Dẫn lễ và các bài suy niệm Chúa Nhật III Phục sinh năm B

Thứ năm - 11/04/2024 19:57
CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – B
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
Chủ đề: CHỨNG NHÂN TIN MỪNG PHỤC SINH
(Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang)
Lời Chúa: “Các con sẽ là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14,48).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 3 phục sinh hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà tiệc ly và ban bình an cho các ông. Chúa muốn các Tông đồ hãy xác tín về sự phục sinh của Người, và hãy vui mừng làm chứng nhân của Đấng phục sinh:
Này đây dấu chứng Phục sinh,
Hiện ra, Chúa dạy Thánh Kinh, mở lòng.
Chúa dùng cá nướng mật ong,
Rõ ràng Chúa đó, thật không nào ngờ.
Nào ta, chớ có làm ngơ,
Tin Mừng đón nhận, còn chờ đợi chi ?
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa Kitô phục sinh hiện diện và ban ơn bình an của Người cho chúng ta. Xin Người soi lòng mở trí để chúng ta sốt sắng lắng nghe lời Chúa và trở nên chứng nhân Tin Mừng Chúa phục sinh. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa chịu khổ hình để xóa bỏ tội lỗi chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã giải thích Thánh Kinh cho hai môn đệ trên đường Emmaus sốt sắng khi nghe Lời Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi các Tông đồ làm chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại qua nhiều giai đoạn trong lịch sử dân Do Thái, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua chính Con của Ngài khi sai Chúa Con xuống làm người, như sách Do thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2). Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, trong lúc rao giảng Nước Trời cũng như sau khi sống lại, Người đã dụng ý chọn gọi một số người nên môn đệ, Tông đồ để họ trở nên các chứng nhân của Người. Những người này không chỉ là những người đã thấy các biến cố đời sống, mà còn là những người đã hiểu và đã sống ý nghĩa ẩn khuất của các biến cố ấy, họ được mời gọi “là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14,48).
Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các ngôn sứ mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình, đã sống lại và đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ trên đường trở về ngôi làng cũ Emmaus, cũng như hiện ra với các Tông đồ trong phòng tiệc ly hôm nao. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn thuyết phục các Tông đồ tin Người sống lại: cho xem các dấu đinh, cho sờ mó vào thân xác phục sinh của Người, ăn uống trước mặt các ông và trao phần còn lại cho các ông. Hơn thế nữa, Người còn soi trí mở lòng cho các ông am hiểu Thánh kinh về Đấng Kitô, về những đau khổ và sự sống lại của Người đã được loan báo trước trong Cựu ước. Xác tín vào Chúa Kitô phục sinh, các Tông đồ đã loan báo những chứng cớ đó: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, 13-15). Thánh Phêrô còn xác quyết rằng: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn, cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41). Các tông đồ sau khi tin vào Chúa phục sinh thì các ông không còn cái nhìn sợ hãi. Các ông đã hết sợ nghi nan. Các ông không sợ người Do Thái đến bắt. Các ông không sợ đối diện với công quyền. Các ông chỉ còn lo một việc là nói về sự phục sinh của Chúa cho muôn dân.
Chuyện kể rằng, một linh mục được sai đi truyền giáo ở một bộ lạc còn mê tín. Sự cởi mở hòa nhã của ngài đã làm cho nhiều người trong bộ lạc có cảm tình với ngài. Nhưng ngài trở thành đối thủ cần loại trừ của các người phù thủy, bị xúi dục, một người trong số họ đã lấy đá ném thẳng vào ngài. Rất bình tĩnh, ngài cúi xuống nhặt viên đá và nói: Viên đá thấm máu này sẽ là viên đá đầu tiên để xây dựng đền thờ của Thiên Chúa. Quả thật, mấy chục năm sau cả bộ tộc đã xin trở lại đạo. Và ngài đã xây dựng một ngôi nhà thờ ngay tại nơi mà ngài đã bị hãm hại.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mỗi Kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thánh Tẩy, đều được mời gọi làm chứng nhân bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội. Đón nhận Tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa Kitô phục sinh xưa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường trở vể Emmaus, hiện ra ban bình an cho các Tông đồ, và trao ban sứ vụ chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Người cũng ban ơn bình an và đồng hành với mỗi người chúng ta trên bước hành trình làm chứng tá cho Tin Mừng Chúa đã sống lại. Aleluia!. Amen.
 
SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
(Lm. Augustinô Nguyễn Đức Lợi)

Anh chị em thân mến! Nếu có ai đó hỏi anh chị em rằng: điều gì là quan trọng nhất của đời sống đức tin của chúng ta; câu trả lời của anh chị em là gì? Chắc sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau tuỳ vào kinh nghiệm hay cách nghĩ của mỗi người. Trong ánh sáng lời Chúa hôm nay, tôi xin được cùng anh chị em nhận ra yếu tố quan trọng nhất chính là “biết Đức Ki-tô.” Thánh Phaolo tông đồ cũng chung xác tín “Biết Đức Ki-tô là tất cả, phần còn lại chỉ là rơm là rác.” Biết ở đây không chỉ trên phương diện tri thức nhưng quan trong là có một gặp gỡ, tương quan “ở lại” trong Chúa và nên một với Chúa Giê-su trong tình yêu. Chính Chúa Giê-su cũng quan tâm tới sự hiểu biết đúng đắn về Người của những người đồng thời cũng như những môn đệ thân tín Người: “Người ta bảo Con Người là ai?” Câu trả lời đúng của Phê-rô về mầu nhiệm bản thân Người là nền tảng cho việc Chúa trao cho ông nhiệm vụ lãnh đạo trong Hội Thánh Người thiết lập Sai lầm và hậu quả nghiêm trong vì không biết Đức Giê-su. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ mà chúng ta vừa nghe cho thấy những nhà lãnh đạo Do Thái và toàn dân đã phạm những sai lầm nghiêm trong khi đã nộp và chối bỏ Đức Giê-su, Tôi Trung của Thiên Chúa, trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha.
Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống. Nguyên nhân của lỗi phạm này là do hành động trong sự không hiểu biết Đức Ki-tô. Họ hiểu biết Đức Giê-su theo kiểu phàm nhân nên cho rằng những tuyên bố của Người về Thiên Chúa và về chính Người là phạm thượng. Những hành động mang tính cứu độ của Chúa Giê-su thay vì dẫn họ tới việc nhận biết và tin Người được Thiên Chúa sai đến lại bị coi là hành động phá hoại tôn giáo, quốc gia và dân tộc “thà một người chết thay cho toàn dân.” Vì thiếu hiểu hiểu nên họ tưởng rằng mình hành động nhân danh Thiên Chúa và quyền lợi của Người nhưng trong thực tế là chống lại chính Thiên Chúa của cha ông họ. Họ chối bỏ, kết án và giết chết Chúa Giê-su, còn Thiên Chúa lại phục sinh và tôn vinh Người.
Hiểu biết Đức Giê-su không chỉ như một con người – Giê-su Nagiaret – mà còn là như Đấng được tôn vinh. Vì Đức Giê-su đã sống lại sau khi chết, cho nên hiểu biết Chúa Giê-su, còn phải hiểu biết về cách thức Người hiện diện và hoạt động “cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.” Theo thần học của thánh sử Matthew, Thiên Chúa hiện diện trong Đức Ki-tô, Đức Ki-tô hiện diện trong lịch sử, cách đặc biệt trong Hội Thánh của Người cho đến ngày tận thế. Thiếu hiểu biết nên các tông đồ không tin vào lời loan báo của những chứng nhân đầu tiên là các phụ nữ về sự phục sinh của Chúa. Thiếu hiểu biết nên khi Chúa hiện ra với các ông, thay vì vui sướng thì các ông hoảng loạn vì ngỡ mình gặp ma.
Chỉ khi nào đạt tới một sự hiểu biết trọn vẹn qua gặp gỡ, đụng chạm với Đấng Phục Sinh, được ban đầy Thánh Thần, Đấng giúp các họ ngày càng hiểu sâu hơn mầu nhiệm Chúa Giê-su, các tông đồ mới có thể lên đường làm chứng nhân cho Người từ Giê-ru-sa-lem, Giu-đêa, Samaria và đến tận cùng thế giới. Hiểu biết Chúa Giê-su và giáo huấn của Người đã khó, hiểu biết sự hiện diện và hoạt động của Đấng Phục Sinh càng khó khăn hơn. Chính Chúa Giê-su khi còn sống trên trần gian cũng phải vất vả để giúp các tông đồ hiểu biết về mầu nhiệm của Người. Nhiều lúc Chúa Giê-su của Marco cũng phải ngán ngẩm về sự chậm hiểu chậm tin của họ. Ngay trước lúc hoàn thành sứ mạng cứu thế trong cuộc vươt qua, Chúa Giê-su phải nhận rằng: bây giờ Thầy có nói các con cũng không lãnh hội được. Thầy sẽ xin Cha ban Thánh Thần để giúp chúng con hiểu hơn về Thầy. Sau phục sinh, Chúa Giê-su bằng nhiều cách giúp các tông đồ hiểu rằng Người vẫn sống sau khi chết nhưng quả thật vô cùng khó khăn trước đầu óc chậm tin của các tông đồ.
Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nói rõ: Chúa phải mở trí cho hai môn đệ trên đường Emmau hiểu sự chết và sống lại đã được sách Luật Mô-sê, sách các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh loan báo từ ngàn xưa. Hành động bẻ bánh chính là một sự hiển linh tỏ tường hơn cả giúp các tông đồ nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Tóm lại, Ki-tô hữu không hiểu biết Chúa Ki-tô, nhất là sự hiện diện và hành động của Chúa Phục Sinh qua Lời và Thánh Thể, sẽ dẫn người tín hữu đến những quyết định sai lầm và ngược với ý muốn của Chúa. Sự hiểu biết Chúa Giê-su Phục Sinh là một ân huệ của Thánh Thần mà người Ki-tô hữu chỉ nhận được trong cầu nguyện, lắng nghe và phân định khiêm tốn mà thôi.
 Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta biết được mình “biết Chúa Ki-tô”. Tác giả thư Gioan đã trả lời: Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Vâng! Hiểu biết Chúa Ki-tô được biểu lộ qua việc sống và thực thi các giới răn của Người “Đây là lệnh truyền, là giới răn mới Thầy truyền lại cho anh em: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Càng yêu anh em  như Chúa yêu, càng chứng tỏ chúng ta biết Chúa Ki-tô và có tương quan thân tình yêu thương Người. Bởi đó, không thể nói mình biết Chúa mà vẫn phạm tội, nhất là giận ghét anh em mình hoặc hành động gây nên sự tổn thương với anh chị em và với cộng đồng chúng ta đang sống. Bài giảng của thánh Phê-rô mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất rất tuyệt vời: trong khi thánh nhân cho thấy lỗi phạm nghiêm trọng của đám đông khi kết án, đóng đinh và giết chết Chúa Giê-su Tôi Trung của Thiên Chúa, thánh nhân cũng không quên làm giảm đi sự đau đớn trong lòng “vì anh em đã hành động không hiểu biết” và, hơn nữa, việc Đức Giê-su chết và sống lại cũng nằm trong chương trình yêu thương muôn đời của Thiên Chúa với nhân loại. Một lời giảng mang tính chữa lành để dẫn họ đến sự sám hối và nhận được ơn chữa lành trọn vẹn từ chính Đấng yêu thương, tha thứ và xót thương chúng ta.
Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nói rõ: Chúa phải mở trí cho hai môn đệ trên đường Emmau hiểu sự chết và sống lại đã được sách Luật Mô-sê, sách các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh loan báo từ ngàn xưa. Hành động bẻ bánh chính là một sự hiển linh tỏ tường hơn cả giúp các tông đồ nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Tóm lại, Ki-tô hữu không hiểu biết Chúa Ki-tô, nhất là sự hiện diện và hành động của Chúa Phục Sinh qua Lời và Thánh Thể, sẽ dẫn người tín hữu đến những quyết định sai lầm và ngược với ý muốn của Chúa. Sự hiểu biết Chúa Giê-su Phục Sinh là một ân huệ của Thánh Thần mà người Ki-tô hữu chỉ nhận được trong cầu nguyện, lắng nghe và phân định khiêm tốn mà thôi.
 Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta biết được mình “biết Chúa Ki-tô”. Tác giả thư Gioan đã trả lời: Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Vâng! Hiểu biết Chúa Ki-tô được biểu lộ qua việc sống và thực thi các giới răn của Người “Đây là lệnh truyền, là giới răn mới Thầy truyền lại cho anh em: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Càng yêu anh em  như Chúa yêu, càng chứng tỏ chúng ta biết Chúa Ki-tô và có tương quan thân tình yêu thương Người. Bởi đó, không thể nói mình biết Chúa mà vẫn phạm tội, nhất là giận ghét anh em mình hoặc hành động gây nên sự tổn thương với anh chị em và với cộng đồng chúng ta đang sống. Bài giảng của thánh Phê-rô mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất rất tuyệt vời: trong khi thánh nhân cho thấy lỗi phạm nghiêm trọng của đám đông khi kết án, đóng đinh và giết chết Chúa Giê-su Tôi Trung của Thiên Chúa, thánh nhân cũng không quên làm giảm đi sự đau đớn trong lòng “vì anh em đã hành động không hiểu biết” và, hơn nữa, việc Đức Giê-su chết và sống lại cũng nằm trong chương trình yêu thương muôn đời của Thiên Chúa với nhân loại. Một lời giảng mang tính chữa lành để dẫn họ đến sự sám hối và nhận được ơn chữa lành trọn vẹn từ chính Đấng yêu thương, tha thứ và xót thương chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin giúp chúng con biết tập trung đời sống đức tin vào điều quan trọng là biết Chúa thật nhiều; biết để con yêu Chúa nhiều; biết để con biết Chúa muốn con yêu an hem như Chúa yêu; biết để thay vì làm tổn thương hoặc làm đau đớn rỉ máu những tâm hồn lỗi tội, chúng con học được sự chữa lành đầy yêu thương từ nơi Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa để con yêu Chúa hết lòng hết sức hết xác thân con; xin cho con biết con yếu hèn để con biết cậy dựa vào Chúa trong mọi sự mọi nơi và mọi người. Amen.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây