Lễ An Táng Thân Phụ Linh Mục Lôrenxô Đỗ Quốc Dũng

Thứ hai - 01/03/2021 07:38
Lễ An Táng Thân Phụ Linh Mục Lôrenxô Đỗ Quốc Dũng

hình ảnh

Lúc 15g30 chiều ngày 1.3.2021, tại Nhà thờ Tư tề, Hạt Đức tánh, Đức Cha Giuse Giám Mục Giáo phận Phan thiết chủ tế Thánh lễ an táng cho Ông cố Lôrenxô Đỗ Đình Thông, thân phụ Lm Lôrenxô Đỗ Quốc Dũng, Phó xứ Vinh tân. Cha Tổng đại diện, quý cha Hạt trưởng và khoảng 80 cha đồng tế. Đông đảo quý Nữ tu Mến Thánh Giá Phan Thiết, quý tu sĩ chủng sinh, giáo dân từ những giáo xứ cha Dũng từng phục vụ đã cùng hiệp thông cầu nguyện tiễn biệt Ông Cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.

Đức cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn

Cha Phaolô  Hoàng Đức Dũng giảng lễ.
(Bđ 1: Is 25,6a; Bđ2: Rm 14,7; TM: Ga 12,23-26)

Kính thưa cộng đoàn.
Tất cả chúng ta vừa trải qua những ngày vui tết và đang trong bầu khí của mùa xuân mới. Chắc chắn trong những ngày này, không ai muốn gia đình mình mang màu tang chế. Thế nhưng điều không muốn ấy, lại đến với gia đình cha Lorensô Đỗ quốc Dũng.

Một cái tết không vui tí nào đến với mọi thành viên trong gia đình, trong khi mọi người đang vui tết, thì cả nhà phải chạy ngược xuôi, đưa ông cố từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, trong khi mọi người đang vui xuân, thì mọi thành viên trong gia đình thay nhau để chăm sóc ông cố từ bệnh viện Đức Linh đến bệnh viện Chợ Rẫy.
Bản thân tôi trong những ngày này, vẫn gọi hỏi thăm tình hình sức khoẻ ông cố, nhưng hầu như càng ngày càng xấu đi. Và ông cố về nhà với con cháu được hai đêm, thì Chúa gọi ông cố ra đi vào lúc 6 giờ sáng thứ 6 (26/2).
Với gia đình, đây là nỗi đau mất mát quá lớn. Nhiều câu hỏi của con cháu: tại sao bố lại ra đi trong lúc này, tại sao mới cách đây hơn 3 tuần, bố còn hiện diện trong ngày phong chức linh mục và tạ ơn cha Lorensô? Mà sao giờ này, trong nhà thờ này, bố chỉ hiện diện trong một thân xác bất động…
Vâng! Thưa cộng đoàn, với người Kitô hữu, trước nỗi đau mất đi người thân, cụ thể gia đình tang quyến, trước sự ra đi của ông cố Lôrensô, đây là nỗi đau và mất mát mà không có gì bù đắp được. Mất đi bóng dáng người cha trong gia đình, mất đi những lời dạy dỗ bảo ban… giữa những lúc thử thách đau thương này, có một cách thế có thể xoa dịu nỗi đau, đem lại niềm an ủi và hy vọng qua sự soi sáng của lời Chúa.

Vâng! Với lời Chúa qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta nhận biết:
Trước hết, về nguyên lý của một hạt lúa, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chiếc vỏ bọc quá chắc, không để cho độ ẩm tác động vào mầm sinh trưởng, thì không có cây mọc lên. Chỉ khi chấp nhận chiếc vỏ tách ra, mầm phôi trỗi dậy, hút lấy dưỡng chất của hạt và tiêu hủy hạt giống, thì sẽ có một cây mọc lên, hứa hẹn một mùa thu hoạch.
Và có lẽ phần đông chúng ta không còn lạ gì với tiến trình của một hạt giống như thế.
Nhưng Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra nguyên lý của một hạt giống, điểm nhắm của Ngài không phải nhằm giúp chúng ta hiểu biết nguyên lý ấy, nhưng Ngài muốn hướng chúng ta đến triết lý sống của một đời người.
Triết lý sống đó là: con người được sinh ra không phải sống cho mình, nhưng được mời gọi để sống cho người khác. Và để sống cho người khác, thì chính mình phải chấp nhận tiêu hao.
Một ngọn nến để có thể đem ánh sáng cho đời và cho người, thì ngọn nến ấy phải chấp nhận tiêu hao chính mình.
Nhưng với người Kitô hữu, không dừng lại ở nguyên lý của hạt giống, cũng không dừng lại ở triết lý sống trên bình diện con người, nhưng còn là diễn tả một chân lý: đó là cho đinhận lãnh, chết đivui sống: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ tìm lại được nó cho sự sống đời đời”.

Vâng! thưa cộng đoàn.
Chúa Giêsu không chỉ là một nhà giảng thuyết để rao giảng nguyên lý của hạt giống, triết lý sống, hay chân lý cuộc đời, nhưng Ngài còn áp dụng những điều Ngài giảng trong chính cuộc đời Ngài. Chính Chúa Giêsu là hạt lúa mì đã gieo vào trần gian, và Ngài đã chấp nhận hy sinh mình, để mạc khải cho chúng ta một chân lý cao siêu là hạnh phúc vĩnh cửu của Nước trời.

Và chính Thánh Phaolô trong bài đọc 2 thơ gởi tín hữu Rôma, cũng đã xác tín chân lý này khi Ngài nói: “Không ai trong chúng ta sống cho mình, vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vậy dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa
Vâng! thưa,… Hiện diện trước linh cữu ông cố Lôrensô hôm nay, với giáo dân gx Tư Tề, đặc biệt với gia đình tang quyến, chắc chắn ai cũng có nhiều hình ảnh về ông cố.
Riêng bản thân tôi, có thời gian sống ở gx Tư Tề, tôi cũng đã có nhiều hình ảnh và kỷ niệm về ông cố Lôrensô.
Đặc biệt trong năm đầu mới đến giáo xứ, khi tôi kêu gọi các em vào lớp dự tu, lúc đó trong lớp có cha Lôrensô Đỗ Quốc Dũng và sơ Anê Đỗ Thị Kiều Úc, hai người con của ông cố. Đặc biệt khi tôi xin ông cố cho cha Lôrensô, lúc ấy là chú giúp lễ vào ở nhà xứ. Ông cố rất vui và rất sẵn sàng. Tôi nhận thấy niềm vui lộ rõ trên cách sống của ông cố. Mặc dầu mang trong mình một thân xác không được khoẻ mạnh lắm, nhưng niềm vui ấy hình như đem lại sức mạnh tinh thần cho ông cố. Ông cố đã ấp ủ một niềm hy vọng dâng người con mình cho Chúa để làm linh mục. Niềm hy vọng ấy đã làm cho ông cố quên đi tuổi già sức yếu, quên đi sự nhọc nhằn và hy sinh tất cả cho người con trai út và gái út. Với hình ảnh thân quen một ông cụ từng ngày với chiếc xe đạp cọc cạch đến nhà thờ trong các giờ kinh lễ sáng tối, và cũng chiếc xe đạp cọc cạch ấy, ngày ngày không biết mệt mỏi đạp xe vào nương rẫy. Tất cả cũng chỉ để hy sinh cho con cái.
Trước sự ra đi của ông cố, nhiều người nói lên trong sự tiếc nuối: cha Lôrensô mới được phong chức linh mục, sao ông cố không sống thêm được một thời gian nữa?
Nhưng điều tôi thiết nghĩ, hơn ai hết, với ông cố là người cảm nghiệm được tình thương của Chúa dành cho mình. Cụ thể trước đây, ông cố rất yếu vì căn bệnh phổi không đến nhà thờ được. Thế mà không ngờ, khi biết ngày giờ con mình được phong chức linh mục, sức khoẻ ông cố đã phục hồi và còn hiện diện trong lễ phong chức linh mục và tạ ơn của cha Lôrensô. Tâm tình ngày xưa của cụ già Simeon đã thốt lên: Muôn lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi… vì mắt con đã được thấy ơn cứu độ”. Thiết nghĩ, đây cũng là tâm tình của ông cố lúc này, ông cố đã rất toại nguyện, đã rất vui khi Chúa gìn giữ sức khoẻ ông cố đến bây giờ, để được nhìn thấy con mình bước lên bàn thánh.
Vâng! thưa cộng đoàn.
Ông cố đã ra đi như một người lính đã hoàn thành sứ mệnh được trao. Quả đúng như thế, qua hành trình 72 năm làm người và làm con Chúa, ông cố đã để lại gương sáng của một đời sống đạo đức và hy sinh.

Quả thật hành trình cuộc đời ông cố, có thể nói được xem là hành trình hạt lúa đã chấp nhận mình bị mục nát để có thể phát sinh nhiều bông hạt. Hạt lúa ấy đã chấp nhận mục nát từng ngày trong những hy sinh nhọc nhằn, để dâng hiến cho Chúa và Giáo Hội 2 người con là cha Lôrensô và sơ Anê, gương sáng ấy đã để lại nơi nhiều người con hiện đang tham gia nhiệt tình trong các sinh hoạt của giáo xứ. Vâng thưa,… nhắc đến những điều ấy không có ý nhằm tô hồng cuộc đời ông cố, nhưng là gieo niềm tin và hy vọng để tiếp tục cầu nguyện cho ông cố, để với những gì ông cố đã sống và hy sinh cho Chúa và Giáo hội, được Chúa thương đoái đến và sớm dẫn đưa ông cố vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên thiên quốc. Amen


Cha Lôrenxô Đỗ Quốc Dũng cám ơn

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây