THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ - LỄ KÍNH

Thứ tư - 24/07/2024 19:31
feaee2a8 3aa2 440c b510 6ea2e3e402c7

SUY NIỆM
THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ - LỄ KÍNH
Mt 20,20-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
20Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. 21Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. 22Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. 23Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. 24Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em. 25Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. 26Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, 27và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
 
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Theo Chúa Giêsu không phải để được địa vị, giàu sang, an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường hy sinh, phục vụ trong khiêm tốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn. Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.
Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ hoặc được đặc quyền đặc lợi. Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người. Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được. Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.
Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn. Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.
Lạy Chúa, dù phải trả giá, dù phải hy sinh, con xin sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đường thánh giá này con đã chọn, xin tình yêu Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ con. Và con tin rằng chính Chúa sẽ làm cho những bước chân con trên đường hy sinh và phục vụ, nở thật nhiều hoa yêu thương, để từ đó nhiều người nhận biết Chúa và sẵn lòng bước theo Chúa cách vô điều kiện. Amen.
Ghi nhớ : “Các con sẽ uống chén của Ta”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2:
Trong danh sách mười hai Tông đồ mà Chúa chọn, có hai người cùng mang tên là Giacôbê, một người là anh của Thánh Gioan viết Phúc âm, con ông Giêbêđê  và một người là con của ông Alphê. Để phân biệt hai Tông đồ này, người ta gọi Thánh Giacôbê Tông đồ hậu và Giacôbê Tông đồ tiền. Phụng vụ vào ngày 25 tháng 7 hằng năm cử hành lễ kính Thánh Giacôbê Tông đồ Tiền.
Thân thế của Thánh Giacôbê
Ông xuất thân trong một gia đình ngư phủ tương đối khá giả tại Betsaiđa, thân sinh là ông Giêbêđê có người làm thuê (Mc 1, 19-20). Cũng theo Tin mừng của Marcô thì Giacôbê là một trong bốn môn đệ được Chúa gọi đầu tiên tại biển hồ Galilêa (Mc 1, 16-20). Trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu, vị Tông đồ này luôn có mặt, ông đã chứng kiến phép lạ Chúa chữa nhạc mẫu Phêrô khỏi bệnh (Mt 1, 29-31), con gái ông Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2-8), và lúc Chúa Giêsu hấp hối ở vười Gietsimani (Mt 26,37). Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa đặt cho một biệt hiệu khá “kêu” là: ”Boanergès” có nghĩa là con sấm sét (Mc 3,17). Chắc cũng vì cá tính của Giacôbê hơi nóng nảy khi cùng với Chúa Giêsu đi vào làng Samari và dân làng không đón tiếp. Thấy vậy, Giacôbê và Gioan cùng đề nghị với Chúa rằng: ”Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54).Cuộc Tử đạo của Ngài
Theo sách Công vụ kể lại thì có thể Thánh Giacôbê chịu tử đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I, vào cuối thế kỷ thứ II, khỏang năm 44: ”Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra  tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan” (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại các Kitô hữu rất dữ dội, trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng xuống sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantianop vào năm 313. Giáo hội phương tây mừng kính Ngài từ thế kỷ thứ VIII. Các Giáo hội theo nghi lễ Copte và Byzantin thì mừng lễ Ngài sớm hơn vào một ngày gần lễ Phục sinh.
Thông điệp của Thánh nhân
Khi xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên hữu và bên tả của Ngài, Giacôbê đã được Chúa báo trước cuộc tử đạo mà những ai muốn theo Chúa phải đón nhận. Chén đắng cùng với mũ triều thiên vinh quang trong nước trời. Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu đã làm sáng tỏ chén đắng mà Chúa Giêsu uống, khi Người trao lại cho Thánh nhân, và Giacôbê sẵng sàng đón nhận: ”ngay từ phút đầu tiên, Người đã cháy lửa nhiệt tình, và trong sự khinh chê lạ thường các lợi lộc trần gian, Người đã tiến tới đỉnh cao đến độ tức thời bị đem đi giết” (trích bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu trong bài đọc giờ kinh sách).
Lm Giacôbê Tạ Chúc

SUY NIỆM 3: THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Khi nói đến Thánh Giacôbê Tông đồ, Phúc Âm cho ta biết một vài thông tin về Ngài như sau:
Thứ nhất, Thánh Giacôbê là 1 trong 4 môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi làm tông đồ. Ngài được tuyển chọn cùng với Phêrô, Anrê và người em là Gioan, khi các ông đang vá lưới ở biển hồ.
Thứ hai, Thánh Giacôbê được Chúa Giêsu đặt cho biệt danh là “Con của thiên lôi” (x.Mc 3,7), bởi ngài vốn là một con người nóng nảy cộc cằn.
Thứ ba, Thánh Giacôbê là một con người tham quyền cố vị. Tin mừng hôm nay cho biết, Thánh Giacôbê đã cùng với em mình là Gioan xúi thân mẫu là bà Salômê xin Chúa Giêsu để được ngồi bên tả bên hữu trong Nước của Ngài.
Thứ tư, Thánh Giacôbê cùng với Phêrô và Gioan là 3 nhân chứng sống trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, và lúc Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu. Điều này cho thấy ngài luôn kề vai sát cánh bên Thầy mình.
Và thứ năm, cũng là yếu tố đặc biệt nhất, Thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên trong nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài bị vua Hêrôđê Antipas ra lệnh chặt đầu vào năm 44 sau công nguyên (x.Cv 12,2).
Khi nối kết 5 chi tiết trên lại với nhau, ta sẽ nhận thấy điều này: Sở dĩ Thánh Giacôbê có thể biển đổi bản thân từ một con người nóng này cộc cằn và tham quyền cố vị thành một Tông đồ hăng say nhiệt thành loan báo Tin mừng, là vì ngài đã gắn bó cuộc đời của mình với Chúa Giêsu là nguồn chân thiện mỹ.
Chúng ta cũng vậy thưa anh chị em. Nếu chúng ta muốn con người của mình cũng được biến đổi, biến đổi từ đời sống đạo, đến việc dứt bỏ những thói hư tật xấu, cũng như việc gia tăng các nhân đức, và lòng nhiệt thành hy sinh phục vụ, thì chỉ có một cách duy nhất đó là mỗi người hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu thật chặt, thật chắc và thật bền. Vì chỉ có một mình Chúa Giêsu mới đủ khả năng giúp chúng ta hoàn thiện được bản thân mình mà thôi.
Đây là sứ điệp đầu tiên mà lời Chúa hôm nay muốn gởi đến từng người chúng ta.
Quay trở lại với bài Tin mừng, sau khi phân tích cho 2 anh em Giacôbê và Gioan biết cái đúng cái sai nơi lời đề nghị của họ, Chúa Giêsu đã dạy cho chính Thánh Giacôbê, dạy cho các tông đồ và cả chúng ta hôm nay một bài học nhân văn vô cùng ý nghĩa và sâu sắc, đó là: Ở đời người ta lấy quyền mà cai trị dân, còn chúng ta thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ người khác, và ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.
1 trong 7 cơn cám dỗ lớn nhất của con người đó là lòng kêu ngạo. Là người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi học lấy bài học hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Giêsu, để biết khiêm nhường trước Chúa và khiêm nhường với nhau. “vì Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.
Tóm lại mừng lễ Thánh Giacôbê Tồng đồ hôm nay, chúng ta được mời gọi khắc ghi 2 điều này: Một là, mỗi người noi gương Thánh Giacôbê là gắn bó đời mình với Chúa Giêsu để bản thân được biến đổi và hoàn thiện mỗi ngày. Và hai là, học lấy nơi Chúa Giêsu bài học khiêm nhường trong khi phục vụ, “vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, con ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 4:
Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu. Người ta gọi ngài là thánh Giacôbê tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm Giám mục Giêrusalem. Gọi là “tiền” vì ngài được gọi trước hay vì ngài cao lớn hơn, nhất là vì ngài lớn tuổi hơn.
Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20). Trong tường thuật này, chúng ta thấy gia đình ông Giêbêđê xem như cũng khá giả và có thuê những người làm công.
Kể từ khi bỏ cha mẹ, chài lưới và những người làm công, anh em Giacôbê và Gioan luôn sát cánh bên Chúa. Họ chia sẻ với Người nếp sống “con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” và trong những buổi tiệc vui như ở Cana (Ga 2,1). Trong cộng đoàn tông đồ, Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng sau Phêrô. Bởi vậy ngài được vào số ba môn đệ trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37) biến hình (Mc 9,2) và hấp hối ở Gethsemani (Mc 14,33).
Giacôbê hẳn phải hiểu rõ đặc ân của mình và ông đã đáp trả bằng một nhiệt tình cũng đặc biệt. Một lần qua Samaria, ông đã bất mãn vì dân làng không tiếp đón Chúa Giêsu một cách nồng hậu. Ông phát biểu:
Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng tôi khiến lửa từ trời giáng xuống mà tiêu diệt chúng không?
Nhiệt tình của ông giống như Êlia. Nhưng Chúa Giêsu lại sửa sai tính nóng nảy ấy của ông:
Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào (Lc 9,52-56).
Và người đặt cho Giacôbê và Gioan biệt danh là Boanerghê, nghĩa là con cái của sấm sét (Mc 3,17).
Dĩ nhiên là con người, khi theo Chúa Giêsu, các ông vẫn còn những yếu đuối, khi nghe loan báo về cuộc hoàn thành sứ mạng sắp tới, Giacôbê và em ông không ngần ngại thưa:
– Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của thầy.
Không hứa sẽ thỏa mãn ước vọng của họ, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi:
Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?
Một lần nữa, các ông bày tỏ nhiệt tình của mình:
Thưa được (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40).
Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của ngài. Ngài sẵn sàng chịu chết dưới lưỡi gươm theo lệnh truyền của Hêrôđê Agrippa (Cv 12,2), có lẽ vào năm 42. Thế là Giacôbê đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II, Clêmentê thành Alexandria đã làm chứng rằng, chính kẻ tố cáo thánh nhân lại được ngài cải hóa và lãnh phúc tử đạo cùng lúc với ngài.
Truyền thống cho rằng Giacôbê đã mang Tin Mừng đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên điều này không được chứng thực rõ ràng. Lần đầu tiên truyền thống này được viết ra vào thế kỷ VII, dựa vào nguồn Hy lạp không đáng tin. Một thế kỷ sau, khi một ngôi sao chỉ cho thấy ngôi mộ của thánh Giacôbê, niềm tin của quần chúng bắt đầu lan rộng.
Nơi hành hương ở Compostella (có lẽ bởi chữ Campustella : cánh đồng sao) là trung tâm rất nổi tiếng dầu chúng ta tin rằng thánh Giacôbê có đi Tây Ban Nha đi nữa thì cũng không thể nói được rằng nơi đây có di tích của thánh nhân.
Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

SUY NIỆM 5:
  1. Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.
  2. Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
  3. Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giàu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?
  4. Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: sự cao trọng không cốt ở danh dự, giàu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói: “Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!
Đức Giêsu là vị thượng tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.

 Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

 

SUY NIỆM 6:  

Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi đi theo Người (x. Mt 4,18-22 ).
Ngài là một trong những môn đệ thân tín của Chúa, được chứng kiến những biến cố quan trọng trong đời của Chúa Giêsu. Ngài chứng kiến cảnh con ông Zairô được Chúa cho sống lại, việc Chúa biến hình trên núi Taborê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài là người tử đạo đầu tiên trong số các tông đồ đã đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I vào khoảng năm 43 - 44.
Thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho chúng ta tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của ngài.
Câu chuyện
Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.
Suy niệm
Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Mêssia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy - Đấng Mêssia - Đấng Cứu Thế. Mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: Cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi vương quốc Mêssia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mạc khải.
Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng ?”. Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêssia” theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang” là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng. Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như Thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrôn, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).
Trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con…” (Mt 20,26-27). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như “một người đầy tớ”. Ngài đã không như “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ Năm tuần thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).
Cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacôbê, chúng ta được mời gọi uống chén đắng xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời… Là gánh vác cuộc đời như Chúa Giêsu vác thập giá là chén đắng mà Chúa Cha trao, xuyên qua và trỗi dậy.
Ý lực sống

“Lạy Cha, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn. SCJ

 

SUY NIỆM 7:
20. Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”
• Hành trình theo Chúa của các môn đệ đâu chỉ có các ông mà còn có cả gia đình các ông đi theo. Một người theo Chúa cả gia tộc đều theo. Theo để bảo vệ cho con mình, theo để có thể thay đổi bản thân.
• Mẹ nào mà chẳng thương con. Bà mẹ của thánh Gia-cô-bê cũng vậy. Cách thương con của bà cũng rất dễ thương là muốn con bà ở gần Chúa theo mọi nghĩa. Người ta dễ nhìn theo kiểu thế gian là được quyền lực nhưng nếu hiểu theo nghĩa thiêng liêng đó là được trở nên đồng hình đồng dạng như Giêsu ngay cả chính sự chết.
• Để được vào Nước Chúa cần phải đi con đường của Chúa. Không có con đường tắt. Chúa vẫn hỏi lại cách hiểu của người mẹ vì Ngài sợ bà hiểu sai. Tình thương của người mẹ là thế đó: đơn sơ nhưng cũng rất chân thành. Bà muốn con mình thuộc trọn về Nước Thiên Chúa.
Xã hội ngày hôm nay cũng vẫn còn rất nhiều gương sáng về các bà mẹ hy sinh cho con. Lời của Chúa mời gọi tôi có thật tâm để đi theo và thuộc về Giêsu không?
Lạy Chúa, xin tiếp tục chỉ cho con đường bước theo Ngài.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 8: PHỤC VỤ VÀ HIẾN DÂNG MẠNG SỐNG

Các tông đồ đi theo Chúa Giêsu với một niềm hy vọng Thầy của mình sẽ xây dựng một vương quốc mới. Vì thế, không chỉ Giacobe và Gioan ước muốn có một vị trí cao trong vương quốc của Chúa mà cả mười ông kia cũng vậy. Chúa Giêsu không trách mắng ước muốn rất con người của các ông, nhưng Ngài chỉnh lại suy nghĩ về vị trí cao trong nước Ngài. Người có địa vị ở thế gian thì dùng quyền lực để cai trị, còn người có địa vị trong nước Chúa thì cúi xuống làm người tôi tớ phục vụ và hiến dâng mạng sống. Chúa Giêsu đã là người tôi tớ như vậy. Ngài cúi xuống để phục vụ mọi người và hiến dâng chính mạng sống mình trên thập giá để cho muôn người được sống.
Chúng ta thường thích tìm kiếm địa vị để có cơ hội tìm lợi ích cho mình và biểu lộ quyền lực trên người khác. Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu là phải sống giống như Ngài. Chúng ta không tìm kiếm danh vọng địa vị chóng qua đời này, nhưng ham thích đóng vai trò của người tôi tớ sẵn sàng phục vụ giúp đỡ mọi người mà không tính toán. Phục vụ và hiến dâng mạng sống nghĩa là chúng ta không còn giữ lại những gì cho riêng mình mà hoàn toàn hiến dâng cho Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng tìm kiếm hư danh đời này, nhưng luôn sống tâm tình của người tôi tớ trung tín hoàn toàn thuộc về Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây