THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN Mc 3,1-6

Thứ ba - 21/01/2025 16:38
THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,1-6

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
1 Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!”
4 Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” Nhưng họ làm thinh.
5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

SUY NIỆM: SỐNG ĐÚNG LUẬT
Thánh Maccô cho biết, việc Chúa Giêsu chữa lành người bại tay được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, đã tạo nên một sự xung đột giữa Chúa Giêsu và những người thuộc nhóm Pharisêu. Nguyên nhân vẫn là các vấn đề liên quan đến lề luật: được phép hay không được phép làm việc trong ngày Sabat!
Vốn nổi tiếng là những nhà thông luật, là những người đặt lề luật lên hàng đầu; thế nhưng khi được Chúa Giêsu hỏi rằng: “Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người” (Mc 3,4), thì những người Pharisêu lại im thin thít không nói nên lời. Vậy nguyên nhân là ở đâu?
Nguyên nhân ở chỗ là những người Pharisêu tuy biết luật, giữ luật và sống luật; nhưng lại không phân biệt được các bậc thang giá trị của lề luật. Hay nói đúng hơn, họ bắt chước cha ông sống luật nhưng lại không hiểu gì về luật: luật nói sao, tôi làm vậy; người ta làm như thế nào, tôi làm như thế ấy; mà không cần 1 lý do nào khác.
Thưa anh chị em, Thiên Chúa ban cho con người chúng ta có khả năng phân biệt được tốt – xấu và đúng – sai, có khả năng phân biệt được điều gì nên làm và không nên làm. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều người không chịu vận dụng khả năng Chúa ban trong các quyết định và chọn lựa của mình. Có nhiều người sống theo tinh thần của những người Pharisêu, tức là: Ai làm sao tôi làm vậy, họ làm bậy tôi vẫn cứ làm theo.
Thậm chí có những người, đặc biệt là những người trẻ dù nhận thấy điều đó là sai, điều đó là xấu, điều đó là tội nhưng vẫn cứ làm: biết ngoại tình phá thai là tội nhưng vẫn bất chấp; biết buôn gian bán lận và gian dối lừa gạt người khác là lỗi đức bác ái nhưng vẫn cứ làm; biết mê tín dị đoan là ngược với đức tin Công giáo nhưng có người vẫn xem thầy bói toán…; để rồi chính mình hủy điệt đời mình, chính mình hủy diệt phần rỗi linh hồn mình.
Hôm nay Thiên Chúa muốn hỏi chúng ta rằng: Là người kitô hữu, chúng ta được dạy làm điều lành hay điều dữ, được dạy tránh xa dịp tội hay lao đầu vào tội?
Chính mỗi người hãy tự mình trả lời cho Chúa về điều ấy! Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: THẤY VÀ CHỮA LÀNH
Bài Tin Mừng trình thuật việc Chúa Giê-su chữa lành một người khô bại tay trong ngày Sa-bát. Điều đặc biệt là ai trong hội đường cũng thấy người khô bại tay, nhưng chỉ có Chúa chạnh lòng thương và chữa lành cho anh ta. Những người ở đó, không những không động lòng trắc ẩn với nỗi đau của người bệnh, mà còn dò xét xem Chúa có chữa bệnh ngày Sa-bát không để tìm cách tố cáo Người. Chúa Giê-su phẫn nộ và đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của họ. Trước tình cảnh đó, Chúa vừa chữa lành cho người bệnh, vừa cho họ biết ý nghĩa đích thực của ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát không phải chỉ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng hơn nữa, còn để sống tình bác ái, để làm việc thiện, để chữa lành các vết thương, và để cứu sống.
Căn bệnh nguy hiểm nhất của xã hội hôm nay là bệnh vô cảm. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho con người dễ dàng thấy những gì đang diễn ra trên thế giới, thấy được sự vất vả, đau khổ, và cùng cực của nhiều người xung quanh mình hơn. Nhưng có mấy ai thực sự rung động trước những đau khổ của người khác và ngay lập tức hành động giúp đỡ và chữa lành họ. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của con người hôm nay!
Là những Ki-tô hữu, là hiện thân của Chúa Giê-su trong thế giới hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết thấy những nhu cầu, những đau khổ, và những khủng hoảng của anh chị em mình, và sẵn sàng mau mắn hành động giúp đỡ họ. Tình yêu đích thực như Chúa đã yêu sẽ chữa lành mọi vết thương đau.
Lm. Giu-se Tạ Minh Quý
SUY NIỆM: CHÚA CHỮA NGƯỜI BẠI TAY
 Ngày hưu lễ, Chúa Giê-su vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hê-rô-đê tìm cách giết Chúa.
 Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày Sa-bát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày Sa-bát là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình (5 phút Lời Chúa).
 Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Mác-cô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giê-su vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
 Có câu chuyện kể rằng: hôm ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giê-ri-cô về Giê-ru-sa-lem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày Sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca…
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Chúa Giê-su biết họ đang rình mò tìm kế hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: ”Ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ”? 
 Chúa Giê-su thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.
 Truyện: Luật là luật
Chúng ta đã biết những người biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật” và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế, chúng  ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:
Một người Do thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết như sau:
– Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.
Nói xong, ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 2 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất, xin Chúa rủ thương chấp nhận lời Dân Chúa khẩn cầu mà ban cho thời đại chúng ta được bình an.
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với thái độ quy phục và nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Mầu nhiệm cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa, đó là việc Người tuyển chọn một dân nhỏ bé giữa bao nhiêu dân khác, để đặc biệt yêu thương và ban phúc lành. Ngày nay ranh giới chủng tộc của dân được tuyển chọn này không còn nữa, nhưng, bất kỳ ai tin đều có thể gia nhập dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử là do lòng ưu ái của Người. Lời mời gọi Người gửi đến từng người làm biến đổi thân phận của mỗi chúng ta. Thiên Chúa quả thật là Cha chúng ta, chính Người ban cho ta sự sống của Người. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Đối với chúng ta, Thiên Chúa đã là một Vị Cứu Tinh; vì yêu mến, chính Người đã chuộc chúng ta về.
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với tinh thần liên đới làm cho mọi người được hưởng ơn cứu độ phổ quát của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân nói: Do ý định khôn ngoan và nhân hậu, ý định hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã sáng tạo cả thế giới, và quyết định nâng con người lên, cho con người tham dự vào sự sống thần linh… Điều Thiên Chúa đã định từ trước, là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô hết thảy mọi loài trong trời đất. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho hết thảy mọi loài trong trời đất được hòa giải với mình. 
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với lòng tin tưởng vào Đức Kitô, Vị Thượng Tế đã đền thay tội lỗi chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Muôn thuở con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 109, vịnh gia cho thấy: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hỏi: Ngày Sabát, được cứu mạng người hay giết đi? Đức Giêsu rao giảng, chữa bệnh, tất cả những gì Người làm chỉ nhằm một mục đích là hướng mọi người đến ơn cứu độ, nhờ chiêm ngưỡng Đức Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Từ muôn đời, Chúa Cha đã tiền định cho ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Mọi người công chính từ Ađam trở đi đến người cuối cùng, tất cả sẽ được quy tụ lại bên Chúa Cha trong Hội Thánh phổ quát. Đấng Cứu Độ hằng mong muốn cho mọi người được cứu rỗi. Đức Giêsu chữa lành người bại tay, để từ đây, không còn gì cản trở, khiến chúng ta không thể đưa tay lên để chúc tụng Thiên Chúa là Cha, và để đón nhận ơn cứu độ của Người. Ơn cứu độ đã có sẵn nơi tất cả các tôn giáo, các nền văn hóa, các thể chế chính trị như bức tượng đã có sẵn trong khối đá cẩm thạch, việc của chúng ta là đục đẽo, lấy đi những gì còn cản trở, để mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất, ước gì Chúa ban cho thời đại chúng ta được bình an. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: CÓ ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU THIỆN TRONG NGÀY SABÁT KHÔNG? 
Khi nói đến Đức Giêsu, hẳn ai ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến một Đức Giêsu nhân từ, hiền hậu và khiêm nhường. Mà quả thật là như vậy, bởi đã có lần Ngài nói: hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường; hay trong các cử chỉ, hành động của Ngài cũng đều toát lên bản chất đó.
Tuy nhiên, chúng ta thấy có những lúc Đức Giêsu rất cương nghị. Chẳng hạn như khi Ngài loan báo cuộc khổ nạn thì Phêrô đứng ra ngăn cản Ngài, Ngài sẵn sàng mắng Phêrô là Satan và đuổi ông xéo lại đằng sau. Hay khi Ngài lên đền thờ Giêrusalem và thấy người ta buôn bán đủ thứ trong đền thờ, Ngài đã nổi nóng và lấy giây bện thành roi đánh đuổi và lật nhào bàn ghế của họ. Tại sao vậy, thưa vì nếu những gì làm cho con người xa ơn cứu chuộc, hay làm cản trở sứ vụ cứu thế của Ngài thì Ngài không khoan nhượng. Bởi nếu khoan nhượng thì họ bị mất ơn cứu chuộc.
Hôm nay cũng vậy, Ngài tỏ ra buồn bực và mạnh mẽ lên án cách nặng nề những người đang đứng đó với Ngài bởi vì lòng họ hóa ra chai đá, cứng cỏi, nên không thể có một cái nhìn tích cực về những việc làm tốt đẹp và như một điều tất yếu, họ khó có thể đón nhận được hồng ân cứu độ vì sự kiêu ngạo đã phủ lấp tâm hồn họ.
Lời Chúa hôm nay cật vấn lương tâm mỗi chúng ta. Liệu có khi nào vì ích kỷ, ghen tương và vụ luật mà chúng ta không thể có một cái nhìn tích cực hay nhìn đúng sự việc tốt lành của anh chị em mình? Hay là chúng ta chỉ tìm cơ hội để thọc gạy bánh xe, làm cho người anh chị em chúng ta khó lòng thi hành điều tốt đẹp mà họ được thúc đẩy để làm?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con luôn biết nghĩ tốt cho người khác; hay khi muốn sửa lỗi cho ai thì chính mình phải nhìn nhận bản thân cũng có những lỗi đó. Có thế, chúng ta mới trở thành môn đệ thực thụ của Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: ĐIỀU ĐẸP Ý CHÚA 
Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện (Tv 143,10). Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban hành các lề luật cho nhân loại thông qua ông Môsê và đến thời Tân Ước, Thiên  Chúa kiện toàn những luật đó qua người Con Chí Thánh là Đức Giêsu. Thiên Chúa ban lề luật cho con người hầu muốn họ sống và giữ những luật đó để được hưởng ơn cứu độ. Tuy nhiên, sống và giữ luật như thế nào thì đẹp ý Thiên Chúa?
Tin Mừng nói khá nhiều về những người theo nhóm Biệt Phái, họ giữ luật một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, họ đã tỏ ra khó chịu và bắt đầu bắt bẻ Người về việc vi phạm luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi” (Mc 3,4). Rõ ràng, cứu người là điều cần phải làm. Như thế, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy việc tuân thủ luật cách máy móc của những người theo nhóm Biệt Phái. Thiên Chúa ban lề luật là để phục vụ lợi ích của con người. Vậy, nếu luật không mang lại lợi ích cho con người và đẩy con người xa Chúa thì rõ ràng, điều này trái với đường lối của Chúa.
Giữ luật và sống đúng tinh thần của luật là điều đáng ca ngợi và đẹp ý Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã sống và thực thi điều đó. Người đã kiện toàn mọi thứ luật trong yêu thương. Đó là luật trên mọi thứ luật khác. Thế nhưng, là Kitô hữu, là tu sĩ, dường như không ít lần chúng ta giữ luật theo phương cách của những người theo nhóm Biệt Phái; không ít lần chúng ta chỉ sống và giữ nhiều luật chỉ để không bị trách phạt, để không bị người khác bắt bẻ … Có vẻ như, chúng ta vẫn chưa thực sự sống và giữ những luật đó theo đúng tinh thần của Chúa, là đặt để vào đó tình yêu.
Lạy Chúa, xin thương biến đổi tâm hồn, để chúng con biết chu toàn luật Chúa với tình yêu mến vì đó là điều đẹp ý Ngài. Amen.
Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây