Đọc Tông Huấn “Niềm Vui của Tình Yêu”

Thứ ba - 29/12/2020 19:32
ĐỌC TÔNG HUẤN “NIỀM VUI của TÌNH YÊU”
(Mục vụ Gia Đình)




Giáo huấn lễ Thánh Gia 27/12/2020, Đức Thánh Cha kêu mời học hỏi tông huấn “Niềm vui của Tình yêu” : “Mẫu gương loan báo Tin Mừng với gia đình mà ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta, một lần nữa đề xuất chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris laetitia -Niềm vui của tình yêu, sẽ được kỷ niệm 5 năm ban hành vào ngày 19/03/2021 tới đây. Và sẽ có một năm suy tư về Amoris laetitia và sẽ là một cơ hội để đào sâu nội dung của văn kiện. Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đoàn Giáo hội và các gia đình, để đồng hành với họ trên hành trình của họ”.
Đó là lý do chúng ta cần đọc, suy niệm và sống tông huấn này, giúp hóa gia đình.
Xin đọc những đoạn giáo huấn quan trọng và trích trực tiếp những số cần thiêt, gần gũi và hữu ích, giúp anh chị em tiếp cận với lời giáo huấn quí báu của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình, được đúc kết thành bản Tông huấn này, làm chỉ nam mục vụ gia đình trong thời đại hôm nay.

Số 1: giới thiệu
“NIỀM VUI của TÌNH YÊU trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Như các nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã ghi nhận, mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, “khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh”. Như một đáp ứng cho khát vọng này, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”.
Số 11 : Gia Đình-họa ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi
"Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là “tác phẩm điêu khắc” sống động (không phải ngẫu tượng điêu khắc bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm ngặt), có thể biểu tỏ được Thiên Chúa Đấng sáng tạo và cứu độ. Vì thế, tình yêu phong nhiêu mới có thể trở thành biểu tượng cho những thực tại thâm sâu bên trong Thiên Chúa (cf. St1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11; 48,3-5). Đó là lí do giải thích tại sao trình thuật sách Sáng Thế này, theo cái gọi là “truyền thống tư tế”, được đan dệt nên bởi những tầng lớp phả hệ khác nhau (cf. St4,17-22.25-26; 5; 10; 11,10-32; 25,1-4.12-17.19-26; 36): bởi vì khả năng sinh sản của đôi vợ chồng nhân loại là con đường mà lịch sử cứu độ diễn tiến.
Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá ra và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. Những lời sau đây của thánh Gioan-Phaolô II soi sáng cho chúng ta: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần”[1]. Như thế, gia đình không là điều gì xa lạ gì với chính yếu tính thần linh[2]. Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Phaolô khi thánh Tông đồ đặt gia đình trong tương quan với “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (cf. Ep5,21-33)." (số 11)
[1] Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ tại Puebla de los Angeles (28.01.1979), 2: AAS 71 (1979), 184.
[2] Cf. ibid.

Số 13:  Vợ chồng
"Từ cuộc gặp gỡ chữa lành được nỗi cô đơn này (đó là nỗi ưu tư của người đàn ông đi tìm cho mình “một trợ tá tương xứng” (St2,18-20), khả dĩ lấp đầy được nỗi cô đơn bức bối mà sự gần gũi của các loài vật và mọi thụ tạo cũng không khỏa lấp được-số 12), phát sinh sự sống mới và gia đình. Và sau đây là chi tiết thứ hai mà chúng ta có thể ghi nhận: Ađam, vốn cũng là con người của mọi thời đại và của tất cả mọi vùng miền trên hành tinh này của chúng ta, cùng với vợ mình, khai sinh một gia đình mới, như Đức Giêsu đã nhắc lại bằng cách trích dẫn sách Sáng thế: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt19,5; cf. St 2,24).
Động từ “gắn bó”, trong nguyên ngữ Hipri, chỉ một sự hòa điệu sâu xa, một sự gắn bó cả về thể xác lẫn tâm hồn đến độ nó được dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63,9), như tác giả thánh vịnh vẫn hát. Sự kết hợp hôn nhân như vậy gợi lên không chỉ trong chiều kích tính dục và thân xác mà còn cả trong sự trao hiến tình yêu tự nguyện. Kết quả của sự kết hợp này là “trở thành một xương một thịt”, hoặc bằng việc hai thân xác gắn chặt với nhau, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai con tim và đời sống và, có lẽ, nơi đứa con được sinh ra từ cả hai sẽ mang trong mình “cốt nhục” của cả cha lẫn mẹ, không chỉ về di truyền học mà cả về tâm linh nữa."

Số 14 : Con cái
“Bài ca này cho thấy bên trong ngôi nhà có người chồng và người vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái quây quần bên họ như “những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 128,3), tức là tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ như là nền móng của ngôi nhà, thì con cái như là “những viên đá sống động” của gia đình (cf. 1 Pr 2,5). Thật ý nghĩa, trong Cựu Ước từ ngữ được sử dụng nhiều nhất sau tên gọi Thiên Chúa (YHWH, “Đức Chúa”) lại là từ “người con” (ben), một từ ngữ vốn có liên hệ đến động từ Hipri có nghĩa “xây dựng” (banah). Vì thế, trong thánh vịnh 127, ơn huệ con cái được tôn vinh bằng hình tượng hoặc như việc xây dựng một ngôi nhà, hoặc như đời sống xã hội và thương mại diễn ra tại các cổng thành: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công […] Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh ra thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với địch thù.” (Tv 127,1.3-5). Đã hẳn, những hình ảnh này phản ảnh nền văn hóa của một xã hội thời xa xưa, nhưng sự hiện diện của những đứa con, dẫu sao vẫn là một dấu chỉ của một gia đình sung mãn, tiếp nối liên tục của chính lịch sử cứu độ, từ đời này qua đời khác.”

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây