SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN: THÁNH MAXIMILIANÔ MARIA KOLBÊ, linh mục, tử đạo - Lễ nhớ

Thứ ba - 13/08/2024 05:24
 
SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
Mt 18,15-20
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em.
16 Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng.
17 Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
19 “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.
20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

SUY NIỆM 1: NGHỆ THUẬT SỬA DẠY
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên thánh. Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta hãy áp dụng lời mời gọi này của Chúa Giêsu trong việc sửa dạy con cái.
Thành thật mà nói, sa lỗi cho con cái là một việc làm không đơn giản tý nào: đối với những đứa con còn nhỏ bé thì chưa là vấn đề, nhưng đối với những đứa 15, 17 tuổi thì cả là một khó khăn. Thấu hiểu điều ấy, nên khi kêu mời chúng ta thực hiện bổn phận này, Chúa Giêsu cũng nhắc chúng ta hãy lưu ý đến 3 yếu tố sau đây.
Thứ nhất là phải kiên trì, không nản chí. Tâm lý thông thường người ta hay mặc cảm về lầm lỗi của mình. Dẫu biết rằng lời nhắc nhở sửa dạy của ông bà cha mẹ là đúng đắn và phải đạo, nhưng chúng chưa đủ can đảm để nhận phần lỗi về mình. Bậc làm cha mẹ đừng chỉ nhắc nhở 1 lần rồi bỏ mặc làm ngơ “sống chết mặc bây”, nhưng hãy kiên nhẫn như cách thức của Chúa Giêsu trong bài Tin hôm nay: 1 lần không được thì 2 lần; 2 lần không được thì 3 lần… và còn nhiều hơn thế nữa. Và cũng hãy kiên nhẫn như Mẹ Mônica: 18 năm trời kiên nhẫn trong đau khổ và nước mắt để giúp Augustinô ăn năn lỗi lầm.
Lưu ý thứ 2 đó là, trong việc giáo dục con cái hãy lấy tình thương làm nền tảng, luật lệ gia phong chưa hẳn là thượng sách. Tuyệt đối đừng bao giờ lấy cảm xúc nóng giận chụp xuống trên những đứa con lỗi lầm, nhưng trước hết hãy tôn trọng chúng. Về điều này Thánh Phaolô cũng lưu ý: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”. (Ep 6,4).
Nên nhớ, “tốt khoe xấu che”. “Chỉ một mình anh với nó mà thôi”. Chúa Giêsu nói rõ như vậy. Đây là một sự tế nhị căn bản cần có để con cái cảm thấy mình được tôn trọng. Đừng la to hét lớn để xóm làng vây quanh. Chúng sẽ buồn, sẽ tủi, thậm chí là sẽ bướng bỉnh làm càn. Con của mình còn có bạn bè, còn có tương quan. Đừng để chúng khi quay đầu lại không phải là bờ, nhưng là 1 biển người vô vọng.
Kế đến là hãy lắng nghe con cái. Đừng chỉ biết “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, nhưng hãy để cho con cái nói lên suy nghĩ của chúng, rồi sau đó hãy đối thoại với con cái. Trong việc sửa dạy, người làm cha mẹ đừng quên phân tích đúng sai cho con cái của mình. Hãy vừa sửa, vừa dạy giúp con cái nhận ra “cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Thành công của việc sa dạy con cái là không phải làm cho nó sợ, cho nó chừa; nhưng là làm sao để chúng vừa vâng vừa phục, chứ đừng để con cái vâng mà không phục.
Lưu ý thứ 3, việc sửa dạy con cái trong gia đình Kitô giáo đừng bao giờ quên cầu nguyện. “Nếu 2 hoặc 3 người họp lại cầu xin điều gì thì Cha Thầy sẽ ban cho”. Hãy cầu nguyện để Chúa ban ơn soi sáng hầu ta biết dùng lời lẽ khôn ngoan và khéo léo mà khuyên bảo con cái. Hãy cầu nguyện để mình biết làm chủ cảm xúc trước lỗi lầm của con cái. Đặc biệt, hãy cầu nguyện để chính Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi bên trong tâm hồn của những người con ấy.
“Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”. Câu nói ấy cũng phần nào diễn tả nỗi vất vả của các bậc sinh thành trong việc nuôi dạy con cái. Nuôi thì dễ, dạy thì khó; thành công có, thất bại có! Hiểu được như thế để ta thấy những hướng dẫn của Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn cần thiết với những người làm cha làm mẹ như chúng ta. Hãy tiếp tục kiên trì, hãy tiếp tục yêu thương, và hãy tiếp tục cầu nguyện. Đó là cách thức thích hợp và cần thiết để chúng ta, và giúp con cái chúng ta nên thánh.
Nhẫn nại, yêu thương và cầu nguyện. Chúng ta cũng được mời gọi lấy tinh thần ấy để giúp cho những anh chị em xung quanh chúng ta nhận ra lỗi lầm của họ.
Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại lời của Thánh Giacôbê: “Những ai làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình”. (Gc 5,20). Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA 
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.
Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.
Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!
Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của chính mình. Và có lúc lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.
* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàngkín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: “Một mình anh với nó mà thôi”.
Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.
* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.
* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âutinh con của ngài!
* Sửa lỗi  trong cầu nguyện: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng: sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự thân, chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 3:
Câu chuyện
Nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không có ai hoàn hảo. Trong kiếp nhân sinh, ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà tôi và bạn đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống. Nhưng mỗi người theo thánh ý của Chúa Giêsu, được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết, bất toàn, lầm lỗi để trở “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, mỗi người phải luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi.
Suy niệm
Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Mt 18:15-17) dạy cho chúng ta bài học sửa trị trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo mà Đức Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31).
Việc sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu và lời của Chúa: “Anh em phải tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là cảm thông mãi mãi và tha thứ không ngừng…
 Chúa Giêsu đã đưa ra tiến trình sư phạm tiệm tiến:
  • Một mình với người anh em có lỗi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Tế nhị kín đáo, gìn giữ danh dự cho anh em là bổn phận của đức ái Kitô.
  • Nhưng nếu sự tế nhị của ta dành cho anh em bị khinh thường, chúng ta dùng biện pháp mạnh hơn bằng việc nhờ sự đóng góp, sửa chữa nơi những anh em khác có uy tín như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Nếu lòng nhân ái của chúng ta một lần nữa bị chà đạp, thì chúng ta nại đến Giáo hội can thiệp: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh”.
  • Nhưng nếu tất cả biện pháp đều thất bại thì: “Không nên lấy của thánh mà đem cho chó” hoặc “đem ngọc ném cho heo giẫm lên” (Mt 7,6), do sự cố chấp không muốn trở về chính lộ của người lỗi lầm. Đức Giêsu dứt khoát khép lại lộ trình sửa chữa: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, vì họ tự cắt đứt nguồn tình yêu bao dung đến từ Thiên Chúa qua anh em, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn tiến về sự hoàn thiện như Cha trên trời.
Tiến trình sửa sai huynh đệ mang tinh thần bao dung thương xót của tình yêu, nhưng công minh, thẳng thắn với kẻ cố chấp từ chối lòng nhân ái, bao dung của anh em. Trước bài học sửa sai huynh đệ mà Chúa dạy, chúng ta cùng rút tỉa cho cuộc sống mình:
  • Trong tư cách là người phạm lỗi: “Đừng nói: Tôi tự nhiên như vậy. Sửa sao được”, đó là những khuyết điểm con phải “nên người”, “nên con Chúa”. Những tính ấy bất xứng với con” (ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng). Chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh em, của các vị trách nhiệm cộng đoàn để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh em. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa từ anh em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa: Họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cách đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo hội.
  • Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh em sửa lỗi, tôi và bạn luôn mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái: “cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau lúc gió bão” (Đường Hy Vọng).
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết mở lòng trước những lời chỉ dạy của anh em… Xin cho con được lòng đầy bao dung yêu thương, cất tiếng nói chân lý để bổ khuyết những thiếu sót, sửa chữa những lầm lỗi trong tha nhân.
Ý lực sống
“Anh em hãy mặc lấy áo của sự thành thật, thông cảm, nhân hậu... khiêm nhượng, hiền lành, kiên nhẫn. Chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau... Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy tình yêu” (Cl 3,12-14).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 4:
Đoạn tin mừng hôm nay ghi lại 3 lời giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: Sửa lỗi huynh đệ, tha thứ cho nhau và hiệu quả của lời cầu xin hiệp nhất. Những lời giáo này rất cần cho đời sống cộng đoàn.
Sửa lỗi huynh đệ. Lầm lỗi là chuyện thường tình của con người “nhân vô thập toàn”. Nên sửa lỗi cho nhau là trách nhiệm của mỗi người trong cộng đoàn, chứ không phải là việc làm tùy thích riêng ai. Bởi lỗi lầm cá nhân gây nguy hại đến người khác và làm sứt mẻ tình đoàn kết giữa các thành phần trong cộng đoàn.
Tâm lý tự nhiên ai trong chúng ta cũng ngại đến việc sửa lỗi. Bởi không khéo, ta sẽ bị người đời lên án là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chẳng lợi lộc gì cho bản thân mà còn gây ra lụy phiền cho mình cho người. Nhưng vì tình huynh đệ và vì ích lợi chung, đòi buộc ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau.
Vậy ta phải sửa lỗi thế nào để mang lại kết quả tích cực? Tin mừng hôm nay,  Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta phải tiến hành cách tiệm tiến và tế nhị, đi từ kín đáo đến công khai; từ cá nhân đến tập thể, theo các bước sau:
– Trước hết gặp riêng ngươi với nó: giữa hai người (cá nhân với cá nhân). Nếu không có kết quả?
– Tiếp theo ta đem theo một hay hai người làm chứng. (tạo nên sức mạnh và mang tính xác thực cho lời chứng). Nếu cũng không nhìn nhận sai lỗi?
– Sau cùng đưa ra cộng đoàn Hội Thánh. “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì kể nó như người ngoại hay thu thuế.”
Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta phải luôn giữ được tinh thần bác ái huynh đệ, với hy vọng giúp người có lỗi ý thức về sai lầm của mình mà sửa đổi. Không chịu nghe cộng đoàn thì họ đã tự cô lập mình. Ta chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5:
Nhân vô thập toàn. Con người đều có lầm lỗi. Lời CHúa hôm nay dạy chúng ta về cách sửa lỗi nhau một cách đầy yêu thương. Chúa nhắc nhở chúng ta kẻ mắc lỗi kia là anh em của chúng ta chứ không phải kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng đỡ, sửa lỗi riêng rồi mới đến cộng đoàn và đại diện Hội thánh như muốn nói sự sửa đổi này nhằm duy trì sự hiệp nhất, sự thánh thiện của cộng đoàn.
Như vậy, Chúa muốn chúng ta hãy sửa lỗi anh em cách kín đáo và trong tâm tình yêu thương. Không sửa lỗi trong giận dữ. Không sửa lỗi trong cách thóa mạ bêu xấu anh em, nhưng sửa dạy nhau trong yêu thương chân thành. Điều quan yếu là mong anh em được sửa đổi nên tốt hơn cho họ. Ước gì chúng ta biết học nơi Chúa để luôn nhẫn nại trước lầm lỗi của tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta luôn chậm bất bình và hết mực khoan nhân để sống yêu thương và giúp đỡ nhau. 

Cầu nguyện:Lạy Chúa Giê-su mến yêu, dẫu biết rằng “nhân vô thập toàn”.
Thế nhưng chúng con lại khó nhìn nhận sự yếu đuối của mình để đón nhận lời sửa dạy của cha mẹ và bạn hữu. Vì tự ái và cố chấp chúng con đã bỏ qua những lời khuyên nhủ của người thân trong gia đình. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường. Sự dịu hiền để chúng con cảm thông và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình đơn sơ ngoan hiền để chúng con được lớn lên trong lời khuyên của cha và lời dạy của mẹ. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM 6: CÁI TÔI CÁ VỊ VÀ CÁI TÔI CỘNG ĐỒNG  
Câu chuyện ông Môsê không vào đất hứa thường được nhìn như là hình phạt của Đức Chúa vì ông yếu tin khi đập gậy vào tảng đá hai lần, theo bản văn sách Dân Số (x. Ds 20,12). Tuy nhiên, bản văn sách Đệ Nhị Luật hôm nay xem ra không có ý đó, mà là một cái nhìn rất tích cực về ông. Một thực tại là ông đã không vào đất hứa, và cũng có thể là Đức Chúa đã trách ông về sự yếu tin. Nhưng thử nhìn chuyện ông không vào đất hứa với cách nhìn khác xem sao.
Bản văn Đệ Nhị Luật hôm nay nói rằng ông Môsê đã được trò chuyện với Chúa thân thiện, gần gũi như hai người bạn, mặt giáp mặt. Ông cũng là người thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, “Ông Môsê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Israel.” (34,12). Thường thì các bản văn Thánh Kinh nói về sức mạnh tay Chúa, những điềm thiêng dấu lạ được Thiên Chúa thực hiện, nhưng ở đây thì nói là ông Môsê. Dĩ nhiên, người ta hiểu là Thiên Chúa thực hiện qua tay ông, nhưng cách nói này cho thấy cái nhìn rất đáng kính về ông. Nhưng rồi, ông dừng lại ở bên cạnh đất hứa mà không vào. Vai trò của ông dừng lại ở đây để nhường chỗ cho ông Giôsuê, người phụ tá của ông. Bản văn viết: “Ông được mai táng trong thung lũng...” (Đnl 34,6). Cụm từ “được mai táng” ở ngôi thứ ba số ít có khi được cắt nghĩa là chính Thiên Chúa mai táng ông. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu quý ông đồng thời Ngài muốn ông dừng lại ở đó. Và người ta không tìm thấy xác ông nữa. Ông Môsê đã xoá mình hoàn toàn để dành chỗ cho người khác.
Mỗi người có giá trị riêng của mình, đáng quý trọng và đáng tự tin. Nhưng cái tôi cá vị ấy không ở bên lề cuộc sống, không đi song song mà không hề gặp gỡ với người khác. Cái tôi cá vị ấy cần gặp gỡ những cái tôi cá vị khác, phối hợp với nhau và làm nên cái tôi cộng đồng, tức là có tôi trong đó, nhưng không cô độc, mà là trong tương tác, hoà nhịp người khác. Mỗi người có vị trí của mình, nhưng được phối hợp với vị trí của những người chung quanh. Tìm thấy niềm vui là chính mình cùng với niềm vui khi nhìn thấy người khác là chính họ, và tìm thấy niềm vui trong khi cùng lớn lên với nhau, đó là cách sống hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Lắng nghe người khác, nghe những góp ý của họ để cùng lớn lên, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.
Giuse Nguyễn Trọng Sơn 
SUY NIỆM 7: SỬA LỖI TRONG YÊU THƯƠNG
 Con người vốn yếu đuối và bất toàn như người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Đã hẳn sinh ra trong cõi đời này ai mà chẳng một lần lầm lỗi, có chăng sự khác biệt chính là khả năng nhìn nhận lỗi lầm và quyết tâm sửa lỗi nơi mỗi người.
Giữa một xã hội mà con người đang đề cao và thậm chí là tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân” thì việc thừa nhận và sửa lỗi thật là một điều khó khăn. Bởi khi chấp nhận mình sai cũng là lúc người ta hạ mình xuống, gạt cái tôi cá nhân sang một bên. Thiết nghĩ, điều đó thật không đơn giản như chúng ta tưởng!
Lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay như là một lời mời gọi tôi sẵn lòng giúp người anh em nhìn nhận lỗi lầm và chấp nhận sửa đổi để có thể đổi mới đời sống, giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Sửa lỗi cho người anh em chính là bước đến bên người anh em với tất cả sự chân thành để lắng nghe, chia sẻ, và khuyên răn nhằm sinh ích cho người anh em chứ không phải để “lên lớp” hay “ném đá” người anh em.
Thế nhưng nhìn lại đời sống của tôi, đã chẳng ít lần tôi đi ngược lại với lời dạy của Đức Giêsu khi tôi thờ ơ, lặng thinh hay thậm tệ hơn là “đưa cái tôi lên ngôi bằng việc dẫm đạp lên sai lầm của anh em”. Chính những lúc đó tôi cần phải tự vấn lại thái độ của chính mình. Khi đặt mình trong thinh lặng, trước mặt Chúa, tôi cảm nghiệm được lời Chúa, hơn bao giờ hết, đang vang vọng trong tôi: “Nếu người anh em của anh phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”.
Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm và sẵn sàng đến bên người anh em để giúp họ đứng lên sau những sai lầm và sửa đổi chính mình để được trở về với Chúa là hạnh phúc và là đích điểm của cuộc đời.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây