THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
Mc 8,11-13
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.
12 Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”
13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
SUY NIỆM: ĐỪNG ĐỂ CHÚA THỞ DÀI
Khi đối diện với sự đòi hỏi dấu lạ của những người Pharisêu, Đức Giêsu đã thở dài. Hành động thở dài thường diễn tả sự mệt mỏi trong thân xác hoặc buồn phiền trong tâm hồn. Sự thở dài của Đức Giêsu biểu lộ một tâm trạng buồn phiền vì sự cứng lòng tin của những người Pharisêu. Ngài đã cố gắng giải thích và làm biết bao nhiêu việc tốt lành mà họ vẫn không tin vào Ngài. Chính sự ganh tỵ và lòng chai dạ đá đã cản trở họ đón nhận Đức Giêsu. Mặc dù Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi yêu thương con người, nhưng Ngài sẽ cảm thấy buồn lòng khi con người từ chối tình thương của Ngài.
Chúng ta có làm cho Chúa phải thở dài không? Khi ngoan cố chìm đắm mãi trong những thói hư tật xấu, những đam mê tội lỗi là lúc mỗi người làm cho Chúa phải thở dài. Là những người con của Thiên Chúa, chúng ta nghĩ gì khi cứ để cho Ngài phải thở dài vì sự chai lì trong tội lỗi? Những người con mà cứ làm cho cha mẹ phải thở dài u buồn vì mình thì đó là sự bất hiếu. Thiên Chúa luôn dành cho mọi người một tình yêu trọn vẹn, nhưng Ngài nhận lại là sự dửng dưng khi chúng ta sống không đúng theo đường lối của Ngài. Chính lối sống vô ơn của chúng ta làm cho Thiên Chúa phải thở dài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cố gắng sống đẹp lòng Chúa trong từng việc chúng con làm, ngõ hầu Chúa không còn phải thở dài nhưng luôn nở nụ cười trên môi. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM:
Con người ngày nay dường như lạc xa niềm tin vào Chúa. Họ chỉ tin vào những gì thấy được, nhờ khoa học. Con người còn nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong thế giới, trong cuộc sống và trong tâm hồn con người. Không tin, không đến với Chúa, cũng không yêu mến Ngài!
Bài Tin mừng thuật lại việc những người biệt phái cố chấp không, nên đòi Chúa làm dấu lạ. Chúa đặt vấn đề với họ:"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"
Chúa Giêsu đến trần gian, ban ơn cứu độ cho loài người. Chúa không đòi hỏi hay yêu cầu con người điều gì khác hơn là niềm tin vào quyền năng và tình thương của Chúa.
1.Nhiều người nhận ra Chúa cứu độ
Có nhiều người đau yếu bệnh tật, phong hủi, đui mù, què quặt, cả những người bị ma quỷ ám hại,…đến xin Chúa chữa, đều được Chúa thương và chữa lành. Khi chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhiều người Do Thái kinh ngạc, trầm trồ trước quyền năng của Chúa. Họ nói: “Một tiên tri cao cả xuất hiện giữa chúng ta. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Họ đã tin vào Chúa. Có người sau khi được chữa khỏi bệnh, hay thoát khỏi ma quỷ ám, còn đòi đi theo làm môn đệ Chúa. Những người ở khắp nơi, đã tuôn đến với Chúa ngày càng đông. Và hầu hết những người đón nhận ơn phép lạ có đức tin vững mạnh, họ rao truyền danh Chúa cho người khác.
2.Người Biệt phái cố chấp
Tuy nhiên, trước bao nhiêu phép lạ Chúa Giêsu làm, thì những người biệt phái lại cố chấp không tin vào Chúa. Họ đòi hỏi Chúa cho họ thêm những dấu lạ từ trời nữa. Không phải vì họ ưa thích, mong mỏi, trái lại vì họ thiếu thiện chí, họ không chú ý tìm chân lý nhưng chỉ để thử Chúa Giêsu. Lòng dạ của những người cứng tin này, làm cho Chúa Giêsu buồn lòng, nên Ngài không thể làm gì được cho họ được.
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào".
3.Tôi xác tín niềm tin nơi Chúa!
Hôm nay, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình:
Tôi có tin và yêu mến Chúa hay không?
Tôi có nhận ra tình thương của Chúa đã làm cho tôi hay không?
Tôi có tin vào Tin Mừng của Chúa có sức thánh hóa, biến đổi tâm hồn của tôi hay không?
Tôi có chấp nhận quyền năng của Chúa, sức mạnh của Chúa xua trừ ma quỷ, chữa lành những tật nguyền nơi tâm hồn tôi hay không?
Tôi có khiêm tốn, cậy trông và phó thác cuộc đời tôi cho Chúa không?
Tôi có năng cầu nguyện cùng Chúa và xin Ngài gìn giữ, bảo vệ tôi trong vòng tay yêu thương và quyền năng của Ngài hay không?
Chúng ta xác tín niềm tin mạnh mẽ vào Chúa. Chỉ có Chúa mới đem đến cho tôi chân lý đích thật. Chỉ có Chúa mới giải thoát tôi khỏi quyền lực của ma quỷ, sự dữ và tội lỗi. Chỉ có Chúa mới ban ơn lành, bình an và hạnh phúc cho tôi, cho gia đình tôi và cho con người.
4.Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu những người biệt phái cố chấp trước quyền năng và ơn cứu độ của Chúa ban. Xin cho chúng con đừng mù lòa trước những hành động tốt lành của Chúa.
Xin Chúa thương xót con người khổ đau, đang cần đến Ngài. Xin thánh hóa chúng con, để chúng con cũng biết làm đều tốt lành cho mọi người, nhờ đó họ nhận biết Chúa là Thiên Chúa yêu thương. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM: ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bỗng nảy ra ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua ? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách thức ấy.
Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.
Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: -Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn.
Nhà vua tức giận quát lớn: -Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy?
Lúc ấy, người chăn chiên liền quỳ xuống trước mặt vua mà nói: -Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được ?
Ngay lúc ấy nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa, không phải bằng đôi mắt thịt, nhưng bằng đôi mắt đức tin.
Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho có bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là đức tin nữa.
Vả lại Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
Do đó, chúng ta thấy Chúa rất tôn trọng tự do của con người trong niềm tin đối với Ngài. Vì thế Ngài không bao giờ làm dấu lạ để thúc bách người ta tin nhận. Như Tin mừng trình bày, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại, vậy mà người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài.
Hôm nay họ lại thách thức Ngài làm một phép lạ từ trời, nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
Thực ra những phép lạ Chúa làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố, bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Phép lạ Chúa làm chỉ có ý nghĩa và giá trị cho người thành tâm chứ không cho người Pharisêu cứng lòng. Như vậy, Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sông đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima) thì chưa hẳn là sống đạo thật, sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
Các bạn thân mến,
Xin Chúa cho chúng ta biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, để với niềm tin này chúng ta sẽ giúp người khác nhận ra một Thiên Chúa là tình yêu.
Lm. Peter. Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
SUY NIỆM: MỘT DẤU LẠ TỪ TRỜI
Câu chuyện
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng… Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh… trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước… Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?”. Nhưng người bạn lắc đầu giải thích “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Thảm trạng của con người thời đại: Con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm… con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Suy niệm
Theo văn mạch của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vừa làm nhiều phép lạ trong đó có những phép lạ lớn (x. Mc 4,35-5,43): Dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại. Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (x. Mc 8,1-10). Thế mà những người pharisiêu vẫn chưa tin Ngài, họ lại thách Ngài làm một “dấu lạ từ trời”, nghĩa là một phép lạ xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Họ không chú ý tìm chân lý nhưng chỉ để thử Ðức Giêsu, họ thiếu thiện chí, họ không tin là vì họ ngoan cố. Nơi lòng dạ những người cứng tin này, Ðức Giêsu buồn lòng, Ngài không làm gì được cho họ.
Trong phần tiếp theo của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm thêm những phép lạ khác. Những phép lạ đó không phải làm cho những người pharisiêu cứng lòng, nhưng cho những người tin. Phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu chỉ dẫn chúng ta tới đức tin. Bởi thế, nếu sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ chưa phải là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Xin cho chúng ta biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, đức tin soi chiếu từng bước chân đi vào đời.
Ý lực sống: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH THƯƠNG
Chúng ta thấy trong Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất, đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc; hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày! Trước sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.
Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: TÍN THÁC VÀO TÌNH YÊU CỦA CHÚA
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về hướng Betsaiđa; Ngài lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều.
Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa Giêsu đã dùng chữ “men” để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: “Tất cả đều là hồng ân của Chúa” bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự, chúng ta luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)