THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,16-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’ 18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
SUY NIỆM: MÙA VỌNG: SỐNG HÀI HÒA
Để đón nhận Đấng Cứu Thế, phải sống hài hòa. Hài hòa với mọi người. Và quan trọng nhất là hài hòa với Thiên Chúa. Nói về hài hòa, chẳng cảnh tượng nào đáng mơ ước hơn cảnh Ađam và Eva sống trong vườn Địa Đàng. Hai ông bà sống chan hòa với trời đất, cỏ cây và súc vật. Ngày ngày Thiên Chúa xuống đi dạo trong vườn đàm đạo với hai ông bà. Nhưng đáng tiếc hai ông bà đã phá vỡ sự hài hòa đó khi trái lệnh Thiên Chúa.
Chương trình của Thiên Chúa luôn là hạnh phúc cho con người. Nhưng con người chỉ muốn làm theo ý riêng. Phá vỡ kế hoạch của Chúa. “Con người giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than”. Mang tâm thức trẻ con. Không trưởng thành. Thiếu chín chắn. Chỉ biết làm theo những ý muốn ngây ngô khờ dại của mình. Không biết gì đến tình yêu thương của cha mẹ, những chương trình đem đến cho chúng tương lai và hạnh phúc. Cư xử con người giống thái độ chợ búa. Chỉ hời hợt nhất thời. Những lý luận thực dụng không có nền tảng sâu xa. Tìm đạt đến ý riêng. Nên thế giới luôn mâu thuẫn bất hòa. Nguy hiểm nhất là phá vỡ sự hài hòa với kế hoạch của Thiên Chúa. Phê phán những kế hoạch của Thiên Chúa khi con người tự cho mình là khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan chỉ có trong Thiên Chúa mà thôi.
Đó chính là điều Isaia khuyên nhủ ta. Con người muốn hạnh phúc, muốn phát triển, chẳng có đường nào khác hơn là sống hài hòa với chương trình của Thiên Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị hủy diệt, chẳng bao giờ bị xóa bỏ khỏi mắt Ta”.
Mùa Vọng ta mong chờ Thiên Chúa. Chúa đến để cứu độ ta. Thiên Chúa có chương trình hạnh phúc cho ta. Hãy đi vào chương trình của Thiên Chúa. Hãy để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi ta. Đó chính là thái độ khôn ngoan nhất. Đó chính là sống mùa Vọng ý nghĩa nhất.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Những người DoThái tự đắc cho mình là khôn ngoan, nên cứng lòng không tin theo Chúa Giêsu. Họ tìm cách chống chế để chối bỏ đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa dạy ta đừng bắt chước họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sau hai ngàn năm rao giảng Tin mừng mà vẫn còn quá ít người tin theo Chúa.
Con cầu xin Chúa cho những người chưa được nghe Tin mừng. Xin Chúa sai nhiều thợ lành nghề đến với cánh đồng trần gian để mọi người được nghe rao giảng Tin mừng.
Nhưng Chúa ơi, con phải cầu nguyện cho chính con nhiều hơn, vì với cái nhìn của Chúa, con là đứa trẻ ngỗ nghịch luôn đòi mọi người làm theo ý con, mà con thì từ chối ngay cả lời mời gọi của Chúa. Con thường áp đặt quan điểm của con trên tư tưởng người khác và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của riêng con. Thậm chí đôi khi con còn nghi ngờ cả đường lối của Chúa và đòi Chúa thực hiện theo suy nghĩ của con. Con thường viện ra nhiều lý do để thoái thác, để bào chữa cho những lỗi lầm sai trái của con, để khước từ những lời mời gọi của Chúa. Có nhiều lúc con đã cứng lòng, không muốn sám hối và tin vào Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn thiện chí, xin mở lòng trí con, xin giúp con khiêm tốn nhận ra thân phận nhỏ bé của mình để con dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan của Tin mừng. Xin ban cho con ơn can đảm để con thực thi tiếng Chúa mời gọi và dấn thân đi trên đường lối Chúa. Con xin trao phó bản thân con, gia đình con cho tình yêu thương và sự khôn ngoan vô cùng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: CẨN TRỌNG TRONG LỜI NÓI
Có lẽ nhiều lần Chúa Giêsu đã phải đau đầu về lối sống kì cục của người Do Thái, đến nỗi Ngài phải thở dài vì không biết ví họ với ai. Vấn đề không phải là những người Do Thái không biết phân biệt cái đúng cái sai, cái chân lý và cái phi lý, nhưng đơn giản là vì họ không thích. Mà 1 khi đã không thích thì không muốn lắng nghe, không đón nhận. Khi đã không thích thì có nhiều cách để giải thích, thậm chí sẵn sàng chối bỏ điều tốt.
Cũng một hành động của Gioan Tẩy Giả, nhưng nếu thích thì người ta sẽ nói ngài là 1 con người có lối sống đơn sơ dân dã, còn không thì nói là bị quỷ ám. Đối với hành động của Chúa Giêsu cũng vậy, nếu thích thì người ta có thể ca tụng Ngài sống hòa đồng, gần gũi với dân, bằng không thì phán ngay: “Tên này là 1 tay ăn nhậu”. Chúa Giêsu từng bị người ta nói như thế thưa anh chị em.
Và những lời nói hoàn toàn dựa trên cảm tính như vậy sẽ có giá trị rất thấp, thậm chí là không có giá trị trước mặt người khác. Chúa Giêsu cho rằng đây là 1 lối sống hết sức ấu trĩ, thiếu trưởng thành trong nhận thức và phán đoán.
Cuộc sống quanh ta cũng có những trường hợp tương tự như thế thưa cộng đoàn. Có những người nói 1 cách vô tội vạ, cái gì cũng nói được, cũng suy diễn được. Chỉ cần sáng sớm ra chợ hay tạt qua quán cafe nghe thoáng thoáng là kết luận ngay, nói như thể mình là người trong cuộc vậy, không cần phải biết đầu đuôi ngọn nguồn là như thế nào. Người thấy thì chỉ nói 1, còn người nghe kể thì nói lại 10.
Cũng chính vì thế mà sinh ra biết bao cuộc cãi vả, tình làng nghĩa xóm bị sức mẻ, giáo xứ, đoàn thể cũng mất đi tình hiệp nhất. Thậm còn làm cho người khác bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm.
Ông bà ta thật sâu sắc và chí lý khi dặn rằng: Phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, để biết mình nên nói gì và không nên nói gì, nói lúc nào và nói như thế nào. Tác giả sách Huấn ca cho ta biết: “Vinh phúc hay nhục nhã đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người”(Hc 5,13). Còn sách Khôn ngoan khuyên chúng ta như sau: “Anh em hãy giữ mình, chớ kêu ca vô ích, giữ miệng lưỡi, đừng nói xấu gièm pha. Nói chùng nói lén luôn gây hậu quả, ăn gian nói dối giết hại linh hồn”. (Kn 1, 11).
Tóm lại, lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người cần cẩn trọng trong lời nói. Nói ít nhưng người ta hiểu nhiều, chứ đừng nói nhiều rồi gây ra họa. Nói làm sao để người ta nể chứ đừng để người ta khinh.
Sau cùng, hãy ghi nhớ điều này: “Mình không buộc phải nói tất cả những gì mình biết, nhưng mình buộc phải biết tất cả những gì mình nói”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: LŨ TRẺ NGỒI NGOÀI CHỢ
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17). Một nhóm bày trò chơi đám cưới, thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa. Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia. Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột. Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc. Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ. Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn, sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30). Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải. Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến. Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần. Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18), nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32). Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này, Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa. Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường. Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng, một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát. Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ. Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh. Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn, họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải. Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan. Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19). Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này. Sống thế nào cũng không chiều được họ. Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh. Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện. Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ. Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai? Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính. Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc. Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên. Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ, khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình. Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết. Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu. Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa. Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục. Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối. Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con. Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc, nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày. Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng. Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi. Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn
Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
SUY NIỆM: ĐỜ ĐẪN THIÊNG LIÊNG!
“Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa?”
Một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần Niềm Tin đi vào căn phòng lòng tôi; vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Những vị khách lần lượt ra đi. Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần thì thầm, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi chung sống!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng chính Chúa Giêsu vẫn đi vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Tiếc thay, nhiều lúc không hơn gì lũ trẻ ngoài chợ, chúng ta cứ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.
Bài đọc Isaia biểu lộ ‘nhã nhạc’, những giai điệu yêu thương, Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, công chính của ngươi dạt dào như sóng biển”. Nhưng Israel bỏ ngoài tai! Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp điều tương tự, Ngài cất giọng mà xem ra không ai hưởng ứng! Họ từ chối Ngài; gán cho Ngài là ‘bợm nhậu’, gán cho Gioan là ‘quỷ ám’.
Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Thiên Chúa nói, chúng ta cũng thường hợp lý hoá cách này cách khác để khéo từ chối thông điệp của Ngài; và ngày này qua ngày khác, chúng ta đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’. Bạn và tôi cần phân biệt bản chất sứ điệp và cách thức sứ điệp loan truyền! Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”. Chiếc bình thực sự không quan trọng cho bằng những gì nó ẩn chứa. Cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân hoặc phát ngôn nhân, nhưng điều quan trọng là nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể đang ‘thổi sáo và hát’ cho tôi qua họ. Một số các thánh có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”. Chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết lắng nghe và nhận ra mình đang ở trong bóng tối. Rất ‘ít người’ trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không ‘sàng lọc’ nó qua lịch sử hoặc phong cách của người chuyển tải. Khi tôi chia sẻ Lời Chúa cho 20 người, có thể sẽ có đến 20 thông điệp khác nhau. Điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự nghe cho được những gì Chúa đang soi rọi và không để mình rơi vào ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Các anh không nhảy múa?”; “Không đấm ngực khóc than!”. Có thể bạn và tôi không nhảy múa, không khóc than vì chúng ta để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm” chiếm cứ. Đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn! Bên cạnh đó, là thái độ ‘không nóng không lạnh’ của mỗi người. Tất cả những điều này có thể dẫn chúng ta đi đến chỗ ‘đờ đẫn’. Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ mỗi ngày trên các bàn thờ, trong Lời, các Bí tích, các biến cố và qua những anh chị em chung quanh; Ngài đang làm điều đó cách nhẫn nhịn. Mùa Vọng, mùa bạn và tôi để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm lao vào màn đêm” hầu có thể nghe được ‘nhã nhạc’ yêu thương của Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào căn phòng lòng con mỗi ngày, đang ‘hát’, đang ‘thổi sáo’ nhằm biến đổi con. Đừng để con ‘đờ đẫn mãn tính!’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM:
Chúa Giáng trần mang sứ điệp tình yêu đến với nhân loại. Điều Ngài hằng khao khát mong muốn nơi con người là mở rộng con tim đón nhận Tin mừng để được cứu rỗi, được sống dồi dào và hạnh phúc. Nhưng con người đã chấp nhận tin hay chưa?
Hôm nay bài Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu nhìn đám đông đi theo Ngài với đủ hạng người, đặc biệt có cả Biệt Phái và Pha ri sêu, những thầy thông luật và thày dạy luật. Thấy họ còn cố chấp, cứng tin nên nhân cơ hội này, Ngài mượn các trò chơi dân gian của trẻ em Do thái để thức tỉnh họ ra khỏi cơn ác mộng của tính tự cao, tự đại, óc ích kỷ hẹp hòi với cái nhìn phiến diện luôn coi mình trọng hơn người khác, nhằm giúp họ sám hối, canh tân, cải thiện đời sống qua việc lắng nghe đón nhận Tin Mừng là chính Chúa Giêsu.
Thật vậy, tính kiêu căng, óc phê phán và cái nhìn phiến diện là những căn bệnh nan y khó điều trị ở thời xưa cũng như thời nay. Người ta chỉ biết trách “tại sao tôi làm” …mà các anh thì “không làm” như tôi. Cho nên khi thấy ông Gioan đến loan báo ơn cứu độ “Người không ăn, không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám”; còn Chúa đến rao giảng, Ngài cũng ăn, cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Thái độ này cho thấy: con người chỉ nhìn và đánh giá nhau dưới nhãn quan hạn hẹp và đầu óc phiến diện của mình. Do đó họ khó có thể mở lòng trước lời mời gọi của Gioan tẩy giả, và càng khó lòng để có thể đón nhận Chúa trong cuộc sống của mình.
Trong thời đại hôm nay cũng vậy, một khi con người có địa vị cao hơn một tí, hiểu biết hơn một chút hoặc có khả năng khám phá một vài định luật trong vũ trụ đã có từ ngàn xưa thì dễ trở nên kiêu ngạo, coi mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, muốn người khác làm theo ý mình…thậm chí còn coi trời bằng vung: “Ngày xưa hạn hán cầu trời, ngày nay hạn hán thì người trị ngay!”.
Lối nhìn như thế với thái độ kiêu căng, phê phán chủ quan ấy phải chăng cũng đang ảnh hưởng tới đời sống của người kitô hữu đang hiện diện trong Giáo hội, giáo xứ, gia đình và trong mỗi cá nhân của chúng ta? Chúng ta cần phải đáp trả lời mời gọi của Chúa như thế nào để sống và làm chứng về Chúa hôm nay?
Lạy Chúa,dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay mời gọi con nhìn lại chính minh. Thật con chẳng khác gì những người Do thái xưa kia:lòng đầy dẫy những núi đồi của sự kiêu căng, tự cao tự đại. Những con đường quanh co chưa được sửa lại cho thẳng do óc hẹp hòi, vị kỷ… vì thế mà nhiều lần, thay vì làm sáng danh Chúa, con đã làm mờ đi hình ảnh Chúa trong con. Sống tâm tình mùa vọng này, con xin Chúa biến đổi tâm hồn con và những người có cùng nhiệt huyết muốn mở lòng đi tìm Chúa trên đường thiêng liêng, biết tin tưởng, phó thác trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, biết cảm thông, yêu thương và đón nhận nhau, nhất là biết lắng nghe Lời Chúa, sống và thực hành đức tin, vì “đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Giuse Phan Nhã