nước Trời.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương. Ngài sống gần gũi, thân thiện, cảm thông và chia sẻ thân phận của con người. Nhưng chính sự thân thiện của Ngài đã bị nhiều người chối từ, bỏ rơi, xua đuổi. Ngay cả những người đồng hương cũng từ chối không tin Chúa, không đón nhận Ngài.
Họ vấp phạm đến Ngài”. Thiên Chúa bị từ chối. Thiên Chúa bị loại trừ ngay trong lòng thế giới, và ngay trong tâm hồn của con người.
Thời nay, con người cũng đang từ chối, không tin Thiên Chúa.
Con người hiện nay sống trong nền kinh tế thị trường, chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận, làm sao để có nhiều tiền, vật chất dư thừa, đam mê cảm xúc mù quáng vào việc thụ hưởng. Dường như cuộc sống đã bị dìm vào trong bóng tối của tội lỗi, chết chóc, và rất nghèo nàn về phương diện tâm linh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói : “Thành thử, nhân loại từ bỏ cuộc đi tìm thứ ánh sáng vĩ đại, là chính Chân Lý, ngõ hầu tự bằng lòng với những ánh sáng nhỏ hơn vốn chỉ soi sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không chứng tỏ được khả năng chỉ đường. Ấy thế nhưng, vì thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; người ta không thể phân biệt thiện ra khỏi ác, hay con đường dẫn tới đích điểm của ta khỏi những con đường khác vốn làm ta lẩn quẩn trong những đường vòng bất tận, không đi tới đâu.”(Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin, số 3)
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi con người cần phải đi tìm một thứ ánh sáng, đó là ánh sáng đức tin. Ngài nói : “Ðức tin phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng mời gọi ta và mặc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào để được an toàn và xây dựng được đời ta… Tiếp nhận từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, đức tin trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi, hướng dẫn cuộc hành trình của ta qua thời gian.” (Thông điệp Ánh sáng đức tin, số 4)
Vâng, nhân loại hôm nay rất cần đến ánh sáng, ánh sáng đức tin. Nhờ đó, con người gặp gỡ Thiên Chúa, hiệp thông trọn vẹn với Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, tình yêu của Ngài.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta vẫn không ngừng tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. “Đó là chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta vào tình yêu có thể rờ mó được và rất mạnh mẽ của Thiên Chúa, một tình yêu hành động thực sự trong lịch sử và xác định ra số phận sau cùng của lịch sử này: một tình yêu có thể được gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc khổ nạn, trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.”(Thông điệp Ánh sáng đức tin, số 17).
Nguyện xin Chúa Giêsu là ánh sáng cứu độ của trần gian, ban cho mỗi người chúng ta ánh sáng đức tin, để nhờ vào ánh sáng kỳ diệu này, chúng ta nhận ra được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu, và trong cuộc sống hôm nay. Amen.
Lm. Duy Khang
 
SUY NIỆM 2: NGHĨA VỤ NGÔN SỨ
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.
Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.
Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.
Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: LOAN BÁO TRONG MỌI HOÀN CẢNH 
(Xem lại lễ Thánh Giuse Thợ ngày 1/5)
 “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu và có tính tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Đức Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.
Hôm nay, chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự thật đó khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi biết rõ về thân thế, gia cảnh của Đức Giêsu, những người Dothái sinh thời với Ngài đã không thể chấp nhận được, và như một lẽ tất yếu, họ không tin và cũng chẳng tôn trọng Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã không làm được phép lạ nào tại quê hương của mình vì sự cứng lòng tin nơi họ.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng: trong cuộc đời và trên hành trình loan báo Tin Mừng của người môn đệ, chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thất bại và chống đối, hiểu lầm và cô đơn… Tuy nhiên, hình ảnh Đức Giêsu lướt qua họ khi những người này muốn xô Ngài xuống vực đã dạy cho chúng ta một bài học: bổn phận của chúng ta là loan báo Lời Chúa, nên chúng ta cứ can đảm và sẵn sàng loan báo cho dù có những cản trở, khó khăn đến từ mọi phía…
Chúng ta không bận tâm đến quá nhiều kết quả, vì thành công hay không là việc của Chúa. Chúng ta chỉ là người thợ trong bàn tay Chúa và chỉ biết làm những việc phải làm mà thôi. Có được tâm tình ấy, chúng ta sẽ rao giảng Lời Chúa: “... lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2).
Lời Chúa hôm nay còn nhắc cho chúng ta biết: hậu quả của sự thành kiến đã làm chúng ta bỏ lỡ hay cố tình không chấp nhận nhiều việc tốt của người khác. Hoặc nhất định không làm việc hữu ích chỉ vì điều đó được khởi xướng từ một người mà chúng ta không ưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin rằng: Chúa là tất cả đời con, nên mọi khó khăn thử thách sẽ không làm cho chúng con chùn chân bước theo Chúa. Xin cho chúng con xóa bỏ thành kiến để công cuộc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả. Amen.
Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển SSP
 
SUY NIỆM 4: THÂN THUỘC HAY XA LẠ ?
Các nền văn hoá xưa nay vẫn đề cao sự thân thiện. Tuy nhiên, xem ra lối sống ngày nay người ta như muốn giữ khoảng cách. Ngay xưa tôi hay nghe nói đến kết ước làm bạn thân, làm huynh đệ-tỷ muội, nhưng ngày nay, tuy vẫn còn, nhưng tôi nghe nói đến ít hơn. Nam nữ đến với nhau cũng không muốn kết giao vợ chồng, để khi nào không muốn nữa thì chia tay, thì trả tự do cho nhau! Trở nên thân thuộc thì có trách nhiệm về nhau, mà người ta không muốn như vậy! 
Trở nên thân quen giúp cho người ta dễ hiểu nhau, nhận biết về nhau, nhưng lắm khi thân quen quá, người ta cũng xem thường nhau và không nhận ra những điều tích cực về nhau! “Gần chùa gọi bụt bằng anh” là vậy đó! Đó cũng là tình trạng của các gia đình, các cộng đoàn, không còn biết khám phá về nhau, không biết nhìn cách tích cực về nhau! Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu không được những người cùng quê Nadarét đón nhận, vì nghĩ họ quá quen, họ biết tất cả về Ngài và gia đình Ngài: “bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,56)! 
Đời sống chung cần biết vượt qua những cái nhìn tiêu cực để biết nhìn về nhau cách tích cực, luôn biết ngạc nhiên về nhau, luôn khích lệ nhau để những điều tích cực của nhau được lớn lên, nếu không, chúng sẽ bị thui chột. Tập biết ngạc nhiên về nhau sẽ đưa đến sự ngạc nhiên thực sự về nhau. Kitô hữu cần biết ngạc nhiên về Thiên Chúa, về tình yêu và sự kiên nhẫn của Ngài. Các mục tử cần biết ngạc nhiên về những người được giao phó cho mình, những người cộng tác với mình, thì niềm vui sẽ ở ngay trong cuộc sống và sứ vụ của họ.   
Giuse Nguyễn Trọng Sơn

SUY NIỆM 5: XEM THƯỜNG
Nơi cửa miệng người đời có câu: “gần quá hóa nhàm” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Điều này, như nói với chúng ta: con người sống gần nhau dễ xem thường, khinh miệt và thành kiến.
Người Do Thái quan niệm Đức Kitô phải xuất thân từ một dân tộc vĩ đại, một Đức Kitô phải bách chiến bách thắng và một Đức Kitô phải khuất phục mọi dân tộc trên địa cầu. Vì thế,  họ không chấp nhận một Đức Kitô xuất phát từ một địa danh tầm thường và một gia đình nghèo khó như gia đình thợ mộc Nadarét, cho dù họ vẫn kinh ngạc về sự thông thái và khôn ngoan của Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54). Dù vậy, họ vẫn xem thường: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?”  (Mt 13,55-56).
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Gioan Maria Vianey. Một con người luôn khao khát tình yêu Thiên Chúa và say mê cứu rỗi các linh hồn. Chỉ vì học lực mà mọi người đã xem thường thánh nhân. Nhưng Chúa đã dùng sự khôn ngoan của Ngài mà làm cho nhân loại từ “cái xem thường” trở thành “cái tuyệt hảo” của Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sáng suốt và khôn ngoan để thấy giá trị từng con người mà cất tiếng tạ ơn, tôn vinh Ngài trong chính từng con người, dù họ nhỏ hay lớn, tầm thường hay vĩ đại, vì họ đều là hình ảnh của Chúa trao ban cho con tìm đến.
Phêrô Nguyễn Trọng Đường SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây