Đức Cha Giuse dâng Thánh Lễ Tiệc Ly -Thứ Năm Tuần Thánh tại Nhà Thờ Chính Toà.
Thứ năm - 14/04/2022 21:32
Đức Cha Giuse dâng Thánh Lễ Tiệc Ly - Thứ Năm Tuần Thánh tại Nhà Thờ Chính Toà.
hình ảnh
Lời đầu lễ
Kính chào quý cha quản hạt, quý cha, quý soeurs, quý thầy, quý ông bà anh chị em.
Trong thánh lễ thứ Năm tuần thánh chiều nay, chúng ta mừng 3 món quà quý giá mà Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại và cho Giáo Hội, đó là Bí tích Thánh Thể, chức linh mục và giới răn yêu thương.
Chức linh mục gắn liền với Bí tích Thánh Thể và giới răn yêu thương. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu vì 3 món quà quí giá này.
Thánh lễ hôm nay được cử hành trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, dù vẫn còn một số ảnh hưởng và trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina.
Chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân qua đời trong đại dịch Covid này và cho các nạn nhân tại Ukraina.
Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta được luôn gắn bó với Bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta trung thành trong ơn gọi của mình và sống giới răn yêu thương.
Giờ đây, để lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa thương chấp nhận, chúng ta cùng thành tâm thống hối.
Bài giảng:
1. Một điểm giáo lý quan trọng về Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa nơi tấm bánh nhỏ bé. Chúng ta tin thật Mình Máu Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể hằng ngày tái diễn trên các bàn thờ ở khắp thế giới khi linh mục đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
2. Phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Lanciano (Ý), năm 700 (sau công nguyên), đã được Giáo hội công nhận bằng sắc lệnh của giáo hoàng (Papal Bulls). Đây là phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo hội công nhận.
Trên Đồi Sọ, sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở, một người lính La Mã đã lấy ngọn giáo đâm thủng trái tim Chúa Giêsu để cho Nước và Máu chảy ra. Người lính này đến từ Thành phố Lanciano (Ý). Lanciano có nghĩa là “lưỡi giáo” (lance). Máu và Nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu chảy theo lưỡi giáo xuống tay người lính này. Anh ta có thị lực yếu, khi anh ta lấy tay dụi mắt thì mắt sáng trở lại. Lòng Thương Xót bao la của Chúa Giêsu đã chảy trào vào anh ta, dù chính anh ta mới vừa đâm vào ngực Chúa Giêsu. Người lính đó tên là Longinô (Longinus). Anh ta đã được chữa lành và gia nhập đạo. Anh đã rời quân ngũ, rồi tới Cappadocia và chịu tử đạo vì đức tin. Ngày nay chúng ta tôn kính Thánh Longinô, lễ ngày 15 tháng Ba.
Linh mục đa nghi
Tại Lanciano, nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể là Nhà thờ Thánh Domitian, nhà thờ này do các tu sĩ Dòng Basilian coi sóc. Có một tu sĩ linh mục Dòng Basilian, tên là Thomases, đã nghi ngờ sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thời đó có nhiều tà thuyết nổi lên đã làm lung lay đức tin của Lm Thomases.
Một buổi sáng nọ, Lm Thomases dâng Thánh lễ mà vẫn nghi ngờ. Đến phần truyền phép, có điều lạ xảy ra trên đôi tay khiến toàn thân Lm Thomases rung động: Bánh biến thành Thịt thật, Rượu biến thành Máu thật.
Lm Thomases lặng người một lúc rồi từ từ đưa lên cho mọi người thấy và nói: “Ôi chứng cớ hữu hình của Chúa để xóa bỏ sự nghi ngờ của tôi, Ngài muốn mặc khải chính Ngài trong bí tích Thánh Thể hoặc để chúng ta nhìn thấy tỏ tường. Anh chị em hãy đến chiêm ngưỡng phép lạ của Chúa. Đây là Mình Máu Thánh Đức Kitô”. Mọi người tận mắt chứng kiến phép lạ nên sững sờ, kêu than, xin tha thứ và xin xót thương. Đức tin của linh mục Dòng Basilian đã được biến đổi. Biết tin, cả thành phố và mọi người khắp nước đã tuôn về Lanciano để chiêm ngưỡng phép lạ Thánh Thể. Đức tin của mọi người đối với bí tích Thánh Thể đã được tái sinh.
Khoa học công nhận phép lạ tại Lanciano
Qua nhiều năm, nhiều cuộc xét nghiệm đã được thực hiện để xác định phép lạ Thánh Thể tại Lanciano. Đây là kết quả khoa học được thực hiện năm 1970, với các dụng cụ tân tiến nhất:
Mình Thánh là thịt thật. Máu Thánh là máu thật.
- Thịt có cơ tim (myocardium).
Trong Mình Thánh và Máu Thánh đều có loại máu AB+ như nhau.
Trong Máu Thánh có các protein như trong máu bình thường.
Trong Máu có các khoáng chất clo-rua (chlorides), phốt-pho, ma-nhê, na-tri (sodium) và can-xi.
Mình Máu Thánh vẫn tươi nguyên suốt 12 thế kỷ qua, dù không dùng hóa chất bảo quản. Đây là hiện tượng kỳ lạ vô cùng.
Chứng cớ khác thường
Nhiều người Công giáo đã biết Khăn liệm Turin (Shroud of Turin) vẫn còn cho tới ngày nay, trên tấm khăn có hình một đàn ông chết sau khi bị đóng đinh. Truyền thống Công giáo công nhận đó là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Năm 1978, một nhóm khoa học gia thuộc cơ quan không gian NASA (National Aeronautics and ( Space Administration) đã khám kỹ tấm khăn liệm Turin bằng các dụng cụ tân tiến nhất của cơ quan không gian thời đó. Họ đã phải công nhận đó là tấm khăn liệm Chúa Giêsu thật. Phát hiện quan trọng là có những vết máu trên tấm khăn liệm. Máu đó cũng là loại máu AB+, giống như máu trong phép lạ Thánh Thể tại Lanciano.
Tình yêu vĩ đại của Chúa Giêsu
Ngay từ đầu, Giáo hội địa phương đã công nhận phép lạ này là dấu chỉ thật từ trời, và tôn kính Mình Máu Thánh được thể hiện qua cuộc rước vào ngày lễ này - Chúa Nhật cuối tháng Mười.
Trong phép lạ Thánh Thể tại Lanciano, Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta chính Thánh Tâm và Máu Ngài. Điều này giúp chúng ta hiểu được sự hy sinh cao cả và tình yêu bao la của Chiến Thiên Chúa trong mỗi Thánh lễ. Ngài trao chính Mình Máu Ngài để chữa lành và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta hằng ngày.
2. Bài đọc 2, Thánh Phaolô thuật lại bữa ăn cuối cùng của Đức Kitô với các môn đồ. Trong đó, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể : Này là Minh Ta, sẽ bị nộp vì các con .... "Chén này là giao ước mới trong Máu Ta".
Trong bài phúc âm, thánh Gioan kể về biến cố rửa chân ngay sau bữa tiệc ly : “Trong bữa ăn tối, Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”
2. Lời Chúa trong thứ năm tuần thánh năm nay mời gọi chúng ta 2 điều:
- Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa quyền năng, vẫn đang tiếp tục hiện diện với con người chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đến với Chúa như lời Chúa mời gọi: “Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hay đến Ta sẽ bổ sức cho các con”.
Trong thánh lễ hôm nay, đặc biệt trong giờ Chầu sau thánh lễ, chúng ta hãy đến với Chúa Thánh Thể. Dành thời giờ nói với Chúa về cuộc đời của mình, của gia đình mình... chắc chắn Chúa rất vui để lắng nghe.
-Thứ hai, bữa tiệc Thánh Thể không kết thúc ở việc ăn uống, nhưng lại được tiếp nối với việc rửa chân. Thánh Gioan thuật lại :
“Trong bữa ăn tối, Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
Như vậy, ý nghĩa đích thực của Thánh Thể sẽ chỉ được hoàn tất với những hành động yêu thương phục vụ “rửa chân cho anh chị em mình, theo gương của Chúa Giêsu”.
Nói cách khác, "để nhớ" đến Thầy, người Kitô hữu phải “cử hành Thánh Thể và phải thi hành việc bác ái phục vụ "rửa chân cho nhau".
“Thầy đã làm gương cho các con, các con cũng phải rửa chân cho nhau.”
5. Trong thánh lễ hôm nay, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, "Nữ Vương Thánh Thể", xin Chúa cho mỗi anh em chúng ta được lòng yêu mến Thánh Thể thực sự, biết tập dành thời gian đến với Thánh Thể và đến với anh em qua việc yêu thương phục vụ. Amen.
BTT