THÁNH LỄ AN TÁNG Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành

Thứ năm - 01/06/2023 01:00
 Cách đây gần 4 tháng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã thương tiếc tiễn đưa đan sĩ Linh mục Clement Phạm Sĩ Ân về bên kia thế giới. Hôm nay anh em lại ngậm ngùi tiễn đưa một đan sĩ kỳ cựu của Đan viện về cõi vĩnh hằng là đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành.
Thầy sinh ngày : 10-03-1948, nguyên quán Nam Định. Di cư vào nam và sống tại Giáo Xứ Vườn Chuối, Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Tập sinh: Ngày 21-05-1967, tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn, Đơn Dương, Lâm Đồng.
Khấn sơ khởi : Ngày 24-05-1969, tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn, Lâm Đồng.
Khấn trọng : 02-07-1972, tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy. Thầy là Một trong Bảy thành viên đi thành lập Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy (năm 1971), Hàm Tân, Bình Thuận. Thầy không sống trong thiên chức linh mục nhưng thầy luôn vui tươi, thánh thiện đạo đức. Thầy sống rất khiêm tốn hài hòa với anh em, âm thầm nhẹ nhàng với những hy sinh âm thầm với Chúa qua công việc hàng ngày của đời đan tu, nhất là qua những giờ kinh nguyện.  
Sau một thời gian dưỡng bệnh, Thầy được Chúa gọi về lúc 4g15, ngày 30 tháng 05 năm 2023. Linh cữu được quàn tại nhà khách Đan viện để tiện việc kính viếng và cầu nguyện cho Thầy.
Và sáng nay, vào lúc 5g30, Thứ Năm, ngày 01 tháng 06 năm 2023, bắt đầu nghi thức nhập quan. Sau đó linh cữu của Thầy được các đan sĩ đưa vào Nhà Nguyện cách trang trọng giữa tiếng hát lời kinh của anh em đan sĩ, quý cha, tu sĩ nam nữ, thân nhân, linh tông huyết tộc và cộng đoàn dân Chúa.


Hình ảnh
 
Thánh Lễ An táng bắt đầu vào lúc 6g00, do Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết chủ tế. Cùng đồng tế có Quý Viện phụ trong Hội dòng Xitô Thánh Gia, Quý Bề trên, và khoảng 50 linh mục trong và ngoài giáo phận, nhất là anh em linh mục trong cộng đoàn và của Hội dòng Xitô Thánh gia; các đan sĩ của đan viện và Hội dòng, quý Tu sĩ nam nữ, thân nhân, cộng đoàn tín hữu nhiều nơi tề tựu về.
Sau bài ca Nhập Lễ, Đức Cha chủ tế chào cộng đoàn phụng vụ, chia buồn, phân ưu với Đan viện Châu Thủy cũng như quý thân nhân, linh tộc, huyết tộc vì sự ra đi của Thầy Phêrô. Đức nói lên ân huệ sự sống, ân huệ đời dâng hiến mà Chúa đã ban cho Thầy. Trong niềm tin vào sự sống mai sau, Đức Cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ sốt sáng hiệp ý dâng lễ cầu nguyện cho Thầy.
Viện phụ Giuse Hoàng Văn Thắng Bề trên Đan viện chia sẻ Lời Chúa như sau :
Trọng kính Đức Cha, Quý Viện phụ, Quý Bề trên. Kính thưa quí cha, quí tu sĩ, quí ân nhân, thân nhân, gia đình tang quyến, cùng toàn thể Cộng đoàn. Chúng ta đang sống, đang làm việc, học hành. Người thì sống đời thánh hiến, kẻ thì sống đời Ki-tô hữu giữa đời, ai cũng có những dự phóng cho tương lai, với nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho cuộc đời. Nhưng có một thực tại mà chúng ta vẫn chứng kiến gần như từng ngày. Đó là SỰ CHẾT. Đúng vậy :
Mở một tờ báo : thấy góc này hàng tin CÁO PHÓ, góc kia LỜI CẢM TẠ của gia đình tang quyến. Mở Tivi : nghe và nhìn thấy TIN BUỒN (báo tử) của nhà cách mạng lão thành này, của vị tướng lãnh khác, hay của những bậc vị vọng quyền quí trong xã hội. Ngay ở Thị Xã Lagi nhỏ bé của chúng ta đây, gần như ngày nào cũng có xe tang chạy trên đường phố. CHẾT là một thực tại trong đời người. Con người có chấp nhận nó hay không, nó vẫn có đó. Nó vẫn đến với mỗi người : Già-trẻ-lớn-bé. Nhưng còn thái độ của con người đối với cái chết thì sao :
  • Có người rét run sợ hãi trước một cơn bệnh hiểm nghèo.
  • Có người cố che giấu không dám nhắc tới.
  • Có người cố gắng vùi lấp trong quên lãng, trong vui chơi trụy lạc.
  • Có người coi cái chết như vị cứu tinh.
      Tất cả đều sợ chết và không ai muốn chết. Người ta nói càng có tuổi càng sợ chết.
Và đứng trước cái chết của những người thân, cụ thể trước linh cữu của Thầy Phêrô đây, nỗi thương tiếc nơi mỗi người tùy theo những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng có một điểm chung đó là ai cũng cảm thấy cái chết muôn thuở vẫn là bức tường sắt, là nỗi ám ảnh, sợ hãi của con người. Là một giới hạn và có lẽ là giới hạn lớn nhất của kiếp người. Đứng trước cái chết, con người cảm thấy hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng. Mặc dù ngày nay với những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, cách riêng trong lãnh vực y khoa cũng không làm gì được.
Tuy nhiên, các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay đem lại cho chúng ta tràn trề niềm hy vọng, vì Đức Ki-tô đã chết và đã sống lại là hoa quả đầu mùa của những kẻ an giấc ngàn thu.
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, cô Mác-ta đã tuyên xưng: “Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Đó cũng là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đức tin Công Giáo dạy rằng, những người lành thánh sau khi chết, linh hồn sẽ được hưởng tôn nhan Chúa, và đến ngày tận thế thân xác cũng sẽ được phục sinh để hưởng hạnh phúc muôn đời.
Niềm tin kẻ chết sẽ sống lại đã có manh nha rất sớm từ thời Cựu Ước: Trong sách Gióp, ông Gióp lên tiếng nói : « Sau khi da thịt tôi đây bị tiêu hủy thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn TC » (G 19, 26). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong một thị kiến, thấy cả một cánh đồng xương khô được hồi sinh (x. Ed 37, 1-10). Còn Giuđa Macabê thì « quyên tiền gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ tạ tội cho những người tử trận, để họ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi. Ông đã làm cử chỉ tốt đẹp và cao quí này, vì tin rằng người chết sẽ sống lại » (2Mcb 12, 43). Đặc biệt, trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ I-sai-a loan báo cho dân Chúa biết : « Đức Chúa các đạo binh sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân và tấm khăn liệm trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên mọi khuôn mặt » (Is 25, 7-8).
Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma, đã xác quyết : « Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người » (Rm 6, 3-4. 8-9). Chính vì thế : « Khi chúng ta được dìm vào nước thánh tẩy là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô. Chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người : đó là niềm tin của chúng ta ». Cũng trong dòng tư tưởng đó, thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô nơi bài đọc 2 mà chúng ta vừa nghe, thánh nhân, một lần nữa, đã mạnh mẽ xác quyết : « Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến lượt những kẻ thuộc về Đức Ki-tô » (1Cr 20, 23). Chúa Giê-su cũng phải trải qua mùa đông của cái chết, bằng thân phận hay chết của chúng ta và đã từ cõi chết sống lại, Người đã vĩnh viễn bẻ gãy sức mạnh của thần chết. Vì vậy, Người đã trở thành Đấng mở đường cho toàn thể nhân loại vào trong vương quốc của sự sống.
Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giê-su đã xác quyết rằng : « Ngày sống lại con cái Nước Trời sẽ sáng chói như các thiên thần » (Mc 12, 20). Đặc biệt, bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giê-su phục sinh La-da-rô, qua đó cũng tiên báo sự Phục sinh của Ngài. Nhưng trước khi Phục sinh La-da-rô, Đức Ki-tô đã Phục sinh lòng tin vào sự sống lại của Mác-ta khi Ngài phán : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không phải chết bao giờ . Chị có tin điều đó không ?» (Ga 11, 25-26). Và Mác-ta đã thưa : « Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian » (Ga 11, 27).
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Lời tuyên xưng vào Đức Ki-tô là « sự sống và là sự sống lại » của Mác-ta cũng là lời tuyên xưng của tất cả chúng ta và cách riêng của Thầy Phêrô Hoàng Văn Thành. Thầy Phêrô của chúng ta không chỉ tuyên xưng bằng lời nói mà bằng việc làm, bằng cả cuộc đời của Thầy. Thầy đã sống trọn mầu nhiệm Phục sinh nơi cuộc sống trần thế 75 năm, với 54 năm khấn dòng.
Thầy đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa : gương mẫu trong nếp sống đan tu, hy sinh trong phục vụ, tận tuỵ trong công việc, vui tươi trong cuộc sống, kiên trì trong thử thách, nhẫn nại trong những lúc khó khăn, trung thành trong lời khấn, dấn thân để dựng xây, thăng tiến Đan viện về mọi phương diện. Đó là lời tuyên xưng hữu hiệu nhất, hùng hồn nhất vào Đức Ki-tô Phục sinh. Với cái nhìn của đức tin, chúng ta tin chắc rằng thầy Phêrô của chúng ta sẽ được phần thưởng Chúa hứa : « Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín hãy vào hưởng sự vui mừng với chủ ngươi » (Mt 25, 21). Tuy nhiên, cũng là thân phận con người, khi ra trước tòa Chúa là Đấng ba lần Thánh, không ai trong chúng ta là vô tội, thầy Phêrô của chúng ta cũng vậy. Chính vì thế, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho người anh em của chúng ta, nếu còn lỗi lầm nào, xin Chúa rộng lòng tha thứ và sớm đưa linh hồn Thầy về hưởng Tôn Nhan Chúa. Amen.
Sau Thánh lễ, Viện phụ Giuse Hoàng Văn Thắng thay lời Đan viện cám ơn Đức cha, Quý Viện phụ, Quý Bề trên, quý cha, tu sĩ nam nữ và mọi người. Ngài cũng thay mặt cộng đoàn chủ sự nghi thức tiễn biệt. Sau đó linh cữu được các đan sĩ và cộng đoàn rước ra nghĩa trang để mai táng.
Tại phần mộ, linh mục Luy Gonzaga Hoàng Luật thay mặt Viện phụ, Quý cha anh em làm nghi thức tiễn biệt. Sau những nghi thức tại phận mộ, theo thói lệ Hội dòng Xitô Thánh gia, các đan sĩ đã hát vang bài ca Te Deum để tạ ơn Chúa vì người anh em đã trung tín, hoàn thành hành trình dâng hiến một cách trọn vẹn anh dũng.
Với lời từ biệt của đại diện Đan viện, lời cám ơn của đại diện gia đình Thầy Phêrô đã khép lại Thánh lễ An táng Thầy Phêrô trong niềm tiếc thương của mọi người, nhất là thân nhân, anh em trong Đan viện Xitô Châu Thủy. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn đan sĩ Maria Hoàng Văn Thành sớm hưởng tôn nhan Chúa muôn đời.
BTT. Xitô Châu Thủy


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây