THỨ HAI TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lc 14,12-14
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.
13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Tình yêu của Chúa bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Ngài mời gọi chúng ta sống như Ngài: cư xử với nhau cách quảng đại và vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay đang bị đảo lộn, giá trị vật chất nhiều lúc được đặt trên giá trị tinh thần. Cuộc sống giữa con người với nhau thường dựa trên sự trao đổi song phương, hợp đồng hai chiều. Vì vậy, người ta ái ngại khi kết thân làm bạn với những người nghèo khổ, cô thân cô thế.
Lạy Chúa, khi suy gẫm Lời Chúa hôm nay, con nhận ra mình chỉ là kẻ nghèo khó thấp hèn, nhưng suốt bao nhiêu năm tháng qua, Chúa đã ban cho con vô vàn ân huệ mà không đòi hỏi gì cả. Chúa đã ban tặng nhưng không. Phần con đã so đo tính toán hơn thiệt. Khi giúp ai việc gì, con bắt họ trả công, đền ơn đáp nghĩa. Khi ai tặng một món quà, thì con cũng nhớ một dịp nào đó để tặng lại. Thậm chí, đôi lúc cho thì ít mà muốn nhận lại thì nhiều, hoặc tệ hơn nữa, nhận vào mà không muốn cho đi. Con muốn giao du với người giàu sang quyền quý, còn người nghèo khổ, con ngại ngùng gặp gỡ, tình thương dành cho họ chỉ là những lời an ủi ngoài môi, chứ trong lòng không một chút xót thương, cảm thông.
Lạy Chúa, con đã coi của cải vật chất trọng hơn con người. Con đã sống ích kỷ và vô tâm trước tình thương Chúa dành cho con, và xin ban cho con một quả tim của Chúa, để con sống quảng đại, biết cho đi mà không cần tính toán, biết trao ban mà không mong đền đáp. Xin giúp con biết phục vụ trong tình yêu thương. Amen.
Ghi nhớ: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại? Thường người ta tính toán rất kỹ khi đến với nhau. Hòn đất ném đi, hòn chì phải ném lại. Cho đi mà không được lại thì dần dần tình thân sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình.
Còn ngược lại, Ðức Giêsu dạy rằng: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho những người không có khả năng đền đáp. Cho bất cứ người nào cần, chứ không “lựa mặt”. Ðấy mới là cho thật tình, cho hết lòng.
Chúng ta sẽ chọn lối sống nào: của người đời, hay của Ðức Giêsu?
Tâm lý thường tình của con người vẫn là: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau” hoặc “Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu”. Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có qua có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM: SỐNG ĐỂ TÂM ĐẾN LÒNG THƯƠNG XÓT
Một cha sở sống lâu ở giáo xứ, thanh lễ nào cũng giảng riết rồi cộng đoàn quen những câu chuyện, những lời nói, vì thế mỗi khi giảng là cộng đoàn nhắm mắt ngủ, vì thế một hôm ngài muốn làm khác đi một chút. Hôm đó sau khi đọc xong Tin mừng, ngài mới hắng giọng và nói: “Thú thật với quý ông bà anh chị em- mọi người bắt đầu chú ý – ngài chậm rãi nói tiếp: Tôi muốn nói cho quý ÔBACE một điều quan trọng. – Mọi người mở to mắt. Ngài tiếp tục từ từ nói: Tôi trót yêu một người phụ nữ. – Mọi người nhao về phía trước căng tai mà nghe. Ngài hắng giọng nói tiếp: Mà không dứt ra được. Mọi người hồi hộp chờ đợi- ngài nói tiếp: Thưa quý ôBACE, người phụ nữ đó chính là . . .Đức Maria. Lúc này mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Kính thưa cộng đoàn, câu truyện trên để minh họa cho bài Tin mừng hôm nay, đôi khi Chúa Giêsu cũng dùng những kiểu nói hơi sốc để khởi đầu sứ điệp Ngài sắp rao giảng.
1/ Sống và để tâm đến người nghèo
Tin mừng kể: “Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”.
Lẽ thường đến nhà người mời mình dùng tiệc, ta thường nói những lời tế nhị, những lời khéo léo, ấy vậy mà Chúa Giêsu dùng từ hơi sốc. Chắc chắn Chúa không chỉ muốn kích thích tính hiếu kỳ của thính giả... Ngài hướng đến một bài học quan trọng để khuyên dạy ta. Đó là giá trị vài vai trò của người nghèo, người kém may mắn. Quả thế, Giáo hội của Ngài sẽ chẳng ai đón nhận nếu trong đó những người này không được trân trọng, được đề cao, và ngày hôm nay cũng vậy, Giáo hội còn tồn tại chỉ khi nơi đó những người nghèo, người kém may mắn vẫn còn chỗ đứng trong giáo hội. Người tín hữu là người sống và để tâm đến người nghèo, người kém may mắn mới là người tín hữu của Tin mừng.
2/ Sống để tâm đến lòng thương xót.
Thánh Phaolô cũng dùng kiểu nói “dài dòng” để làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa, khi ngài nêu ra sự tương tác giữa Do Thái và lương dân. Người Do Thái được thương xót bởi vì sự cứng lòng của người lương dân, và ngược lại người lương dân được thương xót bởi vì sự cứng lòng của người Do Thái, và ngài kết luận: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.
Dụ ngôn người Cha nhân hậu lý giải cho tư tưởng của thánh Phaolô. Thiên Chúa là phải để cho con người đi hoang để khi trở về thương xót nó. Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót số 9 viết: “Thiên Chúa như một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót.”
Sống để tâm đến lòng thương xót là sống Tin mừng, là sống Tân Phúc Âm Hóa, ước gì người tín hữu luôn cắt nghĩa những lỗi lầm của anh chị em dưới lăng kính lòng thương xót.
Tam Thái
SUY NIỆM : BÁC ÁI VÔ VỊ LỢI
Tâm lý thường tình của con người vẫn là: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau” hoặc “Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu”. Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có… Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: TÌNH YÊU LÀ ÂN HUỆ TẶNG KHÔNG
“Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc. 14, 13-14)
Khi kêu gọi quý khách hạ mình xuống để được vào nước trời, bây giờ Đức Giêsu chỉ dẫn chủ mời cần điều chỉnh mọi hành động của ông theo tình yêu Thiên Chúa để yêu người.
Tình yêu vụ lợi không được cứu độ.
Đối với dân Do thái, mời ăn tiệc là tỏ lòng thân ái và tình bạn. Họ chỉ mời những bạn hữu, anh chị em, cha mẹ, bà con và những người láng giềng giàu có, để mong được mời lại. Hành động của họ không đặt nền tảng trên tình yêu như Chúa truyền dạy. Đó là cách yêu mình, yêu vụ lợi.
Đức Giêsu không nói đừng bao giờ mời bạn hữu. Những người lương dân thường làm thế, nhưng đó không phải là dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ phải tìm theo Chúa, không được đòi Chúa phải theo mình trong mọi việc của mình. Môn đệ phải sẵn sàng yêu mến, và chia sẻ cơm áo cho những người Chúa yêu, như kẻ nghèo khổ, què quặt, mù lòa.
Chỉ có ơn tặng không mới mở được cửa nước trời.
Con đường của Chúa vượt tới từ bỏ chính mình, tới vô vị lợi tuyệt đối. Nếu bạn mời những kẻ bất hạnh, họ không thể mời lại bạn, bạn mở con tim ra cho họ bằng một tình yêu vô tư, tặng không, như chính Thiên Chúa yêu họ.
Trước đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và phần thưởng trong ngày sống lại và phán xét.
Chính Chúa Giêsu ban bữa tiệc tình yêu và truyền lại cho các môn đệ làm mà nhớ đến cái chết hy sinh của Người. Trong bữa tiệc thánh đặc biệt này, Người không phân biệt và loại trừ một ai. Bữa tiệc Thánh Thể này cần mở ra mời hết mọi người, không phân biệt giai cấp xã hội, chủng tộc hay phẩm giá của họ.
Ta chỉ cần đọc lại thư của thánh Gia-cô-bê và những thư của thánh Phao-lô để nhận thấy Giáo hội sơ khai đã tha thiết nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu nói với biệt phái khi họ mời Người.
Tình yêu là một ân huệ Thiên Chúa tặng không cho ta. Ta đã được cho không, thì phải tặng lại một cách quảng đại vô vị lợi.
RC