SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Thứ ba - 25/06/2024 05:13
SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Mt 7,15-20
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
15 “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.
16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?
17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. 18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.
19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa.
20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Xem quả thì biết cây. Định luật đó được Chúa Giêsu áp dụng cho hành vi của con người. Việc làm tốt cho thấy người tốt, việc làm xấu biểu lộ một con người xấu. Thưởng phạt sẽ tùy đó mà định đoạt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước mặt Chúa, mọi hành vi của con đều được phơi bày một cách trung thực, hoặc đó là một việc tốt, hoặc đó là một việc xấu. Các việc làm của con đều biểu lộ con người thật của con. Qua ví dụ về cây vả, Chúa muốn con trở nên người tốt, sống tốt, sống ngay lành, để hoa quả cuộc đời con là những trái ngon, quả ngọt.
Với kinh nghiệm thông thường về trồng cây, con biết rằng muốn có trái ngon, quả ngọt, người làm vườn phải tốn bao công sức để phun thuốc, cuốc xới, bón phân, tưới tắm. Cũng vậy, để cho cuộc đời con được tốt đẹp, con cũng cần rất nhiều công chăm sóc. Là một học sinh, con sẽ phải hy sinh các thú giải trí để chăm chú vào việc học tập. Là người công nhân, con sẽ phải thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của bậc mình. Là người Kitô hữu, con sẽ phải sống tốt ơn gọi của mình theo tinh thần phúc âm.
Lạy Chúa, tất cả những điều ấy, sao con thấy nặng nề, khó khăn, cực nhọc, và có lúc con đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại phải phấn đấu như vậy ?”. Lời Chúa hôm nay đã đem lại cho con câu trả lời: “Muốn có quả tốt, đòi hỏi cây phải tốt; không thể có quả tốt nơi cây xấu được!”
Xin Chúa cho con biết xác tín vào Lời Chúa dạy để đời con không ngừng sống tốt trước mặt Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2:
Phân tích
Lời Chúa hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng xét đoán người khác. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và lên án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định dễ đưa tới suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống ta không nên xét đoán nhưng phải khôn ngoan nhận định một cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn “Xem quả biết cây.”
Suy gẫm
1. Hãy xem “cây” đạo đức của chính bản thân mình. Hoa lá cành là những việc dự lễ, đọc kinh, cầu nguyện, lời tôi nói và dạy người khác. Còn “quả” là lòng yêu mến chân thành đối với Thiên Chúa và tha nhân thể hiện qua việc bác ái, là cách ứng xử của tôi trong những lúc khó khăn, là cách tôi lựa chọn. Phải chăng tôi là một cây hoa lá cành rất xum xuê mà “quả” thì không có được bao nhiêu.
2. Ta hãy nhớ bài ca bác ái của Thánh Phaolô: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).
3. “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7, 15).
Hồi lãnh nhận Bí tích rửa tội để trở thành người Kitô hữu, tôi được tham dự vào chức vụ: Tư tế, Vương Giả và Ngôn Sứ của Đức Kitô.
Một khi mang trong mình chức vụ Ngôn Sứ, tôi phải truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa cho những người chung quanh qua lời nói, hành động và cuộc sống của tôi.
Lắm lúc tôi chỉ là một tiên tri giả. Đó là lúc tôi không hòa hợp được niềm tin vào cuộc sống; mang danh Kitô nhưng không sống theo những cam kết của mình; đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường Nhà thờ thay vì thể hiện niềm tin ấy qua những tiếp xúc hằng ngày với tha nhân.
Giờ đây, Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành những ngôn sứ đích thực của Chúa, luôn biết nói những điều Chúa truyền dạy và sống những điều đó.
3. Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Đó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi.” Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi Ngài viết “Đức tin không việc làm là đức tin chết tận gốc rễ.”
Chúa Giêsu đã tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên, nhưng bên trong là lòng dạ của sói dữ; họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình: trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc; chúng ta làm ố danh sự đạo.
Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Ước gì chúng ta luôn biết thể hiện đức tin của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Ước gì hoa trái của đức tin chúng ta trở thành của ăn có sức nuôi dưỡng bồi bổ đối với những người xung quanh.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 3: CỨ XEM HỌ SINH HOA QUẢ NÀO THÌ SẼ BIẾT HỌ LÀ AI
Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay bắt đầu bằng lời cảnh tỉnh của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ của Người: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7: 15). Ngôn từ của Chúa Giê-su rất mạnh mẽ, quyết liệt. Chính thánh sử Mát-thêu cũng có lời nhận định tương tự: “Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7: 28-29).
Lời cảnh tỉnh ấy như muốn xác quyết rằng: bước theo Chúa là dâng hiến trọn vẹn con người của mình. Chẳng phải chính Chúa Giê-su đã nói: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12: 30). Do đó, một tâm thế “đội lốt chiên […] nhưng bên trong, […] là sói dữ tham mồi” thì không thể chấp nhận được.
“Theo Chúa” không dừng lại ở những ngôn từ hoa mỹ trên môi miệng, nhưng đi xa hơn đến hành động cụ thể. Nhưng chúng ta cũng có thể hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga 6: 28) Thánh sử Gio-an cho ta câu trả lời xác đáng: “Đức Giê-su trả lời: Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6: 29) Đấng ấy không ai khác là chính Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa “tự trời mà xuống” (Ga 6: 38). Thánh Giacôbê Tông đồ có viết: “nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin như thế có thể cứu được nó ư? […Về] đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ” (Gc 2: 4-18). Do đó, đến đây chúng ta có thể nói rằng, chúng ta cần tin vào Chúa Giê-su. Và niềm tin ấy không dừng lại ở những cảm xúc chóng qua, cũng chẳng giới hạn ở ngôn từ hoa mỹ trên môi miệng, nhưng hệ tại ở những việc làm cụ thể.
Không những thế, Chúa còn xác quyết rằng, một việc làm cụ thể trong đức tin sẽ sinh hoa thơm trái ngọt. Ngài nói: “hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7: 17-18). Cũng cần nói thêm rằng, những hành động của đức tin ấy không chỉ trong những việc trọng đại, nhưng bắt đầu từ những hành động đơn sơ nhất dành cho những con người nhỏ bé của cuộc sống thường nhật. Hoa thơm trái ngọt thiết thực là làm cho người anh chị em của mình, người đồng bào của mình được hạnh phúc hơn.
Xin được kết bằng ít lời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
“Các bạn trẻ thân mến, Ðức Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn: Các bạn sẽ gặp Chúa Giê-su ở đâu có người đau khổ và hy vọng: trong những xóm làng bé nhỏ rải rác khắp các lục địa, hầu như ở bên lề của lịch sử, như làng Nazareth; trong những đô thị mênh mông, nơi mà từng triệu người chen nhau sống, lắm lúc như những người xa lạ. Chúa Giê-su sống bên cạnh các bạn… gặp khuôn mặt Ngài nơi bộ mặt của những người nghèo khổ bị bỏ rơi, thường là những nạn nhân của một chính sách kinh tế bất công, đặt lợi nhuận lên trên hết và làm cho con người thành phương tiện chứ không phải là mục đích… Gặp Chúa Giê-su ở giữa những người kêu cầu Ngài mà không hề biết Ngài. Gặp Chúa Giê-su ở giữa những người mang tên là Kitô hữu, cả nam lẫn nữ. Giờ phút này, […] cần khẩn trương xóa tan gương xấu chia rẽ giữa anh chị em Kitô hữu. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 5) Các bạn hãy cảnh giác: sự lầm lạc lớn nhất là không nhìn thấy người khác là Chúa Kitô. Có nhiều người chỉ khám phá ra điều đó trong ngày cuối cùng.
Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên Thánh giá, Ngài còn bị bỏ rơi trong mỗi anh chị em đang đau khổ trong mỗi góc xó trên thế giới. Tình thương không có ranh giới; hễ có ranh giới thì không còn là tình thương nữa.”
(Trích đoạn của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: https://vntaiwan.catholic.org.tw/banhca/banhca05.htm )
Lm. Gioan TC Nguyễn Hồng Phúc, OCD.
SUY NIỆM 4: NHẬN BIẾT NGÔN SỨ THẬT
“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15). Lời của Đức Giêsu qua Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy đề cao cảnh giác với thói giả hình đang hoành hành trong cuộc sống.
Quả vậy, cuộc sống với bao điều giả dối đang len lỏi và ẩn nấp tận mọi ngóc ngách của cuộc sống. Từ đời sống xã hội cho đến đời sống đức tin, dường như chúng ta đang dần bị cuốn vào một nếp sống giả tạo và nhiều khi chúng ta nhân danh đức tin, nhân dành tình yêu để làm những việc trái với lương tâm. “Xem quả thì biết cây”. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách “nhận dạng” và phân định hành vi tốt xấu của con người.
Hơn nữa, điều này lại càng quan trọng đối với vị ngôn sứ. Một ngôn sứ giả hay thật không thể chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời nhưng chính hoa trái đạo đức đích thực mới chính là kết quả cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta cần biết phân biệt điều tốt, điều xấu, người tốt, người xấu để chúng ta có thể tránh được những nhầm lẫn đáng tiếc. Sỡ dĩ Chúa dạy như thế là vì hiện nay có rất nhiều người nhân danh sự công chính, nhân đạo nhưng lại thực hiện những hành vi chống lại sự sống, chống lại đức tin và chống lại Thiên Chúa. Vậy nên, chúng ta hãy tỉnh táo và khôn ngoan, nhất là dựa vào Lời Chúa để không bị lôi cuốn vào những sự giả dối ấy.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng thánh thiện vô cùng, xin gìn giữ chúng con trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con ra ô uế bởi đời sống tầm thường và nuông chiều theo những đam mê xác thịt. Xin Chúa cũng gìn giữ chúng con trong ràn chiên của Chúa để chúng con có thể tránh khỏi những tiếng gọi giả tạo của ngôn sứ giả.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD
SUY NIỆM 5:
1. Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ cần phải xa tránh những lề thói giả hình của các người luật sĩ, biệt phái: "Hãy coi chừng các tiên giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé".
Đây cũng là điều Chúa Giêsu muốn thức tỉnh mỗi người chúng ta trong đời sống hằng ngày của mình. Biết đâu nhiều lần tôi cũng ‘đóng kịch’ rất giỏi khi đi nhà thờ dự lễ, hoặc khi làm các việc đạo đức đọc kinh cầu nguyện cho nhiều. Nhưng trong thực tế, cuộc sống của tôi vẫn còn những thói xấu: bất hòa, chia rẽ, thích phê bình chỉ trích người khác; nhiều khi còn gian tham, lừa đảo để chiếm lợi và lỗi đức công bằng trong công việc làm ăn phi pháp của mình.
Phải chăng, lối sống giả hình, giả bộ đó, là do bản thân của tôi đã bị ảnh hưởng của thế giới tục hóa, xã hội bất công, sự thật không còn được con người tôn trọng, coi thường.
Chính tôi cũng phải đấm ngực, thú nhận về những giả hình, giả bộ, vì chưa sống tốt, chưa xứng đáng là Kitô hữu đích thực như Chúa mong muốn. Chính tôi đang sống giả, đang đội mặt nạ trước mặt Chúa và mọi người xung quanh.
Để dễ dàng nhận ra bản thân đang ở trong trạng thái nào, mỗi người nên dựa vào định luật của Chúa Giêsu đưa ra, sẽ giúp ta biết và đánh giá con người thật của mình là một người tốt hay xấu: "Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng".
2. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người trong chúng trở nên một người tốt, người môn đệ tốt, và có một cuộc sống tốt: “Cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu.”
Một Kitô hữu tốt phải là người biết sống theo Giới luật của Chúa, sống Phúc Âm, sống theo ánh sáng của Lời Chúa. Người Kitô hữu sống theo ánh sáng của Lời Chúa sẽ biết xa tránh những thói hư tật xấu, can đảm và mạnh mẽ chống lại những cám dỗ của người đời: gian dối, tham lam, bất công,… hay chỉ đi tìm những lợi lộc của bản thân, ích kỷ, hoặc thiếu sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ cho những người anh em xung quanh đang cần sự giúp đỡ…
Một người tín hữu tốt sẽ phát sinh những hoa trái tốt, khi biết phân định việc làm của mình, những suy nghĩ của mình xem rằng việc này nên làm hay không nên làm. Một Kitô hữu chân chính, sẽ cố gắng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần dạy dỗ, soi sáng, biết sống theo lương tâm trong sạch, để chỉ làm điều tốt cho bản thân, vì lợi ích của tha nhân, và làm vinh danh Thiên Chúa.
3. Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người Kitô hữu chúng ta biết nhìn lại con người thật của mình, biết nhận ra những thiếu sót, những khuyết điểm của bản thân, để sửa chữa, và canh tân đời sống. Chúa mời gọi mỗi người trở nên người Kitô hữu tốt, luôn ý thức ơn gọi của mình theo tinh thần Phúc Âm. Đây cũng là mong ước của từng người Kitô hữu hôm nay.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là gương mẫu, là lý tưởng của đời sống Kitô hữu con. Xin giúp con sống theo Phúc Âm Chúa dạy, sống theo Giới luật của Chúa hướng dẫn, để con sống xứng đáng làm người Kitô hữu tốt. Xin đừng để con lao vào những đam mê, những thú vui và các việc làm đen tối, … gây nên những tội lỗi, yếu đuối cho bản thân con, linh hồn con. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để con biết đâu là chân lý phải theo. Xin giúp con nên hoàn thiện và sống trong ân sủng của Chúa ban, để nhờ đó, con luôn sống đẹp lòng Chúa và làm vinh danh Cha trên trời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
SUY NIỆM 6: SINH HOA TRÁI THÁNH THIỆN
Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây tốt sinh trái tốt để khuyên dạy các môn đệ cố gắng sinh nhiều hoa trái thánh thiện trong ơn gọi của mình. Trái tốt hay xấu không phải do trái mà do cây. Nhiều khi con người chỉ để ý đến trái mà quên mất gốc là cây. Cho nên, người ta buồn hay vui khi thành công hay thất bại, mà không tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình sinh trái xấu hay tốt. Muốn có trái tốt thì phải là cây tốt. Muốn là cây tốt thì phải bám vào Chúa để nhờ ơn Chúa giúp mà con người can đảm cắt bỏ những gì làm cho cây bị xấu.
Chúng ta đang là cây tốt hay xấu? Nếu là cây tốt thì cố gắng chăm sóc và giữ cho nó sinh hoa trái tốt; còn nếu xấu thì phải tìm hiểu nguyên nhân nào làm cho cây trở nên xấu mà khắc phục và chặt bỏ đi. Chúng ta hãy chăm sóc cây tâm hồn mình bằng một đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa và quyết tâm xa tránh tội lỗi, nhờ đó sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Hãy tận dụng những ngày sống Chúa ban để trổ sinh hoa trái ngõ hầu không phải hối tiếc mai sau.
Lạy Chúa, dù chúng con là cây tốt hay xấu thì Chúa cũng thương. Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết mình để biết rõ nguyên nhân nào làm cho chúng con nên xấu. Xin Chúa cho chúng con thêm cơ hội để tự sửa sai ngõ hầu không uổng phí tình thương mà Chúa đã gieo trồng trong chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy