Giới thiệu phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần”
Chủ nhật - 04/02/2024 09:49
GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP“ĐỐI THOẠI TRONG THÁNH THẦN”
Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
và Ban Truyền thông Giáo phận Phan Thiết PHẦN I: NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI TRONG THÁNH THẦN
Phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” được trình bày trong “Tài liệu Làm việc - Instrumentum Laboris” của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 10.2023. Tính hiệu quảcủa phương pháp đã được chứng minh qua các cuộc họp ở các châu lục và qua cuộc họp cấp hoàn vũ tại Rôma tháng 10/2023 vừa qua.
Mục đích của phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” giúp chúng ta đối thoại với nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy, trong cuộc đối thoại này, sẽ không có tranh cãi, nhưng mọi người biết lắng nghe nhau và rồi cùng nhau phân định, khám phá, nhận ra tiếng nói của Chúa Thánh Thần muốn hướng dẫn chúng ta.
Cuộc đối thoại trong Thánh Thần có thể được mô tả như một lời cầu nguyện chung hướng tới một sự phân định mà những người tham gia tự chuẩn bị bằng việc suy tư và suy niệm cá nhân. Họ trao cho nhau món quà là một lời nói sâu sắc đã được suy niệm và nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, chứ không phải một ý kiến ngẫu hứng ngay tại chỗ.Điểm nhấn của Phương Pháp là Thinh lặng – Cầu nguyện – để lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Dựa trên kinh nghiệm tại Thượng Hội động Cấp châu lục và tại Cấp hoàn vũ, tôi xin trình bày cụ thể phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” với bốn bước cơ bản.
Bước 1: “Chuẩn bị cá nhân” 1. Lắng nghe trình bày vấn đề 2. Thinh lặng và cầu nguyện: Cùng với Chúa Thánh Thần chuẩn bị - “tôi sẽ chia sẻ điều gì” về vấn đề mà tôi vừa nghe. Bước 2: “Nói và lắng nghe” 1. Mỗi người tuần từ “nói” điều đã chuẩn bị, đồng thời cũng “lắng nghe” người khác. 2. Thinh lặng và cầu nguyện: ghi nhận điều gì “âm vang” nhất từ những chia sẻ của người khác: a) Điểm đồng thuận b) Điểm thắc mắc, không đồng thuận c) Điểm đề nghị Bước 3: “Tạo không gian cho người khác và cho Chúa” 1. Trình bày những gì âm vang trong tâm hồn từ những chia sẻ của những người khác (đồng thuận – không đồng thuận – đề nghị) 2. Thinh lặng và cầu nguyện: lắng nghe “Thánh Thần muốn nói với tôi” qua những gì vừa được nghe và chia sẻ. Bước 4: “Cùng nhau xây dựng” 1. Trưởng nhóm “tạm đúc kết” một vài điểm chung, và cả nhóm góp ý để tìm ra điều “Chúa Thánh Thần muốn nói với cả nhóm”. Và rồi cả nhóm đúc kết những điểm mấu chốt đã xuất hiện và đạt được sự đồng thuận của cả nhóm. 2. Cầu nguyện kết thúc
So sánh phương pháp Đối thoại trong Thánh Thần
và phương pháp Xem – Xét – Làm
So sánh và liên kết với phương pháp “Xem – Xét – Làm”
Cuộc đối thoại trong Thánh Thần là Một động lực của sự phân định trong Giáo hội hiệp hành
(1) XEM: Chuẩn bị bằng nghe Trình bày vấn đề với - Tài liệu qui chiếu: (1) Kinh Thánh – (2) Giáo huấn của Hội Thánh – (3) Sự kiện cụ thể - Câu hỏi gợi ý để suy nghĩ và chia sẻ.
(1) Chuẩn bị cá nhân
Bằng cách tín thác vào Chúa Cha, đối thoại trong cầu nguyện với Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Thánh Thần, mỗi người chuẩn bị phần đóng góp của mình cho vấn đề mà mình được mời gọi để phân định.
(2) Thinh lặng và cầu nguyện
(2) Thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần
(3) XÉT 1: Mọi người góp ý cá nhân - Đây là ý kiến cá nhân - Nhưng sự phân tích, phê phán, đánh giá phải khách quan, dưới ánh sáng Lời Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh
(3) “Nói và lắng nghe” Mỗi người thay phiên nhau nói, dựa trên chính trải nghiệm và việc cầu nguyện của mình, đồng thời chăm chú lắng nghe sự đóng góp của người khác.
(4) Thinh lặng và cầu nguyện
(4) Thinh lặng và cầu nguyện
(5) XÉT 2: Mọi người góp ý phản hồi - Góp ý phản hồi sau ý kiến của người khác - Nhưng phản hồi, phân tích, phê phán, đánh giá phải khách quan, dưới ánh sáng Tin Mừng và các giáo huấn của Hội Thánh
(5) “Tạo không gian cho người khác và cho Chúa” Từ những gì những người khác đã nói, mỗi người chia sẻ (1) điều gì có âm hưởng trong lòng mình nhất hoặc (2) điều gì đã khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ nhất, (3) để bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Trong khi lắng nghe, lòng tôi có bừng cháy lên chăng?"
(6) Thinh lặng và cầu nguyện
(6) Thinh lặng và cầu nguyện
(7) LÀM: Phân định và quyết định - Dựa trên Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh - Đưa ra quyết định với những hành động cụ thể
(7) “Cùng nhau xây dựng” Chúng ta cùng nhau đối thoại trên cơ sở những gì đã xuất hiện ở bước trên để phân định và thu thập thành quả của cuộc đối thoại trong Thánh Thần: (1) nhận ra những điểm đồng thuận; (2) xác định những điểm không đồng thuận và (3) đưa ra những câu hỏi mới, những đề nghị. Từ đó giúp nhận ra: “Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta cùng nhau thực hiện những bước tiến nào?”
(8) Lời cầu nguyện tạ ơn kết thúc
(8) Lời cầu nguyện tạ ơn kết thúc
PHẦN II: MỘT VÍ DỤ THỰC HÀNH PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI TRONG THÁNH THẦN
Sau khi mỗi người chúng ta đã có được một cái nhìn tổng quan về phương pháp đối thoại trong Thánh Thần, thì giờ đây chúng ta sẽ cùng nhau thực tập phương pháp này với chủ đề: Giáo xứ chúng ta sẽ làm gì để thực hiện đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Namvề Hiệp hành năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Buổi thực tập này sẽ diễn ra trong khung cảnh một buổi họp của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Thành phần tham dự của buổi họp gồm: - Cha xứ - Ông Trưởng Ban Hành Giáo - Ông Phó Ban Hành Giáo - Ông Trưởng Giới Gia Trưởng - Bà Trưởng Giới Hiền Mẫu - Anh Trưởng Legio Mariae - Chị Trưởng Giới Trẻ - Chị Trưởng Giáo lý viên và Thiếu nhi Buổi họp bắt đầu với việc Cha xứ làm dấu thánh hoá. Cha xứ: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Mọi người: Amen. Cha xứ: Thưa anh chị em, nội dung buổi họp hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau bàn thảo về vấn đề: Giáo xứ chúng ta sẽ làm gì để sống lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Namvề Hiệp hành trong năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”.
BƯỚC 1: “CHUẨN BỊ CÁ NHÂN” Trước hết, chúng ta sẽ có những chuẩn bị cá nhân cho cuộc họp này qua việc lắng nghe trình bày vấn đề với 3 điểm qui chiếu và câu hỏi gợi ý: Qui chiếu 1: Lời Chúa soi sáng cho chủ đề: Chúng ta sẽ dựa trên đoạn Kinh Thánh Mt 9, 32-38. Qui chiếu 2: Giáo huấn của Giáo Hội: Chúng ta sẽ dựa trên Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Hiệp hành năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Qui chiếu 3: Thực trạng của giáo xứ: Chúng ta sẽ dựa trên thực trạng cụ thể của giáo xứ chúng ta, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Sau 3 điểm quy chiếu, chúng ta sẽ nghe những câu hỏi gợi ý giúp chúng ta cầu nguyện và suy tư: cùng với Chúa Thánh Thần chuẩn bị: “tôi sẽ chia sẻ điều gì” về vấn đề mà tôi vừa nghe. Phần qui chiếu 1: Lời Chúa soi sáng cho chủ đề. Cha xứ công bố Lời Chúa và giải thích Lời Chúa để giúp mọi người suy nghĩ về chủ đề được chọn, kêu gọi mọi người tham gia vào sinh hoạt và sứ vụ của giáo xứ. Cha xứ: Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu, Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: "Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !" Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ." Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, Ngợi khen Chúa. Cha xứ: Thưa anh chị em, Người ta đưa đến cho Chúa Giêsu một người bị quỷ câm ám. Người đó không nói được. Anh ta hạn chế trong khả năng giao tiếp và tương quan với mọi người. Anh ta khó tham gia vào đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn. Thế nhưng, khi anh được mọi người giúp đỡ để đưa anh đến gặp Chúa Giêsu và Ngài đã chữa lành cho anh. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh câm, mà Ngài còn “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” của con người như: điếc, bại liệt, đui mù,… những căn bệnh này không chỉ được hiểu ở khía cạnh thể lý mà còn được hiểu ở khía cạnh thiêng liêng. Nhìn vào thực tế trong giáo xứ chúng ta, vẫn còn đó những người chưa nghe được Lời Chúa (họ điếc thiêng liêng), những người không đến được với Chúa và với nhau (họ bại liệt thiêng liêng), những người chưa thấy được chân lý, ánh sáng ơn cứu độ (họ mù thiêng liêng và đang bước đi trong bóng đêm tội lỗi), và những người chưa dám công bố và làm chứng về Chúa (họ bị câm thiêng liêng). Những người câm điếc, bại liệt, đui mù thiêng liêng này đang hiện diện xung quanh chúng ta và cũng có thể là người thân của chúng ta. Họ không ít mà là rất nhiều. Họ lầm than vất vưởng và Chúa Giêsu ví họ như “bầy chiên không người chăn dắt”, như “lúa chín đầy đồng”. Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tích cực tham gia trong sứ vụ “gặt lúa” này. Qui chiếu 2:Giáo huấn của Giáo hội Cha xứ trình bày Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Hiệp hành năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Cha xứ: Thưa anh chị em, Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Hiệp hành năm 2024 cho thấy nguyên nhân và tầm quan trọng của sự tham gia rằng: “Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.” Thư này cũng cho thấy nền tảng của việc tham gia rằng: “Tham gia là một trong ba yếu tố căn bản của Giáo hội hiệp hành. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, cộng tác tùy theo ơn gọi của mình và phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩy, chúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người. Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI nêu rõ: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20).” Qui chiếu 3: Xem thực trạng của Giáo xứ về việc tham gia. Cha xứ và mọi người trình bày một số thực trạng tích cực và tiêu cực trong việc tham gia của giáo dân trong giáo xứ bằng những sự kiện hay câu chuyện minh họa (người tham gia đã được gửi đề tài và câu hỏi trước và họ cũng đã suy tư và bàn hỏi với những người trong nhóm hay hội đoàn của họ). Cha xứ: Dựa trên Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, quý ông bà, anh chị cho biết tình hình tổng quát về sự tham gia của các thành phần dân Chúa trong giáo xứ. - Ông Trưởng Ban Hành Giáo: Thưa cha và anh chị em, con thấy mọi người khi tham dự Thánh lễ rất thụ động, họ thường im lặng, thưa đáp hay hát kinh rất nhỏ, ít tham gia vào việc hát cộng đồng… - Ông Phó Ban Hành Giáo: Thưa cha và anh chị em, con thấy số ca viên trong các ca đoàn đang giảm, và số người tham gia hát trong các lễ thường rất ít… - TrưởngGiớiHiền Mẫu: Thưa cha và anh chị em, con thấy vẫn còn rất nhiều chị em hiền mẫu chưa đăng ký tham gia sinh hoạt, rồi trong số những người đã đăng ký tham gia thì số người thật sự hoạt động chỉ có khoảng 30 chị em tích cực… - Trưởng Giới Gia Trưởng: Thưa cha và mọi người, so với Giới Hiền Mẫu thì số lượng tham gia của Giới Gia Trưởng lại càng ít hơn. Mỗi khi có việc trong giáo xứ, con đi kêu gọi anh em tham gia rất khó khăn… Anh em Gia trưởng thường rất ít tham gia vào các việc đạo đức, chầu Thánh Thể hay đọc kinh khu xóm… - Trưởng Giới Trẻ: Thưa cha và anh chị em, Giới trẻ có khuynh hướng tham gia đời sống đạo theo kiểu bề ngoài như đi lễ cho khỏi phạm tội, khi đi lễ thì thường ngồi ở ngoài nhà thờ. Còn khi giáo xứ có tổ chức các phong trào văn nghệ hay thể thao thì các bạn lại tham gia đông… - Trưởng Giáo Lý Viên và Thiếu Nhi: Thưa cha và anh chị em, Giáo lý viên và các anh chị huynh trưởng đang thiếu nhiều, vì nhiều người lên Thành Phố làm việc và học tập, mà các lớp đào tạo nhân sự mới vẫn chưa được mở… - Trưởng Hội Legio Mariae: Thưa cha và anh chị em, trong giáo xứ con thấy có trường hợp của anh Hùng rất đặc biệt. Anh bỏ Nhà thờ hơn 20 năm, anh từng nghiện ma túy và đã từng ở tù 4 năm. Nhưng cách đây 5 năm, anh đã trở lại xưng tội rước lễ, anh tham gia vào công việc Nhà thờ rất tích cực. Gần đây anh tham gia Hội Legio Mariae, anh hoạt động thăm viếng và làm chứng rất hiệu quả. Đó là mặt tích cực, còn mặt hạn chế là hiện nay Hội Legio Mariae trong giáo xứ chỉ có một đội thăm viếng, nhưng sứ vụ thăm viếng và giúp đỡ những người nguội lạnh thì rất nhiều.
Cha xứ đúc kết.
Cha xứ: Thưa anh chị em, qua những gì vừa trình bày, tôi nhận thấy ý thức tham gia của mọi người vẫn còn ở mức hạn chế. Trong khi làm việc, mọi người thường có ít sáng kiến trong mục vụ, chủ yếu nhận chỉ dẫn rồi làm, chưa phát huy hết đặc sủng, ơn gọi của riêng mỗi người trong việc truyền giáo. Giáo hội của Chúa cần sự tham gia xây dựng của mọi người. Dù nhận biết khả năng nhỏ bé của bản thân, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa là Đấng “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”, Đấng “biến năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người ăn”. Đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Thinh lặng và cầu nguyện:
Cha xứ mời gọi: Xin mời mọi người cùng thinh lặng và cầu nguyện trong 5 phút. Cùng với Chúa Thánh Thần chuẩn bị, “tôi sẽ chia sẻ điều gì” để thực hiện đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Namvề Hiệp hành năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia trong đời sống Giáo hội”, dựa trên những điều đã trình bày. BƯỚC 2: “NÓI VÀ LẮNG NGHE” Mỗi người tuần tự “nói” điều đã chuẩn bị, đồng thời cũng“lắng nghe” người khác. Sau đó, thinh lặng và cầu nguyện trong 5 phút: Mỗi người ghi nhận điều gì “còn đang âm vang” từ những chia sẻ của người khác. Thường có 3 cảm nhận: Điểm đồng thuận, điều tôi thích nhất mà anh A chia sẻ. Tôi thắc mắc, không đồng thuận khi nghe chị B về điểm này, vì nó khác với những gì tôi đã gặp, đã kinh nghiệm. Từ chia sẻ của em C, tôi muốn đề nghị thêm một chút để thấy rõ vấn đề hơn. Trước hết, Mỗi người tuần từ “nói” điều đã chuẩn bị, đồng thời cũng“lắng nghe” người khác.
Cha xứ mời gọi: Sau khi thinh lặng cầu nguyện và lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình. Giờ đây, mỗi người lần lượt nói lên ý kiến của mình một cách ngắn gọn trong 3 phút, đồng thời trong lúc người khác nói thì những người còn lại hãy chú ý lắng nghe và ghi chú cẩn thận ý kiến của người khác vì nó sẽ hữu ích cho bước tiếp theo. Giờ đây xin mời ông Trưởng Ban Hành Giáo đưa ra ý kiến trước: Ông Trưởng Ban Hành Giáo: Kính thưa Cha và mọi người, Sau khi đã thinh lặng cầu nguyện và lắng nghe dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con xin được chia sẻ với Cha và mọi người về điều con đã được đánh động ngang qua câu Lời Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Cuộc đời con, phần lớn gắn liền với ruộng vườn. Ngày gieo hạt giống xuống là mơ về ngày thu hoạch bội thu. Và khi thấy cánh đồng lúa vàng nặng trĩu, một niềm vui dâng trào lên trong tâm hồn. Và chỉ mong sao sớm được thu hoạch những hạt lúa ấy về trữ vào kho. Từ kinh nghiệm của bản thân về ruộng lúa chín, con cũng phần nào đó nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đang dành cho toàn thể nhân loại. Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, được sống đời đời. Chúa không muốn một ai phải ở ngoài tình thương của Chúa. Chúa không muốn ai bị bỏ rơi. Vì thế, để thúc đẩy sự tham gia thì mọi người cần được biết Chúa, thấu hiểu tình yêu của Chúa, và tầm quan trọng của ơn cứu độ Chúa ban. Con nghĩ giáo xứ mình cần thúc đẩy việc đọc và chia sẻ Lời Chúa, tạo bầu khí sốt sắng khi tham dự thánh lễ. Ông Phó Ban Hành Giáo: Kính thưa Cha và mọi người Sau khi đã thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con xin được chia sẻ với Cha và mọi người về điều con đã được đánh động ngang qua câu Lời Chúa sau đây: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Qua câu Lời Chúa này, con nhận thấy Chúa đi đến với hết mọi người, bất kể họ là ai, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn… Vì đối với Chúa, mọi người đều quan trọng và được Chúa yêu thương. Để thúc đẩy sự tham gia cộng tác của mọi người thì việc đến với nhau, tương quan với nhau, xây dựng tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó giữa mọi người là rất quan trọng. Con nghĩ giáo xứ mình nên thúc đẩy những truyền thống, những hoạt động xây dựng tương quan giữa mọi người trong các khu xóm, giáo khu, giáo họ, cũng như trong các hội đoàn. Khu xóm có thể trang trí giáng sinh chung với nhau, những buổi đọc kinh chung, hoạt động thể thao văn hóa trong các khu xóm… Trưởng Giới Gia trưởng: Kính thưa Cha và mọi người, Sau khi thinh lặng cầu nguyện và lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình, con xin chia sẻ về câu Lời Chúa đánh động: “Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chúa Giêsu đi rao giảng và không dừng lại ở một nơi nhưng đi khắp các thành thị, làng mạc… kể cả những người dân ngoại. Nhìn vào thực tại Giáo xứ nói chung và giới gia trưởng nói riêng, con phải thú nhận rằng: giới gia trưởng có điểm tích cực là tham dự thánh lễ của giới gia trưởng khá đầy đủ, nhưng chỉ dừng lại ở việc tham dự thánh lễ, còn những đóng góp vào các công tác trong giáo xứ còn khá hạn chế, đặc biệt là rất ít tham gia vào việc truyền giáo, gặp gỡ và làm chứng cho mọi người ở những nơi làm việc. Là trưởng của giới gia trưởng, chính bản thân con cũng còn nhiều hạn chế trong chức vụ của mình, công việc thì cố gắng làm cho xong, chưa ý thức được rằng mình làm việc vì tình yêu Chúa, yêu Giáo hội hay vì sứ mạng truyền giáo. Trong môi trường làm việc của chúng con có rất nhiều anh chị em lương dân, do đó để tham gia vào đời sống của giáo hội thì giới gia trưởng không chỉ cộng tác vào công việc trong giáo xứ mà còn phải có ý thức làm chứng cho mọi người trong môi trường mình sống và làm việc. Vì thế, con nghĩ giáo xứ mình cần phải có các buổi học tập, chia sẻ Lời Chúa cũng như tinh thần truyền giáo để thúc đẩy mọi người ý thức và tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Trưởng Giới Hiền Mẫu: Kính thưa cha, theo con nghĩ để thúc đẩy sự tham gia tích cực của mọi người, cách riêng là các chị em trong Giới Hiền mẫu, vào trong đời sống của Giáo Hội, chúng ta cần phải giúp cho mọi người học cách làm việc tông đồ chung với nhau. Vì thực tế cho thấy, chị em giới Hiền mẫu chúng con dễ ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện ‘trên trời dưới đất’, và thậm chí nói cả ngày cũng không hết chuyện. Tuy nhiên, khi được kêu gọi đi dọn vệ sinh nhà thờ hay đi sinh hoạt thì một số chị em lại viện lý do là bận rộn và không có thời giờ. Vì vậy, con xin đề nghị cha hoặc cha phó hàng tuần giúp cho chúng con một buổi khoảng chừng (10-15 phút) sau Thánh lễ sáng thứ Bảy để quy tụ các chị em lại, đồng thời có dịp nhắc nhở, động viên tinh thần làm việc tông đồ. Và mỗi tháng, xin cha giúp cho chị em chúng con có một buổi tĩnh tâm để nối lại tương quan với Chúa và củng cố tương quan thân tình giữa các thành viên với nhau. Trưởng Hội Legio Mariae: Kính thưa cha và mọi người, sau khi đã thinh lặng cầu nguyện với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, con nhận thấy rằng: Để thúc đẩy sự tham gia vào đời sống giáo xứ thì cần giúp mọi người cảm thấy họ là một thành viên của đại gia đình giáo xứ, luôn được quan tâm, yêu thương và sẻ chia. Vì thế, con xin được đề nghị cha xứ và các hội đoàn cần tích cực thăm viếng, quan tâm và sẻ chia với các gia đình trong giáo xứ, đặc biệt là những gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Trưởng Giới trẻ: Sau khi thinh lặng, cầu nguyện và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, con xin chia sẻ về điều mà con được đánh động qua câu Lời Chúa sau đây: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. Là một người trẻ, con thấy mình và nhiều bạn trẻ khác đang chịu rất nhiều cám dỗ: bài bạc, tình dục, ma túy, nghiện mạng xã hội… và thật sự chúng con như bầy chiên không người chăn dắt. Trước khi chúng con có thể tham gia thì chúng con cần được bảo vệ, dạy dỗ và chăn dắt để thoát khỏi những cám dỗ đó. Chúng con cần có những buổi sinh hoạt, hội thảo, hướng dẫn để nhận ra sự nguy hiểm và tránh những cám dỗ này. Con cũng nhận thấy một điểm nữa có thể tham gia cộng tác đóng góp cho giáo xứ là khả năng truyền thông vi tính của chúng con. Chúng con có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để kết nối mọi người trong giáo xứ, cũng như thúc đẩy các sinh hoạt trong giáo xứ. Trưởng Giáo Lý Viên và Thiếu Nhi: Kính thưa Cha và mọi người Sau khi đã thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con xin được chia sẻ với Cha và mọi người về điều con đã được đánh động bởi nhận xét của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc tham gia, các ngài viết: Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Nhiều người giáo dân vẫn còn chưa hiểu vai trò và trách nhiệm của mình qua bí tích Rửa tội, Hội đồng Giám mục cũng chỉ dẫn: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người”. Con nghĩ để thúc đẩy sự tham gia của mọi người thì cần giúp họ hiểu đúng về vai trò của mình trong giáo xứ. Do đó, con đề nghị cần có những buổi chia sẻ về những đề tài này được thực hiện chung cho cả xứ trong các Chúa nhật và trong các buổi sinh hoạt của các giới, các hội đoàn. Cha xứ: Thưa anh chị em, Ngoài ý kiến của anh chị em, tôi cũng xin góp một ý. Để chúng ta có thể làm việc chung tốt hơn thì một trong những yếu tố quan trọng đó là mọi người có khả năng lắng nghe nhau. Cụ thể, chúng ta có thể áp dụng phương pháp đối thoại trong Thánh Thần mà chúng ta đang thực hành này để giúp mỗi người có thể lắng nghe nhau trong các buổi hội họp, học hỏi trong giáo xứ.
Thinh lặng và cầu nguyện
Cha xứ mời gọi: Giờ đây, mọi người cùng cầu nguyện trong thinh lặng 5 phút để ghi nhận điều gì “âm vang” nhất từ những chia sẻ của người khác: Điểm đồng thuận với ý kiến của người khác Điểm thắc mắc, không đồng thuận với ý kiến của người khác (nêu lý do, trở ngại, tính thực tế…) Điểm đề nghị đào sâu ý kiến của người khác
Bước 3: “Tạo không gian cho người khác và cho Chúa” Mọi người trình bày những gì âm vang trong tâm hồn từ những chia sẻ của những người khác (điểm đồng thuận – điểm không đồng thuận – điểm đề nghị) Sau đó, mọi người cùng nhau thinh lặng và cầu nguyện để lắng nghe “Thánh Thần muốn nói với tôi” qua những gì vừa nghe và chia sẻ. Trước hết, mọi người trình bày những gì âm vang trong tâm hồn từ những chia sẻ của những người khác (điểm đồng thuận – điểm không đồng thuận – điểm đề nghị) Cha xứ: Sau khi lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người và cầu nguyện trong thinh lặng dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, giờ đây mỗi người lần lượt nói lên điểm nào, ý kiến nào của người khác tạo ấn tượng và âm vang nhất trong tâm hồn mình. Mọi người nói ngắn gọn trong 3 phút. Xin mời ông Trưởng Ban Hành Giáo phát biểu trước: Ông Trưởng Ban Hành Giáo: Kính thưa Cha và mọi người Sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của Cha và mọi người, bản thân con tâm đắc với chia sẻ thực tế của Anh Trưởng Giới Trẻ. Giáo xứ chúng ta cần có sự cộng tác của mọi người để bảo vệ và hướng dẫn giới trẻ trước những cám dỗ nguy hiểm thời nay. Và kêu mời sự cộng tác của giới trẻ vào đời sống sinh hoạt của giáo xứ, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, kết nối mọi người trong xứ với nhau. Ông Phó Ban Hành Giáo: Kính thưa Cha và mọi người Sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của Cha và mọi người, bản thân con tâm đắc với chia sẻ của anh trưởng giới Gia trưởng đó là gây ý thức cho mọi người tham gia vào việc truyền giáo trong môi trường mình sống, cần tạo mối tương quan với anh chị em lương dân, cộng tác tham gia với họ trong các việc công ích xã hội. Ở đây, con xin đề nghị thêm đó là cộng tác với khu xóm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. Trưởng Giới Gia Trưởng: Thưa cha và mọi người, sau khi lắng nghe mọi người chia sẻ, cùng với thinh lặng và cầu nguyện, con ấn tượng với chia sẻ của anh trưởng Giáo lý viên và thiếu nhi, cần phải tạo cho mọi người trong xứ có cảm giác đây là một gia đình và mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với Giáo xứ. Với Bí tích Rửa tội, mọi người đều là con cái Thiên Chúa và đều có nghĩa vụ loan báo Tin mừng Nước Trời. Tuy nhiên hiện nay, trong tâm thức mỗi Kitô hữu không ý thức được điều này, mà luôn nghĩ việc loan báo Tin mừng Nước Trời là của người đi tu, là của các Giám mục, linh mục… đây là một cách hiểu chưa đúng và nó cũng ảnh hưởng đến việc đóng góp công sức của đa số các tín hữu trong công việc chung. Con cũng xin góp ý thêm là xin cha xứ bằng cách giảng dạy để giúp cho các giáo dân trong giáo xứ hiểu rõ về phận vụ loan báo Tin mừng của mình. Thứ đến là tôn trọng, mỗi người tín hữu là con dân trong giáo xứ đều có quyền được nói lên ý kiến của mình để xây dựng giáo xứ, và mọi người cần phải lắng nghe trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Vì Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong mỗi người theo cách khác nhau. Và cuối cùng đó là giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hội gia trưởng xin được thành lập một quỹ tương trợ, để giúp những gia đình khó khăn có vốn để lập nghiệp. Trưởng Giới Hiền Mẫu: Kính thưa cha và mọi người, trong thời gian thinh lặng cầu nguyện, con nhận ra rằng điểm đánh động và gây ‘âm vang’ nhất trong tâm hồn con lúc này cũng chính là chia sẻ của anh Trưởng Giáo lý viên và Thiếu nhi. Anh nói rằng: “Để thúc đẩy sự tham gia của mọi người thì cần phải giúp cho mọi người hiểu được vai trò và sứ vụ quan trọng của họ mà họ đã lãnh nhận được qua bí tích Rửa tội”. Con đồng thuận với ý kiến đóng góp của anh. Ngay cả bản thân con và đa số các chị em trong giới Hiền mẫu cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Chúng con là dân ‘cuốc ruộng’, dân làm nông, tối ngày ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ nên thật sự có rất ít thời gian để học giáo lý và cập nhật các kiến thức trong Giáo Hội. Có nhiều người trong chúng con dù đã làm việc trong giới Hiền mẫu đến ba, bốn nhiệm kỳ, nhưng cũng chưa nắm vững được vai trò và sứ vụ của mình trong việc cộng tác với cha xứ để phục vụ mọi người. Vì không hiểu rõ được vai trò và sứ vụ của mình, nên chúng con thường rơi vào hai trường hợp: 1/ Làm liều, mà làm liều thì ‘hên, xui’ có lúc đúng, có lúc sai; 2/ Thụ động, vì thụ động nên thiếu sự quyết đoán và tính sáng tạo, công việc bị chậm trễ so với kế hoạch được đề ra. Vì vậy, con xin cha xứ, cha phó và quý Hội đồng Mục vụ Giáo xứ nên nghiên cứu và đào sâu về ý kiến này hầu có một giải pháp hữu ích phù hợp với lời mời gọi tham gia vào đời sống của Giáo hội như trong thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về hiệp hành năm 2024 đề nghị. Trưởng Legio Mariae: Điểm gây ấn tượng và âm vang nhất trong tâm hồn con là ý kiến của ông Phó Ban Hành Giáo. Chúa Giêsu đến với hết mọi người, không bỏ ai lại phía sau. Việc thiết lập tương quan tình làng nghĩa xóm, xây dựng những truyền thống tốt đẹp, những phong trào tạo gắn kết trong khu xóm như anh Phó Ban Hành Giáo đề nghị là rất tốt. Và anh chị em Legio Mariae chúng con nguyện nhiệt tình trong việc kết nối tương quan này. Trưởng Giới Trẻ: Kính thưa Cha và mọi người, con thì ấn tượng với ý của cha xứ đó là mọi người trong giáo xứ cần tập lắng nghe nhau, cần sống hiệp hành với nhau, đặc biệt là áp dụng phương pháp đối thoại trong Thánh Thần trong các buổi họp của giáo xứ. Ngoài ra, ý kiến của ông Trưởng Ban Hành giáo về việc giúp mọi người hiểu ra tình thương của Chúa qua việc học hỏi, chia sẻ và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, đặc biệt là trong các buổi họp cũng rất hữu ích. Trưởng Giáo Lý Viên và Thiếu Nhi: Kính thưa Cha và mọi người Sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của mọi người, bản thân con tâm đắc nhất đến lời chia sẻ của anh Phó Ban Hành Giáo đó là việc thiết lập tương quan giữa mọi người trong khu xóm: đạo cũng như đời. Ngoài ra, ý kiến của anh Trưởng Giới trẻ cũng rất cụ thể, chúng ta nên tiếp nhận tài năng, đặc sủng của giới trẻ trong việc xây dựng giáo xứ, cũng như sự cộng tác quan trọng của các giới khác. Cha xứ: Khi lắng nghe ý kiến của mỗi người, tôi rất cảm kích và đồng tình. Nhưng mà có một ý kiến khiến tôi suy nghĩ đắn đo nãy giờ đó chính là ý kiến của ông Phó Ban Hành giáo. Ông nói rằng để gây dựng nên một Gia đình đức tin, thì mối tương quan là điều đặc biệt quan trọng. Mà để gầy dựng mối tương quan này, thì bản thân tôi phải là người đi bước trước. Vì thế, trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc, để cùng với Ban Hành giáo đi tới thăm từng gia đình trong Giáo xứ. Qua đó, chúng tôi sẽ hiểu hơn tình hình chung trong Giáo xứ, cũng như những vấn đề riêng của mỗi gia đình.
Thinh lặng và cầu nguyện
Cha xứ: Qua những gì vừa được nghe và chia sẻ, giờ đây, mọi người cùng cầu nguyện trong thinh lặng 5 phút để lắng nghe “Thánh Thần muốn nói gì với tôi, với giáo xứ tôi”, điều gì cấp thiết và quan trọng mà Chúa Thánh Thần muốn tôi và giáo xứ tôi thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong giáo xứ.
BƯỚC 4: “CÙNG NHAU XÂY DỰNG” Cha xứ “tạm đúc kết” một vài điểm chung, và mọi người góp ý để tìm ra điều “Chúa Thánh Thần muốn nói” để giáo xứ chúng ta thực hiện theo đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Namvề Hiệp hành năm 2024: “Thúc đẩy sự tham gia trong đời sống Giáo hội”. Bản đúc kết sẽ gồm những điểm mấu chốt xuất hiện và đạt được nhiều sự đồng thuận của mọi người. Sau đó, mọi người cầu nguyện kết thúc. Trước hết, Cha xứ “tạm đúc kết” một vài điểm chung, và mọi người góp ý để tìm ra điều “Chúa Thánh Thần muốn nói”.
Cha xứ: Anh chị em thân mến, Bước này là bước để phân định và thu thập thành quả của cuộc đối thoại trong Thánh Thần, qua đó chúng ta sẽ nhận ra những sự hội tụ và đồng thuận của nhiều người; xác định những bất đồng, trở ngại và những câu hỏi mới; đồng thời ghi nhận những tiếng nói ngôn sứ xuất hiện. Từ những ý kiến đóng góp của mọi người trong những bước trên, tôi nhận thấy ý kiến của mọi người là rất tốt và đáng ghi nhận, nhưng để thực hiện chúng ta cần đưa ra 3 điểm chung được nhiều người ấn tượng nhất để thực hiện trong giáo xứ. Qua các chia sẻ, tôi thấy có 3 điểm chung như sau: Điểm thứ 1 là về tri thức: Trong năm tới, giáo xứ chúng ta tổ chức các buổi học hỏi cho mọi thành phần dân Chúa để giúp mỗi người hiểu rõ vai trò, đặc sủng, và trách nhiệm quan trọng của mình trong sinh hoạt giáo xứ và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Về hình thức thì chúng ta có thể dùng nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp trong các buổi sinh hoạt của các giới các hội đoàn, các buổi chia sẻ trong nhà thờ, trong các lớp giáo lý… hay gián tiếp qua tài liệu, tờ rơi phát cho các gia đình, hay qua các phương tiện truyền thông,… điểm này cần có sự tham gia đặc biệt của các bạn giới trẻ. Điểm thứ 2 là nhân bản và thiêng liêng: Thiết lập và xây dựng các mối tương quan tốt đẹp giữa mọi người: trong các hội đoàn, trong các giáo khu. Tổ chức các phong trào, hội thao, các truyền thống tốt đẹp để thúc đẩy các tương quan này. Đồng thời áp dụng phương pháp đối thoại trong Thánh Thần vào các buổi họp và chia sẻ để giúp mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần và cùng lắng nghe nhau, nhờ đó mọi người dễ dàng cộng tác với nhau. Điểm thứ 3 là về truyền giáo: Chúng ta cần giúp mọi giáo dân trong giáo xứ ý thức tham gia sứ vụ truyền giáo bằng việc rao giảng và làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình. Sống tương quan tốt và cộng tác với anh chị em lương dân qua các công việc chung, như bảo vệ môi trường sống chung, tham gia trong việc hòa giải, sống tương thân tương ái. Những điểm góp ý còn lại cũng rất có giá trị, chúng ta sẽ lưu lại và sẽ bàn thảo trong những lần họp sau. Anh chị em thấy thế nào về ba điểm chung trên, nếu anh chị em đồng ý xin giơ tay…
Sau đó, mọi người giơ tay biểu quyết, bỏ phiếu hoặc góp ý thêm.
Cha xứ kết luận: Thưa anh chị em trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, thật tuyệt vời khi có sự đồng ý của tất cả anh chị em trong việc đưa ra ý kiến để thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong đời sống và sứ vụ của Giáo xứ. Chúng ta tin rằng, những ý kiến mà chúng ta cùng nhau thống nhất hôm nay chính là hoa trái mà Chúa Thánh Thần ban cho giáo xứ chúng ta.
Phần cầu nguyện kết thúc
Cha xứ mời gọi: Giờ đây, chúng ta cùng đứng, dâng lời tạ ơn Chúa và xin Chúa chúc lành cho các bước thực hiện việc thúc đẩy sự tham gia của mọi người vào trong đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo xứ chúng ta.