THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH NĂM C Ga 14,27-31a

Thứ sáu - 16/05/2025 11:02
THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
Ga 14,27-31a

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
28Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em.” Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.
29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.
 
SUY NIỆM 1: BÌNH AN TRONG CHÚA
Có thể nói, cuộc sống của con người hôm nay là một chuỗi những bất an lo sợ. Có người sợ già yếu, sợ bệnh tật. Có người sợ chiến tranh thiên tai, mất mùa hạn hán. Có người sợ thất nghiệp nghèo đói, làm ăn thua lỗ, tiền mất tật mang. Và nỗi sợ lớn nhất của con người vẫn là sợ chết.

Thật là đúng lúc và ý nghĩa, khi chúng ta đang trăn trở về những lo toan của cuộc sống, thì lời của Chúa Giêsu lại vang lên như một niềm an ủi: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Lời này được chúng ta lặp lại trong mỗi Thánh lễ, như muốn nói lên niềm tin và nỗi khát vọng được như lòng sở nguyện.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng, bình an mà Chúa Giê-su ban tặng không theo kiểu thế gian, không phải là thứ bình an trong lúc an bình, nhưng là sự bình an trong những cơn gian nan khốn khó, bình an vì có Chúa luôn ở cùng ta.
Chính Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng đã từng phải xao xuyến đến đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết, nhưng Ngài đã bình an đón nhận vì Thiên Chúa luôn ở cùng Ngài.
Nhờ có bình an của Chúa phục sinh trao tặng, nên dù có gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ và gươm giáo” (Rm 8,35) thì các tông đồ cũng chẳng lấy làm điều, miễn là Đức Kitô được truyền rao.
Cũng nhờ tin rằng có Chúa luôn ở cùng, nên Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tuy vị vu oan, bắt bớ và tù đày; nhưng ngài vẫn cảm thấy an bình và vẽ nên 1 con đường hy vọng cho chính ngài và cho cả chúng ta hôm nay.

Thưa anh chị em, hành trình đức tin của người Kitô hữu không bao giờ thiếu vắng thập giá, bởi vì thập giá là con đường dẫn đến vinh quang. Chính Chúa Giê-su đã mời gọi mỗi người hãy vác thập giá đời mình mà bước theo Ngài. Nhưng chúng ta hãy vui mừng, vì trên con đường ấy có Chúa cùng đi với chúng ta. Ngài luôn hiện diện với chúng ta trong những cơn gian nan khốn khó. Ngài vui với người vui và khóc với người khóc.
Tóm lại, bình an mà Chúa Giê-su trao tặng cho chúng ta không gì khác là chính bản thân Ngài. Ai tin tưởng và phó thác đời mình trong tay Chúa, thì sẽ cảm nhận được nguồn bình an thật sự.
Nguyện xin Chúa Giê-su là nguồn mạch bình an luôn ở cùng và nâng đỡ từng người chúng ta. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2: HÃY ĐỂ BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU NGỰ TRỊ TRONG LÒNG CHÚNG TA
Thường chúng ta hay kể về những thành quả và chiến tích vẻ vang của mình trong công việc; chẳng mấy khi chúng ta kể đến những thành công của người khác. Nói cách chân thật hơn, chúng ta thường hay “nói tốt” về mình và “nói xấu” người khác. Điều đó xảy ra vì chúng ta quên mất một Đấng luôn đồng hành và muốn chia sẻ với chúng ta tất cả những gì chúng ta thực hiện trong cuộc sống thường ngày.

Bài đọc I trình bày cho chúng ta về hình ảnh của Phaolô và Banaba. Hai ngài đã chịu rất nhiều ngược đãi. Phaolô đã bị ném đá và lôi ra ngoài thành. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ và giúp ngài tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Điều làm chúng ta quan tâm để suy gẫm ở đây là khi Phaolô và Banaba trở về với cộng đoàn các môn đệ tại Antiôkhia, “là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành [rao giảng Tin Mừng]” (Cv 14:26), các ngài “tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:28). Chúng ta thấy Phaolô và Banaba không kể gì khác ngoài việc “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.” Hai ngài không kể chiến tích hiển hách của mình, nhất là việc nhờ các ngài mà dân ngoại được nghe Tin Mừng và tin vào Thiên Chúa. Mọi sự các ngài đều quy về cho Thiên Chúa, Đấng luôn hoạt động với, qua và trong các ngài. Chúng ta cần học ở Phaolô và Banaba: khi gặp gỡ nhau, chúng ta nói cho nhau nghe những điều Thiên Chúa đã làm cùng với chúng ta hơn là “nói xấu” người khác. Hãy sống luật sống này: “Khi bạn mở miệng, hãy nói tốt cho người khác. Nếu bạn không thể nói tốt cho người khác, tốt nhất là bạn hãy im lặng.”

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến một điều mà ai trong chúng ta cũng khao khát và tìm kiếm, đó là bình an. Người ta thường nói: bình an không phải là không có hay vắng bóng chiến tranh, nhưng bình an là một nỗ lực thiết lập lại quan hệ sau chiến tranh qua sự tha thứ và bỏ qua hận thù. Nói cách khác, bình an là hoa trái của sự tha thứ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy, bình an là món quà mà Ngài để lại và ban cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an mà Chúa Giê-su hứa ở đây, các môn đệ chỉ đạt được khi các ông sống trọn vẹn giới răn mới mà Ngài để lại cho các ông [được trình bày trong chương 13 và những câu đi trước của bài Tin Mừng hôm nay]. Bình an Chúa Giê-su ban cho các ông khác với bình an mà thế gian ban cho chúng ta. Nói cách cụ thể, bình an mà Chúa Giê-su mang đến cho các ông sẽ làm tan biến sự xao xuyến của các ông khi Chúa Giê-su đi về cùng Chúa Cha. Trong bối cảnh này, bình an Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ chính là Chúa Thánh Thần.

Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lời hứa của Chúa Giê-su cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm qua và như “món quà” mang lại bình an cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu được câu 28: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.” Khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được Thiên Chúa tỏ lộ ra cho biết Ngài là ai: Ngài là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị [Cha – Con – Thánh Thần]. Như vậy, khi Chúa Giê-su đi về cùng Chúa Cha, thì Ngài sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống. Câu này liên kết chúng ta với điều Chúa Giê-su nói với các môn đệ trong chương 16, khi Ngài nói cho họ về Chúa Thánh Thần: “Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16:7). Việc sai Chúa Thánh Thần xuống sẽ hoàn tất điều chúng ta tin về mầu nhiệm Ba Ngôi. Điều có lợi cho các môn đệ và chúng ta ở đây chính là việc mạc khải về Thiên Chúa là sự hiệp thông của Ba Ngôi vị được “hoàn thành” với việc “sai” Chúa Thánh Thần đến. Tuy nhiên, trong tiến trình mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, câu 28 cũng đã làm dậy lên một cuộc tranh luận và đã nảy sinh ra một lạc giáo, đó là lạc giáo Ariô [thế kỷ thứ tư]. Lạc giáo này dùng phần cuối của câu 28 [“Chúa Cha cao trọng hơn thầy”] để nói đến việc Chúa Giê-su lệ thuộc vào Chúa Cha và không ngang bằng với Chúa Cha. Lạc giáo này quan niệm rằng: Vì không ngang hàng với Thiên Chúa, nên Chúa Giê-su không phải là Chúa mà là một tạo vật, một “siêu nhân.” Ngài không hiện hữu từ muôn thuở. Như vậy, có một thời gian Ngài không hiện hữu. Nhưng điều này không phải là điều Thánh Gio-an nhắm đến. Như chúng ta biết, Tin Mừng Thánh Gio-an nói đến sự hiệp nhất không thể tách rời của Chúa Cha và Chúa Giê-su [như chúng ta đã trình bày trong những tuần trước]. Ngài thật sự là “một” với Chúa Cha.

Câu 29 của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gio-an dùng để nói về tình trạng của các môn đệ từ không tin đến tin, từ không biết đến biết: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Ga 14:29). Điều này nói đến sự “vội vàng” hoặc thái độ “mì ăn liền” của chúng ta khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta muốn hiểu mọi sự “trước khi sự việc xảy ra.” Sống trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, những người kiên nhẫn và bình thản mới có thể hiểu được những biến cố xảy ra cho mình [và cho gia đình mình]. Những người vội vàng, nông cạn sẽ không hiểu được những điều Chúa muốn nói với họ qua những sự kiện thường ngày.

Chương 14 của Tin Mừng Thánh Gio-an [được trích trong câu 31a] kết với lời khẳng định của Chúa Giê-su về tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha. Những điều sẽ xảy ra cho Chúa Giê-su [mầu nhiệm Vượt Qua], là mạc khải tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha: “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” Nói  cách khác, Chúa Giê-su mạc khải tình yêu và sự vâng phục của Ngài với Chúa Cha qua chính cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Như thế, sự đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su không phải là một vinh quang tạm thời trên Satan, nhưng là dấu chỉ của sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Giê-su dành cho Chúa Cha. Trong đau khổ và sự chết của mình, chúng ta có đón nhận với thái độ vâng phục “đầy yêu thương” dành cho Thiên Chúa không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM 3: BÀI GIÁO LÝ VỀ BÌNH AN CHÚA BAN
Phân tích
Những Lời này Chúa Giê-su nói với các môn đệ trong hoàn cảnh Ngài sắp ra đi chịu nạn chịu chết. Trong lúc các ông đang hoang mang sợ hãi như thế mà Chúa Giê-su lại nói “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Như thế, thứ bình an này hẳn là đặc biệt.
Nó không giống thứ “Bình an mà thế gian ban tặng.”
Nó dựa trên căn bản là lòng yêu mến đối với Chúa, và niềm tin tưởng rằng Chúa đi rồi cũng sẽ trở lại.
Suy gẫm
1. Bình an của Chúa Giê-su mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì.”

2. Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn an bình thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn:
Làm tất cả những gì có thể mang lại bình an cho mình và cho anh chị em. Tránh gây ra xung đột, va chạm. Tìm cách giải hóa và hòa giải các mầm mống có thể gây bất an. Nhất là tránh tội lỗi là thứ làm xáo trộn mình nhiều nhất.

3. Một lần được phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ: “Bà yêu thương người nghèo điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao nhiêu người giàu có của Vatican và Giáo Hội thì sao ?”
Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói: “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang sâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng.”
Lời đó làm ông xụ mặt, và mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau: “Ông nên có niềm tin tưởng.”
- Làm thế nào tôi có được niềm tin ?
- Ông nên cầu nguyện.
- Nhưng tôi không thể cầu nguyện.
- Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người xung quanh nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta.

4. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.”
Michael Jackson, một ca sỹ nhạc rock, anh đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Bây giờ ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi. Vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí Oxi từ đỉnh núi cao, bơm đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm.
Tôi tự hỏi: “Liệu anh có thật sự an toàn nơi phòng kín ?”
Vâng, lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 4: BÌNH AN CHO ANH EM
Sự bình an đích thực là sự bình an được trao ban bởi Chúa Giê-su. Chúa Giê-su trước khi trở về cùng Chúa Cha qua cái chết và sự phục sinh Người đã trao bình an cho các môn đệ. Chúa biết các ông buồn khi phải tạm rời xa Chúa một thời gian. Chúa biết các ông sẽ hoảng sợ khi thấy Chúa bị bắt và bị giết chết vì thế Chúa đã trao ban bình an cho các ông. Bình an của Chúa là bình an giữa lúc gặp sóng gió, gặp thử thách. Chúa ban bình an cho các ông để giúp các ông có đủ sức mạnh vượt qua sóng gió, khó khăn và thách đố trong đời sống thường ngày. Vì thế, sự bình an của Chúa là quà tặng cao quý của Chúa dành cho các môn đệ. Như thế, chúng ta chỉ thực sự bình an khi chúng ta ở lại trong Chúa. Bởi vì, trong Chúa chúng ta sẽ được bình an.
Lạy Chúa, giữa những ồn ào của cuộc sống, giữa những xáo trộn, hỗn độn và ngổn ngang trong tâm hồn xin cho con biết tìm về cõi riêng bên Chúa. Ở bên Chúa và ở trong Ngài con sẽ được hưởng bình an. Amen.
Lm. Đaminh Trần Văn Tính

SUY NIỆM 5:
Khi nghe Chúa Giê-su nói về việc Ngài ra đi chịu chết để cứu chuộc nhân loại và trở về với Chúa Cha, các tông đồ đã buồn rầu, xao xuyến. Biết được tâm trạng đó bất an đó, Chúa Giê-su đã hứa ban bình an nhằm trấn an cho các ông khỏi bất an.
Bình an Chúa trao ban không phải theo kiểu thế gian ban tặng. Thứ bình an mà người đời chúc cho nhau chỉ là câu xã giao, chứ không nhận được sự bình an thực sự. Nhưng sự bình an mà Chúa trao ban là sự bình an đích thực bắt nguồn từ Chúa và là chính Chúa, một sự bình an được đặt trong lương tâm sâu thẳm cho những ai đón nhận Ngài.

Cuộc sống hôm nay dù văn minh hiện đại, nhưng cũng lại tạo ra biết bao nhiêu nỗi lo lắng và sự bất an cho con người: Lo lắng vì bệnh tật. Lo lắng vì sợ mất việc làm. Lo lắng vì con cái hư hỏng. Lo lắng vì sợ chồng bất trung. Lo lắng vì công việc… và biết bao nhiêu thứ lo lắng sợ hãi khác nữa.
Nếu chúng ta không biết cậy dựa vào Chúa, không biết mở lòng đón nhận sự bình an, không biết đón nhận chính Chúa, thì tất cả những nỗi lo lắng, sợ hãi ấy sẽ luôn luôn rình rập và tạo ra nỗi bất an cho chúng ta.
Chính vì vậy mà ta phải xin Chúa Kitô phục sinh ban bình an đích thực cho chúng ta, để xua tan đi nỗi sợ hãi còn tiềm ẩn trong đời sống và trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn có được sự bình an đích thực của Chúa trong tâm hồn, để chúng ta không còn sợ hãi, mà luôn can đảm bước đi trong bình an của Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

SUY NIỆM 6: BÌNH AN CỦA THẬP GIÁ 
Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng kiếm tìm: đó là sự bình an. Đó là câu trả lời của đại thi hào Dante của nước Ý khi được hỏi về điều mà ông mong mỏi tìm kiếm nhất trong cuộc sống.
Bình an mà nhân loại đang khao khát phải chăng là sự an vui, hạnh phúc và chế ngự được những đau khổ xảy đến. Còn với Đức Giê-su, bình an mang một dáng dấp khác: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy: Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27) Bình an là một món quà đặc biệt, là ân ban nhưng không của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ. Đặc biệt nó không theo quan niệm thông thường của con người. Sự bình an đó không chỉ dừng lại ở sự an toàn thể xác mà còn đi xa hơn chính là sự bình an sâu thẳm chất chứa trong tâm hồn. Bình an của một sự sống tròn đầy phát xuất từ nguồn mạch của Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa đã chịu chết trên thập giá và phục sinh để cứu chuộc nhân loại.

Có lẽ, hơn ai hết, chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu xa về sự bình an của thập giá Đức Giê-su: “Nhờ máu Chúa Giê-su đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,24). Thế nên, sự bình an phát xuất từ Thiên Chúa là bình an đích thực, nó đi vào trong thực tại của cuộc sống và không chối bỏ cuộc sống. Dẫu bao đau khổ của phận người, sự bình an ấy vẫn luôn chan chứa trong cuộc đời, bởi đó là một quà tặng, sẽ không mất đi, sẽ tiến bước cùng con người nhưng kéo theo cả thập giá. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Bình an mà không có thập giá thì không phải là bình an của Chúa Giê-su: đó là một sự bình an có thể mua được, có thể tạo ra được. Nhưng nó không tồn tại và sẽ kết thúc.”

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở rộng cõi lòng để đón nhận sự bình an của Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, chúng con giữ được tâm hồn bình lặng trước những sóng gió bên ngoài và chế ngự được những xao động bên trong. Amen.
Tu sĩ Giuse Hoàng Công Bình, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây