THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,23-28
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép!”
25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”
27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
SUY NIỆM: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT
Bài Tin Mừng hôm nay kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pha-ri-sêu về ý nghĩa của ngày Sabat.
Những người Pha-ri-sêu hiểu về ngày Sabat theo góc nhìn của lề luật. Chính vì thế, họ lấy làm khó chịu khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa ăn, một hành động không được phép làm trong ngày hưu lễ này. Vì đối với người Do Thái, ngày Sabat thì không được phép làm bất cứ một việc gì.
Chúa Giêsu tôn trọng quy định này của cha ông, nhưng Ngài cho biết thêm, ngày Sabat không chỉ nhìn dưới gốc độ của lề luật, nhưng còn phải được nhìn dưới gốc độ của tình yêu, của đức ái.
Để minh chứng cho điều ấy, Chúa Giêsu đã nhắc lại hành động ăn bánh thánh của vua Đavi - Tổ phụ của họ, trong khi ông không được phép làm điều đó. Khi nhìn dưới góc độ lề luật, thì vua Đavit đã phạm một trọng tội; nhưng khi nhìn dưới góc độ của tình yêu, thì ông được miễn trừ.
Vậy khi cho chúng ta nghe lại bài Tin mừng này, Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì? Thưa Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng, để việc tuân giữ ngày Chúa Nhật được trọn hảo nhất, thì mỗi người chúng ta phải sống đúng và sống đủ 3 bổn phận này.
Thứ nhất là bổn phận đối với Chúa. Mỗi người đều buộc phải tham dự Thánh lễ vào ngày Chúa nhật để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta tôn thờ. Đây là bổn phận mà ai trong chúng ta cũng đều biết rõ.
Thứ hai là bổn phận đối với chính bản thân mình, đó là kiêng việc xác vào ngày Chúa nhật. Có nhiều người làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm rồi làm thêm cả ngày Chúa nhật, vì cho rằng điều đó không phải là tội. Coi chừng vì lời lãi thế gian mà mất phần linh hồn.
Và thứ ba là bổn phận với tha nhân. Đây là điều mà chúng ta hay quên nhất. Vào ngày Chúa Nhật, người ki-tô hữu còn được mời gọi làm ít là một việc bác ái với anh chị em mình. Có thể là vật chất, có thể là tinh thần; cũng có thể là một nghĩa cử yêu thương, nhường nhịn, tha thứ cho những người trong gia đình hay cho những người xung quanh. Vì Thánh Phaolô cho biết: “Yêu thương là chúng ta đang chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Tóm lại, lời Chúa hôm nay chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng, ngày Chúa Nhật vô cùng quan trọng với người Công giáo chúng ta, vì đó là ngày của Chúa, ngày Chúa đã phục sinh. Những ai giữ và sống tốt ngày Chúa Nhật trong tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình, thì chắc chắn người đó sẽ được nên thánh từng ngày. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM :
1. Vi phạm lề luật
Đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ đói bụng và bứt lúa ăn. Thánh Mác-cô không nói rõ lí do : « Dọc đường các môn đệ bứt lúa » (c. 23) ; nhưng chúng ta có thể đoán ra vì lý do « đói bụng », khi dựa vào lời giải thích của Đức Giê-su :
Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? (c. 25)
Các Tin Mừng khác, thì nói rõ lí do «vì đói bụng» (Mt 12, 1-8; Lc 6-1-5). Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su:
Ông coi, ngày Sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! (c. 24)
Trước hết, chúng ta ta cần cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng người ta lại đi chất vấn Thầy, vì Thầy phải chịu trách nhiệm. Sau này, Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, nhân danh Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.
Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải « gặt và xay » cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày Sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Đức Giê-su chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.
2. Dò xét và tố cáo
Thật vậy, chúng ta có thể tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này, nhất là việc này thường được làm trong sự dè dặt và kín đáo ? Chắc chắn họ đã phải âm thầm đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su, và tin chắc rằng họ sẽ vi phạm lề luật ! Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ dịp thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy. Thế mà, hành động này là hành động đặc trưng của sự dữ, của ma quỉ (x. Sách ông Giop ; Kh 12, 10). Đó là hành động thuộc về sự dữ, thậm chí đặc trưng của sự dữ, nhưng hành động này lại không phải là hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta, và có khi chính người hành động như thế, không nhận ra mình đang bị sự dữ chi phối, đang tự biến mình thành tay sai của sự dữ (x. Lc 18, 11).
Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ ơn huệ sự sống được cứu khỏi sự chết của cả một dân tộc trong biến cố Xuất Hành, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su » (đó là nội dung của bài Tin Mừng ngày mai : Mc 3, 1-6). Và mưu đồ này sẽ đi đến cùng trong cuộc thương khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối[1].
3. Sự sống và lề luật
Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vậy, Thánh Phao-lô nói : « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25)
Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn. Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuen quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn.
Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giê-su muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa:
Ø Sự sống ưu tiên hơn lề luật. Vì Thiên Chúa thông truyền sự sống, nghĩa là ban ơn, trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Và xét cho cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là cùng đích của lề luật.
Ø Luật đúng là thánh, như thánh Phao-lô nói trong thư Roma (Rm 7). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : « Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng » (1 Sm 16, 1)
Ø Con Người, nguồn sự sống, là chủ ngày Sa-bát. Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an, vì Đấng ban luật cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt. Không phải Chúa bao che chúng ta, không đòi hỏi và để mặc chúng ta lạm dụng lòng thương xót, nhưng đó là vì chỉ có lòng thương xót mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta, chứ không phải hành xử theo luật, xử phạt và kết án theo Luật (có thể đọc dụ ngôn «Người Cha và Hai Người Con» trong Lc 15, 11-32, theo hướng này; hay bài đọc về « Sự Dữ).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: TUÂN GIỮ LUẬT CHÚA
Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát vì 3 lý do:
Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
- Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
- Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
- Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM:
1. Luật ngày Sabát
Luật ngày Sabbat một điều luật quan trọng bậc nhất của người Do Thái. Người Do Thái coi trọng ngày Sabbat vì là ngày dành riêng để phụng thờ Thiên Chúa. Ngày của Chúa chỉ được làm việc cho Thiên Chúa.
Theo các người biệt phái, ngày Sabbat cấm người ta làm bất cứ điều gì. Người biệt phái tuân giữ luật ngày Sabbat cách tỉ mỉ, tuân giữ luật cách nô lệ, hình thức. Họ trách mắng khi thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa trong ngày đó để ăn. Họ cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy các môn đệ Chúa vị phạm luật. Họ chỉ nhìn thấy những điều không được phép, những điều cấm đoán. Họ cho rằng: nếu ai vi phạm luật là xúc phạm đến Thiên Chúa.
2. Cần hiểu tinh thần của lề luật.
Lề luật không phải như một gánh nặng áp đặt trên con người, như chiếc gông cùm đè bẹp con người.
Người biệt phái quá chú trọng đến hình thức của luật mà quên đi cốt lõi của luật là tình yêu.
Trong mọi trường hợp, bất cứ ai cũng phải bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền sống của con người.
Chúa Giêsu muốn cho những người biệt phái hiểu được phẩm giá của con người và lề luật là để phục vụ con người. "Các ông chưa bao giờ đọc trong sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời Thượng tế Abiata, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."
Lề luật phục vụ con người. Luật của Thiên Chúa là luật của tình yêu: "Ngày Sabbat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbat.”
3. Sống theo luật của Chúa.
Chúa truyền dạy chúng ta 10 điều răn của Chúa và Tám mối phúc thật, đó là con đường dẫn chúng ta hạnh phúc thật.
Chúng ta cần phải tránh việc tuân giữ luật một cách tỉ mỉ, nệ hình thức nặng nề gò bó.
Dựa trên luật Chúa, chúng ta hãy chu toàn bổn phận hằng ngày bằng tình yêu dành cho Chúa và cho con người.
Tất cả những việc làm của chúng ta cần phải đem lại tình yêu thương, đem lại hạnh phúc và niềm vui cho con người. Vì, Thiên Chúa chỉ được vinh danh khi con người được hạnh phúc.
4. Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết giữ luật Chúa. Xin Chúa thánh hóa cuộc sống của chúng con, để chúng con biết sống cho Chúa, cho tha nhân, hầu chúng con sống theo ý của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
SUY NIỆM:
Trong thế giới ngày nay, người ta đề cao tự do, người ta thường hay biểu tình đòi nhà nước phải lập ra luật này luật kia. Những điều luật mà họ đòi hỏi Quốc Hội phải thông qua đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm cho người dân được sống thoải mái dễ chịu hơn mà thôi. Thế nhưng chẳng thấy có mấy ai biểu tình đòi xoá bỏ đi cái luật được phá thai! Vì vậy cho nên, hàng ngày đã có không biết bao nhiêu thai nhi bị phá bỏ, bị giết chết. Qua sự im lặng này, người dân đã vô tình ủng hộ nhà nước trong việc hợp thức hoá hành động “giết người”! Mà giết người tự bản chất là xấu xa, là kinh tởm, là đáng lên án!
Bài Tin Mừng hôm này thánh sử Mác-cô tường thuật “sự cố” những người Pha-ri-sêu bắt lỗi Đức Giê-su về việc để cho các môn đệ bứt bông lúa mà ăn trong ngày lễ nghỉ. Việc bứt bông lúa mà ăn đây được người Pha-ri-sêu coi là đã làm việc, vi phạm vào các việc không được phép làm trong ngày sa-bát. Nhân dịp này Đức Giê-su giảng giải để xua tan đi cái não trạng giữ luật một cách máy móc, một cách cứng ngắc của các người Pha-ri-sêu. Đức Giê-su nâng tầm nhìn của họ nên để họ giữ luật bằng cái tâm của mình: Để nhờ giữ lề luật mà mọi người thăng tiến lên trong việc thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đó cũng là mục đích cốt lõi của việc tuân giữ lề luật. Những người Biệt Phái và Pha-ri-sêu có tâm địa xấu, có óc hẹp hòi và nhất là có tính đố kỵ, ghen tương, họ rình rập để nếu có một ai đó, mà cụ thể ở đây là Đức Giê-su vi phạm là họ có cớ bắt chẹt, lên án và tố cáo Ngài, như có lần Đức Giê-su chữa lành cho một người bị bại tay vào ngày sa-bát, họ liền nhân danh lề luật để phản ứng chống lại và tố cáo việc làm này, cho dù đó là việc làm nhân đạo!
Đức Giê-su đã nói:“Tôi đế không phải để bãi bỏ lề luật mà là để kiện toàn lề luật”. Thật vậy Chúa Giê-su đến trong thế gian, Người đã nên như một công dân tiêu biểu của xã hội. Người sinh ra trong hoàn cảnh phải về nguyên quán để khai báo“hộ khẩu”. Người chịu cắt bì theo lề luật như bao trẻ em khác. Người cũng nộp thuế như mọi người công dân v.v…Đức Giê-su là thế nhưng dưới mắt bọn Pha-ri-sêu thì họ lại coi Ngài như một người chống lại lề luật, mà cụ thể như đoạn Phúc Âm hôm nay họ hạch sách Chúa vì coi Ngài như đang ủng hộ việc làm “bứt bông lúa” mà họ coi như là làm việc xác vào ngày sa-bát của các môn đệ.
Bài học rút ra từ đoạn Tin Mừng hôm nay là chúng ta mỗi ky-tô hữu hãy cố gắng tuân giữ mọi lề luật của Giáo Hội cũng như xã hội, để từ việc tuân giữ đó sẽ giúp chúng ta mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện mình hơn: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người” đồng nghĩa trong hành vi giữ luật là việc thờ phụng Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày được tốt đẹp hơn. Nhưng muốn giữ luật cho tốt, trước hết phải có cái tâm cũng như có thái độ yêu mến lề luật, để rồi việc tuân giữ lề luật không còn là gánh nặng mà nó lại trở nên “ êm ái và nhẹ nhàng”, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Khi chúng ta đã yêu mến một ai rồi thì việc làm cho người ấy vui, cho người ấy hài lòng sẽ làm cho chính chúng ta cảm thấy thư thái trong tâm hồn!
Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con luôn biết làm mọi việc để tuân giữ lề luật với tất cả lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân, để việc giữ lề luật Chúa không phải là một gánh nặng mà lại trở nên nhẹ nhàng và êm ái. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ky-tô Chúa chúng con. Amen.
Đaminh Trần Văn Chính.
SUY NIỆM : TRẢ LẠI CHO LUẬT Ý NGHĨA CỦA NÓ!
Luật ngày Sabát chính là luật quan trọng của người Do thái. Tuy nhiên, vì luật này, mà đã biết bao nhiêu lần giữa Đức Giêsu và người Pharisêu xảy ra tranh cãi, bởi lẽ với Đức Giêsu thì coi luật vì con người, còn với kẻ chống đối Ngài thì cho rằng con người nên công chính vì luật.
Thật vậy, Đức Giêsu không phải là người đến để bãi bỏ lề luật, Ngài đến để kiện toàn. Tuy nhiên, Ngài nhìn và coi luật là thứ yếu, nó chỉ nắm vai trò phục vụ con người, vì vậy, nó không phải là tất cả và mang tính sống còn! Nếu luật đưa ra mà không làm cho con người có giá trị nhân linh trước mặt Chúa và sống tốt với nhau hơn hay không đem lại bình an, hạnh phúc cho người thi hành thì luật đó phải được thay thế.
Việc trung thành giữ luật ngày Sabát mà khiến lòng con người ra trai cứng, dửng dưng trước sự đói khát, khổ sở, hay ốm đau, chết chóc thì hoàn toàn không phù hợp với tinh thần cũng như mục đích nguyên thủy của luật. Không thể hoàn toàn dựa trên luật để đánh giá đồng đều lòng đạo đức của mọi người. Cần phải áp dụng theo từng người, trong những hoàn cảnh nhất định. Vì thế: “Ngày Sabát được tạo ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2, 27).
Ngày nay, qua lối thực hành đạo của chúng ta, vẫn còn đó những người luôn coi việc giữ luật cách nghiêm ngặt, cứng ngắc là điều nên làm và họ luôn coi đây là chuẩn mực để được coi là đạo đức! Tuy nhiên, khi trở về với những lời giáo huấn và tinh thần của Đức Giêsu, nhất là những việc Ngài làm, thì hẳn chúng ta phải xem lại!
Liệu rằng khi chúng ta làm việc thiện rồi để khoe khoang; hay là nhân danh đạo đức để xử sự bất nhân với anh chị em mình; hoặc tự cho mình là người giữ luật cách trung thành, nhưng lại coi thường, khinh bỉ hay luôn cho mình là người mẫu lý tưởng bắt mọi người phải quy phục thì liệu có phù hợp với giáo huấn của Chúa và cốt lõi của Luật không??? Hay chúng ta đang bị chất tố Pharisêu chỉ đạo lối nhìn và quan điểm để rồi mình trở thành bản sao của nhóm người giả hình thời hiện đại?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết giữ luật vì lòng mến; đồng thời luôn biết yêu thương anh chị em mình bằng một tình yêu chân thành, thiết thực dựa trên đức ái. Amen.
Ngọc Biển SSP