Suy niệm - Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A

Thứ bảy - 24/06/2023 03:57
Phúc Âm: Mt 10, 26-33

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.


1. Đừng Sợ” – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Trên đời này có rất nhiều cái sợ: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết.Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và con người dù muốn dù không vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấy rõ điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu cho thấy con đường theo Chúa là gian khổ,là vất vả, nhưng vượt thắng khó khăn thử thách thì mới đạt được vinh quang. “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo”. Con đường theo Chúa là con đường chông gai, thử thách, khó khăn. Lướt thắng những nghịch cảnh, những khó khăn thử thách, con người mới tới được vinh quang nhờ niềm tin và hy vọng “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Ga 14, 18). Trong đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ ba điểm.
– Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.
– Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
– Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh .hồn. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo hội. Hai mươi thế kỷ sau, Thánh Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lập lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II không ngừng lặp lại với cả Giáo Hội và cả thế giới rằng “Đừng sợ!”.
Sống trong thời nhiễu nhương, có nhiều biến động tại Ba Lan và Đông Âu; cuộc đời nếm trải bao nhiêu thăng trầm dâu bể để có thể sống, học hành, rồi làm chủng sinh, linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng; Đức Gioan Phaolô II trải nghiệm qua những thách thức của nghịch cảnh, của khổ đau. Lập lại lời Chúa Giêsu, Ngài muốn nói lên tinh thần bất khuất, hiên ngang để trung thành với giáo lý Chúa Kitô, bảo vệ kỷ cương của Giáo Hội.
Đức Bênêđictô XVI tiếp nối đường hướng Đức Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi giáo hoàng, ngài đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước”. Lý do để “tiến lên” là bởi có Chúa ở cùng. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta…”.
Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều người phải ngạc nhiên vì những hành động và các lời phát biểu của Ngài như là vị cha chung hiền lành và khiêm nhường. Nhiều lần ngài cũng dùng kiểu nói “đừng sợ”. “Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm…Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Khi sống theo 3 điều này, các con sẽ cảm nghiệm được rằng người rao giảng Tin Mừng thì cũng được trở nên Tin Mừng. Ai thông truyền niềm vui đức tin, thì cũng nhận được niềm vui…Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, không bao dung và oán thù. Để kiến tạo một thế giới mới, Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn!..Đức tin hay đức cậy hoặc đức mến dĩ nhiên phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này đồng nghĩa với giáo huấn “Hãy mặc lấy Đức Kitô”, đặt niềm tin nơi Người, chứ không ở nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực.”
Nội dung lời phát biểu của các nhà lãnh đạo lớn của Giáo Hội chính là lời của đức tin và là lời của hy vọng.
Tin yêu và hy vọng sẽ lướt thắng mọi sợ hãi. Chúa Giêsu đưa ra một số lý do để khuyên “đừng sợ”.
Phải sợ Thiên Chúa hơn sợ người ta
“Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục”; “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy”.
Người hèn nhát là người sợ khổ, sợ chết đến nỗi không dám làm theo đòi hỏi của lương tâm, luôn tránh những tệ hại nhỏ cho cá nhân mình để bắt cả xã hội hay tập thể phải gánh chịu những tệ hại lớn lao vì mình. Người nhát gan vẫn có thể không hèn, mà người bạo dạn đôi khi lại rất hèn.
Đức tin giúp con người nhận ra rằng: tệ hại lớn nhất trên đời là những gì làm thiệt hại cho linh hồn mình, cho sự sống vĩnh cửu của mình đời sau. Vì thế, người có đức tin có thể chấp nhận dễ dàng những tệ hại chóng qua ở đời này hầu đạt được những lợi ích lâu dài cho đời sống vĩnh cửu mai hậu. Trong chiều hướng này, Chúa Giêsu khuyên: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28). Bị giết chết thân xác là một trong những điều đáng sợ nhất ở đời này, nhưng với cái nhìn sâu xa của đức tin thì bị “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” còn đáng sợ hơn bội phần. Vì thế, thà bị giết thân xác mà cứu được linh hồn mình thì vẫn có lợi hơn. Nhưng than ôi, biết bao người lại sẵn sàng chấp nhận bị “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” để tránh khỏi cái khổ cực hay cái chết thể xác, hoặc để thân xác được hưởng những vui sướng chóng qua ở đời này. Trước mặt thế gian, họ được coi là khôn ngoan, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ là những kẻ dại ngờ nhất.
Phải tin vào phẩm giá cao quý của mình và tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Con người – nhất là người Kitô hữu – là “con cái Thiên Chúa” (Mt 5,15; Rm 8,14.16; Gl 3,26; 4,6), được dựng nên “giống như Ngài” (St 1,26), “theo hình ảnh của Ngài” (1,26.27), được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (1Pr 1,4), được Thiên Chúa yêu thương (Ga 3,16; 1Ga 3,1). Như vậy, con người có một phẩm giá hết sức cao quí. Cao quí đến nỗi Thiên Chúa đã phải sai Con Một mình xuống thế chịu chết cho con người (Rm 5,6-8; 1Cr 15,3). “Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng”, thế mà “không một con nào rơi xuống đất ngoài thánh ý Thiên Chúa”. Là con cái Thiên Chúa, được thông phần bản tính Ngài, con người quí giá hơn chim sẻ hàng tỷ lần: “anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”, đến nỗi “tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”!
Tình yêu giải phóng con người khỏi sợ hãi. Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Tình yêu giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của chúng ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm.
Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà biết bao người dám chấp nhận tất cả cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che. Chúa Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng. Con người quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); và “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8; x. 1Cr 15,3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.
Tin yêu và hy vọng
Trước nguy hiểm và thử thách, ai mà không sợ hãi. Chỉ có tin yêu và hy vọng mới giúp chúng ta thắng vượt sợ hãi và chấp nhận nguy hiểm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5,11-12). Gian truân vẫn có thể xảy ra nhưng niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta trung thành với Thiên Chúa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22); “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài; nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (2Tm 2,11-12; x Rm 6,8; 8,17); “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). (NCK).
Nhờ tin yêu và hy vọng nên không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Kitô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39).Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.


2. Biết sợ – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Trước hết, Người dạy ta biết phân định giá trị. Sự sống là quí giá ta phải trân trọng. Mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống có nhiều cấp độ. Có sự sống thân xác nhưng cũng có sự sống linh hồn. Có sự sống đời này nhưng không có sự sống đời sau. Sự sống đời này là chóng qua. Sự sống đời sau vĩnh cửu. Sự sống thân xác mau tàn. Sự sống linh hồn bất diệt. Ta phải yêu quí cả hai sự sống. Nhưng khi không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai thì phải biết chọn sự sống cao quí, vĩnh cửu, đó là linh hồn, là sự sống đời sau.
Người cũng dạy ta phân định thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần. Lỡ thời sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Lỡ thời có thể hỏng cả cuộc đời. Có thời cơ để rao giảng Lời Chúa. Hiện nay, Lời Chúabị che giấu, chỉ thì thầm bên tai, còn nhiều người chưa biết. Ta được cơ hội đóng góp phần mình vào việc rao truyền Lời Chúa. Nhưng sẽ đến ngày mọi sự kín đáo sẽ tỏ lộ. Lời Chúa sẽ được mọi người nhận biết. Bấy giờ cơ hội sẽ hết. Có thời cơ tuyên xưng danh Chúa. Khi còn ở trần gian, giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan, chính là cơ hội cho ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt, cơ hội đó sẽ không còn.
Và sau cùng là phân định nguyên lý. Thiên Chúa là chủ mọi loài. Thiên Chúa nắm quyền sinh tử. Thiên Chúa an bài mọi sự. Con người chỉ là quản lý của Chúa trong một thời gian, trong một vài lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, chính Thiên Chúa xét xử và thưởng công, trừng phạt.
Khi đã có những phân định rõ ràng ta sẽ biết sợ và biết không sợ.
Biết sợ Chúa là Chủ tể mọi loài, mọi sự. Không những làm chủ thân xác mà còn làm chủ cả linh hồn. Không những làm chủ đời này mà còn làm chủ cả cuộc đời sau.
Biết sợ mất linh hồn. Linh hồn là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng cho con người. Sự sống của linh hồn là sự sống Thiên Chúa ban, hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mất linh hồn là mất tất cả. Như Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn thì nào được ích gì?”.
Biết sợ lỡ thời cơ. Hãy biết làm việc khi còn ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng sẽ lỡ cả một đời. Như những cô trinh nữ khờ dại chỉ còn đứng ngoài cửa Thiên đàng mà than khóc. Như người đầy tớ lười biếng chôn giấu nén bạc phải khóc lóc nghiến răng.
Khi đã biết sợ như thế, ta sẽ không sợ người đời, vì người đời chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ta sẽ không sợ mất mạng sống, vì sự sống thân xác nay còn mai mất, chẳng tồn tại lâu dài. Ta sẽ không sợ hình khổ hạ thân xác, vì khổ hình rồi cũng sẽ qua.
Nói không sợ cũng không đúng hẳn. Đau đớn khổ cực ai mà không sợ. Nhưng như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1) Bạn đã từng bị những nỗi sợ nào đè nặng. Những nỗi sợ đó có chính đáng không?
2) Sống đạo là chấp nhận thiệt thòi. Bạn có dám chấp nhận thiệt thòi vì Chúa không?
3) Muốn trung thành với Chúa, bạn làm cách nào để tránh được những nỗi sợ do người đời đem đến?


3. ĐỪNG SỢ VÀ ĐỪNG NẢN LÒNG ! Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Chúng ta trở lại với lời khích lệ của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Đừng sợ!” (Mt 10,26. 28. 31). Lời này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhắc lại thường xuyên trong giáo huấn của ngài, nhất là dành cho giới trẻ. Trong suốt chương 10 này, khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng báo trước cho họ về sự từ khước, và hơn nữa, sự loại trừ, sự bách hại của người khác trước lời loan báo của các ông. Sự từ khước và loại trừ ấy còn diễn ra giữa những người trong cùng một gia đình nữa! Nhưng điều ấy cũng không lạ gì, bởi vì chính nội dung sứ điệp của Chúa Giêsu đã mang đến sự chia rẽ này vì nó khác với suy nghĩ của con người, đến độ Ngài ví von rằng Ngài đến mang gươm giáo chứ không phải hoà bình (x. 10,34)!
Sự sợ hãi là cảm xúc khá thường xuyên trong tương quan giữa con người với nhau: sợ người khác biết những giới hạn của mình, sự bị từ khước, sợ không được yêu mến...! Chúng ta cần được người khác nhìn nhận. Tiên tri Giêrêmia khá đau khổ khi được sai đi rao giảng lời của Chúa, nhưng lại bị người ta từ khước và còn ném đá ông suýt chết! Điều ấy khiến ông muốn Chúa làm sáng tỏ về sự đúng đắn của ông và trị tội những người kia! 
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng như chúng ta cần xác tín vào lời Ngài để dám sống theo, dám nói về những lời ấy, bất chấp người ta có đón nhận hay không. Hơn nữa, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa để không sợ hãi trước những bất trắc khi đi theo con đường của Ngài.
Chúng ta cũng thường sợ hãi khi người khác biết những giới hạn của mình. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta sống trong thời của ân sủng, của ơn tha thứ nơi Chúa Giêsu Kitô. Nếu những khuyết điểm của mình là thật, thì cần nhìn nhận chúng để có thể đón nhận ơn tha thứ, chứ tại sao lại phản kháng, lại che đậy, và do đó mà sợ hãi người khác! Đối diện với sự thật về những giới hạn của mình, để không sợ hãi và tiến lên phía trước. 
Tin vào chân lý của Chúa để dám sống theo.
Tin vào sự quan phòng của Chúa để phó thác cuộc sống cho Ngài.
Tin vào ơn tha thứ của Chúa để thanh thản trước giới hạn của mình và trước những lời phê bình hay sự nhìn nhận của người khác.


4. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay thực sự là điểm quy chiếu cần thiết cho đời sống mỗi ngày trong một thời đại mà con người hầu như đã bị lạc lõng giữa muôn vàn giá trị. Chúng ta thử mường tượng khi lần đầu tiên bước vào một siêu thị, một hình ảnh của thế giới hiện đại, chúng ta thực sự bị hoa mắt, và bối rối biết bao?
Cuộc sống hôm nay với nền kinh tế thị trường, người ta quen dần với những khái niệm hàng hiệu, hàng nhái, hàng chất lượng cao… nhưng tất cả còn tùy thuộc khả năng tiếp thị : từ những thông tin, từ mẫu mã bao bì, từ cách tiếp cận. Nhưng vấn đề lớn hơn vẫn là sức mạnh của đồng tiền đã mở thông mọi cánh cửa cho cuộc sống, để rồi nó chế ngự mọi cách suy nghĩ, thậm chí còn là thước đo khả năng một con người, một tập thể. Nếu như còn một nhân tố đối trọng nào khác, có khả năng chi phối đồng tiền và sức mạnh của nó, thì có lẽ trong thực tế chỉ còn là bộ máy cơ cấu tổ chức xã hội. Đó là tất cả lối sống và làm việc của con người hôm nay. Trong cuộc sống này, ai ai cũng có thể thấy rằng thị trường và bộ máy cơ cấu thực ra mãi mãi là một biến động không ngừng, và nhiều khi đi từ thái cực này qua thái cực khác. Chính vì vậy, con người luôn bị giao động bất an. Càng làm lớn, càng phải lo sợ nhiều.
“Anh em đừng sợ” Chúa Giêsu nói với các Kitô hữu như thế. Lời mời gọi kèm theo một cách nhìn khác về cuộc sống: “những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Theo đó “kinh tế thị trường” có thể “giết được thân xác” với những quy luật phi nhân của nó. Và “kinh tế thị trường” tuy “không giết được linh hồn”, nhưng trong thực tế của con người sau tội nguyên tổ, thì nó có thể giam hãm con người trong vòng tội lụy. Thánh Phaolô đã đặc biệt có những suy nghĩ về vấn đề này trong đoạn thư Roma hôm nay “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết…” Chúng ta có thể thấy muôn vàn hệ lụy trong xã hội hôm nay : với thời mở cửa, thì cũng là lúc những tệ nạn xã hội : tham nhũng, hối lộ, đầu cơ trục lợi, lũng đoạn thị trường với những sản phẩm nhằm khích động bạo lực, dâm ô, xì ke, ma túy…làm tan nát nền móng đạo đức xã hội là gia đình. Người ta thừa nhận là hợp pháp việc “ly dị”, “hôn nhân thử”, “phá thai”, “ngừa thai”… Hậu quả là xã hội bất ổn, con người càng ngày càng sống trong lo sợ hãi hùng, và nhất là giới thiếu nhi, bị khuôn đúc thành “sản phẩm phục vụ lợi ích kinh tế”, không còn cơ hội đạt tới mức tự do tâm linh vốn là giá trị cao cả tối thượng của một con người. Đứng trước tình trạng ấy, sự khủng hoảng như một định kỳ không thể tránh, đã xảy ra trong mọi xã hội, cách riêng ở những xã hội phát triển cao, gây nên những đổ vỡ không lường.
Đức Giêsu không dừng lại ở mức độ một lời mời gọi, Ngài thúc bách môn đệ “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Đó là phương thuốc duy nhất có thể tái lập lại trật tự cho xã hội, cho nhân loại. Thánh Phaolô đã đón nhận lệnh truyền này một cách đặc biệt, mà theo Ngài thì tất cả những gì môn đệ đã nghe biết tựu trung chính là Con Người Đức Giêsu Kitô vì “nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” Chính vì thế “tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ” chính là nhiệm vụ và vinh dự của người môn đệ.
Có nhiều cách để tham gia vào sứ vụ loan báo Đức Kitô, nhưng cách thế căn bản nhất cho hết mọi người vẫn là một cuộc sống thể hiện niềm tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa Cha như chính Đức Giêsu. Nếp sống ấy đã được các tiên tri đặc biệt rao giảng, nhiều khi bằng chính đời sống của các Ngài, như trường hợp của tiên tri Giêrêmia làm chứng. Và cũng vì thế truyền thống vẫn nhìn nhận Giêrêmia như là hình ảnh loan báo Đức Kitô.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây