THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 24/10/2024 17:41

THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 13,1-9

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

2 Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

 

SUY NIỆM : DẤU CHỈ GIÊSU

Biết nhìn ra dấu chỉ thật quan trọng. Biết nhìn thời tiết sẽ sắp xếp công việc hợp lý. Đặc biệt là công việc đồng áng. Để cầy cấy cho đúng thời vụ. Đem lại lương thực cho đời sống thân xác. Nhưng biết nhìn dấu chỉ thiêng liêng còn quan trọng hơn. Vì giúp lo liệu công việc cung cấp lương thực thiêng liêng. Cho sự sống đời đời.

Chúa mắng những người Do thái là giả hình. Vì họ không thể không biết những dấu chỉ về Đấng Cứu Thế: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người nghèo được nghe Tin Mừng. Chính Chúa đã thực hiện những điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa. Họ giả hình. Vì biết mà không tin. Có lẽ họ sợ phải thay đổi đời sống. Hay là sợ mất quyền lợi khi phải tin theo Chúa. Giả dối. Tâm thần phân liệt.

Chúa cảnh báo họ. Nếu không có phán đoán chính xác. Nếu không thay đổi thái độ để có hành xử đúng đắn. Họ sẽ lãnh lấy hậu quả tai hại. Sẽ bị trừng phạt vì sự thiếu khôn ngoan đó: “Kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục”.

Chứng tâm thần phân liệt được thánh Phao-lô nhận biết ngay trong bản thân mình. Ngài nhận thấy sự bất lực của mình trong đời sống thiêng liêng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”. Và ngài nhận biết mình bị tội lỗi trói buộc. Không sao thoát ra được. Ngài nhận biết chỉ mình Chúa Ki-tô mới có thể cứu ngài thoát sự nô lệ tội lỗi đó: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ).

Ngài nhận biết thế giới này xung đột chia rẽ. Và sự chia rẽ xuất phát ngay từ nội tâm con người. Đó là do tội lỗi. Cần thống nhất đời sống. Cần thống nhất thế giới. Chỉ có một phương thế: Chịu phép rửa nhân danh Chúa Ki-tô. Như thế “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người”. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải cứu thế giới. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể duy nhất đời sống. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (năm chẵn).

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

SUY NIỆM: CHÚA LUÔN CHỜ TA

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rõ, số phận của những người cứ sống nuông chiều theo những dục vọng đam mê mà không lo sám hối lỗi lầm là như thế nào.

Trong khi người Do Thái cứ khăng khăng cho rằng, những người Galilê bị tổng trấn Philatô sát hại, và ngay cả 18 người bị tháp Si-lô-ac ngã xuống đè chết, là do họ đã phạm quá nhiều tội lỗi nên bị phạt như vậy; thì Chúa Giêsu lại khẳng định với họ và với cả chúng ta hôm nay: “Nếu các ngươi không chịu sám hối, thì các người cũng sẽ chịu chung một số phận y như thế”.

Những lời cảnh tỉnh đó của Chúa Giêsu thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cần phải khắc cốt ghi tâm. Nếu chúng ta không lo sám hối lỗi lầm, thì chúng cũng sẽ có một kết cục y như vậy.

Tuy thế, nhưng giận thì giận mà thương thì thương. Ở cuối bài Tin mừng, Chúa Giêsu lại mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng. Ngài đã dùng dụ ngôn “Cây vả trong vườn nho” để mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Ngài vẫn luôn kiên nhẫn để chờ đợi chúng ta sám hối trở về và ban ơn tha thứ. Chúa chúng ta là vậy đó thưa anh chị em. Ngài giàu lòng thương xót. Ngài chậm giận và rất mực từ nhân. Mỗi người hãy mau mau sám hối trở về để nhận ơn tha thứ.

Ước gì lời Chúa dạy hôm nay cũng chính là quyết tâm của mỗi người, để tất cả chúng ta chuẩn bị tâm hồn mình thật xứng đáng mà đón chờ ngày quang lâm. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: HÃY MAU MẮN HỐI CẢI

1. Đoạn Tin Mừng hôm nay có ý kêu gọi mọi người hãy ăn năn hối cải. Lời giảng và dụ ngôn của Đức Giê-su chứng tỏ Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối và hoán cải. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Đức Giê-su khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm của mình để lo sám hối.

Sám hối là điều kiện cần  thiết để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Và cũng qua dụ ngôn cây vả, chúng ta phải biết nhận ra giới hạn của mình và tích cực sửa đổi để được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.

2. Người Do thái thường quan niệm rằng, mọi tai họa là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ. Nhưng Đức Giê-su không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Phi-la-tô hay bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con cái Chúa.

3. “Chúa phạt”, đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa  một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.

Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu mến người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác (Mỗi ngày một tin vui).

4. Nhân hai sự kiện thời sự – những người nổi loạn bị tống trấn Phi-la-tô giết và mười tám người bị tháp Si-lô-ê đè chết – Đức Giê-su cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phài mau mau sám hối; đàng khác, Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “người làm vườn và cây vả”. Hoãn binh chi kế thông thường là thủ thuật của kẻ dưới nhằm có thời giờ đối phó với người trên. Còn Thiên Chúa, luôn luôn là người trên, đồng thời là Đấng “chậm giận và giàu tình thương”, lại chấp nhận “phương án” hoãn binh, không phải như cơ hội cho con người mưu tính, song là để chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài. Thay vì trừng phạt ta “ở đây và ngay lúc này”, Ngài lại kiên nhẫn đợi chờ. Ngài dành cho chúng ta thời gian sửa đổi, nhận ra lỗi lầm của mình, cũng như cảm nghiệm được ý muốn nhân từ của Ngài. Một khi nhận thức được thâm ý của Chúa, sự hoán cải đổi đời của ta sẽ có giá trị bền vững (5 phút Lời Chúa).

5. Qua hai sự kiện – quan Phi-la-tô ra lệnh giết và tháp Si-lô-ê đè chết người – dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cái chết là một thực tại mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Cái chết là một biến cố không ngừng tra vấn con người. Khi nói đến cái chết và kêu gọi sám hối, Đức Giê-su không chỉ kêu gọi con người chuẩn bị để đón cái chết  vốn đến một cách bất ngờ, Ngài còn muốn nhắc nhở con người về một điều cơ bản hơn, đó là thân phận mỏng manh bất toàn của con người. Chấp nhận thực tại của cái chết là chấp nhận cái thân phận bất toàn ấy, có nghĩa là chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa (R.Veritas).

6. Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giê-su, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngon đồng bạc đánh mất, hay dụ ngôn người Cha nhân hậu, hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

7. Truyện: Hãy kịp thời thống hối.

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: ”Ai chịu đầu hàng  và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt  thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.

Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.

 Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:  

Câu chuyện

Khi còn ở Bruxelles - Bỉ, tôi có một cây phong lan để bên cửa sổ, cây chỉ còn một hoa. Mỗi lần ngắm hoa, tôi hơi tiếc cái hoa duy nhất sắp tàn. Một lần ngắm hoa, tôi phát hiện dưới hoa sắp tàn ấy hình như có chồi non mới xuất hiện, tôi liền cắt tỉa những lá dư thừa để nó có sức nuôi phần chồi non mới. Dù chỉ cần tưới lan một tuần một lần là đủ, nhưng hằng ngày tôi đều ngắm nghía chồi non. Tôi thấy rõ ràng từ lúc tôi cắt tỉa cho lan, mỗi ngày chồi non ấy lớn nhanh hơn và xuất hiện thêm hai chồi non mới, có lẽ sẽ ra hoa mới, tôi nghĩ và hy vọng như thế. Tôi cảm thấy rất vui vì lan sắp trổ thêm hoa, tôi hài lòng với công sức của mình khi chăm sóc cắt tỉa, góp phần làm thêm xanh và kết tinh những nụ hoa mới.

Suy niệm

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để truyền đạt cho chúng ta một sứ điệp: Con người sống ở đời phải ra hoa kết trái bằng đời sống của mình.

Người chủ đến thăm vườn khi thấy cây vả không kết trái: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” (Lc 13, 7). Lời của chủ vườn xem ra lạnh lùng, không gắn bó với những thành quả công sức mà mình và các cộng sự đã bỏ ra để vun trồng, chăm sóc. Nhưng xét theo chuyên canh, lời ông thật có lý: Để cây vả lại trong tình trạng “điếc” thì chỉ làm hại đất, và tốn sức lao động. Nhưng người thợ đã can thiệp: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi!” (Lc 13,8-9). Lòng thương xót kiên nhẫn của Thiên Chúa qua hình ảnh người chủ vườn nho, vẫn chờ đợi để có ngày cây vả ra trái. Còn tình yêu dành cho con người qua Đức Giêsu ẩn dụ dưới người làm vườn luôn cuốc xới, nhổ cỏ và bón phân, làm tất cả để chăm sóc với ước mong con người đều sinh hoa quả tốt, ngay cả nơi mỗi tội nhân. Ngài vẫn luôn chờ đợi sự trở lại của những tâm hồn khiếm khuyết, những tâm hồn sống vô vọng chưa sinh hoa trái. Thiên Chúa, luôn mong mỏi con người sống cho tròn trịa với kiếp người, phải đơm bông kết trái. Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng Thiên Chúa luôn cương quyết đòi hỏi phải có hoa trái.

Cây muốn ra trái, trước hết phải được chăm sóc vun trồng, phải nhổ những cụm cỏ dại bên cạnh chiếm đất hay những cây dại leo lên thân cây làm đời tầm gửi ăn bám hút hết nhựa sống của cây. Chính những cây dại đó làm cho cây mất hết sức sống. Cho nên, trước khi tưới nước bón cây, chúng ta phải chú ý nhổ cỏ và những cây dại chung quanh. Chúng tuy nhỏ bé nhưng đầy tai hại cho sự sống của cây, chính chúng làm chậm tiến trình đơm bông kết trái của cây, làm cho cây bị “điếc” không thể kết trái ra bông.

Cây vả dù ở trong tình trạng an toàn: Cây vẫn xanh tươi, không làm hại các cây khác nhưng yếu tố kết thành bản án đó là cây “không sinh trái”. Thế nên, sám hối không chỉ là sửa chữa những lối sống tiêu cực, những lầm lỗi khiếm khuyết nhưng còn là tích cực tô điểm tâm hồn những hoa trái thiêng liêng bằng những hành động đẹp, những việc làm phục vụ yêu thương chia sẻ với anh em, hàng xóm, đồng nghiệp… Như người chủ vườn nho đến thăm vườn đòi hỏi hoa trái từ cây, Thiên Chúa không đến để nhìn một cây vả cuộc đời ta với những trơn tru, không gai góc, nhưng Ngài đến là để tìm hoa quả đó chính là cách sống tích cực trên đời sống mình.

Chúng ta khiêm nhường thú nhận tội lỗi sám hối ăn năn trở về với Chúa để được hưởng nhờ lòng Chúa xót thương. Tâm hồn tràn đầy sự thống hối, nhổ bỏ những cụm cỏ dại của cách sống tiêu cực, của lỗi lầm, lúc đó sẽ mang một con tim quay trở lại từ lỗi lầm và được cứu độ. Con tim trở lại là con tim đã được nhổ bỏ những cụm cỏ dại, được chăm sóc để đời sống tích cực sinh hoa kết trái, người mới, người tràn đầy yêu thương.

Ý lực sống

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt!” (Lc 13,5).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: LẠC QUAN, TIN TƯỞNG

“Sinh ngày mùng 4 tháng 7”, và “Bàn chân trái của tôi”, đó là tựa đề của hai cuốn phim Mỹ hay nhất năm 1990. “Sinh ngày mùng 4 tháng 7” kể truyện một thanh niên Mỹ bị động viên sang VN và trở thành kẻ tàn tật suốt đời. Bất mãn, hận đời, người thanh niên gia nhập phong trào phản chiến ở Mỹ. Còn cuốn phim “Bàn chân trái của tôi” cho thấy hình ảnh một con người phấn đấu với những bất hạnh của mình để đạt thành công. “Bàn chân trái của tôi” nêu bật bài học về lạc quan tin tưởng trong cuộc sống.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta lại dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điềm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Chỉ với một bàn chân trái, một người tàn tật có thể vươn lên. Chúng ta hãy tự nhủ: những mất mát, khổ đau, thử thách là cơ may Thiên Chúa ban để giúp chúng ta vươn cao trong niềm tin. Chúng ta hãy nói lên niềm tin vào Ðấng luôn có mặt trong cuộc sống chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta yếu hèn tội lỗi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM : NẾU KHÔNG SÁM HỐI, SẼ CHẾT Y NHƯ VẬY

Đứng trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, hẳn chúng ta thấy có rất nhiều cách nghĩ từ những cái nhìn khác nhau.

Ví dụ như căn bệnh thế kỷ Sida chẳng hạn:

Có người thì dè bửu và cho rằng đây là do ăn chơi trác táng nên mới bị. Có người thì cho rằng do tội lỗi nên bị Chúa phạt. Lại có người rất cảm thông, luôn tìm cách nâng đỡ, đồng hành, hầu giúp cho người bệnh vượt qua đau khổ về tinh thần và thể xác. Hay ngang qua căn bệnh đó, cũng có những người nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại về sự kiêu ngạo…

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người Do thái khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Khi chứng kiến như thế, họ cho rằng những người này do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối qua các sự kiện đó, vì: nếu không lo sám hối, cải tà quy chính thì họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy.

Trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi. Có khi sẵn sàng gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm của họ để họ cải tà quy chính mà được cứu độ. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa.

Tưởng cũng nên nói thêm:  mỗi khi chúng ta coi thường người khác, ấy là lúc chúng ta tự coi mình tốt lành, đạo đức hơn người ta. Nhưng thực ra, có thật thế hay không, hay chỉ là thói đạo đức giả như những người Pharisêu khi xưa?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em mình, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh chị em kia…

Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất; hay dụ ngôn người Cha nhân hậu; hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn có cái nhìn cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây