DI SẢN PHỤNG VỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Lm. Uwe Michael Lang[1]
WHĐ (06.01.2024) - Thật chẳng dễ dàng để trả lại sự công bằng đối với di sản Phụng vụ của Đức Bênêđictô XVI, người mà triều đại giáo hoàng của ngài nổi bật về nhiều mặt, và tôi đã chấp nhận yêu cầu của Adoremus Bulletin với cảm xúc lẫn lộn giữa lòng biết ơn và sự lo lắng. Trước hết, tôi thực sự biết ơn về những đóng góp quan trọng của Đức Bênêđictô cho đời sống Phụng vụ của Giáo hội, với tư cách là một học giả và nhà thần học, cũng như một giáo hoàng và mục tử của các linh hồn. Đồng thời, tôi không thể phủ nhận cảm giác e ngại, khi tôi bắt đầu suy xét tác động lâu dài của một vị giáo hoàng đã phải chiến đấu với rất nhiều trận chiến đau đớn trong Giáo hội và việc từ nhiệm sứ vụ Phêrô vào năm 2013 dường như đã dẫn đến việc đặt ra nhiều vấn nạn về thành tựu của ngài. Có cơ duyên và vinh dự được biết Joseph Ratzinger một cách riêng tư, tôi thấy không thể hiểu nổi tại sao một con người dịu dàng, khiêm tốn và cởi mở lắng nghe người khác như thế lại thường gặp phải sự thù địch có chủ ý từ bên ngoài và sự cản trở được che đậy kín đáo từ bên trong Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng những nỗ lực mang tính thời đại của ngài nhằm khôi phục Phụng vụ thánh trong lòng Giáo hội bằng sự can đảm về mặt tri thức, chiều sâu tâm linh và sự hi sinh cá nhân rất lớn, những nỗ lực ấy mới chỉ bắt đầu đơm hoa kết trái và sẽ minh chứng di sản bền vững của ngài đối với Kitô giáo.
Người thay đổi cục diện Một phong trào Phụng vụ mới “Hai hình thức... Cùng một nghi thức” Vị mục tử Hiền lành |
Như Joseph Ratzinger đã lưu ý trong cuốn tự thuật của mình, việc thờ phượng của Giáo hội đã định hình đức tin và cuộc sống của ngài từ thời thơ ấu[2]. Mặc dù sự nghiệp học thuật của ngài tập trung vào Tín lý và Thần học cơ bản, Ratzinger coi thần học Phụng vụ là trọng tâm trong công việc của ngài với tư cách là một linh mục và học giả. Trong lời tựa cuốn Thần học về Phụng vụ (Theology of the Liturgy), tập thứ XI trong tuyển tập các bài viết của ngài (là tác phẩm đầu tiên được xuất bản vào năm 2008, theo nguyện vọng rõ ràng của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã lưu ý đến thực tế là văn kiện đầu tiên của Công đồng là Hiến chế về Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium. Theo quan điểm của ngài, đây không chỉ là một quyết định thực dụng có vẻ phù hợp trong những hoàn cảnh nhất định; đúng hơn, nó phản ánh trật tự đúng đắn của đời sống và sứ mạng của Giáo hội:
“Việc bắt đầu với Phụng vụ nói với chúng ta rằng: ‘Thiên Chúa là trên hết.’ Khi việc tập trung vào Thiên Chúa không mang tính quyết định, thì mọi thứ khác sẽ mất đi định hướng của nó. Câu nói từ Luật Thánh Bênêđictô ‘Không có điều gì có thể được đặt trên Phụng vụ’ (43, 3) áp dụng đặc biệt cho đời sống đan tu, nhưng hiểu như một cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, nó cũng đúng đối với đời sống của Giáo hội và của mỗi cá nhân, đối với mỗi người theo cách riêng của mình”[3].
Sau đó, Đức Bênêđictô nhắc lại một chủ đề mà ngài đã khai triển rộng rãi trong các bài viết và bài thuyết giảng của mình - ý nghĩa trọn vẹn của từ “chính thống”:
“Ở đây có thể hữu ích khi nhắc lại rằng trong từ ‘chính thống’, nửa sau, ‘-doxa,’ không có nghĩa là ‘ý tưởng’, mà đúng hơn là ‘vinh quang’ (Herrlichkeit): vấn đề không phải là ‘ý tưởng’ đúng đắn về Thiên Chúa; đúng hơn, đó là vấn đề về cách thức đúng đắn để tôn vinh Ngài, đáp lại Ngài. Vì đó là câu hỏi cơ bản của người bắt đầu hiểu mình một cách đúng đắn: Tôi phải gặp gỡ Thiên Chúa như thế nào? Do đó, học cách thờ phượng đúng đắn - chính thống - là món quà tuyệt vời nhất mà đức tin ban cho chúng ta”[4].
Đây là lời giải thích sâu sắc về câu nói cổ, có từ thế kỷ thứ V: ut legem credendi lex statuat supplicandi, “Hãy để luật cầu nguyện thiết lập luật tin”. Nói cách khác, việc thờ phượng công khai của Giáo hội là một cách diễn tả và lời chứng cho đức tin không thể sai lầm của Giáo hội, và việc thờ phượng ấy sẽ giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn là bằng lời nói rằng tất cả những khát vọng của chúng ta về sự thiện, về sự thật, về cái đẹp và về tình yêu đều được đặt nền tảng và tìm thấy sự viên mãn của chúng trong thực tại siêu việt của Thiên Chúa.
Là một nhà thần học, Joseph Ratzinger vẫn trung thành với trực giác cơ bản này trong suốt sự nghiệp lâu dài và nổi bật của mình. Mặc dù không phải là một nhà Phụng vụ được đào tạo (một điểm thường được những người chỉ trích ngài lưu ý), nhưng ngài đã đề cập đến các vấn đề Phụng tự trong nhiều ấn phẩm khác nhau. Ratzinger mang ơn sâu sắc các nguyên tắc của Phong trào Phụng vụ thế kỷ XX, được hình thành bởi các nhân vật như Romano Guardini và Joseph Pascher. Đồng thời, chính mối quan tâm của ngài đối với việc canh tân Phụng vụ đích thực đã khiến ngài đặt câu hỏi về các khía cạnh của cuộc cải cách Hậu Công đồng đã có trong những năm đầu đầy nhiệt huyết. Những phân tích trực quan của Ratzinger đã cho thấy tính nước đôi của một chủ nghĩa thuần túy Phụng vụ dao động giữa một bên là sự hồi sinh của một thời kỳ được cho là “hoàng kim” (dù là thời kỳ trước Charlemagne hay trước Công đồng Nicê), và một bên khác là sự thôi thúc không kiểm soát được đối với sự mới lạ[5]. Điều bị bỏ lại bên lề là sự tăng trưởng và phát triển mang tính lịch sử của Phụng vụ trong thời Trung cổ và thời kỳ Baroque, vốn mang lại chiều sâu và sự trưởng thành không dễ dàng loại bỏ được. Chính Phụng vụ Công giáo trong lịch sử có tổ chức (và đôi khi quanh co) đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ Kitô hữu, kể cả những vị thánh vĩ đại nhất của mình. Đặc biệt Ratzinger là một trong số ít nhưng tiếng nói đáng chú ý (cùng với Louis Bouyer, Josef Andreas Jungmann, và Klaus Gamber) đã đặt vấn đề về việc giới thiệu rộng rãi Thánh lễ “quay mặt về phía dân chúng” và việc sắp xếp lại sau đó của các nhà thờ trên khắp thế giới.
Một cột mốc quan trọng trong công trình thần học của Ratzinger về Phụng vụ là tuyển tập tiểu luận Lễ hội Đức tin (The Feast of Faith), xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức năm 1981[6]. Trong số những đóng góp quan trọng của cuốn sách này là lập luận của Ratzinger rằng Bữa Tiệc Ly đã thiết lập nội dung tín lý, chứ không phải là hình thức Phụng vụ của Thánh Lễ, vốn vẫn chưa được phát triển. Nói cách khác, Thánh Lễ không chỉ đơn giản là diễn lại Bữa Tiệc Ly, nhưng chính Bữa Tiệc Ly phải được hiểu như là sự báo trước, dưới bức màn của các dấu chỉ bí tích, của hy tế Thập giá. Cái nhìn sâu sắc này đã thúc đẩy Ratzinger đề xuất một sự tái khẳng định mạnh mẽ về đặc tính hy tế của Thánh Lễ: Thánh Thể hiểu như là “bữa tiệc của những người được giao hòa” được tháp nhập vào việc tự hiến của Đức Kitô được hiện tại hóa trên bàn thờ dưới hình thức một nghi thức Phụng vụ chịu ảnh hưởng của Hội đường và Đền thờ. Trong bối cảnh này, Ratzinger đã nhắc lại sở thích của mình đối với việc cử hành Thánh lễ “hướng về phía Đông” như một cách diễn tả phù hợp, rõ ràng và nghi thức hơn của hy tế Thánh Thể.
Với tư cách là Hồng y và Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (1981-2005), Ratzinger tiếp tục dấn thân vào thần học Phụng vụ[7]. Phạm vi rộng lớn và gánh nặng của chức vụ do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giao phó cho phép ngài chỉ viết một chuyên khảo: Tinh thần Phụng vụ (The Spirit of the Liturgy), xuất bản năm 2000[8]. Tác phẩm này chẳng khác gì một công cụ thay đổi cục diện, và tôi tin chắc rằng vào thời điểm thích hợp, sẽ được coi là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu và thực hành Phụng vụ Công giáo. Cuốn Tinh thần Phụng vụ đã truyền cảm hứng cho một thế hệ học giả mới nhìn xa hơn câu chuyện vĩ đại về cuộc cải cách Hậu Công đồng và nhìn lại toàn bộ truyền thống Phụng vụ. Cuốn sách cũng khuyến khích các giáo sĩ cũng như tín hữu nói lên sự bất an của họ về tình trạng thờ phượng Công giáo hiện nay, nơi không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Theo nhiều cách, cuốn Tinh thần Phụng vụ là một tổng hợp các tác phẩm và tư tưởng của Joseph Ratzinger về chủ đề này và không tạo ra nhiều điểm mới như cuốn Lễ hội Đức tin. Đóng góp chính của cuốn Tinh thần Phụng vụ có thể là nỗ lực của ngài nhằm đào sâu và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về “sự tham gia tích cực”, nguyên tắc nằm ở trung tâm lời kêu gọi canh tân Phụng vụ của Công đồng Vatican II. Ngày nay, có sự nhìn nhận rộng rãi là cần phải vượt ra khỏi cách giải thích bề ngoài và hời hợt về nguyên tắc này trong các cuộc canh tân Hậu Công đồng. Ratzinger đã cho niềm xác tín này một nền tảng thần học vững chắc, khi ngài viết trong một ấn phẩm tiếp theo: “Phụng vụ đạt được sự cao cả từ chính bản chất của nó, chứ không phải từ những gì chúng ta làm với nó... Phụng vụ không phải là một biểu hiện của ý thức cộng đồng, vốn luôn lan tỏa và thay đổi. Đó là sự mặc khải nhận được trong đức tin và lời cầu nguyện”[9].
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã sống và làm việc vào thời điểm mà rõ ràng hình thức và cách diễn đạt của mặc khải nhận được trong đức tin và lời cầu nguyện này đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong Giáo hội Công giáo. Với tư cách là một nhà thần học và Hồng y, ngài đã không ngần ngại bước vào đấu trường đầy tranh cãi này với lòng can đảm và sự sáng suốt. Với việc được bầu chọn kế vị Ngai tòa Thánh Phêrô ngày 19 tháng 4 năm 2005, Đức Bênêđictô XVI nhận thấy mình có một vị trí để định hình tương lai của Phụng vụ Công giáo, một vị trí mà ngài chỉ có thể tiếp cận với một số nghi ngại, bởi vì ngài khẳng định mạnh mẽ rằng việc canh tân Phụng vụ đích thực không diễn ra đơn giản bằng các sắc lệnh và chỉ thị.
Do đó, Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu một cách thận trọng bằng việc chuyển tải qua các bài giảng và diễn từ, và nhất là qua các cử hành Phụng vụ, thứ tự ưu tiên của Công đồng Vatican II như mối quan tâm hàng đầu của chính ngài: cụ thể là, Phụng vụ thánh phải là sự phản ánh vinh quang của Thiên Chúa - trong đó chúng ta được mời gọi chia sẻ trước hết qua sự tự hiến của Chúa Kitô trên bàn thờ, khi chúng ta dìm mình trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Sự hiệp thông bí tích này không chỉ là điều mà chúng ta (cộng đoàn quy tụ tại một địa điểm và thời gian cụ thể) thực hiện mà là món quà của một thực tại cao cả hơn mà Chúa Kitô đã ủy thác cho toàn thể Giáo hội. Không lâu trước khi được bầu chọn làm giáo hoàng, Hồng y Ratzinger đã kêu gọi đổi mới nhận thức về nghi thức Phụng vụ như là “hình thức cô đọng của truyền thống sống động”[10]. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là xem xét lại tiến trình canh tân Phụng vụ theo lối diễn giải về cuộc cải cách trong tính liên tục khi giải thích Công đồng Vatican II, đây là điều mà Đức Bênêđictô XVI đã đề xuất trong bài diễn văn quan trọng của ngài trước Giáo triều Rôma ngày 22 tháng 12 năm 2005[11].
Ngay trong Hồi ký năm 1997 của mình, Hồng y Ratzinger lúc bấy giờ đã kêu gọi một “phong trào Phụng vụ mới” sẽ “làm sống lại di sản thực sự của Công đồng Vatican II”, một tuyên bố mà sau này ngài đã nhắc lại trong cuốn Tinh thần Phụng vụ. Ngài tin chắc rằng đã có những lựa chọn không phù hợp trong việc thi hành những nguyên tắc đúng đắn của Hiến chế về Phụng vụ thánh. Số 23 của Hiến chế đã không được quan tâm đầy đủ, nhấn mạnh rằng “không được có những đổi mới trừ khi lợi ích của Giáo hội thực sự và chắc chắn đòi hỏi những đổi mới đó; và cần phải lưu ý rằng bất kỳ hình thức mới nào được thông qua theo một cách nào đó sẽ phát triển một cách hữu cơ từ các hình thức đã tồn tại”.
Trong một bài diễn thuyết được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) vào năm 2003, Hồng y Ratzinger lập luận rằng đã đến lúc phải giảng lại - đọc lại - Hiến chế của Công đồng. Với mục đích khắc phục những cách đọc quá đơn giản về “Công đồng”, ngài đã đề xuất một sự phân biệt giữa hai cấp độ khác nhau xuyên suốt các chương của văn kiện. Trước hết, Hiến chế về Phụng vụ thánh “phát triển các nguyên tắc khá cơ bản và tổng quát liên quan đến bản chất và việc cử hành Phụng vụ” và đòi hỏi thẩm quyền cao nhất. Thứ đến, và dựa trên những nguyên tắc này, Hiến chế “đưa ra những hướng dẫn mang tính quy phạm cho việc canh tân mang tính thực hành của Phụng vụ Rôma”. Đối với Hồng y Ratzinger, những hướng dẫn có giá trị này “cũng là kết quả của thời đại hơn là những tuyên bố về nguyên tắc”. Cấp độ thứ ba được bổ sung với việc thực hiện cụ thể cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng, quan trọng nhất là Sách lễ Rôma canh tân được thực hiện vào năm 1969-1970. Mặc dù “các hình thức canh tân Phụng vụ do thẩm quyền Giáo hội thiết lập” này là bắt buộc, nhưng chúng “không đơn thuần đồng nhất với Công đồng”. Khuôn khổ được thiết lập bởi các chỉ thị rộng rãi của Hiến chế về Phụng vụ thánh cho phép “những thực hiện khác nhau”. Hồng y Ratzinger đã cảnh báo rằng: “Ai đó không nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc cải cách này đều diễn ra tốt đẹp và cho rằng có nhiều điều cần phải cải cách hoặc thậm chí cần xem xét lại, thì không phải vì thế mà người đó bị cho là chống lại ‘Công đồng’”. Ở thời điểm cách nay 40 năm, ngài đã nói bản văn của Hiến chế về Phụng vụ thánh cần được “‘bối cảnh hóa’ một cách mới mẻ, nghĩa là, được đọc dưới ánh sáng những tác động của nó trong lịch sử gần đây và tình hình hiện tại của chúng ta”[12].
Với tư cách là giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đưa ra một ví dụ quan trọng về việc thay đổi như vậy, được hướng dẫn bởi cách diễn giải theo tính liên tục trong Tự sắc Nghi Lễ Phụng Tự (Summorum Pontificum) năm 2007 của ngài bằng cách dỡ bỏ những hạn chế trước đây đối với việc sử dụng các sách Phụng vụ trước Công đồng, mà ngài gọi là Hình thức Ngoại thường hoặc cách sử dụng cũ (usus antiquior) của cùng một Nghi thức Roma. Quan niệm này không phải là không có những khó khăn, bởi vì rõ ràng có một sự gián đoạn giữa các hình thức Phụng vụ Tiền Công đồng và Hậu Công đồng. Những khác biệt như vậy ít rõ rệt hơn, chẳng hạn khi Sách lễ hiện tại được cử hành bằng tiếng Latinh và tại một bàn thờ với vị linh mục quay mặt về hướng đông (ad orientem) thay vì hướng về phía giáo dân, nhưng vẫn còn đó những khác biệt: trong các lời nguyện và các bài đọc trong Thánh lễ, trong nhiều yếu tố nghi thức, và trong cấu trúc của năm Phụng vụ. Theo cách hiểu của tôi, với lời khẳng định về “hai hình thức của cùng một nghi thức”, Đức Bênêđíctô đã mô tả mục tiêu của ngài về một quá trình tiệm tiến nghĩa là bắt đầu với Tự sắc Nghi Lễ Phụng Tự và cuối cùng có thể dẫn đến một “sự phong phú lẫn nhau” của hai hình thức. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ tầm nhìn này trong Tự sắc Traditionis Custodes năm 2021 của ngài, và tình trạng của các sách Phụng vụ trước Công đồng, trong khi vẫn được sử dụng với những hạn chế đáng kể, vẫn chưa rõ ràng. Ở điểm này, điều đáng nhắc lại là cùng một Mầu nhiệm Vượt qua được diễn tả theo những cách khác nhau: trong Nghi thức Rôma, các nghi thức Tây phương khác, và trong nhiều nghi lễ Đông phương, nhưng không hề trái ngược hay mâu thuẫn với nhau - tất cả đều có vị trí của mình trong Giáo hội Công giáo.
Bằng việc kêu gọi làm phong phú lẫn nhau, Đức Bênêđíctô XVI đã thực hiện một bước can đảm để vượt qua khuynh hướng “đóng băng” tình trạng hiện tại của cuộc canh tân Hậu Công đồng theo cách không công bằng đối với sự phát triển hữu cơ của Phụng vụ, và hồi phục lại sự canh tân Phụng vụ mà Công đồng mong muốn theo một chiều hướng khác[13]. Vào thời điểm mà nhiều vấn đề từng được coi là đã giải quyết lại được mở ra để tranh luận, thật khó hiểu tại sao những điểm mạnh và điểm yếu của canh tân Phụng vụ Hậu Công đồng lại không được thảo luận cởi mở. Việc canh tân Phụng vụ được thực hiện bằng những quyết định thực tế và thận trọng không dính dáng đến tính bất khả ngộ của Giáo hội trong các vấn đề đức tin và phong hóa.
Kế hoạch chi tiết cho Tự sắc Nghi Lễ Phụng Tự có sẵn trong những suy tư kết luận của Hồng y Ratzinger tại một Hội nghị Phụng vụ được tổ chức tại Tu viện Benedictine ở Fontgombault vào năm 2001. Vào dịp đó, Hồng y Ratzinger trình bày về một “sự canh tân của canh tân” mà ngài xác định 3 lĩnh vực. Trước hết, ngài thấy cần phải khắc phục “sự sáng tạo sai lầm, vốn không phải là một phạm trù của Phụng vụ”[14], theo đó, ngài muốn nói đến những yếu tố mơ hồ trong các sách Phụng vụ Hậu Công đồng đã góp phần vào sự không ổn định về nghi thức - trên hết, bao gồm các tùy chọn để điều chỉnh các nghi thức cho phù hợp với những hoàn cảnh nhất định và các đoạn ad libitum (tuỳ chọn) thường xuyên (“dùng ad libitum hoặc những từ tương tự”). Vấn đề cơ bản mà Hồng y Ratzinger đã chỉ ra trong những chỉ dẫn tùy chọn như vậy là những chỉ dẫn ấy không những mang tính phụng vụ về bản chất (chẳng hạn như làm gián đoạn dòng chảy mà nghi thức “tốt đẹp” phụ thuộc vào) nhưng còn có vấn đề trong bối cảnh Giáo hội học: “với sự sáng tạo sai lầm này, biến Phụng vụ thành một bài tập giáo lý cho cộng đoàn này, sự duy nhất Phụng vụ và tính giáo hội của Phụng vụ đang bị phá hủy”[15]. Thứ đến, Hồng y Ratzinger đề cập đến vấn đề về các bản dịch Phụng vụ Hậu Công đồng. Vấn đề này đã được thảo luận rộng rãi, đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh, và một tiến trình canh tân thực sự đã bắt đầu từ triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Cuối cùng, Hồng y Ratzinger lại nêu lên vấn đề về Thánh lễ “quay mặt về phía dân chúng”. Đề xuất khiêm tốn của ngài đó là ít nhất đặt một Cây Thánh giá có thể nhìn thấy rõ ràng trên bàn thờ để cả linh mục và giáo dân có chung một tiêu điểm để quy hướng về[16].
Đức Bênêđictô XVI ý thức sâu sắc rằng sự gián đoạn hiển nhiên trong việc thực hành nghi thức của Giáo hội đã tạo ra một tình huống trong đó việc đơn thuần áp đặt những hình thức Phụng vụ truyền thống sẽ bị nhiều người coi là một sự đứt gãy khác. Bằng việc mở ra những khả thể mới, ngài dự định tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển “hữu cơ” của Nghi lễ Rôma để tránh sự gián đoạn đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho nghi lễ Công giáo trong thời kỳ Hậu Công đồng. Đáp ứng về phụng vụ cho các Giáo hạt tòng nhân dành cho các cựu tín hữu Anh giáo, được thiết lập ra sau Tông hiến Anglicanorum Coetibus năm 2009, đi theo quỹ đạo này. Các sách về nghi thức dưới tiêu đề Phụng tự, đặc biệt là sách lễ (2015), phù hợp với khuôn mẫu cơ bản của Nghi lễ Rôma, nhưng đồng thời làm phong phú nó bằng “di sản” một phần bắt nguồn từ truyền thống Trung cổ rộng lớn hơn (ví dụ: trong các nghi thức nhập lễ và dâng lễ) và một phần bắt nguồn từ phong cách cầu nguyện đặc trưng của Anh giáo, phù hợp với giáo lý Công giáo.
Dường như ý tưởng của Đức Bênêđictô XVI cho rằng sự phát triển hữu cơ cần phải diễn ra như thể bằng sự thẩm thấu, nghĩa là, một sự tháp nhập đều đặn và gần như vô thức của truyền thống Phụng vụ. Một yếu tố quan trọng trong quá trình này là gương mẫu của Đức Giáo Hoàng trong các cử hành của chính ngài. Các yếu tố nghi lễ như đặt một Cây Thánh giá nổi bật ở giữa bàn thờ, việc cho các tín hữu quỳ gối và trực tiếp rước lễ trên lưỡi, và việc sử dụng rộng rãi tiếng Latinh, tất cả đều nhằm mục đích thiết lập một tiêu chuẩn để noi theo. Đức Bênêđíctô xác tín rằng việc canh tân Phụng vụ đích thực sẽ không thực hiện được bằng những hướng dẫn và quy định. Sự dè dặt của ngài với tư cách là một nhà ban hành luật - chẳng hạn, không có ấn bản mẫu mới nào đối với bất kỳ cuốn sách Phụng vụ nào trong triều đại giáo hoàng của ngài - có thể được hiểu là đánh mất cơ hội. Mặt khác, sự mong manh của các quyết định lập pháp đã được chứng minh khi người kế vị trực tiếp của ngài, Đức giáo hoàng Phanxicô, hủy bỏ các điều khoản của Tự sắc Nghi Lễ Phụng Tự.
Bất chấp những điều bất lợi, Đức Bênêđictô XVI đã mở ra những triển vọng cho một sự canh tân theo hướng liên tục với truyền thống Phụng vụ, và những thôi thúc này đã được các thế hệ trẻ trong Giáo hội trên khắp thế giới tiếp nhận một cách đặc biệt. “Phong trào Phụng vụ mới” này mà Hồng y Joseph Ratzinger mong muốn có tiềm năng nối lại những sợi chỉ đứt của nghi lễ Công giáo. Chứng tá tốt nhất đối với di sản Phụng vụ của ngài sẽ là tiếp tục công việc của ngài với sự kiên nhẫn, kiên trì, vui vẻ và lòng biết ơn đối với trí tuệ thần học sáng suốt và sự phục vụ lâu dài của ngài đối với dân Chúa.
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Từ: adoremus.org (01.2023)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)
[1] Linh mục Uwe Michael Lang, quê ở Nuremberg, Đức, là linh mục Dòng Thánh Philip Neri ở London. Cha có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford, và dạy lịch sử Giáo hội tại Đại học Mater Ecclesiae, Đại học St. Mary, Twickenham, và Chủng viện Allen Hall, London
[2] Joseph Ratzinger, Milestones: Memoirs 1927-1977, chuyển ngữ: Erasmo Leiva-Merikakis (San Francisco: Ignatius, 1998), 18-20.
[3] Benedict XVI, “On the First Volume of My Collected Works,” trong Joseph Ratzinger, Theology of the Liturgy: The Sacramental Foundation of Christian Existence, Joseph Ratzinger Collected Works 11, ed. Michael J. Miller (San Francisco: Ignatius Press, 2014), xv-xviii, at xv.
[4] Benedict XVI, “On the Inaugural Volume of My Collected Works,” xv.
[5] Joseph Ratzinger, “Catholicism after the Council”, in The Furrow 18 (1967), 3-23, at 10.
[6] Joseph Ratzinger, The Feast of Faith: Approaches to a Theology of the Liturgy, do Graham Harrison chuyển ngữ (San Francisco: Ignatius Press, 1986).
[7] Xem Joseph Ratzinger, A New Song for the Lord: Faith in Christ and Liturgy Today (New York: Crossroad, 1996).
[8] Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, do John Saward chuyển ngữ (San Francisco: Ignatius Press, 2000).
[9] Joseph Ratzinger, “The Theology of the Liturgy,” trong Theology of the Liturgy, 541-557, trang 557 (xuất bản lần đầu năm 2001).
[10] Joseph Ratzinger, “The Organic Development of the Liturgy,” trong Theology of the Liturgy, 589-594, trang 591 (xuất bản lần đầu năm 2004).
[11] Benedict XVI, Diễn văn trước Giáo triều Rôma trong dịp chúc mừng lễ Giáng sinh (22 tháng 12 năm 2005); xem thêm Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Bí tích Thánh Thể như Nguồn mạch và Chóp đỉnh cao của Đời sống và sứ mạng của Giáo hội Sacramentum Caritatis (ngày 22 tháng 2 năm 2007), số 3.
[12] Joseph Ratzinger, “Fortieth Anniversary of the Constitution on the Sacred Liturgy: A Look Back and a Look Forward,” trong Theology of the Liturgy, 574-588, trang 576 (xuất bản lần đầu năm 2003).
[13] Xem Benedict XVI, Sứ điệp Video Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin (ngày 17 tháng 6 năm 2012).
[14] Joseph Ratzinger, “Assessment and Future Prospects,” trong Theology of the Liturgy, 558-568, trang 565 (xuất bản lần đầu năm 2003).
[15] Joseph Ratzinger, “Assessment and Future Prospects,” 565.
[16] Xem Joseph Ratzinger, “Assessment and Future Prospects,” 565-566.
Nguồn tin: hdgmvietnam.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn