THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 09/10/2024 07:33

THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,5-13

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

 

5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được ?’ 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9”Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

 

SUY NIỆM 1: 

Sứ điệp: Thiên Chúa là Cha hằng thương yêu chúng ta là con cái của Ngài. Ngài biết ta cần gì và luôn cho ta những điều tốt nhất. Ta hãy tin tưởng và kiên tâm nguyện cầu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần con nghe Lời Chúa hứa: hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho, mà lòng con vẫn nghi nan. Đó là những lúc con cầu xin một điều gì đó hoài, mà chẳng được như ý con xin. Thậm chí con còn hoài nghi cả sự hiện diện của Chúa nữa. Xin Chúa tha cho con tội nghi ngờ tình thương của Chúa.

Hôm nay, Chúa dạy con kiên trì cầu nguyện. Con tin Chúa thấu hiểu mọi khốn khó trong đời con. Con cũng tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót chẳng muốn con khốn khó. Con lại tin rằng Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự giúp con vượt qua gian nan thử thách. Chúa dạy con kiên tâm cầu nguyện là muốn điều tốt cho con. Đó là cách thức tốt nhất để con ý thức sâu xa hơn về thân phận yếu hèn và sự bất lực của kiếp người. Nhờ đó, tâm hồn con sẽ được trở nên thích hợp, trở nên khiêm tốn đáng đón nhận ơn Chúa ban.

Sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Chúa. Đó là kinh nghiệm của những ai đã thực sự sống là con cái Thiên Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện, để trong khi cầu nguyện con luyện lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện để con trở nên bé thơ trong tay Chúa. Xin cho con kiên trì chỉ cầu xin nơi Chúa, để con biết tạ ơn Chúa khi Chúa thương ban ơn cho con. Xin cho con kiên trì cầu nguyện và biết chờ đợi Chúa, vì con biết rằng Chúa luôn ban cho con những điều tốt nhất, vượt trên cả những điều con có thể nghĩ tới, cao cả hơn những điều con ước mong. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy xin thì sẽ được”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM 2: CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện có 1 người thanh niên nữa đêm đến nhà bạn mình, để vay 3 cái bánh. Mặc dầu người bạn ấy đã khước từ, nhưng anh thanh niên này cứ quấy rầy mãi, nên người bạn kia cuối cùng cũng phải thức dậy mà đáp ứng nguyện vọng của anh.

Và cuối bài Tin mừng, Chúa Giêsu kết luận: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở cho. Vì nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, huống chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin người sao?”

Thế nhưng trên thực tế, có những lần chúng ta xin mà không được, chúng ta tìm mà không thấy, chúng ta gõ cửa mà chẳng thấy Chúa mở cho. Đúng vậy không thưa anh chị em? Vậy chúng ta phải hiểu điều này như thế nào? Để hiểu được lý do tại sao, thì khi cầu nguyện anh chị em hãy ghi nhớ 4 điều này:

Thứ nhất, chúng ta cầu nguyện với Chúa chứ không phải cầu cơ hay cầu may cầu rủi như những người mê tín. Do đó, chúng ta buộc phải vững tin và vững lòng trông cậy.

Thứ hai, cầu nguyện là chúng ta khẩn cầu lên Chúa chứ không phải ra lệnh cho Chúa. Đừng bao giờ bắt Chúa phải làm theo ý mình.

Thứ ba, cầu nguyện là xin điều mình cần chứ đừng xin điều mình muốn. Cần là cần cho đời sống đức tin của mình, cần cho hạnh phúc gia đình mình, cần cho hoàn cảnh mà mình đang gặp phải… Còn lòng muốn của con người thì vô đáy, được cái này lại muốn cái kia: “được voi lại muốn đòi tiên”.

Và thứ tư, cầu nguyện là chuyện cả đời người ki-tô hữu chứ không là chỉ một hai lần rồi bỏ, do đó phải có lòng kiên trì nhẫn nại, vì qua đó Chúa muốn thanh luyện đức tin của chúng ta.

Đó là 4 đặc điểm mà lời Chúa hôm nay lưu ý chúng ta mỗi khi cầu nguyện: Một là phải có lòng tin và lòng trông cậy, hai là đừng ra lệnh cho Chúa làm theo ý mình, ba là xin điều mình cần chứ đừng xin điều mình muốn, và bốn là phải có lòng kiễn nhẫn. Phần còn lại chính Chúa sẽ ban cho. Ban cho lúc nào và ban cho như thế nào, đó là chuyện của Chúa.

Phần chúng ta, hãy tiếp túc ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài thì Ngài sẽ ra tay. Amen.

 

SUY NIỆM 3: THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN CỦA KITÔ HỮU

Bài Tin Mừng chúng ta được nghe trong Phụng Vụ Lễ hôm nay, thứ Năm tuần 27 Muà Thường Niên, đưa chúng ta học thái độ sâu xa của cầu nguyện Kitô giáo. Tiếp nối tinh thần của Kinh Lạy Cha mà chúng ta được nghe trước đó, câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay được nhắc đến như cách thức cầu xin liên lỉ của con người hướng đến Chuá Cha, như chuyện một người bạn đã nài xin bạn mình về một nhu cầu khẩn thiết : Hết bánh đãi khách. Thực vậy, thái độ cầu xin của chúng ta, những Kitô hữu, với Cha chúng ta trên trời mang một chiều kích liên đới thẳm sâu: Thái độ cầu xin của người con hướng về cha, hay nói cách khác, đó là thái độ kính sợ của con thảo với Cha mình, trong tín thác và bền bỉ.

1.      Trước hết, đó là thái độ tin tưởng

Từ Kinh Lạy Cha mà Chuá Giêsu dạy các Môn Đệ cầu nguyện, đến dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thái độ đâu tiên cần có của người cầu xin lên Thiên Chuá : niềm tin yêu. Thực vậy, như tâm tình người con dành cho Cha của mình, chúng ta biết cầu xin Cha Trên Trời những nhu cầu mình cần đến, đặc biệt là những khi chúng ta thấy thật sự cần những nhu cầu đó; mà đôi khi đối với chúng ta, nhu cầu đó là thật chính đáng, và khẩn cấp. Tuy nhiên, trước tiên và trên hết mọi sự, đó là để Danh Cha cả sáng. Cho dù nhu cầu khẩn thiết đến đâu đi nữa, thái độ cầu xin của chúng ta luôn biết đặt Thánh Ý lên trên, và làm trọng tâm của lời cầu xin. Đức Giêsu đã là mẫu gương cho chúng ta : Trong Vườn Giêtsimani, Người đã cầu xin Chuá Cha cất chén đắng, nhưng trên tất cả là: “một theo ý Cha, đừng theo ý Con”. Chuyện người bạn nài van không ngớt, theo Tin Mừng, nói lên sự bền bỉ hơn là một thái độ cố chấp, hoặc thiếu niềm hy vọng. Chúng ta không mất niềm hy vọng nơi Chuá, bởi Người là Đấng Từ Bi Nhân Hậu; nhưng lời cầu xin của chúng ta cũng không thể là một điều mà chúng ta bắt buộc Người phải đáp lời, mà là biết lắng nghe điều Người muốn nói với chúng ta, trong thái độ tin tưởng và vâng phục.

2.      Cha trên Trời là Đấng tốt lành

Cũng trong lời cầu nguyện dâng lên Chuá Cha, con người biết nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Nếu có thể nói theo cách con người, Thiên Chuá không ngại để chúng là “làm phiền”, hoặc nói theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Evangelii Gaudium, “Thiên Chuá không mỏi mệt tha thứ cho chúng ta.” Với thái độ tin tưởng mà chúng ta đã nêu trên, còn một thái độ cần có trong cầu nguyện: can đảm và liên lỉ. Người bạn trong Tin Mừng đã quả cảm xin mượn ba chiếc bánh, có thể nói đó là cấp độ tối đa của tính quả cảm. Như Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc thường ngày: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày dùng đủ, thì việc chúng ta cầu xin Cha chúng ta trên Trời cho thấy chúng ta cũng thường can đảm xin, xin cả điều, mà với sức con người, có phần nhiều quá: hằng ngày dùng đủ. Nhưng Cha trên Trời luôn rộng rãi thi ân giáng phúc cho chúng ta, những đứa con yếu hèn, cần nhiều đến ơn trợ giúp của Cha trên Trời.

3.      Mở ra với tha nhân

Với lời cầu nguyện như Kinh Lạy Cha, việc cầu xin của chúng ta cũng mang chiều kích hướng về tha nhân nữa. Dĩ nhiên là hình ảnh người bạn biết cho vay, cho mượn trong Tin Mừng mang tính ẩn dụ, nhưng chúng ta cũng có thể rút ra được từ dụ ngôn này bài học về mối quan tâm dành cho tha nhân. Chính tinh thần của Kinh Lạy Cha cũng cho chúng ta thấy điều đó: Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Có thể nói, đây là điểm son của nền luân lý Kitô giáo: Biết tha thứ, bởi đã được thứ tha nhiều. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta một lòng quảng đại, không những lòng quảng đại được lý trí định hướng, mà còn được Đức Tin soi dẫn. Thật không dễ dàng để tha thứ cho người khác, nhất là khi biết người khác đã xúc phạm đến ta không ít, hoặc nguy hại hơn nữa: làm thiệt hại thanh danh, sự nghiệp của mình. Nhưng sự tha thứ mà Đức Giêsu dạy chúng ta đưa chúng ta đến sự bình an đích thực trong tâm hồn, trong ân sủng của Người, và nhất là đưa chúng ta đến gần với Người hơn, kết hiệp với Người cách thâm sâu hơn, bởi chính Người là nơi nương tựa an toàn và vững chắc cho hành trình đức Tin của chúng ta trên cuộc đời này. Amen.

Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường

 

SUY NIỆM 4: 

Câu chuyện

Một người giàu có Millwankee có một đứa con trai duy nhất mười hai tuổi. Thường ông cho con mọi cái nó muốn. Có một điều người con ao ước hơn hết, là có một người anh em cùng lứa tuổi để chia sẻ, để cùng chơi. Người cha quyết định nuôi một bé trai nghèo nhỏ hơn con trai ông sáu tháng. Cả hai đứa trẻ đều sung sướng. Đứa con trai có bạn, đứa con nuôi có những món đồ chơi mà nó chưa bao giờ biết đến.

Một bữa nọ, hai đứa trẻ đang thảy banh qua lại trong sân. Đứa con nuôi ngỏ ý: “Gee, em ước mong Kenny có một trái banh như thế này. Nó thích đá banh lắm, nhưng cha mẹ nó không thể mua cho nó một trái banh như thế này” và em tiếp tục nói về Kenny, một người bạn lối xóm cũ. Người con ruột nói: “Sao em không xin ba cho nó một trái banh ?”. Người con nuôi trả lời: “Ba đã quá tốt với em rồi, em không dám làm phiền người nữa”. Nhưng người con ruột nài nỉ: “Em đừng quên ba anh là ba em. Người cho anh mọi cái anh xin. Người cũng làm cho em như vậy. Nếu người cho rằng cái đó không tốt cho em, người sẽ nói, nhiều khi người cho em những cái tốt hơn nữa. Hãy xin đi, Kenny sẽ có trái banh” (Theo Suy niệm hàng ngày).

Suy niệm

Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương như Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, khi Ngài dạy cầu nguyện bằng kinh “Abba - Lạy Cha” (x. Lc 11,1-4). Cha luôn đồng hành với con trong cuộc sống, luôn lo tìm kiếm những gì là tốt nhất cho đời con. Dù có lúc sự cám dỗ mãnh liệt, những thử thách đường đời làm con thật khốn quẫn, con cất tiếng kêu cầu Cha, có lúc con tưởng Cha như quên lãng, cảm nhận mình như đứa con bị bỏ chợ, bơ vơ giữa phong ba, con thất vọng muốn bỏ cuộc và quên cả Cha. Chúa Giêsu khuyến khích con hãy kiên trì trong lòng trông cậy Cha bằng dụ ngôn người láng giềng xin bánh giữa đêm khuya để tiếp khách, chủ nhà nếu không vì lòng nhân nhưng vì bị quấy rầy nên phải thức dậy mà cho bánh anh láng giềng (x. Lc 11,5-8). Cha chúng ta, Người không để chúng ta thiếu thốn kia mà... Ngài luôn cho chúng ta những gì là tốt nhất, hãy vững tin dù những lúc thử thách nhất, thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bò cạp” của Cha ban đâu. Ngài sẽ ban Thánh Thần để chúng ta vượt qua đồi Canvê mà tiến tới Phục sinh cùng với Đức Giêsu.

Cha thương con bằng một tình yêu bao la như thế, nhưng chúng ta, những người con lại chẳng đoái hoài, luôn chạy theo những phù vân hào nhoáng của thế gian, vật chất mà quên đi tình Cha, đó là “căn bệnh” của nhân loại hôm nay. Thế giới hôm nay chứng kiến con người phát triển mọi mặt hơn bao giờ hết, từ khoa học kỹ thuật đến y khoa và cuộc sống vật chất. Và thế giới hôm nay lại chứng kiến con người khủng hoảng tinh thần hơn bao giờ hết, do thiếu quân bình về đời sống văn minh vật chất với nhu cầu thiêng liêng. Như những gì diễn tả qua nhận định sau: “Khoa phân tâm học và tâm lý học đã đạt được những bước tiến dài hơn và đã phải nhìn nhận rằng: Căn nguyên của sự thiếu quân bình hay bệnh tâm thần không phải là bệnh tôn giáo, nhưng trái lại là vì thiếu tôn giáo, vì không tin vào một Đấng Tối Cao quyền phép mà con người có thể nương tựa và được trấn an che chở. Sở dĩ có những kiện chứng tâm lý phát sinh cũng chính là vì từ nhỏ con người đã không biết nhìn nhận người Cha của mình”.

Xin cho con luôn vững tin vào tình yêu của Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con, vì như lời hứa: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).

Ý lực sống

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
 tin tưởng Người, Người sẽ ra tay”
(Tv 37,5).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

SUY NIỆM 5:

Dụ ngôn nhắm đến thái độ của người cầu nguyện và tình thương của Đấng ban ơn: Thái độ cầu nguyện cần nhất sự kiên trì trong niềm tin và hi vọng, tình thương của Đấng ban ơn là một Thiên Chúa như người Cha tốt lành.

1. Kiên trì cầu nguyện

Trong xứ Palestine, tiếp khách là một bổn phận thiêng liêng. Vị khách nói trên đã đến quá muộn khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết, ông đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng và họ đã an giấc, nên không muốn ai quấy rầy. Tuy nhiên, người vay bánh quyết tâm cứ gõ mãi, cho đến khi người bạn kia đành phải dậy lấy bánh cho ông.

Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã mà đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hi vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hi vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn.

Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa là Cha tốt lành.

“Nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết mình có bổn phận tiếp trợ nhu cầu cho con cái, huống chi Thiên Chúa là Cha tốt lành”.

Chúng ta lắm khi hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời. Xin hãy đọc kỹ lời của Chúa Giê-su: “Huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”. Chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.

Chúa Giê-su lặp lại, dù là kẻ xấu mà còn biết đem “của tốt” cho con cái, thì Thiên Chúa là Cha biết ban cái gì là “tốt” cho sự sống đời đời của chúng ta. Mà món quà tốt nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta, chính là Thánh Thần. Thánh Thần là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa biết điều gì là tốt cho linh hồn chúng ta. Khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu.

Như vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường đến cầu nguyện với Chúa theo ý mình, chứ ít khi mong cho ý Chúa được thể hiện, nghĩa là chúng con thường đến cầu xin với những gì có lợi ngay trước mắt, nhưng Chúa thấu suốt cả cuộc đời và biết điều gì lợi ích cho ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con một khi cầu nguyện thì cũng biết thuận theo ý Chúa, để chúng con luôn được an bình nội tâm và không bao giờ thất vọng. Amen

Hiền Lâm

SUY NIỆM 6:

Nếu Tin mừng hôm qua, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa; thì tin mừng hôm nay, Chúa lại mong muốn các môn đệ và chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Người mà kiên trì cầu nguyện.

Bằng hai hình ảnh rất thực tế: Người bạn hàng xóm cho bạn mình vay mượn 3 chiếc bánh giữa đêm khuya, cho dẫu không vì tình bạn mà là vì sự quấy rầy; và người cha sẵn sàng cho con cái mình những thứ tốt nhất theo như lời nó kêu xin. Chúa Giêsu như cũng muốn mời gọi, khích lệ chúng ta là con cái Người hãy tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Đừng bao giờ nản lòng, chán chí bỏ cuộc hay phàn nàn kêu trách Chúa khi thấy những lời mình cầu xin chưa được Chúa nhậm lời. Nhưng cần phải xét lại xem điều mình cầu xin có đẹp ý Chúa và thật sự có hữu ích cho cuộc sống và phần rỗi linh hồn của mình chưa?

Nên biết rằng trước một lời cầu nguyện sẽ luôn có 3 trường hợp xảy ra: Một là Chúa sẽ nhận lời nếu đó là lời cầu xin đẹp lòng Chúa và hữu ích cho ta. Hai là lời cầu xin của ta chưa tha thiết thiếu niềm tin hay chưa đúng thời điểm nên Chúa chưa ban ơn. Ba là lời cầu xin của ta không đẹp lòng Chúa và nguy hại đến phần rỗi đời đời của ta nên Chúa không nhậm lời. 

Nhưng hãy luôn tin rằng trong mọi trường hợp Chúa luôn lắng nghe và thấu suốt sâu xa vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin. Nên Người sẽ chọn lựa những điều thiện hảo nhất theo sự khôn ngoan của Người mà ban tặng cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng và tín thác vào tình thương của Chúa mà kiên trì cầu nguyện với tất cả tâm tình của người con thảo. Cũng như sẵn sàng đón nhận mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại…xảy đến trong cuộc sống, với niềm xác tín vững vàng vào những điều tuyệt hảo mà Chúa đang thực hiện trên cuộc đời mình. 

https://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-xxvii-thuong-nien

SUY NIỆM 7: KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN

Sau khi thánh Phaolô rời miền Galát, các tín hữu gốc Do thái giáo từ Giêrusalem đến đây lung lạc đức tin non nớt của anh em tín hữu gốc lương dân. Họ đòi buộc các tín hữu Galát phải giữ luật Môsê. Họ chê bai và đả kích Phaolô vì không công nhận ngài là tông đồ được Chúa Giêsu chọn. Khi biết chuyện này, thánh Phaolô nổi giận vì tín hữu gốc Do thái chia rẽ Ngài với các tông đồ và làm lung lạc đức tin tín hữu gốc lương dân. Vì thế hôm nay từ Ephêxô, ngài viết thư để biện minh và cảnh tỉnh các tín hữu Galát.

1. Đừng mê muội và lung lạc đức tin.

Đức tin có được là nhờ nghe. Thánh Thần là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người. Quà tặng này có được là do đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không do người Do Thái hay việc phải giữ luật cắt bì. Vì thế, thánh Phaolô tức giận khi nghe tin các tín hữu Galat đã bỏ những gì ngài dạy và tin theo thứ đạo lý này: “Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn! Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá phơi bày ra trước mắt? Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thánh Thần vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe?”  Bằng lời lẽ cứng rắn và cương nghị trên, thánh Phaolô mời gọi họ đi đến sự tinh ròng của đức tin và ơn cứu độ là nhờ Đức Giêsu Kitô chết và sống lại, vì thế tin và thực hành điều Đức Giêsu là điều căn bản trong cuộc sống.

2. Kiên trì trong thử thách

Một khi đã có đức tin tinh ròng rồi, thì người kitô hữu sẽ nhận ra mình cần phải kiên trì trong đời sống ân sủng, kiên trì trong cầu nguyện, đừng để tâm hồn bị lay động bời những yếu tố bên ngoài, hay những khó khăn trong cuộc sống. Điểm mới lạ trong Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay, là thử thách và kiên trì rất gần gũi với đời thường. Qua hình ảnh người hàng xóm có bạn đến trong đêm khuya: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả". Một đề tài mà Chúa Giêsu đưa ra rất thú vị, đề tài này làm cho người nghe phải suy nghĩ. Một đàng theo luật Do thái, là không được phép từ chối khách bộ hành khi họ gặp phải vấn nạn về cái đói cái khát, hay nói cách khác là sự hiếu khách. Apraham đã từng mời ba vị khách lỡ đường nghỉ dưới gốc cây để ông dọn bữa mời họ. Một đàng theo tập tục Palestin, khi trong nhà đã tắt đèn thì hiểu rằng họ không còn tiếp khách, hơn nữa khó khăn của chủ nhà là những thành viên trong gia đình đã ngủ, việc trỗi dậy lấy bánh sẽ đánh động cả nhà khi họ đã yên giấc. Trong khi những thính giả của Chúa Giêsu đang chọn lựa đáp án nào cho hợp luật nhất thì chính Chúa Giêsu đã có đáp án làm họ ngỡ ngàng: "Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó". Một đáp án ra khỏi luật lệ, tập tục. Nhưng không dừng ở đó, Chúa Giêsu tiếp tục nhất sâu vào chủ đề: "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho". Bài học dụ ngôn này là không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là kiên trì trong cầu nguyện, trong thực hành đạo. Đức tin của người Công giáo phải đạt tới tầm mức rằng: Lời thỉnh cầu với mục đích ngay lành, hẳn là không phải lúc nào cũng suông sẻ, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản lòng, buông suôi. Nhưng ở đây muốn cố võ cho sự chuyên chăm cầu nguyện, bởi Thiên Chúa biết rõ những gì chúng ta cần thiết và biết rõ lúc nào thì Ngài ban thương cho ta.

Lm. Tam Thá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây