THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
Lc 10,38-42
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.
39 Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”
41 Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
SUY NIỆM 1: HÃY KỂ CHO CHÚA NGHE
Bài Tin mừng thuật lại 1 chuyến ghé thăm của Chúa Giêsu với gia đình của 2 chị em Matta và Maria. Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu đến với gia đình họ. Cô Matta và Maria đã nhiều lần mời Chúa Giêsu đến với nhà mình. Và theo thói quen bình dân thì “khách đến nhà không gà thì vịt”. Việc cô Matta tất bật lo chuyện bếp núc để thiết đãi Thầy và các môn đệ của Thầy một bữa cho tử tế cũng là chuyện bình thường. Có lẽ những lần trước Matta cũng làm như thế, và chắc chắn Chúa Giêsu rất hài lòng về sự hiếu khách của cô.
Nhưng trong lần ghé thăm này, Chúa Giêsu đã đề cao hành động của Maria, vì cô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Chúa nói và để nói cho Chúa nghe. Đối với Chúa Giêsu, đó mới là việc cần thiết nhất.
Và đây chính là điều mà lời Chúa hôm nay muốn nhắn gởi đến chúng ta thưa anh chị em. Mỗi người hãy mời Chúa đến với gia đình mình. Mời Chúa đến không theo kiểu như thần tài thổ địa để khấn vái hay xin xỏ; nhưng mời Chúa đến là để lắng nghe Chúa nói và để nói cho Chúa nghe.
Mỗi người hãy lắng nghe Chúa nói với mình qua các giờ kinh gia đình, qua việc đọc và suy gẫm lời Chúa; lắng nghe Chúa nói qua tiếng lương tâm để làm lành lánh dữ… Mỗi người hãy nhớ lại xem, Chúa nói gì với mình, với gia đình mình qua câu lộc xuân lời Chúa mà chúng ta đón nhận vào dịp tết. Đã mời Chúa đến thì hãy lắng nghe Chúa nói, chứ đừng mời Chúa vào nhà mà coi Ngài như một người xa lạ.
Rồi khi mời Chúa vào nhà, anh chị em hãy nói cho Chúa nghe: Hãy nói cho Chúa nghe về cái lận đận lao đao của cuộc sống mưu sinh mà anh chị em đang gặp phải; hãy nói cho Chúa nghe về những trăn trở tiến thoái lưỡng nan của chuyện làm ăn buôn bán mà anh chị em đang đối diện; hãy kể cho Chúa nghe về những hiểu lầm, những mâu thuẫn, những lục đục trong tương quan vợ chồng; rồi cũng hãy kể cho Chúa nghe về những nỗi lo toan trong vai trò của một người làm cha làm mẹ trước những vấn đề của con cái…
Thường thì khi một biến cố buồn vui xảy đến với gia đình mình, chúng ta thường nói cho người này người kia nghe, mà lại quên nói cho Chúa nghe.“Hãy trút mọi gánh lo vào tay Chúa, rồi Người sẽ đỡ đần cho”thưa anh chị em.
Ước gì chúng ta coi Chúa là một thành viên chính thức trong gia đình mình, để rồi mọi chuyện vui buồn lớn nhỏ trong nhà chúng ta đều nói cho Chúa nghe, và chúng ta cũng biết lắng nghe Chúa nói với mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: LAO ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN
Có một thời người ta đã dựa vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm, như là phần tối hảo mà Maria đã khôn ngoan giành lấy cho mình. Còn đời sống bận rộn hoạt động của Martha là phần ít giá trị hơn. Thực ra Chúa Giêsu không thể bênh vực cho thứ chiêm niệm lười biếng cũng như thứ hành động không theo ý Chúa. Điều Ngài đòi hỏi là lắng nghe và thực thi lời Chúa.
Hình ảnh Martha bận rộn và Maria ngồi bên chân Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại bản thân của mình. Chúng ta có thể vì quá mải mê công việc làm ăn đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta phải lao động khổ sở như thế. Chúng ta có thể vì mải mê kiếm sống đến nỗi quên mất chính mục đích của cuộc sống. Chúng ta có thể lu bu đeo đuổi những cái mà đồng tiền có thể mua sắm được để rồi quên béng những gì mà đồng tiền không thể mua sắm được. Và chúng ta vô tình đã biến thành những Matta nhiệt tình thật đấy, nhưng lăng xăng lo lắng đủ chuyện, mà quên mất “một chuyện cần thiết nhất” đó là: lắng nghe Lời Chúa, tiếp chuyện với Ngài.
Chúng ta lo xây cất cho Chúa những ngôi thánh đường đồ sộ lộng lẫy, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta âm thầm tới ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Chúa nói với chúng ta Lời Chúa, Lời làm cho chúng ta được sống. Bởi vì “con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa nữa” (Mt 4,4). Thực tế cuộc sống của chúng ta rất bận rộn. Chúng ta không có thời giờ để ngồi dưới chân Chúa. Chúng ta muốn cầu nguyện nhiều hơn, dự lễ ngày thường nhiều hơn, đọc Kinh Thánh hay sách báo đạo đức nhiều hơn. Nhưng chúng ta không có thời giờ.
Quả thật, Chúa muốn chúng ta vừa là Martha, vừa là Maria: vừa lao động vừa cầu nguyện. Chúa không nói rằng khi chúng ta làm việc như Martha, chúng ta không thể cầu nguyện như Maria, hay ngược lại. Hai việc đều liên hệ với nhau. Chúng ta phải vừa là Martha vừa là Maria. Ngày nay, một người phụ nữ danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Martha thời đại: Mẹ Têrêsa thành Calcutta Ấn Độ. Mẹ đã hiểu và đã truyền lại cho con cái thiêng liêng của Mẹ tinh thần Tin Mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày, các nữ tu để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các “nhà hấp hối” để giúp những người sắp chết được an nghỉ trong Chúa.
Thánh lễ là lúc chúng ta trở thành những Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, chúng ta đừng tiếc thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, sợ thiệt thòi, mất mát, hay đến ở ngoài sân nhà thờ không chủ tâm dự lễ, không đón nhận Lời Chúa, Mình Thánh Chúa, không mời Chúa vào nhà. Chúng ta cũng đừng đến với Chúa ngày Chúa Nhật, chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ mắc tội. Hãy đến với Chúa như một người con, một người bạn, đến để tìm Chúa, gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, chỉ vì tình yêu mến Chúa mà thôi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con tham dự Thánh lễ là chúng con mời Chúa viếng thăm tâm hồn chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết quý trọng sự hiện diện của Chúa trong lòng chúng ta và biết tiếp chuyện với Chúa, để sự hiện diện của Chúa và Lời Chúa nuôi sống chúng con ngày hôm nay, ngày mai và cho đến cuộc sống muôn đời. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM 3: CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
Trong cuộc sống có nhiều cách chọn lựa, nhưng như thế nào là chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi, đó mới điều cho chúng ta suy nghĩ.
Phụng vụ hôm nay kể ra những nhân vật đã chọn phần tốt nhất cho cuộc đời của mình.
1/ Chọn làm môn đệ Chúa.
Matta thể hiện tình yêu mến qua việc mong muốn có bữa ăn ngon nhất cho Thầy Giêsu. Vì thế chị bận rộn với việc nấu nướng.
Maria thể hiện tình yêu mến, mà Tin mừng kể: “Ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Truyền thống Tin mừng Luca coi tư thế này là của người môn đệ. Cô Maria đã chăm chú nghe lời Chúa, Cô nhìn thẳng vào ánh mắt Chúa. Trái tim của Cô cảm nhận được những lời Chúa nói, những sứ điệp ẩn chứa trong ngôn từ, Cô cảm nhận được đây là lần cuối cùng Chúa Giêsu ghé thăm vì Ngài đang trên đường lên Giêrusalem. Còn gì cảm thông cho bằng khi tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu được tỏ lộ ra có người đó nhận một cách say sưa không để mất một lời nào. Trái lại trước đó khi những lời loan báo về cuộc khổ nạn, thì lại được nhóm mười hai để ngoài tai, vì họ đang bận tâm bàn tán với nhau, “Ai là người lớn hơn”. Đây chính là lý do tại sao Chúa Giêsu đã trả lời Cô Matta: “Mat-ta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Qua đây Ngài cũng gởi một thông điệp, Chúa Giêsu không cho việc nấu nướng của chị Mat-ta là không quan trọng, nhưng cho đó là chuyện không cần thiết cho bằng trở nên môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu đã từng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (Ga 4, 34)
2/ Chọn sứ vụ môn đệ
Bài đọc một kể về sứ vụ của thánh Phaolô. Trước khi trở lại, Phaolô coi việc bảo vệ lề luật Do Thái giáo là điều quan trọng hàng đầu. Ông nhiệt thành đả kích, bắt bớ, bỏ tù và đánh đập những ai bỏ lề luật Do thái mà giữ lề luật Chúa Giêsu. “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” Nhưng qua biến cố ở Đamát, Ông đã làm lại cuộc chọn lựa của mình, Ông xác tín : “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.” Nhờ sự chọn lựa này đã mang lại hiệu quả cho những người chọn Chúa Giêsu thêm xác tín: “"Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt", và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa”.
Chọn làm môn đệ, chọn sứ vụ môn đệ, là chọn lựa tốt nhất mà Chúa Giêsu mong muốn.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM 4: CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA Ở BÊTANIA
Hai chị em Mácta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tại làng Bêtania, nơi mà Chúa Giêsu đã quen biết hai chị em. Lúc Chúa tới nhà, Mácta lo lắng chuẩn bị bữa ăn trong lúc Maria ngồi yên bên Chúa để nghe lời Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu trước đề nghị của Mácta không có nghĩa là Ngài phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mácta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quý hơn là: lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quý, nhưng để hết tâm trí lắng nghe và thi hành Lời Chúa lại càng quý giá gấp bội.
Theo truyền thống của các giáo phụ, Mácta và Maria trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Mácta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Mácta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Mácta và chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác ái, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích, nếu không khởi đi từ tinh thần Tin mừng. Việc bác ái, tông đồ chỉ thực sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa (5 phút Lời Chúa).
Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài, nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Mácta nhưng Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.
Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) số 3, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa: “Xuyên suốt dòng lịch sử, Dân Chúa gặp thấy sức mạnh nơi Lời Chúa và ngày nay cũng vậy, Giáo hội tăng cường nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa”.
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của Lời Người. Mácta tất bật công việc phục vụ là tốt, nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất, là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa. Ngày nay, nhiều người chẳng đoái hoài, thậm chí còn thấy chán ngán với việc lắng nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa luôn thách thức và đòi hỏi con người thay đổi não trạng, hành vi của mình để sống đúng phẩm giá hơn. Ước gì chúng ta luôn có được niềm vui khi lắng nghe Lời Chúa, và có động lực để thực thi Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (Học viện Đa Minh).
Chắc hẳn Chúa Giêsu đã đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Mácta. Đó là biểu hiện lòng mến cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ của cô Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đặt Ngài vào chỗ nhất trong cuộc sống, chọn Ngài làm tất cả. Chúa Giêsu muốn lấy cử chỉ đó làm biểu tượng nói lên sự chọn lựa đúng đắn của con người. Đó là chọn Ngài làm cơ nghiệp, là đặt Ngài vào trọng tâm của cuộc sống.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Truyện: Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viện đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rẻ, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 5:
Câu chuyện
Lòng hiếu khách của gia chủ Việt Nam được thể hiện qua câu:
“Ai kêu cửa ngõ thì vô
Nước trà đang quạt, cá khô đang lùi”.
Khi nghe chuông, chủ nhà nhanh nhẹn mở cửa mời khách vào. Mời khách ngồi và rót nước mời, chủ nhà phải tỏ ra ưu ái đối với khách qua nét mặt vui tươi và cử chỉ:
“Ra đi chân bước nhẹ nhàng
Là người hiếu khách, rõ ràng yên vui”.
Mời cơm khách đến chia sẻ chung vui, người hiếu khách luôn lo lắng chuẩn bị làm bữa, dành của ngon đãi khách như tục ngữ có câu: “Khách đến nhà chẳng gà thì vịt”. Hay như câu ca dao diễn tả:
“Gỏi nào bằng gỏi cá kìm,
Dọn ra đãi bạn trọn niềm thủy chung”
Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những của ăn ngon nhất để đãi khách, cũng như trân trọng người khách qua việc chuẩn bị bữa ăn:
“Năm tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho đặng đãi người khách sang…”
Cá buôi dù đắt cũng mua cho được để đãi khách quý, hình ảnh nói về tấm lòng chủ với khách: Luôn dành cho khách những của ăn ngon nhất.
Suy niệm
Ngôi nhà bé nhỏ tại làng Bêtania, đón tiếp Chúa Giêsu ghé thăm, rộn rã tiếng cười nói, của chủ lẫn khách. Nhà Bêtania được hồng phúc Chúa cho người em út Ladarô phục sinh (x. Ga 11,1-44). Trong cuộc đón tiếp tại nhà Bêtania, Chúa Giêsu là khách quý, sự hiện diện của Ngài là tâm điểm cho mọi sự đón tiếp, Ngài cũng là hiện thân của tha nhân, Martha và Maria là mẫu gương của lòng hiếu khách đón tiếp.
Hai cách đón tiếp của Martha - người lo phục vụ bếp núc bữa ăn và Maria - người lo tiếp chuyện. Cả hai bổ túc cho việc đón tiếp tha nhân một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chú trọng và yêu mến hơn cách đón tiếp của Maria vì đó là lắng nghe Lời Chúa, cũng là biểu lộ của sự quan tâm chia sẻ với khách. Ngài không phê bình cách tiếp đón của Martha, nhưng khen cách làm của Maria vì Ngài muốn nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh và tinh thần, đó cũng là cách đón Chúa tốt nhất nơi tâm hồn của mỗi người. Ngài cũng đã nhấn mạnh đến sự cảm thông chia sẻ tâm linh trong quan hệ giữa người với người, vốn dĩ nhân loại đã bỏ quên, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất.
Tôi và bạn học nơi Maria và Martha: Đón Chúa đến viếng thăm nhà mình, chính Ngài cũng đồng hành với biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời. Chúng ta học nơi cách đón tiếp của hai chị em người làng Betania với tha nhân: Người phục vụ, người lắng nghe chia sẻ. Đặc biệt là tư thế đón tiếp của Maria làm cho khách vui lòng nhất, như tác giả sách Đắc nhân tâm viết: Là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy là tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ tâm tình, kiến thức, nhu cầu thiết thực của người, quý hơn cả cơm ăn, áo mặc.
Phải chăng, thế giới hôm nay nếu mặc lấy sự đón tiếp của tinh thần của hai chị em làng Bêtania, con người sẽ thoát được những nghịch lý của văn minh thời đại: Hiếu khách - cô đơn, tri thức cao - không biết đi về đâu... Thời gian vui được sống - thời gian khủng hoảng đau khổ.
Thật thế, với tinh thần của Bêtania, chúng ta mở rộng tâm hồn đón Chúa vào nhà - ngôi nhà tâm hồn mọi người, ngôi nhà gia đình và cả ngôi nhà chung của nhân loại. Có Ngài là có nguồn tình yêu, tâm hồn mở rộng đón anh em, không chỉ là văn minh, ngọt ngào, lịch sự mà bằng tình yêu chân thành phục vụ, lắng nghe chia sẻ. Thiết nghĩ sẽ bớt sợ cảnh cô đơn, khủng hoảng vì sự chia sẻ của chính Thiên Chúa đang hiện diện, của tha nhân mang tâm tình giống như Thiên Chúa.
Ước chi tâm hồn tôi, tâm hồn bạn sẽ là mái nhà Bêtania mới, rộn rã tiếng cười nói của lòng hiếu khách và niềm vui của khách viếng thăm.
Ý lực sống
Abraham như cây già đang dần khô héo, đón Chúa thăm viếng, được ra trái sum sê: từ nơi ông cả một hậu duệ đông đảo “như sao trên trời, như cát bãi biển”.
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 6: PHẦN TỐT NHẤT MARIA ĐÃ CHỌN
Đối với văn hóa Việt Nam luôn coi trọng vấn đề thiết đãi mỗi khi có khách đến chơi. Vì thế mới có câu: “Khách tới nhà không gà thì vịt”.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật cho chúng ta thấy một cuộc tiếp đãi thịnh tình đối với Đức Giêsu mà gia đình Martha đã thực hiện. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của hai chị em Martha và Maria.
Nếu Martha thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Đức Giêsu qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một lòng kính trọng và tình yêu mến Đức Giêsu như Martha, nhưng Maria thì thể hiện cách khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công việc đều phát xuất từ lòng mến và được khởi đi từ sự kính trọng. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay Đức Giêsu khen và nói với Maria rằng: cô đã chọn phần tốt nhất.
Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất, bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.
Trong cuốn Đắc Nhân Tâm, bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.
Thật thế, Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Đức Giêsu (x. Lc 10,42), nghe lời Ngài dạy (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc về Ngài (x. 1Cor 7,32). Cô đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống. Vì thế, có Đức Giêsu là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “... người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá" (Mt 7, 25). Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã có được đầy đủ các yếu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc hơn Martha.
Thật vậy, việc lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ cũng như đem ra thực hành là thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn, vì qua đó, Lời Chúa được bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống của người lắng nghe.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta: cần siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, Giáo xứ và bất cứ môi trường nào... Bởi vì: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”(thánh Giêrônimô), mà không biết gì về Ngài thì sao có thể định hướng đi cho cuộc đời của mình cách tốt đẹp? (x. Thư Chung 1980, số 8).
Ước gì Đức Giêsu khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta khi mỗi người thành tâm đi tìm kiếm, yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 7: LỰA VÀ CHỌN
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với cô Mácta: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Điều này làm cho tôi suy nghĩ về cách mình đã chọn con đường theo Đức Kitô.
Trong cuộc sống thường ngày, con người phải đưa ra những quyết định lựa và chọn. Theo Từ Điển Tiếng Việt: chọn có nghĩa là xem xét, so sánh để lấy cái hợp yêu cầu trong nhiều cái cùng loại; còn lựa là chọn những cái đáp ứng yêu cầu, hay chọn lối, hướng sao cho được kết quả tốt nhất. Cô Maria đã chọn phần tốt nhất nghĩa là cô đã lựa được cái ưng ý nhất, phù hợp nhất trong số những cái khác. Cái tốt nhất ở đây không phải do cái nhìn chủ quan của cô Maria mà là tốt nhất trong mắt Chúa Giêsu.
Lựa và chọn là hành động hoàn toàn tự do vì không ai ép được chúng ta làm bất cứ điều gì không muốn. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là ta sẽ lựa và chọn được điều tốt nhất cho mình. Trong thực tế, đôi khi ta lựa và chọn những gì không tốt cho ta hoặc ta dùng những lý lẽ ngụy biện để biện minh cho sự lựa và chọn của mình. Vì thế, điều ta cần làm không phải là lựa và chọn theo ý của riêng ta mà là lựa và chọn những gì tốt nhất trong con mắt của Chúa, vì chúng ta tin rằng Ngài luôn dành cho ta những điều tốt nhất. Như thế, để lựa và chọn được phần tốt nhất, ta cần lắng nghe ý Chúa trên cuộc đời ta.
Chọn và lựa luôn luôn khó! Vì con người khát vọng thì nhiều nhưng không phải bao giờ con người cũng lựa và chọn điều tốt nhất cho mình. Theo thói thường, tôi dễ chiều theo ý muốn của mình hơn là ý muốn của Thiên Chúa. Tôi thường theo sở thích của mình hơn là điều đẹp lòng Chúa. Như thế, tôi đã vô tình bỏ đi những điều mà đáng ra tôi phải chọn và lựa ngay từ đầu để không phải thốt lên giá như … sau này.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết lựa và chọn theo ý Chúa, vì chúng con tin rằng đó mới thật sự là phần tốt nhất cho cuộc đời của con. Amen.
Tu sĩ Gioan Lê Đình Thuần, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn