Lễ các thánh anh hài tử đạo - Ngày 28 tháng 12

Thứ ba - 27/12/2022 07:37
myhn 28 12 2022




Tin Mừng: Mt 2,13-18
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
 
Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 'Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.'
 
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

Suy niệm 3: Bạo lực, con đường của bóng tối - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Nguồn:https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/christmas-octave/

Hôm nay, vào ngày thứ 4 của tuần bát nhật Giáng Sinh, chúng ta được ban tặng một nhân chứng tương tự với Thánh tử đạo tiên khởi Stephanô. Ngày lễ hôm nay cũng thuật lại sự độc ác giống như thế nhưng thậm chí còn bi kịch hơn nữa. Vì lòng đố kỵ và ganh ghét, Vua Hê-rô-đê đã ra tay giết vô số đứa trẻ vô tội với mục đích loại trừ Hài Nhi Giêsu, vị vua mới được hạ sinh.
 
Chúng ta có thể tưởng tượng ra sự độc ác kinh hoàng mà vua Hê–rô-đê đã làm đối với dân thành Bê-lem và các thành lân cận khi những binh lính đi tới đâu là giết hết những đứa trẻ vô tội, ngay trước ánh mắt đau đớn tuyệt vọng, “tiếng khóc than rền rĩ” của cha mẹ chúng. Hẳn nhiều trong chúng ta sẽ thấy rất sốc mà tự hỏi tại sao Chúa lại để cho điều này xảy ra. Tuy nhiên, với chiều sâu của đức tin, chúng ta hiểu rằng cái chết của những đứa trẻ vô tội này như lời làm chứng cho Chúa, như lời tiên báo của tiên tri Giê-rê-mi-a.
 
Với cái nhìn trần tục, đây là một tội ác tàn độc không gì có thể tha thứ được, nhưng với con mắt đức tin, ta hiểu rằng Thiên Chúa sẽ chọn ra những gì xứng đáng được hưởng cuộc sống vĩnh hằng của Người trên Thiên Quốc. Ở nơi đó, những nạn nhân sẽ được đội vương miện và được vinh danh như là những nhân chứng đầu tiên của Chúa Hài Đồng. Phần thưởng này có thể sẽ không xoa dịu được nỗi đau của những người ở lại, nhưng chắc chắn họ sẽ được Thiên Chúa ban ơn biến đổi đau thương mất mát thành những điều tốt lành lớn lao giúp họ được vào Nước Thiên Chúa.
 
Sự minh chứng của họ cho chúng ta thấy rất nhiều về cuộc sống hiện tại của chúng ta. Sự tàn sát những đứa trẻ này là một trong những minh chứng đáng ghi nhớ cho sự thật rằng cuộc đời này không công bằng, và có những đau khổ, tai hoạ ập đến mà ta chẳng thể nào lí giải nổi. Nhưng có một điều mà chúng ta có thể hy vọng, rằng Thiên Chúa chúng ta là đấng công bằng, Ngài sẽ làm đúng lại mọi chuyện tưởng chừng như quá sai, vào ngày sau hết. Ngày nay, chúng ta tổ chức một buổi lễ trọng đại để vinh danh những em nhỏ đã hy sinh này như để nói rằng Thiên Chúa đã biến đổi thảm kịch này trở thành một điều vinh quang.
 
Bất kỳ một thảm kịch nào xảy đến cũng để nói với chúng ta rằng: con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mặc lấy bản tính yếu đuối mọn hèn của chúng ta, chấp nhận bao bất công, oan trái và đớn đau hết thảy để đưa mọi sự hướng đến điều mà Thiên Chúa tiền định cho ta là một thế giới tốt đẹp.
 
Hôm nay, chúng ta hãy dành thời giờ phản tỉnh xem đâu là nỗi đau khổ nhất của ta trong mùa Giáng Sinh này. Cho dù đau khổ ấy là gì, lớn đến thế nào đi chăng nữa, chúng ta đều được mời gọi liên kết những tổn thương cùng đau khổ của ta với nỗi đau mất con của gia đình các thánh anh hài. Hãy để Thiên Chúa làm cho chúng ta điều mà Ngài đã làm cho tất cả những gia đình tử đạo này. Hãy để sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Ngài biến đổi những vết thương lòng nơi ta thành vương miện trong vương quốc tử đạo. Vào ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ cho ta vinh hiển.
 
Lạy Chúa, con xin trao mọi tổn thương, đau khổ của con cho Ngài. Ngày hôm nay, con xin hiệp dâng chính mình với nỗi đau của những gia đình tử đạo. Con tin tưởng rằng các thánh anh hài nay đang hưởng phúc Thiên Đàng với Ngài là dấu chỉ cho con về những điều sẽ phải đến. Ngài giáng sinh làm người là dấu chỉ tuyệt vời nhất cho chúng con rằng Ngài là Đấng Cứu Thế và có thể biến đổi mọi sự thành tốt đẹp. Amen.

 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

Người ta có thể chết vì Chúa như một chứng nhân, nhưng cũng có thể chết vì Chúa như một nạn nhận của những thế lực trần gian và bóng tối. Các thánh Anh Hài mà hôm nay chúng ta mừng kính là một ví dụ.  Theo Kinh Thánh, sau khi phát hiện ra các nhà chiêm tinh không làm theo kế hoạch của mình, Hê-rô-đê quyết định ra tay hành động. Ông ra lệnh giết chết tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống ở trong vùng tính từ ngày ông được các nhà chiêm tinh báo cho biết vua người Do Thái mới sinh. Các thánh Anh Hài hầu như không biết mình bị giết vì lý do gì. Các ngài là nạn nhân vô tội của kẻ tâm thần hoảng loạn, một kẻ hám danh và sẵn sàng triệt hạ bất cứ ai được cho là đối thủ quyền lực của mình trong hiện tại lẫn tương lại, thậm chí trong hoang tưởng. Mừng kính các thánh Anh Hài Tử Đạo, Giáo Hội chắc chắn không nhắm đến việc ca tụng sự hy sinh vì Chúa Ki-tô của các ngài, nhưng có lẽ hướng đến việc cảnh báo về những xử sự của người lớn trong những cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, quyền lực , hay bất cứ hoạt động nào khả dĩ làm tổn thương những tâm hồn bé nhỏ, những anh hài của xã hội hôm nay.
            Lạy Chúa Giê-su, khi nghe câu chuyện giết hại các trẻ sơ sinh của Hê-rô-đê, chúng con thường tỏ thái độ phẫn uất và dành cho ông ta những lời xúc phạm nhất. Nhưng chúng con đâu hay rằng, trong những vị trí và những cách thức khác nhau, chúng con chẳng khác gì và thậm chí còn tàn độc hơn cả Hê-rô-đê nữa. Trong tư cách là cha mẹ của các em, chúng con khủng bố tinh thần con cái bằng lời nói và hành động: chửi bới, lăng mạ, đánh đập... Không ít trẻ em, vì sự ích kỷ của chúng con, đã bị giết chết từ trong trứng nước. Những nghĩa trang thai nhi khắp đất nước là bằng chứng sự hiện diện của những Hê-rô-đê trong thế giới này. Chúng con chẳng tàn ác hơn Hê-rô-đê sao khi giết chết chính con cái của mình. Vì sự ích kỷ và cố chấp, chúng con phá vỡ giao ước hôn nhân gia đình và kết quả, con cái chúng con trở nên một thứ hàng hóa, một gánh nặng để đùn đẩy cho người này kẻ kia và cuối cùng đùn đẩy chúng ra đường phố, dưới gầm cầu, thành những trẻ em không cha mẹ, không nhà và không có tương lai. Cũng ác tâm không kém, khi vì những cạnh tranh của các bậc cha mẹ, chúng con dùng con cái như phương tiện để ganh đua và lên mặt với người khác: bắt chúng phải hoàn thiên hơn những trẻ khác, khiến chúng không còn được hưởng niềm vui của tuổi thơ và tuổi học trò. Một người mẹ ở Trung Quốc đã ép con học suốt cả ngày cho tới khuya để rồi cuối cùng, đứa trẻ đã chết gục trên bàn học của mình.
Qua các kênh thông tin, chúng con cũng nhận ra trong xã hội và Giáo Hội, đã đang có biết bao trẻ em bị lạm dụng tình dục và dĩ nhiên gây nên những tổn thương, những di chứng nặng nề cho cuộc sống tương lại của chúng. Một người cha đã thốt lên, “mày là đứa con được sinh ra trong ống nghiệm” trong lúc tức giận khiến đứa con sụp đổ và lao ra đường giữa đêm tối. Vâng, đôi khi vì muốn có con, chúng con sẵn sàng dùng phương pháp thụ thai trong ông nghiệm mà không cần quan tâm tới cuộc sống của con trong tương lai. Chúng con chẳng nghĩ đến cảm giác và cuộc sống của con một khi chúng nhận ra mình là đứa con thụ thai di hợp từ phong thí nghiệm qua  những người xung quanh, qua những xử sự của chúng con trong lúc mất kiểm soát bản thân.  Vâng, chúng con còn có thể kể ra nhiều hình thức mà người lớn, cách vô tình hay cố ý, biến trẻ em thành nạn nhân của bạo lực, tranh chấp, ích kỷ và ác tâm của họ - những người chúng tin tưởng, những người thân thương của chúng. Xin giúp Hội Thánh và mỗi người chúng con, trong tư cách là môn đệ Chúa Ki-tô,  biết tạo cho các em một môi trường an toàn, đầy tình yêu và hạnh phúc, để các em được lớn lên và phát triển toàn diện về mọi chiều kích của con người. Xin giúp Giáo Hội đừng vì bất cứ lý do gì mà tìm cách phớt lờ, bao che và thậm chí bênh vực những “Hê-rô-đê” trong cơ cấu của mình nhưng chấp nhận trả giá, để như Đức Ki-tô, đứng về phía quyền lợi và phẩm giá của những nạn nhân. Xin giúp mọi thành phần dân Chúa cùng nhau xây dựng một môi trường, ở nơi ấy sạch bóng những Hê-rô-đê, để trẻ em được đến với Chúa trong hạnh phúc và bình an. Amen

 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Bạo lực, con đường của bóng tối - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Với lễ thánh Stêphanô tử đạo, Tuần Bát Nhật Giáng Sinh có vẻ trở nên u ám, nhưng với lễ Các Thánh Anh Hài tử đạo, bao nhiêu trẻ em vô tội bị những người quyền thế giết hại do nỗi lo về quyền lực của mình, thì Tuần Bát Nhật này càng thêm u ám!!!
Với những lễ mừng các vị tử đạo, phải chăng Kitô Giáo đang cổ võ cho bạo lực, bởi vì trong bạo lực, họ có các vị thánh? Không phải thế, nhưng ngược lại, các kitô hữu là nạn nhân của bạo lực! Trong lịch sử Giáo Hội, cũng có lúc người ta chủ trương nghiêng về chiến tranh. Một thời gian dài, người ta dùng mọi lý lẽ để biện minh cho điều được gọi là “thánh chiến”!!! Không có cuộc chiến tranh nào là thánh thiêng cả! Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã chính thức xin lỗi thế giới vì cuộc chiến được biện hộ là thánh chiến ấy, và ngài nói rằng không bao giờ được nhân danh Danh Thiên Chúa để biện hộ cho chiến tranh, vì đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Trong diễn văn dành cho giáo triều Roma năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng: “Tôn giáo không được cho phép mình thúc đẩy xung đột. Tin Mừng luôn là Tin Mừng của hòa bình, và không thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố chiến tranh là “thánh thiện” (http://vietcatholicnews.org/News/Html/ 280115.htm). Chiến tranh, bạo lực là con đường của bóng tối, và đi theo con đường đó là đi theo tội lỗi (Bài đọc 1).
Nhìn ra tội lỗi của mình để bước đi trong ánh sáng là bước đi trong Thiên Chúa. Và khi ấy, “máu Đức Giêsu thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (bài đọc 1). Hãy nhận ra những bạo lực trong chính tâm hồn mình, tức là những tư tưởng, những cảm xúc giận ghét, nhận ra bạo lực trong lời nói của mình là những lời nói xấu, những phê bình, chỉ trích làm nản lòng người khác, nhận ra những tổn thương mình gây ra qua thái độ, cử chỉ thiếu cộng tác với người khác để xây dựng gia đình, cộng đoàn của mình. Cũng trong diễn từ nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại Lời Chúa về những tâm hồn đã đuổi được quỷ ra khỏi mình, nhưng sau đó lại để cho bảy con quỷ khác hung dữ hơn đi vào! Phải chăng chúng ta an tâm vì mình có đạo, vì mình tuân giữ luật lệ chỉn chu như là dấu chứng của tâm hồn đã đuổi quỷ đi, nhưng không để ý rằng mình có thể đang để cho bảy quỷ hoành hành với những giận ghét, chỉ trích, chì chiết nhau trong đời sống gia đình kitô hữu, trong các cộng đoàn của đời tu, trong các sinh hoạt của giáo xứ!!!
Chỉ có bình an, yêu thương, nâng đỡ nhau mới là con đường của ánh sáng, con đường mà Ngôi Lời Nhập Thể mang lại cho nhân loại.
“Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau” (1Ga 1,7)

 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 1, 5 – 2, 2 qua lăng kính Mt 2, 13-18, Phụng vụ Lời Chúa Lễ  Các Thánh Anh Hài hôm nay tiếp tục cho thấy những “hoa trái đầu mùa” của Biến cố Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đó là ân sủng “hiện sinh hiện hữu-vì” (“pro-existence”), như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 1, 5 – 2, 2 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô vừa là Ân sủng hiện hữu-vì [“Chính Đức Giêsu-Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (2, 2)], vừa là ân sủng ban cho con người hiện sinh hiện hữu-vì [“Nhưng, nếu chúng ta đi trong ánh sáng…thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu của Đức Giêsu, Con của Ngài, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.” (1, 7)]…
(2) Thứ đến, trong Mt 2, 13-18 : ở đây, cho thấy chính các trẻ em cũng có thể nhận được ân sủng hiện sinh hiện hữu-vì, do có tương quan minh nhiên hoặc mặc nhiên với Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, như trường hợp các em bé ở Bêtlêem, bằng chính máu và mạng sống của mình [“Bấy giờ, vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêtlêem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống.” (2, 16)]…
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Mọi hy sinh vì Đức Giêsu-Kitô, minh nhiên hay mặc nhiên, đều có giá trị thuộc linh và cứu độ…
(2) Ai không chống lại chúng ta là đứng về phía chúng ta…

 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây