Lời Chúa: Mt 18, 1-5. 10. 12-14
Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.
"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".
Suy Niệm 1: Em nhỏ và kẻ bé mọn
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,
đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.
Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),
các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).
Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,
đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.
Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.
Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,
cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.
Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,
cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.
Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,
Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.
Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,
là phải trở nên như trẻ em (c. 3).
Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.
Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.
Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,
người ấy mới có thể vào Nước Trời.
Nước Trời là Nước của trẻ thơ,
và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.
Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).
Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,
cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,
không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.
Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.
Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,
Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.
Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.
Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.
Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.
Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,
và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).
Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.
Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên
để đi tìm một con chiên lạc.
Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về.
“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.
Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,
chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Suy Niệm 2: Tâm hồn thơ trẻ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Phải trở lại. Không phải sinh lại như Ni-cô-đê-mô tưởng lầm. Nhưng là có tinh thần trẻ thơ. Tinh thần trẻ thơ là gì? Khiêm nhường? Vâng lời? Ứng trực? Đều đúng cả. Khái quát trong thái độ của đứa con nhỏ đối với cha mẹ. Khi còn nhỏ, cha mẹ là tất cả. Con không là gì. Nên mọi sự đều trông mong vào cha mẹ. Nên một với cha mẹ. Phó thác. Tin cậy. Kết hợp. Yêu mến. Đó là thái độ Chúa Giê-su sống với Chúa Cha. Đó là thái độ Chúa muốn ta có với Thiên Chúa. Chúa là tất cả. Ta là hư vô. Chúa có tất cả. Ta hai bàn tay trắng. Chúa trao ban tất cả. Ta nhận lãnh tất cả. Càng bé nhỏ ở trần gian càng cao trọng trên trời. Càng bé nhỏ càng được Chúa yêu thương.
Nhân loại gặp vấn đề khi muốn chứng tỏ mình là người lớn, trưởng thành trước mặt Chúa. Tự mãn với những thành công, con người tưởng mình ngang hàng với Chúa. Tự do cá nhân quá mức, con người không còn muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tự phụ giải quyết được mọi vấn đề, con người nghĩ rằng thế giới này không còn cần Thiên Chúa. Đó là những thái độ tàn phá con người và thế giới. Cần trở nên như trẻ nhỏ.
Nêu gương cho ta, Mô-sê đã sống tinh thần bé nhỏ. Mô-sê từng là một thủ lĩnh lẫy lừng, từng thi hành bao điềm kỳ phép lạ kinh thiên động địa, gieo kinh hoàng cho người Ai cập. Nhưng giờ đây Mô-sê thú nhận mình già yếu. Ông khiêm tốn thanh thản giã từ quyền lực. Còn hơn thế ông bé nhỏ nên lãnh án phạt của Chúa cách khiêm nhường. Và ông trở nên bé nhỏ đến độ vâng phục lời Chúa dậy ra đi lên núi chết một mình. Đúng là một người con hiếu thảo. Và ông có tâm tình bé thơ khi tôn trọng Gio-suê, người đệ tử theo hầu ông từ khi còn nhỏ. Ông tin tưởng và khích lệ Gio-suê. Ông khuyên nhủ dân chúng vâng phục Gio-suê dù anh còn trẻ. Vì ông biết rằng mọi sự đều bởi Chúa. Chúa sẽ dẫn đưa Ít-ra-en. Chúa sẽ ở với Gio-suê (năm lẻ).
Ê-dê-kiên cũng có tính thần trẻ thơ khi vâng lời Thiên Chúa nuốt trọn cuốn sách có đủ mọi điều đắng cay mà chẳng thắc mắc ngại ngùng. Và sau đó vâng lời Chúa truyền rao Lời Chúa cho dân, dù là những lời không mấy dễ nghe. Ê-dê-kiên quả đã sống tinh thần của người con bé nhỏ và hiếu thảo. Đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Làm tất cả mọi sự theo ý Thiên Chúa. Bất chấp sự gì xảy đến cho mình (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Tinh Thần Trẻ Thơ
Tin Mừng Mátthêu được cấu trúc xoay quanh năm diễn từ dài của Chúa Giêsu, và diễn từ thứ tư bắt đầu với chương 18 nói về nếp sống của người môn đệ trong cộng đoàn. Tin Mừng hôm nay nhắc đến hai đặc điểm của nếp sống người môn đệ trong cộng đoàn.
Trước hết là thái độ sống trẻ thơ.
Một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: "Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền".
Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.
Nhận định trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.
Những đức tính tốt của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được nó. Chúa Giêsu mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người anh em.
Xin Chúa cho chúng ta sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác. Xin cho chúng ta sống tin tưởng, yêu thương phục vụ mọi người vì tình yêu Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Những Trẻ Nhỏ Của Tôi.
Lúc ấy các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông mà bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (Mt. 18, 1-4)
Người lớn khó có lòng trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa, khó sống trong đức tin.
Giầu có nhờ nghèo khó.
Nghèo khó trong mối phúc thật thứ nhất chính là sự giầu có của tuổi thơ ấu. Trẻ nhỏ không phải là thiên thần. Tuy nhiên thiên thần giống như đứa trẻ má phúng phính, chút vẻ ngây ngô, vô tính, như những bức họa mô tả.
Còn trẻ nhỏ có nhiều lầm lỗi, nhưng có nhiều đức tính, cá tính. Nó tin cậy tất cả, yêu tất cả. Nó biết cha nó không gắt gỏng về tính hay thay đổi của nó. Nếu cha nó sửa lỗi nó, thì luôn luôn vì yêu nó. (tôi nghĩ đến những người cha bình thường chứ không phải hạng người cha đao phủ mà báo chí đăng tin gật gân)
Cha chúng ta ở trên trời tha thứ những lời bậy bạ của chúng ta, khi chúng ta sống chắc chắn trong tình yêu của Ngài, tin cậy hoàn toàn vào Ngài.
Một đứa trẻ tưởng mình qua mặt được Thiên Chúa, cho rằng mình không cần Thiên Chúa để được hạnh phúc, thì nó đã tự coi mình trưởng thành, nó đã mất tâm hồn trẻ thơ, cạn kiệt hạnh phúc và niềm vui rồi.
Những đòi hỏi trở nên trẻ nhỏ.
Khi kêu gọi chúng ta trở nên trẻ nhỏ, Chúa nhắc nhở chúng ta rằng Nước Trời không phải là một phần thưởng dễ được, phải thực hiện một đời sống toàn diện. Phải tìm lại vẻ cao đẹp của tuổi thơ, sự chân thật, sự hết mình và tính vui tươi của chúng. Không lo ngày mai, nhưng lúc này là giây phút đời đời. Không dễ dàng trở nên trẻ nhỏ, tìm lại được nhiệt tình hăng hái trước cuộc đời biết ngạc nhiên trước tình yêu đang bộc lộ ra hằng ngày cho chúng ta. Không dễ dàng trở nên trẻ nhỏ và cuộc sống đầy tràn sức sống mỗi ngày. Nếu mọi việc chúng ta làm trong ngày mà đến cuối ngày chúng ta thấy mệt mỏi tinh thần, thì chắc chắn tất cả nhiệt tình chúng ta đổ vào công việc không còn mang được ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của thánh ý Chúa nữa, như vậy cuộc sống của chúng ta đã trở thành thảm kịch bi đát rồi.
J.M
Suy Niệm 5: Muốn làm lớn, phải làm gì?
Xem lại thứ Ba tuần 2 MV, lễ thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su ngày 1/10
và lễ Thiên Thần Bản Mệnh ngày 2/10.
Trong xã hội mọi thời, những chuyện như tranh dành quyền lực luôn diễn ra nhan nhản. Tuy nhiên, sự tiêu cực này không phải không có trong thời Đức Giêsu, vì thế, ta không lạ gì khi thấy các môn đệ lên tiếng hỏi Ngài: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Hồi hộp, mong mỏi chờ đợi Đức Giêsu lên tiếng! Nhưng khi Ngài lên tiếng thì các ông té ngửa và chưng hửng, bởi vì mưu ý của các ông đã bị lật đổ.
Nhân đây, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học:
- Điều kiện cần để được vào Nước Trời là: "Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời".
- Điều kiện đủ để là người lớn nhất trong Nước Trời là: "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời".
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì nên giống trẻ nhỏ thì: chân thành, không thù oán, không giận giữ, không màng công danh và luôn phó thác mọi sự nơi cha mẹ chúng.
Như vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình phải mặc lấy những tâm tình đó để sẵn sàng hy sinh, tự hạ và chấp nhận mọi sự vì Nước Trời. Trở nên người phục vụ theo gương của chính Ngài là: “Đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của trẻ thơ như Đức Giêsu mong muốn. Biết chấp nhận thân phận yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết sống trong sự khiêm tốn, phó thác.
Được như thế, nhân loại này sẽ không còn chiến tranh, hận thù. Các gia đình sẽ ấm êm hạnh phúc vì mọi người biết sống cho nhau và vì nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa tha thiết, luôn sống trong tâm tình phó thác, và sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em để được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Như con thơ
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa muốn ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: luôn đơn sơ, chân thành, tin tưởng, phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Có lẽ hình ảnh tươi đẹp nhất của cuộc sống mà ai cũng đều trân trọng, đó là quãng đời tuổi thơ. Tuổi thơ là niềm vui của cha mẹ, là mầm sống tương lai cho Giáo Hội, cho quê hương. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên trước cuộc sống, luôn bình thản với hiện tại, không bon chen, không hận thù tranh chấp, lại chẳng lo lắng đến tương lai, luôn chấp nhận cuộc sống với một thái độ lạc quan. Chúa là Cha, Chúa muốn con luôn sống như một trẻ thơ trong tay cha. Càng trở nên trẻ thơ, con lại càng được Chúa yêu quý.
Lạy Chúa, trong cuộc sống đức tin, con lại muốn làm người lớn, để con được tự do làm những gì mình muốn, thay vì sống theo lề luật của Chúa. Con cũng thường hiểu Lời Chúa theo ý riêng con, thay vì nghe theo đường lối Giáo Hội chỉ dạy. Và hậu quả là con đã lầm đường lạc lối.
Cũng có nhiều lúc con tự cao tự đại, coi thường những cơn cám dỗ, con cậy dựa vào sức mình mà không chịu cậy trông vào Chúa. Và cũng có nhiều lúc tâm hồn con nuôi dưỡng những tư tưởng hận thù, âm mưu đen tối, phiền sầu lo lắng.
Lạy Chúa, như trẻ thơ nép mình trong tay người mẹ, xin cho con biết trở nên như trẻ nhỏ với một tâm hồn đơn sơ, hiền lành, tin tưởng và phó thác đời sống và bản thân con trong tay Chúa, để chính Chúa nâng đỡ, hướng dẫn con trên hành trình cuộc sống trần gian này.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương đón nhận và chúc lành cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.
Suy Niệm 7: Tâm hồn trẻ thơ
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một cậu bé gõ cửa nhà một bà già và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái được hay không.
Bà trả lời: “Có, bà sẽ xách xô của cháu vào bếp và đong 2 lít”.
Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Bà nói: “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao?”.
- Cháu không sợ, vì nếu bà làm thế, bà sẽ nhận được điều xấu nhất.
- Cháu muốn nói gì?
- Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ, nhưng bà tự biến mình thành kẻ trộm.
Suy niệm
Theo thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, nước Trời chỉ dành cho những ai có tâm hồn trẻ thơ vì các em có các đức tính:
Khiêm nhượng: Trẻ em thì yếu đuối, vô năng lực, chúng không thể làm gì dựa trên sức lực riêng, em luôn tùy thuộc vào cha mẹ của em trong mọi sự. Người có tâm hồn trẻ thơ biết ra điều đó và chấp nhận.
Nghèo khó: Trẻ em không có riêng gì là của mình, em chỉ được người khác ban cho mà thôi.
Trông cậy: Trẻ em chỉ biết có cha mẹ của mình. Trẻ em trông chờ cha mẹ nuôi dưỡng cung cấp cho mình những điều cần thiết vì vậy không cần lo lắng gì.
Tình thương yêu: Trẻ em có tình thương yêu, em yêu cha mẹ của em và phó thác mình vào cha mẹ.
Đơn sơ: Mọi sự trong trẻ em thì đơn sơ, từng ý nghĩ và lời nói cả việc làm nữa. Trẻ em chỉ có khả năng làm những việc nhỏ.
Ðức Giêsu đưa trẻ em ra làm lý tưởng sống: “Con đường thơ ấu thiêng liêng”, mà sau này thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu tái khám phá biểu lộ tinh thần đơn sơ của con đường nhỏ, để trở nên thánh thiện, bằng việc yêu mến và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Thật thế, chúng ta cũng cần sống gắn bó vào Ðức Giêsu như trẻ thơ.
Ý lực sống:
“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18,15-17).
Suy Niệm 8: Phải trở nên như con trẻ
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Các môn đệ xúm lại hỏi Chúa: ai là người lớn nhất trong Nước trời? Chúa không trả lời ngay. Người gọi một trẻ nhỏ vào đứng trước mặt các ông rồi nói: Ai không trở nên như trẻ nhỏ, không sống đơn sơ, thật thà, khiêm tốn như trẻ nhỏ thì không được vào Nước trời. Và ai trở nên giống trẻ nhỏ: đơn sơ, hoàn toàn lệ thuộc phó thác, thì sẽ làm lớn hơn hết trong Nước trời...
Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên, không bon chen, không hận thù tranh chấp và hoàn toàn tin tưởng cậy dựa vào cha mẹ. Trong đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chúng ta phải tôn trọng trẻ em, những kẻ bé mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá Máu cứu chuộc, thế nên chúng ta phải đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.
Theo nhận xét của nhiều người, trẻ em giống như một cây non, chúng yếu đuối phải cậy dựa vào người lớn, chúng hoàn toàn nương nhờ vào cha mẹ và cha mẹ bảo sao chúng biết vậy. Cũng thế, trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, muốn viết gì vào đấy cũng được. Rồi trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng tin vào cha mẹ và tin rằng: chỉ có cha mẹ mới thoả mãn được mọi nhu cầu của chúng. Đó là thái độ chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Ngài, chúng ta phải thấy mình thực sự nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và cần sự trợ giúp của Ngài.
Đàng khác, trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch, không biết quanh co, lừa đảo gian dối, không biết để lòng oán hờn, thù hằn, ghen ghét, không bon chen với trăm thứ lo lắng của người lớn. Hồn nhiên là một thái độ tự nhiên của trẻ nhỏ, và được diễn tả bằng tình thương... Chúng tin vào một người, chỉ khi nào chúng cảm thấy người ấy thương chúng. Thuyết phục bằng lý lẽ sẽ không có hiệu quả, nếu không kèm bằng tình thương. Đó là thái độ của chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách để chúng ta được Chúa yêu thương và được đón nhận vào Nước trời (Lm. Phạm Văn Phượng).
Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một giải thích về mối phúc đầu tiên, khi Ngài gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các môn đệ và tuyên bố: “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước trời”. Trong quan niệm người Do thái, trẻ em chưa được xem như một con người hoàn toàn, do đó trẻ em được coi là biểu tượng của thiếu sót, bất toàn, yếu đuối và bị khinh thường. Có lần các môn đệ đã tỏ ra khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu để cho trẻ em đến gần Ngài. Nơi trẻ em, Chúa Giêsu nhìn thấy hình bóng những người, mà Ngài gọi là những kẻ bé mọn. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ có nghĩa là hãy trở nên trống rỗng, nghèo nàn để được Thiên Chúa lấp đầy. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Nghèo khó chỉ có giá trị, khi nó là một cởi bỏ mọi ràng buộc có thể làm con người trở thành nô lệ trong cuộc sống. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận mỏng dòn, tội lỗi của mình. Sự ràng buộc đầu tiên mà con người phải tháo gỡ chính là con người cũ tội lỗi, để Thiên Chúa có thể trở thành sức sống của con người (Mỗi ngày một tin vui).
Tâm hồn đơn sơ của con trẻ dễ dàng gần Chúa hơn. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhắc nhở chúng ta điều này. Không lâu trước khi qua đời, thánh nữ đã viết lại bí quyết sống của mình như sau: “Tôi muốn tìm phương thế để lên trời qua con đường nhỏ, thật ngay thẳng, thật ngắn, một con đường nhỏ thật mới. Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ của nhiều phát minh. Trong những nhà giàu, một thang máy thay thế cho những nấc thang thật tiện lợi. Tôi cũng muốn tìm gặp một thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên cái thang của sự trọn lành”. Và theo thánh nữ, thì chiếc thang máy để đưa ta tới trời chính là đôi cánh tay của Chúa. Điều cần là chúng ta phải sống nhỏ bé và ở lại trong tình thương của Chúa.
Truyện: Tấm lòng đơn sơ thành thật
Vào mùng hai tết Canh Thìn năm 2000, trong lúc đi chơi, bé Thiên Thanh, 9 tuổi, lớp 3A trường Phạm Như Xương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đã nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền.
Trên đường cầm chiếc ví đến trạm công an khu vực ở gần đó để giao, bé Thiên Thanh thấy một người khách dáng cao to, đang lúi húi tìm kiếm một vật gì đó, khuôn mặt đầy vẻ lo âu.
Đoán đây chính là người mất chiếc ví, bé đến gần và hỏi thì quả thật đúng như vậy. Em đã trao cho người khách chiếc ví còn nguyên vẹn dưới sự chứng kiến của nhiều người. Số tài sản gồm 4.100.000 đồng, 1.300 mỹ kim, 12 chỉ vàng và tất cả giấy tờ cá nhân quan trọng như hộ chiếu v.v...
Người khách may mắn đã hết lời khâm phục cám ơn bé Thiên Thanh. Để tỏ lòng biết ơn, người khách đã lấy 2 triệu đồng và 100 mỹ kim biếu em, nhưng bé một mực không nhận và hồn nhiên nói:
- Cháu xin cám ơn bác, nhưng cô giáo cháu đã dạy rằng: khi đi đường mà nhặt được của rơi, thì phải tìm cách trả lại cho người bị mất, cháu không nhận tiền thưởng của bác đâu!
Suy Niệm 9: Bài học về nếp sống cộng đoàn: theo hình ảnh trẻ nhỏ
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
* Đặt trong sơ đồ chung của Mt:
Chương 18 (Từ hôm nay đến Thứ Năm) là bài giảng của Chúa Giêsu về nếp sống chung trong cộng đoàn Giáo Hội. Ngài đề cập đến nhiều vấn đề rất cụ thể và thực tế: về những người làm lớn trong cộng đoàn, cớ gây vấp ngã, thái độ đối với người anh em lầm lạc, sửa lỗi cho nhau, cầu nguyện chung, và tha thứ.
A. Hạt giống...
Những bài học về nếp sống cộng đoàn: theo hình ảnh trẻ nhỏ.
1. Theo văn mạch, đoạn trước, các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ: trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, là sẵn sàng vâng lời người lớn…
2. Trong cộng đoàn, người ta cũng thường trọng những kẻ có địa vị, có tài năng… và coi thường hoặc xua đuổi những kẻ thấp kém, ít khả năng. Chúa Giêsu cũng gọi những người sau này là “trẻ nhỏ” và dạy “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì Danh Thầy tức là đón nhận Thầy. Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này…”
3. “Trẻ nhỏ” hay “kẻ bé mọn” cũng là những người lầm lạc. Chúa Giêsu dạy các kitô hữu vẫn phải quý trọng cả những người tội lỗi lầm lạc và tìm đủ cách để cứu vớt đưa họ trở về cộng đoàn.
B.... nẩy mầm.
1. Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình: cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
2. Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dễ những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao?
3. “Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”: Chúa Cha đã muốn thế, tôi còn có thể thờ ơ với những anh chị em lầm lạc của tôi nữa không?
4. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như: lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vào lời là nó bỏ qua ngay v.v.
Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.
5. “Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3)
Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu; thì với con: sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước; riêng con nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối; còn con khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn; còn con theo bề ngoài đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có; con thường nặn mình rất công phu.
Lạy Cha, có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái. (Hosanna)
6. “Ai tự hạ, coi mình như anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)
Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn: Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn.
Và Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay: xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con. (Hosanna).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn