THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG
Mt 8,5-11
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.”
7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.
9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.”
10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.
11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Chúa Giêsu đến trong trần gian và Người cứu độ tất cả mọi người, không trừ một ai. Nhưng được cứu độ hay không là tùy ta có lòng tin hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương xót tất cả nhân loại chúng con. Chúa thương mở cửa Nước Trời và mời gọi chúng con bước vào. Trần gian chúng con chẳng đáng được đón Chúa đến chung sống giữa chúng con, cũng như chúng con chẳng đáng dự tiệc trong Nước Chúa. Tuy nhiên, Chúa đã xóa bỏ mọi ngăn cách, bất kể chúng con là ai, dù thấp hèn, dù tội lỗi, dù chẳng thuộc dòng máu Do Thái là dân riêng của Chúa. Chúa đang đến, Chúa đang đi vào trong mái nhà chung của nhân loại, khi xưa và hôm nay.
Có những người thành tâm thiện chí đã đón nhận Chúa. Nhiều khi kẻ đón tiếp Chúa và tin nơi Chúa lại là người gốc dân ngoại, như viên đại đội trưởng Rôma, như bao nhiêu người ngoại giáo ngày nay. Họ tin mạnh mẽ, họ cầu nguyện, họ được nhận lời, họ được cứu độ, họ đang tiến vào dự tiệc Nước Trời.
Còn con, có thể Chúa không thấy nơi con một lòng tin mạnh mẽ như vậy, dù con và gia đình con tin Chúa đã lâu và đang mang danh là dân riêng của Chúa. Bao nhiêu lần Chúa đến và đi qua trong đời con, nhưng con hụt mất Chúa vì thiếu lòng tin. Con sợ con bị loại ra ngoài Nước Trời, xin Chúa cứu con. Xin Chúa thêm đức tin cho con.
Xin Chúa vào nhà linh hồn con và ngự lại trong con luôn mãi. Xin Chúa đến trong mái nhà gia đình chúng con và chúc lành cho chúng con. Dù chúng con chẳng xứng đáng đón Chúa vào nhà, nhưng xin Chúa phán một lời, chúng con sẽ được cứu độ. Amen.
Ghi nhớ: “Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: BÌNH AN CHO MUÔN NGƯỜI
Thật ý nghĩa, khi chúng ta vừa mới bước vào Mùa vọng, mùa của hy vọng và đợi chờ, thì trong bài đọc 1 hôm nay, Tiên tri Isaia đã khẳng định với chúng ta những lời chan chứa niềm hy vọng, đó là: Đức Chúa sẽ cho mọc lên 1 chồi non. Chồi non ấy sẽ là vinh quang và danh dự, là niềm hãnh diện và tự hào của tất cả chúng ta. Chồi non ấy sẽ cứu chúng ta khỏi mọi gian nan, sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi những gì ô uế, sẽ gìn giữ và chở che chúng ta trên mọi nẻo đường.
Và thưa anh chị em, chồi non mà Tiên tri Isaia nói đến không ai khác chính là Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta đang mong chờ. Ngài chính là Hoàng Tử Bình An, đến để mang lại bình an cho đời và cho người.
Các sách Phúc Âm cho biết, trong hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã trao bình an cho nhân loại qua việc chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, tìm kiếm những con chiên lạc để đưa chúng trở về…
Điều đáng ngỡ ngàng hơn nữa là, Chúa Giêsu không chỉ trao ban bình an cho những kẻ tin vào Ngài là chúng ta, mà còn cho cả dân ngoại. Việc Chúa Giêsu nhận lời, đến nhà và chữa lành cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng bị bệnh bại liệt, được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay là bằng chứng về điều đó.
Như vậy, việc chúng ta sống 4 tuần Mùa Vọng, việc chúng ta hy vọng và đợi chờ không vô nghĩa nhưng rất ý nghĩa thưa anh chị em; vì chúng ta đang chờ đợi một Đấng đầy tình yêu thương, giàu lòng khoan dung và tha thứ, Đấng mang lại bình an và ơn cứu độ cho muôn người.
Phần chúng ta, mỗi người hãy sống Mùa vọng này sao cho thật ý nghĩa. Hãy sống đúng tinh thần của Mùa Vọng là tỉnh thức và sẵn sàng, là sám hối và nguyện cầu. Mỗi người hãy tích góp những cọng rơm cọng cỏ là các việc lành phúc đức, để làm cho Chúa một máng cỏ trong tâm hồn mình, để khi Chúa đến và ngự vào Ngài sẽ được sưởi ấm.
Một khi chúng ta làm được như thế, một khi chúng ta mang nơi mình chan chứ niềm hy vọng hồng phúc, và một khi chúng ta sống đúng tinh thần của Mùa Vọng, thì dù Chúa có đến lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng ra nghênh đón Ngài. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:
Mùa Vọng là mùa dọn đường để Chúa đến. Mà con đường quan trọng nhất là con đường đi vào cỏi lòng. Vậy ta đã, đang và sẽ dọn con đường ấy như thế nào cho phù hợp với ý Chúa? Tin mừng hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta biết. Ta hãy chú tâm lắng nghe và nỗ lực thi hành thánh ý của Chúa.
Trong suốt cuộc sống ở trần gian, nhất là những năm rảo khắp miền đất Israel rao giảng Tin mừng. Có lẽ chưa bao giờ Chúa Giêsu hết lời khen ngợi đức tin của ai cho bằng đức tin của ông viên đại đội trưởng ngoại giáo người Rôma như đoạn Tin mừng hôm nay trình thuật: “Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”.
Viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma này đã làm gì mà được Đức Giêsu nức tiếng khen ngợi như vậy? Xin thưa, bởi vì ông ta là người ngoại giáo và ngoại bang nhưng ông ta đã sống và thể hiện được ba nhân đức đối thần hết sức tuyệt vời:
– Đức mến: Lòng yêu thương của ông không chỉ dành cho người ruột thịt hay cho những người bằng vai vế, nhưng tình yêu của ông còn dành cho cả những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội. Bằng chứng là ông đã hết lòng tìm cách để cứu sống cho người đầy tớ của ông. Ngay cả việc tìm đến và hạ mình mời Chúa Giêsu đến nhà để cứu giúp cho người đầy tớ của ông đang bị bệnh sắp chết.
– Đức cậy: Có vững lòng trông cậy vào quyền năng nơi Đức Giêsu, ông mới mạnh dạn xin Chúa Giêsu cứu chữa. Lòng cậy trông dẫn đến đức khiêm nhường thẳm sâu, đến nỗi ông cảm thấy chính bản thân ông và ngay cả căn nhà nơi ông đang cư ngụ cũng không xứng đáng để Chúa Giêsu bước chân vào: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”.
– Đức tin: Nhưng hơn hết ông ta có một đức tin hết sức mạnh mẽ. Đức tin ấy được biểu lộ qua lời nói đầy tin tưởng:“xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng bé nhà tôi sẽ lành mạnh”. Với đức tin đó ông đã được Chúa Giêsu hết lời khen ngợi: “Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có niềm tin mạnh như thế”. Qua đây, Chúa Giêsu còn xác định cho chúng ta hiểu rằng: ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho dân tộc Do Thái mà còn dành cho hết những ai biết đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô như viên sĩ quan ngoại giáo này,“nhiều người từ phương đông và phương tây, sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac, và Giacop trong nước trời”.
Mùa vọng là mùa dọn đường chuẩn bị cho Chúa đến, xin cho chúng ta biết dọn con đường đi vào tâm hồn được thông sạch bằng đời sống đức tin mạnh mẻ, lòng trông cậy vững vàng và lòng mến yêu tha thiết theo mẫu gương của viên đại đội trưởng. Nhờ đó Chúa mới có thể đến và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Lm Seoka
SUY NIỆM: THỜI THIÊN CHÚA THI ÂN GIÁNG PHÚC
Bắt đầu bước vào Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa yêu thương và làm những điều thật kỳ diệu nơi loài người. Nhưng, chỉ những ai có một tâm hồn khiêm nhường, tâm hồn khao khát, mong chờ Đấng Cứu Thế đến, mới nhận ra được, mới đón nhận được điều tốt lành của Thiên Chúa mà thôi.
Ngôn sứ Isaia sống vào khoảng năm 750 trước Công nguyên, đã báo trước thời đại thiên sai, thời cứu độ sắp đến (Is 11,1-10) như sau:
“Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.”
Thiên Chúa lấy đức công bình và lòng chính trực để thương yêu, bênh đỡ và cứu giúp những người nghèo khó, những người bị áp bức, bị đối xử bất công trong xã hội.
Ngài sẽ biến đổi thế giới của con người trở thành một thời đại hòa bình, một cuộc sống bình an và hạnh phúc, bằng hình ảnh thật sống động như sau:
“Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.”
Những gì ngôn sứ Isaia báo trước, nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Ngài là Đấng Thiên sai, ông Vua Thái bình của loài người. Ngài là niềm vui, bình an và niềm an ủi cho những người nghèo, người đau khổ, những người bị xã hội ruồng bỏ.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu, sự quan tâm và cứu giúp những người bé nhỏ, khiêm nhường, nghèo nàn. Ngài chỉ mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ.
“Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.”
Còn những kẻ cậy mình là khôn ngoan, những kẻ cho mình là giàu có, có cuộc sống sung sướng chỉ lo hưởng thụ, áp bức cách bất công với những người nghèo, người đau khổ…thì sẽ không được đón nhận những mầu nhiệm của Nước Trời.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ thật có phúc vì các ông đang được sống trong thời kỳ mà nhiều ngôn sứ, nhiều vua chúa mong đợi, thời mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Kẻ què đi được, kẻ mù được thấy… là thời Thiên Chúa cứu độ”. Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa cứu độ đó. Người đến trần gian để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỷ, tội lỗi và sự chết..
Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua Giáo Hội đang đồng hành với mình, để trong mọi hoàn cảnh khó khăn, các gia đình hãy luôn tuyệt đối phó thác vào tình thương của Chúa.
Chúa muốn chúng ta sống cách chân thành, yêu mến hàng xóm láng giềng. Khi sống chan hòa yêu thương với mọi người, mỗi người chúng ta trở thành dấu chứng tình yêu và huyền nhiệm của Thiên Chúa.
Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến các gia đình, những người đang sống nghèo khổ, khó khăn. Chúng ta còn có trách nhiệm giúp đỡ, chia sẻ cả tinh thần lẫn vật chất để họ bớt đau khổ và bớt thiếu thốn nữa.
Riêng bản thân mỗi người chúng ta, Chúa muốn giúp chúng ta trở về với chính bản thân của mình nhiều hơn, đặc biệt, sống khiêm nhường, nhỏ bé. Đó là đức tính, lại còn là nhân đức trổi vượt mà Chúa luôn nhấn mạnh tới trong Tin Mừng.
Mùa vọng đến! Mùa của sự chờ mong, mùa của hy vọng, mùa của tin vui và của tình yêu; bởi phụng vụ mùa vọng giúp tín hữu hiện tại hóa và sống lại sự ngóng trông một trẻ sơ sinh sẽ ra đời, trẻ sơ sinh ấy – vị cứu tinh – sẽ đến để giải phóng nhân loại. Và nhân loại ngày nay đang bị cầm tù bởi những căn hầm tăm tối của sự kiêu căng tự mãn, tôn thờ thú vui nhục dục, tôn thờ bản thân…. Nhân loại đang thực sự rên siết và cần ơn giải thoát!
Hãy mở rộng lòng mình ra, hãy mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm hạ trước Thiên Chúa để được Người tỏ mình cho biết mầu nhiệm của Tình yêu, của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Để bạn trở nên chứng nhân tình yêu trong một thế giới còn đầy ắp tính ích kỷ và hận thù.
Hãy lắng nghe và xin vâng như Đức Maria “để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến đem ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi” (thánh ca mùa vọng). Để bạn trở thành người diễm phúc vì được thấy, được nghe và được cảm nếm những điều mà sự khôn ngoan thông thái thế gian không bao giờ có được (Lc 10, 23 – 24).
Chúng ta đang được diễm phúc sống trong ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Hằng ngày, qua việc đọc Lời Chúa, chúng ta được nghe tiếng Chúa, được thấy các phép lạ Người làm. Đó là những ân sủng giúp chúng ta sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, sống thuộc trọn về Người.
Huệ Minh
SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giêsu khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rôma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.
Điều lạ ở đây là người được Chúa Giêsu ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do Thái, cũng không phải là một đạo hữu Do Thái mà là một kẻ ngoại đạo, cầm quyền đô hộ dân Người.
Tại sao vậy? Thiết tưởng vì hai lý do:
1. Khiêm tốn
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do Thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”.
Lời xét mình này của ông đã được Giáo Hội dùng để cho chúng ta thân thưa với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ trước khi đến rước Mình Thánh Chúa.
Ước gì mỗi lần chúng ta đọc lời này, chúng ta cũng có được sự ý thức về mình như viên sĩ quan trên đây, không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.
2. Niềm tin
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm".
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do Thái tin bệnh tật là do tà thần và sự dữ). Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp.
Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Ngài trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nên Chúa cũng sẵn lòng cứu giúp những ai khiêm tốn, suy phục và đặt niềm tin nơi Chúa. Xin cho chúng con cũng biết khiêm tốn đến với Chúa, để được Chúa chữa lành những bệnh tật tâm hồn. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM: ĐỨC TIN CỦA NHÀ BINH
Khi nói tới đức tin, ta hay nghĩ tới một người đạo đức, có cảm thức đức tin nhạy bén hay đại loại phải là người có cảm thức tôn giáo … chứ chẳng ai nghĩ tới giới nhà binh. Vậy mà Tin Mừng hôm nay lại cho thấy niềm tin của viên đại đội trưởng. Vậy niềm tin đó có gì khác lạ?
Trước khi gặp Đức Giêsu, hẳn viên đại đội trưởng đã được nghe về Người như là Đấng vừa quyền năng, vừa đầy lòng thương xót. Rồi khi vừa gặp và ngỏ lời xin chữa lành cho người đầy tớ, Chúa Giêsu đã đáp ứng ngay: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Người không phân biệt người Do Thái hay người ngoại, ông chủ hay đầy tớ. Có lẽ viên đại đội trưởng đã tin nhận Đức Giêsu là vị ngôn sứ đích thực. Tuy nhiên, việc tin nhận của ông rất khác lạ theo kiểu nhà binh. Ông tin rằng Đức Giêsu có thể chữa bệnh bằng cách ra lệnh từ xa: “Xin Thầy chỉ phán một lời, thì đầy tớ của tôi sẽ lành mạnh.”
Niềm tin và cách suy luận của viên đại đội trưởng rất đơn sơ và khác lạ: Ông tin chỉ cần “phán một lời” thì “sẽ được lành mạnh”. Quả thật, với chức vụ của mình, ông cũng có lính tráng dưới quyền. Và như ông nói, “tôi bảo người này đi thì nó đi; tôi bảo người kia đến thì nó đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Trước niềm tin mạnh mẽ và xác quyết của viên Đại đội trưởng, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel.”
Là môn đệ của Chúa, tôi có thật sự tin cách chắc chắn vào Đấng chỉ cần “phán” một lời là tâm hồn tôi được “lành mạnh” như điều tôi vẫn tuyên xưng trong mỗi Thánh Lễ?
Lạy Chúa Giêsu, lời khen ngợi của Ngài dành cho viên đại đội trưởng cũng là lời cảnh tỉnh mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết bắt chước viên đại đội trưởng: đơn sơ, chân thành và xác quyết trong niềm tin.
Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD