THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,11-15
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 15 Ai có tai thì nghe.”
SUY NIỆM: DỌN ĐƯỜNG
Chính nhờ Juan Điêgô mà Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa lần đầu tiên đã mạc khải chính mình cho thế giới với tước hiệu Đức Mẹ Guađalup. Juan Điêgô sống vào thế kỷ thứ 16 khi Mêxicô lúc ấy chỉ được biết đến với cái tên Thung Lũng Anahuac. Juan Điêgô thuộc gốc người Chichimeca, và có tên gọi là “con Đại Bàng biết nói.” Juan Điêgô là tên thánh của ngài.
Vào ngày 12 tháng Mười Hai, ngày lễ kính Đức Mẹ Guađalup, (chúng ta có thể đọc cuốn sách Các sự kiện lạ lùng về việc Đức Mẹ hiện ra với Juan Điêgô), khi nhiệm vụ đặc biệt của Juan hoàn tất, người ta nói rằng ngài đã đi tu làm ẩn sĩ. Juan dùng phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sám hối. Túp lều nhỏ của Juan nằm gần bên ngôi đền thờ đầu tiên được xây trên ngọn đồi Têpêyac. Juan rất được dân chúng quý trọng. Các bậc cha mẹ đều coi đó như niềm ao ước lớn nhất của họ nếu con cái họ cũng sống như Juan Điêgô.
Juan trông coi ngôi đền nhỏ và chào đón những khánh hành hương tới kính viếng Đức Mẹ Guađalup. Ngài chỉ cho họ xem tilma, hay còn gọi là tấm áo choàng kỳ diệu, có in hình Đức Mẹ.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong Juan Điêgô lên bậc chân phước ngày 6 tháng 5 năm 1990. Đức Thánh Cha đã thân hành đến viếng ngôi thánh đường nguy nga dâng kính Đức Mẹ Guađalup. Ở đó, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho tất cả mọi người dân Mêxicô, cách riêng cho những người bị giết chết trong cuộc bách hại Giáo hội khủng khiếp vào nửa đầu thế kỷ thứ 20. Ngài cũng cầu nguyện cho hết thảy các khách hành hương đến viếng ngôi thánh đường xinh đẹp này với niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa. Juan Điêgô được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh hôm 31 tháng Bảy năm 2002.
Thánh Juan Điêgô là một người rất nhạy cảm và hay cầu nguyện. Lối sống của thánh nhân đã giúp người khác nhận ra tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người trong bức ảnh Guađalup kỳ diệu
Đôi khi sự vâng lời đơn sơ là tất cả những gì làm trung gian chúng ta và sức mạnh tuyệt vời của Thiên Chúa.
Sự thật này được chứng minh rõ rệt trong cuộc đời của Thánh Gioan Điêgô, người Ấn Độ da đỏ ở Mêxicô, lòng trung thành của thánh nhân đã thay đổi tiến trình lịch sử.
Vào tháng 12 năm 1531, Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện với Gioan Điêgô trên đồi Tepeyac gần Thành phố Mêxicô ngày nay và yêu cầu Gioan Điêgô mang một thông điệp đến cho giám mục địa phương, tên là Juan de Zumarraga. Mẹ muốn xây dựng một nhà nguyện trên đồi Tepeyac, nơi Mẹ sẽ lắng nghe tiếng khóc của mọi người và sẽ giúp đỡ họ trong những nỗi buồn phiền, những nhu cầu cần thiết và trong những nỗi bất hạnh của họ”. Một cuộc hoán cải mới đối với Đạo Công Giáo, nên Gioan Điêgô lập tức vâng lời Đức Mẹ và đi đến Zumarraga. Nhưng vị giám mục đã không coi trọng Gioan Điêgô. Khi Đức Maria yêu cầu Gioan Điêgô quay trở lại, ngài thưa với Mẹ hãy sai ai đó biết ăn nói hùng hồn hơn. Nhưng Đức Maria khăng khăng nói: “Có nhiều người Mẹ có thể sai đi. Nhưng con là người Mẹ đã chọn.
Gioan ngoan ngoãn trở lại gặp vị giám mục, người bảo anh hãy xin một dấu hiệu. Gioan đã mang đến cho giám mục không chỉ một thứ: những bông hoa hồng Castile (tỉnh Tây Ban Nha) mà bình thường không có vào tháng Mười Hai, và hết sức ngạc nhiên, một hình ảnh tuyệt đẹp của Đức Maria, in một cách kỳ diệu trên chiếc áo choàng của Gioan. Cho đến ngày nay, chiếc áo choàng miêu tả hình ảnh Đức Maria mang thai Chúa Giêsu, đôi chân Mẹ đang đạp nát đầu Satan vẫn còn.
Vì Gioan Điêgô đã thưa “vâng (có)” với yêu cầu của Đức Maria, nhà thờ mà Mẹ yêu cầu đã được xây dựng. Gioan sống bên cạnh nhà thờ trong suốt phần đời còn lại của mình, ngài kể cho du khách câu chuyện đã xảy ra và cho họ xem chiếc áo choàng kỳ diệu của của mình. Tin về sự hiện ra của Đức Maria lan đi và ngày càng nhiều người đến với Giáo Hội, hàng triệu người đã từ bỏ những mê tín của tổ tiên họ và đã được biến đổi tin vào Chúa Kitô. Đó là cuộc truyền giáo vĩ đại đầu tiên của châu Mỹ.
Những sự kiện này đã xảy ra từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chúng vẫn nói với chúng ta ngày hôm nay. Trong một nền văn hóa tuyệt vọng đang rất cần Tin Mừng, chúng ta cũng được mời gọi trở nên ánh sáng cho dân Chúa. Giống như Thánh Gioan Điêgô, chúng ta không thể biết kết quả của sự vâng lời của chúng ta sẽ ra sao. Nhiệm vụ mà Chúa ban cho chúng ta thực sự có thể trông rất đơn giản. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy sự thúc đẩy để nói: “Không phải con!” Chúng ta hãy nhớ rằng tiếng “có” của chúng ta có thể là chìa khóa mở ra phép màu.
Được đặt trong lộ trình Mùa Vọng, đoạn Tin Mừng hôm nay góp một nét vẽ khắc họa nên chân dung Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu xác nhận ông là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ ; ông là hiện thân của ngôn sứ Êlia với sứ mạng kêu gọi người ta sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế.
Cao trọng là vậy, nhưng nhiệm vụ của Gioan xem ra rất đỗi bình thường, chẳng khác một phu dọn đường quét rác là mấy ; có khác chăng, con đường đây chính là lòng người, rác rưởi đây được hiểu là những lỗi tội của con người. Cao trọng là vậy, mà Gioan vẫn bị xếp dưới hạng so với những công dân Nước Trời. “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”, tuyên bố có vẻ mâu thuẫn và phần nào gây sốc này của Chúa Giêsu dường như lại hé mở một ngõ mới, lại chắp thêm cánh cho con người trên hành trình tìm kiếm trường sinh và hạnh phúc vĩnh cửu, đó là niềm khát mong chiếm được Nước Trời.
Khát mong này không phải là giấc mơ viển vông, cũng không phải là hy vọng hão huyền, nó là ước mơ chính đáng, phải đạo và có thể đạt được.
Và rồi chúng ta sẽ hỏi làm thế nào để đạt được ước mơ thành công dân Nước Trời ? – Chúa Giêsu đã trả lời khi nói rằng: Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Làm thế nào để có được sức mạnh ấy ?
Thiết nghĩ một mặt ta cần tin tưởng vào Chúa, Đấng đã hứa sẽ đến cứu ta (x. Is 41, 13 – 20); mặt khác ta cần can đảm lao vào cuộc chiến đấu với bản thân mình vốn dẫy đầy những lỗi tội và yếu đuối, vốn hay đòi hỏi những điều nguy hại cho linh hồn ; ngoài ra, cũng cần dứt khoát vượt thắng những cản trở ngoài ý muốn của ta nhưng không nằm ngoài kế hoạch của ma quỷ và những thế lực thù địch vốn tìm mọi cách kéo ta xa lạc con đường về Trời.
Hôm nay, rất có thể tôi, bạn và anh chị, ta được đặt trước hai con đường với hai lựa chọn rõ rệt: ở trong hay ở ngoài Nước Trời ? Nếu chọn ở trong Nước Trời, hẳn ta đã biết mình phải làm gì. Nhưng có lẽ đây không phải là lần đầu tiên hay bây giờ ta mới lựa chọn. Ta đã chọn từ lâu, và ngay lúc này ta vẫn dễ dàng xác tín về lựa chọn ấy. Có điều là ta dường như vẫn còn trong vòng luẩn quẩn, vào - ra đến khó hiểu, đến sốt ruột vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiến nhanh và tiến xa trên lối về Thiên Cung.
Hôm nay, lúc này, hẳn là dịp thuận tiện, là ngày lành tháng tốt để ta mời Chúa đến, để ta dám đặt tay mình vào bàn tay Chúa ngõ hầu Người có thể dắt ta đi, cùng ta chiến đấu và chiến thắng những khó khăn cản bước ; ngõ hầu Người có thể giúp ta hiểu và yêu mến những nghịch lý của Tin Mừng mà ở đó, các thang giá trị bị đảo ngược đến không ngờ như người rốt hết sẽ lên hàng đầu, hạt giống thối nát sẽ sinh cây xanh tốt, hạt giống bé tẹo sẽ tạo cây cao lớn, ...
Tất cả viễn ảnh trên sẽ trở thành hiện thực, nếu ta muốn chấp nhận sứ mạng dọn đường của Gioan tiền hô, nếu ta muốn dùng đôi tai để lắng nghe tiếng gọi sám hối của ông và can đảm qua trở về dọn lòng đón Đấng Cứu Thế. Hãy để cho Lời chạm vào hồn ta và chính Lời sẽ uốn nắn, đẽo gọt, sửa chữa hồn ta thành máng ấm cỏ êm cho Hài Vương vui ngự ; và nhất là biến ta thành những Gioan tiền hô mới, những phu dọn đường cho con người thời đại ngày nay, cho những anh chị em đang lạc đường xa lối và cho những anh chị em chưa từng được nghe Tin Mừng.
Huệ Minh
SUY NIỆM: GIOAN TẨY GIẢ LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG
Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!
Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế, và, ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: NƯỚC TRỜI PHẢI DÙNG SỨC MẠNH MỚI CHIẾM ĐƯỢC
Vâng! Quả là bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh cũng đặc biệt, con người đó là Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu ca tụng ông vì ông có một số đức tính cao cả mà ít ai có được như ông.
Trước hết, ông là một người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” (Mt 11,7) Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình. .
Thứ đến là ông dám hy sinh vì sứ mạng.
Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.
Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người nói:
– Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?
Ông thều thào:
– Cứ nhìn vào trong xe thì biết!
Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.
Người nông dân hy sinh vì đứa con. Gioan Tẩy Giả hy sinh vì sứ mạng. Vì sứ mạng, Gioan từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống nghèo khó. Cuộc sống của ông rất đơn giản và đạm bạc: thức ăn là những thứ tìm được ở rừng, đồ mặc thì làm bằng những tấm da thú; dép ông mang ở dưới chân cũng như vậy.
Và sau cùng, ông dám lãnh nhận một sứ mệnh mà ông biết là rất khó khăn: “Các ngươi lên rừng xem gì? Xem một tiên tri ư? Ta bảo các ngươi: còn hơn cả một tiên tri nữa. ” (Mt 11,9) Về ông đã có lời chép: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”.
Vâng! Gioan quả xứng đáng với lời ca tụng của Chúa. .
Thế nhưng, Chúa lại nói thêm: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Gioan cao trọng nhưng chỉ cao trọng hơn những người ở trần gian. Còn một thực tại khác cao trọng hơn. Đó là Nước Trời và những người được ở trong Nước đó. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao như vậy vì có sự hiện diện của Chúa. Cho nên những người ở trong Nước đó dù có nhỏ cũng còn cao trọng hơn Gioan.
Nhưng ai là người xứng đáng được ở trong Nước đó? Chúa Giêsu đã chẳng dấu diếm gì những điều Ngài đòi hỏi: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được” (Mt 11,12).
Trong một cuốn sách nổi tiếng viết cho giới trẻ, Đức Cha Tiamer Toth đã để lại những lời như thế này: “Nam tướng J. Eotvos, một nhà tư tưởng có tiếng của Hungary đã nói:
“Giá trị chân chính của con người không phải bởi trí năng, nhưng là bởi sức mạnh của chí khí”
Một mùa xuân, anh nông dân đứng bên cạnh thửa ruộng, đưa mắt nhìn những luống cày thân yêu đang phơi mình dưới ánh sáng và tự hỏi:
– Năm nay, hỡi mảnh ruộng của ta, mi có đem lại cho ta cái gì chăng?
Những mảnh ruộng kia lại trả lời bằng một câu hỏi khác:
– Nhưng thưa ông, trước hết ông hãy cho tôi biết ông định cho tôi cái gì đã?
Người bạn trẻ cũng dừng bước trước cánh cửa nhiệm mầu của đời sống và cũng hỏi một lời tương tự:
– Hỡi đời sống, mi có dành cho ta cái gì không? Cái gì sẽ chờ đợi ta từ năm này sang năm khác?
Nhưng đời sống sẽ đáp lại chàng trẻ tuổi:
– Hỡi anh, điều đó còn tùy ở những gì anh cho tôi, phần của anh sẽ được xứng với công việc của anh. Anh sẽ hái quả của hạt giống anh gieo.
Vào thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê tên là Barlaam bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.
Người ta giục anh: “Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho Thần Linh chúng ta đi!”
– “Không”! Anh trả lời.
Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng im. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ rơi hương xuống lửa:
– Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do!
– Không.
Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng im, tay giơ lên. . . ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy. . .
Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa.
Vâng, một quả tim quả cảm, biết chịu đựng! Đó chính là sức mạnh để chiếm Nước Trời.
Lạy Chúa, chúng con là những kẻ yếu đuối. Xin nâng đỡ chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ của Người. Xin cho chúng con biết vươn mình lên, mặc cho những sóng gió tung hoành, để đáng được ở bên Người và được Người chia sẻ vinh quang. (Epphata).
Lm Giuse Đinh Tất Quý
SUY NIỆM: GIỚI THIỆU
Vai trò của ông Gioan Tẩy Giả là đi trước dọn đường và giới thiệu về Đấng Thiên Sai sẽ đến sau. Vậy mà điều ngược lại đã xảy ra khi Chúa Giêsu giới thiệu và đề cao vai trò của ông Gioan Tẩy Giả.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu về vai trò quan trọng của ông Gioan Tẩy Giả: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11). Chúng ta tự hỏi tại sao ông Gioan lại được đề cao như vậy? Quả thật, ông cao trọng vì được Chúa viếng thăm khi còn trong bụng mẹ, và ông đã khiêm tốn thực hiện trọn vẹn vai trò chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Ông hiểu được vị thế của Đấng đến sau và ông không đáng để cởi quai dép cho Người. Vì hiểu được sứ mệnh là người tiền hô, ông đã làm chứng bằng cả đời sống chứng nhân của mình. Thậm chí ông sẵn sàng chịu chết để bảo vệ đức tin, bảo vệ chân lý và lẽ phải.
Với vai trò quan trọng như vậy, ông Gioan Tẩy Giả được Chúa Giêsu giới thiệu và đề cao là điều dễ hiểu. Tuy vậy, Chúa Giêsu cũng xác định rõ rằng dù cao trọng là vậy nhưng ông Gioan cũng chỉ là cầu nối dẫn người ta đến với Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời, nước mà trong đó “kẻ nhỏ nhất” còn “cao trọng hơn ông”.
Thiên Chúa mời gọi từng người trong chúng ta cộng tác vào công trình của Người. Đôi khi Người đặt chúng ta vào những vai trò quan trọng, trao cho chúng ta những thẩm quyền để thi hành sứ vụ, tôn trọng và đề cao chúng ta khi cần thiết, nhưng Người cũng nhắc chúng ta về vai trò trung gian của mình. Dù chúng ta có giữ vai trò quan trọng đến mấy trên trần gian này thì mục đích cuối cùng vẫn là đưa người ta đến với Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự can đảm để biết giới thiệu Chúa bằng sự khiêm nhường và lòng trung thành với Chúa như ông Gioan.
Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD
SUY NIỆM: TÁI SINH TRONG THẦN KHÍ
Ông Gio-an Tẩy Giả sống cùng thời với Chúa Giê-su và được diễm phúc là anh em họ của Chúa. Cách đặc biệt ông được Thiên Chúa tuyển để trở thành người mở đường cho Đấng Mê-si-a, Con Một yêu dấu của Ngài. Có thể nói rằng dù vị Tiền hô là cầu nối giữa hai thời Cựu ước và Tân ước, tuy nhiên ngài vẫn là người sống trong thời gian chờ đợi Đấng cứu thế. Ngài đã gặp và chỉ cho nhiều người đến với Chúa Giê-su, nhưng chính ngài cũng đưa ra những thắc mắc khi sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thật có thật là Đấng phải đến hay không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su đã khen ông Gio-an là người cao trọng hơn tất cả số phàm nhân đã lọt lòng mẹ. Đương nhiên chúng ta hiểu rằng, Chúa đang nói về thời đại của những người đang khát khao Đấng Cứu chuộc, và giờ đây, sự chờ đợi đó đã trở thành hiện thực. Với sự hiện diện của Chúa Giê su nơi trần gian, sự kiện toàn của giao ước cũ được thực hiện, cánh cửa bước vào Nước Trời đã được mở rộng. Và ai tin vào Ngài, trở thành môn đệ của Người, sẽ được ân phúc tham dự vào hạnh phúc viên mãn trên Thiên Quốc. Như thế, một lịch sử mới được hình thành, một thời kỳ mới đã được khai mở. Tất cả sẽ bắt đầu nơi chính con người của Đức Giê-su, và đỉnh cao trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Thưa anh chị em, ai sinh ra từ lòng mẹ, dù có cao trọng nhưng không thể so sánh với người được sinh ra bởi Thần Khí. Ông Gio-an làm phép rửa cho mọi người bằng nước nhưng để hướng dẫn họ đến với Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.
Mỗi người tín hữu chúng ta ngày hôm nay thật vinh dự khi đã được rửa tội, đã chết cho con người cũ, con người từ lòng mẹ, và tái sinh với sự sống mới, là con Thiên Chúa và anh em của Chúa Giê-su. Đây là một ân huệ đặc biệt. Chúng ta đã lãnh nhận được hồng ân cao quý này, nhưng chính chúng ta được mời gọi gìn giữ và nâng niu món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng. Con người chúng ta giống như chiếc bình sành dễ vỡ, và ước gì trong mùa vọng năm nay, chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhuần trong đời sống của mình, giúp chúng ta luôn sống như là một công dân trong Nước Trời, dù cho thực tại này chưa được biểu lộ hoàn toàn nơi dương thế. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp cho chúng ta. Amen.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện