THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mc 8,1-10
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Chúa Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2 ”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!
3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến”. 4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?”
5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc”. 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra.
Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. 8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!
9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Chúa Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.
SUY NIỆM: BẢY TẤM BÁNH TÌNH YÊU
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Theo trình thuật của Thánh Maccô, thì đây là lần thứ 2 Chúa Giêsu làm điều ấy: Lần thứ nhất, Chúa Giêsu làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, để 5.000 người được ăn no nê; còn lần này, thì từ 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ với con số là 4.000 người.
Tất nhiên, sứ điệp chính của đoạn Tin mừng này là nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Thế nhưng, tình yêu ấy hôm nay được Thánh Maccô nhấn mạnh qua 2 điểm hết sức đặc biệt:
Thứ nhất, tình yêu của Thiên chúa là 1 tình yêu rất thực tế. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người không chỉ nằm nơi đầu môi chóp lưỡi. Tình yếu ấy cũng không chỉ lẩn quẩn trong trái tim của Ngài mà thôi. Tin mừng nói rõ, Ngài không chỉ chạnh lòng thương nhưng đã hành động, đã làm phép lạ.
Thật vậy, tình yêu mà không có hành động chỉ là 1 tình yêu khô cứng thưa anh chị em. Cho nên khi nói đến mến Chúa và yêu người, thì ta phải nghĩ ngay đến việc tôi phải làm gì để minh chứng cho điều ấy. Cha mẹ, vợ chồng, con cái và anh chị em ruột thịt, là những người tôi thương mến; vậy tôi đã làm gì để chứng mình là tôi yêu thương họ? Và tôi đã làm gì để chứng tỏ tôi yêu giáo xứ của tôi, yêu Giáo Hội và đồng loại của mình?
Tình yêu mà chúng ta dành cho nhau cần những cái thực tế như vậy đó thưa anh chị em. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại điều ấy, và mỗi người hãy tự trả lời cho chính mình.
Thứ hai, tình yêu của Thiên Chúa là 1 tình yêu vô cùng quảng đại với hết mọi người. Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều không chỉ để cho các tông đồ hay cho những người Ngài thương mến, nhưng là cho tất cả mọi người. Ngài không phân biệt trong đám đông năm ấy ai giàu ai nghèo. Ngài cũng không quan tâm là những ai theo Ngài vì lòng yêu mến, và những ai theo Ngài chỉ để bắt bẻ Ngài. Tình yêu quảng đại là tình yêu không phân biệt, không điều kiện.
Và chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu kitô giáo 1 cách quảng đại như thế với hết mọi người: không phân biệt lương hay giáo, lạ hay quen, giàu hay nghèo, thù hay bạn…
Tóm lại, lời Chúa hôm nay chỉ muốn nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa luôn yêu thương con người bằng 1 tình yêu thiết thực và quảng đại. Và chúng ta được được mời gọi hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: LỜI TỪ MIỆNG THIÊN CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 5 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng ta.
Xin Chúa hằng che chở chúng ta, để chúng ta luôn sống theo Thần Khí, như trong bài đọc I của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Hoa trái của Thần Khí: Cuộc sống và hoạt động của người Kitô hữu không phải do nỗ lực riêng, cho bằng, nhờ Thần Khí hoạt động nơi họ. Càng sống theo Thần Khí, càng để cho Thần Khí hướng dẫn, người Kitô hữu càng nhận được ân sủng, nhờ đó, có được một thứ bản năng mới, giúp mình tránh được những việc do tính xác thịt gây ra, mà gặt được hoa trái của Thần Khí. Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.
Xin Chúa hằng che chở chúng ta, để chúng ta ta luôn sống theo luật bác ái, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Chân Phước Ixaác, Viện Phụ Đan Viện Sao Mai nói về tính ưu việt của đức ái… Đây là lời loan báo anh em đã nghe từ lúc khởi đầu, tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này: Chúng ta hãy yêu thương nhau.
Xin Chúa hằng che chở chúng ta, để chúng ta luôn sống trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Êđen, để cày cấy đất đai. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 89, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật: Đám đông đã ăn và được no nê. Nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra, mà con người được tạo dựng, được tồn tại và được sống muôn đời. Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra là Thần Khí, là lời tình yêu, là lương thực nuôi sống con người. Con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu, vì thế, muốn sống, con người phải yêu, như chính Đấng đã yêu và cứu độ mình.
Đức Kitô là Đấng đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta nhờ cuộc Thương Khó, và gánh chịu những đau khổ của chúng ta nhờ sự cảm thông, bởi vì, Người yêu những kẻ Người chịu đựng, và chịu đựng những kẻ Người yêu. Nếu chúng ta tấn công người anh chị em đang gặp khó khăn, âm mưu chống lại người anh chị em đang yếu đuối về bất cứ mặt nào, thì hẳn là, chúng ta đang tuân phục luật của Xatan, của xác thịt và đang chu toàn luật đó. Vì thế, chúng ta hãy cảm thông với nhau, yêu thương nhau như anh chị em, chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau. Đức ái chính là tiêu chuẩn quy định tất cả: cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì được thay đổi, cái gì không được thay đổi. Chính đức ái là nguyên lý và là cùng đích: tất cả đều phải quy về đó. Không có gì là tội lỗi, khi chúng ta vì đức ái và theo tinh thần đức ái mà hành động một cách chân thành. Thiên Chúa luôn khấng ban đức ái cho chúng ta, vì không có đức ái, chúng ta không thể đẹp lòng Người, và không có Người, chúng ta chẳng làm gì được. Chúng ta là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, ước gì chúng ta luôn biết cầu xin Chúa che chở chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM:
1. Bánh Lời Chúa
Trước hết, chúng ta được mời gọi hình dung “một đám rất đông”, khoảng bốn ngàn người! (c. 9) Hình ảnh nói lên cả loài người chúng ta. Và họ đã ở với Đức Giê-su đến ba ngày mà không có gì ăn! Như thế, Lời Chúa đã làm cho con người no thỏa đến quên ăn, và chắc chắn quên cả mệt mỏi nữa. Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này của đám đông, khi lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Đó cũng chính là kinh nghiệm của cô Maria, lúc cô ngồi bên chân Đức Giê-su say mê nghe lời Người, đến độ quên hết mọi sự! (x. Lc 10, 38-42)
Vậy tại sao Lời Chúa làm cho chúng ta say mê đến như vậy? Đó là bởi vì con người được tạo dựng bởi Lời Chúa (x. St 1) và vì thế, được Lời Chúa cuốn hút và ước ao Lời Thiên Chúa biết bao, dù ý thức hay không ý thức. Thật vậy, con người, tự bản chất, sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa. Con người không thể sống mà không có « lời » của nhau và Lời Thiên Chúa làm cho lời con người trở thành lời “ban” sự sống, giống như Lời Chúa là Lời ban sự sống. Xin cho chúng ta kinh nghiệm, nơi bản thân mình, Lời Chúa là “lương thực” không thể thiếu của sự sống hằng ngày và nhất là của hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi độc thân, ơn gọi gia đình và nhất là ơn gọi sống đời thánh hiến.
« Ở đây, trong nơi hoang vắng này ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » cùng với cơn đói gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được cần ăn và được ăn, nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là Bánh ban sự sống đời đời ? Điều này giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 15). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống, Người là ánh sáng và là sự sống, Người đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và cả trong bóng tối chết người nữa, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !
Vì thế, khi nghe Đức Giê-su nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông” (c. 2) và khi chiêm ngắm cách Người nuôi dưỡng đám đông một cách trọn vẹn và dư tràn, chúng ta được mời gọi hướng tới niềm hi vọng Bánh Hằng Sống, là chính Người.
2. “Ngu muội”
Khi Đức Giê-su muốn nuôi dưỡng đám đông lần thứ hai, các môn đệ nêu ra trở ngại:
Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? (c. 4)
Như thế, các môn đệ vẫn gặp khó khăn như lần thứ nhất: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6, 37), và khó khăn ngay sau lần thứ nhất: “Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội”(6, 52).
Và sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai, khó khăn về vấn đề lương thực nơi các môn đệ sẽ vẫn còn nguyên. Thật vậy, khi Đức Giê-su căn dặn phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê, các ông lại nghĩ ngay đến chuyện mình quên đem theo bánh! Vì thế, Người chất vấn: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!” (8, 17)
Có lẽ chúng ta cũng vậy, kinh nghiệm đích thân “biết bao điều cao cả” Chúa làm để “nuôi sống” chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cứ “ngu muội”. Vì thế, Người đã, đang và sẽ phải kiên nhẫn với loài người và với từng người chúng ta biết bao.
3. Bảy chiếc bánh
Chính Đức Giê-su sẽ nuôi dưỡng đám đông, nhưng Người muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Vì thế, Đức Giêsu hỏi về những gì các môn đệ đang có:
Anh em có mấy chiếc bánh? (c. 5)
Chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa tất cả, tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. “Bảy chiếc bánh” diễn tả con người thật của chúng ta, rất giới hạn, rất nghèo nàn và rất nhỏ nhoi. Nhưng nếu chúng ta quảng đại trao vào tay Chúa, thì trở thành điều kì diệu một cách nhiệm mầu. Thật vậy, “bảy chiếc bánh”, khi được trao vào tay Chúa, trở thành “bảy giỏ bánh” (c. 9), sau khi đã làm cho bốn ngàn người thỏa thuê!
Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « bảy cái bánh », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích bí tích Thánh Thể : « bảy chiếc bánh », là chính con người chúng ta, đã trở thành của Chúa và chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa màu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ, trao ban chính Chúa cho nhiều người. Và « Bánh Giê-su » sẽ vừa làm mọi người no thỏa và vừa vẫn còn dư tràn, dư tràn vô hạn.
Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ Ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.
Xin cho chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, mỗi khi chúng ta dùng “Bánh” Chúa ban, bánh hằng ngày và Bánh Thánh Thể, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:
Người ban bánh cho mọi chúng sinh. Muôn ngàn đời tình thương của Chúa. (Tv 136, 25)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Hôm nay, khi đến với dân chúng, Chúa Giêsu thực hiện hai công việc của Đấng Cứu Thế, đó là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Và đây là lần thứ hai Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng vì lòng cảm thông và mời gọi chúng ta cũng noi gương Người san sẻ cho nhau.
- Biết cảm thương như Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người).
Tuy nhiên, Chúa không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá).
Từ đó, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta:
- Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Rồi đi đến hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân: Chúng ta dừng lại ở các động từ “tạ ơn”, “bẻ ra” và “trao”.:
- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.
- Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.
- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.
- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.
- Chính anh em hãy cho họ ăn.
Chúa chỉ đích danh từng người chúng ta, CHÍNH ANH, CHÍNH CHỊ, CHÍNH CON chứ không phải ông này bà kia cho họ ăn.
Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.
- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.
Lưu ý, CHO chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra, đuổi khéo họ về cho họ vào làng mạc xung quanh để kiếm ăn).
Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại.
Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó…
Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy…
Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…
Tóm lại:
Qua bài TM hôm nay, Chúa không những muốn ta có lòng cảm thương, mà còn cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng ta, cách riêng nơi chúng ta đang sống.
Cúi lạy Chúa, xin mở rộng tay con
Đang nắm lại giữ khư tất cả
Trước nhà con bao người nghèo đói lả
Xin dạy con biết san sẻ vui lòng (CGKPV).
Amen
Hiền Lâm.
SUY NIỆM: HỌ VẪN CÒN ĐÓI…..
Mỗi năm, vào dịp trước Noel, Nhà Nước thường mời chúng tôi, các linh mục trong Giáo Hạt, tập trung về Huyện để Nhà Nước chúc mừng lễ Giáng Sinh. Trước khi chúc mừng, luôn luôn có một bài tham luận khá dài của UBND Huyện đúc kết tất cả thành quả về kinh tế, chính trị, an ninh…trong suốt năm cũ do chính Chủ Tịch UBND Huyện lên đọc. Có một cụm từ luôn làm tôi phấn khởi mỗi khi nghe nó:” Năm nay, Huyện ta đã hoàn thành tốt chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương…”. Hóa ra Huyện tôi năm nay chẳng còn ai nghèo nữa và dĩ nhiên “chẳng một ai phải đói bao giờ”. Nếu CGS có sinh lầm vào thế kỷ của tôi, chắc chắn Ngài sẽ bị “ê sắc ế ”, không có cơ hội làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi nhân loại như trong bài Phúc Âm hôm nay.
Có đúng là con người thời nay không còn đói không?! Có đúng là con người ngày nay hết nghèo rồi không?!
Nếu hiểu đây là cái đói thể xác thì quả là rất hiếm khi chúng ta gặp thấy ai đó bị đói. Đói làm sao được khi chỉ cần có 2.000 $ là ta đã có một tô mì tôm thập cẩm Miliket, một gói mì gấu đỏ chua cay bốc khói thơm lừng hay cao cấp hơn một tô Omachi hấp dẫn?!!!Hơn thế nữa, khi nhìn thấy một người đang chết vì đói, chắc chắn chúng ta không thể làm ngơ, dể cho họ chết một cách đau thương như vậy.
Tuy nhiên, con người ngày nay vẫn còn đang bị đói, những cơn đói thiêng liêng, những cái đói tinh thần.
Họ vẫn còn đang bị đói đức tin khi vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa hay không có cơ hội để đến với Chúa. Những người này sống mà như không sống : họ không biết mình sinh ra ở đời để làm gì, chết rồi sẽ đi đâu…nói tóm, họ chỉ biết sống cho qua ngày, không lý tưởng, không mục đích, có Thiên Chúa hay không, không can hệ gì tới họ.
Họ vẫn còn đang bị đói nhân phẩm khi vẫn còn có rất nhiều người, đặc biệt những người sống nơi vùng sâu vùng xa, thiếu thốn mọi nhu cầu tối thiểu về tinh thần cũng như thể xác để sống cho ra người. Nhu cầu tâm linh là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người, thế nhưng nhiều khi bị hạn chế, bị cấm cách. Hơn ai hết, người viết bài này đang cảm nghiệm bản thân về vấn đề này khi mà hàng tuần vẫn phải đi “làm lễ chui” cho giáo dân của mình.
Họ vẫn còn đang bị đói văn hóa khi vẫn còn có rất nhiều em học sinh phải nghỉ học “ngang xương” vì cha mẹ không có tiền đóng học phí cho con, hoặc vì nhà quá nghèo nên phải nghỉ học để phụ giúp gia đình...Họ vẫn còn bị đói chữ khi mà nửa lớp giáo lý hôn nhân không biết chữ hoặc 4/5 lớp giáo lý Tân Tòng đánh vần không xong chữ “dờ ô dô tờ dốt sắc dốt”. Đọc mà không xong thì hỏi rằng học thế nào được?!!!
Và còn rất nhiều cái đói khác như đói tình thân, đói giáo dục…..
Những cơn đói thể xác có thể làm cho con người quay quắt, bần thần và không làm được việc gì cho ra hồn. Nhưng tệ hơn, những cái đói tinh thần còn làm cho suy sụp cả một đất nước , một thế hệ những con người và cả một đời người. Hôm nay, trong bài Phúc Âm, CGS đã nói với các Tông Đồ :” Chính các con hãy cho họ ăn đi”, cũng là nói với chính chúng ta, các Tông Đồ thời đại mới. Hơn thế nữa, trong bức thư mục vụ của hai Đức Giám Mục và Linh Mục Đoàn Giáo Phận trong dịp tĩnh tâm linh mục vừa qua, khi trình bày đề mục Giáo Hội Sứ Vụ, các ngài đã kêu mời chúng ta hãy thi hành sứ vụ của Đức Kito vì đó cũng là sứ vụ của Giáo Hội và của mọi Kito hữu: “ Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ chính yếu của Chúa Kito; đối tượng ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là những người nghèo khổ. Như thế, sứ vụ căn bản của Giáo Hội cũng là rao giảng Tin Mừng, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Kito; đối tượng ưu tiên của sứ vụ Giáo Hội là người nghèo khó dưới mọi danh nghĩa, chẳng hạn nghèo học thức, nghèo giáo dục, nghèo văn hóa, những người bị bỏ rơi, thiếu cảm thông, trẻ em đường phố…”.
Do đó chúng ta không thể thoái thác hoặc “ đưa đẩy “ công việc đó cho người khác, nhưng chính chúng ta, chúng ta hãy cho họ ăn , vì họ đang đói…
Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
SUY NIỆM: HÃY BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Khi kể về ơn gọi của Mẹ Têrêxa Calcutta với người nghèo, người ta không quên được sự kiện làm cho mẹ thay đổi ơn gọi. Từ một giáo viên dạy địa lý và là một nữ tu của Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto, mẹ đã trở thành một nữ tu khiêm tốn, chuyên phục vụ người nghèo khi quyết định rời bỏ dòng cũ để lập nên Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái với hy vọng xoa dịu nỗi khổ cho biết bao con người ngày đêm kêu cứu. Vì thế, mẹ đã trở thành người nổi tiếng về lòng bao dung, nhân hậu.
Nguyên nhân để mẹ trở thành vĩ nhân là vì mẹ đã cảm nghiệm sâu xa lời kêu cầu của Đức Giêsu trên Thánh Giá “Ta khát” qua hình ảnh của một người già nghèo khổ, trong sân ga tàu hỏa khi mẹ lên đường để đi chữa bệnh.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Qua phép lạ này, chúng ta thấy nổi bật lên sự quảng đại, lòng nhân hậu, thương xót của Đức Giêsu với đám đông dân chúng.
Thấy một đám đông đang theo mình, Đức Giêsu đã không thể yên vị được khi thấy họ vất vưởng và bụng đói, nên Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8, 2). Và Đức Giêsu đã làm phép lạ để nuôi dân chúng.
Hình ảnh thật đẹp về một Đức Giêsu: Ngài nhìn đám đông với một ánh mắt đăm chiêu, trìu mến và lộ rõ sự thao thức! Ngài nói với các môn đệ về nỗi thao thức của mình, rồi lường trước được những mối nguy hại khi họ bụng đói ra về! Và cuối cùng Ngài đã hành động để nuôi dân chúng.
Ngày hôm nay, vẫn có nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhưng không biết có phải là những chương trình được khởi đi từ tình thương hay là một dịp thuận tiện để những kẻ chuyên tham nhũng, bóc lột có cơ hội trục lợi cá nhân và đoàn thể khi nhân danh điều thiện???
Thật vậy, nếu mọi việc công ích, không được khởi đi từ lòng nhân hậu và tình thương thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị những ý đố đen tối, xấu xa xen vào và bị biến thái.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu và thương xót của Chúa, để chúng con biết đem Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP