Thứ Tư tuần 20 thường niên – Thánh Piô 10, giáo hoàng. Lễ nhớ.
"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".
* Thánh nhân sinh năm 1835 tại Ri-ê-sê, nước Ý. Sau khi làm linh mục, người dấn thân thi hành việc mục vụ. Người làm giám mục Man-tô-va, rồi làm thượng phụ giáo chủ Vê-nê-xi-a và cuối cùng, năm 1903, được chọn làm giáo hoàng. Người chu toàn bổn phận của mình theo khẩu hiệu người đã chọn: “Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô” với lòng đơn sơ, đời sống thanh bần và can đảm. Cùng với những đức tính ấy, người đã giúp các tín hữu sống đạo nhiệt thành và đối phó với những sai lầm đang lan tràn trong Hội Thánh. Người qua đời ngày 20 tháng 08 năm 1914.
Lời Chúa: Mt 20, 1-16a
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
"Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
"Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".
"Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết". Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?" Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"
"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".
SUY NIỆM 1: Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Giá Trị Và Nhân Phẩm Con Người (Mt 20,1-16a)
Qua câu chuyện ngụ ngôn về người chủ vườn và các công nhân làm vườn nho, Chúa Giêsu đã diễn tả lòng quảng đại và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã dùng một thực tại rất gần gũi với đời sống xã hội của người Do Thái đương thời là vào thời ấy các công nhân thường hay đứng đợi ở những nơi công cộng như chợ búa chẳng hạn, để chờ các chủ nhân đến mướn làm việc. Thường là những công việc làm ngắn hạn, có khi chỉ là một ngày công mà thôi cho nên nếu ngày nào mà có những công nhân đó không có việc làm có nghĩa là ngày ấy thiếu những bát cơm nóng trên bàn ăn của gia đình.
Trong chuyện ngụ ngôn hôm nay, người chủ nhân đã gọi các công nhân làm việc vào giờ cuối cùng nhưng đã rộng lượng trả tiền thù lao cho họ ngang bằng với tiền trả cho những người làm việc cả ngày. Qua lối nói ẩn dụ này Chúa Giêsu cho thấy lòng nhân ái của Chúa Cha đối với nhân loại, nhất là đối với những kẻ tội lỗi, những người bị áp bức và bị đẩy ra bên lề của xã hội phong kiến thời ấy. Có những người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng không chịu làm việc mà vì hệ thống kinh tế thời đó không tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Người chủ nhân mướn và trả công thật hậu cho những người làm việc vào giờ chót, cho thấy tấm lòng quảng đại bao la của ông, vì nếu ông chỉ trả lương đúng theo số giờ họ đã làm việc thì chắc chắn là gia đình của những người này sẽ thiếu ăn trong ngày hôm đó.
Thiên Chúa chính là vị chủ nhân tốt lành và quảng đại với tất cả tạo vật của Ngài. Ngài luôn quan tâm và thương xót nhân loại, nhất là đối với những người đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần như lời Ngài nói: "Tất cả những ai mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Như thế, người chủ nhân đã rộng lòng trả tiền lương cho tất cả các công nhân ngang bằng nhau, không kể họ làm việc vào giờ nào, điều đó không phải là sự bất công. Người chủ vườn là Thiên Chúa luôn công bằng với các tạo vật của Ngài, ai làm việc nhiều giờ hay ít giờ đối với Ngài không là việc thiết yếu; điều quan trọng là ý định và thái độ làm việc của các công nhân.
Thiên Chúa yêu mến những ai phục vụ Ngài bằng với tinh thần yêu thương và hân hoan chứ không làm việc vì muốn được hưởng công hậu hay vì mục đích tham vọng cá nhân. Sự làm việc có một giá trị thiêng liêng đối với con người vì qua sự làm việc, con người làm vinh danh Thiên Chúa và cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Qua công việc làm, con người trở nên hữu ích và góp phần vào công việc xây dựng và làm thăng tiến xã hội, và cũng qua đó tìm thấy giá trị và nhân phẩm của mình.
Qua chuyện ngụ ngôn hôm nay những công nhân được mướn làm giờ đầu tiên ám chỉ đến dân tộc Israel, là dân tộc đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và được Ngài mạc khải chương trình cứu độ, nhưng dân Do Thái đã từ khước Thiên Chúa lại còn giết hại Con Một do Ngài sai tới để cứu chuộc thế gian. Nhưng tình yêu thương được thể hiện qua công trình cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn trong quốc gia Do Thái mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên thế gian.
Các công nhân được gọi làm việc trong vườn nho vào giờ cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các dân ngoại đã từng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa như Ngài đã ban ơn cho dân Do Thái.
Lạy Chúa,
Xin dạy cho chúng con biết phục vụ Chúa và những anh chị em khác với lòng quảng đại và niềm hân hoan. Xin cho chúng con biết dâng hiến nhiều hơn là cầu xin cho sự ích lợi của riêng mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Sống Hằng Ngày Với Ý Hướng Đời Đời
“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
Chiều đến ông bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại và trả công cho họ, bắt đầu từ người vào làm sau chót tới người làm trước nhất.”
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”
Thế là những kẻ đứng sau chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. [Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.] (Mt. 20, 1.8.11.12.16)
Người ta cho rằng: “Sự giải thích thực tế của cổ truyền không được nhất trí về chủ đề của dụ ngôn này” Xin cho phép tôi diễn tả ý tưởng của riêng tôi như sau.
Tình yêu đối với kẻ đứng chót.
Tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ đứng chót là tình yêu vô cùng, vô cùng đối với tất cả và từng người. Mỗi người nhận được tình yêu vô cùng này tùy theo khả năng yêu mến của mình.
Tình yêu Thiên Chúa là ân huệ cho không, nhưng có tính cách như một nghĩa vụ, Thiên Chúa yêu ta nhưng không, như cha thương con của Ngài, chúng ta được quyền đó. Đức Kitô không chết để tô điểm cho tình yêu thêm bóng bẩy, Người chết vì vâng lời Chúa Cha. Sự vâng phục của Đức Kitô cho chúng ta thêm khả năng yêu mến Thiên Chúa như chúng ta ước muốn. Cái chết của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa vô cùng, đời đời. Ngài là chủ nhà, là cha trong gia đình. Ngài ban tình yêu của Ngài cho từng đức con mộtc cách trọn tình. Chúng ta phải đáp lại tình yêu của Ngài, phải làm sống lại tình yêu của Ngài.
Luôn luôn làm việc hết mình.
Đừng nghĩ rằng những giờ trong ngày làm việc là những khoảng khắc thời gian đồng hồ! Tôi xin gợi ý rằng cần phải biết giá trị thời gian này là kỳ hạn của đời người, của những thái độ chúng ta trước dung nhan Thiên Chúa. Sáng sớm chủ đi, mướn tất cả thợ mà ông gặp, nhưng đến giờ chót vẫn còn một số thợ.
Phần đông chúng ta cũng là số thợ được tình yêu vô cùng của Chúa vào giờ chót. Vì thế chúng ta phải có ý thức hăng hái làm việc hết mình để đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy. Những thợ giờ chót không phải là những kẻ chậm trễ, nhưng là những kẻ sống hằng ngày với ý hướng đời đời rồi.
Được Chúa tiếp nhận, được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người. Những người thợ này hiến thân hết lòng đối với tình yêu đã an ủi họ.
Hơn nữa, những kẻ trở về, đừng nghĩ chuộc lại thời gian đã mất, nhưng hãy kính mến Chúa hết lòng vì Người đã mong chờ mình mọi ngày như người cha chờ mong đứa con phung phá trở về.
J.M
SUY NIỆM 4: HÃY ĐI VÀ LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA (Mt 20, 1-16a)
Xem lại CN 25 TN A.
“Hãy đi và làm vườn nho cho Chúa”. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.
Vườn nho được hiểu là Giáo Hội. Người mời gọi là chính Thiên Chúa. Đi làm vườn nho được hiểu là công tác truyền giáo. Việc Thiên Chúa trả lương cách hậu hĩnh và công bằng muốn diễn tả Người là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Vì thế, lời mời gọi đi làm vườn nho không có nghĩa là một bản hợp đồng lao động, và việc nhận lương không căn cứ vào thời gian hay công việc. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội. Thật vậy, Đức Giêsu muốn nói đến tính phổ quát của của ơn cứu độ, vì Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, cho người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Đồng thời Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Người.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng: mỗi người, Chúa đều trao cho những nén bạc và tùy khả năng để sinh lời. Phần thưởng dựa vào tiêu chuẩn là người đó có thực sự cố gắng và chu toàn hay không mà thôi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết, biết gắn bó với Giáo Hội và trung thành với bổn phận của mình. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Vì tôi tốt bụng
Suy niệm
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giê-su,
ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:
“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?”
Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.
Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ít raen, được gấp trăm về mọi sự,
và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).
Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,
một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.
Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.
Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,
nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,
thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.
Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.
Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ong chủ độ lượng”.
Trong thế giới thời Đức Gíê-su, người ta mướn thợ buổi sáng
và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).
Lương công nhật là một quan tiền (denarius),
tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.
Ong chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.
Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)
lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.
Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,
còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).
Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.
Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường
với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.
Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)
cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.
Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,
“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).
Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.
Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ
để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.
Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả
khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.
Bất công nằm ở chỗ làm nhiều. làm ít, nhận lương như nhau.
Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,
vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.
Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,
những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.
“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).
Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh :
đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.
Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,
người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.
“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn
với tài sản của tôi sao?” (c. 15).
Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.
Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.
Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).
“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).
Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,
ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,
đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.
Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.
Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.
Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.
Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.
Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban
hơn là một sự trả công hay phần thưởng.
Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.
Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.
Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.
Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.
Ông chủ vườn nho thương cả những người
đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.
Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?
Chắc chẳng được bao nhiêu.
Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.
Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,
“những người không được ai mướn” (c.7),
những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,
những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.
chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.
Những người này khác với những người làm từ sáng,
biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.
Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hỹ.
Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.
Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,
kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…
Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên
vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,
quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.
Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người
mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.
Người còn thấy cả thời gian chờ.
Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.
Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,
Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,
vì lòng tốt của Ngi không sao hiểu được.
Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.
Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.
Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn