Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Năm 2020

Thứ ba - 17/11/2020 08:15
Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020
Ngày 17.11.2020


hình ảnh
  1. Buổi sáng
Ngày tĩnh tâm thứ hai bắt đầu lúc 05g sáng thứ ba, quý Đức cha quý Cha quý Phó tế, tề tựu về Phòng Nguyện cùng nhau đọc Kinh Sáng và thinh lặng nguyện gẫm.

Đến 5g45, Thánh lễ đồng tế với ý nguyện cầu cho các thành phần Dân Chúa do Đức cha Đaminh chủ tế và giảng lễ.

Đức cha ngỏ lời


Đức cha giảng lễ

Lúc 8g, Đức cha giảng phòng bắt đầu bài giảng: Đổi mới tư duy, Linh mục là Tông Đồ của Chúa Giêsu Kitô.


Trước hết, ngài nêu lên tầm quan trọng của đổi mới tư duy về chức thánh linh mục.
  • Đổi mới tư duy là khởi điểm của mọi cuộc đổi mới. Không có tư duy mới, tư tưởng mới, thì không thể có hành động mới và phương pháp mới. Tất cả sẽ cứ y hệt như ban đầu rồi thoái hóa dần dần, tu nghiệp trở thành lẽ thường, và Vatican II có lý để chỉ thị phải đào tạo trường kỳ (ĐT 22; LM 19; Gl. điều 279).
  • Đối với linh mục, cũng như đối với mọi người, đổi mới mục vụ và nghiệp vụ không phải là bước đầu phải làm. Đổi mới căn bản cần thiết hơn, là phải đổi mới tư duy về căn tính, tức là ý thức về ơn gọi, về danh hiệu, về chức vụ, về cương vị, về căn cước, về chân tính của mình. Để biết phải làm gì, trước hết phải biết mình là ai?
  • Đức Giáo hoàng nào cũng có những văn kiện về chức linh mục. Đặc biệt, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II năm nào cũng có thư riêng cho hàng linh mục nhân ngày thứ năm tuần thánh, gợi lại ngày sinh nhật chức linh mục.
  • Công Đồng Vatican II có một sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục.
Sau đó, ngài nói đến nền tảng và nguồn cội của đổi mới tư duy: Đức Giêsu Kitô và Chức tư tế thừa tác. Đức Giêsu Kitô chính là cội nguồn của đổi mới tư duy.

Từ đó, ngài suy tư về số 2 của “Sắc lệnh về chức năng linh mục”:Chúa Giêsu, ‘Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian’, đã cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào việc xức dầu mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần: thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và vương giả… Tuy nhiên,..‘không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng’. Chính Chúa đã thiết đặt một số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Đức Kitô chính thức thi hành tác vụ linh mục vì mọi người”(Công Đồng Vatican II).

Ngài chia sẻ về chức tư tế thừa tác:
  • Nền tảng Phúc Âm. Ngay từ đầu Phúc Âm đã cho thấy Chúa gọi một số người để ở với Ngài và được sai đi thay cho Ngài (Mc 3,14; Mt 10,40). Ngài gọi họ trên bờ biển (Mc 1,16) để họ trở thành môn đệ, để họ làm các công việc như Ngài (Mc 3,14-15), nhất là cầm buộc và tháo gỡ (Mt 16,19). Do đó, họ cần được hiến thánh (Ga 20,22-23) và được tách biệt. Và họ các tông đồ đã ý thức có ơn gọi riêng (Cv 8,15; 6,15; Gc 5,14; Rm 12,3; 1 C 5,3-5; 2 C 2,14-16; 5,18-20; Rm 5,15; Pl 2,16).
  • Một ơn thánh hiến mới. Đó là ơn gọi được hiến thánh một cách mới mẻ qua việc đặt tay, để đưa một số người vào hàng tư tế đặc biệt, hành động nhân danh Đức Giêsu cho loài người (in persona Christi). Dĩ nhiên, linh mục được chọn trong số các tín hữu (Dt 5,10), nhưng không vì vậy mà được coi linh mục như đại biểu của dân Chúa và chức tư tế thừa tác như phải lệ thuộc vào chức tư tế cộng đồng. Ngược lại, chính thừa tác vụ của linh mục cần thiết cho việc hình thành và phát triển chức tư tế cộng đồng nơi các tín hữu (GH 10).
Công Đồng thật minh bạch trong Hiến chế Giáo Hội số 28: “Đức Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian, nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình; sau đó các Giám mục lại trao ban cách hợp pháp thừa tác vụ của mình cho những phần tử khác nhau trong Giáo Hội theo những cấp bậc khác nhau… Linh mục, dù không ở cấp độ tối cao của quyền giáo trưởng và tùy thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, nhưng các ngài liên kết với Giám mục trong chức vị tư tế và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Linh mục tối cao và đời đời, để rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân Ước”.
Thật khó quên hình ảnh một giám mục nọ, sau khi truyền chức và trở về phòng áo, đã quỳ xuống trước vị tân linh mục để xin phép lành và hôn tay. Đó là cử chỉ của đức tin tông truyền nhìn vị tân linh mục là alter Christus, tức là hiện thân mới của Đức Kitô để tiếp tục sứ mạng của Người. Bí tích truyền chức đã làm ra con người mới, có chân tính mới, phẩm giá mới, có chức năng mới đến nỗi có thể nói mọi đầu gối phải quỳ xuống, vì từ nay con người này có quyền của Thiên Chúa và của Đức Kitô, có thể tha tội và dâng lễ cứu độ, giao hòa con người với Thiên Chúa.
Thánh Phaolô muốn nhắc chúng ta khơi thắm lại ân sủng Thiên Chúa ban xuống trong chúng ta qua việc đặt tay, vì ai cũng chỉ là “đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Chúng ta có thể theo gương thánh Tông đồ mà khẳng định: “Theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, mà chúng ta được làm tông đồ” (1 Tm 1,1). Và linh mục nào cũng có thể nói như Phaolô ở đầu các thư: “Tôi là tông đồ của Đức Kitô Giêsu, bởi ý định Thiên Chúa” (Cl 1,1). Chính Thiên Chúa Cha đã sắp đặt một cách vô cùng tự do và hoàn toàn vì thương xót. Người đã nhìn và cái nhìn của Người đã tạo dựng nên tôi với tất cả định mệnh dành cho tôi. Người đã gọi tôi ra khỏi hư vô, đưa tôi vào cuộc sống và dẫn tôi đến với Đức Kitô. Suốt thời gian ở chủng viện, tôi cũng như các môn đệ trước giờ Chúa bị nộp, còn là phàm nhân. Nhưng rồi đến giờ Đức Giêsu “tự hiến thánh để chúng được thánh hiến” (Ga 17,19), tôi cũng đã được xức dầu Thánh Thần như các tông đồ xưa (Cv 2,4) để tôi được quyền tế lễ và tha tội.
Tránh quan niệm sai lạc, cho rằng chức tư tế do tôi tập luyện mà thành. Biết bao người xứng đáng hơn tôi mà sao không được làm linh mục? Đúng, Chúa muốn nặn ai thế nào thì tùy ý Chúa (Rm 9,20-25). Phaolô nói đúng: “Khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa. Chính Người ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao ước mới” (2Cr 3,5). Cựu ước không thiếu gì chứng cớ hùng hồn. Chúa gọi Abraham, Chúa chọn Giacop, Chúa đặc cách chi tộc Giuđa,Chúa dùng Môsê, Chúa chọn Samuen, Saun, Đavit…Tân ước cũng vậy, Chúa Giêsu nhìn và gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài đặt nhóm Mười Hai cũng như đặt Phêrô. Ngài đổi tên cho Simon như Đức Chúa đã đổi tên cho Abraham. Tiếng gọi của Ngài sáng tạo, làm ra con người mới.

Tiếp theo, Đức cha Đaminh mời gọi các linh mục cần đáp trả ơn sủng cao cả đó bằng những tâm tình:
  • Chúng ta phải cảm tạ lòng thương xót chiếu cố của Chúa, Đấng không để mất kẻ Ngài đã chọn. Nhưng ỷ vào đó để không sửa mình thì đắc tội. Đã thấy ơn thì phải đáp trả.
  • Phải từ bỏ. Tân ước cho thấy các môn đệ đi theo Đức Giêsu để được làm tông đồ không giống tí nào các môn đệ theo các rabbi ngày trước. Những người này theo để học, được quyền trao đổi, rồi dần dần trở nên rabbi. Các môn đệ của Đức Giêsu thì không, phải bỏ tất cả, phải ghét tất cả, để chọn Người, để vác thập giá đi theo Người, để chết như Người, nhưng không bao giờ bằng Người; suốt đời và mãi mãi chỉ là môn đệ. Nhưng sẽ được vào Nước Trời, sẽ được xét xử 12 chi tộc. Các Thánh Tử đạo Việt Nam ngày xưa y như vậy.
  • Quan trọng hơn phải có lòng mến. Vì để có thể đại diện Chúa, tiếp nối sứ mạng của Người và xây dựng Hội Thánh, từ bỏ chưa hẳn đáng kể. Đúng hơn, tử bỏ đã xảy ra và có giá trị vì phát xuất từ tiếng Chúa gọi và đáp lại bằng lòng mến, lòng mến Chúa Kitô. Phải mến Người, mến Người nhiều, mến Người hơn mọi người khác (Ga 21,15-17) mới được trao trách nhiệm chăn chiên. Ai trong chúng ta không sống tâm tình như thế khi chịu chức? Hãy nhớ lại đi và thấy bấy giờ mình có tâm trạng của Phêrô không? Đó là lòng mến, ý thức sự bất xứng và yếu đuối của mình, đã dẫn đến cái chết của Chúa; nên ước gì chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu” (Gl 2,20).
  • Đổi mới lòng mến, đổi mới tư duy. Lý tưởng là vậy. Việc này đòi quyết tâm; và quyết tâm này phải đổi mới hằng ngày quan hệ ràng buộc mình với Chúa Giêsu. Đây là đổi mới căn bản, đổi mới tư duy mà nếu thiếu nó mọi chấn chỉnh khác chỉ có giá trị vá víu và chóng qua. Nó có luật riêng đã được viết sẵn trong chính cuộc đời của Đức Giêsu, Đấng đang chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho chúng ta. Tất cả cuộc đời của Người là chuỗi đời tư tế, khởi sự từ khi vào thế gian với câu: “Con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,5-9). Rồi từ đó ý Cha là lương thực hằng ngày (Ga 4,34), sống thân phận người tôi tớ (Lc 4,16-21; Pl 2,6-8) cho đến khi mạnh dạn đi lên Giêrusalem (Mc 10,32), chấp nhận uống chén cay đắng của cuộc khổ nạn và từ bỏ cả mạng sống trong tay Cha.
  • Xét mình và hoán cải. Linh mục được kêu gọi hằng ngày nhìn vào mô hình của Đức Giêsu Kitô Thượng tế (Dt 12,2), thực hành những việc làm nơi bàn thờ, để tập chết cho bản thân và sống cho Thiên Chúa.
Kết thúc bải giảng, Đức cha nhắc lại lời Thánh vịnh:  “Ước chi hôm nay nghe tiếng Người, chúng ta đừng cứng lòng nữa” (Tv 95,8), để Chúa rửa sạch chúng ta, lại yêu chúng ta như buổi đầu. Chúng ta nhờ những ngày thánh thiện này để tìm lại khuôn mặt mà Chúa đã nặn ra chúng ta, đặc biệt trong ngày thụ phong linh mục (1 Cr 1,6). Chúng ta cần phải ngẫm nghĩ hằng ngày để mỗi ngày đổi mới tư duy quan niệm về chính bản thân của mình, hầu có thể “đi đứng sao cho xứng với ơn thiên triệu”, thực hiện những cuộc đổi mới khác nữa (Ep 4,1). Noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy tiếp nối truyền thống anh hùng của các thánh linh mục Tử đạo Việt Nam. Các quan quý trọng các ngài muốn cứu các ngài khỏi chết, nên xin các ngài đừng xưng mình là đạo trưởng, hãy khai mình là thầy lang, thầy đồ… Nhưng các ngài cương quyết chỉ khai một điều: tôi là “đạo trưởng”. Tôi là trưởng lão trong đạo Chúa Kitô. Đó là vinh dự mà các ngài thà chết chứ không chịu bỏ mất. Các ngài đang muốn nói với chúng ta: đừng tự hào về tư cách nào khác, đừng muốn là gì khác, hãy luôn nhớ và tỏ ra mình là linh mục của Đức Giêsu Kitô.

Sau khi nghe giảng, quý cha cầu nguyện và thinh lặng xét gẫm.

 
  1. Buổi chiều
14g15: Cộng đoàn đọc Kinh Trưa

Đến 14g30: Đức cha Đaminh bắt đầu bài giảng.

Đề tài: Đổi mới tổ chức, Linh mục là thành phần của hàng Tư tế

Đức cha khởi đi từ bài Tin Mừng Chúa gọi và chọn 12 Tông đồ. Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai, quy tụ họ lại thành đoàn; và đặc biệt sau một đêm cầu nguyện, Người đã đặt một Nhóm 12 người làm tông đồ (Lc 6,12-16). Con số 12 này có một ý nghĩa linh thiêng đến nỗi khi mất một, lập tức Matthias đã được chọn để bổ sung vào ngay (Cv 1,15-26).
Tính cộng đoàn này đã được Công Đồng Vatican II bàn giải rộng rãi và áp dụng cụ thể vào những sáng kiến mới như Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, các Hội đồng Giám mục, Hội đồng linh mục, Hội đồng mục vụ…Như vậy, hết rồi những thời thi hành chức năng linh mục một cách đơn thương độc mã. Và điều này bắt buộc chúng ta phải có một tư duy mới, để ý thức mình là cộng sự viên của hàng giám mục và là thành viên của hàng linh mục.
Từ đó, ngài chia sẻ về tương quan linh mục-giám mục là mối tương quan tùy thuộc liên đới, cộng sự và vâng phục. Như vậy, linh mục phải yêu mến hàng giáo phẩm, trung thành gắn bó với hàng giáo phẩm, mà việc chăm chỉ theo dõi, học hỏi, thi hành các chỉ thị của hàng giám mục là dấu chỉ cụ thể đã có quan niệm đổi mới về tổ chức.
Kế đến, ngài nói về tương quan giám mục-linh mục: Dĩ nhiên, các giám mục cũng phải nhớ và thi hành các nghĩa vụ đối với anh em linh mục. Chắc hẳn giám mục nào chẳng muốn xin các linh mục cầu nguyện cho mình. Việc đọc tên Đức Thánh Cha và Đức Giám mục trong Thánh lễ, chắc chắn không chỉ nói lên sự hiệp thông Hội Thánh, mà còn để nhắc nhở mọi người cầu cho các vị lãnh đạo của mình biết chu toàn tốt mọi nghĩa vụ. Linh mục thi hành chức năng cao quý đối với hàng giám mục là làm cố vấn khôn ngoan, là viện trưởng lão của giám mục, và thiết tưởng các ngài chờ đợi một sự cộng tác chân thành. Nhưng đàng khác, những gì của Hội Thánh và của hàng giám mục, thiết tưởng cũng cần chia sẻ với quý cha để chúng ta được cùng hiệp thông trong tổ chức của Đức Giêsu. Chúng ta hãy “tự nguyện thi hành chứ không miễn cưỡngcác luật phụng tự, mục vụ và kỷ cương của Hội Thánh mà mục đích là phục vụ con người, vì “ngày hưu lễ vì con người, chứ không phải con người vì ngày hưu lễ” (Mc 2,27).
Ngài cũng bàn đến mối tương quan giữa các linh mục với nhau.Tình huynh đệ linh mục do bí tích. Khi gia nhập hàng tư tế nhờ bí tích truyền chức, tất cả các linh mục không những liên kết với hàng giám mục mà còn với nhau nữa bằng một tình huynh đệ do bí tích (LM 8) , vì tất cả chúng ta đều được tham dự vào chức tư tế thượng phẩm của Đức Kitô. Chức tư tế này quá phong phú, gồm ba cấp bậc, nhưng đều hướng về một mục đích là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô và chăm sóc đoàn chiên cho Thiên Chúa. Nhiệm vụ, công việc, hoạt động phải phân chia ra nhiều, nhưng Giáo Hội địa phương nào cũng phải biểu thị Hội Thánh toàn cầu và các Giáo Hội phải sống như chi thể của nhau.
Tình huynh đệ linh mục trong cùng một Giáo phận. Nếu chúng ta có nghĩa vụ hiệp thông và liên kết với tất cả hàng giám mục và linh mục thế giới để sống đúng chức năng là “tư tế của muôn dân” (LM 2), chúng ta càng có phận sự đặc biệt hơn sống tinh thần ấy trong một giáo phận. Công Đồng viết rõ: “Khi được chỉ định phục vụ dưới quyền vị Giám mục trong một Giáo phận, các linh mục quy tụ cách đặc biệt thành một linh mục đoàn duy nhất” (LM 8). Đúng hơn, giám mục với các linh mục của người là một hàng tư tế duy nhất mà người là Cha (GH 28).
Điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ ngay từ thời xa xưa khi các linh mục hiện diện được mời cùng với giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức. Thật đáng ước mong tất cả các linh mục sốt sắng hiện diện mỗi khi có lễ phong chức.
Ngoài ra, mỗi khi giám mục cử hành Thánh lễ, càng đông đủ các linh mục đồng tế càng tốt để biểu thị một chức tư tế sung mãn của Đức Giêsu Kitô. Hiện nay nhiều Giáo phận đã thực hiện được điều tốt đẹp này là tất cả các vị đồng tế đều có lễ phục như nhau, diễn tả tính duy nhất phong phú của chức tư tế thừa tác.
Và tình huynh đệ còn biểu tỏ trong những chi tiết của đời sống thường ngày.
Công Đồng còn khuyên chúng ta không những hãy yêu thương, cầu nguyện và hợp tác với nhau, mà còn gợi lên cả những vấn đề thông cảm tính tình, tuổi tác của nhau, biết tiếp đón nhau và chia sẻ với nhau những nhu cầu vật chất, đặc biệt với những anh em ốm đau và đang gặp khó khăn (LM 8). Công Đồng cũng bảo chúng ta phải biết giải trí với nhau, tránh cho nhau tình trạng cô đơn bị bỏ rơi (LM 8). Những người đàn ông khác có những Evà để an ủi; những người độc thân như chúng ta cần nhất sự thông cảm của nhau, vì sau Chúa, có lẽ chẳng ai hiểu chúng ta bằng chính anh em linh mục.
Kết thúc bài giảng Đức cha nêu mẫu gương 2 linh mục Tử đạo Việt Nam khi bị bắt: dù ăn nói hoạt bát hơn các giám mục thừa sai khi bị hỏi về đạo, các ngài vẫn nhường lời để bề trên nói; ở đây chúng ta bổ sung bằng gương sáng của cha thánh Ngân đối với cha thánh Nghi. Hai cha cùng học với nhau. Cha Nghi chóng được làm cha xứ, cha Ngân về sau được sai đến làm phó. Cha cư xử rất khiêm tốn và hoàn toàn vâng phục cha Nghi. Bị bắt ở những địa điểm khác nhau, nhưng cuối cùng hai cha cùng bị đeo gông đến trước mặt quan Trịnh Quang Khanh. Bị hỏi, cha Ngân vẫn dành quyền trả lời cho cha Nghi là bề trên và chỉ nói vắn tắt là đồng ý với tất cả những lời tuyên xưng đức tin đầy can đảm của cha xứ…Thế là cả hai đều phải ăn đòn như nhau, bị chang nắng như nhau. Hai anh em an ủi, khích lệ nhau và giảng đạo cho những người đứng xem. Cuối cùng, cả hai cùng lãnh án như nhau, để đã cùng thi hành chức năng linh mục với nhau, thì cũng đồng hành sát cánh bên nhau đi đến nơi bị chém đầu, cùng nhau dâng mạng sống làm lễ hy sinh cứu độ. Và thật là đẹp đẽ khi hai cha được an táng bên cạnh nhau, để bây giờ được đứng gần nhau trên thiên quốc. Xin hai cha giúp chúng ta biết sống chức linh mục trong tình huynh đệ duy nhất như vậy.

Sau bài giảng, quý cha, quý phó tế cầu nguyện và suy gẫm.

Đến17g40: Kinh chiều
  1. Buổi tối
19g15: Lần hạt Mân côi
19g30: Cha Quản hạt Bắc tuy chủ sự giờ Chầu Thánh Thể, sau đó cộng đoàn đọc Kinh tối.
Lúc 21g, quý cha nghỉ đêm.

Tuần lễ Tĩnh tâm chính là tìm nơi thanh vắng để gặp gỡ Chúa. Những ngày này, mỗi người chiêm niệm dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe nhờ sự thinh lặng bên ngoài và bên trong, thân thưa rằng: “Lạy Chúa xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Tạ ơn Chúa ngày thứ hai kết thúc trong an lành!

Ban Truyền Thông GP Phan Thiết




 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây