Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Thứ ba - 24/11/2020 07:29

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất".

 

Lời Chúa: Lc 21, 12-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

 

 

Suy Niệm 1: Một sợi tóc

Suy niệm:

Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,

một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.

Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.

Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.

Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.

Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,

muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.

Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,

đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.

Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại

xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.

Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.

Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).

Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,

và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).

Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).

Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy

đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.

Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.

Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.

Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,

như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do và lương tâm,

khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.

Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,

chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.

Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.

Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.

Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.

Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,

dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.

Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.

Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).

Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.

Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).

Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).

Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.

Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).

Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.

Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)

nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.

Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),

nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.

Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Càng về cuối thời gian người tôi tớ Chúa càng khốn đốn. Vì thế gian càng trở nên điên cuồng. Quyền lực trần gian muốn khẳng định mình. Ra tay bắt bớ hành hạ những người tôi tớ của Thiên Chúa. Quyền lực này thật ghê gớm. Gây nên chia rẽ trong bản thân. Trong người thân. Trong gia đình: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”. Người công chính sẽ bị nộp. Bị kết án. Và bị giết chết. Nhưng Chúa căn dặn ta đừng sợ. Đó chính là cơ hội làm chứng cho Chúa. Và Thánh Thần sẽ soi sáng cho ta biết phải nói gì để chống lại thế gian gian ác bất công. “Cứ kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Điều đó đã được chứng nghiệm thời ông Đa-ni-en. Đế quốc Ba-by-lon vô đạo quá hùng mạnh. Dân Chúa bị bắt làm nô lệ. Những thanh niên ưu tú như Đa-ni-en phải phục vụ nhà vua. Vua Bên-sát-xa càng ngông cuồng hơn vua cha Na-bu-cô-đô-nô-sô. Coi mình hơn Thiên Chúa. Chúa đã ra tay. Bàn tay hiện lên viết những hàng chữ mà nhà vua không hiểu. Bấy giờ phải thỉnh cầu Đa-ni-en. Đa-ni-en cho biết: “Ngài tự cao tự đại, đã chống lại chúa Tể trời cao….Vì thế, Thiên Chúa đã cho phần bàn tay ấy đến viết những hàng chứ kia…vương quốc của ngài đã bị phân chia và trao cho các dân Mê-đi và Ba-tư”. Đa-ni-en, người nô lệ đã trở thành người làm chứng cho Chúa (năm lẻ).

Thế lực trần gian điên cuồng ngạo mạn. Nhưng rồi sẽ tàn lụi. Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Cơn lôi đình của Thiên Chúa sẽ đến chấm dứt thời gian và không gian của thế lực trần gian. Thiết lập vương quốc mới “như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa và hát bài ca của ông Mô-sê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên; họ hát rằng: ….Chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan, vì ai ai cũng đều thấy rõ những phán quyết công minh của Ngài” (năm chẵn).

Trong thời gian cuối cùng này chúng ta sẽ gặp rất nhiều khốn khó. Sự dữ nổi lên tư bề. Ma quỉ muốn một lần cuối cùng vùng vẫy chống lại Thiên Chúa. Bắt bớ những tôi tớ trung tín. Muốn áp đặt sự dữ và vương quốc của nó trên trần gian. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Hãy can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt các vua quan thời đại mới. Bằng đời sống siêu thoát. Không theo thói đời. Hãy tin tưởng. Trần gian rồi sẽ qua đi. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Chúa. Cứ kiên trì. Ta sẽ được giải thoát.

 

Suy Niệm 3: Cơ hội làm chứng

Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.

Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.

Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.

Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.

Xin cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả cảnh huống nào của cuộc đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Đối mặt với thử thách

Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc. 21, 17-19)

Người ta cứ tưởng rằng những người Kitô sẵn lòng tuyên xưng sứ điệp tình yêu và lòng thương xót, thì họ phải luôn luôn được đón rước, được thông cảm và được ca ngợi. Quá ảo tưởng! trái lại, họ là những tuyển sinh hoàn toàn được chỉ định chịu bắt bớ khổ nhục, chỉ vì lý do đơn giản này: sứ điệp của Đức Kitô là cách mạng, nó quấy rầy và phản đối những thói sống và những cách suy nghĩ của người đời.

Người ta chống đối Đức Kitô từ hai ngàn năm rồi. Người ta đã tấn công, hành xích các tông đồ và các Kitô hữu thời đầu tiên. Người ta cũng thấy xảy ra cho các tín hữu thời nay như vậy.

Là dịp để làm chứng

Đối với một Kitô hữu, phải được dự phần vào bị chống đối, bị dẫn đến khổ đau và bị đánh giá là tiêu cực. Sự chống đối cho họ có dịp làm chứng tốt hơn khi được đặc quyền đặc lợi. Người Kitô trở nên tốt hơn cho nhiều người khi người ta tấn công mình. Thử thách làm mình trưởng thành, sửa chữa mình, tăng nghị lực gấp bội cho mình, quyết tâm xác tín hơn và để có thể đạt nhiều thành tích tốt đẹp hơn. Thật ngược đời, chính giữa cơn thử thách và bị hành khổ, người Kitô có thể đạt tới đỉnh phong phú. Tất cả xảy ra đối với mình như xảy ra đối với Đức Kitô. Chính giờ phút này Thiên Chúa ở gần mình nhất và thực hiện một lần nữa mầu nhiệm đau khổ và sự chết để trở thành nguồn sự sống.

Những Kitô hữu quá yên ổn thì sao?

Nếu tất cả những điều trên là đúng, thì chúng ta phải tự hỏi mình: Có khi nào tôi đã chịu bắt bớ vì đức tin chưa? Có khi nào tôi chịu thử thách và chịu đau khổ vì lý do xác tín tôi là Kitô hữu không? Nếu chưa có bao giờ thì có lẽ niềm tin của tôi quá yếu, vì tôi là Kitô hữu quá sống yên ổn, vì tôi là một môn đệ quá yếu hèn của Đức Kitô. Khi một Kitô hữu thật sự không lo lắng tới ai, thì phải dành nhiều giờ để xét mình, để tự tra hỏi mình về giá trị hiện sinh Kitô hữu của mình? Đời sống Kitô hữu của mình có giá trị gì không?

RC

 

Suy Niệm 5: ĐAU KHỔ VÌ ĐỨC TIN (Lc 21, 12 – 19)

Xem lại thứ Sáu tuần 14 TN

Mang trong mình thân phận con người, với đầy đủ những giới hạn nhất định, chúng ta hẳn không thoát ra khỏi cảnh sợ hãi khi thử thách, đau khổ và cái chết xảy đến. Những người Công Giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặt khác, người Công Giáo cũng không phải là hội của những người liều lĩnh để rồi coi những đau khổ, thử thách và bắt bớ như là một thành tích... Chắc chắn là không, và Đức Giêsu cũng không cổ súy cho chúng ta lựa chọn với thái độ như vậy!

Tuy nhiên, có những thử thách mang lại cho chúng ta niềm tin. Có những đau khổ mang lại cho chúng ta sự hãnh diện. Có những cái chết sẽ trả lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu! Tại sao thế? Thưa chính vì Chúa, vì Đạo mà chúng ta bị như thế thì thật là phúc cho chúng ta.

Theo lẽ thường, những người sống niềm tin của mình, thi hành cốt lõi Tin Mừng trong cuộc sống, thì sự bắt bớ, đàn áp, đánh đập và giết chết là số phận phải trả cho những lựa chọn vì Nước Trời.

Hậu quả này đã đến với Đức Giêsu và tất cả những ai tin cũng như rao giảng danh Ngài thì cùng chung số phận như vậy.

Thật thế, suốt dòng lịch sử hơn 2000 năm, Giáo Hội Công Giáo không ngừng bị bắt bớ... hàng hàng, lớp lớp, những con người trung kiên với đức tin đã phải đầu rơi máu đổ trên khắp mọi nơi... Vì thế, số phận của Thầy cũng là của trò, vì: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”.

Ở mọi thời, người ta có thể kết án với đầy đủ mọi thứ tội. Tuy nhiên, mẫu số chung cho các bản án đó là chết vì đức tin, vì đạo, vì danh Chúa Kitô. Như thế, cuộc đời đầy thử thách của các ngài đã ứng nghiệm với Lời của Đức Giêsu: “Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.

Trong cuộc sống hôm nay, những bách hại đó vẫn còn, nhưng có khác hơn vì nó đến từ nhiều phía, như: tự do tôn giáo không được đảm bảo; lương tâm con người bị chà đạp, o ép, công lý thuộc về đám đông. Số phận của những người lương thiện bị coi rẻ. Sự thật không được tôn trọng. Công bằng, công lý bị tước đoạt... Tất cả những thứ đó đưa người Kitô hữu vào một cuộc bách hại tận sâu thẳm từ lương tâm khi khước từ những điều bất chính, nghịch với đạo lý Tin Mừng.

Trước thực trạng đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trung thành với Lời Chúa dạy để sống trọn vẹn giá trị của Tin Mừng. Chấp nhận thiệt thòi phần xác để được lợi phần hồn. Đón nhận mọi đau khổ khi đứng lên đấu tranh cho công lý và công bằng. Và, nếu có phải đánh đổi để đón nhận phần thưởng sự sống đời đời thì hãy sẵn sàng và cố gắng, vì quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường đưa đến hạnh phúc thật chính là con đường khổ giá. Xin Chúa ban cho chúng con cam đảm, trung thành đi theo Chúa đến cùng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Dù một sợi tóc trên đầu anh em sẽ không mất đâu – SN song ngữ 25.11.2019

 
 
Wednesday (November 25): “Not a hair of your head will perish”

 

Scripture: Luke 21:12-19

12 But before all this they will lay their hands on you and persecute you, delivering you up to the synagogues and prisons, and you will be brought before kings and governors for my name’s sake. 13 This will be a time for you to bear testimony. 14 Settle it therefore in your minds, not to meditate beforehand how to answer; 15 for I will give you a mouth and wisdom, which none of your adversaries will be able to withstand or contradict. 16 You will be delivered up even by parents and brothers and kinsmen and friends, and some of you they will put to death; 17 you will be hated by all for my name’s sake. 18 But not a hair of your head will perish.19 By your endurance you will gain your lives.

Thứ Tư     25-11             Dù một sợi tóc trên đầu anh em sẽ không mất đâu

 

Lc 21,12-19

12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Meditation: 

 

If the Gospel message is good news, then why do so many people treat Christians with contempt and hostility for their beliefs and practices? Jesus warns his followers that they will be confronted with wickedness, false teaching, persecution, as well as the temptation to renounce their faith when it is put to the test. 

Satan destroys and kills – God restores and gives life

The real enemy of the Gospel – the good news of Jesus Christ – is Satan (also called Lucifer), the powerful leader of the fallen angels who rebelled against God and who were cast out of heaven. Satan opposes God and all who follow his rule of peace and righteousness (moral goodness) on the earth. Jesus calls Satan a “murderer” who turns brother against brother and the “father of lies” who twists the truth and speaks falsehood (John 8:44). Satan not only opposes God’s rule, he seeks to destroy all who would obey God. Satan will use any means possible to turn people away from God. He tempts people through envy, deception, hatred, and fear to provoke hostility towards those who follow the Lord Jesus Christ.

What is Jesus’ response to hostility and persecution? Love, forbearance, and forgiveness. Only love – the love which is rooted in God’s great compassion and faithfulness – can overcome prejudice, hatred, and envy. God’s love purifies our heart and mind of all that would divide and tear people apart. Knowing God as our compassionate Father and loving God’s word of truth and righteousness (moral goodness) is essential for overcoming evil. Jesus tells us that we do not need to fear those who would oppose us or treat us harshly for following the Lord Jesus. He promises to give us supernatural strength, wisdom, and courage as we take a stand for our faith and witness to the truth and love of Christ. 

The Gospel is good news for the whole world because it is God’s eternal word of truth, love, pardon, and salvation (being set free from sin and evil) through his Son, Jesus Christ. The Lord Jesus has won the victory for us through his atoning death on the cross for our sins and his rising from the grave – his resurrection power that brings abundant life and restoration for us. That is why the Gospel has power to set people free from sin, fear and death, and bring peace, pardon, and new life.

Endurance never gives up hope in God

Jesus tells his disciples that if they endure to the end they will gain their lives – they will inherit abundant life and lasting happiness with God. Endurance is an essential strength which God gives to those who put their trust in him. Endurance is the patience which never gives up hope, never yields to despair or hatred. Patience is long-suffering because it looks beyond the present difficulties and trials and sees the reward which comes to those who persevere with hope and trust in God. That is why godly endurance is more than human effort. It is first and foremost a supernatural gift of the Holy Spirit which enables us to bear up under any trial or temptation. 

 

Endurance is linked with godly hope – the supernatural assurance that we will see God face to face and inherit all the promises he has made. Jesus is our supreme model and pioneer who endured the cross for our sake (Hebrews 12:2). “God shows his love for us in that while we were yet sinners Christ died for us” (Romans 5:8). Jesus willingly shed his blood for us – to win for us pardon and peace with God. Our joy and privilege is to take up our cross each day to follow the Lord Jesus.

 

 

True martyrs live and die as witnesses of Christ and the Gospel of peace

The word “martyr” in the New Testament Greek means “witness”. The Book of Revelation says that “Jesus was the faithful witness …who freed us from our sins by his blood” (Revelation 1:5). Tertullian, a second century lawyer who converted when he saw Christians singing as they went out to die by the hands of their persecutors, exclaimed: “The blood of the martyrs is seed.” Their blood is the seed of new Christians, the seed of the church. 

The third century bishop, Cyprian said: “When persecution comes, God’s soldiers are put to the test, and heaven is open to martyrs. We have not enlisted in an army to think of peace and to decline battle, for we see that the Lord has taken first place in the conflict.” True martyrs live and die as witnesses of the Gospel. They overcome their enemies through persevering hope and courage, undying love and forbearance, kindness, goodness, and compassion.

God may call some of us to be martyrs who shed their blood for bearing witness to Jesus Christ. But for most of us, our call is to be ‘dry’ martyrs who bear testimony to the joy and power of the Gospel in the midst of daily challenges, contradictions, temptations and adversities which come our way as we follow the Lord Jesus. 

We do not need to fear our adversaries

What will attract others to the truth and power of the Gospel? When they see Christians loving their enemies, being joyful in suffering, patient in adversity, pardoning injuries, and showing comfort and compassion to the hopeless and the helpless. Jesus tells us that we do not need to fear our adversaries. God will give us sufficient grace, strength, and wisdom to face any trial and to answer any challenge to our faith. Are you ready to lay down your life for Christ and to bear witness to the joy and freedom of the Gospel?

 

“Lord Jesus Christ, by your atoning death on the cross you have redeemed the world. Fill me with joyful hope, courage, and boldness to witness the truth of your love for sinners and your victory over the powers of sin, Satan, and death.”

Suy niệm:

 

Nếu như sứ điệp Tin mừng là tin vui, thế thì tại sao có nhiều người đối xử với các tín hữu với sự coi thường và thù hận đối với niềm tin và sự hành đạo của họ? Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ rằng họ sẽ đối diện với sự sự dữ, giáo thuyết sai lạc, sự ngược đãi, và sự cám dỗ từ bỏ niềm tin khi bị thử thách.

 

Satan phá hủy và giết chết – Thiên Chúa phục hồi và ban sự sống

Kẻ thù thật sự của Tin mừng – Tin mừng của Đức Giêsu Kitô – là Satan (còn gọi là Luxiphe), kẻ lãnh đạo quyền lực của các thần sa ngã chống lại Thiên Chúa và những kẻ bị đuổi ra khỏi Thiên đàng. Satan chống lại Thiên Chúa và tất cả những ai đi theo quy luật bình an và công chính của Người (tốt lành luân lý) trên thế gian.  Đức Giêsu gọi Satan là “kẻ sát nhân”, xúi giục anh em chống đối nhau và là “cha của những kẻ lừa dối” (Ga 8,44). Satan không chỉ chống lại sự cai trị của Thiên Chúa, hắn còn kiếm cách để tiêu diệt tất cả những ai vâng phục Thiên Chúa. Satan sẽ sử dụng mọi cách thức có thể để lôi kéo người ta xa cách Thiên Chúa. Hắn cám dỗ người ta qua sự ghen tị, lừa dối, thù ghét, sợ hãi để khơi dậy sự hận thù hướng về những ai đi theo Chúa Giêsu Kitô.

Sự đáp trả của Đức Giêsu với sự hận thù và ngược đãi này là gì? Yêu thương, kiên nhẫn, và tha thứ. Chỉ có tình yêu – tình yêu ăn rễ nơi lòng trắc ẩn và trung tín của Thiên Chúa – mới có thể đánh bại thành kiến, cố chấp, hận thù, và ghen tị. Tình yêu Thiên Chúa thanh tẩy tâm trí chúng ta khỏi tất cả những gì gây chia rẽ mọi người. Hiểu biết Thiên Chúa là Cha trắc ẩn và yêu mến lời chân thật và công chính (tốt lành luân lý) của Chúa là điều cần thiết để chế ngự sự xấu. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sợ hãi những kẻ chống đối hay cư xử cay nghiệt với chúng ta vì đi theo Chúa Giêsu. Người hứa ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng, sự khôn ngoan, và lòng can đảm khi chúng ta bảo vệ niềm tin và làm chứng cho sự thật và tình yêu của Đức Kitô.

 

Tin mừng là tin vui cho toàn thế giới vì đó là lời chân lý, yêu thương, tha thứ, và cứu độ (giải thoát khỏi tội lỗi và sự dữ) vĩnh cửu của Thiên Chúa ngang qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã chiến thắng cho chúng ta ngang qua cái chết đền tội trên thập giá và sự phục sinh của Người – sức mạnh phục sinh của Người đem lại sự sống sung mãn và sự phục hồi cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Tin mừng có sức mạnh giải thoát con người khỏi tội lỗi, sợ hãi, và sự chết, và đem tới sự bình an, tha thứ, và sự sống mới.

Bền đỗ không bao giờ mất hy vọng vào Thiên Chúa

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng nếu họ bền đỗ đến cùng họ sẽ cứu được mạng sống của mình – họ sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa, và thừa hưởng sự sống và hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Tính bền đổ là sức mạnh cần thiết mà Thiên Chúa ban cho những ai đặt niềm tin cậy nơi Người. Bền đỗ thuộc về những ai kiên nhẫn, không bao giờ mất hy vọng, không bao giờ đầu hàng trước tuyệt vọng và thù hận. Kiên nhẫn là chịu khó luôn bởi vì nó vượt trên những khó khăn và thử thách, nhìn thấy phần thưởng sẽ đến cho những ai bền đỗ với niềm hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao đức bền đổ còn hơn cả sự cố gắng của con người. Trước hết và trên hết, nó là một ân huệ siêu nhiên của Chúa Thánh Thần, để giúp chúng ta chịu đựng những thử thách và cám dỗ.

Bền đỗ được liên kết với đức hy vọng – sự bảo đảm siêu nhiên, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, và thừa hưởng tất cả những lời hứa của Người. Đức Giêsu là gương mẫu và là vị anh hùng siêu đẳng của chúng ta, Đấng đã gánh lấy thập giá vì lợi ích của chúng ta (Hr 12,2). “Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta, trong khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Đức Giêsu sẵn sàng đỗ máu mình ra cho chúng ta để đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và bình an với Thiên Chúa. Niềm vui và đặc ân của chúng ta là vác thánh giá mình hằng ngày đi theo Chúa Giêsu.

Các Thánh tử đạo đích thật sống và chết như những chứng nhân của Đức Kitô và Tin mừng bình an

Hạn từ “tử đạo” trong tiếng Hylạp có nghĩa là “làm chứng”. Sách Khải Huyền nói rằng “Đức Giêsu là nhân chứng trung thành… Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi nhờ máu của Người” (Kh 1,5). Tertullian, một nhà hộ giáo ở thế kỷ thứ hai, đã trở lại Công giáo khi nhìn thấy các tín hữu ca hát khi chịu chết bởi tay những kẻ hành hình, đã thốt lên rằng: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống.” Máu của các ngài là hạt giống nảy sinh các tín hữu, hạt giống của Giáo hội.

Giáo phụ Cyprian, Giám mục ở thế kỷ thứ ba nói rằng: “Khi sự ngược đãi xảy đến, những chiến sĩ của Chúa bị thử thách, và Thiên đàng mở ra cho các thánh tử đạo. Chúng ta không tham gia quân đội để tìm kiếm hòa bình và từ chối đánh trận, bởi vì chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đã đi bước trước trong cuộc chiến. Các thánh tử đạo thật sự sống và chết như những chứng nhân của Tin mừng. Các ngài chế ngự các kẻ thù qua niềm hy vọng và lòng can đảm kiên trung, tình yêu hy tế, sự bỏ mình, lòng khoan dung, và lòng trắc ẩn.

Thiên Chúa có thể kêu gọi một số trong chúng ta trở người tử đạo cho niềm tin. Nhưng hầu hết ơn gọi của chúng ta là tử đạo không đổ máu, làm chứng cho niềm vui và sức mạnh của Tin mừng trong những thách đố, trái ý, cám dỗ, và nghịch cảnh hằng ngày, trên con đường bước đi theo Chúa Giêsu.

Chúng ta không cần sợ hãi những thù địch

Điều lôi kéo hầu hết người khác đến với sự thật và sức mạnh của Tin Mừng là gì? Khi người ta thấy các tín hữu yêu thương kẻ thù, vui mừng trong đau khổ, kiên nhẫn trong nghịch cảnh, tha thứ những người gây thương tổn, và bày tỏ sự cảm thông và trắc ẩn đối với những người thất vọng và cần sự giúp đỡ. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sợ những nghịch cảnh của mình. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta đầy đủ ơn sủng, sức mạnh, và khôn ngoan để đối diện với bất cứ thử thách nào, và trả lời cho mọi thách đố về niềm tin của chúng ta. Bạn có sẵn sàng thí mạng mình vì Đức Kitô và  làm chứng cho niềm vui và sự tự do của Tin mừng không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, bằng cái chết đền tội trên thập giá, Chúa đã cứu chuộc thế giới. Xin lấp đầy lòng con với niềm hy vọng vui mừng, lòng can đảm, và dũng cảm làm chứng cho chân lý tình yêu của Chúa cho người tội lỗi và cho vinh quang của Chúa trên quyền lực của tội lỗi, Satan, và sự chết.26

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây