THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Thứ năm - 06/06/2024 06:11
THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Ga 19,31-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
31 Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do Thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân.
32 Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu.
33 Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; 34 nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra.
35 Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin.
36 Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”.
37 Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua”.
SUY NIỆM 1: MÁU VÀ NƯỚC, SỰ SỐNG VÀ TÌNH YÊU 
Chúng ta hãy cám ơn thánh Yoan tác giả bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Người đã trung thành kể lại sự kiện một lính đã lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa Yêsu, để hôm nay chúng ta có đường lối đi vào Thánh Tâm Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay thật đẹp hơn mọi bức ảnh Thánh Tâm. Và những lời Kinh Thánh là tư tưởng chắc chắn hơn cả đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm.
Vậy, nếu chúng ta theo vết thương mà người lính đã cầm giáo mở ra ở cạnh sườn Chúa Yêsu mà nhìn vào trái tim Chúa, chúng ta sẽ thấy như thánh Yoan hồi trước, máu và nước đang chảy ra. Máu nói lên sự sống và tình yêu; Nước chảy đến đâu như muốn rửa sạch đến đó. Khi nói Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, thánh Yoan muốn trỏ cho mọi người thấy trái tim Chúa đang đổ hết sức sống và tình yêu của Người ra để rửa sạch chúng ta, khiến chúng ta trở thành tạo vật mới, thánh thiện, trong sạch đẹp lòng Chúa.
Thế nên, thánh Phaolô trong bài thơ hôm nay đã muốn quỳ gối xuống trước mặt Cha Ðức Yêsu Kitô để tạ ơn Người vì đã dành cho loài người chúng ta một kho tàng yêu thương vô tận như thế ở trong Thánh Tâm Chúa Yêsu. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội cũng hãy bắt chước thánh Tông đồ quỳ gối ở trước Thánh Tâm Chúa mà chiêm ngưỡng: kìa sức sống và tình yêu của Chúa đang chảy ra lênh láng mang phúc lành, ơn thánh đến cho chúng ta, để hôm nay chúng ta được tươi mát và phong phú hơn.
Quỳ trước Thánh Tâm Chúa, chúng ta thấy những lời sách Hôsê vừa nghe, tuy thật thắm thiết, nhưng dường như chưa diễn tả được tới mức của bài thơ Phaolô và của bài Phúc Âm Yoan. Hôsê cố gắng nói lên mối tình đặc biệt giữa Chúa và dân Người. Ông mượn hình ảnh một người cha, một người mẹ săn sóc đứa con thơ để nói về cách thức Chúa chăm lo cho loài người chúng ta. Chúa phán: lúc Israel còn niên thiếu, Ta yêu thương, bồng nó trên tay, ắp nó vào má, nghiêng mình trên nó và đút cho nó ăn. Quả tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi... Hỡi Israel, làm sao Ta có thể bỏ ngươi được? Phải Chúa đã không bỏ Israel, dù dân Người nhiều khi phản bội. Ezêkiel nói: Israel như người con gái, sinh ra đã bị bỏ rơi ngoài đường, Chúa đi qua động tình trắc ẩn, đem về tắm rửa nuôi nấng... Càng lớn càng thêm xinh đẹp. Chúa lại sắm cho nhiều tư trang và y phục đẹp. Gặp chàng thanh niên nào đi qua, Israel cũng chạy theo, đâm ra đồi trụy... Nhưng tình yêu của Chúa trước sau như một. Trái tim Người chỉ có yêu thương. Người lại đến chăm sóc, giúp hồi tâm tỉnh ngộ để mắt Israel lại bừng ra, khuôn mặt lại trở nên xinh đẹp.
Nói đúng hơn, trong Cựu Ước, Chúa mới chỉ hứa làm như vậy thôi. Nhưng đọc những tư tưởng ấy, ai mà không cảm động? Ai không thấy rằng trái tim Chúa thật là đại dương bát ngát tình thương? Người ta đã ví không sai khi gọi các trang Kinh Thánh là những bức thư tình. Kinh Thánh mạc khải tâm tư ý nghĩ của Chúa đối với loài người. Ðọc lên rõ ràng chúng ta chỉ thấy có tình yêu. Và nêu đọc ngoài viễn tượng tình yêu, sẽ không còn hiểu được Kinh Thánh nữa; và phải nói sẽ hiểu sai hoàn toàn. Kinh Thánh như vậy là trái tim của Chúa mở ra cho loài người. Ngày lễ Thánh Tâm trước hết chúng ta phải đọc Kinh Thánh, phải hứa sẽ đọc Kinh Thánh để tìm thấy Chúa yêu thương loài người và từng người chúng ta.
Cựu Ước đã thắm thiết, nhưng như ta đã nói, vẫn chưa sánh được với Tân Ước... Vì trong Cựu Ước, Chúa đã yêu thương nhiều, nhưng còn hứa làm nhiều việc yêu thương hơn nữa ở trong Tân Ước. Trái tim của Chúa Cha ở trong Cựu Ước còn giấu kín nhiều kho tàng bí ẩn, chỉ được mở ra nơi trái tim Chúa Yêsu như lời thánh Phaolô nói trong bài thư. Phải nhờ Tân Ước, nhờ Giáo hội, nhờ Trái tim Chúa Cứu thế, chúng ta mới biết được các mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, và mới rõ được sự khôn ngoan muôn màu mà Thiên Chúa đã dự định thi hành trong Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Như vậy, chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Yêsu hôm nay, chúng ta có thể thấy tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương loài người trong kế hoạch cứu độ.
Là vì sau nhiều thời, nhiều cách, dùng các tiên tri, đến nói với chúng ta về trái tim yêu thương của Người, của Thiên Chúa đã sai chính Con Một Người xuống thể để ai thấy Chúa Con cũng thấy Chúa Cha, ai thấy trái tim Chúa Con cũng thấy trái tim của Chúa Cha. Và trái tim của Chúa Con như thế nào, thì tất cả cuộc đời trần gian của Người đã nói lên tất cả. Không những lòng có gì, thì Người đã tâm sự hết với chúng ta. Người nói với chúng ta về Chúa Cha nhân lành yêu thương loài người đến nỗi đã thí Con Một Người cho ta. Câu chuyện những người thuê vườn nho là một tỉ dụ. Thiên Chúa có một vườn nho để cho loài người canh tác. Loài người không biết ơn, đã đánh đập mọi tôi tớ mà Người sai đến. Cuối cùng Người sai chính Con Một Người tới. Họ cũng đánh đập rồi giết chết. Tình yêu lạ lùng của Chúa Cha còn được câu chuyện đứa con hoang đàng kể lại.
Nhưng Chúa Yêsu đã diễn tả tình yêu ấy không nguyên bằng lời nói, mặc dầu lời nói của Người còn mạc khải toàn bộ chân lý cứu sống loài người. Người diễn tả trái tim của Người bằng chính nếp sống khó nghèo, vâng phục, tận tụy phục vụ mọi hạng người, kể cả những thành phần bị loài người vứt bỏ, rẻ rúng hơn cả. Người săn sóc kẻ phong cùi, người cải hoán kẻ tội lỗi. Người không bỏ chúng ta mồ côi. Và cuối cùng, Người đã chấp nhận chết để nói lên lời yêu thương thấm thía: Lạy Cha, con tự hiến thánh con để họ được nên thánh, con dâng mạng sống con để họ được sống. Chúa chết trên thập giá vì yêu thương; nhưng ở trên thập giá, Chúa còn muốn tỏ dấu yêu thương cho đến cùng.
Một người lính đã cầm giáo chọc thủng cạnh sườn Người, nơi che giấu trái tim yêu thương của Người. Những giọt máu yêu thương cuối cùng chảy ra. Những giọt máu nói lên tình yêu thương nồng nàn ngay khi thân thể đã cứng lạnh. Những giọt máu hy sinh tế lễ để đền tội cho loài người. Yoan đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Ông thấy người lính không đánh dập ống chân Chúa tử nạn như thói quen vẫn có, khiến dù thân thể Chúa đã hy nát như vậy mà mọi cái xương vẫn còn y nguyên. Bây giờ máu lại chảy ra, máu nói lên ý nghĩa hy tế tình yêu, Yoan bừng mắt nhận ra lời Thánh Kinh: khi làm thịt con chiên vượt qua, không được làm gãy một cái xương nào. Như vậy, trên thánh giá, Ðức Kitô thật là Con Chiên vượt qua của đạo mới. Và máu từ cạnh sườn đang chảy ra, đúng là máu cứu độ thay thế hẳn máu chiên vượt qua ngày xưa bôi trên cửa nhà người Dothái để cứu họ khỏi bị sát hại.
Chúng ta quả thật đã được cứu chuộc nhờ máu từ cạnh sườn Chúa Yêsu. Yoan sung sướng suy nghĩ như vậy. Và ông lại nhìn thấy nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Ðúng rồi, Êzêkiel đã viết: từ bên hông đền thờ Yêrusalem mới sẽ có suối nước chảy ra: nước trong sạch và phong phú làm sao! Nước chảy đi đến đâu, tạo vật mới mọc lên, sinh ra đến đó. Nước ấy là nước sự sống trường sinh vậy. Nay ở cạnh sườn Chúa tử nạn, có nước chảy ra theo máu. Ðiều đó nói lên ý nghĩa rõ ràng: hy lễ của Ðức Kitô đang ban Nước Thánh Thần rửa sạch chúng ta, biến chúng ta nên tạo vật mới làm cho chúng ta từ nay được sống trong sạch tươi mát.
Người ta thật có lý khi bảo Giáo hội đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, như Evà đã sinh ra nhờ khúc xương sườn của Adong. Sách thánh nói Evà đã sinh ra như thế là có ý bảo xương thịt Evà cũng là xương thịt Adong. Nam nữ cũng là loài người. Nam nữ phải mật thiết yêu thương nhau bình đẳng. Coi nhau như thân thể mình. Hôm nay, Giáo hội và chúng ta cũng được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Cứu thế. Giáo hội là thân thể của Người. Người sẽ yêu thương Giáo hội và chúng ta như thân thể của Người. Còn có thể diễn tả tình yêu như thế nào nữa không?
Thánh Yoan mời ta hãy nhìn lên Ðấng bị đâm thâu; thánh Phaolô bảo ta hãy hiệp cùng Hội Thánh mà hiểu biết chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu nơi Ðức Kitô; phụng vụ Giáo hội trong lễ và tháng Thánh Tâm này, thúc giục chúng ta chiêm ngưỡng yêu mến trái tim Chúa Yêsu yêu thương chúng ta lạ lùng.
Vậy chúng ta hãy đến cùng Trái Tim Chúa Yêsu trong Kinh Thánh, trên Thánh giá, nơi Thánh Thể, trong Giáo hội và nơi tha nhân. Trong Kinh Thánh rõ ràng chúng ta chỉ đọc thấy những lời Chúa yêu thương. Trên Thánh giá, chúng ta được thánh Yoan chỉ cho thấy máu tình yêu đang chảy ra để cứu sống chúng ta trong mạch nước trường sinh, thánh thiện. Còn nơi Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương của Trái Tim Chúa được biểu thị trong chính lời truyền phép: chúng con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Ta và này là Máu Ta. Có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về tình yêu của Chúa ở trong Giáo hội và nơi tha nhân. Việc suy nghĩ đó không khó khăn gì vì nếu Chúa đã trao tất cả trái tim Chúa cho Giáo hội, cho chúng ta, thì nhìn vào Giáo hội và tha nhân, chúng ta phải như nhìn thấy tình yêu thương của Chúa đang dành tất cả cho loài người. Chúng ta sẽ phải thêm lòng yêu thương tha nhân, muốn phục vụ tha nhân, vì có như vậy chúng ta mới cảm nghĩ như trái tim Chúa và mới làm đẹp lòng Trái Tim Chúa.
Thế nên, tháng Thánh Tâm không phải chỉ là tháng yêu mến Trái Tim Chúa; nhưng khi nhìn thấy Trái Tim Chúa yêu thương loài người vô cùng, chúng ta phải biết yêu thương chăm lo cho người khác.
Xin Thánh Tâm Chúa Yêsu làm cho trái tim chúng con được nên giống Thánh Tâm Chúa.
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
SUY NIỆM 2: THIÊN CHÚA THỔN THỨC VÌ TA
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội chiêm ngắm và cảm nếm lại tình mà Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta, một tình yêu không chỉ nằm nơi “đầu môi chót lưỡi”, nhưng còn xuất phát từ trái tim từ ái của Ngài và được diễn tả ra bằng những hành động rất cụ thể. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Hô-sê cho biết, Thiên chúa đã từng nói với chúng ta những lời vô cùng ngọt ngào như sau: “Trái tim Ta thổn thức vì các ngươi”.
Thật vậy thưa anh chị em, Thiên Chúa đã thổn thức khi thấy dân  Do Thái bị nô lệ bên Ai Cập nên Ngài đã ra tay giải thoát họ. Thiên Chúa thổn thức khi thấy dân lầm đường lạc lối và Ngài đã dùng các Ngôn sứ để giúp dân quay bước trở về. Thiên Chúa thổn thức đến nỗi trao ban chính người con độc nhất của Ngài là Chúa Giêsu để làm của lễ đền tội chúng ta… Chúa Giêsu khi xuống thế làm người cũng vậy, Ngài đã thổn thức trước những người tội lỗi, nghèo khó, tật nguyện… và đã ra tay cứu giúp họ. CGS cũng cảm thấy thổn thức trước một đoàn chiên vất vưng không người chăn dắt, trước một đồng lúa bao la mà thiếu thợ gặt, và Ngài đã không ngừng cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu thổn thức đến nỗi đã sẵn sàng dang tay ra để ôm lấy tất cả tội lỗi chúng ta mà đưa lên cây thập giá… Và trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan còn cho biết, từ trên thập giá, trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu đã tuôn trào dòng máu thánh cùng nước để thanh tẩy nhân loại chúng ta.
Hôm nay nhắc lại những nét đẹp ấy, Giáo Hội chỉ muốn nhấn mạnh với chúng ta điều này, đó là, trái tim của Chúa luôn thổn thức và hướng về nhân loại, hướng về từng người chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn thổn thức trước những biến cố vui buồn, những thành công thất bại; thổn thức trước những băn khoăn trăn trở, những ưu tư thao thức mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống…Những lúc như thế, anh chị em đừng quên tựa nép vào lòng Chúa và ngỏ hết cho Ngài nhng tâm tư, những vui buồn của đời sống; rồi lúc ấy, anh chị em sẽ cảm nhận được hơi ấm, cảm nhận được sự an ủi vỗ về.
Đó là về phía Thiên Chúa, còn chúng ta thì sao? Hằng ngày vào lúc sáng sớm cũng như lúc chiều hôm, mỗi lần tiếng chuông nhà thờ vang lên, trái tim chúng ta có thổn thức và hướng về Chúa không thưa anh chị em? Hồi xưa các cụ dạy chúng ta rằng: “tiếng chuông chính là tiếng Chúa”. Nếu mỗi lần tiếng chuông vọng ngân mà lòng chúng ta không hề lay động, thì coi chừng trái tim của chúng ta đang dần khô cứng.
Trong gia đình cũng thế, trái tim của chúng ta có bị thổn thức để có thể sống bao dung quảng đại với vợ, với chồng, với cha mẹ cũng như con cái; và rộng lượng tha thứ khi họ làm điều gì có lỗi với ta hay không? Nếu ngay cả những người máu m ruột thịt trong nhà mà trái tim ta vẫn không rung động, thì khó để chúng ta có thể thổn thức và đồng cảm với anh chị em xung quanh mình.
Trái tim của Chúa luôn luôn thổn thức và hướng về chúng ta. Ngài sẵn sàng yêu thương, tha thứ và trao ban cho chúng ta tất cả. Là người con cái Chúa, mỗi người cũng hay mang lấy một trái tim ấm áp như thế, để biết thổn thức với Chúa và với nhau. Và để chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: TRÁI TIM THIÊN CHÚA RUNG ĐỘNG VÌ YÊU
Đúng 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho Thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương “dịu hiền và khiêm nhường” trong lòng.
Trái Tim Chúa đã yêu loài người ta quá bội
Trái Tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống…; để ai uống nước này “thì từ họ sẽ vọt lên sự sống đời đời” (Ga 4,14).
Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim “yêu thương” dân, “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa” (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep  3,8-12.14-19). Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chẳng những thế, con người còn xúc phạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên: “Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng: “Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loài người” (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.
Trái Tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy mọi nhân đức
Những lời Kinh cầu vang lên trong suốt tháng Sáu như muốn nói với chúng ta rằng: tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại, đều được gửi gắm và thể hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Qua Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta thấy được sự quan phòng tình yêu từ đời đời của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian. Đúng là mầu nhiệm tình yêu khôn hiểu thấu, nên chúng ta “hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người” (Tv 12, 5).
Nhìn ngắm Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trong sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra lòng nhân lành của Chúa Giêsu luôn yêu thương, ấp ủ chúng nhân, chứng tỏ Trái Tim Người là mạch đầy dẫy hằng sống và thánh thiện, là nguồn suối cứu chuộc chúng ta, nguồn suối ấy đem tưới vào đời mình ta sẽ có được sự bình an sâu thẳm và niềm hạnh phúc đích thực ở nơi Trái Tim Giêsu yêu thương.
Sùng kinh Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu
Thế giới ngày hôm nay xảy ra biết bao cuộc xung đột cam go đẫm máu, rất cần sứ điệp tình yêu phát xuất từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch duy nhất, nhân loại có thể múc lấy sự khiêm nhường và lòng tha thứ để chữa lành những thương tích. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu có thể là nguồn mạch mọi ơn phúc cho thế giới này như lời Đức Piô X viết khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Trái Tim Chúa: “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia”. Đức Piô XI nhận định: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta” (Caritate Christi compulsi). Trong tông huấn Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chân phước Phaolô VI viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới”. Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng nói: “Lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta” (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5-10-1987).
Nên giống Trái Tim Chúa
Người kitô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính, mà còn phải sống tình yêu ấy nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy ” (Ga 14, 15). Như thế, Người mời gọi chúng ta kèm theo điều kiện: nếu ta yêu mến Chúa, thì ta phải giữ các điều răn của Chúa, tuân giữ thánh chỉ của Chúa, và thực hành các giới răn mà Thiên Chúa đã chỉ cho ta, để chứng tỏ rằng ta yêu Chúa.
Chúa muốn chúng ta giữ các điều răn đã được Chúa ban cho Israel trên núi Sinai qua trung gian Môisen, nhiều người trong chúng ta lặp lại mỗi ngày trong kinh nguyện, một tập quán tốt đẹp và ngoan đạo. Chúng ta lặp lại những điều đã được viết trong Sách Xuất Hành, để tin nhận và làm mới lại những gì chúng ta nhớ.
Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 4:
Lạy Trái tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa!
Cử hành Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại khung cảnh chiều thứ sáu Tuần thánh. Rốt cuộc, cực hình của Chúa trên Thập giá dù sao cũng chấm hết. Kẻ thù ra về hãnh diện như là đã chiến thắng vì việc làm của họ. Chúa vẫn cứ yên lặng và rồi những yên lặng kéo theo: Chúa bị vu cho là người phá rối và đã bị nhà cầm quyền loại trừ. Đám đông dân chúng bỏ đi và chỉ còn lại tiếng thổn thức não nề của Maria, của Maria Mađalena và của những phụ nữ đạo đức khác. Rồi tiếng ngựa phi của những anh lính vừa hoàn thành phận sự mà họ phải làm. Họ đánh dập ống chân 2 tên trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, rõ ràng là người đã chết, nếu có đánh dập ống chân Người cũng vô ích. Nhưng để an tâm hơn, một anh lính không biết tên gì đã thực hiện một hành động có tính biểu tượng cao cả, đó là lấy đòng đâm thủng trái tim Người. Thế là "Máu và nước chảy ra".
Như vậy, Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội chỉ cho chúng ta thấy Trái Tim Chúa qua một cuộc hẹn gặp trong giờ phút khổ nạn của Người. Trái Tim đã mở, đã há ra và chẳng còn gì nữa! Tất nhiên không phải là Giáo Hội đòi hỏi chúng ta phải tôn kính trái tim tan nát ấy, nhưng là suy tôn tình yêu bao la của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Một tình yêu mà Người không thể làm được gì hơn. Một tình yêu mà Người không thích trình diễn bằng những pha đẹp mắt của những vị anh hùng hảo hán. Tình yêu đó là: xuống thế làm người, mặc lấy tất cả những điều kiện sống của một con người, chất đầy những đau khổ, yếu đuối và giới hạn vào thân. Phải trở nên thân phận của một con người tội lỗi và bần tiện. Người muốn biết điều mà không bó buộc phải biết: đó là cái chết của một  người trong những điều kiện khó khăn nhất, chết trần truồng trên thập giá. Người còn trở nên tấm bánh: bánh có thể sử dụng được, bánh ấy cũng có thể bị trao ban trên tay bẩn thỉu của những người thiếu lòng kính cẩn, hoặc trên tay những người có trái tim ô uế mà họ không muốn nhận ra tội lỗi của mình.

Để làm cho chúng ta dễ hiểu tình yêu của Người, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để mô tả: Người là bạn trung thành, hiện diện hằng ngày và rất gần chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể. Người là mục tử quan tâm đến từng con chiên và sẵn sàng chết để bảo vệ đàn chiên. Người là anh Cả, là con đường để về cùng Cha. Qua Người, chúng ta biết tình yêu rộng mở của Chúa Cha.
Vâng, Người có thể làm được gì hơn nữa để chứng tỏ tình yêu của Người? Người là trái Tim hay yêu mến: Trái Tim thịt của Người có khả năng dốc cạn đến giọt máu cuối cùng. Trái tim Người mặc khải cho chúng ta không phải là một tình yêu nhạt nhẽo và đãi bôi, nhưng là một tình yêu  mạnh mẽ, quảng đại và biếu không. Tất cả các nhịp đập của trái tim Người chỉ là lo cho chúng ta được nghỉ ngơi, bằng an, thanh thản, vì Người dịu hiền và khiêm nhường thật trong lòng.

Đối diện với Tình Yêu khôn lường của Người, nhân loại chúng ta thường chỉ đáp lại bằng sự lãnh đạm thờ ơ như chúng ta vẫn thường đọc trong kinh đền tạ Trái Tim: "Lạy ơn ĐCG rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi".
Chúa Giêsu như một con người bị đầy đoạ. Người chiếm chỗ nào trong trái tim chúng ta? Người có được chúng ta yêu mến nhất trong đời không? Phải chăng Người là kẻ đi sau tiền tài, danh vọng của chúng ta? Nếu có món lợi  nào, thì chúng ta sẵn sàng bỏ lễ chủ nhật và lễ trọng. Mỗi một ngày sống chúng ta giành cho Người mấy phút để trò chuyện.
Người còn bị xuyên tạc và bóp méo. Rất nhiều bộ phim và sách vở đã bôi nhọ hình ảnh Người. Ngay cả những người tín hữu chúng ta đã cho Chúa hình ảnh nào khi chúng ta hận thù chia rẽ và ghen ghét nhau? Biết bao lần Chúa Giêsu đã bị bóp méo và xuyên tạc trong thân thể của Người là Giáo Hội khi Giáo Hội bị phê phán cách này cách khác? Biết bao người tín hữu chúng ta cảm thấy ách của Chúa quá nặng nề và sợ sệt những đòi hỏi của Chúa. Biết bao người tín hũu chúng ta bôi nhọ Chúa vì đi đàng tội lỗi bỏ mà không tin rằng Chúa Chúa sẵn sàng tha thứ cho họ.
Chúa Giêsu bị lãng quên. Một điều trầm trọng nhất và cũng thường gặp nhất, đó là sự thờ ơ của con người trước tình yêu vô vi lợi của Chúa. Người ta nói rằng Chúa Giêsu chỉ quan trọng và cần thiết khi Người đem lợi nhuận cho họ. Chúa Giêsu chiếm chỗ nào trong những xã hội đã bị tục hoá? Người có chỗ nào trên truyền hình? Có bao nhiêu phần trăm người Kitô hữu đi lễ ngày chủ nhật? Bao nhiêu người có đạo bắt đầu ngày sống của mình bằng những lời cầu nguyện sốt sắng và chân thành hướng về Chúa Kitô? Bao nhiêu người năng đến với Bí Tích Giải tội để xin ơn tha thứ? Trong số những người lên Rước lễ, có bao nhiêu người biết phân biệt đích thực đó là chính Chúa Giêsu mà họ sẽ phải sống kết hợp mật thiết với Người ?
Ngày lễ hôm nay chúng ta hãy hồi tâm để kiểm điệm Đức Tin của mình! Hãy tin thật vào Tình Yêu Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban! Đừng giống như những đứa trẻ không bao giờ cám ơn cha mẹ về của ăn cũng như áo mặc mà cha mẹ chúng cung cấp cho.
Chúng ta hãy tin rằng Tình Yêu của Chúa Kitô cao cả đến nỗi Người cũng có khả năng quên đi sự vô ơn tệ bạc của mỗi người chúng ta. Tình Yêu của Người như điên rồ và mù quáng đến nỗi không thấy sự thờ ơ và lãnh dạm của chúng ta.
Không do dự và cũng chẳng còn cách nào khác, hãy bình tĩnh đặt lại vấn đề và kêu kêu lên Chúa "Xin ban cho chúng con một quả tim mới, huỷ bỏ quả tim chai đá của chúng con đi. Đừng để trái tim chúng con khép kín trước anh chị em chúng con, khi mà Trái Tim Chúa vẫn luôn rộng mở và không mỏi mệt!
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
SUY NIỆM 5: CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Thánh tâm Chúa Giêsu. Mừng lễ Thánh Tâm là chúng ta nhớ đến Tình Yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là tình yêu. 
I.  THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.
Tình yêu của Thiên Chúa vô tượng vô hình vô thanh vô sú. Tình yêu không có hình tượng, chẳng có hình dáng, không có âm thanh, cũng chẳng có mùi vị nhưng Tình yêu là cái gì rất thật.
Trong Thánh kinh chúng ta thấy có rất nhiều nơi nói về lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta: Cựu ước cũng trong Tân ước.
* Trong sách Ôsê, Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con cái. Chăm sóc con, bồng con, bồng con trên tay, ấp ủ trong lòng. Tập cho con đi. Đút cơm cho con ăn. Đó là  những cử chỉ quen thuộc của một người mẹ.

Thiên Chúa là một người cha, nhưng lại có tấm lòng của một người mẹ. Và lòng Ngài còn mênh mông hơn lòng một người mẹ. Ngài nói: “Dẫu người mẹ có quên con mình thì Ta cũng sẽ chẳng bao giờ quên các con. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế đó.

* Thánh Phaolô trong thư Êphêsô xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu mênh mông vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: nó vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu. Xin cho chúng ta hiểu để chúng ta được no thỏa và được tràn đầy sự viên mãn của Thiên Chúa.
* Và trong Tin Mừng của Gioan chúng ta thấy tình yêu thương đã được cụ thể một cách rõ rệt hơn cả bằng cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên Thập giá. Sau khi chết, trái tim Chúa bị còn bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Từ đó nước và máu đã chảy ra cho tới giọt cuối cùng.

Trái tim đó bị đâm nát, đổ đến giọt máu cuối cùng có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương trọn vẹn, có thể thương bao nhiêu thì thương bấy nhiêu, cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, không giữ gì lại cho  mình.
Quả thật Thiên Chúa đã yêu thương ta như vậy nên dầu chúng ta có như thế nào đi nữa chúng ta cũng vẫn có một chỗ an nghỉ trong trái tim của Chúa. Chúng luôn được Thiên Chúa yêu thương tối đa. Và cái tối đa của Thiên Chúa thì thật vô cùng vô tận.
II.  NHƯNG TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA LÀ TÌNH YÊU NHƯ THẾ NÀO?

* Thánh Phaolô khẳng định tình thương của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người. Tình yêu giữa người với người còn không thế hiểu nổi huống chi tình yêu của Thiên Chúa. Phải cảm nghiệm trước đã mới có thể hiểu được phần nào.

* Còn theo Thánh Gioan thì cái không thế hiểu nổi nơi Thiên Chúa là vì Ngài yêu thương đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho trần gian. Còn gì quý hơn Con Một Ngài, thế mà lại ban cho thế giới. Và khi ban Con Một, Ngài ban cho ta tất cả những gì có thể ban được. Mọi hồng ân của Thiên Chúa đều được thâu gồm trong Chúa Giêsu. Được Chúa Giêsu là được tất cả.
* Để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha, Người Con Một ấy đã hiến thân làm lễ vật thay cho chúng ta. Đó là tình yêu hiến dâng và cứu chuộc. Một tình yêu đi tới cùng, không nửa vời. Ỳinh yêu chấp nhận mọi hậu quả. Đã yêu thương như vậy thì giá nào cũng sẵn lòng trả. Trong Kinh cầu trái tim Chúa Giêsu có một câu có vẻ mộc mạc nhưng lại rất sâu sắc: “Trái tim Chúa Giêsu tan nát vì tội lỗi chúng tôi”. Đó là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả trên Thập giá vì quá yêu thương.
Thực ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu thương tới mức độ như thế. Còn loài người chúng ta dầu có thề thốt gì với nhau đi chăng nữa cũng rất mong manh, chứa đầy bất trắc. Hoặc do lòng người thay đổi, hoặc hoàn cảnh bên ngoài cản ngăn. Tình yêu của loài người dầu mãnh liệt khiến sông sâu cũng lội, núi cao cũng trèo, vẫn tương đối, có giới hạn, nhiều kẽ hở, lắm rủi ro, có lúc yếu đuối. Biết bao tình yêu tưởng chừng thách thức thời gian, nhưng lại bị thời gian làm sói mòn, phai nhạt, rồi đi tới tan vỡ. Một nhà văn đã nhận định một cách chua cay: tình yêu cứ nhạt dần, rồi vữa ra, chua như mồ hôi.
Cuối cùng chỉ còn có tình Thiên Chúa yêu thương ta. Tình thương của Ngài chỉ có đầy mà không có vơi và lúc nào cũng đầy.

III.  KHI YÊU TA NHƯ VẬY CHÚA MUỐN GÌ NƠI TA?
Theo lời thánh Augustinô: “Tình yêu kêu gọi tình yêu, Tình thương Chúa kêu gọi tình yêu của loài người” “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”(Ga 13,34) Vâng phải tập cho mình biết yêu như Chúa. Chúa yêu như thế nào chúng ta hãy biết bắt chước yêu như vậy.Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và  tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tỳ vết hay rạn nứt nào. Đám đông người hiếu kỳ đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ chưa từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim của tôi !”. Chàng trai cùng đám đông ngám nhìn trái tim của cụ già. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần trái tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào, nhưng không vừa khít, nên tạo ra một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám vào để thay thế. Chàng trai cười nói: “Chắc cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt”Cụ già mới từ tốn nói: “Mọi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho mỗi người mà tôi yêu. Người đó không chỉ là những cô gái, mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè . . . tôi xé một mẩu tim trao cho họ, thường thì họ cũng xé trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra của tôi. Thế nhưng những mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu của tôi trao cho các ngài, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi, chúng không bằng nhau nên chúng tạo ra những sần sùi nhưng tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ để lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.
Nghe thế, chàng trai đứng lặng yên không nói lên một lời nào. Những  giọt nước mắt chảy ra lăn trên má lúc nào mà anh cũng chẳng hay. Đột nhiên anh từ từ bước tới và xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho bà cụ: Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ và trao cho chàng trai. Khi ráp lại thì chúng vừa với nhau, nhưng lại không hoàn toàn ăn khớp nhau, cho nên trên trái tim chàng trai xuất hiện một đường lởm chởm. Giờ đây trái tim của anh không còn hoàn hảo nữa nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết, vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh.
Vâng mỗi người chúng ta hãy để cho trái tim của Chúa chảy qua trái tim của chúng ta để biến trái tim của chúng ta trở nên giống trái tim của Người. Chỉ có con đường đó chúng ta mới có thể có được một tình yêu như Chúa.

Lạy Chúa xin cho con một trái tim biết mở rộng để thay vì chỉ đóng khung trong quan điểm của mình, con biết đón nhận những khuyết điểm nơi người khác, những anh em của con. Xin hãy cung cấp máu cho con tim của chúng con để chúng con biết sống hy sinh quên mình mà không tính toán hơn thiệt. Xin hãy cùng cảm xúc theo nhịp đập với trái tim của chúng con để chúng con biết “vui với người vui, khóc với người khóc”

Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa khắp mọi nẻo đường chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con  để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng một cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu Chúa.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 SUY NIỆM 6:  YÊU THƯƠNG HẾT LÒNG
Một người lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu, tức thì máu cùng nước chảy ra. Hình ảnh nước và máu chảy ra diễn tả Chúa Giêsu đã yêu thương con người hết lòng. Những giọt máu cuối cùng Ngài cũng dốc cạn để đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Cho dù con người có quay lưng với Thiên Chúa, thì Ngài vẫn yêu thương con người hết lòng. Trong trái tim của Chúa Giêsu chỉ chứa đựng tình yêu trọn vẹn cho Chúa Cha và con người nên Ngài không ngại hy sinh mạng sống và trao hiến tất cả để mọi người được thông phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều, nhưng chúng ta yêu mến Chúa được bao nhiêu? Chúa Giêsu đã trao ban giọt máu cuối cùng để cứu chuộc chúng ta, còn chúng ta làm gì để đón nhận sự sống đời đời Chúa ban? Mỗi khi phạm tội hoặc chối từ Chúa, chúng ta đang làm tổn thương tình yêu của Ngài dành cho mình. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá để nhận ra tình yêu vô bờ của Ngài dành cho từng người, nhờ đó chúng ta sẽ có động lực để đón nhận đau khổ và yêu thương nhau.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng con xin lỗi Chúa vì sự thờ ơ và vô ơn khi cứ sống chìm đắm trong tội lỗi. Xin cho chúng con luôn biết sống xứng đáng với tình yêu của Chúa bằng một đời sống thánh thiện và yêu thương nhau, nhờ đó tình yêu hy sinh của Chúa trên thập giá trổ sinh hoa trái tốt lành trên mọi người. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 7:
 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Giêsu:
• Một con tim đập chung nhịp với Cha.
• Một con tim đập chung nhịp với con người.
• Một con tim lắng nghe những thao thức của con người trong giờ phút cuối đời.
• Một con tim vẫn yêu con người cho dù bị phản bội và bị treo lên thập giá.
• Một con tim không giữ lại gì cho mình nhưng cho đi tất cả.
• Một con tim không còn nguyên vẹn khi bị đâm thâu.
• Một con tim trao ban sự sống mới Máu và Nước.
• Một con tim mở ra để cho con người được cứu chuộc.
Đức Giêsu của chúng ta đã sống như thế đó. Ngài mời gọi tất cả con người cũng cần có một thái độ như vậy. Tôi được mời gọi để mở lòng mình ra như thế nào?
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết sống trong sự thương xót của Ngài nhờ biết thương xót anh chị em con.
Br. Vincent SJ



 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây