THỨ TƯ TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Mc 12,19-27
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
19 “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.”
20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy.
22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết.
23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.” 24 Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?
25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.
26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp.
27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên Chúa dựng nên ta để sống, không những sống trong cuộc đời hiện tại, mà còn để sống mãi mãi sau khi sống lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa Hằng Sống và là nguồn mạch sự sống. Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban sự sống cho con. Không những con chỉ sống ngắn ngủi vài chục năm trên cõi đời này, mà con tin Chúa sẽ còn cho con được sống lại để sống mãi mãi bên Chúa.
Lạy Chúa, ai cũng muốn sống và khao khát được sống mãi. Chúng con lập gia đình là để có con cái nối dài sự sống của mình. Luật Mô-sê dạy em phải lấy vợ của anh đã chết mà không để lại con cái, cũng là để có con cái nối dài sự sống. Chúng con biết mình sẽ phải chết nhưng vẫn khao khát được kéo dài sự sống. Chúa là Thiên Chúa kẻ sống, chính Chúa đã đặt vào lòng con nỗi khao khát ấy, và chính Chúa đáp ứng nỗi khát vọng ấy bằng cách cho con sẽ được sống lại với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, con không muốn đời con chấm dứt với cái chết, nhưng trong đời sống thường ngày, con lại thường lao mình vào cái chết. Xin Chúa giúp con giữ gìn sức khoẻ thể xác bằng cách tránh ăn uống quá độ, tránh nghiện ngập say sưa hoặc chơi bời hưởng thụ. Con cũng xin Chúa cho mỗi người biết tôn trọng sự sống của những người già cả tật nguyền, nhất là sự sống của con người đang chờ ngày sinh ra.
Và trên hết, xin Chúa cho con biết quý trọng sự sống của linh hồn bằng cách giữ mình sạch tội, tuân giữ Lời Chúa và siêng năng rước Chúa Giêsu vào lòng. Như vậy, con tin rằng con sẽ được sống đời đời bên Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: NGÀY MAI CỨ ĐỂ NGÀY MAI LO
Mở đầu bài Tin mừng hôm nay, Thánh Maccô cho biết, những người thuộc phái Xa-đốc là những người chủ trương không có sự sống lại. Nhưng vấn đề họ đặt ra với Chúa Giêsu hôm nay lại liên quan đến sự sống đời sau. Vậy mục đích của họ gì? Thưa là để thử thách Chúa Giêsu.
Con người mà dám thử Thiên Chúa thì quả thật là quá liều phải không thưa anh chị em. Mà đôi lúc chúng ta cũng hay liều như thế. Khi gặp bế tắc trong cuộc sống cũng trách Chúa, làm ăn thua lỗ cũng trách Chúa, đau yếu bệnh tật cũng trách Chúa, thậm chí là đánh bài cá độ thua cũng trách Chúa. Nếu Chúa có thì tại sao Chúa lại để con ra nông nổi này? Nếu ai đã một lần liều như thế thì hãy nhớ lại những lời cảnh báo sau đây của Chúa Giêsu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Và đây chính là sứ điệp đầu tiên mà lời Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta: Đừng bao giờ thử thách Thiên Chúa.
Những người thuộc phái Xa-đốc đã đặt ra cho Chúa Giêsu một tình huống hết sức éo le và hóc búa, về một người phụ nữ có đến 7 đời chồng; rồi trong ngày sống lại bà sẽ là vợ ai trong số đó? Có lần khi được hỏi về cuộc sống mai hậu như thế, Đức Khổng Tử đã trả lời cho các học trò như sau: “Chuyện đời này còn chưa nắm hết, nói gì đến chuyện đời sau”. Nghe cũng chí lý lắm thưa anh chị em, chuyện đời sau nào ai hiểu thấu; có giải thích cũng chẳng hiểu. Chúa Giêsu chỉ nôm na trả lời cho những kẻ hỏi Ngài về điều ấy bằng vài lời ngắn gọn: khi người ta sống lại từ cõi chết thì chẳng còn chuyện lấy vợ lấy chồng. Rồi Ngài không nói gì thêm!
Thật vậy, là người Kitô hữu khi đối diện với vấn đề sự sống đời sau, chúng ta chỉ cần có 2 thái độ này: Thứ nhất, tin cách mạnh mẽ và chắc chắn vào sự sống đời đời. Bởi Kinh Thánh nói như thế, Giáo Hội cũng dạy chúng ta như thế, và đặc biệt, bởi Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết và bước vào sự sống vĩnh hằng. Thứ hai, vì tin nên ngay ở đời này phải sống cho thật tử tế: làm lành lánh dữ. Hãy nhớ rằng, sự sống đời sau cũng có thể là hạnh phúc nhưng cũng có thể là đau khổ đời đời. Được hạnh phúc hay bị đau khổ là hoàn toàn phụ thuộc vào cách ăn ở của mỗi người ngay cuộc sống hiện tại này.
Ước gì một khi khám phá ra được những chân lý ấy, thay vì nghi ngờ thách thức Thiên Chúa, chúng ta hãy cậy trông phó thác vào Ngài; thay vì thắc mắc về chuyện đời sau, thì hãy sống cho thật tử tế chuyện đời này. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG.
Có hai lý do để minh chứng Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống: (1) Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống và là Nguồn Mạch sự sống nên sự chết không có nơi Thiên Chúa; (2) Chết là hậu quả của tội lỗi mà Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối thì sự chết không chạm đến Thiên Chúa được. Trong mắt Thiên Chúa, con người không bao giờ chết nhưng luôn sống, vì con người được chính Thiên Chúa thổi hơi sự sống của Ngài cho con người. Sự chết chỉ có nơi thể lý, còn linh hồn thì bất tử. Vì thế, ai càng sống gắn bó với Chúa thì sự sống đời đời càng dồi dào trong lòng họ.
Thiên Chúa luôn muốn chúng ta được sống đời đời với Ngài, nhưng chúng ta hoàn toàn có tự do để quyết định hạnh phúc đời đời của mình. Chúng ta có thể chết hay sống là do chúng ta quyết định. Khi chúng ta lìa bỏ Thiên Chúa để chạy theo tội lỗi thì đang đi vào sự chết đời đời. Ngược lại, khi chúng ta bám chặt vào Thiên Chúa để dứt khoát với tội lỗi thì đang giữ lấy sự sống đời đời cho mình. Sự chết thể lý không ngăn cản sự sống đời đời nơi chúng ta, bởi vì nó chỉ là cánh cửa chuyển tiếp để bước vào một giai đoạn sống mới mà thôi. Điều mà chúng ta cần lưu tâm đó là một Thiên Chúa Hằng Sống luôn yêu thương mình. Trong mắt Ngài, chúng ta không bao giờ chết vì chúng ta được Ngài sinh ra, nuôi dưỡng và cứu chuộc bằng tình yêu. Niềm vui của Thiên Chúa là nhìn thấy chúng ta được sống. Hạnh phúc của Thiên Chúa là chúng ta được sống trong Ngài và Ngài sống trong chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình, ngõ hầu trong từng ngày sống trôi qua chúng con can đảm cắt bỏ những sợi dây tội lỗi đang cột chân chúng con, để chúng con thanh thoát bước vào sự sống đời đời với Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4: SỐNG LẠI RỒI SẼ RA SAO?
Đã có nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm này hay nhóm khác, nhưng với nhóm Xađốc thì đây là lần đầu tiên. Những người này được liệt vào hàng quý tộc có tiếng là tử tế, nhưng lại theo ngoại xâm.
Họ rất bảo thủ trong lãnh vực tôn giáo. Vì thế, họ chỉ công nhận bộ Ngũ Thư mà thôi. Tất cả các cuốn sách khác đều bị bãi bỏ cả. Vì thế, những lời dạy của các ngôn sứ xuất hiện sau đó thì đều bị họ khước từ và không tin.
Như vậy, chúng ta không lạ gì khi họ chất vấn Đức Giêsu về sự sống lại.
Họ đứng lên hỏi Ngài về việc sự sống lại sau cõi chết khi đưa ra một ví dụ: có một người lấy vợ, rồi chết không con, theo luật, người em kế phải lấy tiếp người phụ nữ ấy để có con nối dòng. Tuy nhiên, cứ lần lượt như vậy cho đến người thứ 7 lấy cô ta mà cũng chết không con, cuối cùng, chính người đàn bà này cũng chết. Vậy sau này, khi sống lại thì cô ta sẽ là vợ của ai trong 7 người chồng đã từng cưới nàng làm vợ?
Khi hỏi như vậy, Đức Giêsu thừa biết ý đồ thâm độc của nhóm này, nên Ngài đã làm cho họ cứng họng!
Trước tiên, Đức Giêsu đã làm họ lúng túng khi chỉ dẫn cho biết sự am hiểu Kinh Thánh của họ quá hời hợt.
Thứ hai, Ngài mặc khải cho họ biết rằng: sự sống con người sau khi chết hoàn toàn khác với sự sống hiện tại. Nếu sự sống hiện tại con người có bổn phận truyền sinh để lưu truyền nòi giống, thì sự sống sau cái chết không còn chuyện đó. Vì vậy, họ đâu còn lấy vợ gả chồng nữa, bởi vì sự sống của họ đã đạt tới sự viên mãn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như sự sống thật đời sau. Cuộc sống đời đời là đích đến chứ không phải dừng lại ở nhu cầu thể xác như khi lưu trú nơi trần gian.
Chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự chết lẫn sự sống, và chỉ trong Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc đích thực.
Vì thế, hãy biết trân trọng nó và biết mua lấy Nước Hằng Sống bằng niềm tin, sự hy sinh và tinh thần dấn thân vì Nước Trời ngay trong cuộc sống thực tại trần thế này.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Lời Chúa và tha thiết thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hiện tại. Xin ban cho chúng con luôn biết tha thiết với những thực tại trên trời, nơi tràn đầy ân sủng, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5:
Những đối thủ mà hôm nay Chúa Giêsu phải gặp là những người Sa-đốc thuộc giới tư tế. Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên họ đặt ra một câu chuyện (một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ "thế huynh") để cho thấy sống lại là một sự lố bịch. Trả lời họ, Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào. Trước hết, cuộc sống đời sau không giống cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và bởi thế không cần có vợ có chồng. Tiếp theo, cuộc sống ấy "giống như các thiên thần" : nghĩa là không quan tâm đến gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta thấy những người phái Sa-đốc tuy là tư tế nhưng không quan tâm tới những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ. Để bảo vệ những quyền lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ. Chính vì thế, họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xác thịt thì càng yếu về tinh thần. Đức tin dạy chúng ta rằng cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống "như các thiên thần" nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khoẻ và mọi thứ của cải trên thế gian.
Chúa Giêsu cũng đã dùng Kinh Thánh để minh chứng cho giáo lý của Người: “Các ông đã không đọc trong sách Môsê sao: Ta là Chúa của Abraham. Chúa của Ixaac và Chúa của Giacóp. Người không phải là Chúa của kẻ chết. Nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to” (Mc 12,26-27). Họ đề cập đến Kinh Thánh, Đức Giêsu lật ngược lý chứng của họ, bằng cách trích dẫn một đoạn trong Ngũ Kinh (Xh 3,6), là sách Thánh duy nhất được Nhóm Xa-đốc thừa nhận. Một lần nữa, chúng ta khám phá ra một Chúa Giêsu hiểu biết Kinh Thánh rất tinh tường và Người có thể trích dẫn theo trí nhớ từng câu một để chống lại mọi cuộc tranh luận.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết yêu mến Kinh Thánh và mở rộng tâm trí chúng con hiểu rõ Lời Chúa. Lạy Thiên Chúa của kẻ sống, xin dạy chúng con yêu mến sự sống đời đời. Chúng con xin phó thác cuộc đời của chúng con trong tình thương của Chúa. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM 6:
Trong thời đại Chúa Giêsu, dân tộc Do Thái tồn tại hai “đảng phái” xem ra luôn đối lập nhau và có ảnh hưởng nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đó là nhóm Pha-ri-siêu và nhóm Sa-đốc (ngoài ra còn một vài nhóm nhỏ như Essenien và Jelos không đáng kể).
Chúa Giê-su không theo một đảng phái nào cả, Người chỉ trích phái Sa-đốc tham quyền cố vị và người Pha-ri-siêu giữ luật giả hình. Chính vì thế mà cả hai nhóm này đều tìm cách bắt bẻ gài bẫy Chúa Giêsu. Nhóm Pha-ri-siêu thường hỏi Chúa Giê-su về những gì liên quan đến luật và nộp thuế, còn nhóm Sa-đốc lại thắc mắc liên quan đến quyền bính và vấn đề kẻ chết sống lại.
Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia?
Qua cách thắc mắc, ta dễ nhận thấy rằng quan niệm và niềm tin của nhiều nước, nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn tin rằng thế giới “bên kia” cũng tổ chức và sinh hoạt như thế giới chúng ta đang sống, và cụ thể là vẫn cưới vợ gả chồng. Tuy nhiên, cái chủ đích mà người Sa-đốc nhắm tới để gài bẫy ở đây là nhằm phủ nhận sự sống lại. Chúa Giêsu đã trả lời cách khẳng định cho họ hai điểm chính yếu sau đây:
- Có sự sống lại thật.
Chính vì nhóm Sa-đốc chỉ nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, nên Chúa Giêsu trích chính sách Xuất Hành là một trong Ngũ Kinh đó để trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp vẫn đang sống.
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta là vô ích, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên không thể lĩnh hội được. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Giêsu, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. «Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng» (Cv 2,32; x. Cv 10,41). Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Kitô hữu, đến nỗi có thể nói ai không tin vào sự sống lại thì không phải là người Kitô hữu.
- Đời sống thiên thần (vita angelica)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này.
Hiền Lâm
SUY NIỆM 7: CUỘC SỐNG ĐỜI SAU
1. Tin Mừng kể lại nhiều lần, người Do Thái tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng họ đều gặp phải cảnh: gậy ông đập lưng ông. Hôm nay, họ lại tìm cách bày trò để gài bẫy Chúa một lần nữa. Theo bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thì họ muốn chế nhạo Chúa về việc tin vào sự sống lại, tức là đụng đến tín điều Phục Sinh.
Để làm công việc này, họ bày ra một câu chuyện tuy khó xảy ra trong thực tế nhưng lại rất hợp lý về phương diện lý luận và luật pháp. Câu chuyện thế nào thì chúng ta đã được nghe.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu đã cho họ thấy hai điểm:
- Một là, quan niệm của họ về cuộc sống mai hậu còn quá thô sơ và không hiểu tí gì về quyền năng của Thiên Chúa: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? (Mc 12,24)
- Hai là họ không nhận ra được ý nghĩa của sự Phục Sinh được hàm chứa trong câu Thiên Chúa tự xưng mình là Thiên Chúa của các Tổ phụ: Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống (Mc 12,27).
Và lại một lần nữa, Chúa bịt miệng họ một cách hết sức ngoạn mục.
Đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu bị nhạo cười. Người ta đã từng cho người là khùng, là điên, là bị quỉ ám. Mãi đến khi gần chết trên Thánh Giá mà quân lính hành hình Chúa vẫn còn nhạo cười Ngài: “Để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! Nó đã cứu được kẻ khác mà nay lại không cứu được mình!” (Mt 15,31).
2. Ngày nay, cũng chẳng khác gì ngày xưa. Cũng có một số người không tin vào sự tồn tại của chính mình ở đời sau. Họ đang sống như chỉ có đời này. Họ đang hưởng thụ không biết mệt mỏi. Họ sống như chỉ có một mình mình, không cần biết đến ai, không cần để ý xem tương lai mình sẽ ra sao… Thậm chí có lúc họ còn cho những người tin vào đời sống mai hậu là ngu dại.
Thế nhưng, thực tế có như vậy hay không thì mỗi người phải tự mình suy xét lại.
Người ta đã đọc thấy trên mộ của một người ở nghĩa trang: “Đây là nấm mồ của một người dại dột, đã sống mà không biết tại sao mình sống”.
Nhà triết học Diogenes ngày xưa đã viết: “Trong tất cả mọi sự, hãy nhìn đến cùng đích cuộc đời của mình”.
Một bác sĩ sản khoa nọ đã viết nên một câu chuyện rất hay. Chuyện kể rằng: Một lần nọ, bác sĩ ấy đã thử nói chuyện với một bào thai. Bác sĩ nói:
- Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.
Nghe vậy, bào thai phản ứng:
- Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác nữa. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.
Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai tự thắc mắc:
- À, nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này mãi ư? Tay sẽ làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống, chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.
Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.
Vâng, chúng ta đang sống trong trần gian và niềm tin Chúa muốn dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: Chắc chắn có một cuộc đời khác nữa sau cuộc sống trên trần thế này.
Chúa đã từng nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2).
Như vậy, cuộc đời trên trần gian này không khác gì bào thai cũng đang sửa soạn cho một cuộc đời thực sự sẽ đến. Cuộc sống hôm nay của chúng ta cũng là chuẩn bị cho cuộc sống sau này trên Nước Trời. Cũng như mắt, chân và tay của bào thai chuẩn bị cho cuộc đời sắp đến, thì sự có mặt của mỗi người trên trần thế cũng đang chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Thánh Phaolô: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,2)
Lạy Chúa, xin cho con được luôn hướng lòng lên Chúa. Amen.
Lm Giuse Đinh Tất Quý