THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,18-22
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?”
19 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.
21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.
22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”
SUY NIỆM: CHAY TỊNH BẰNG CẢ TẤM LÒNG
Chay tịnh là một trong những cách khổ chế được nhiều tôn giáo áp dụng. Do Thái giáo cũng tuân giữ luật lệ này một cách rất tỉ mỉ. Họ có những quy định riêng về việc ăn chay. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là họ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa bên trong của việc chay tịnh là gì.
Ăn chay không chỉ đơn thuần là việc kiêng cử đồ ăn thức uống, mà còn là một sự biến đổi bên trong tâm hồn, để được đẹp lòng Chúa hơn.
Việc có người trách những môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay, là một hình ảnh trái ngược với việc chay tịnh của họ. Thay vì chay tịnh giúp họ nên hoàn thiện, thì họ lại xét đoán người khác; thay vì yêu thương, thì họ lại gây chia rẽ.
Hơn nữa, chay tịnh là việc đạo đức cá nhân của từng người. Nó chỉ phát sinh hiệu quả thiêng liêng cho người thực hiện, khi hành vi đó hoàn toàn tự do và tự nguyện. Như thế, dù các môn đệ Chúa Giêsu có ăn chay bởi lời nhắc nhở thì điều đó cũng vô ích.
Thưa anh chị em, chay tịnh cũng là một nét đẹp trong các thực hành đạo đức của người kitô hữu chúng ta. Được biết có nhiều anh chị em không chỉ giữ chay rất tốt vào 2 ngày: thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh theo luật buộc, nhưng còn sống đời chay tịnh vào tất cả các ngày thứ Tư và thứ Sáu trong năm. Anh chị em hãy tiếp tục sống và phát huy những việc lành thánh ấy với 3 mục đích sau đây:
Thứ nhất, anh chị em hãy dùng việc chay tịnh để thánh hóa chính bản thân mình, giúp mình mỗi ngày được hoàn thiện như Cha trên Trời.
Thứ hai, anh chị em hãy dùng việc chay tịnh để cầu nguyện cho gia đình và con cái của mình, để chúng được ơn đức tin, ơn đạo đức, ơn xa lánh các dịp tội và ơn hoán cải lỗi lầm.
Và thứ ba, anh chị em hãy dùng việc chay tịnh để cầu nguyện cho nhân loại và thế giới, để thù hận và chiến tranh mau chấm đứt, hầu người dân có được cuộc sống ấm êm và hạnh phúc.
Ước gì nghĩa cử đạo đức này của chúng ta được đẹp lòng Chúa, và những ước nguyện chân thành của chúng ta được Thiên Chúa đón nhận.
Lm Antôn
SUY NIỆM:
Đối với người Do Thái, ăn chay là một hình thức sống đạo lý tưởng, là nghi thức tỏ lộ sự buồn đau trước Thiên Chúa về lỗi lầm của mình. Qua việc ăn chay, người Do Thái hy vọng Gia-vê Thiên Chúa nhân hậu thứ tha và cứu thoát. Có những ngày ăn chay theo luật buộc, nhưng cũng có những ngày ăn chay do lòng đạo đức của từng cá nhân, hay của từng nhóm.
Tin Mừng thuật lại: “Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Chúng ta cần lưu ý rằng, câu hỏi chất vấn này không nhắm đến việc các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ăn chay theo luật buộc, nhưng nhắm đến cách thức sống được coi là chưa đạo đức, chưa thánh thiện của các môn đệ Chúa Giêsu, vì họ không ăn chay như những nhóm khác.
Đối với người Do Thái đương thời, một cuộc sống đạo đức lý tưởng phải như nhóm môn đệ theo ông Gioan. Họ sống theo thầy mình, ăn chay triệt để, theo kiểu “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Trong khi đó, môn đệ Chúa Giêsu không thấy ăn chay, hãm mình. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần bị lên án là tay ăn nhậu và bạn bè với quân tội lỗi.
Chúa Giêsu trả lời những người chất vấn Ngài bằng việc đưa ra hình ảnh tiệc cưới. Tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Do-thái. Theo Adolf Pohl, đối với người Do-thái, tiệc cưới là một niềm vui lớn. Niềm vui ấy đẩy lui tất cả sang một bên. Các kinh sư gấp cuốn sách Tora lại. Kẻ thù giải hòa với nhau. Người người sẽ tấu lên những khúc nhạc vui, trống đàn hòa tấu, nhảy nhót mừng rỡ trước cô dâu, và ca ngợi vẻ đẹp của cô dâu. Họ mừng tiệc cưới bảy ngày trời. Sau bảy ngày mừng vui, mọi người trở về lại với cuộc sống thường nhật, với những luật lệ nghiêm ngặt và khô khan.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta hai ý tưởng để suy gẫm :
- Ngài chính là chàng rể, đang ở giữa các môn đệ. Có Chúa ở cùng thì còn niềm vui, nên không có đau khổ, không cần ăn chay. Chỉ khi nào chàng rể bị mang đi, thì lúc đó họ mới ăn chay. Ngài muốn thay đổi tư tưởng về việc ăn chay của người Do thái khi họ quy về chính mình (hãm mình, đền tội, hay xin ơn…). Việc ăn chay phải hướng về Thiên Chúa, hướng về “Chàng Rể sẽ bị đem đi” là chính Chúa Giêsu, Đấng sẽ dùng cái chết để cứu chuộc con người.
Mỗi người chúng ta cũng vậy. Khi tâm hồn có Chúa, chúng ta cảm thấy bình an và có niềm vui thực sự. Ngược lại, nếu phạm tội, chúng ta đánh mất Chúa. Chúng ta để cho Chúa bị mang đi khỏi cuộc đời của mình. Ăn chay để tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu, vì tội lỗi của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ yêu mến, và khao khát Chúa đến với chúng ta bằng cuộc sống hoán cải, bởi “rượu mới” phải được đổ vào “bầu da mới”.
- Chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấy mức độ chân thành và lòng yêu mến của chúng ta, được thể hiện qua những việc đạo đức, thờ phượng. Ngài ưa thích tấm lòng của chúng ta, hơn là của lễ chúng ta dâng: “Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sm 15,22). “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).
Con người thường thích đánh giá sự thánh thiện và đạo đức qua những hình thức bên ngoài. Những người được cho là đạo đức, thường là những người làm nhiều hơn những gì luật buộc, như ăn chay, lần hạt, xem lễ mỗi ngày… Những hình thức đó là phương tiện rất tốt để chúng ta yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng, nó không phải là chuẩn mực để chúng ta xét đoán, phê bình người khác. Việc chúng ta ăn chay hay làm bất cứ một việc đạo đức nào, hãy làm vì lòng yêu mến Chúa hơn là làm vì nệ luật, vì thói quen. Chúng ta hãy làm vì lòng yêu mến tha nhân, hơn là vì tiếng khen của người đời. Bởi lẽ, của lễ chỉ có giá trị khi chúng tượng trưng cho tấm lòng thành. Một của lễ thiếu tấm lòng sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí làm cho Chúa ghê tởm.
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì đã luôn tìm cách ở lại và mang niềm vui đến trong cuộc đời chúng con trong Bí Tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng con sống niềm vui có Chúa bằng tấm lòng chân thành, yêu mến Ngài trong tất cả cử chỉ đạo đức, thờ phượng. Và cũng xin giúp chúng con thể hiện tình liên đới, yêu thương với anh chị em bằng cả tấm lòng, hơn là bận tâm so sánh, bình phẩm cách sống đạo của họ. Bởi vì chỉ có Chúa mới là Đấng hiểu rõ nhất lòng chúng con. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
SUY NIỆM:
Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái Giáo. Họ có một cuộc“đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do Thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
- Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
- Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
- Lòng đạo đức.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gioan và Biệt Phái ăn chay, còn môn đệ Thầy thì không?”
Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gioan Tiền Hô (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giêsu: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong thời gian của sự vui mừng. Hơn nữa, Ngài còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Ngài lên án về việc người Do Thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào, thì tự bản chất việc ăn chay của người Do Thái là một phương thế rất tốt, và chính Chúa Giêsu cũng ủng hộ việc chay tịnh là phương thế để chống lại ma quỷ và chước cám dỗ. Nhưng ở đây, Người nhấn mạnh đến tinh thần ăn chay chứ không phải sự tỏ lộ ra bên ngoài như đầu tóc bù xù, mặc đồ xuếch xoác, mặt mày ủ rũ, thiểu não… để thiên hạ khen là đạo đức thánh thiện.
Nơi Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu còn dạy: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”. Dĩ nhiên là không phải cứ hễ giữ chay là phải xức nước hoa hay bận đồ đẹp hoặc giả bộ vui vẻ, mà là sự kín đáo âm thầm chỉ mình ta với Chúa. Không tìm vinh danh nơi lời ca tụng người đời, mà là để Thiên Chúa được vinh danh nơi sự hi sinh hãm mình của chúng ta.
Như vậy, qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:
- Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
- Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
- Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con cũng luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: ĐẠO CHÚA – NIỀM VUI TIN MỪNG
Các môn đệ Ðức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và Biệt Phái.
"Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?"
Ðức Giêsu hiểu rõ việc giữ chay quan trọng như thế nào trong đời sống đạo, và hơn nữa những tập tục truyền thống của đạo đời Do Thái.
Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn bênh vực các môn đệ của Ngài, khi Ngài trả lời với các môn đệ của Gioan và các người biệt phái rằng:
"Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.”
Đức Giêsu nhắc đến ở đây những từ Kinh Thánh mang ý nghĩa hết sức quan trọng: “tiệc cưới”, tân lang”, “áo cũ”, “áo mới”…Điều này giúp chúng ta hiểu rõ câu trả lời của Chúa nói với môn đệ Gioan và các biệt phái.
-Trong Cựu ước, giao ước Thiên Chúa lập với dân Người được ví như lễ cưới và Thiên Chúa là chàng rể của dân Israel (x. Hs 2 ; Is 54, 4-6 ; Gr 2,2).
-Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu là chàng rể trong bữa tiệc như Is 25, 6-9 đã loan báo. Ngài là Đấng Mêsia đang có mặt giữa khách dự tiệc cưới. Vì thế, các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng sẽ tới ngày chàng rể (Đức Giêsu) bị đem đi, tức là bị giết, các môn đệ mới ăn chay. Và các ông ăn chay là để chờ đợi ngày chàng rể trở lại (x. Cv 14,1-3).
“Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Ví dụ này nhấn mạnh đến sứ vụ của Đức Giêsu là không thể theo khuôn mẫu cổ điển của Do thái giáo (thể hiện qua lối thực hành của người biệt phái, hay nếp sống khắc khổ của môn đệ Gioan Tẩy giả).
Con người sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Sống trong thời đại mới, thời đại của Tân Ước, con người phải sống theo thời kỳ mới, sống theo tinh thần mới, trong niềm vui Ơn Cứu Ðộ.
Hôm nay, chúng ta hiểu ý nghĩa đầy thú vị của Tin Mừng; chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Ngài, và sống đạo với tất cả niềm vui:
-Chúng ta hãy nhận biết đạo Chúa là đạo thật, đạo từ trời mang xuống cho nhân loại. Nhờ Đức Giêsu và nhờ lời rao giảng Tin Mừng của Ngài - đã mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại, và dẫn đưa con người về quê trời vĩnh cửu.
-Chúng ta hãy sống đạo cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa, là sống đạo yêu thương. Trong cuộc sống đạo, chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Tôi có nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi không?
-Chúng ta nhận biết, tin tưởng, yêu mến Đức Giêsu nhờ Tin Mừng, nhờ giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta còn phải biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những anh chị xung quanh. Đó mới là việc Chúa mong muốn, mời gọi tất cả chúng ta tích cực tham gia công tác tông đồ trong giáo xứ và giáo phận; nhờ đó nhiều người đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, và tích cực gieo rắc ơn cứu độ của Chúa cho muôn dân. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM:
Chúng ta cùng chiêm ngắm thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Vừa bắt đầu sứ mệnh rao giảng của Người, cũng như các linh sư khác, môn đệ của Người cũng theo một lối sống nào đó. Thế nhưng, điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt vấn đề, đó là Chúa Giêsu và các môn đệ Người không tuân giữ một số ngày chay tịnh như môn đệ của Gioan hay của những người biệt phái. Không tuân giữ những ngày chay tịnh đã đành, sau này xem ra Chúa Giêsu càng thách thức hơn nữa, khi Người không tuân giữ cả ngày hưu lễ hay một số tập tục khác, như rửa tay trước khi ăn.
Suốt cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất độc lập đối với Do Thái giáo. Đây quả là cách sống đạo hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho con người. Đối với Người, linh hồn và cốt lõi của đạo chính là tình thương; tình thương ấy đã thúc đẩy Người đi đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá, và cái chết của Người mãi mãi là lời tố cáo về thái độ bất khoan nhượng trong niềm tin tôn giáo của con người.
Chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế và lắng nghe giáo huấn của Người, chúng ta sẽ thấy rằng, cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Trong cuộc sống đạo, nhiều lúc chúng ta thắc mắc phải ăn chay thế nào cho đúng cách? Chúa nhật có được làm việc xác không? Bỏ lễ Chúa nhật có tội hay không? Thật ra còn có những câu hỏi nền tảng hơn mà thiết tưởng chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi có phải là một tội không?
Lạy Chúa, xin giúp chúng ta ngày càng thấu hiểu và xác tín rằng, sống đạo là sống yêu thương, rằng cốt lõi của Kitô giáo chính là tình thương, để mỗi người chúng con sống đúng với tư cách là người Kitô hữu đích thực, là con của Chúa. Amen.
Nguồn: Giáo phận Phú Cường
SUY NIỆM:
Phẩm tính làm cho con người giống hình ảnh Thiên Chúa là con người có tự do. Tự do là điều mà chúng ta là con người thực sự trân trọng. Để được tự do, mọi người sẵn sàng chiến đấu và thậm chí chết vì nó. Tuy nhiên, để có được tự do tuyệt đối có lẽ chỉ là một ý niệm và chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng.
Bởi vì tự do thực sự nằm trong sự vâng phục, điều này có vẻ như là một sự mâu thuẫn của các điều kiện. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và do đó, Ngài có quyền tự do tuyệt đối để làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Nhưng khi Ngài còn ở trên trần gian, Ngài đã hạ mình khiêm nhường vâng phục Cha Ngài. Đó là một sự vâng lời thậm chí kéo theo nước mắt và đau khổ.
Tuy nhiên, chính trong sự vâng phục, Chúa Giêsu đã cho thấy tự do đích thực là gì. Bởi vì tự do đích thực được tìm thấy khi làm theo ý muốn của Chúa Cha. Chúng ta có thể có bất kỳ ý tưởng tự do nào, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Nơi Ngài, chúng ta hiểu rằng sự vâng lời mang lại tự do thực sự. Điều đó có thể không tương ứng với ý tưởng hoặc suy nghĩ của chúng ta. Nhưng khi chúng ta vâng lời và làm theo những gì Chúa Giêsu đang dạy, thì chúng ta như rượu mới trong vỏ mới.
Hôm nay chúng ta bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Có thể nói nguyên nhân căn cơ nhất gây ra sự chia rẽ Giáo hội của Chúa Kitô đó là do ý riêng, do nại vào sự tự do của con người chúng ta. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, là những người cùng tin vào Đức Giêsu Kitô, đã nhen nhúm ngay từ thời kỳ sơ khai của Giáo hội.
Bắt đầu là những căng thẳng giữa cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc lương dân. “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô."(1 Cr 1,12). Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo hội vì quan điểm thần học khác biệt và sau đó là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo.
Nhưng vào năm 1054 khi hai Giáo hội Đông Phương và Tây Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo hội bị chia rẽ thành Công Giáo và Chính Thống. Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther ở Đức, John Calvin ở Thụy sĩ, Anh Giáo với Vua Henry VIII, … Rồi các thế kỷ tiếp theo đã nảy sinh ra nhiều cộng đoàn Kitô khác nhau.
Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ và sau này là những người tin được nên một như Cha và Ngài là một. Nên một là một biểu hiện của một tình yêu tinh ròng, một tình yêu không mang dáng dấp sự vị kỷ, là sự tự do đích thật trong Chúa.
Nên một trong tình yêu của Thiên Chúa là điều tốt đẹp nhất Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Ngài đã cầu nguyện với tất cả tình thương của Ngài cho chúng ta được như thế. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha của chúng ta cho chúng ta được nên một trong tình yêu của Ngài, và cho chúng ta sức mạnh để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được lớn lên và sinh hoa kết trái giữa chúng ta. Amen.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn