THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 20/10/2024 19:49

THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,13-21

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?”

15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’

18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’

20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’

21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

 

SUY NIỆM: KHO TÀNG GIÊSU

Tiền bạc của cải là mối bận tâm lớn của con người. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. HIện nay hệ thống tài chính nắm quyền sinh sát thế giới. Trong nền sản xuất công nghiệp phát triển, cần rất nhiều nguyên liệu và nhiên liệu. Ai có nhiều tài nguyên này sẽ giầu có. Sẽ có thế lực. Sẽ điều khiển thế giới. Vì thế ai cũng lo chiếm hữu nhiều tài nguyên. Để có nhiều tiền bạc của cải.

Nhưng nếu chỉ bận tâm về tiền bạc của cải sẽ rất nguy hiểm. Cần có ý thức về những giá trị lớn hơn, cao hơn, bền vững. Nên Chúa Giê-su cảnh báo: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Kể dụ ngôn ông nhà giầu xây kho. Toan tính rất hợp lý, có vẻ chắc chắn và lâu dài. Nhưng biết một mà không biết mười. Chúa chỉ cần đưa ra một câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai”? Tất cả sụp đổ tan tành. Điều quan trọng là bảo đảm được mạng sống. Mạng sống đời này. Nhưng nhất là mạng sống đời đời. Điều đó không nằm trong tầm tay con người. Cần có kho khác và của cải khác bền vững hơn.

Thư Rô-ma cho biết ta tìm thấy điều đó trong Chúa Giê-su Ki-tô. Như tổ phụ Áp-ra-ham đã tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Dám bỏ quê hương tài sản ra đi khi tuổi đã cao. Dám hiến tế cả đứa con trai duy nhất dù chẳng hi vọng sinh con được nữa. Chỉ giữ đức tin vào lời hứa. Tin vào một Thiên Chúa. Chỉ có một đức tin. Tin cả khi không còn gì để tin. Nên tổ phụ đã được tất cả mọi ân sủng do lời hứa của Thiên Chúa đem lại. Cũng thế, khi ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô ta cũng được tất cả. Vì Chúa Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Đã từ bỏ tất cả. Để rồi được lại tất cả. Chúa trở nên kho tàng của ta. Tin vào Chúa ta sẽ nên công chính như tổ phụ Áp-ra-ham. Sẽ được lại tất cả (năm lẻ).

Thư Ê-phê-sô giải nghĩa sâu xa hơn. Kho tàng chúng ta có không do công sức của ta. Nhưng do lòng nhân hậu của Chúa. Chúng ta đã sống theo xác thịt. Theo thế gian. Đáng phải chết. “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời”. Đó là kho tàng không bao giờ hư nát. Vì đó là kho tàng không phải do ta làm ra. Nhưng nhờ tin vào Chúa Ki-tô, ta được thụ hưởng: “Ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (năm chẵn).

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

SUY NIỆM: THẾ TRẦN PHÙ VÂN

Lời Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Là người kitô hữu, chúng ta đừng chỉ lo tìm kiếm những cái ở đời này, nhưng hơn hết, mỗi người hãy lo tích lũy cho mình một kho tàng ở trên Trời.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kể về 1 người phú hộ ruộng nương sinh nhiều hoa trái. Rồi ông ta cứ băn khoăn tìm mọi cách để tích lũy: Phá cái nhỏ để xây cái lớn, phá cái lớn để xây cái lớn hơn. Sau đó, ông ta hả hê với khối tài sản kết xù và tự nhủ với lòng: “Từ nay mình sẽ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho thỏa thích”. Thế nhưng, Chúa Giêsu bảo ông ta là “đồ ngốc! vì nội đêm nay Ta đòi lại mạng ngươi thì những thứ đó sẽ vào tay ai”.

Chúa Giêsu nói với ta như thế, không phải Ngài bảo chúng ta cứ “ngồi chờ xung rụng, mà không cần phải làm lụng gì” thưa anh chị em. Cuộc sống này không lo làm là đói! Sống trong xã hội này mà không lo dành dụm cũng có ngày sẽ đói! Nhưng Chúa Giêsu sợ chúng ta vì quá tham lam với của cải vật chất, mà mất đi phần rỗi linh hồn.

Bởi có những người vì muốn có được thật nhiều tiền của, nên “làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm, rồi làm thêm cả ngày Chúa nhật”, làm đến nỗi quên cả Chúa, quên cả nhà thờ, quên cả lễ lạy.  Có những người cắm đầu cắm cổ làm đến hao gầy kiệt sức, đùng một cái ngã bệnh nằm xuống, muốn sống thêm một ngày cũng không được, muốn sống thêm một giờ để sám hối ăn năn cũng không có!

Hãy nhớ điều này, cái chết chẳng kiêng nể ai: Già thì chết đã đành, mà trẻ cũng lăn đùng ra chết như thường. Không phải ai cũng được những “giây phút vàng” như người trộm lành để sám hối quay đầu đâu thưa cộng đoàn. Chính vì thế, Chúa Giêsu  muốn chúng ta “hãy ra công làm việc, nhưng không phải vì lương thực mau hư nát, mà là để có lương thực đem lại cho ta sự sống đời đời”.

Tóm lại, lời Chúa hôm nay nhắc đi nhắc lại với chúng ta chỉ 1 điều duy nhất, đó là: Tất cả những cái ở đời này chỉ là phù vân mà thôi: của cải vật chất cũng là phù vân, hưởng thụ khoái lạc cũng là phù vân… Do đó, đừng vì chúng mà đánh đổi cả phần rỗi linh hồn mình. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: HÃY TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với một suy gẫm dài về những hậu quả làm băng hoại người môn đệ Chúa Giêsu bởi của cải vật chất. Đề tài này sẽ được tiếp tục cho đến câu 34 và sẽ được lặp lại trong câu 45. Hai câu mở đầu trong bài Tin Mừng cho thấy khuynh hướng “đam mê” của cải vật chất của con người: Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: ‘Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?’” (Lc 12:13-14). Trong những lời này, chúng ta có thể nhận ra việc tranh chấp “gia tài” giữa hai anh em trong cùng một gia đình. Chi tiết này cho thấy của cải vật chất có thể làm rạn nứt hay phá hoại tương quan trong gia đình. Chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc sống thường ngày: con cái từ bố mẹ, anh chị em không nhìn mặt nhau chỉ vì một miếng đất, một số tiền; vợ chồng cãi cọ, bỏ nhau cũng chỉ vì vấn đề tiền bạc; bạn bè trở thành kẻ thù của nhau và còn nhiều mối tương quan khác bị phá huỷ cũng chỉ bởi vật chất. Tại sao chúng ta lại để cho những thứ không hồn, không trường sinh làm chủ và huỷ hoại chúng ta, những con người có hồn và có sự sống vĩnh cửu?

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu về việc giữ mình khỏi mọi thứ tham lam đáng để chúng ta suy gẫm: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là một phần của luận chiến chống lại những thầy dạy giả tạo trong cộng đoàn. Họ là những người chu toàn công việc với mục đích thu gom của cải vật chất hơn là mang lại ích lợi thiêng liêng cho những người nghe. Chính thái độ tham lam của cải vật chất làm cho người môn đệ Chúa Giêsu khép mình lại trong những gì mình có và quên mất vai trò của mình là những người mang Tin Mừng đến cho anh chị em. Chúng ta đang tham lam điều gì: của cải dưới đất hay của cải trên trời? Dụ ngôn Chúa Giêsu giúp chúng ta biết mình phải tham lam điều gì.

Một chi tiết quan trọng nhất trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể là cách sử dụng từ ngữ để cho thấy đâu là mấu chốt của “sự ngu ngốc” của nhà phú hộ. Hình ảnh của nhà phú hộ được vén mở theo những bước sau: (1) Ông ta là người có nhiều của cải vật chất [“ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”] (Lc 12:16). Ở đây, chúng ta thấy ông phú hộ không có gì sai và có thể nói là ông được chúc lành. (2) Vì có nhiều của cải nên ông mới “nghĩ bụng” về việc làm thế nào với tài sản của mình (x. Lc 12:16). Ở bước này, chúng ta thấy ông ta đang tìm cho mình một cách thức để sử dụng của cải mình có. (3) Sau khi “nghĩ bụng” xong, ông “tự bảo” sẽ phá cái cũ, xây cái mới để tích trữ tất cả những gì ông có vào trong đó. Lại một lần nữa, chúng ta có thể nói ông vẫn chưa có gì sai, vì đó là điều chúng ta thường làm [phá đi cái cũ mà không thể chứa đựng những gì mình có và xây lại cái lớn hơn để chứa đựng hoa lợi]. (4) Điều đáng khiển trách của ông phú hộ là việc “nhủ lòng” của ông: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Trong những lời này chúng ta có thể nhận ra sự “ích kỷ” của ông phú hộ. Điều này được chứng tỏ rõ ràng hơn qua việc ông tập trung vào chính mình đến nỗi loại trừ Thiên Chúa và người khác ra khỏi cuộc sống mình. Thứ ông ta luôn nghĩ đến chỉ là của cải vật chất. Chỉ trong 4 câu, thuật ngữ “tôi” và “của tôi” lặp lại nhiều lần. Nói cách cụ thể hơn, điều làm cho ông phú hộ bị lên án là ông chỉ tìm kiếm, tích trữ, và sử dụng của cải mình có cho riêng mình mà không nghĩ đến người khác. Thành thật mà nói, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã hành xử như nhà phú hộ. Chúng ta cũng ích kỷ, chỉ nghĩ đến chính mình, tìm kiếm niềm vui chóng qua và tạm thời đến nỗi Thiên Chúa và người khác không có chỗ trong con tim chúng ta. Lời khiển trách của Chúa Giêsu làm chúng ta thức tỉnh: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Những lời này nhắc nhở đến một thực tế mà chúng ta phải đối diện, đó là cái chết. Thật vậy, chính cái chết sẽ làm chúng ta bỏ lại tất cả những gì chúng ta thu gom và tích trữ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị trong cuộc sống của mình. Những gì chúng ta có phải được chia sẻ cho người khác. Đó là cách thức làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi ngày hãy trao cho nhau những gì Chúa đã ban cho chúng ta: một nụ cười, một lời khen, một lời khích lệ, một vật gì đó làm người khác hạnh phúc và cảm thấy gần Chúa và gần nhau.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: ÐIỀU CHỈNH HƯỚNG ÐI

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau:

Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:

Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.

Con người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.

Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?

Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.

Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.

Dù phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM: HÃY COI CHỪNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA! 

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.

Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.

Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: “Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Ngược lại, họ lại trở thành kẻ ích kỷ như nhà phú hộ giàu có đối xử với Lazarô nghèo khổ không bằng con chó trước cửa nhà ông.

Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội… Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.

Thật vậy, ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM: MỘT KHO LẪM LỚN HƠN

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Đến thăm “Nhà thờ Xương” ở Rôma, bạn bước vào một một bảo tàng viện phảng phất ‘mùi thơm’ người chết vốn được thiết kế tuyệt đẹp với 4,000 bộ xương của các thầy dòng Capuchin. Ai không quen nghệ thuật, nó có thể hơi bệnh hoạn, nhưng ‘cung điện’ này vẫn nói lên nhiều điều. Du khách không biết ai phổng phao, ai còi cọc; ai thông tuệ, ai lú lấp; ai duyên dáng, ai thô kệch. Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến! Một tấm biển ghi: “Một ngày nào đó, bạn giống tôi; một ngày nào đó, tôi giống bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hình ảnh ‘kho lẫm xương người’ đưa chúng ta về với những kho lẫm lớn hơn của ông phú hộ trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng, “Con sẽ không mang theo gì cả, dù con có ‘một kho lẫm lớn hơn’ đầy của cải!”.

Vậy điều gì sẽ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc? ‘Một kho lẫm lớn hơn’ hay ‘một trái tim lớn hơn?’. Với một số người, hạnh phúc dâng trào khi hình ảnh họ in ở trang nhất các tạp chí; số khác, ở những chỗ khác. Thế nhưng, về căn bản, những ‘kho lẫm lớn hơn’ ấy đều giống nhau; một căn nhà ‘biệt phủ’ hơn, một chiếc xe ‘đời mới’ hơn, loại son môi ‘Evà’ hơn, những kỳ nghỉ ‘thiên đàng’ hơn.

Người giàu tin rằng, khả năng hưởng thụ càng cao, hạnh phúc càng nhiều. Ảo tưởng! Họ khác nào con chuột trên một bánh xe quay. Nó nhảy nhót, chuyển động rất nhiều nhưng không đi đến đâu. Con người đầu tư tài năng sức lực để có được nhiều thứ, nhưng đâu biết rằng, ‘một kho lẫm lớn hơn’ chỉ mang lại niềm vui nhỏ hơn. Bởi lẽ, chính trái tim, chứ không phải nhà kho, mới là cái thực sự cần được mở rộng; ở đó, niềm vui dẫu nhỏ bé, vẫn là niềm vui vĩnh cửu, thiên đàng. Chính khi trái tim khao khát tình yêu, thì sự bồn chồn ‘kiểu Augustinô’ sẽ không bao giờ cho ai ngơi nghỉ, mãi đến khi họ gặp được Thiên Chúa; đồng thời, khám phá ra lòng thương xót của Ngài.

Hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Cuộc sống của Ngài dành cho Chúa Cha và những kẻ Cha trao phó. Đó là dấu hiệu lớn nhất của tình yêu! Cuộc sống của Ngài là một cuộc sống được nhận và trao từ Chúa Cha; và qua tình yêu dành cho Cha, Ngài trao nó cho mọi người. Vì không ai có thể tự nhận là chủ cuộc đời mình! Vậy làm sao cuộc sống của bạn và tôi có thể có ý nghĩa nếu nó ‘quay lưng lại với chính nó’ và hài lòng khi nói, “Mình bây giờ ê hề của cải. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nếu cuộc sống của Chúa Giêsu là một món quà được nhận và trao, thì cuộc sống của bạn và tôi cũng phải là quà tặng dành cho Thiên Chúa và tha nhân, bởi “Ai yêu mạng sống mình, sẽ mất nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Vì lẽ, “Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến!”. Chúa Giêsu dạy chúng ta xây cho mình ‘một kho lẫm lớn hơn’ đích thực là chính Ngài, Đấng mà Phaolô, trong thư Rôma hôm nay nói, “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”. Vì thế, điều quan trọng không phải là có ‘một kho lẫm lớn hơn’ nhưng là ‘một con tim lớn hơn đầy Thiên Chúa’. Và chính Ngài sẽ dạy chúng ta làm giàu nó khi biết cho đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con có thể giàu có, nhưng cuộc đời con không chỉ có của cải! Cho con khôn ngoan nhận ra rằng, cuộc sống ngắn ngủi, con phải sống cho một mình Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM: KHO TÀNG TRÊN TRỜI

Sống ở đời, ai trong chúng ta cũng sở hữu 3 thứ, gắn bó thiết thân với ta như 3 người bạn. Thế nhưng, không phải ai cũng tốt với ta, không phải ai cũng bênh vực cho ta khi ta gặp hoạn nạn, không phải ai cũng trung thành với ta cho đến hơi thở cuối cùng.

Người bạn thứ nhất lập tức bỏ ta ngay khi ta nhắm mắt lìa đời, đó là của cải. Khi chết, ta không mang được gì cả, dù giàu sang phú quí như người phú hộ trong Tin Mừng, chúng ta vẫn trắng tay đi ra trước toà Chúa. Người bạn thứ hai còn tiếc thương rơi lệ tiễn ta đến mộ phần rồi cũng bỏ ta ở lại đó, đó là những người thân yêu của chúng ta. Dù yêu ta đến mức nào đi nữa họ cũng không thể chết theo ta, dù gắn bó với ta mật thiết đến đâu họ cũng sẽ quên ta. Cuối cùng, trên chặng đường đến trước toà Chúa, chúng ta cũng chỉ bước đi một mình. Người bạn thứ ba là những việc lành phúc đức chúng ta đã làm khi còn sống sẽ trung thành đi theo ta đến tận toà phán xét. Đó là những việc chúng ta làm cho “một trong những anh em bé mọn,” dù đó chỉ là “một cốc nước lã” nhưng với tất cả lòng yêu mến như thể làm cho chính Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cách thức “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” Ham mê của cải như ông phú hộ trong Tin Mừng là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Chúa bảo đó là người ngu dại, bám víu vào những thứ chóng qua, lệ thuộc vào những mong manh đời tạm. Của cải vật chất tự nó không xấu cũng như giàu có chính đáng là điều Chúa Giêsu luôn khuyến khích chúng ta. Chúa không muốn các Kitô hữu là những kẻ thụ động, “ăn không ngồi rồi”, không biết lao động mà chỉ chờ để hưởng lời chúc phúc của Chúa. Trái lại, Chúa luôn đề cao những người lao động. Suốt 30 năm sống trong gia đình Nazareth với cha mẹ, Chúa Giêsu cũng vất vả lao động để nuôi sống gia đình của Ngài. Người có nhiều của cải chứng tỏ người đó siêng năng lao động, nhiệt tình sáng tạo ra của cải cho xã hội, làm giàu cho xã hội. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn, những người gắp hoạn nạn, rủi ro, những người nghèo khổ. Trách nhiệm của những người giàu là nâng cao phẩm giá con người, nhất là người nghèo, tạo điều kiện để họ được hưởng nền giáo dục toàn diện, được tham gia vào cộng đồng xã hội cách bình đẳng, đó là thực thi đức công bình và yêu thương.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Lời Chúa dạy quá rõ ràng, điều Chúa yêu cầu rất khả thi. Hiện tại con không giàu có như ông phú hộ nhưng con có thể cho người khác tài năng, sức khoẻ, lòng nhiệt thành. Tiền bạc con không có nhưng con có thể cho người khác sự cảm thông, mối quan tâm và niềm khích lệ. Khả năng phục vụ người khác của con hạn hẹp nhưng Chúa dạy con yêu mến bằng con tim rộng mở không biên giới. Chúa còn dạy con “hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát nhưng để có lương thực trường tồn mang lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27). Xin cho con khi mải mê xây dựng quê hương trần thế luôn biết hướng về phúc lộc Nước Trời, nơi Chúa dành sẵn cho những ai một lòng gắn bó với Chúa và phục vụ anh em cách vô vị lợi. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây