Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Lời Chúa: Lc 18, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Suy Niệm 1: Không được nản chí
Suy niệm:
Một trong những lý do khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện từ sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức quốc xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay, sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo đơn phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay lập tức.
Cuộc chiến với những bất công trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ trời,
để hoán cải lòng người từ bên trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động mạnh mẽ,
nhưng xin cho chúng con trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. Amen
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Công lý là của Thiên Chúa. Nhưng công lý cũng phải có góp phần của con người. Con người còn mang nặng thú tính. Nên dù có biết bao lý thuyết hay về phẩm giá con người. Những hứa hẹn tràn đầy ảo tưởng, không tưởng. Nhưng công lý vẫn là chiếc bánh vẽ. Lý thuyết thật hay. Nhưng con người không thể thực hiện. Vì thú tính còn nhiều. Tuy vậy cũng có những tiến bộ khi người dân ý thức và đòi hỏi. Giống như bà goá kia. Cứ kiên trì đấu tranh bằng phương pháp nhẹ nhàng. Rồi cũng có kết quả. Hãy tin tưởng. Thiên Chúa còn công minh hơn ông quan toà bất lương kia. Và Thiên Chúa thực sự yêu thương con người. Vì thế hãy cầu nguyện. Rồi Thiên Chúa sẽ ra tay. Trong thế kỷ hai mươi có hai lý thuyết lớn sụp đổ. Chúa đã ra tay. Vì chẳng ai làm gì được. Nhưng cũng để con người ý thức về sự xấu xa giả dối của chúng. Mà tha thiết muốn thoát khỏi. Chúa cần sự cộng tác của con người. Cầu nguyện phải có hành động.
Dân Do thái đã có kinh nghiệm đó trong quá khứ. Khi bị nô lệ bên Ai-cập họ đã kêu cầu lên Chúa. Chúa đã nghe tiếng dân ai oán kêu lên thấu đến trời. Và đã giải thoát họ. “Người ta thấy mây che phủ doanh trại; nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên, một lối đi thênh thang lộ ra từ Biển Đỏ…Có tay Ngài che chở, toàn dân đã đi qua và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ”. Chúa đã ra tay làm những điềm thiêng dấu lạ. Nhưng dân phải cộng tác. Bằng tha thiết cầu nguyện. Và bằng quyết tâm ra đi (năm lẻ).
Như phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chính Chúa hành động. Nhưng con người phải góp phần nhỏ bé của mình. Phải có năm chiếc bánh và hai con cá. Thiên Chúa sẽ ban công lý cho thế giới. Nhưng con người phải góp phần. Đó là điều thư 3 Gio-an khích lệ Gai-ô. Khi ông đón tiếp và giúp đỡ những người đi loan truyền sự thật của Chúa. Chính những người này làm chứng cho sự thật. Khi họ không nhận trợ giúp của những người còn sai lạc chưa biết sự thật. Vì thế cần phải có sự đóng góp của người của Chúa. Để sự thật được loan truyền mau chóng và rộng rãi. (năm chẵn).
Lạy Chúa, xin ngự đến. Và đem lại công lý cho thế giới. Và ban cho con sức mạnh. Để con kiên trì cầu nguyện. Và tích cực hoạt động cho công lý hiển trị.
Suy Niệm 3: Tín thác vào Thiên Chúa
Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có một tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Ơn huệ Chúa ban
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện.
Trong một lớp học nọ, một học sinh trung học không bao giờ để cho cô giáo của cậu được yên, lúc nào cậu cũng tìm cách quấy phá cho cô tức giận. Một buổi sáng nọ, trước giờ lớp cô giáo đang ngồi loay hoay viết thì cậu học sinh xuất hiện. Không một chút kính nể, cậu hỏi cô:
- Cô đang làm gì đó?
Cô giáo trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện với Chúa.
Liếc mắt thấy những dòng chữ bằng tốc ký, cậu học sinh tấn công:
- Chúa mà cũng biết đọc được tốc ký à?
Cô giáo vừa xếp tờ giấy cho vào cuốn Kinh Thánh vừa trả lời:
- Chúa có thể làm được mọi sự, ngay cả nhậm lời cầu xin của tôi.
Thừa lúc cô giáo chuẩn bị để bắt đầu lớp học, cậu học trò lanh tay rút tờ giấy từ quyển Kinh Thánh và cho vào cuốn sách của mình.
Hai mươi năm sau, người học trò ngổ ngáo ngày xưa nay đã là giám đốc của một công ty. Một hôm, anh tình cờ xem lại cuốn sách của thời trung học, mẫu giấy của cô giáo mà anh đã đánh cắp và cho vào cuốn sách của mình giờ đây đã nhạt màu, anh cho mẩu giấy vào trong ví của mình. Trở lại văn phòng, anh xin cô thư ký đọc giùm mẩu giấy được viết bằng tốc ký, mẩu giấy có chứa đựng một lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, với sự chọc phá của Bill, chắc con không thể nào tiếp tục dạy ở lớp này nữa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn em, em có thể là một người rất tốt mà cũng có thể là một người rất xấu".
Vài tuần lễ sau đó, Bill truy tìm chỗ ở của cô giáo ngày xưa, anh cám ơn cô vì đã cầu nguyện cho anh. Lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm lời ngoài sự mong đợi của cô: "Hãy xin thì sẽ được. Khi các con cầu nguyện và xin bất cứ điều gì, hãy tin rằng mình sẽ nhận được thì các con sẽ được ban cho điều các con cầu xin".
Với tất cả những ai tin tưởng cầu xin, lời hứa của Chúa Giêsu luôn được thực hiện. Triết gia Pascal của Pháp đã nói: "Lời cầu nguyện là một trong những cách thế mà Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài cho chúng ta, cũng như Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người biết suy tư. Cũng thế Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người cầu nguyện. Không phải tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình để tạo ảnh hưởng trên người khác, nhưng ai cũng có thể tạo ảnh hưởng trên người khác bằng lời cầu nguyện của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải như những kẻ bàng quan trước quyền năng sáng tạo của Ngài, mà như những kẻ chia sẻ quyền năng của Ngài. Ðây chính là ý nghĩa của kiểu nói "được tạo thành giống như hình ảnh của Thiên Chúa". Bác sĩ Alexis Carell, người đã từng được trao giải thưởng Nobel y khoa hồi năm 1912 đã tóm tắt về sức mạnh của sự cầu nguyện như sau: "Cầu nguyện là một năng lực mãnh liệt nhất mà con người có thể làm phát sinh được". Ảnh hưởng của lời cầu nguyện trên tâm trí và thân xác con người là điều có thể chứng minh được qua các hạch nội tiết trong cơ thể.
Cầu nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của trái đất, đó là sức mạnh mà Chúa Giêsu nói đến qua hình ảnh của người đàn bà góa kiên trì trong Tin Mừng hôm nay. Ông quan tòa đứng ra xử án không phải vì lòng công bình hay vì lòng tốt mà chỉ vì không chịu đựng nổi sự quấy rầy của bà góa. Thiên Chúa nhậm lời con người không phải vì sợ con người quấy rầy mà chỉ vì lòng tốt đối với con người mà thôi. Nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện là tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa vậy. Kiên trì trong lời cầu nguyện cũng là ân huệ của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được kiên trì trong sự cầu nguyện và cảm nhận được những điều chúng ta cầu xin.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Bà góa quấy rầy quan tòa
Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (Lc. 18, 1)
Ngày Con Người trở lại cần chờ đợi, cần sẵn sàng. Trong thời gian đó, môn đệ phải đương đầu với thế gian thù ghét, lòng tin và lòng trông cậy liều mình suy sụp. Vậy để kiên trì cho đến cùng, Đức Giêsu khuyên các ông cầu nguyện không ngừng, không mệt mỏi.
Với kẻ bất lương: phải quấy rầy.
Những quan tòa bất lương và tham tiền, họ không kính sợ Thiên Chúa, chẳng nể người ta. Có đầy rẫy trong Kinh thánh, nhất là đối với các bà góa và cô nhi càng bị họ bỏ rơi và cũng chẳng có thể được luật nào bảo vệ, Đức Giêsu đưa ra một trường hợp cổ điển về một quan tòa gian ác từ chối trả lại công lý cho một bà góa. Chắc bà có một số tài sản, còn quan tòa không muốn xử vì không nhận được quà cáp, rượu chè theo thường lệ, người ta thấy bà góa chắc được kiện, nên bà đến kêu quan tòa mọi ngày để gián đoạn những vụ xử khác ở pháp đình, bà khăng khăng kêu nài công lý xử cho bằng được. Sau cùng, quan tòa thấy bà bướng bỉnh cố chấp, để yên chuyện và khỏi bị quấy rầy, quan phải trả lại công lý cho bà.
Với Thiên Chúa: phải cầu nguyện không ngừng.
Ở đây, Đức Giêsu muốn, không chỉ nêu gương cần thiết phải kiên trì cầu nguyện, mà còn cho thấy cuối cùng lời cầu nguyện chắc chắn sẽ được nhận lời. Nếu quan tòa chẳng sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì và chỉ vì lý do ích kỷ bị quấy rầy, còn lo xử cho bà góa, thì Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, lại không rung cảm trước những tiếng kêu thống thiết của những kẻ Ngài đã tuyển chọn sao! Vậy phải liên tục cầu nguyện ngày đêm không dứt, vì lời cầu nguyện kiên trì của kẻ được tuyển chọn, của chi thể Hội thánh, luôn luôn được thương xót. “Chính Ngài sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Ngài đã chọn”, nên sẽ rút ngắn những ngày khốn khó cho họ.
Nếu Thiên Chúa hình như để kẻ được tuyển chọn phải chờ đợi, chính là để thử thách đức tin và sự kiên trì của họ trước những xô đẩy bỏ đạo xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Thiên Chúa luôn trung tín, nhưng con người dù gặp thử thách còn vững tin cho đến cùng không? Đó là sự thách đố mà Đức Giêsu tung ra cho các môn đệ để nhắc nhở các ông về sự nguy hiểm, đồng thời kích thích các ông phải quyết tâm giữ vững đức tin cho đến cùng.
RC
Suy Niệm 6: CẦU NGUYỆN LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI KITÔ (Lc 18, 1-8)
Xem lại CN 29 TN C
Cầu nguyện là điều cần thiết trong cuộc sống. Không cầu nguyện, chúng ta không thể có sự sống thần linh trong tâm hồn. Cầu nguyện được ví như cá cần nước, con người cần hơi thở, như cành cần nhựa sống từ thân cây... Tuy nhiên, điều ta cầu xin đôi khi cũng phải xem lại vì có những lời cầu xin của chúng ta không đẹp lòng Chúa. Hoặc cũng có đôi khi Chúa muốn kéo dài thời gian để tăng thêm niềm trông cậy của chúng ta...
Lời Chúa hôm nay đề cao sự kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh bà góa nghèo toát lên thái độ đó khi bà xin ông thẩm phán xử oan cho bà. Mặc cho ông thẩm phán có lạnh nhạt, bất công và không sợ gì ai hết, nhưng cuối cùng, ông ta sợ sự kiên trì của bà góa...
Thái độ này cho chúng ta thấy kết quả của niềm tin và phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ qua lời con cái nài xin. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không kiên trì đủ hay cũng có khi lời cầu nguyện của chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế Ngài không ban cho đúng ý ta xin hoặc Ngài ban những ơn khác tốt đẹp hơn, và đôi khi Ngài muốn kéo dài thời gian để củng cố sự kiên trì của chúng ta, bởi vì: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”; “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu”.
Trong thực tế, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa dường như không màng chi đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa tâm tưởng của con người. Sự khôn ngoan của Ngài vượt trội suy đoán và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tư tưởng của Ngài thì toàn diện, nên không bị giới hạn vào không gian hay thời gian... Nhưng chung quy lại thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách đặc biệt bằng một thứ tình yêu cao cả. Phần còn lại của chúng ta là kiên trì, trung thành, khiêm tốn để để đón nhận ơn lành của Ngài trong lòng mến cũng như biến cải đời sống hằng ngày cho tốt hơn mà thôi.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Người luôn trung thành với lời đã hứa và luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin tưởng vững chắc. Xin lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c. 1).
Hiểu dụ ngôn của Đức Giê-su với hai nhân vật chính bà góa và ông quan tòa, trong tương quan với việc cầu nguyện kiên trì, phải làm cho cho chúng ta ngạc nhiên.
1. Bà góa bị ăn hiếp
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa bị ăn hiếp. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa! Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quyên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!
Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu khác hay khó khăn khác.
Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông:“Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.(c. 3)
Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng trách phạt.
Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được minh xét, để được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỷ và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.
2. Ông quan tòa bất chính
Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất chính:
Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (c. 2)
Nhất là thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su (c. 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!
Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?(c. 6-7)
Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:
Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.
3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh
Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói:
Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô. (Rm 8, 39)
Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.
* * *
Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng:
Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?(c. 8)
Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai? Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Thánh về Đức Tin và Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để cho Chúa và Lòng Thương Xót của Người đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn, và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.
Bởi vì lòng tin nơi lòng thương xót của Chúa có sức mạnh cứu độ, như chính Đức Giê-su đã nói:
Lòng tin của con đã cứu con. (Lc 7, 50)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Saturday (November 14): “Always pray and do not lose heart”
Scripture: Luke 18:1-8 1 And he told them a parable, to the effect that they ought always to pray and not lose heart. 2 He said, “In a certain city there was a judge who neither feared God nor regarded man; 3 and there was a widow in that city who kept coming to him and saying, `Vindicate me against my adversary.’ 4 For a while he refused; but afterward he said to himself, `Though I neither fear God nor regard man, 5 yet because this widow bothers me, I will vindicate her, or she will wear me out by her continual coming.'” 6 And the Lord said, “Hear what the unrighteous judge says. 7 And will not God vindicate his elect, who cry to him day and night? Will he delay long over them? 8 I tell you, he will vindicate them speedily. Nevertheless, when the Son of man comes, will he find faith on earth?” |
Thứ Bảy 14-11 Hãy cầu nguyện luôn và đừng nản lòng
Lc 18,1-8 1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? “ |
Meditation:
What can a shameless and unjust judge pitted against a crusty and pestering woman teach us about justice and vindication in the kingdom of God? Jesus tells a story that is all too true – a defenseless widow is taken advantaged of and refused her rights. Through sheer persistence she wears down an unscrupulous judge until he gives her justice. Persistence pays off, and that’s especially true for those who trust in God. Jesus illustrates how God as our Judge and Vindicator is much quicker to come to our defense and to bring us his justice, blessing, and help when we need it. But we can easily lose heart and forget to ask our heavenly Father for his grace and help. Faith-filled persistence reaps the fruit of justice and grace Jesus told the parable of the persistent widow and the unjust judge (Luke 18:1-8) to give his disciples fresh hope and confidence in God’s unfailing care and favor towards us (grace). In this present life we can expect trials and adversity, but we are not without hope in God. The Day of the Last Judgment will reveal that God’s justice triumphs over all the injustices perpetrated by a fallen world of sinful people and that God’s love is stronger than death (Song of Songs 8:6). Those who put their faith in God and entrust their lives to him can look forward with hope and confident assurance. They will receive their reward – if not fully in this present life then surely and completely in the age to come in God’s kingdom of righteousness, peace, and joy (Romans 14:17). Jesus ends his parable with a probing question for us. Will you and I have faith – the kind of faith that doesn’t give up or lose hope in God – but perseveres to the end of our lives – and to the end of this present age when the Lord Jesus will return in glory as Ruler and Judge of All? Faith is an entirely free gift that God makes to us. We could not believe, trust, and persevere with hope if God did not first draw us to himself and reveal to us his merciful love and care. If we want to grow and persevere in faith until the end of our days, then we must nourish our faith with the word of God and ask the Lord to increase it (Luke 17:5). When trials and setbacks disappoint you, where do you place your hope and confidence? Do you pray with expectant faith and confident hope in God’s merciful care and provision for you?
“Lord Jesus, increase my faith and make it strong that I may never doubt your word and promise to be with me always. In every situation I face – whether trials, setbacks, or loss – may I always find strength in your unfailing love and find joy and contentment in having you alone as the treasure of my heart.” |
Suy niệm:
Vị quan tòa trơ trẽn và bất công đương đầu với người đàn bà quấy rối và lẩm bẩm dạy chúng ta điều gì về công lý và sự bênh vực trong vương quốc của Chúa? Đức Giêsu kể một câu chuyện rất thật – một bà góa không nơi nương tựa bị đối xử bất công và bị từ chối những quyền lợi của bà. Nhờ tính kiên nhẫn mạnh mẽ, bà đã khuất phục được vị quan tòa vô lương tâm cho tới khi ông ta chịu xét xử cho bà. Tính kiên nhẫn đã chiến thắng, đó là chân lý đặc biệt dành cho những ai tin cậy vào Chúa. Đức Giêsu minh họa cách thức Thiên Chúa như vị Thẩm phán sẽ nhanh chóng đến để đem lại công lý, phúc lành, và trợ giúp khi chúng ta cần đến. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng ngã lòng và không khẩn cầu Cha trên trời ban cho mình ơn sủng và sự trợ lực. Sự bền đỗ trong đức tin sẽ gặt được hoa trái của công chính và ơn sủng Đức Giêsu kể dụ ngôn người góa phụ kiên vững và người quan án bất chính (Lc 18,1-8) để đem lại niềm hy vọng và tin tưởng mới mẻ vào sự quan tâm và yêu mến liên lỉ đối với chúng ta (ơn sủng) cho các môn đệ. Trong cuộc sống hiện tại này, chúng ta sẽ gặp những thử thách và nghịch cảnh, nhưng chúng ta không thể mất niềm hy vọng vào Chúa. Cuộc phán xét cuối cùng sẽ cho biết rằng công lý của Chúa chiến thắng trên tất cả những sự bất công mà thế giới của người tội lỗi sa ngã đã gây ra, và tình yêu của Chúa mạnh hơn sự chết (Dc 8,6). Những ai đặt niềm tin tưởng nơi Chúa và phó thác cuộc đời mình cho Người có thể trông đợi với lòng hy vọng và sự quả quyết chắc chắn. Họ sẽ nhận được phần thưởng của mình – nếu không trọn vẹn ở đời này thì chắc chắn và hoàn thành ở đời sau trong vương quốc công chính, bình an, và vui mừng của Thiên Chúa (Rm 14,17). Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn với một câu hỏi thăm dò chúng ta. Liệu bạn và tôi có niềm tin – loại niềm tin không bỏ cuộc hay đánh mất hy vọng – nhưng kiên vững đến phút cuối của cuộc đời – và đến ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang là Đấng thống trị và Xét xử mọi người không? Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. Chúng ta không thể tin tưởng, trông cậy, và kiên vững với hy vọng nếu Thiên Chúa không lôi kéo chúng ta đến với Người trước và mặc khải cho chúng ta tình yêu thương xót và sự quan tâm của Người. Nếu chúng ta muốn lớn lên và kiên vững trong niềm tin cho đến phút cuối cùng, thì chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin của mình với lời Chúa, và cầu xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta (Lc 17,5). Khi các thử thách và thất bại làm bạn nản lòng, bạn đặt niềm hy vọng và tin tưởng của mình vào đâu? Bạn có cầu nguyện với đức tin và lòng trông cậy kiên vững vào sự quan phòng săn sóc đầy thương xót của Chúa dành cho bạn không? Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban thêm niềm tin cho con và làm cho nó mạnh mẽ, để con không bao giờ nghi ngờ những lời hứa của Người. Trong mọi tình huống con đối diện dù những thử thách, thất bại hay mất mát, xin Chúa giúp con tin tưởng vào tình yêu vững bền của Chúa, và tìm thấy niềm vui và mãn nguyện chỉ nơi Chúa là kho báu của lòng con mà thôi. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn