Sự Trung Thành Của Con Người và Đức Tín Thành Của Thiên Chúa

Thứ bảy - 13/11/2021 00:51
CHÚA NHẬT THỨ 33 QUANH NĂM – LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
SỰ TRUNG THÀNH CỦA CON NGƯỜI VÀ ĐỨC TÍN THÀNH CỦA THIÊN CHÚA

           
Anh chị em thân mến! Nói đến các thánh tử đạo là nói đến những chứng nhân trung thành đến chết với niềm tin của mình vào Chúa. Và thường chúng ta nghĩ ngay đến sự can đảm phi thường của các ngài. Thật vậy, trong các bài giảng lễ mừng kính các thánh tử đạo tai Việt Nam, trong khi nói đến con số những vị tử đạo, tới các thành phần của các ngài như giám mục, linh mục, thầy giảng, giáo dân…chúng ta thường chú tâm tới những hình phạt mà những kẻ bách hại đã dùng để buộc các ngài từ bỏ niềm tin: treo cổ, chém đầu, tứ mã phanh thây, tùng xẻo, xử giảo…nhưng tất cả đều không khuất phục được chí khí và lòng can đảm trong đức tin của các ngài. Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà chúng ta thường lãng quên: chính là sự trung tín của chính Thiên Chúa. Sự trung thành đến cùng trong đức tin của các thánh tử đạo không dựa vào dựa vào sức riêng của các ngài nhưng vào sự trung tín của chính Chúa. Liệu đây có phải là một suy diễn làm giảm đi giá trị chứng nhân của các thánh nói chung và nói riêng các thánh tử đạo không? Chắc chắn là không vì đối với các thánh, không phải chính các ngài mà chính Chúa được tôn vinh, nhận biết mới ta mục đích duy nhất của các ngài. Hơn nữa, đây không phải là một suy diễn thuần lý phàm nhân, nhưng là chính mạc khải của Thiên Chúa được Hội Thánh xác tín và công bố.

       
Kinh tiền tụng I lễ các thánh khẳng định “Chúa được tôn vinh nơi công đoàn các thánh, và khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa biểu lộ chính hồng ân của Chúa.” Vâng! không có ân huệ Chúa, như Chúa Giê-su nói, chúng ta, , những môn đệ của Chúa, kể cả các thánh tử đạo, không thể làm được gì; ngược lại, có ân huệ của Chúa và niềm tin vào Người, con người, như Chúa nói, sẽ làm được những việc Chúa làm và thậm chí còn lơn hơn Chúa nữa vì Chúa về với Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng ta. Trong việc tôn kính Đức Maria, Hội Thánh xác tín, “Chúng con tuyên xưng Chúa là Đấng kỳ diệu trong việc Chúa tuyên phong các thánh, nhất là khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria…” vì…., Chúa đã làm nên những việc trọng đại khi đoái nhìn phận hèn nữ tỳ của Chúa mà cho Mẹ được làm Mẹ Con Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ Trần Gian duy nhất hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời (xem kinh tiền tụng lễ Đức Maria). Khi nói về ân sủng của Chúa nơi các thánh tử đạo, Hội Thánh tuyên xưng “Chúa thực thi quyền lực của Chúa nơi bản chất mỏng dòn của con người, củng cố sức lực yếu đuối để họ làm chứng cho Chúa, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.” Vâng, không có ân huệ vô song của Chúa sẽ chẳng có bất cứ một vị thánh nào cả, thậm chí, ngay chính sự thánh thiên của các ngài cũng là một ân huệ của Chúa. Những xác tín của Giáo Hội đến từ cảm thức đức tin của toàn thể dân Chúa được thể hiện qua việc sống, cầu nguyện và cử hành của những cộng đoàn đức tin, thậm chí của những cá nhân

Cách đây cũng 20 năm, tôi được tham dự thánh lễ khấn dòng của một nữ tu trong xứ tại một hội dòng. Tôi nhớ mãi về lời khấn của các chị khi quỳ thành vòng cung trước mặt Chúa Giê-su Thánh Thể. Tôi không nhớ được hết mọi chi tiết nhưng câu gây ấn tượng nhất với tôi cho đến hôm nay chính là: Lạy Chúa, cậy dựa vào lòng trung tín của Chúa, con khấn giữ sự trung thành.” Vâng! không phải tựa vào sức của con, nhưng tựa vào sự trung tín của Chúa mà con khấn hứa trung thành. Tâm tình này cũng được cha Kim Long bộc bạch trong bài thánh ca quên thuộc “Chúa Không Lầm” của mình. Chúa vẫn trung thành với chọn lựa của Chúa cho người được Chúa chọn nhiều khi chẳng trung thành. Chúa chọn không phải vì Chúa lầm hay không biết những bất trung bội tín của người Chúa chọn trong việc thi hành sứ vụ. Chúa biết tất cả quá khư hiện tại tương lại của chúng ta. Chúa chọ vì tình yêu và lòng thương xót của Người. Vâng! không phải chúng ta trung thành với Chúa mà là chính Chúa trung tín với chính mình và với chọn lựa của Người. Nếu Chúa không trung tín mà hối tiếc vì quyết định của mình, chúng ta không ai có thể đứng vững. Tuy nhiên, Chúa vẫn mãi trung tín với chúng ta trong tình thương tha thứ và nâng đỡ chúng ta đứng dậy bước đi. Đức Cố Giám Mục Phaolo Bùi Văn Đọc có lần đã nói thật hay: lịch sử cứu độ là lịch sử của con người bất trung với Chúa và lịch sử của một Thiên Chúa trung thành với con người. Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế vẫn luôn là Thiên Chúa cứu độ. Thiên Chúa luôn vượt qua những rào cản từ phía con người, để trung thành với kế hoạch yêu thương thông ban tình yêu và sự sống cho con người, để đến với người mình yêu
           
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta khuôn mặt của một Thiên Chúa tín trung với lời hứa, với sự tuyển chọn bất chấp những bất trung của con người. Trước khi Thiên Chúa mạc khải Dánh Thánh Người cho Mô-sê, các tổ phục Abraham, Isaac và Gia-cop đã trải nghiệm sự trung tin với lời hứa của Thiên Chúa. Đấng Hằng Hữu là tên gọi Thiên Chúa mạc khải cho Mô-sê. Ngài Hằng Hữu trong tình thương, lòng nhân hậu, từ bị và rất mực thành tín. Dân Chúa khi đọc lại lịch sử của mình trong lăng kính Xuất Hành – Lưu Đày Và Hồi Hương đã thốt lên “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm”; “Tình thương đời đời con ca tụng. Miệng cao rao giảng lòng thành tín của Người” ; “Bởi vì Chúa nhân hậu muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một niềm thành tín.” Chắc chắn, chúng ta còn có thể tìm được nhiều xác tín của dân Chúa về sự trung tín hằng hữu của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

           
Với các thánh Tử Đạo, khi đối diện với những bách hại khổ hình, thay vì nhìn vào chính cực hình và chính mình để hãi sợ trốn chạy, quá khóa, các ngài đã nhìn vào chính Chúa và sự trung tín của Người. Chính vì tựa nương vào Chúa và sự trung tín của Người mà các thánh trung thành; còn kẻ bách hại thấy mình, không phải đối diện với những con người, những với MỘT AI ĐÓ, một đồn lũy vững bền muôn thuở mà không tài nào khuất phục được. Đó cũng là một trong những lý do mà nhiều người, từ chỗ bách hại trở thành môn đệ Chúa Ki-tô và chết cho Người

           
Trong bài đọc thứ nhất, sách Macabe khắc họa chân dung một người mẹ anh hùng: “Bà là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy người bảy con của mình phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.” Chúng ta để ý cụm từ được nhấn mạnh “thế mà bà vẫn can đảm nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa.” Niềm trông cậy của bà ở đây không phải là một cái gì lý thuyết, mà là một trải nghiệm, một xác tín mạnh mẽ của bà, nhờ đó, bà mới có thể truyền cho các con bà niềm xác tín vào sự trung tín của Chúa. Bài học giáo lý cho các con bà, tuy chỉ là những khoảnh khắc ngắn gọn, nhưng xứng đáng là gương mẫu cho các giáo lý viên: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khi và sự sống. Cũng không phải mẹ đã săp đặt các phần cơ thể cho mỗi người chúng con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tao nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khi và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng lề luật của Người hơn chính bản thân mình.” Kết thúc bài giáo lý, bà mẹ khuyến khích đứa con út: hãy cậy dựa vào lòng trung tín và xót thương của Chúa: “Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả lại con và các anh con cho mẹ.” Vâng, nhờ tin vào Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và trung tín, bà và các con bà đã can đảm chấp nhận cái chết – cái chết của một chứng nhân trung thành

           
Thánh Phaolo trong bài đọc thứ hai dùng một loạt 4 câu hỏi bắt đầu với cụm từ “Ai còn chống lại được chúng ta, những người được Chúa bênh đỡ?” “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn?” “Ai sẽ kết án họ…” và cuối cùng “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?” Tất cả những câu hỏi này đều đi đến một câu trả lời đã được dự định “không có ai cả, không có bất cứ thứ gì kể cả gian truân, khốn khổ đói rách hiểm nguy, bắt bớ gượm giáo; thậm chí, là “sự sống hay sự chết, thiên thần hay mà vương quỷ lưc, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ sức mạnh nào khác, không chỉ có thể tách được chứng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” Vâng, chính tình yêu và lòng tín trung của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô và trong quyền năng của Thánh Thần mà những chứng nhân đứng vững đến cùng. Thánh Phaolo trong lá thư gởi cho Timothe cũng nhắc nhở người con tinh thần của mình về lòng trung tín và xót thương của Thiên Chúa: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng tín trung, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2Tm 2, 13). Sự trung tín của Thiên Chúa trong cái nhìn của Phaolo không phải cái “CÓ” nhưng là là “LÀ,” là bản tính, là chính Thiên Chúa. Đức Thánh Phan-xi-cô diễn giải: Và chính vì điều này (lòng trung tín), Thiên Chúa hoàn toàn và luôn luôn đáng tin cậy. Một sự hiện diện chắc chắn và vững bền. Và đây là sự chắc chắn của niềm tin của chúng ta. Và rồi, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy phó thách hoàn toàn cho Ngài, và chúng ta hãy thưởng nếm niềm vui vì đựơc yêu thương bởi Thiên Chúa thương xót, chậm bất bình và vĩ đại trong tình yêu và trong đức tin. Một sự trung tín vô hạn: đó là lời cuối cùng Thiên Chúa mạc khải cho Mô-sê. Sự trung tín của Thiên Chúa không bao giờ giảm bớt, bởi vì Thiên Chúa là Đấng Bảo Trợ, như Thánh Vịnh nói, Ngài không bao giờ buồn ngủ nhưng tỉnh thức luôn luôn để mang chúng ta đến với sự sống: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành![…] Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời. (Tv 121,3-4.7-8).

           
Lòng trung tín của Thiên Chúa với chúng ta được biểu lộ nới chính con người cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su Ki-tô, trong thận phận người phàm đã sống, cảm nghiệm và tin tưởng vào sự trung tín của Chúa Cha khi đón nhận chén đắng là cái chết đau thương tủi nhục trên thập tự giá. Tiếng kếu “Cha ơi sao Cha nỡ đành bỏ con” không phải là tiếng kêu tuyệt vọng, mất niềm tin vào Thiên Chúa. Thật thế, đây là lời mở của Thánh Vinh 23, lời kêu cầu của người công chính gặp đau khổ lên Thiên Chúa và được Chúa nhậm lời. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã đọc hết Thánh Vịnh tín thác này. Thánh vịnh kết thúc “Phần tôi nguyện sẽ sống cho Chúa, con cháu tôi sẽ phụng sự Người. Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai, truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người, rằng “Đức Chúa đã làm như vây.” (Tv 23, 31 – 32). Sự phục sinh Con Mình từ trong cõi chết là biểu lộ rõ nhất mạnh mẽ nhất sự trung tín của Thiên Chúa Cha. Chính sự phục sinh của Chúa Giê-sư là nền tảng không lay chuyển cho niềm tin vào sự trung tín của Chúa nơi các thánh, nhất là các thánh tử đạo những người “liều mất mạng sống mình vì Chúa” với niềm xác tín: họ sẽ được Thiên Chúa tín trung trả lại cho họ một cuộc sống mới, một cuộc sống dồi dào trong ngày Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng họ tin ngư đến trong vinh quang.

             
Các thánh Tử Đạo tại Việt Nam chắc chắn là những người chiến thắng vì tựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa. Các ngài tin “Đạo Thiên Chúa là Đạo Thật” – thật cũng có nghĩa là Trung Tín, không đổi thay (Thánh Mỹ); Vì Thiên Chúa tín trung với lời hứa nên, được chịu khổ vì Đức Ki-tô là niềm mong đợi, là hạnh phúc của các ngài vì được tới bên thiên đàng (Thánh Phê-rô Cao); là điểm hẹn của Chúa Ki-tô với những ai thuộc về Người (Thánh An-rê Dũng Lạc); và dĩ nhiên, dù người đời coi họ như những kẻ ngu si đã chết, nhưng với họ, họ biết mình không phải là những kẻ dại khờ nhưng là “những người khôn ngoan vì  biết hiến mình cho chân lý để được chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời” (Thánh Phê-rô Truật). Với các thánh Tử Đạo, được chết cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô là cơ hội để “sống trọn đạo trung thần hiếu tử” (Thánh Phê-rô Quý) là cách thế để “vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất “ (Thánh Phaolo Khoan) và hoàn thánh ý muốn của Thiên Chúa nơi cuộc sống của mình (Thánh Simon Hòa)

           
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cám ơn Chúa vì nhờ Chúa, chúng con được trải nghiệm sự trung tín của Chúa Cha; cũng nhờ cái chết và sự phục sinh cuả Chúa, mà Thánh Thần được ban để giúp chúng con thi hành sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa. Chính nhờ Thánh Thần và các ân huệ của Người, mà chúng con, nhất là các thánh Tử Đạo trải nghiệm được sự trung tin của Chúa – Đấng ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Cùng với các thánh Tử Đạo tại Việt nam, chúng con xin được hợp tiếng chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa nơi cộng đoàn Hội Thánh. Xịn nhờ lời chuyển cầu các thánh tử đạo tại Việt Nam, giúp chúng con sống vai trò chứng nhân giữa cuộc đời này cách can trường. Xin giúp chúng con nhớ rằng, không phải tự sức chúng con tạo nên sự trung thành của mình nhưng chính là nhờ sự trung tín không lay chuyển của Chúa, để khi đối diện với những khó khăn, bắt bớ, nguy hiểm của đời chứng nhận, chúng con biết cậy dựa tựa nương vào lòng trung tín và xót thương của Chúa. Xin ban ơn trung thành cho chúng con để chúng con được từ giã cuộc đời trong tư thế của một người tựa nương vào trung tín của Chúa. Amen.



Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây